Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Tông Huấn VERBUM DONMINI

Ngày 11-11-2010, Tòa Thánh đã phổ biến cho toàn thể Giáo Hội, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đông Giám Mục Thế Giới, mang tựa đề “Lời Chúa Kitô” (Verbum Domini), do Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI ban hành ngày 30-9-2010. Trước đây vào năm 2007 (ngày 22-2-2007), Đức Beneđicto XVI đã ban hành Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Thế giới về Bí Tích Thánh Thể mang tựa đề “ tích tình yêu” về Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội (Sacramentum Caritatis), thành quả của Thượng Hội Đồng Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể. Như vậy chúng ta có hai văn kiện giáo hoàng thật quan trọng về hai chủ đề gắn liền với đời sống và sứ vụ của Giáo Hội : Lời Chúa và Thánh Thể. Đây cũng là hai phần chính cũa Thánh Lễ Misa : Phụng vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể.

Trong bài sau đây, tôi muốn tìm hiểu một cách tổng quát Tông Huấn “ Lời Chúa Kitô” để có được hiểu biết thêm về một thực tại quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội, đó là Lời của Thiên Chúa.

Tựa đề

Tông huấn mang tựa đề “Lời Chúa Kitô” (Verbum Domini), là hai chữ đầu tiên của bản văn latinh, bản văn chính của Tông huấn. Đây là cụm từ lấy từ lời tung hô sau khi thày Phó tế (hay linh mục) đọc bài Phúc âm : Verbum Domini, mà trong sách bài đọc tiếng Việt, hoặc trong sách “Nghi thức Thánh Lễ” (Ordo Missae) tiếng Việt, dịch là “Đó là Lời Chúa”.  Ở đây chúng ta ghi nhận một điều là sau bài đọc thứ I (từ Cựu Ước), và bài đọc thứ II (từ thư các Thánh Tông đồ), lời tung hô trong tiếng latinh là “Verbum Dei”, mà tiếng Việt Nam cũng dịch là “Đó là Lời Chúa”, đáng lẽ phải dịch là ‘Đó là Lời Thiên Chúa”. Còn cụm từ  Verbum Domini” phải dịch là “Đó là Lời Chúa” hoặc “Đó là Lời Chúa Kitô”. Nhưng có lẽ vì đã quen, nên bản dịch mới “Ordo Missae” vẫn giữ nguyên lối dịch “Đó là Lời Chúa” cho lời tung hô “Verbum Domini”. Trong mạch văn của Tông huấn, tôi muốn dùng  kiểu dịch “Lời Chúa Kitô”, nhưng không loại trừ kiểu dịch vẫn thịnh hành trong bản văn phụng vụ: “Lời Chúa”, được hiểu như là lời của Đức Chúa Giavê, như sẽ trình bày dưới đây về nguồn gốc của câu này trong Sách Isaia II, tức là Is 40-45.

Tựa đề Verbum Domini cho thấy được phần nào nội dung sẽ khai triển trong toàn thể Tông Huấn, tức là bàn về Lời Thiên Chúa, Lời Chúa Kitô, hoặc rộng hơn nữa Lời Kinh Thánh, mặc khải của Thiên Chúa.

Tông Huấn cũng nói ngay xuất xứ kinh thánh của tựa đề này : tựa đề này gợi hứng từ thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1Pr 1, 25; x. Is 40, 8): “ Lời Đức Kitô còn tồn tại luôn mãi. Nhưng Lời này, chính là  Phúc âm đã được loan báo cho anh em”(24. quia omnis caro ut fenum et omnis gloria eius tamquam flos feni; exaruit fenum et flos decidit; (25) Verbu autem Domini manet in aeternum). Vế thứ nhất trong câu nói của Thánh Phêrô “Lời Đức Kitô còn tồn tại luôn mãi”, lấy lại từ sách ngôn sứ Isaia 40, 8. Sách Isaia ở đây mang tên là sách Isaia II (sách Ngôn sứ Isaia II gồm các đoạn 40-55), được viết cho các người Do Thái đang bị lưu đầy bên Babylon. Họ được tác giả sách Isaia II, loan báo cho biết Thiên Chúa hứa sẽ đem họ ra khỏi cảnh lưu đầy và đưa họ về đất hứa. Do đó lời tiên tri khẳng định rõ ràng: “Lời Chúa tồn tại đến muôn đời” là một lời giúp dân Israel đang bị lưu đầy – vì đau khổ nhiều, nên có tâm thức nghi ngờ những lời hứa của Thiên Chúa - an tâm và tin tưởng vào lời của Thiên Chúa hứa sẽ giải thoát họ và đem họ về đất hứa.

