Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT 2 CHAY B

71.jpgBước đi trên con đường lạ giữa trời đêm, chỉ cần một tía sáng xẹt ngang đôi khi cũng giúp cho người bộ hành nhìn ra phương hướng và an tâm tiếp tục tiến bước. Đó là tình huống của các Môn đệ sau khi được loan báo Khổ nạn. Cuộc biến hình cho thấy căn tính Thần linh của Chúa Giê su có mục đích giúp các ông can đảm tiến về phía thập giá.

Sáng Thế Kí 22,1-2.9a.10-13.15-18.

Ông A bra ham chắc chắn không hiểu rõ kế họach của Thiên Chúa hơn chúng ta khi Người đòi ông phải hiến tế đứa con duy nhất của ông là ISAAC. Dù vậy, ông chấp nhận vâng lời. Niềm TIN của ông đặt nơi Thiên Chúa và tin vững vàng nơi lời hứa cứu độ ngay cả khi mọi sự xem ra đều đi ngược lại.

Thánh vịnh 115:

Biết được rằng Thiên Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi mọi nguy hiểm và tuyệt vọng thì thật là vui mừng biết mấy! Chúng ta hãy tạ ơn Người và đền đáp lại TÌNH YÊU của Người bằng lòng vâng phục và qui phục hoàn toàn.

Thư Rm 8,31b-34

Một khi chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương đến độ ban Con Một Người cho chúng ta thì chúng ta không còn phải lo sợ hay thiếu thốn gì nữa. Chính Người sẽ phù trợ, bênh vực và đứng về phía chúng ta.

TIN MỪNG Mc 9,2-10

Đoạn văn nằm trong phân đọan 7,24-10,52 trình bày Chúa Giê su tăng cường việc giáo dục riêng cho các môn đệ. Các trình thuật đi trước và sau loan báo cuộc tử nạn của Chúa Giê su (8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Giáo huấn đi liền trước đoạn tin mừng nầy đòi các môn đệ phải vác thập giá đi theo thầy trên con đường thầy đã đi (8,32-38), trình thuật chữa đứa bé kinh phong đi liền sau (9,14-29) cho thấy Chúa Giê su đương đầu với sự dữ. Do đó, biến cố biến hình có mục đích xác định cho ông Phê rô và các môn đệ hiểu rõ về vinh quang của Đấng Mê si a qua con đường đau khổ.

Chúng ta có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:

Nhập đề: Chúa Giê su đi cùng với 3 môn đệ (9,2a-b)

Cuộc Hiển Dung (9,2c-8)

Lệnh truyền không được nói cho ai biết (9,9-10).

TÌM HIỂU

Sáu ngày sau: một trong những chỉ dẫn hiếm hoi về thời biểu trong Mc. Có lẽ Mc muốn gợi lại lễ Lều (9,5), mà cao điểm được cử hành vào ngày thứ sáu (x. Ga 7,37).

Phê rô, Gia cô bê và Gioan: những nhân chứng nầy cũng đã chứng kiến việc phục sinh con gái ông Gia ia (5,37) và sẽ dự kiến cơn hấp hối của Chúa Giê su (14,33). Do vậy có một liên kết giữa cơn hấp hối và cuộc biến hình: biến cố nầy soi sáng cho biến cố kia và mạc khải ý nghĩa mối tương quan của sự chết và sự sống, của vinh quang và thập giá. Tiếp nhận một mạc khải là để được giao phó một sứ mạng: như ơn gọi của ông Mô sê (Xh 3,1-12), của I sa ia (Is 6,1-10) và của Phao lô (Cv 22,15).

Trên một ngọn núi cao: Một truyền thống địa phương từ thế kỉ thứ ba, đặt biến cố biến hình trên đỉnh núi Ta bô rê, sừng sững đơn độc giữa đồng bằng Yis rê ên không xa Na gia rét bao nhiêu. Tuy nhiên độ cao khiêm nhường (562m) của núi Ta bô rê có thực sự đáng được gọi là “ngọn núi cao” không? Có lẽ đúng hơn phải nghĩ đến ngọn Khê môn (2760m), gần Cê sa rê Phi lip, nơi mà Mc vừa đặt khung cảnh cho cuộc tuyên xưng đức tin của ông Phê rô (8,27). Nhưng chính xác hơn cả có lẽ nên nghĩ rằng tác giả muốn gán cho kiểu nói nầy một giá trị biểu tượng hơn là địa lí, và như thế gợi lên thời gian cuối cùng qua ám chỉ đến bản văn I sa ia 2,2-3.

Đi riêng ra một chỗ: sau giáo huấn dành cho đám đông, Chúa Giê su sắp dành cho các tông đồ của Ngài một mạc khải chính xác hơn.

Người biến đổi hình dạng: kiểu nói chỉ một sự biến đổi, một sự chuyển biến từ hình thức thông thường nhân loại của Chúa Giê su trong suốt cuộc sống tại thế của Ngài qua một hình thái rực rỡ vinh quang của một vị thần linh.

Ông Êlia cùng ông Mô sê: Ông Ê li a theo sách 2 Vua (2V2) đã không chết, nhưng được cất nhắc về trời. Còn về ông Mô sê, người ta không biết ông được chôn cất ở đâu (Đnl 34,6). Do đó theo truyền thống Híp pri, các ngài có thể trở lại (đối với ông Ê lia x. Ml 3,23). Ê li  a, vị tiên tri, và ông Mô sê, đấng lập luật, tất cả hai ông cùng đại diện cho toàn thể CƯ. X, Mt 7,12;22,40.

Thưa Thầy: trong nguyên ngữ là Rabbi. Đây là kiểu xưng hô đầy tôn kính, thường được dùng để nói với một vị kí lục. Các môn đệ dùng kiểu ấy để chào Chúa Giê su: 11,21; 14,45.

Ba cái lều: câu nầy cho thấy sự ngỡ ngàng hụt hẫng của ông Phê rô, như câu sau sẽ xác định. “Lều” – chắc Phê rô nghĩ đến những cái lều sơ sài  được người do thái dựng lên để mừng lễ Lều (Lv 23,34-36).

Không biết phải nói gì: kiểu nói nầy cũng được dùng trong trình thuật biến cố Giết sê ma ni (14,40). Ở đó cũng như ở đây, rõ ràng các biến cố đã khiến cho các môn đệ kinh hoàng.

Một đám mây: đám mây đồng thời vừa che khuất vừa mạc khải sự hiện diện của Thiên Chúa, như trong thời Xuất hành  (Xh 40,34-35). x. Xh 34,5.

Con Ta yêu dấu:  ông Phê rô đã nhìn thấy đấng Mê si a nơi bản thân Chúa Giê su (8,29). Ở đây, Chúa Cha chỉ định Chúa Giê su như là Con của Người. Có lẽ Đấng Mê si a chỉ Vua Is ra ên được được gọi là “Con Thiên Chúa” ngày đăng quang lên ngôi (như trong Tv 2,7). Nhưng dưới ngòi bút của Mc, lời ấy mang ý nghĩa mà Giáo Hội được Chúa Thánh Thần soi sáng sau Phục sinh và Hiện xuống gán cho.

Trong biến cố phép Rửa, lời mạc khải nói với Chúa Giê su: “Con là Con Ta yêu dấu” (1,11). Giờ đây lời mạc khải nói với các môn đệ, và thêm: “Hãy nghe lời Người”. Khi chứng thực giáo huấn của Chúa Giê su và và sứ mạng của Ngài, Chúa Cha mời gọi họ đi theo Ngài.

Chỉ còn Chúa Giê su ở với các ông thôi: Chúa Giê su biến hình coi như bị cắt đứt mọi liên lạc với các môn đệ. Giờ thì họ tìm lại Ngài đồng hành với họ.

Không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy: chấp nhận im lặng đã là một cách “lắng nghe” Chúa Giê su; tuy nhiên các môn đệ không hiểu gì cả.

Từ cõi chết sống lại: các môn đệ hoàn toàn không hiểu ý nghĩa kiểu nói nầy. Chắc chắn niềm tin vào sự sống lại từ cõi chết được hầu hết mọi người chia sẻ vào thời đó, trừ những người thuộc phái Sa đu kê ô (12,18). Nhưng đó là sự sống lại của tất cả mọi người vào thời cuối cùng. Các môn đệ thật sự không hiểu rằng chỉ một mình Chúa Giê su sống lại từ cõi chết, nhưng trước hết Ngài phải chịu chết.

Cảnh tượng nầy sẽ lưu lại trong tâm trí các môn đệ một kí ức sống động. Chúng ta có thể tìm thấy âm hưởng của nó trong 1Ga 1,1-3; và trong thư thứ hai của Phê rô (1,17-18).

SỨ ĐIỆP

Lời Chúa Chủ nhật thứ hai mùa Chay này cho chúng ta nghe lại câu truyện về việc Abraham hiến tế Isaac con ông, và việc Chúa Giê su biến hình. Chúng ta đừng đọc như những câu chuyện hấp dẫn nhưng phải lắng nghe như là một lời mời gọi chỉnh đốn lại niềm tin của chúng ta. Nhiều khi niềm tin của chúng ta bị giới hạn trong một ý kiến nào đó về Thiên Chúa. Nhiều người tin có một đấng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng chẳng bao giờ muốn dấn thân thể hiện niềm tin ấy. Một đức tin đúng nghĩa lại hoàn toàn khác hẳn.

Lời chứng của Abraham (bài đọc 1) cho chúng ta xác tín điều đó. Abraham lúc đầu là một người ngoại giáo sống ở Ur (thuộc Irak ngày nay). Một ngày nọ, ông nghe tiếng gọi của Thiên Chúa: « Hãy rời bỏ quê hương và đi đến nơi Ta sẽ chỉ cho ngươi ». Tin vào Thiên Chúa là nghe lời mời gọi của Ngài và dấn bước trên con đường Ngài chọn nhưng không cho chúng ta thấy trước. Tin là đi dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Abraham đã tin vào lời đó và đã đồng hành với Ngài. Dù đã trải qua những ngày buồn khổ, chán ngán và mỏi mệt , ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình, bởi ông đã đặt một niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Nhưng một ngày khủng khiếp đã đến. Ngày ấy, Thiên Chúa ra lệnh ông đem đứa con độc nhất đi sát tế thờ phượng Ngài. Vào thời đó, kiểu sát tế nầy vẫn thường được cử hành trong các nghi thức ngoại giáo. Nhưng đối với Abraham rõ ràng đó là một lệnh truyền không thể hiểu nỗi, bởi giết đứa con thừa tự đi, thì còn gì là lời Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc trên mặt đất. Dù vậy ông vẫn phải bước đi trong nỗi chết của tâm hồn. Vẫn phải tin dù không còn một chút gì để cậy dựa, vẫn phải kiên trì cho đến lúc Thiên Chúa đã dành cho mình phần kết thúc vượt ngoài sự mong đợi. Ngài ban cho ông một tế vật thay thế Isaac, để trung thành với lời Ngài đã hứa với ông.

Cung cách hành động của Abraham được lặp lại nơi thái độ của ba môn đệ: Phê rô, Gia cô bê và Gioan. Họ cũng là những người được mời gọi. Lúc đầu tâm hồn tràn đầy hi vọng phấn khỏi đi theo Đức Ki tô. Hi vọng trần thế rồi cũng đã có lúc gặp khó khăn. Lời dạy của Đức Ki tô không theo hướng các ông chờ đợi. Họ đã can ngăn nhưng cuối cùng đành phải sửng sờ thấy Chúa Giê su cương quyết lên Giê ru sa lem dù biết rằng cuộc thương khó đang chờ đợi Ngài ở phía trước. Rồi họ kinh hoàng nghe Ngài loan báo rằng Ngài sẽ bị kết án, bị giết đi và sẽ sống lại. Dù không hiểu gì cả nhưng chính trên con đường Canvê đó mà họ đã được mời gọi đi theo Ngài.

