Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

CHỦ NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

betho56.jpgLời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta nhìn lại cuộc sống đức tin để tìm cách đáp trả cho xứng đáng lời mời gọi của Ngài. Người ta có tìm gặp nơi cách sống của chúng ta sự vâng phục mà họ ngưỡng mộ nơi các Tiên tri và các Môn đệ đích thực không?

Sách Tiên tri Giô na 3, 1-5.10

Sự hiện diện của tiên tri Giôna tại Ninivê đã hướng mọi người đến Thiên Chúa và từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất đều sám hối, cả những con vật cũng ăn chay. Sự sám hối tập thể nầy cho thấy hành động của Thiên Chúa bao quát dường nào. Vì thế, kinh thành Ninivê, thủ đô của người Assyri, địch thù của Israên, nổi tiếng là hung bạo và mạnh mẽ, cuối cùng đã được Thiên Chúa tha thứ và không bị phá hủy hoàn toàn như đã được cảnh báo.

Thánh Vịnh 24

Hoảng hốt khi phải đối diện với  những khó khăn to lớn, người tín hữu hướng lòng về Chúa là tình yêu và thương xót. Chúa tốt lành vô cùng sẽ ban ơn tha thứ trợ lực và yêu thương.

Thư thứ 1 Corintô 7, 29-31

Nước Thiên Chúa đã khởi sự. Thế gian đang thay hình đổi dạng đối với những ai nghe lời Thiên Chúa mời gọi và đáp trả bằng một lời xin vâng hoàn toàn và vô điều kiện. Từ nay, chính sự sống của Thiên Chúa linh hoạt họ. Chỉ những ai chấp nhận sám hối, quay trở về với Thiên Chúa và từ bỏ những gắn bó trần tục của mình mới có thể tiếp cận sự sống ấy

TIN MỪNG: Mc 1,14-20

NGỮ CẢNH

Sau lời tựa ngắn (1,1), Mác cô cung cấp cho độc giả một vài dữ kiện liên quan đến giai đoạn chuẩn bị sứ vụ công khai (1,2-8: sứ vụ Gioan Tẩy giả; 1,9-11: phép rửa Chúa Giê su; Chúa Giê su bị cám dỗ (1,12-13). Sau đó Mác cô khởi đầu phần sứ vụ công khai bằng lời rao giảng của Chúa Giê su (1,14-15), được tiếp nối bằng việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên (1,16-20).

TÌM HIỂU

Triều đại Thiên Chúa đã đến gần: có tới ba cách giải thích khác nhau:

- Triều đại Thiên Chúa giờ đã đến vì có Chúa Giê su hiện diện;

- Triều đại Thiên Chúa đã gần kề: nó sẽ hiện diện khi Đức Ki tô phục sinh được tấn phong trong vinh quang (x. 16,19);

- Triều đại Thiên Chúa đã gần kề: nó sẽ tới khi Đức Ki tô sẽ ngự đến trong vinh quang vào lúc cuối thời gian.

Anh em hãy sám hối: trong CƯ sám hối là quay trở về với Thiên Chúa. có lẽ ở đây ý tưởng nầy đạt tới tầm mức sâu xa hơn. Sự khác biệt về từ vựng trong cách diễn tả chủ đề dường như không cho phép coi TƯ như tiếp nối CƯ về điểm nầy.

Thật vậy, đây là một quan niệm mới, mà chỉ những trình thuật sám hối trở về trong tin mừng mới có thể soi sáng cho chúng ta. Ông Lê vi trở về (2,14) chỉ vì ông được Chúa Giê su kêu gọi và niềm tin ông vào Ngài lớn đến nỗi ông đã bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Trong Tin mừng, sự trở về trong suốt cuộc sống là một việc làm của con người có trước niềm tin, nhưng đã thuộc thành phần của đức tin (Kn 12,2.19). X. Mc 3,11.

Và tin vào Tin mừng:  chấp nhận được cứu độ nhưng không bởi đức tin trong Đức Ki tô hạ mình trong cái chết, đã tỏ cho thấy tình yêu của Thiên Chúa như thế nào và cũng nhờ thế mà đã lãnh nhận từ nơi Cha sự tấn phong là vua và quyền năng để cứu độ tất cả mọi người: chính nơi đây cô đọng lại toàn bộ tin mừng, và là mầm móng phát sinh niềm tin ki tô giáo. Do đó không phải ngẫu nhiên mà lời rao giảng nầy giống với lời rao giảng tin mừng ban đầu, như đã được tường thuật lại trong sách Công vụ (x. Cv 20,21;5,3;11,18; vv..). Để hiểu rõ tầm mức sâu xa của câu nầy thì điều đơn giản nhất là tìm hiểu thư Rô ma.

Biển hồ Ga li lê: biển hồ Ga li lê là một trong những địa danh thường xuất hiện trong Mc. Ở đó Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài (1,16-20;2,13-14). Ở đó Ngài giảng dạy đám đông (2,13;3,7-12;5,21).

Ông Si môn: Chúa Giê su sau nầy đã đặt tên cho ông là Phê rô.

Trong thực tế, không chắc ông Si mon là người đầu tiên được kêu gọi. X. Ga 1,35-42. Trái lại Mc trình bày ông Si mon như là người đầu tiên được Chúa kêu gọi và trong phần tiếp theo của tin mừng, đã thường xuyên nêu tên ông và đề cao ông trong nhóm Mười Hai (x. thí dụ 1,36; 3,16; 8,29; 9,2; vv..). Mục tiêu của Mc là giúp cho độc giả hiểu rằng vị tông đồ nầy đã đóng một vai trò rất quan trọng và người đứng đầu trong cộng đoàn.

Các anh hãy theo tôi: không có gì đi trước chuẩn bị cho biến cố kêu gọi. Thật ra, lối trình bày ấy có tính cách thần học: tính cách bất ngờ của câu truyện muốn chỉ ra rằng mọi sự đều khởi đầu với lời mời gọi của Đức Ki tô. Phần còn lại (công lao hay không, chuẩn bị luân lí, thiêng liêng, tâm lí) thì Mc không quan tâm đến.

Những kẻ lưới người như lưới cá: kiểu nói nầy trong Thánh Kinh (thí dụ x. Kb 1,14-15; Gr 16,16; Lc 21,34-35) gợi lên một hình ảnh bạo lực. Khi ông Gia cô bê và Gioan, theo Lc 9,54 nói với Chúa Giê su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”, thì họ tỏ ra họ muốn hiểu theo mặt chữ sứ mạng “lưới người” của mình. Thật ra hình ảnh nầy được gợi ý bởi nghề nghiệp của các môn đệ: để kêu gọi các môn đệ, Chúa Giê su Ki tô dùng ngôn ngữ nghề nghiệp của họ.

Ngày nay cũng như ngày xưa thời Chúa Giê su, cần phải thanh tẩy hình ảnh ấy khỏi bạo lực, nhưng ít ra nó nhắc nhở rằng cuộc đời tông đồ là một cuộc chiến đấu.

Chài lưới: bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Chúa Giê su rõ ràng là lí tưởng đối với tác giả tin mừng muốn nhấn mạnh đến các đòi hỏi dăn bản của đức tin. Trong một vài sứ mạng tông đồ việc dứt bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giê su trở nên đích thực và hoàn toàn. Nhưng các đòi hỏi tận căn có giá trị cho mỗi người ki tô hữu: phải yêu mến Đức Ki tô bằng một tình yêu ưu tiên trên bất cứ một giá trị nào khác và sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài.

Đi theo Người: là thái độ cụ thể của mọi môn đệ đi theo Thầy mình, nhưng trong Mc thì kiểu nói nầy đã cho thấy một kiểu cách sống của người ki tô hữu nhờ đức tin đã trở nên môn đệ Đức Ki tô.

Các ông bỏ cha: điều mà các ông bỏ lại không hề nhỏ. Các tông đồ và các ki tô hữu đầu tiên gốc híp pri, vì sứ mạng của mình và vì các cuộc bắt bớ, không những đã bỏ của cải mình có mà cả quê hương, gia đình và các truyền thống tôn giáo cha ông.

SỨ ĐIỆP

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Giô na. Đó là một quyển sách ngắn bốn trang phải đọc liền một mạch, chứa đựng một câu truyện đầy hài hước nhưng để lại cho chúng ta một giáo huấn rất quan trọng. Chúng ta cần phải biết đọc ý tưởng tiềm mặc dưới những hàng chữ để có thể lãnh hội được điều mà tác giả muốn nói.

Đó là câu truyện về một vị tiên tri Do thái dũng cảm và nhiệt thành. Thiên Chúa bảo ông mang tối hậu thư đến thành Ninivê, thuộc Irak ngày nay. Ninivê bấy giờ là thủ đô của một vương quốc nguy hiểm, và thù địch số một của Israên, một kinh thành to lớn, giàu có và khao khát chinh phục. Đó là một sứ mạng bất khả thi đối với vị tiên tri Do thái, nhưng sau nhiều lần lẫn tránh, Giô na cuối cùng cũng phải đi đến đó để thực hiện sứ mạng Thiên Chúa giao cho. Ông ra đi mà lòng nơm nớp lo sợ người ta giết hại mình. Nhưng rồi ông hết sức ngạc nhiên khi thấy dân cư ở đó từ lớn tới nhỏ đã nghe lời ông và sám hối.

Sau khi rao giảng, Giô na ra ngoại ô Ninivê để chờ xem thành phố bị tiêu diệt. Nhưng khi thấy Thiên Chúa từ bỏ ý định của Ngài, không tiêu diệt như lời đã phán, Giôna giận dữ vì thấy rằng sự tiên báo của mình không được thực hiện, thì Thiên Chúa trả lời cho ông: « Cũng may mà ta không phải như ngươi ». Thật vậy, tất cả mọi người đã sám hối, trừ một người, đó chính là ông Giôna. Vì thế, đối với ông cũng như đối với chúng ta, việc hiểu rõ những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến chúng ta thật là cấp thiết.

Điều thứ nhất đó là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và Ngài chờ đợi nơi họ sám hối để tha thứ cho họ. Lời cảnh giác của Giôna: « Còn bốn mươi ngày nữa, thành Ninivê sẽ bị tiêu diệt » là tiếng kêu báo động. Lúc cuốn sách nầy được viết, người ta đã nhận ra rằng họ sẽ không bị kết án vĩnh viễn. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, với điều kiện là tai và tâm hồn chúng ta phải mở ra để đón nhận lời tha thứ của Ngài.

Sứ điệp thứ hai: Thiên Chúa là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ, kể cả những người dân ngoại. Người ta có thể cầu nguyện với Ngài khắp mọi nơi, cả bên kia biên giới Israên, trên một chiếc tàu và cả ở trong bụng cá. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị hạn chế trong một nơi chốn, một xứ sở, một đảng phái chính trị hay một tôn giáo. Ngài là Thiên Chúa của mọi người.

Sứ điệp thứ ba: Những người mà chúng ta coi là dân ngoại và tội lỗi thường sẵn sàng lắng nghe Lời Thiên Chúa hơn chúng ta. Đó là trường hợp dân thành Ninivê. Và ngày nay cũng thế. Người ta thấy những người ở xa Giáo Hội trở về với Chúa Giê su Kitô. Trong khi đó, những người biết và xác tín quá nhiều thì lại không nhúc nhích.

Sứ điệp thứ bốn: câu truyện nầy đã được sáng tác sau thời lưu đày vào thời kì mà các tiên tri muốn nhắc lại rằng Thiên Chúa muốn cứu thoát tất cả nhân loại, chứ không riêng gì dân ưu tuyển. Cũng giống như trong một gia đình: phải làm cho đứa con trưởng hiểu rằng nó không phải là đứa con duy nhất. Thiên Chúa là một người Cha quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt những người ở xa nhất. Thật là một sứ điệp quan trọng đầy hi vọng vẫn còn giá trị cho chúng ta.

Lời mời gọi đó chúng ta tìm thấy trong tin mừng hôm nay: Chúa Giê su đến và lời đầu tiên rất vắn gọn, nhưng quyết định. Ngài chỉ phán: « Hãy sám hối và tin vào Tin mừng; vì Nước Trời đã gần đến». Và đã có những người bị cuốn hút ngay tại chỗ làm việc của mình hằng ngày, đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Ngài. Đối với An rê, Si mon, Gia cô bê và Gioan, lúc đó đánh dấu khởi đầu một tình yêu lớn. Họ tiếp nhận một tin mừng đổi mới cả cuộc đời của họ.

Tin mừng ấy, chính là Thiên Chúa đã tự trở nên đặc biệt gần gủi và liên đới với những người hèn mọn, những người nghèo, những người bất hạnh. Chúa Giê su đến gặp họ trong chính hoàn cảnh riêng của từng người, và mời gọi tất cả hãy sống sao cho thật phong phú. Tin mừng ấy nói rằng Thiên Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích, mọi nô lệ, khỏi tất cả những gì làm cho chúng ta đui mù, và xuống cấp, như tình yêu, tiền bạc, kiêu căng và bản năng chế ngự, ích kỉ, nhục dục, tìm kiếm thái quá việc làm hài lòng riêng cho bản thân mình.

Thiên Chúa đến với chúng ta, không phải để xét xử, nhưng để chữa lành và nâng chúng ta lên. Ngài như người cha của đứa con hoang đàng chỉ muốn tha thứ cho con của mình ngay khi nó muốn trở về. Niềm vui lớn của Thiên Chúa, đó là nhìn thấy con cái mình lớn lên, thấy nó phát triển các khả năng, các nén bạc của mình. Điều quan trọng đối với Ngài đó là hạnh phúc của chúng ta. Chính đó là điều mà tất cả chúng ta được mời gọi đến.

Trên đây là một vài khía cạnh của Tin mừng công bố hôm nay. Chắc chắn còn nhiều điều khác mà chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết. Ngày hôm nay, Chúa Giê su vẫn khuyên bảo chúng ta: “Hãy sám hối”. Qua đó, Ngài mời gọi từng người chúng ta: “Hãy từ bỏ con đường hư hoại, và hãy theo ta trên con đường mà ta sẽ chỉ cho anh em. Đừng đóng kín lòng mình lại. Hãy tiến tới gần Thiên Chúa và anh em mình, hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » .

Tin mừng mà Chúa Giê su mang đến cho chúng ta có thể biến đổi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự tin vào điều đó, nó có thể giúp cho chúng ta vượt thắng mọi tranh chấp có thể nẩy sinh trong làng xóm chúng ta, gia đình chúng ta. Rồi một ngày kia, Chúa Giê su sẽ cho biết sức mạnh của lòng tin nơi Ngài, một đức tin có thể dời chuyển cả núi non. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những trái núi thiếu hiểu biết chất đống bên trong Giáo Hội và trong thế giới chúng ta.

Tuần nầy chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki tô hữu. Sự hiệp nhất là hoàn toàn thiết yếu mà chúng ta phải thể hiện vì ki tô hữu chia rẽ thì không thể mang lại một chứng từ quyết định. Chúng ta phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội tốt để gặp nhau, để đến gần Đức Ki tô với tất cả anh em Ki tô hữu chúng ta và để cùng nhau tiến tới trong một tình liên đới bền vững hơn.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Xin Chúa giúp chúng ta quan tâm hơn đến lời kêu gọi của Ngài, Ước gì Ngài ban cho chúng ta lòng quảng đại hơn để đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng cách biến chúng ta thành những người tác tạo hòa bình, hiệp nhất và hòa giải bất cứ nơi nào chúng ta sống.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Chúa Giê su nói gì về chính mình ?

THƯA: Nếu chúng ta đọc kĩ các sách Tin mừng, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên thấy rằng Chúa Giê su dường như không quan tâm mấy đến việc cắt nghĩa Ngài là ai. Lời rao giảng của Ngài không đặt trọng tâm vào việc mạc khải con người của Ngài, nhưng là lời loan báo Tin mừng: “Hãy sám hối, vì nước Trời đã gần đến”.  Chúa Giê su không hề cảm thấy cần thiết phải cắt nghĩa cho người ta biết Ngài là ai, và minh chứng tại sao có những giáo huấn và hành vi Ngài làm, như các người làm phép lạ vẫn làm trước và sau Ngài.

2. HỎI: Tuy nhiên, trong một vài giai đoạn trong cuộc đời, dường như Chúa Giê su dùng phép lạ để cho thấy những gì Ngài dạy là chân thật?

THƯA: Đúng. Nhưng trong những lúc ấy, Chúa Giê su nói và chứng minh một cách hết sức tự nhiên và ngẫu hứng dường như thể không cần phải chứng minh điều gì cà. Ngoài ra, Chúa Giê su dường như không chủ ý làm cho mọi sự nên dễ dàng hơn để lôi kéo các môn đệ và đám đông theo mình. Thậm chí dường như Ngài thích soi sáng nữa vời thôi.

3. HỎI: Tại sao Chúa Giê su không quan tâm đến việc làm cho đức tin trở nên dễ dàng hơn ?

THƯA: Thưa bởi vì sự gắn bó của đức tin mà Ngài đòi hỏi không giống như sự gắn bó có tính tất yếu trong toán học như chứng minh 2 với 2 là 4. Chúa Giê su đòi hỏi một tình yêu và một đức tin dù phải dựa vào những nền tảng suy lí, nhưng không thể giải quyết bằng những lí luận. Niềm tin đòi sự cộng hưởng của ý thức, trí khôn, suy luận, tin tưởng và tình yêu.