Vế thứ hai của trích dẫn từ thư của Thánh là phần riêng của Thánh Phêrô : Nhưng Lời này, chính là lời đã được loan báo cho anh em như là Tin Mừng”(Hoc est autem verbum quod evangelizatum est in vos). Phêrô đã áp dụng câu nói của tiên tri Isaia vào chính Chúa Kitô, vào Phúc âm của Chúa Kitô. Đây là lối đọc Cựu Ước vào thời các Thánh Tông đồ. Chúng ta có các thí dụ như trong Mt 3, 13-15 : Chúa Giêsu nhận mình là Đấng phải đến, như Gioan Baotixita rao giảng cho dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa cho. Như trong bản văn đoạn 6 của Gioan về bánh hằng sống, khi Phêrô tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu đã chấp nhận, và cấm các ông không được nói ra (x. Ga 6). Hoặc như trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Từ tựa đề và câu mở đầu của Tông Huấn “Lời Chúa Kitô”, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với phần chính của Tông Huấn.

Tông Huấn “Lời Chúa Kitô”, thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ 12

Xác quyết này được nhận ra từ tựa đề dài và đầy đủ của Tông huấn: Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới “Lời Thiên Chúa” của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi các Giám Mục, Giáo sỹ, các người thánh hiến và tín hữu giáo dân về Lời Thiên Chúa trong đời sống và trong sứ mệnh của Giáo Hội”. Trong cuộc họp Thượng Hội Đồng Thế Giới, các Nghị phụ đã phát biểu, tham luận về đề tài “Lời Thiên Chúa”. Các tham luận này là của đại diện của các Hội đồng Giám Mục tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới. Đó là những quan điểm chính thức của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới về đề tài được bàn thảo, và là những ý kiến của các Giám mục đại diện, cũng như đó là những phát biểu theo tư cách cá nhân và tự do của các Giám Mục, hoặc trong chính cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới, hoặc các đóng góp gửi tới Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Đó là quan điểm của các thành viên được mời đến tham dự Thượng Hội Đồng Thế giới, như các thành viên do chính Đức Thánh Cha chỉ định. Đó là quan điểm của các vị đứng đầu các Cơ quan trung ương của Tòa Thánh. Và ngoài các quan điểm của các thành viên chính thức, còn có sự đóng góp của các vị đại diện các Giáo Hội Kitô, ngoài Giáo Hội Công Giáo. Các quan điểm của các Giáo Hội ngoài Giáo Hội Công Giáo mang tính cách rất quan trọng, vì các Giáo Hội này đặt trọng tâm đặc biệt vào Kinh Thánh, vào Lời Chúa. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã trình lên Đức Thánh Cha 55 đề nghị đúc kết của Đại Hội để Đức Thánh Cha có thể dựa vào đó mà soạn thảo Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tất cả 55 đề nghị này đã được  đưa vào trong Tông Huấn.

