Trang Chủ > Truyền Giáo > Văn Kiện

SỨ VỤ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Nguyễn Thái-Hợp, O.P.

 

Vai trò và sứ mệnh của người Giáo dân đã là một trong những đề tài thời thượng của giới Công giáo tại Miền Nam vào cuối thập niên 60. Thật vậy, Công đồng Vatican II đã đưa ra một quan niệm mới về vai trò và sứ vụ của người giáo dân trong lòng Giáo hội và giữa trần gian.

 

Một số người lạc quan nghĩ rằng thời của giáo sĩ và tu sĩ đã qua, giờ của giáo dân đã điểm. Có người đã hăng say vo tròn, viên gọn vị thế và sứ vụ lớn lao đó trong một câu vừa ý nghĩa, vừa thật kêu: “Giáo dân đứng hàng đầu” [1].

 

Bốn mươi năm sau nhìn lại, tự nhiên người viết cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Dĩ nhiên, buồn không phải chỉ vì năm tháng đã chồng chất trên vai, mà còn vì bây giờ không biết phải xếp giáo dân đứng vào hàng nào?

 

1- Chuyển hướng đột biến của Vatican II

 

Trong một lá thơ gởi cho Tổng Giám mục Giáo phận Tours vào năm 1888, đức Giáo chủ Leo XIII đã diễn tả vai trò của người Giáo dân một cách ngắn gọn như sau: “Trên thực tế, ta nhận thấy rõ ràng và thường xuyên rằng trong Giáo Hội đương nhiên có hai giai cấp : chủ chăn và con chiên, nghĩa là những người lãnh đạo và những người thường dân. Giai cấp thứ nhất có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn cách sống cho mọi người, và đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai phải phục tùng giai cấp thứ nhất: vâng lời họ, thi hành lệnh và tôn vinh họ.”

 

Chúng ta có thể coi đây là quan điểm thần học chung được giảng dạy và thực hành từ cuối thế kỷ XI cho đến công đồng Vatican II.

 

Đoạn văn sau đây của đức Piô XII là một dẫn chứng điển hình: “Theo ý muốn của Thiên Chúa, các kitô hữu được chia làm hai bậc: giáo sĩ và giáo dân. Cũng do ý muốn của Ngài, trong Giáo hội có hai loại quyền bính: quyền thánh chức và quyền tài phán. Hơn nữa, do kế hoạch của Thiên Chúa, con người tiến tới thánh chức - nghĩa là được gia nhập vào phẩm trật giám mục, linh mục và thừa tác viên - do việc chịu chức thánh. Riêng quyền tài phán, chiếu theo luật Chúa, được trực tiếp trao phó cho đức Giáo hoàng và, cũng chiếu theo luật đó, cho cả các giám mục nữa, nhưng phải qua trung gian của vị kế nhiệm thánh Phêrô”.

 

Nội dung hai bản văn trên diễn tả khá rõ rệt mô hình Giáo hội kim tự tháp, trong đó có sự phân biệt nền tảng giữa giáo sĩ với giáo dân: giáo sĩ nắm trọn mọi quyền hành, còn giáo dân chẳng có gì. Ngay trong hàng ngũ giáo sĩ, sự khác biệt nội tại được xác định tùy theo tương quan quyền bính. Với một mô hình Giáo hội như vậy, dĩ nhiên người giáo dân hoàn toàn bị quên lãng. Hồng y Gasquet kể giai thọai sau: ngày kia, ở giai đoạn tiền Công đồng, một người dự tòng hỏi một linh mục Công giáo về thế đứng của người giáo dân trong Giáo hội. Vị linh mục điềm nhiên trả lời: giáo dân có hai vị thế trong Giáo hội: thứ nhất, quỳ gối trước bàn thờ; thứ hai, ngồi trên ghế. Và Hồng y dí dỏm nói thêm: người ta đã quên một vai trò thứ ba: móc ví lấy tiền... để công đức cho nhà thờ.

 

Công đồng Vatican II đã xuất hiện như một mùa xuân trong Giáo Hội và đưa ra những định hướng mới. Sự đóng góp của Công đồng cho Giáo hội không phải chỉ nằm ở những bản văn, mà là đã khai mở một hướng đi mới và một cái nhìn khác về mối tương quan giữa Giáo hội với thế giới, cũng như về vai trò của giáo dân trong lòng Giáo Hội.

 

Sở dĩ Giáo hội có hướng đi cởi mở, phần lớn nhờ cái nhìn lạc quan và ngôn sứ của đức Gioan XXIII. Mối bận tâm chính của đức Gioan XXIII khi tuyên bố triệu tập Công đồng là làm sao loan báo “Nước Trời đang tới” một cách hữu hiệu cho con người và thời đại hôm nay [2]. Ngài cảm nhận một cách sâu xa nhu cầu khẩn thiết phải loại bỏ một số cơ cấu và tập tục nhân loại đã chồng chất trên Giáo hội suốt dọc lịch sử, ngõ hầu hiện rõ khuôn mặt sáng ngời của Đức Kitô. Ngài mời gọi các Kitô hữu can đảm và sáng suốt nhận diện “những dấu chỉ thời đại”, những dấu chỉ hy vọng, bất chấp những khó khăn và mây mù hiện tại [3].

 

Khi bế mạc khoá họp thứ I của Công đồng, đức Gioan XXIII đã long trọng lặp lại ước vọng thâm sâu của Ngài: “Công đồng sẽ đích thực là “lễ Hiện Xuống mới”, làm cho Giáo hội được triển nở trong nguồn năng lực nội tại và mở rộng ra tất cả mọi lãnh vực của hoạt động nhân loại” [4]. Rất tiếc chỉ ít lâu sau, ngài lâm trọng bệnh. Nhưng trước khi từ trần, ngài đã để lại một di chúc: “Hôm nay hơn bao giờ hết và chắc chắn hơn những thế kỷ vừa qua, chúng ta được mời gọi để phục vụ con người xét như là con người, chứ không phải chỉ phục vụ người Công giáo, trong tương quan với nhân quyền chứ không phải nhằm bảo vệ uy quyền của Giáo hội Công giáo (...). Không phải Tin Mừng đã thay đổi; đúng hơn chính chúng ta bắt đầu hiểu Tin Mừng hơn (...). Ai đã sống ... và đã có thể đối chiếu những nền văn hoá và truyền thống khác nhau, nhận thức được rằng đã đến lúc cần nhận diện “những dấu chỉ thời đại”, cần nắm lấy cơ hội và cần nhìn xa hơn” [5].