4. HỎI: Trong khi rao giảng tin mừng về Nước, Chúa Giê su đã đối đầu với người khác như thế nào ?

THƯA: Ngài đã đối đầu bằng cá tính mạnh mẽ của Ngài, tự tin đến nỗi dường như Ngài không bực mình khi có người đến đòi thấy những dấu chỉ tỏ tường. Đó là điều đã có ngay từ lúc Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài không quan tâm đến việc gây chú ý đến mình và không cố gắng chứng minh quyền uy của mình, đó là hai yếu tố hoàn toàn mới lạ trong thế giới lãnh đạo ngày nay.

5. HỎI: Nhưng Chúa Giê su cũng nói về mình khi trình bày sứ điệp của Ngài ?

THƯA: Chắc chắn là thế. Trong khi trình bày sứ điệp, Ngài cố gắng nhấn mạnh tương quan mật thiết giữa việc đi vào Nước Trời và sự gắn bó với Ngài. Tuy nhiên ngay cả khi nói về mình, Ngài không nói bằng cách tự định nghĩa cá nhân mình hay hoạt động cho riêng mình, nhưng luôn luôn coi mình như là thành phần chủ yếu trong sứ điệp về Nước Chúa đang đến và đã đến.

6. HỎI: Người môn đệ Đức Ki tô có thể tự định nghĩa mình như là tạo vật mới không ?

THƯA: Hoàn toàn có thể, vì chính Đức Ki tô đã chịu đau khổ vì chúng ta không những để lại cho chúng ta một gương mẩu để theo, mà còn mở ra một con đường qua đó sự sống và sự chết được thánh hóa và mang lấy một ý nghĩa mới. Người môn đệ Đức Ki tô gắn bó trong đức tin và qua các bí tích vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giê su, đến nỗi con người cũ cùng với những khuynh hướng xấu bị đóng đinh cùng với Đức Ki tô.

7. HỎI: Câu chuyện về việc Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ  trong Mác cô có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Qua câu chuyện Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ đầu tiên, Mác cô có ý nhấn mạnh những điểm sau đây: (1) Sáng kiến từ Chúa Giê su. Môn đệ của Thầy Giê su không tầm sư học đạo, mà chính Thầy tìm và kêu gọi môn đệ theo mình. Chúa Giê su chọn và kêu gọi những kẻ Ngài muốn (3,14). (2) Môn đệ vâng phục tuyệt đối. (3) Đoạn tuyệt hoàn toàn với đời sống cũ để trọn vẹn theo Chúa Giê su.

8. HỎI: Theo Mác cô, ngày nay: “Đi theo Chúa Giê su” có nghĩa gì?

THƯA: Theo Mác cô, “Đi theo Chúa Giê su” có nghĩa là cùng với Ngài đến với dân ngoại và hiến mạng sống vì Chúa Giê su và vì Tin mừng.

9. HỎI: Tại sao Mác cô đặt việc Chúa Giê su chọn các môn đệ vào đầu đời sống công khai của Ngài?

THƯA: Bởi vì ông không muốn trình bày Chúa Giê su hành động một mình, ngoại trừ lúc chịu khổ nạn. Trong tin mừng Mác cô, tất cả hoạt động đầu tiên của Chúa Giê su là qui tụ môn đệ, và từ lúc đó, ông cho thấy họ tham dự vào tất cả mọi biến cố trong đời sống công khai của Ngài. Qua đó, Chúa Giê su muốn tạo lập một cộng đoàn, một gia đình gồm những môn đệ sẽ “ở với Ngài để được Ngài sai đi”. Họ sẽ là những người kế tục sự nghiệp của Ngài là làm chứng cho các hoạt động của Ngài.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     NƯỚC VÀ RƯỢU GIAO HÒA. G. Tuấn Anh
     ĐÊ GIAO THỪA NHÂM THÌN: TẠ ƠN TRỜI ĐẤT. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B: “BIẾT MÌNH ĐỂ SỐNG ĐÚNG”. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B: SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM A-CHÚA KYTÔ LÀ ÁNH SÁNG.Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     ĐƯỢC CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH YÊU.Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM A. Mar. Phạm Hoàng Đăng
     THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM C-Nt. Teresa Thiên Hoàng
     THỨ SÁU TUẦN III THƯỜNG NIÊN C - SỨC MẠNH CỦA HẠT GIỐNG NƯỚC TRỜI