Xét như trên, chúng ta nhận ra Tông Huấn Lời Chúa Kitô là kết quả của suy tư, đóng góp của các Chủ chăn trong Giáo Hội. Sự đóng góp trực tiếp hay gián tiếp. Sự đóng góp này vừa mang tính cách thần học, nhưng nhất là mang tính cách mục vụ cụ thể, vì các chủ chăn đã lãnh nhận từ Chúa Kitô sứ vụ rao giảng Lời Thiên Chúa cho muôn dân: “Các con hãy đi rao giảng khắp thế gian nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mc 16, 10; Mt 28,20). Sự đóng góp này mang tính cách phổ quát và đa dạng, vì các vị thành viên Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đến từ các vùng địa lý khác nhau trên địa cầu : từ Châu Đại Dương, từ Châu Á, từ Châu Phi, từ Châu Mỹ, từ Châu Âu. Có những nơi Lời Chúa đã được rao giảng, suy tư, sống và học hỏi từ lâu đời, và đã có cơ sở vững chắc rõ ràng. Tại những nơi khác Lời Chúa được lưu ý cách thoáng qua. Có những nơi sự chú tâm tới Lời Chúa bị lu mờ đi và đang được củng cố tái tạo lại và được nhấn mạnh nhiều hơn, nhất là từ sau Công Đồng Vaticano II.

Có những nơi việc học hỏi, suy tôn Lời Chúa phát triển mạnh, vì tín hữu công giáo ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa, hoặc đang sống bên cạnh những anh chị em Tin Lành, là những người rất trân trọng với Lời Chúa, và đặt tất cả nền tảng nơi Lời Chúa. Các tín hữu công giáo có bí tích và Lời Chúa nuôi dưỡng và nâng đỡ. Tuy nhiên tại một số nơi, nhất là trong Giáo Hội Công Giáo, sự chú ý tới Lời Chúa đã bị bỏ qua, hay không được chú ý đủ, hoặc chỉ tìm gặp, tiếp xúc với Lời Chúa qua các buổi cử hành Thánh lễ và các bí tích cũng như các phụ tích mà thôi. Chính đây là lý do Đức Thánh Cha đã triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Các suy tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được đúc kết lại và từ đó Đức Thánh Cha soạn Tông Huấn này và ban hành cho toàn thể Giáo Hội.

Cấu trúc của Tông Huấn

Qua một vài điểm trình bày trên đây, chúng ta hiểu được nguồn gốc và ý hướng đạt tới của Tông huấn “Lời Chúa Kitô”. Bây giờ chúng ta nói tới bố cục hoặc cấu trúc của Tông huấn này. Tông huấn dài và gồm 124 số, vớ 357 chú thích để làm sáng tỏ các điểm nằm trong phần chính.

Ngoài lời mở (số 1-5) và lời kết (số 121-124), Phần chính của Tông huấn “Lời Chúa Kitô” được chia làm ba Đoạn có liên hệ với nhau:

Phần thứ I : Lời Chúa Kitô (s. 6 – 49) : đây là phần căn bản của Tông Huấn nói về việc Thiên Chúa đến gặp gỡ, thông truyền sự sống của Ngài cho con người bằng con đường đối thoại qua “lời” dưới nhiều hình thức khác nhau (s.6. 7. 24), bắt nguồn từ Chúa Cha (s. 20), qua con đường lời tự nhiên (liber naturae, s. 7. 8. 9), nhưng tất cả các lời này đều mang dấu ấn của Đức Kitô, vì Ngài như là “lời được viết ngắn lại” (verbum abreviatum) của mọi lời mặc khải (s. 11. 12), bằng lời mặc khải nhờ Chúa Thánh Thần, qua hành động linh hứng của Ngài, trong Cựu Ước và Tân Ước, vì thế hai phần của Kinh Thánh của một mặc khải duy nhất (s. 15.19. 39. 40tt). Tuy nhiên lời mặc khải này chứa đựng trong đời sống của Giáo Hội, tức là Thánh Truyền và Thánh Kinh (s. 17). Đứng trước Lời Thiên Chúa, con người, Kitô giáo hay Do Thái Giáo, các mục tử, các nhà chú giải, các nhà thần học, cùng với các anh em Kitô hữu khác, đáp trả lại qua việc chấp nhận và đi vào giao ước đời đời (s.22. 43. 45. 47. 46), bằng đức tin và bằng cả lý trí (s. 25. 36). Họ tìm hiểu Lời Chúa qua những phương pháp chú giải lành mạnh trong Giáo Hội, để giúp nhận ra Lời Chúa trong Kinh Thánh (s. 72), nhất là những trang khó hiểu, để tránh những các giải thích quá khích (s. 29. 31tt. 42. 44); Tông Huấn nhắc nhở mọi người rằng, việc học hỏi Lời Thiên Chúa phải là linh hồn của mọi khoa thần thần học thánh, theo gương các thánh (s. 31tt. 46). Trong khi tội của con người được Tông Huấn coi là việc “không nghe” Lời Thiên Chúa (s. 26), thì Đức Trinh Nữ Maria được coi là Mẹ của Lời, Mẹ của Đức Tin và Mẹ của niềm hoan lạc vì Mẹ đã nghe Lời (Mater Verbi, Mater fidei et Mater laetitiae, s. 27. 124, x. s. 88).

Phần thứ II : Lời Chúa trong Giáo Hội  (50- 89). Sang tới phần thứ II, Tông Huấn khai triển mối liên hệ giữa Lời Chúa và Giáo Hội. Việc khai triển này luôn tiến hành theo hướng mục vụ, đi từ việc tiếp nhận Lời Chúa (s. 50. 51), đến những hình thức tiếp nhận và công bố Lời Chúa, như Phụng vụ (s.52), việc cử hành các bí tích (s. 53), nhất là việc cử hành bí tích Thánh Thể (s. 54). Nhân khi nói tới bí tích, Tông Huấn đề cập tới một điểm khá mới và khá quan trọng, nhưng lại giúp chúng ta hiểu Lời Chúa dễ dàng hơn, đó là “tính bí tích” (sacramentalité) của Lời Chúa (s. 56). Điều này được hiểu là : Lời Chúa như một thực thể vô hình (những âm thanh, ký hiệu hữu hình), và yếu tố siêu nhiên, vì các âm thanh, đâu hiệu đó mang tải một thực tại siêu nhiêu thuộc thế giới Thiên Chúa.

Tông Huấn đưa ra một vài vấn đề mục vụ cụ thể liên hệ tới Lời Chúa, như : Sách Các Bài Đọc (s. 57), thừa tác vụ Đọc Sách (s. 58), các bài giảng (s. 59. 60), bí tích Thống Hối và Hòa Giải Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân (s. 61), Sách Phụng Vụ các Giờ Kinh (s. 62),  Sách Các  Chúc Lành (s. 63), việc linh hoạt phụng vụ (s. 64tt. ), Lời Chúa và việc giữ thinh lặng (s. 65). Tông Huấn cũng nhắc lại luật phụng vụ là : chỉ dùng bản văn Kinh Thánh trong phụng vụ (s.69). Tông Huấn tiếp tục trình bày việc sáng tác các bản văn thánh ca phụng vụ gợi hứng từ Kinh Thánh (s. 70), chú tâm đặc biệt để Lời Chúa được ban phát dồi dào cho người mù và điếc (s. 71), giáo dân cần được huấn luyện về Kinh Thánh (s. 75. 84), Lời Chúa với gia đình, trẻ con (s. 85. 86), cả với các thừa tác viên có chức thánh, như giám mục, linh mục, phó tế, chủng sinh (s. 78. 79. 80. 81. 82). Các người thánh hiến cần coi Lời Chúa như là luật của đời sống (s. 83). Sinh hoạt mục vụ, công tác huấn giáo, cũng cần được thấm nhuần dồi dào bởi Lời Chúa (s. 73. 74), Lời Chúa được dùng trong các buổi tập họp đông đảo tính hữu (s. 76). Tông Huấn dành một lời nói đặc biệt về phương pháp đọc với cầu nguyện đối với Lời Chúa (Lectio divina, lectio orans) (s. 86). Rồi phải nói gì với vùng Palestina, vùng đất mà cách đây hai ngàn năm Lời Thiên Chúa nhập thể, và được công bố rao giảng (s. 89).

