Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 24

PHẢI THA ĐẾN MẤY LẦN?

imagesCA5T2V5U.jpgJohnny tranh cãi dữ dội với Willy, em trai nó. Trước giờ kinh tối, mẹ Johnny nói với nó: “Mẹ muốn con tha cho em con”. Nhưng nó chẳng muốn tha một tí nào: “Không, con quyết không bao giờ tha cho nó”. Mẹ nó cố gắng thuyết phục nó bằng mọi cách mà vẫn chẳng được.

Cuối cùng, bà ta nói: “Nếu em con chết tối nay thì sao? Con thấy thế nào khi biết là mình đã không tha cho em?” Thằng bé nhượng bộ: “Vậy thì con tha cho nó. Nhưng nếu sáng mai nó còn sống thì con không tha”.

“Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm” (Hc 27,30). Ai cũng biết “Lấy thù báo oán, oán thù chồng chất; đem ân trả oán, thù oán tiêu tan”. Nói thì dễ nhưng trong cơn giận dữ hay lúc ghen ghét, người ta lại cũng dễ quên hết những điều đó mà trở nên mù quáng: Khi nghe con ruột mình bào chữa cho Đavít, vua Sa-un trong cơn giận, đã thậm tệ chửi mắng anh: “Thằng con của mụ đàn bà hư thân mất nết kia! Tao lại không biết mày cặp kè với thằng con trai lão Gie-sê, để mày phải nhục và con mẹ đã đẻ ra mày cũng phải nhục sao?… Bây giờ hãy sai người đi bắt nó về đây cho tao, vì nó đáng chết”

Không chỉ chửi mắng thậm tệ mà ngay giữa bàn ăn ông đã phóng cây giáo vào anh khi nghe anh chất vấn: “Sao lại giết anh ấy? Anh ấy đã làm gì?”. May mà anh tránh được (1Sm 20,30-33).

Trong cơn giận Sa-un đã không tha ngay cả con mình. Con thì không giết được nhưng chính ông lại đang giết chết tâm hồn mình khi đánh mất tình yêu. Đó là sự sống thần linh và là món quà quí giá nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta khi dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài.

Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu thì “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13, 7). Cái chết oan ức của Aben bởi lòng giận ghét của Ca-in là trái đắng đầu tiên, dấu hiệu cho cái chết của tâm hồn khi người ta lìa xa Thiên Chúa.

Khi xuống thế cứu độ nhân loại, công việc chính yếu của Đức Kitô là phổ giai điệu yêu thương vào cuộc sống con người, qua lời giảng dạy và cuộc sống của Ngài. Đó là giai điệu tuyệt vời của một tình yêu luôn tha thứ, luôn hy vọng hoa trái thiện hảo nơi tha nhân, luôn hướng đến điều thiện ích ngay cả cho người bách hại mình.

Nếu có ai đặt câu hỏi ‘thế nào là ơn cứu độ, thế nào là một Kitô hữu’ thì đó là những câu hỏi chỉ có thể trả lời trong cuộc sống, như chính Đức Kitô đã dùng chính cuộc sống làm câu trả lời cho ơn cứu độ: “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9).

“Đức Mến là hy vọng tất cả” nên đức mến không hề có một biên giới nào cho sự tha thứ, và chịu đựng lẫn nhau. Câu chuyện dụ ngôn Chúa dùng để trả lời thánh Phêrô đã nói lên rõ ràng cái giới hạn của sự tha thứ là tha thứ không giới hạn.

Thế nhưng đâu là lý do của sự tha thứ không giới hạn? Phải chăng Chúa muốn nhẹ tay cho tội lỗi, cho sự dữ?

Không, trước khi nói đến tình yêu, lý do khiến chúng ta phải tha thứ tất cả cho anh em mình vì chúng ta không có quyền đòi người khác điều không còn là của chúng ta: Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ” nên y chẳng còn quyền gì trên con nợ của y nữa.

Hãy tha thứ vì chẳng ai có quyền đòi nợ một ai; hơn nữa, vì tha thứ là bước đầu không thể thiếu của tình yêu, của sự sống thần linh, và của thiên đường!

Một thiền sư đang ngồi xếp bằng và để tâm trí trôi theo những suy tư thì bị quấy rối bởi một giọng nói khàn đục, thiếu lễ độ của một kiếm sĩ Sa-mu-rai: “Đâu là thiên đường, đâu là địa ngục?”

Ông từ từ mở mắt ra và chậm rãi trả lời cho tay kiếm sĩ có vẻ thiếu kiên nhẫn nọ: “Ngươi hỏi ta về thiên đường và địa ngục ư? Hỡi kẻ ăn mặc lôi thôi, lếch thếch; đầu tóc bù xù, hơi thở sặc mùi hôi, tay cầm một thanh gươm cùn rỉ sét”.

Anh ta sôi máu lên, rút thanh kiếm kê sát vào cổ vị thiền sư thì nghe ông nói: “Đây là địa ngục”. Nghe thế, anh rút tay lại, lòng cảm phục người đã khinh cả mạng sống để dạy anh một bài học; rồi nhớ lại bao người đã ngã gục dưới lưỡi kiếm này, anh buông thanh kiếm xuống với giọt lệ trên khoé mắt, lúc đó anh nghe ông nói: “Đây là thiên đường”.

Lạy Chúa, có những lúc máu trong tim con sôi lên vì giận dữ, xin đổ xuống lòng con Thánh Thần của Chúa, để con hợp một ý với thánh Phanxicô Khó Khăn mà dâng lời nguyện hòa bình: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”

Lm. HK


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     ¬Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh – HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A- Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Minh Thuỳ
     BA CUỘC ĐỜI- BA CÁCH CHẾT. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     XÉT XỬ BẰNG TÌNH YÊU. Lm HK
     SUY NIỆM LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ. Nt Maria- Madalena Phạm thị Huy, OP
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C.Nt Anna Nguyễn Nguyện
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền