Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN III MC NĂM A

YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT

Mc 12, 28b – 34

Yêu là một tình cảm rất tự nhiên của con người. Người ta nói : “Tình yêu được ví như là máu trong mỗi cơ thể, nếu không có nó con người sẽ không sống được”. Nhưng yêu là gì mà con người luôn muốn định nghĩa, mà lắm khi càng định nghĩa càng thấy rối rắm? Hơn nữa, tình yêu luôn là đề tài hấp dẫn đối với mọi lớp người. Còn ở trong văn học thì nó được diễn tả bằng đủ mọi thể loại.

Con người quan tâm đến tình yêu và tình yêu là lẽ sống của con người, bởi vì “con người đã đươc tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa tình yêu”.

Cũng vì thế mọi qui luật sống của con người đều dựa trên nền tảng căn bản là tình yêu. Chúng ta hãy nghe câu trả lời của Đức Giêsu cho vị kinh sư trong bài Tin mừng hôm nay khi ông chất vất Chúa: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "  Đức Giê-su đáp: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."

Tình yêu có luật lệ không?

Hẳn tình yêu thì vô điều kiện; tình yêu không trói buộc, không tính toán. Trong tình yêu không có sự tranh giành mà chỉ có sự tự nguyện. Yêu thì mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc…

Tại sao ta cần yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn?

Trên bình diện nhân bản, con người phải biết yêu mến Thiên Chúa hết lòng là lẽ đương nhiên; Bởi vì Thiên Chúa là Đấng tác tạo (sinh thành) nên con người, ban cho con người muôn vàn ân huệ cao trọng hơn các loài thụ tạo khác,  Ngài còn ban cả vũ trụ này cho con người hưởng dụng, và Ngài luôn chăm sóc đến cuộc sống con người. Trên bình diện siêu nhiên, Thiên Chúa đã luôn yêu thương con người, tất cả những gì Ngài làm cho con người là vì tình yêu -  Tình yêu đã khiến cho Con Thiên Chúa làm người và chấp nhận cái chết nhục hình để Cứu độ con người khỏi mê lầm, khổ đau và sự chết; Và để nhờ Người, con người tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình.

Tình yêu luôn là tự do và tự nguyện. Tuy nhiên, “vô tri thì bất mộ” – bạn không thể nào yêu một người mà bạn không hề biết bao giờ. Nhưng làm thế nào để biết người khác nếu bạn không gặp gỡ, tiếp xúc, ở với và có những thời gian rất riêng cho nhau để chia sẻ, tâm sự, cảm thông? Như có một bạn trẻ nào đó đã định nghĩa: “Tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai trái tim, hai tâm hồn và từ đấy nguyện đi chung trên cùng một nẻo đường.” Đối với Thiên Chúa cũng thế, trong tình yêu Người đã đi bước trước bằng cách tỏ mình ra cho con người qua các tác phẩm, các kỳ công của Người trong vũ trụ, qua các vị Ngôn sứ và qua chính Con Chí ái của Người – Đức Giêsu Kitô. Do đó, bạn cần học hiểu Thánh Kinh để biết Người, biết bao điều tốt lành về Người, biết Thánh Ý của Người… nhưng đó mới chỉ là biết qua cái đầu; bạn cần phải dành thời gian để ở riêng với Người, tiếp xúc với Người trong thinh lặng và cầu nguyện, để gặp gỡ Người bằng trái tim, cảm nhận tình yêu của Người, và để Người cùng đồng hành với bạn trong cuộc sống. Khi đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và yêu mến Người thì mọi chuyện sẽ rất đơn giản, vì “Mỗi buổi sáng thức dậy người đầu tiên bạn chợt nghĩ tới là ‘người ấy’” và ‘người ấy’ ở đây là Thiên Chúa của bạn – Đấng rất đáng yêu mến vô cùng. Và như vậy việc bạn biểu lộ tâm tình thờ kính, ngợi khen, cảm tạ, tri ân Thiên Chúa sẽ là điều rất tự nhiên và tự nguyện chứ không có một sự ép buộc nào cả.

Tại sao phải yêu người khác như chính mình?

Yêu người khác như chính mình cũng là lẽ tự nhiên. Bởi vì từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người là một xương, một thịt của nhau. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Người  - hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi – tuy ba mà một, nên tự bản chất con người sống luôn cần có nhau, hiệp nhất trong đa dạng. Tội lỗi đã phá vỡ tương quan tốt đẹp ấy của con người nên Con Thiên Chúa đã làm người để hàn gắn, để sống mối tương quan tốt đẹp ấy trong chính thân thể Người. Kinh thánh Tân ước cho chúng ta biết: Đức Giê-su Kitô là Trưởng tử, là anh của một đàn em đông đúc là chúng ta. Người cũng là đầu của thân thể mà chúng ta là chi thể. Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm hiệp nhất của con  người thật tròn đầy, nên chi trong sự kiện chịu phép rửa tại sông Giođan, Người đã coi tội lỗi của nhân loại chính là của Người, và tất cả những tội lỗi ấy, người đã mang vào thân thể khi bước xuống dòng sông để chịu phép rửa sám hối, và Đức Chúa Cha đã rất “hài lòng về Người”. Sống mầu nhiệm hiệp nhất của con người (tha nhân là mình) cho chúng ta thấy rằng : “yêu người thân cận như chính mình” là một lẽ hết sức tự nhiên, bởi không ai ghét mình cả, và ai cũng mong muốn điều tốt cho mình; hơn nữa nếu chúng ta là chi thể của nhau thì không thể có sự ghen ghét so bì; chân không thể nói với tay : Tại sao mày lại đeo vòng vàng trang sức mà không bước xuống mà đi?  Hoặc khi có một chi thể nào đau mà các chi thể kia lại không cảm thấy đau và lo tìm cách chạy chữa chăm sóc…. Mặt khác, con người là quà tặng Thiên Chúa ban cho nhau, chẳng lẽ chúng ta chê bôi, dè bỉu quà tặng Thiên Chúa ban cho mình? Khi hiểu được như vậy thì vấn để yêu tha nhân như chính mình không còn quá khó khăn hay không thể thực hiện được.

Phải yêu như thế nào?

Thường chúng ta chỉ yêu những người hợp nhãn, ăn ý, có cùng sở thích giống như mình…, nhưng Đức Giê-su lại dạy chúng ta phải yêu hết mọi người, không loại trừ ai. Yêu người không phải hễ mình thích cái gì là cho người ta thứ đấy, ‘gà rán là món tuyệt đối với mình, nhưng nó có thể là món mà người anh chị em mình kiêng khem’; hoặc tôi thích nghe nhạc cổ điển nên muốn mọi người phải nghe nhạc cổ điển….Những kiểu yêu như thế thực ra là chỉ yêu mình chứ không hề yêu người. Bởi con người thì phong phú và đa dạng.

Yêu người cũng không phải là dung túng. Biết rằng trong tình yêu luôn có sự tôn trọng tự do của con người, nhưng không phải vì thế mà mặc tình ai muốn làm gì thì làm không liên hệ gì tới tôi. Bởi vì trong tình yêu luôn có sự liên đới; hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của tôi; đau khổ, tai họa của người cũng là đau khổ tai họa của tôi. Do đó, trong tình yêu tôi sẽ nhắm đến điều tốt đẹp cho tha nhân: tôi sẽ không dửng dưng khi thấy người ta đi vào con đường tăm tối và sắp rơi xuống vũng lầy; tôi sẽ không làm ngơ trước những đau khổ tinh thần, thể chất của tha nhân, nhưng vui với người vui, khóc với người khóc và tận tình giúp đỡ tha nhân với khả năng của mình để cùng nhau kiến tạo hạnh phúc.

Khởi đi từ tình yêu máu mủ ruột thịt của gia đình, Thiên Chúa muốn con người sống mầu nhiệm tình yêu không giới hạn. Tình yêu thật giản dị, nhưng nó có sức mạnh cho con người làm mọi thứ. Do đó từ cảm nghiệm thâm sâu của mình, thánh Augustinô  đã nói: “Cứ yêu đi rồi bạn muốn làm gì thì làm”. Vâng, cứ yêu đi rồi bạn sẽ thấy mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn và tình yêu sẽ giúp bạn có sáng kiến để làm cho cuộc sống quanh bạn tốt đẹp hơn. Đành rằng trong tình yêu luôn có hy sinh và thập giá, và “còn tình yêu nào cao quí hơn là tình yêu của người dám hiến mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13). Nhưng “ở đâu có tình yêu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”; có Thiên Chúa là có an bình và hạnh phúc. Hơn nữa, Đức Giê-su đã dạy chúng ta: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 17). Vậy, để được hạnh phúc, chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không sống và xây dựng cuộc sống yêu thương. Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, chúng ta hãy đến với Người để kín múc sự sống tình yêu từ nơi Người, và bằng sự sống tình yêu của Người chúng ta trải rộng tình yêu tới tha nhân. Khi ấy chúng ta không còn phải bận tâm đến lề luật nữa, bởi Yêu Thương Chính Là Chu  Toàn Lề Luật.

 

Maria Chinh Anh O.P.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Chúa nhật IV mùa chay năm A - HÃY BIẾT MÌNH - Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
     Chúa nhật IV mùa chay năm A - XIN CHO CON ĐỪNG THẤY ! - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
     CHỦ NHẬT 4 CHAY A - Lm. Paul. Nguyễn Văn Đông
     Thứ Năm tuần IV Mùa Chay A –Thứ Năm đầu tháng - ĐÊM GIỮA BAN NGÀY
     Thứ Năm tuần III Mùa Chay A – SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA
     SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN THEO TIN MỪNG TUẦN III MÙA CHAY NĂM A
     Thứ 7 tuần II Mùa Chay - VẤN ĐỀ CỦA MỘT GIA ĐÌNH
     Chúa nhật III mùa chay năm A - CƠN KHÁT ĐAM MÊ - Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
     Chủ nhật thứ III mùa chay năm A - CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ NHƯNG ĐẦY HỒNG PHÚC - Paul. Nguyễn Văn Đông
     Lễ Truyền Tin - HAI CUỘC TRUYỀN TIN - Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền