Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

Thứ năm tuần III thường niên

Lc 10,1-9

Lời Chúa:

(nvn_1247810728.gif1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông:

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!" (6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông".

Suy niệm:

Con người không phải là những bức tượng điêu khắc, cũng không phải là cù lao ở đại dương mà con người là tạo vật nhiệm mầu do chính Thiên Chúa dựng nên, có xác có hồn, có đời sống vật chất, đời sống tâm linh. Con người có lúc kiên cường nhưng cũng có lúc yếu đuối. Có lúc rất khôn ngoan nhưng cũng rất nhiếu khi khờ dại… Có lẽ vì thế mà làm thân con người có nhiếu cái đói. Có người đói ăn, đói mặc, đói nhà ở, tiện nghi… Có người đói tình yêu thương vì không bạn hữu, họ hàng, anh em để chia vui, sẻ buồn. Có người đói chân lý, đói một cái gì Vô Biên mà đời sống tâm linh đòi hỏi để rồi cứ mãi đi tìm “Ai đó” để lý giải ý nghĩa và chân lý cuộc đời.

Vâng, những cơn đói đó chỉ mình Đức Kitô mới có lời giải đáp thích đáng. Vì thế, việc tìm gặp Ngài, gặp Đấng là “chân, thiện, mỹ” phải là nhu cầu sống còn của con người, nhưng Đấng ấy lại là Đấng siêu hình, mắt trần không thấy, óc trần không thấu nên biết bao người chưa tìm ra. Ai sẽ làm thang nối? Ai sẽ là mối tơ hồng? Linh mục? Tu sỹ? hay giáo dân?

Như mùa màng cần có thợ gặt, tin vui cần có sứ giả loan đi… nhu cầu về công tác truyền giáo được chính Chúa Giêsu bày tỏ: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Quả thật, còn rất nhiều người chưa gặp được Chúa, nhiều người còn đang ở trong giai đoạn đầu tiên của việc đón nhận tin mừng, nhiều người dù đã được biết Chúa nhưng tâm hồn đã bị nguội lạnh, mất đi niềm tin thưở ban đầu, việc giữ đạo chỉ còn tùy thuôc vào tâm trạng vui buồn của cuộc sống thường nhật.

Trong bối cảnh đó, chúng ta tự nhiên nghĩ đến công cuộc rao giảng tin mừng đầu tiên  cùng những cộng đoàn Kitô hữu lúc đấu rất phồn thịnh và đông đúc, nhưng sau đó lại biến mất và ngày hôm nay chỉ còn được nhắc đến qua những trang lịch sử. Có những quốc gia, một thời đã rất phong phú về đức tin và ơn gọi nay đã mất đi căn cước tính của mình. Phải chăng đó là do ảnh hưởng của nền văn hóa đương thời độc hại và mang tính phá hủy nên con người không còn mang tâm thức về tội, về sự dữ mà mình đã gây ra. Thật cần thiết biết bao việc tái rao giảng tin mừng.

 Sẽ “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16) Đó không chỉ là tiếng kêu của thánh Phaolô mà còn là lời mợi gọi khẩn thiết được gởi đến mỗi người chúng ta, vì khi khoác trên mình chiếc áo Kitô hữu là chúng ta bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa, ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ  đó chúng ta có thể đến với mọi người mang theo vẻ đẹp của Thiên Chúa mà lấp đầy những cơn đói của kiếp người.

Thế nhưng có mấy ai dám từ bỏ chốn an bình mà bước vào cuộc hành trình đầy thách đố và mạo hiểm. Vì thế mà Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta:  “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa về” Đó là lời cầu nguyện mà mỗi người Kitô hữu phải dâng lên từ đáy lòng mình. Lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta nỗ lực hơn, chân thành hơn trong công tác truyền giáo. Bên cạnh đó, công cuộc loan báo tin mừng còn là sứ mạng của Giáo hội, hơn nữa đó còn chính là lý do hiện hữu của Giáo hội. Để cho lời loan báo của Giáo hội được mọi người tin tưởng, mặc dù những con người cấu tạo nên Giáo hội thì yếu đuối và nghèo nàn, thì Giáo hội cần phải sống điều mình loan báo. Điều đó đồng nghĩa với việc thực hiện lời căn dặn của Đức Kitô: Người môn đệ của Ngài khi ra đi không được mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Người ta cho ăn uống thứ gì thì dùng thứ đó, đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.