 

Nhiều người coi di chúc này như một lời mời gọi các Nghị phụ can đảm bước vào con đường canh tân và thích nghi, nhìn xa hơn cơ cấu luật lệ và tập tục cổ truyền. Tuy nhiên, phải thành thật công nhận rằng lược đồ đầu tiên của “Hiến chế tín lý về Giáo hội”, do tiểu ban chuẩn bị Công đồng soạn thảo, hoàn toàn chưa phản ảnh thao thức, ước vọng và hướng đi mà đức Gioan XXIII đã vạch ra. Lược đồ này gồm 11 chương và một phụ chương. Nền tảng giáo hội học của nó vẫn là quan điểm Giáo hội như một xã hội hoàn bị, theo mô hình kim tự tháp. Về nội dung, khuynh hướng hộ giáo vẫn nắm vai trò chủ đạo, nhấn mạnh quá đáng đến yếu tố pháp lý, đầy giáo sĩ tính, trong khi đó chiều kích huyền nhiệm và ngôn sứ lại quá mờ nhạt. Đương nhiên, người giáo dân sẽ chẳng có một vị thế nào trong lòng Giáo Hội.

 

Tại phiên họp khoáng đại của Công đồng, lược đồ này bị phê phán gắt gao và được trả về cho uỷ ban soan thảo. Một lược đồ thứ hai ra đời và đệ trình các nghị phụ vào mùa hè năm 1963. Lược đồ mới rút gọn vào bốn chương: (I) Mầu nhiệm Giáo hội; (II) Cơ cấu phẩm trật Giáo hội, đặc biệt chức Giám mục; (III) Cộng đồng Dân Thiên Chúa, đặc biệt về giáo dân; (IV) Lời mời gọi nên thánh trong Giáo hội.

 

Kể từ ngày 1 đến 30 tháng 10 năm 1963, Công đồng thảo luận sôi nổi lược đồ này. Hồng y L. Suenens, với tư cách là thành viên của Uỷ ban điều hành, đã làm một cuộc cách mạng Copernic về giáo hội học: đề nghị chia chương III thành hai phần: một phần mang tựa đề “Cộng đồng Dân Thiên Chúa” đề cập đến căn tính chung của tất cả các thành viên của Giáo hội và sẽ là chương II; chương II cũ sẽ trở thanh chương III; còn phần kia mang tựa đề “Người Giáo dân” sẽ là chương IV, đề cập đặc biệt đến vai trò của Kitô hữu giáo dân. Kể từ đó, đề tài “Cộng đoàn Dân Thiên Chúa” được sát nhập vào lược đồ của Hiến chế tín lý về Giáo hội như một chương đặc biệt, nằm giữa chương I nói về huyền nhiệm của Giáo hội và các chương kế tiếp đề cập đến sự khác biệt về trách vụ của các Kitô hữu [6].

 

Thay vì những định nghĩa nặng nề tính chất pháp lý, Công đồng đã trình bày Giáo hội bằng nhiều hình ảnh biểu tượng, hàm chứa trong Thánh kinh và thánh truyền. Giáo hội được trình bày như một Cộng đoàn Dân Thiên Chúa, bao gồm những người đã gia nhập vào Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô nhờ bí tích Thánh tẩy. “Thực vậy, những ai tin nơi Đức Kitô đều được tái sinh không phải bởi mầm có thể huỷ diệt, nhưng do mầm bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (xc. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng do nước và Thánh thần (xc. Ga 3,5-6) và trở thành “một giống nòi được thu phục, mà trước kia chưa phải là một dân, nay là dân của Thiên Chúa” (1Pr 2,9-10)[7]. Đây là một cộng đoàn đặc biệt, “có Đức Kitô làm Thủ lãnh (...), có phẩm giá và sự tự do hào hùng của con cái Chúa, mà nơi tâm hồn của họ Chúa Thánh Thần ngự như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu chúng ta (xc Ga 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ chính là Nước Thiên Chúa” [8]. Tất cả các chi thể có “chung một phẩm giá vì được tái sinh trong Đức Kitô, cùng một ân huệ được làm con, một lời mời gọi nên hoàn thiện, một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia” [9]. Những khác biệt về thừa tác vụ hoàn toàn do nhu cầu của cộng đoàn Dân Chúa và nhằm mục đích phục vụ cộng đoàn mà thôi.[10].

 

Chiều hướng thần học này đặt nổi tính bình đẳng về phẩm gía, căn tính và ơn gọi nền tảng của tất cả các Kitô hữu trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Từ đó dĩ nhiên mối tương quan giữa giáo dân với giáo sĩ được đặt lại và “tính trần thế” của các giáo dân được đặc biệt đề cao. Kitô hữu giáo dân là những người tín hữu đang dấn thân vào các sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người, trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế được coi là môi trường riêng biệt, nơi người giáo dân thực hiện sứ mệnh làm người và lý tưởng kitô hữu của mình. Đây chính là môi trường Thiên Chúa gọi họ sống lý tưởng Tin Mừng, bằng chính cuộc sống chứng tá, nhằm biến đổi cuộc đời từ bên trong, theo lý tưởng men trong bột. Họ phải sống giữa trần gian và dấn thân vào tất cả mọi sinh hoạt trần thế với ý hướng biến đổi và thánh hoá môi trường sống đó từ bên trong. Nói cách khác, “giáo dân được đặc biệt mời gọi giúp Giáo hội hiện diện và hoạt động trong tất cả những nơi và tất cả hoàn cảnh mà Giáo hội chỉ có thể trở thành muối trần gian nhờ sự trung gian của giáo dân” [11].

 

Môi trường văn hoá, kinh tế, chính trị, là lãnh vực riêng của giáo dân. Người giáo dân cần cố gắng làm sao để ánh sáng Tin Mừng thấm nhập thực tại trần thế này. Khi dấn thân vào các lãnh vực này, giáo dân không nên trông chờ nơi các chủ chăn “một giải pháp cụ thể và tức thời cho mọi vấn đề ... Tốt hơn, chính giáo dân tự đảm nhận trách nhiệm của mình, dưới ánh sáng của đức khôn ngoan Kitô giáo và trong niềm trung thành với giáo huấn của Giáo hội” [12].

 

Thượng hội đồng Giám mục thế giới về “ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và giữa trần thế ”(1987) tiếp tục khai triển “tính cách trần thế của người giáo dân”, không những dưới khía cạnh xã hội, mà còn theo quan điểm thần học và chiều kích cứu độ.

 

Thật vậy, “ơn gọi nên thánh đòi hỏi cuộc sống theo Thánh linh phải được thể hiện một cách đặc biệt trong hành động hội nhập của người giáo dân vào thực tại trần thế”[13]. Nói rõ hơn, “giáo dân phải tự thánh hóa trong cuộc sống hàng ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Để đáp ứng ơn gọi của mình, người giáo dân phải xem đời sống thường nhật như một cơ hội kết hiệp với Chúa và thực hiện ý muốn của Ngài, như một cơ hội phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ tới hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô” [14].

 

Đối diện với thái độ lãnh đạm tôn giáo và hiện tượng giải trừ Kitô giáo, Tông huấn nghĩ rằng cần đổi mới cách thế rao giảng Tin Mừng và nhất là phải làm sao động viên người giáo dân tích cực tham gia vào công cuộc rao giảng Tin mừng. Vấn đề xây dựng những cộng đoàn niềm tin, việc chuyển đạt gía trị Tin Mừng cho giới trẻ, hành động đem đạo vào đời, thăng tiến phẩm gía con người, tranh đấu cho công lý và hòa bình, đối thoại với các tôn giáo khác... là những sứ vụ khẩn trương, đòi hỏi phải đầu tư nhiều tim óc và cần sự cộng tác của tất cả các thành phần Dân Chúa, đặc biệt của người giáo dân [15].

 

Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu cũng công khai nhìn nhận sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội hôm nay. Trong “Sứ điệp” gởi cộng đoàn Dân Chúa, các giám mục Á châu khẳng định: “Giáo dân có một vai trò quan trọng trong Giáo hội ở ngàn năm thứ ba. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Chúa Thánh Linh đang chuẩn bị để giáo dân giữ một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong Ngàn năm thứ ba, Ngàn năm có thể được gọi là kỷ nguyên của giáo dân. Trong số các dấu hiệu ấy, người ta ghi nhận sự dấn thân của giáo dân trong công cuộc truyền giáo, việc tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội và tích cực hăng hái tham dự các cộng đòan Kitô hữu nền tảng” . Dĩ nhiên, “để giáo dân có khả năng họat động biến đổi các cơ cấu xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế trong thế giới hôm nay”, hàng Giáo phẩm có trách nhiệm “truyền thông cho họ một kiến thức đầy đủ về giáo huấn xã hội Công giáo và giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề luân lý đạo đức”[16].

 

2- Gắn bó với quê hương dân tộc

 

Thể theo tinh thần đối thoại và hội nhập của công đồng Vatican 2, nhất là để trả lời cho thách đố đặc biệt mà đất nước đặt ra cho Giáo hội vào thời điểm đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố lá Thư Mục vụ năm 1980: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”.

 

Hàng Giám mục thẳng thắn tuyên bố rằng Tin Mừng không đồng hoá với bất cứ nền văn hoá, hệ thống kinh tế hay thể chế chính trị nào. Tin Mừng cũng chẳng cần một mảnh đất riêng nào để sống. Nhưng nhiệm vụ của các Kitô hữu là phải sống và làm cho Tin Mừng được bén rễ trong mọi nền văn hoá và cơ chế kinh tế, chính trị. Chính trong ý nghĩa đó, bất chấp những giao động và bất trắc, lá Thư Mục vụ long trọng cam kết gắn bó với dân tộc và đất nước, “cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa” [17].

    

Đường hướng mục vụ gắn bó với dân tộc này được đánh giá cao và đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Một số tài liệu nghiên cứu của cơ quan Nhà Nước công nhận chủ trương dấn thân phục vụ của Kitô giáo đã ảnh hưởng trên đời sống của con người Việt Nam hôm nay. Vào năm 1992, nhóm nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về đề tài “Aûnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay”, công nhận ảûnh hưởng tích cực của Công giáo đối với đông đảo thanh thiếu nhi có đạo và cả thanh thiếu nhi không theo đạo: “Các hình thức tổ chức hoạt động Thiên Chúa giáo đa dạng, phong phú, hấp dẫn thanh thiếu nhi, lôi cuốn đông đảo tuổi trẻ vào các loại hình: toạ đàm, giảng thuyết, cầu nguyện, dạy nghề, hoạt động văn hoá nghệ thuật, tham quan du lịch, hoạt động từ thiện, hoạt động chữ thập đỏ, thăm hỏi cứu trợ người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa, nhằm một phần giải đáp lợi ích thanh thiếu nhi, mặt khác xác lập mục tiêu hình thành thế giới quan hữu thần và hệ tư tưởng tôn giáo” [18].

 

Một cách tổng quát hơn, bản nghiên cứu nhìn nhận: “Trong khi xã hội mới hiện thực mà chúng ta đang xây dựng còn nhiều hạn chế của các mối quan hệ kinh tế - xã hội thì Giáo hội Thiên chúa giáo (kể cả trên thế giới và ở Việt Nam) lại cố gắng xây dựng (và thực tế đã xây dựng được) cho giáo dân của mình những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, làm cho giáo dân và toàn thể giáo hội sống Phúc âm được trong lòng dân tộc, giáo dục giáo dân sống “tốt đạo đẹp đời”.

 

Nhiều vùng Công giáo giữ được và phát triển tốt các phong trào xã hội, sản xuất trị an, quốc phòng, văn hoá, giáo dục, v.v.. Hầu hết các vùng Công giáo, giáo dân đều là những người lao động cần cù, sống giản dị, giữ tốt được các mối quan hệ làng xóm, phường xã, gia đình, tích cực tham gia vào các phong trào văn hoá, xã hội, thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước (...). Hoặc như ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều dòng tu (nhất là tu nữ) là những cơ sở sản xuất tốt, đóng góp tích cực vào phát triển của thành phố. Nhiều điển hình trong phong trào văn hoá xã hội, trị an đã tập trung ở nơi có nhiều đồng bào theo công giáo của thành phố” [19].

 

Tuy nhiên khi đề cập đến bản chất tôn giáo, các tác giả nói trên vẫn có những cái nhìn sơ cứng và vẫn lặp lại những công thức cũ như tôn giáo là thuốc phiện mê dân, là công cụ của đế quốc. Rất mừng là trong mấy năm gần đây bắt đầu có những cái nhìn tích cực hơn về bản chất tôn giáo.

Đầu năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì 'Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong Hội nghị này, vấn đề tôn giáo chiếm một vị trí quan trọng và với một độ mở chưa từng thấy: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

 

Ông Phùng Đạt Văn, một giáo sư triết học Mác-xít, đã viết như sau: “Tôn giáo hoặc tín ngưỡng có tính tôn giáo, đã và vẫn hun đúc nên cái hồn của mỗi dân tộc” [20]. Đặc biệt, cuộc toạ đàm về “Tôn giáo tính và đời sống tôn giáo của người Việt Nam”, tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20.2.2004, nhấn mạnh tôn giáo tính và vai trò của tôn giáo đối với người Việt Nam. Giáo sư Phạm Bích Hợp, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, không ngần ngại tuyên bố: “Theo chúng tôi hiểu thì những tham luận của chúng ta ở đây đều nhắm vào bản chất của vấn đề Tôn giáo tính của cá nhân con người, gắn chặt với tính tự chủ và niềm tin giàu tính sáng tạo của chủ thể trong cuộc sống.

Đó cũng là thái độ làm chủ cuộc sống của mỗi cá nhân, mà không ai thay thế được trước một vận mệnh riêng của mỗi người. Chúng ta sẽ không thảo luận vấn đề tự do tôn giáo từ khía cạnh các chính sách, mà từ khía cạnh tự do tâm thức, từ khía cạnh chữ Tâm hoặc Tâm linh, ở đó tôn giáo là một động lực nâng đỡ tính tự chủ và sáng tạo”.

 

Với cách hiểu đó, giáo sư Bích-Hợp đề nghị “triển khai Tôn giáo học trong nền Giáo dục, không né tránh vấn đề tôn giáo mà trái lại phải cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên những hiểu biết chân thực về tôn giáo như là những giá trị nhân văn, làm cho các em không phải chỉ có kiến thức mà còn có một niềm tin để vững vàng trước mọi thử thách và cũng khiêm tốn, hiền hoà từ trong nhân cách của mình để tôn trọng nhân cách mọi người” [21].

 

Chúng ta có quyền vui mừng và hãnh diện với những đánh giá tích cực ở trên, tuy nhiên không thể tự mãn và ngủ quên nơi một vài thành tích quá khứ. Hiện nay, xì ke ma tuý nói riêng và tệ nạn xã hội nói chung đã trở thành một nỗi lo của cả nước và cũng đang xâm nhập vào các vùng Công giáo. Phải chăng đây là một trong những thách đố mà xã hội Việt Nam thời mở cửa đang cần sự tiếp tay của người giáo dân? Với tư cách là phụ huynh Công giáo chúng ta đã phản ứng ra sao? Đâu là hướng giải quyết trên bình diện cá nhân và tập thể?

 

Trên thực tế, có khá nhiều sáng kiến và dấn thân độc đáo của những bước chân âm thầm. Ngay trong giai đoạn rất khó khăn sau năm 1975, một số sinh viên y khoa công giáo đã âm thầm cùng nhau học hỏi Lời Chúa và dấn thân phục vụ thành phần nghèo khổ trong xã hội. Người phong, trẻ em khuyết tật và bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa là ưu tiên một của giai đoạn này. Mỗi chiều thứ bảy và các dịp lễ nghỉ, người ta thấy những toán nhỏ nhẫn nại đạp xe từ thành phố HCM đến công tác tại trại phong Bến Sắn hay một vùng quê hẻo lánh nào đó. Với thời gian, nhiều anh chị đã ra trường, nhưng một số vẫn kiên trì với công tác dấn thân phục vụ những người bị bỏ quên.

 

Cuối thập niên 80', có thêm sự tiếp tay của một số anh chị thuộc ngành xã hội và sự hỗ trợ của nhiều người Việt ở trong cũng như ngoài nước. Một số mái ấm tư nhân bắt đầu xuất hiện để phục vụ các trẻ em ít may mắn và công tác giúp đỡ bệnh nhân phong tạm được tổ chức qui mô hơn.

 

Đầu thập niên 90', thời điểm phát hiện những ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam và chưa mấy ai để ý đến việc phòng chống HIV/ AIDS, chính những anh chị Công giáo dấn thân này đã đi tiên phong trong việc đối diện với cơn dịch của thế kỷ. Năm 1995, nhóm đã bắt đầu thực hiện các ca mổ cho bệnh nhân AIDS và người nhiễm HIV bị viêm tắc hoặc vở động mạch. Số ca bệnh ngày càng tăng, và việc chăm sóc sau khi giải phẫu rất cần thiết. Đa số các bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, sống lang thang, không có ai hỗ trợ chăm vết thương, nên một thời gian ngắn sau đó phải trở lại bệnh viện trong tình trạng nặng hơn… Đây là một thao thức và âu lo cho nhóm bác sĩ Công giáo.

 

Rất may, trong giai đoạn này một số sinh viên Công giáo (tu sĩ lẫn giáo dân) chọn ngành “Công tác xã hội” hoặc “Xã hội học”. Nhiều sinh viên quyết định thực tập công tác xã hội với bệnh nhân AIDS hoặc công tác phòng chống HIV/AIDS. Có những nhóm khác chuyên trách săn sóc các bệnh nhân AIDS và đảm trách công việc hoả táng cho những người khốn khổ này. Chúng ta có thể làm gì để yểm trợ và nhân rộng các nhóm thiện nguyện này?

 

3- Đào tạo chất xám

 

Trong mấy thập niên vừa qua, đất nước chúng ta đã cực nhọc bỏ dần bộ áo bao cấp để hoà nhập với cộng đồng nhân loại. Việt Nam đã thiết lập bang giao với hầu hết các nước trên thế giới, trở nên thành viên của ASEAN, gia nhập APEC và đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức Mậu dịch quốc tế. Điều kiện và môi trường mới đã phát sinh một số thách đố nóng bỏng có tính toàn cầu và mang dấu ấn của khoa học kỹ thuật: vấn đề tư bản nhân văn.

 

Nhân loại vừa bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là kỷ nguyên của toàn cầu hóa hay thời đại của văn minh trí tuệ. Với tiến trình toàn cầu hoá, nhân loại đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức, trong đó chất xám được coi là tấm hộ chiếu và đầu tư vào vốn con người là đầu tư quan trọng nhất cho phát triển. Hàm lượng vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên và lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm ngày càng giảm thiểu, trong khi đó thông tin và hàm lượng trí tuệ ngày càng gia tăng.

 

Tài nguyên tương lai của một quốc gia không còn đồng hoá với nguồn lợi thiên nhiên, mà tùy thuộc ở óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, khả năng và tốc độ sử dụng thông tin để tạo thêm giá trị gia tăng. Nguồn nhân lực sáng tạo, khả năng nắm bắt cái mới, việc lựa chọn đúng đắn mô hình kinh tế, khả năng triển khai cụ thể cho từng lãnh vực phát triển sẽ quyết định sự thành công trong tương lai. Những nước có tri thức mới sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thế giới tương lai, ngược lại những nước thiếu tri thức mới sẽ phải đối diện với tình trạng kém phát triển và bằng lòng với thu nhập thấp qua sản phẩm nông nghiệp hay ngành công nghệ cổ điển.

 

Ngân hàng Thế giới cũng công nhận “kiến thức là nhân tố cương yếu trong công cuộc phát triển cũng như trong mọi lãnh vực: thiếu nó chúng ta sẽ không thể làm được gì. Nói một cách giản dị, để sinh sống chúng ta phải biến đổi tài nguyên sẵn có thành những đồ vật mà chúng ta cần, và để thực hiện điều đó đòi hỏi phải có kiến thức. Nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày mai hơn ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn nâng cao mức sống của riêng mình, cũng như của gia đình hay quốc gia - tình trạng sức khỏe khả quan hơn, con cái có một nền giáo dục tốt hơn và môi sinh được bảo vệ tốt hơn - chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc biến đổi nhiều tài nguyên hơn nữa, bởi vì tài nguyên thiên nhiên luôn thiếu hụt. Chúng ta phải sử dụng chúng làm sao để lao động và đầu tư của chúng ta mỗi ngày tăng năng xuất. Để đạt tới điều đó luôn cần thiết kiến thức và tỉ lệ kiến thức này ngày càng lớn so với tài nguyên” [22].

 

Trong viễn tượng đó, việc đầu tư vào vốn con người để nâng cao trình độ và khả năng sử dụng kỹ thuật được coi là một trong những nhân tố quyết định của việc phát triển. Chính ở nơi đây, chúng ta gặp thấy nhiều thách đố cam go đang đặt ra cho Việt Nam nói chung và giới Công giáo nói riêng.

 

Theo dữ liệu của “Tổng Điều tra dân số và nhà ở Việt Nam”, trình độ học vấn ở Việt Nam rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nếu tính dân số từ 5 tuổi trở lên, thì Việt Nam có 36,93% dân số ở bậc tiểu học, khoảng 50,15% ở bậc trung học và con số ở trình độ đại học chỉ vỏn vẹn 2,86% dân số mà thôi. Đại đa số người đang đi học là giới trẻ và thường bỏ học nửa chừng: có 2.450.091 em bắt đầu vào lớp 1, nhưng khi lên đến lớp 12 chỉ còn lại 809.628 em [23].

 

Theo Hội nghị tư vấn các nhà tại trợ Việt Nam, hiện tượng bất bình đẳng trong giáo dục tại Việt Nam đang tăng nhanh. Ở bậc tiểu học, không có sự chênh lệch bao nhiêu giữa các nhóm dân cư. Tuy nhiên, càng lên cao mức độ thất học của trẻ em nghèo càng lớn: ở trung học phổ thông, tỷ lệ giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 4/1 và ở bậc Đại học là 20/1.

 

Năm 2002 Tiểu Học THCS THPT Nhóm nghèo nhất 84,5% 53,8% 17,1% Nhóm trung bình 91,95% 77,6% 42,6% Nhóm giàu nhất 95,3% 85,8% 67,2% Cả nước 90,1% 72,1% 41,8% 73 Trong thập niên vừa qua khoảng cách giàu - nghèo ở Việt Nam đã gia tăng. Nhưng nếu khoảng cách giữa thu nhập bình quân của 20% dân số giàu nhất với thu nhập của 20% dân số nghèo nhất ở Việt Nam là 7 - 8 lần, thì mức độ bất bình đẳng trong giáo dục Đại học đã lên tới 20 lần. Hiện tại, thu nhập ở Việt Nam thấp và kinh tế chủ yếu là lợi dụng lao động rẻ tiền, nên người lao động không chuyên nghiệp vẫn dễ tìm việc làm. Nhưng khi kinh tế phát triển dĩ nhiên sẽ chuyển sang kinh tế “thâm dụng vốn” và “thâm dụng kỹ thuật”, lúc đó người lao động nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm và chỉ số phân hoá giàu nghèo sẽ tăng cao hơn nữa [24].

 

Nếu tính dân số từ 15 tuổi trở lên thì, vào năm 2001, Việt Nam có 51.051.207 người. Trong số này chỉ có 8,5% dân số, tức 4.295.619 người, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 0,1% có học vị trên đại học.

 

Số người không có trình độ chuyên môn rất cao: chiếm tới 91,4% dân số. Đây là một trở ngại rất lớn cho việc phát triển và công nghiệp hoá ở nước ta[25]

 

Đối với giới Công giáo, tình trạng thiếu chuyên môn còn bi đát hơn. Nếu tính dân số Công giáo từ 5 tuổi trở lên đang đi học và đã thôi học, chúng ta có con số sau đây: tiểu học 39,34% dân số; trung học 50,58%, nhưng ở trình độ đại học chỉ vỏn vẹn 1,72%. Như vậy so với tỷ lệ chung cả nước, số người Công giáo đi học tiểu học cao hơn 2,41%, ở bậc trung học hầu như bằng nhau, tuy nhiên ở trình độ đại học lại thua 1,15% [26].

Tình trạng càng bi đát hơn khi nói đến phẩm chất giáo dục ở nước ta. Mặc dù có những quan điểm khác nhau về mô hình và phương pháp giáo dục, nhưng mọi người đều có chung mối lo về tình hình giáo dục xuống dốc thê thảm hiện nay. Khi lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những con số liên quan đến cuộc thi Đại học và Cao đẳng vào năm 2002, cả nước đều hoảng hốt: trong số 823.854 thí sinh dự thi chỉ vỏn vẹn 3 thí sinh đậu thủ khoa với số điểm 29,5/30, nhưng lại có tới 713.352 thí sinh (tức 86,6%) với số điểm dưới mức trung bình (14,5/30), trong khi đó số thí sinh có dưới 10/30 lên tới 556.533 em, nghĩa là chiếm 67,5% thí sinh.

 

Nhiều người đã băn khoăn tự hỏi: tại sao trong một kỳ thi mà đề thi được đánh giá là “bám sát nội dung sách giáo khoa và nói chung là dễ” thế mà số thí sinh bị loại lại khủng khiếp như vậy? Tại sao chỉ khoảng trên 10% thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên với một đề thi được đánh giá “bám sát sách giáo khoa lớp 12”, thế mà chỉ một tháng trước đó, cả nước thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đậu trên 90%, thậm chí có nơi đến 99%?

Đối diện với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tỷ số sinh viên Việt Nam theo học Cao đẳng và Đại học quá thấp. Kết quả kỳ thi Đại học trong hai năm qua còn cho thấy thực trạng “khủng khiếp” về chất lượng giáo dục, với căn bệnh trầm kha thi đua “đạt chỉ tiêu”, được hỗ trợ bởi phương pháp dạy nhồi nhét, học vẹt, học tủ, quay cóp...

 

Thêm vào đó, còn hiện tượng bằng giả, thi hộ hay mua điểm. Phải chăng từ mấy chục năm qua chúng ta đã bị ru ngủ với lối học dỏm, thi cử dỏm, bằng cấp dỏm hay bi đát hơn bằng cấp thật mà kiến thức dỏm?

 

Giới Công giáo chắc chắn cùng chịu chung số phận trong cuộc khủng hoảng về chất lượng giáo dục hiện nay. Thêm vào đó, còn gặp khó khăn về số lượng nữa: hiện nay, những vùng Công giáo có tỷ lệ những người ở cấp độ Đại học thấp hơn mức trung bình của quốc gia. Các phụ huynh và các vị hữu trách có biện pháp cụ thể để khuyến khích và giúp đỡ giới trẻ Công giáo nâng cao trình độ học vấn? Chúng ta có thể tổ chức quỹ học bổng cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận và toàn quốc hay không?

 

Trong thập niên vừa qua, số người Công giáo tại cách thành phố lớn đã gia tăng hơn tỷ lệ toàn quốc. Tuy nhiên đại đa số giáo Công giáo vẫn sống ở nông thôn, hoặc hơn nữa tại những vùng sâu, xa, cao. Chính vì vậy thu nhập rất thấp. Có những vùng vẫn ở dưới mức trung bình của cả nước. Chúng ta có chương trình cụ thể nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân nói riêng và để phát triển nông thôn nói chung? Uỷ ban Tông đồ Giáo dân có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nào không?

 

Giữa một đất nước đang đổi thay và trong một thời đại mà chất xám và sáng tạo được đề cao, người giáo dân cần ý thức vai trò quan trọng của nghành nghề chuyên môn trong việc phục vụ đất nước và loan báo Tin mừng. Hơn bao giờ hết, sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết những biến đổi sâu xa của toàn cầu hóa, đồng thời ý thức rõ rệt những thách đố mà khoa học kỹ thuật đang đặt ra cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á châu hôm nay. Để thực sự đồng hành với dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá này và để giúp dân tộc đồng hành với nhân loại hôm nay, chúng ta phải cương quyết chống hai thứ giặc đang nhục mạ dân tộc, đó là nghèo đói và lạc hậu.

 

4- Trong cộng đoàn Dân Chúa

 

Nhìn dưới góc độ văn hoá, chữ “giáo dân” khá hàm hồ. Có thể hiểu theo hai nghĩa: người dân có đạo hay “đám tín đồ lê dân”. Thông thường người ta đã hiểu giáo dân theo nghĩa sau cùng này và được dùng theo nghĩa đối lập với “giáo sỹ”. Vô hình trung, không hiểu do duyên nợ nào mà sự phân biệt giữa quan dân theo truyền thống Nho giáo đã lẻn vào lòng Giáo hội. Từ đó giữa những người có “Đạo” với nhau, cùng chia sẻ một niềm tin, cùng tôn thờ một Chúa, lại có sự phân biệt cơ bản giữa quan quyền với lê dân! Người giáo dân Việt Nam rất quý trọng “thánh chức” và yêu mến đời sống tu trì. Đó là một tâm tình và một món quá rất quý báu mà giáo sỹ nên đón nhận với lòng biết ơn và khiêm tốn. Điều bất bình thường là một số linh mục hình như vẫn viện dẫn “chức thánh của mình” để đòi hỏi được vâng lời và tôn trọng, mà quên đi ý nghĩa phục vụ theo tinh thần Phúc Aâm và tình huynh đệ giữa tất cả các môn đệ Đức Kitô theo tinh thần của công đồng Vatican II. Não trạng này đã làm cho không ít giáo sĩ trở thành một thứ quan quyền, tách biệt với chúng sinh. Nhưng phải chăng, trong nhiều trường hợp, chính các giáo dân đã biến giáo sỹ thành những “ông quan”? [27].

 

Theo ý kiến của một số người, đã đến lúc cần rà soát lại lối xưng hô, mối tương quan và cách thế làm việc chung giữa giáo dân và giáo sỹ không còn thích hợp với thời đại. Để trả lời thỏa đáng cho những thách đố mà thời đại và đất nước đang đặt ra, Giáo hội cần đưa ra một đường hướng mục vụ thích hợp và động viên tinh thần làm việc chung của tất cả cộng đoàn Dân Chúa. Trong viễn tượng đó, dĩ nhiên những cái nhìn cục bộ và lối phân chia nhỏ nhen giữa Bắc - Trung - Nam, Triều - Dòng, Giáo sĩ - Giáo dân ... trở thành vừa vô nghĩa và vừa phi lý.

 

Đứng trên phương diện thần học, Công đồng Vatican II đề cao tính liên đới và sứ vụ riêng của mỗi thành phần Dân Chúa : tất cả các kitô hữu đều “bình đẳng trong sự công chính của đức Kitô” và đồng trách nhiệm trước sứ vụ rao giảng Lời Chúa. Bốn mươi năm sau nhìn lại, nhiều xác quyết về cộng đoàn Dân Chúa, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân ... có lẽ vẫn nằm yên trên văn bản. Chức vụ “tư tế chung” của tất cả các tín hữu, chẳng hạn, có giá trị gì và trong thực tế đã thực hiện như thế nào ở Việt Nam? Đâu là tương quan giữa tư tế cộng đoàn với chức vụ tư tế thừa tác của các linh mục? Sứ vụ “vương giả” cũng như vai trò “chủ động” của giáo dân đã được thể hiện như thế nào trong đời thường và trong sinh hoạt giáo xứ ?

 

Trong suốt bốn mươi năm qua, tại nhiều nơi trên thế giới, giáo dân đã bắt đầu thực hiện sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương gỉa của mình, bằng nhiều cách thế và dưới nhiều dạng thức khác nhau. Tại một vài nơi, khi vắng bóng linh mục, chính người giáo dân điều khiển việc cử hành phụng vụ Lời Chúa, làm thừa tác Thánh thể, thừa tác viên bí tích thánh tẩy, hôn phối. Một số giáo dân đảm nhận chức vụ tuyên úy bệnh viện, nhà tù, giáo lý viên, thành viên Hội đồng Mục vụ, Chưởng ấn tại các giáo phận, giáo sư tại các phân khoa thần học hay các Đại Chủng viện.. . Cũng chính giáo dân đảm trách việc quản trị kinh tế trong giáo xứ cũng như giáo phận. [28]

 

Nhưng tại Việt Nam thì sao? Đâu là vai trò và sứ vụ của giáo dân Việt Nam? Người giáo dân có vị trí và trách vụ nào trong sinh hoạt giáo xứ và tổ chức cộng đoàn? Đã thực sự có sự đối thoại chân thành giữa giáo dân và giáo sỹ chưa? Người giáo dân đã ý thức ơn gọi của mình và can đảm lãnh trách nhiệm, hay vẫn tồn tại thái độ phục tùng chỉ biết thụ động chờ lệnh trên, rồi khi không vừa ý cũng chỉ biết ta thán là tại trên không ra lệnh hay không biết dùng người? .[29]

 

Trong thời gian qua, có nhiều giáo dân đã thành công trong các lãnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, nghệ thuật,v.v.. Nhưng họ đã trở thành trí thức Công giáo chưa? Nếu chưa, đâu là nguyên nhân và làm sao để đào tạo các giáo dân trí thức ? Đó là những câu hỏi nhức nhối đang đặt ra cho chúng ta, giáo dân cũng như giáo sỹ?

 

5- Chương trình đào tạo chiều sâu

 

Một trong những điểm nổi của Giáo hội Việt Nam là lòng sùng đạo, tổ chức giáo xứ, hội đoàn, kinh lễ, rước xách sầm uất ... Khi có dịp viếng thăm Việt Nam, nhiều người nước ngoài thường ca ngợi “lòng sùng đạo” của dân ta. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn tự hỏi: đó là lối giữ đạo theo tập tục cổ truyền hay đường hướng sống đạo theo tinh thần Vatican II?

 

Thiết tưởng đã đến lúc cần nghĩ đến các trung tâm tĩnh tâm và đào sâu chiều kích tâm linh. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường... càng làm cho con người dễ bị phân tâm, lôi cuốn, chạy theo ham muốn và mời mọc của tiền tài, danh vọng, sắc dục. Sự phát triển của kinh tế và khoa học kỹ thuật là yếu tố tích cực trong lịch sử nhân loại. Nhưng nó như con tuấn mã bất kham, cần được thuần hóa và hướng dẫn. Rất tiếc là người kỵ sĩ hiện tại quá yếu, không đủ khả năng để thuần hóa một con ngựa chứng quá mạnh.

 

Hơn bao giờ hết thế giới, và đặc biệt là giới trẻ hôm nay, đang yêu cầu chúng ta đặt nổi chiều kích tâm linh, trở thành những con người tôn giáo đích thực, những người có kinh nghiệm bản thân về mối tương quan thân tình với Chúa, về giải thoát tâm linh và niềm an vui nội tâm.

 

Tuyên bố bế mạc Đại hội lần thứ 7 của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á châu đã sáng suốt đưa ra một tầm nhìn và “chuyển hướng đặt nổi tính nội tâm sâu xa ngõ hầu Giáo hội trở thành một cộng đoàn cầu nguyện sâu xa, trong đó chiêm niệm nối kết hài hòa với bối cảnh thời đại và các nền văn hóa của dân tộc. Gắn liền với đời thường, cầu nguyện đích thực phải làm phát sinh nơi các tín hữu chứng từ trong sáng về yêu thương và phục vụ”.

 

Chương trình đào tạo thần học chiều sâu cho giáo dân và chương trình mục vụ chuyên biệt cho từng ngành nghề trở thành nhu cầu khẩn cấp. Hơn bao giờ hết, lời tâm huyết sau đây của đức Gioan Phaolô II phải trở thành ưu tiên mục vụ của chúng ta: “Tôi xin hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đề nghị thành lập ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia những trung tâm đào tạo giáo dân, để chuẩn bị họ làm công việc thừa sai như những chứng nhân cho Đức Kitô tại Á Châu ngày nay” (EA 45c).

 

6- Bao giờ phượng hoàng vổ cánh?

 

Thư Mục vụ năm 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mọi người Công giáo mạnh dạn dấn thân vào những môi trường mới để loan báo Tin Mừng: “Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó là những môi trường văn hoá, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật … Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của tin Mừng. Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng. Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh”. [30]

 

Tất cả chương trình đẹp đẽ và lớn lao ở trên sẽ chẳng đem lại kết quả mong muốn nếu không có sự tham gia tích cực của giáo dân.

 

Nhưng giáo dân chúng ta đã được chuẩn bị như thế nào? Có thể lên đường hay chưa? Và sẽ đảm nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào?

 

Câu giải đáp xin nhường lại cho quý vị và quý bạn là những người có thẩm quyền và kinh nghiệm hơn. Xin được phép kết thúc tản mạn này với câu chuyện “con phượng hoàng con”.

 

Lần kia, một tiều phu lên núi chặt cây. Tình cờ gặp tổ chim phượng hoàng, trong đó chỉ mới có một quả trứng. Anh ta lấy trứng đem về, rồi cho gà ấp. Với thời gian, trứng phượng hoàng nở cùng với trứng gà. Con phượng hoàng con cũng bới đất kiếm sống, y như những con gà con khác. Nó lớn như thổi, nhưng vẫn nghĩ mình là phận gà. Một ngày nọ, nhìn lên trời, thấy một con chim lớn bay lượn trên không. Đôi cánh giang rộng, che khuất cả một góc trời. Nó ngõ ngàng hỏi mấy chú gà con bên cạnh: con chim gì mà ghê gớm vậy? Mấy chú gà con hoảng hốt trả lời: đó là phượng hoàng, chúa của loài chim. Còn chúng mình là phận gà, chạy trốn đi, nếu không sẽ làm mồi cho nó bây giờ.

