Trang Chủ > Chia Sẻ

TRIẾT LÝ TRONG GIÁO DỤC DƯỚI NHÃN QUAN NGƯỜI KITÔ HỮU

Những ai giáo dục trẻ tốt sẽ được coi trọng hơn cả những cha mẹ của đứa trẻ vì cha mẹ chỉ cho chúng cuộc sống, còn họ, những người làm công tác giáo dục, đã cho những đứa trẻ cả nghệ thuật để sống tốt”. (Aristotle)

Mỗi một nền giáo dục đều dựa trên triết lý được đặt ra trong nền giáo dục đó. Sự khác biệt hoặc đặc thù của một nền giáo dục tùy thuộc vào triết lý mà nó đang theo đuổi. Nền giáo dục của một quốc gia, một thành phố, một trường học, và của cá nhân mang tính triết lý của chính địa phương, vùng miền và của cá thể. Quan sát, theo dõi, nhận diện kết quả giáo dục, người ta có thể biết được triết lý giáo dục đó là gì, tốt hay xấu, tiến bộ hoặc thụt lùi… Cũng có thể nói cách khác, kiểu triết lý nào sẽ có nền giáo dục kiểu đó. Và có người đã nói rằng” Một nền giáo dục hiện đại, trước hết, là ở trong tính hiện đại của triết lý mà nó đang theo đuổi”.

Để có được một nền giáo dục tốt, phải có triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục chi phối và điều khiển phương châm, định hướng, phương pháp họat động, tổ chức của giáo dục của mọi cấp, ngành học. Không có triết lý, giáo dục của đất nước, địa phương sẽ rơi vào lộn xộn và thất bại.

Triết lý giáo dục chính là đưa con người, lớn hay nhỏ, đi vào qui trình tìm kiếm sự thật và thực hiện sự thật, làm thăng hoa, làm con người lớn lên, phát triển trong triết lý giáo dục. Friedrich Nietzsche nói rằng “ Không có điều gì quan trọng hơn sự thật. Mọi cái khác khi đem so sánh với sự thật chỉ là thứ yếu. Ý tưởng này hoàn tòan dẫn đến một sự thật: nó là cái gì? … Chẳng ai muốn bị lừa gạt, bị thất vọng vì những giả thuyết có tính tổn thương, nguy hại, hoặc là sự lừa dối”.

Nguyên lý cơ bản của giáo dục là việc hiểu chân lý như chính chân lý là. Nguyên lý cơ bản của triết học là việc nhận ra tất cả chân lý đều đến từ thực tại. Như thế, triết lý trong giáo dục phải được tìm thấy trong sự thật, trong những gì đang tồn tại. Chúng ta có thể hiểu được thực tại trong cách thức đơn giản và sự nhạy bén, chứ không phải cầu kỳ, giả dối và mê hoặc.

TỪ HIỆN TẠI…

Nhìn đến tầng lớp giới trẻ ngày nay, sau khi đã đi qua những cấp bậc ngành học, những người tâm huyết với xã hội, với tương lai của xã hội, đã tiếc xót khi nhìn thấy “ sản phẩm giáo dục” của nước mình được phô bày khắp nơi trong cộng đồng xã hội trong nước và ngoài nước. Thế hệ trẻ đang thiếu những kỹ năng để sống thực thụ, họ chật vật để xoay xở với những khối kiến thức thu cóp được… Mất phương hướng và rơi vào khủng hoảng là chuyện dễ xảy ra khi họ phải đối diện với những thách đố thực của cuộc sống.

Giáo dục Việt Nam đang cố gồng mình để loay hoay với những “ vấn đề” của mình. Đôi khi để chữa cháy, người ta thấy việc sửa chữa, chắp vá tạm thời, nhưng hình như càng sửa, người ta thấy càng rối (như việc sửa đổi sách giáo khoa, đề ra tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển trẻ 5 tuổi…). Hình như đã tồn đọng một sai lầm nào đó trong triết lý giáo dục khi chúng ta đã quá dựa trên những quy chuẩn cứng của xã hội, khi cho rằng, người được giáo dục phải ôm cho kỳ hết các kiến thức nằm lòng và bất biến, để rồi cứ thế mà tuân theo. Vì vậy, mới có chuyện học sinh cấp 1 phải lệch vai, gãy lưng vì phải đeo cặp sách quá nặng, những thí sinh trong phòng thi dở khóc dở cười, bó tay chịu chết không thể làm được gì trong kỳ thi khi đề bài không nằm trong đề thi ôn luyện, hoặc sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu những kỹ năng mềm của cuộc sống…trở thành người thụ động, thiếu tính sáng tạo.