Sứ điệp lớn nhất của hai bài đọc luôn là mời gọi bước tới; lời mời gọi làm tất cả để đức tin của chúng ta được dần dần trở nên giống như đức tin của Abraham, của Phê rô, của Gia cô bê và Gioan. Cả trong thử thách đau thương và xem ra tuyệt vọng nhất, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta tin tưởng nơi Ngài. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta luôn có tính quyết định và không bao giờ suy suyển.

Sứ điệp thứ hai: trước cuộc thử thách lớn, Chúa Giê su đem các môn đệ lên núi cầu nguyện. Lời cầu nguyện đích thực là nhằm mục đích điều chỉnh ý muốn và cuộc sống cho ăn khớp với thánh ý và tình yêu của Ngài. Để rồi kín múc lấy sức mạnh và can đảm nơi Ngài mà tiếp tục hành trình.

Trên núi, các môn đệ là những chứng nhân được chọn lựa phải sửng sốt trước một sự kiện vượt xa những gì họ hiểu biết. Họ thấy diện mạo Chúa Giê su biến đổi khác thường, trở nên sáng chói như mặt trời tỏa chiếu ánh sáng khắp nơi. Toàn thân và y phục của ngài cũng trở nên trắng sáng như chưa bao giờ họ trông thấy như thế. Các môn đệ vui mừng thấy lãnh tụ Mô sê và và ngôn sứ Ê li a hiện đến nói chuyện với Ngài. Họ ngất ngây và muốn sống mãi trong hạnh phúc thần linh ấy nên đề nghị dựng ba lều trên núi để khỏi phải trở lại trần gian nữa. Nhưng một đám mây bao phủ họ: có tiếng nói của Cha từ trời vọng xuống: « Nầy là Con ta yêu dấu. Hãy nghe lời Ngài ». Sứ điệp đã ban xuống. Tất cả phải trở về cuộc sống bình thường. Chúa Giê su và các môn đệ phải trở lại và tiếp tục lên đường về Giê ru sa lem, con đường dẫn họ đến Thương Khó, chết trên thập giá và phục sinh.

Từ câu truyện ấy chúng ta tìm được điều gì cho đời sống hằng ngày của chúng ta ? Trước tiên chúng ta để ý rằng Chúa Giê su đi lên núi cầu nguyện. Núi là nơi mặc khải, nơi hiện diện của Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Chúa Giê su biến hình trong khi cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Còn chúng ta, chúng ta chỉ bằng lòng và lặp đi lặp lại những công thức khô khan quen thuộc. Chúng ta không biết im lặng đủ đế lắng nghe Thiên Chúa nói, mời gọi và chờ đợi chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài. Cầu nguyện là tiếp nhận và đáp trả Thiên Chúa trong tâm hồn. Cả khi lời cầu nguyện của chúng ta không đưa chúng ta lên cao đến độ biến hình như lời cầu nguyện của Chúa Giê su, thì nó cũng có thể mang lại cho chúng ta sự bình an, sức mạnh và tin tưởng mà chúng ta cần đến. Như thế chúng ta sẽ có thể bước đi dưới sự hiện diện của Thiên Chúa như Abraham và nhiều người khác sau ông.

Bởi đó, lời cầu nguyện đích thực trước tiên là nghe Con yêu dấu mặc khải về tình yêu của Cha cho mọi người. Đó là một lời mời gọi hoàn toàn thiết yếu để sống tốt mùa Chay. Đức Ki tô sai chúng ta đi làm nhân chứng cho Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài. Ngài nói với chúng ta qua những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày cũng như qua các biến cố mời gọi chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Ngài trong lời cầu nguyện và trong cuộc sống. Vì chỉ có Ngài mới có thể biến đổi chúng ta.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói về việc Abraham hiến tế Isaac nói lên điều gì?

THƯA: Dù biết rằng lệnh Chúa truyền đem con đi tế hiến đi ngược lại với Lời Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc, Abraham vẫn vâng lời lên đường. Thái độ vâng lời dứt khoát ấy nói lên trọn vẹn niềm tin của ông: nó cho thấy ông biết rõ ông tin vào ai và phải tin như thế nào.

2. HỎI: Abraham đã tin vào đấng nào?

THƯA: Abraham biết mình tin vào Đấng không muốn sự chết,nhưng muốn sự sống. Chính nhờ đó, ông nhìn thấy được sự sống phong phú qua cái chết tế hiến của conmình. Ông tin rằng Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống, nên chỉ mình Ngài mới có thể ban sự sống và có quyền lấy lại. Ngài đã ban cho ông Isaac như khởi đầu một dòng dõi động đảo. Giờ Ngài đòi ông tế hiến. Sự đòi hỏi bất thường đó cho thấy Thiên Chúa làm được những điều đối với chúng ta xem ra nghịch lí: khơi dậy sự sống từ cái chết, gọi được cái có từ cái không (Rm 4,17).

3. HỎI: Abraham đã tin như thế nào?

THƯA: Nhờ biết rõ mình tin vào ai, nên Abraham đã tin một cách dứt khoát, triệt để. Vâng lệnh Chúa giết con tế hiến cho Ngài, Abraham không thể không cảm thấy lòng mình bị xâu xé vì mối tình phụ tử, nhưng ông đã tuân theo thiên ý với niềmtin vững chắc: Chúa sẽ trù liệu mọi sự để thực hiện lời hứa và chương trình cứu độ của Ngài.

4. HỎI: Thiên Chúa đã làm gì trước lòng tin mạnh mẽ ấy?

THƯA: Trước lòng tin mạnh mẽ của Abraham, Thiên Chúa đã giữa và thực hiện lời hứa của Ngài: Ngài đã gửi đến cho ông một con cừu làm tế vật thay cho Isaac. Ngài đã ông một dòng dõi đông đảo: con ông được thánh hiến và dà dòng dõi phát sinh từ đó là một dân tộc thánh.

5. HỎI: Bài tin mừng nối tiếp bài đọc một như thế nào?

THƯA: Abraham đã để lại gương mẫu về đức tin: tin là chấp nhận mất đi để nhận lại, chấp nhận chết đi để được sống. Bài tin mừng Mác cô hôm nay cũng cho thấy đó là tiến trình đức tin trong cuộc đời Chúa Ki tô, cũng như cuộc đời của chúng ta.

6. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Tin mừng nhằm làm nổi bật mầu nhiệm chết đi để sống lại của Đức Ki tô. Chính trong viễn tượng đó mà sau khi đã tiên báo cuộc khổ nạn Ngài sắp trải qua, Chúa Giê su đã cho thấy trước vinh quang phục sinh của Ngài trên núi Ta bo rê, nhằm giúp các ông biết vững vàng trong đau khổ thập giá, biết tìm ra sức sống bên kia cái chết.

7. HỎI: Cầu nguyện có giúp chúng ta biến hình không?

THƯA: Lời cầu nguyện có thế giúp chúng ta biến hình. Cái gì làm cho đời sống con người bị biến dạng nếu không phải là tội lỗi. Chúng cách li chúng ta khỏi Thiên Chúa và giết chết Tình yêu trong chúng ta? Dù cho tội lỗi có mang tên gì đi nữa, như kiêu căng, ích kỉ.. nó cũng làm hoen ố tâm hồn chúng ta và làm khô cạn nguồn suối Tình yêu mà bí tích Rửa tội đặt trong chúng ta. Một lời cầu nguyện đích thật sẽ khơi lại nguồn suối ấy và dần dần giúp chúng ta biến hình, tức là thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B: HÃY TỎ MÌNH LÀ HÌNH ẢNH CỦA CHÚA. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B: THỬ THÁCH CỦA ĐỨC TIN. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY NĂM B: YÊU MẾN THÙ ĐỊCH. Lm.Đaminh Thanh Tiến
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY NĂM B: HÒA GIẢI. Nt. Anh Thư O.P
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN I MÙA CHAY NĂM B: ĐẶT NIỀM TIN VÀO CHÚA. Lm. GioanB Lại Anh Tuấn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY NĂM B. Nt. M. Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA TUẦN I MÙA CHAY NĂM B. Nt. Maria Chinh Anh, OP.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN I MÙA CHAY. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B: THIÊN CHÚA MUỐN CỨU BẠN. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     ĂN NĂN SÁM HỐI. Lm. Giuse Nguyễn Hữu An