Quả thật, người dấn thân vào công tác truyền giáo là người biết hy sinh những thoải mái, tiện nghị, khung cảnh ấm cúng của gia đình, cộng đoàn mà lên đường. Thật đáng lo ngại khi chờ đón chúng ta phía trước là những khó khăn, chống đối, hiểm nguy…như lời Chúa Giêsu cảnh báo “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Vì thế chúng ta phải biết nương nhờ Chúa từng giây từng phút, và hành trang của chúng ta cho cuộc hành trình đó chính là lòng tin-cậy-mến. Chúng ta phải đặt niềm tin vào Chúa tới độ dù không trang bị cho mình những nhu cầu để sống vẫn xác tín rằng sẽ không thiếu. Thật ra, chúng ta không cần bận tâm về những nhu cầu vật chất vì chính Chúa sẽ cung cấp cho chúng ta mọi thứ cần dùng. Chúng ta đừng lo hết “phần” của Chúa vì điều quan trọng là “chúng ta chỉ có thể chịu được mọi sự, làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta mà thôi” (x.Pl 4,13). Thế nên chúng ta đừng bám víu vào “quyền lực thế gian”, cũng đừng để lòng bối rối vấn vương vào vòng thế tục vì người môn đệ cần lên đường cách nhẹ nhàng, thanh thoát, ra đi như người được thúc dục bởi một động lực cao cả. Vì thế cần phải chú tâm vào bổn phận của mình, không phí thời giờ vào những nghi lễ nhạt nhẽo vô vị, cũng không dừng chân vì những việc xã giao cầu kỳ, tạo những mối dây liên hệ riêng làm cho việc rao giảng bị trì trệ, và đừng nên đi từ nhà này qua nhà khác cố ý tìm nơi dễ chịu hơn, tiện nghi hơn, được đón tiếp long trọng hơn…

Dù là làm thợ thì đáng được trà công nhưng người môn đệ trung tín của Đấng chịu đóng đinh không thể là một kẻ say mê thế tục, tìm sự dễ dãi mà cần ý thức mình là người được Chúa sai đi, sai đi để làm “thơ gặt” chứ không phải để “nghỉ mát”, đi để “phục vụ” chứ không phải để “được phục vụ”. Ngài muốn môn đệ của Ngài noi gương Ngài đi ra tìm và cứu kẻ hư mất, chứ không phải xây dựng trung tâm nào đó và chờ mong người chưa được cứu đến với mình. Ngài muốn môn đệ của Ngài cầu nguyện để có nhiều người ra đi đến với người ngoại chứ không phải cầu nguyện để người ngoại kéo đến nhà thờ.

Giây phút này đây, Chúa Giêsu, một lần nữa cũng đang mời gọi chúng ta  tham gia vào sứ mạng “rao giảng tin mừng” như các môn đệ xưa. Chúng ta hãy chứng tỏ mình là người mộn đệ, là những cộng tác viên đắc lực của Thiên Chúa bằng việc tham gia vào việc tông đồ dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, phải thích nghi với những đòi hỏi của thời đại nhưng đừng quên nhắc nhở mình phải siêu thoát với của cải vật chất và những hệ lụy của nó.

Lạy Chúa, Chúa muốn cho hết thảy mọi người được hưởng nhờ ơn cứu độ, được sống trong ân sủng, trong sự che chở của Chúa… thế mà còn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Chúa, chưa nhận ra Chúa yêu mình biết là dường nào. Chúa có buồn không khi chúng con chưa hết mình cho sứ vụ Chúa trao, nhiều lúc chúng con còn nấp dưới danh hiệu “môn đệ Chúa” để tìm vinh quang cho mình thay vì làm vinh danh Chúa; chúng con nói về công trạng của chúng con thay vì nói về tin mừng của Chúa, những việc riêng tư lại được chúng con coi như việc của Chúa để thu lợi cho mình … như thể chúng con bị tinh thần thế tục và vô tín thấm nhập, trong khi cuộc đời chúng con lại được dệt bằng ân sủng và tình yêu của Chúa.

Xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa của “khát vọng truyền giáo”, khát vọng giới thiệu Chúa cho mọi người với một con tim tươi trẻ, con tim tư do không bị lợi lộc trần thế làm cho mù quáng, con tim quả cảm dám đương đầu với những thách đố của thời đại, dám xả thân lo việc truyền giáo. Xin đồng hành với chúng con và chúc lành cho những “khát vọng” của chúng con. Amen.

NT Rosa  Cẩm Hoàng

HD. MTG. Xuân Lộc

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     Mùng hai Tết: ÔNG BÀ TỔ TIÊN. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     BÀI GIẢNG THÁNH LỄ MÙNG HAI TẾT CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
     BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ
     ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI. TGM. Ngô Quang Kiệt
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌNH YÊU VÔ GIÁ.
     TẠ ƠN VÀ CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Phao Lô Nguyễn văn Đông
     NƯỚC VÀ RƯỢU GIAO HÒA. G. Tuấn Anh