 

Con phượng hoàng con cứ đinh ninh mình là gà và tiếp tục sống phận gà. Cũng may, lần kia khi đến uống nước bên hồ nước trong vắt cùng với các bạn gà tơ. Nhìn hình ảnh của mình dưới nước, con phượng hoàng chợt “ngộ“. Nó lấy lại căn tính và bắt đầu vỗ cánh bay lên trời cao.

 

Biết đâu những cuộc Hội thảo như thế này sẽ là một cơ hội tốt giúp người giáo dân ý thức rõ hơn sứ vụ và căn tính của mình. Và một ngày đẹp trời nào đó, sẽ vỗ cánh bay xa. Không những trên khắp miền đất nước, mà còn bay tới nhiều nước khác trên thế giới.

 

__________________________

Phần Bị Chú

 

[1] Tên một cuốn sách của H.Y. Cardjin được dịch và phổ biến rộng rãi ở Saigòn.

[2] Gioan XXIII, Loan báo Công đồng, ngày 25 tháng giêng 1959, trong A. & G. Alberigo, Giovanni XXIII profezia nelle fedeltà, Brescia, 1978, tr. 274- 278 ;

[3] Gioan XXIII, Sắc chỉ triệu tập Công đồng « Humanae salutis », ngày 25- 12-1961.

[4] Gioan XXIII, Diễn văn bế mạc khoá I của Công đồng, số 22.

[5] Bản văn ngày 24-5-1963, dẫn trong A. & G. Alberigo, sđtd., tr. 494.

[6] Cf. Y. Congar, L'Eglise comme Peuple de Dieu, in Concilium 1965/1 ....

[7] Vatican II, Lumen Gentium, số 9.

[8] Ibidem.

[9] Ibidem, số 32.

[10] Thánh Augustino đã diễn tả một cách sâu sắc sự phân biệt tinh tế này: “Nếu vị thế của tôi cho anh em làm tôi run sợ, thì (ơn gọi) cùng với anh em là niềm an ủi của tôi. Cho anh em tôi là Giám mục và cùng với anh em tôi là Kitô hữu. Giám mục là một chức vụ, Kitô hữu là một ân huệ. Chức vụ Giám mục chỉ mang lại cho tôi những hiểm nguy, trong khi đó, đối với tôi, Kitô hữu đảm bảo ơn cứu độ” (Serm. 340, 1. PL. 38, 1483).

[11] Ibidem , số 33.

[12] Gaudium et spes, số 43.

[13] Sắc lệnh về « Tông đồ giáo dân », số 4.

[14] Gioan Phaolo II, Người tín hữu giáo dân, số 17.

[15] Gioan Phaolô, Người tín hữu giáo dân, số 34-35.

[16] Message of the Synod of Bishops'special Assembly for Asia, n.5.

[17] Hội Đồng Giám ục Việt Nam, Thư Chung, ngày 1.5.1980, số 9.

[18] Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Aûnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 217.

[19] Ibidem, tr. 273-274.

[20] Phùng Đạt Văn, Tín ngưỡng và lý tính, tập san Nghiên cứu Tôn giáo, tháng 5 -2003, tr. 10.

[21] Phạm Bích Hợp, Lời đề dẫn Hội thảo “Tôn giáo tính và đời sống tôn giáo của người Việt Nam”, NS Công giáo & dân tộc, số 111, 3-2004, tr . 107 [22] Ngân hàng Thế giới, Knowlegde for Development, Oxford University Press, New York, 1998/1999, tr. 16.

[23] Tổng cục Thống kê, Tổng Điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999, nxb Thống kê, Hà Nội, 2001, tr. 301.

[24] Mai Lan, “Tăng bất bình đẳng trong giáo dục”, Sàigòn Giải phóng, ngày 15-4-2004, tr.2

[25] Tạp chí Dân số và Phát triển, số 6 - 2001, tr. 4

[26] Tổng cục Thống kê, op. cit., tr. 118, 124.

[27] Trên thực tế, nghi lễ trao ban thừa tác vụ linh mục thường được gọi là lễ phong chức, với đầy đủ lễ nghi chúc mừng, chiêu đãi, ăn khao. Có nơi cũng rước tân chức... na ná như ngày xưa rước quan trạng về làng. Tại một số nơi, song thân của các linh mục thường được gọi là Oâng Bà Cố. Và anh chị em của linh mục cũng được “thăng quan tiến chức”, cho lên họ nhà quan. Từ đây được gọi là: quan bác, quan chú, quan cô…

[28] Xem Bernard Sesboé, N'ayez pas peur! Regards sur l'Eglise et le ministères aujourd'hui, Paris, 1996.

[29] Xin coi Phan Đức Thông, « Sự trưởng thành của Giáo dân Việt Nam tại hải ngoại », trong Diễn Đàn Việt Nam, số 48, tháng 3 năm 1995 ; Tuyển tập Tin Nhà, Hai Ngàn Năm Một Thuở. Chứng từ của một số người công giáo, Tin, Paris, 2000 ; Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, số 10, tháng 8 năm 2002 (về Đại hội LĐCGVN tại Hoa Kỳ kỳ VI) ; một số bài trên WWW.tiengnoigiaodan.net

[30] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội thánh Việt Nam hôm nay, 10.10.2003, số 8.

 

 

Nguồn: Báo Triết Đạo số 9

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Sứ điệp Mùa Chay 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2022
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021
     Các tài liệu liên quan đến Tông Thư Maximum Illud
     TÌM HIỂU VẾ SẮC LỆNH TRUYỀN GIÁO
     HIỂU và SỐNG "TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG"
     TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2015
     VĂN KIỆN: TÔNG HUẤN, TÔNG THƯ, TỰ SẮC, THÔNG ĐIỆP
     Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Các bài viết cũ hơn
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
     SỨ ĐIỆP THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC NGÀY 18-10-2009
     SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO 16 NGÀY 20.10.2007
     SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC BENEDICTO 16 NGÀY 19.10.2008