Phần thứ III : phần này trình bày mối liên hệ của Lời Chúa đối với thế giới (s. 90 – 120). Tông Huấn hướng về thế giới để nhận ra tương quan của Lời Chúa với thế giới. Như vậy chúng ta nhận thấy Tông Huấn đã đi vòng tâm nói về chính Lời Chúa (LờiChúa), ra vòng II (với Giáo Hội), và vòng III, ngoài cùng (Lời Chúa với thế giới). Phần này giúp chúng ta suy niệm về Lời Chúa bắt nguồn từ Chúa Cha và sẽ đem con người hướng về Chúa Cha (s. 90), và về sứ vụ loan báo Lời Chúa cho thế giới (s. 91. 92. 115. 116), trong công tác đến với lương dân (s. 95). Ngoài ra Tông Huấn đặt ra một câu hỏi : Lời Chúa giữ vai trò gì trong việc tái phúc âm hóa (s. 96). Trước các sinh hoạt quan trọng này người Kitô hữu phải làm gì? Tông Huấn đòi hỏi họ phải là chứng tá của đức tin Kitô giáo (s. 97), phải dấn thân hơn trong thế giới (s. 98), ngay cả trong phạm vi cổ võ công lý và hòa bình, việc hòa giải giữa các dân tộc (s. 100tt). Họ phải sống đức ái hoạt động (caritas operans) (s.103). Giáo Hội phải loan báo Lời Chúa cho người trẻ (s. 104), cho người di dân (s. 105), cho người đau khổ (s. 106), nghèo túng (s. 107). Sau cùng, Tông Huấn cũng đề cập tới những vấn đề khá thời sự, như mối liên hệ giữa Lời Chúa và việc bảo tồn tạo vật, môi sinh (s. 108), và bảo tồn sự sống con người (s. 109), về Lời Chúa và các vấn đề văn hóa (s. 110tt.), như trường học (s. 111), nghệ thuật (s. 112), truyền thông (s. 113), việc hội nhập văn hóa (s. 114), hoạt động đối thoại liên tôn (s.117. 119), với Anh em Hồi Giáo (s. 118), và với chính vấn đề tự do tôn giáo (120).

Nhìn chung các tựa đề của 3 đoạn này, chúng ta nhận ra ngay cách trình bày tiệm tiến, và mở ra : đi từ chính Lời Chúa, tới vai trò và chỗ đứng của Lời Chúa trong hai môi trường chính, như là hai vòng mở ra cho Lời Chúa : đó là Giáo Hội và Thế giới. Giáo Hội là môi trường chính, là nơi để Chúa Kitô làm phát sinh Lời của Ngài. Giáo Hội đón nhận Lời Chúa để múc lấy sức sống cho mình và trao ban sức sống đó cho con cái. Ý hướng mục vụ này còn được thể hiện trong đoạn thứ 3 của của Tông Huấn  Lời Chúa Kitô”: Vì cũng như Chúa Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa được sai đến trong thế gian để cứu rỗi thế gian, thì Lời của Ngài cũng được trao ban cho thế gian để nhờ đó, họ học biết và kín múc ơn cứu độ muôn đời. Ai tin và nghe theo sẽ được cứu độ.

Phần mở của Tông Huấn cho thấy ngay Lời Chúa được nhìn như là một ơn huệ, bởi vì chúng ta đứng trước mầu nhiệm về Thiên Chúa, và Lời Chúa, do chính Thiên Chúa ban cho chúng ta, để dần dần hé mở màn mầu nhiệm thiên linh này cho chúng ta, bằng con đường hết sức con người (s. 1). Và khi lắng nghe, nhìn ngắm,đụng chạm tới, và chiêm ngắm Lời Thiên Chúa “làm người”, chúng ta đi vào thế giới của vẻ đẹp tâm linh, và đạt được niềm vui tròn đầy: “Trước tiên Tôi muốn làm nhớ lại vẻ đẹp đầu sức hấp dẫn của cuộc gặp gỡ mới được lặp lại với Chúa Giêsu được cảm nghiệm trong suốt cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới này” (s. 2), hoặc : “Cần làm sao tái khám phá ra hơn nữa tính cách cấp bách và vẻ đẹp của việc loan báo Lời . . .” (s. 93). Rồi Đức Thánh Cha nói tiếp về niềm vui do việc gặp gỡ Thiên Chúa : “Quả thế, khi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi của Tình Yêu, thì đó là sự trọn vẹn của niềm vui” (x. 1Ga 1, 4) (s. 123). Đây là một nét riêng biệt của lối trình bày giáo huấn, suy tư của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI. Ngài không thuyết phục chỉ bằng chân lý, nhưng đem con người đến tiếp cận với cái vẻ đẹp của chân lý và chính vẻ đẹp này sẽ lôi kéo con người và đưa họ đến với Chân Lý đời đời đời, Vẻ Đẹp không bao giờ tàn phai. Và từ đây Đức Thánh Cha kêu mời chúng ta thực thi một hành động cụ thể như sau : “Theo gương Thánh Tông đồ Gioanvà các tác giả được linh hứng khác, chúng ta hãy để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để có thể mỗi ngày yêu mến Lời Thiên Chúa hơn” (s. 5).

Trong phần kết Tông Huấn Lời Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đưa ra một số lời khuyên nhủ thiết thực. Ngài khuyên nhủ chúng ta làm quen với Kinh Thánh : “Khi kết thúc các suy tư này, . . . Tôi còn thiết tha khuyên nhủ toàn thể Dân Thiên Chúa, các Chủ Chăn, các người thánh hiến và giáo dân hãy dấn thân để mỗi ngày trở nên thân quen hơn với Kinh Thánh. Chúng ta không bao giờ được quên rằng ở nền móng của mọi nền tu đức linh đạo kitô giáo đích thực và sống động phải là Lời Thiên Chúa, được loan báo, được lắng nghe, được cử hành và được suy niệm trong Giáo Hội” (s. 121). Ngài diễn tả niềm mong mỏi của mình như sau : “Chớ gì mỗi ngày sống của chúng ta được làm nên từ cuộc gặp gỡ được đổi mới với Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể của Chúa Cha: Ngài là nguồn gốc và cùng đích của mọi vật hiện hữu (Cl 1, 17). Chúng ta hãy thinh lặng để nghe Lời của Đức Kitô và để suy niệm lời đó, do đó, để nhờ tác động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần, lời này tiếp tục ở lại, sống và nói với chúng ta mọi ngày trong đời ta. Như vậy, Giáo Hội được canh tân và nên trẻ trung lại nhờLời của Chúa Kitô Đấng hiện hữu đời đời (x.1 Pr 1, 25;Is 40, 8). Do đó chúng ta có thể đi vào trong cuộc đối thoại vĩ đại mang như giữa phu thê, như lời kết Sách Thánh : “Thánh Thần và Hôn Thê cùng nói : ‘Hãy đến’[ . . . ] Đấng làm chứng cho tất cả điều này, nói lên rằng : ‘Phải, Ta đến và không trì hoãn’ – Amen ! Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” (Kh 22, 17. 20). Đó là niềm mong mỏi của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI trước khi đóng Tông Huấn này.

Ngày 4-12-2010.

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     SỨ ĐIỆP VIDEO CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CÁC BẠN TRẺ
     KHAI MẠC ĐỐI THOẠI DIỄN ĐÀN NGƯỜI KHÔNG TÍN NGƯỠNG
     THẾ GIỚI CẦN CÓ HÒA BÌNH VÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG HÒA BÌNH
     Đức Ông Georg Ratzinger gợi lại chuyện thơ ấu - NƠI ĐÂU CÓ BÀO ĐỆ NƠI ĐÓ LÀ NHÀ
     TÒA THÁNH QUYẾT ĐỊNH TĂNG CƯỜNG VIỆC HỌC TRIẾT TRƯỚC KHI HỌC THẦN HỌC
     Đức Thánh Cha Viếng Thăm Giáo xứ Thánh Corbiniano.
     Kết Thhúc Tuần Tĩnh Tâm Của Các Cộng Sự Viên Tòa Thánh Vatican - CÁC THÁNH "NHỎ" LÀ CÁC THÁNH "LỚN"
     Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđíctô Nhân Kỷ Niệm 150 Năm Thống Nhất Italia
     Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha
     Đức Thánh Cha không nhận đồng nào từ tác quyền cuốn sách mới