Giáo dục của chúng ta đã không dựa trên sự thật của triết lý giáo dục. Sự thật trong triết lý giáo dục là phải dựa vào cuộc sống thật, cuộc sống thật mà chúng ta đang sống, cái mà triết lý gọi là sự khách quan. Cuộc sống này chính là cơ sở để chúng ta giải quyết tất cả mọi vấn đề liên quan đến nó. Nếu không dựa trên cuộc sống thật này, vậy thì triết lý giáo dục đó chỉ là hão huyền và vô thực. Chứng minh cho cái vô thực ấy khi người ta nghĩ ra các tiêu chuẩn để đánh giá trẻ 5 tuổi phát triển một cách lạ kỳ không sát với thực tế. Người ta đánh đồng trẻ mẫu giáo với những vị học tiến sĩ trong phương pháp giảng dạy và đào tạo. Đã có sự sai lầm khi những bộ- ngành- người làm giáo dục coi thường vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình khi cố gắng nhào nặn ra những “cỗ máy có học” , chứ không phải đào tạo ra những con người tự do và sáng tạo trong xã hội và cuộc sống của chính họ. Chính vì thế, mới thiếu những người phản biện giáo dục, thiếu những nhà chuyên môn, quản lý giỏi. Cũng do nền giáo dục đó mà ngày nay, giới trẻ đang hụt hẫng trong cuộc sống của chính họ, chính bởi vì họ đã không được đào tạo, giáo dục thành những con người trưởng thành. Cũng từ một triết lý giáo dục bảo thủ, không tuân theo chân lý, mới có những con người cố thủ, ích kỷ và chỉ mong phát triển cá nhân bằng sự hư danh giả tạo. Và cũng từ nền giáo dục “chơi vơi”, người ta thấy một xã hội gồm rất nhiều những thành viên không biết đến chân lý, sự thật, công bằng và đạo đức, và một cách vô tình, chúng ta đã nhào nặn ra một thế hệ tương lai thiếu tính triết trong kiến thức và đời thường của họ. Và một khi, những người được giáo dục không lĩnh hội được “ chân lý” thực, họ sẽ bị nhầm lẫn trong những khái niệm cơ bản, trong cách ứng xử đạo đức với mọi người xung quanh cho dù những khẩu hiệu “ Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn thường được giăng treo khắp nơi.

Không dám khám phá, thiếu tư duy, tự tin, đặc biệt thiếu đạo đức… là những dấu lặng buồn dễ nhìn thấy nơi giới trẻ hôm nay. “ Đôi khi, có người nhìn vào trường học đơn giản là công cụ để chuyển giao một khối lượng vĩ đại kiến thức chắc chắn cho thế hệ lớn lên, phát triển. Nhưng đó không phải là như vậy. Kiến thức chỉ là kiến thức chết, tuy nhiên, trường học đáp ứng, phục vụ cho sự sống. Kiến thức nên được khai thác trong những cá nhân trẻ trung mà những phẩm chất và năng lực của họ có giá trị cho sự thịnh vượng của một tổng thể nơi họ đang sống” ( Albert Einstein)

ĐẾN TRIẾT LÝ GIÁO DỤC THỰC SỰ.

Điều tồi tệ nhất của một trường học khi làm việc chủ yếu bằng những phương pháp sợ hãi, sự ép buộc cùng những sức mạnh giả tạo. Cách hành xử như thế sẽ phá hủy tình cảm lành mạnh, sự chân thành và sự tự tin vào bản thân của học sinh.” (Albert Einstein ).

Nền giáo dục đúng đắn phải dựa trên triết lý của tự do, trong nghĩa khách quan của nó. Theo Albert Einstein, sự phát triển của khoa học và sự phát triển của những hoạt động sáng tạo của tinh thần trong nghĩa chung nhất vẫn đòi hỏi loại tự do khác, mà nó tiêu biểu là sự tự do nội tâm. Sự tự do của tinh thần hệ tại ở sự độc lập trong suy nghĩ từ sự hạn chế độc tài và những thành kiến xã hội cũng như từ những hủ tục phi triết lý và thói quen thông thường. Sự tự do nội tâm là một món quà hiếm có của tạo hóa và là một mục tiêu vô giá của cá nhân.

Nếu một triết lý giáo dục đào tạo những con người tự do, tất nhiên, nền giáo dục đó phải có phương pháp giáo dục kiểu khác so với giáo dục của Việt Nam hiện nay. Tôn trọng chủ thể người được giáo dục sẽ đưa đến các phương pháp mang tính tự do, giúp người học khám phá tiềm năng sáng tạo của bản thân và làm phát triển tiềm năng đó cho mình và cho người khác. Giáo dục đúng nghĩa, không phải là trang bị cho họ cả hành trang kiến thức, nhưng là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và tự mình dám lãnh hội, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức bằng cách riêng của mình và dám sống cho chân lý mà mình đã kiếm tìm. Cách giáo dục như thế sẽ đưa vào xã hội những con người dám dấn thân, nhiệt thành, giàu khả năng và ý chí sáng tạo. Cũng cách giáo dục trong triết lý tự do nội tại sẽ giúp người ta có được ý chí tự học để vươn lên trong đời sống. “ Khi một người biết làm thế nào với những gì anh ta được giáo dục vào trong một quy tắc của cuộc sống, chứ không phải là một phương tiện để gây ấn tượng , người đó có thể điều khiển bản thân và tuân theo những qui tắc chủ yếu của chính mình. Tấm gương thực sự của bài diễn thuyết đời mình chính là diễn tiến, đường đi của đời sống chúng ta”. Hoặc “ Bài học đầu tiên mà chúng ta nên tưới ướt vào trong tâm trí người học chính là dạy cho anh ta biết chính bản thân mình, và biết cách chết và sống như thế nào” (Michel de Montaigne).

Một triết lý giáo dục thực sự sẽ giáo dục con người như những con người tự do. Đó cũng chính là giáo dục họ hiểu được cách phê phán để quyết định sự thật trong chính cuộc đời của họ.

Giáo dục đó hướng dẫn cá nhân như là một phần của xã hội- khi mà hầu như mọi kiến thức, cái ăn cái mặc của chúng ta đều là sản phẩm được làm ra bởi người khác trong xã hội của mình. Vì thế, người được giáo dục hiểu được họ thuộc về xã hội, thuộc về tập thể mà họ đang sống. Do đó, họ có trách nhiệm phải xây dựng, đóng góp trở lại cho xã hội, tập thể mà họ thuộc về. Như khi chúng ta được tiến hóa, lớn lên từ thiên nhiên, điều này cho thấy chúng ta thuộc về thiên nhiên để sống còn. Điều này không chỉ là việc quan tâm đến việc biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng mỗi người trong triết lý giáo dục đó, sẽ hiểu được rằng, tất cả khí thở, nước uống, thức ăn… mà chúng ta cần đều phát xuất từ thiên nhiên. Triết lý giáo dục thực sự sẽ tẩy chay việc hô hào khẩu hiệu rùm bem, quan tâm đến các tin tức, cuộc hội thảo mà không có cái thực của hành động. Giáo dục của triết lý thực đó phải giúp họ bắt đầu ngay một hành động giúp giảm thải ô nhiễm, chứ không phải chỉ đề ra rồi để đó.

“Khi những người được giáo dục không có một sự giáo dục thích hợp với họ, thì tất cả những suy nghĩ, ý kiến mà họ đưa ra, phải chăng được gọi là sự ngụy biện, một  ý tưởng không phù hợp, và có gì là sự khôn ngoan thật nơi họ?”(Platon)

Triết lý giáo dục và triết lý dạy học lấy học sinh, người học làm trung tâm. Người dạy tập trung đến các nhu cầu cá nhân và thu hút người học vào trong quá trình học của họ. Không có gì mệt mỏi đối với người học khi họ phải gồng mình chịu đựng chủ nghĩa bảo thủ của người dạy, không mở ra với người học trong cả kiến thức lẫn mối giao tiếp. Triết lý đó dựa trên chân lý, cái thật vốn có ( như là tâm sinh lý, hoàn cảnh cụ thể của cá nhân trong tổng thể xã hội vốn có) để xây dựng phương châm, định hướng cho giáo dục. “…từ khi sự thật, chân lý được học hỏi, ngay cả khi sự thật đó được triển khai cách thích hợp, thì việc học hỏi đó dạy cho chúng ta sự khôn ngoan là gì, tư cách đạo đức và sự quyết định  đúng đắn hệ tại ở chỗ nào…” (Michel de Montaigne). Và bởi vì giáo dục đúng đắn là đưa con người đến chỗ khôn ngoan hơn trong sự thật khách quan của triết lý. “… Lợi ích mà chúng ta có được sau khi nghiên cứu, học hỏi chính là việc chúng ta trở nên tốt hơn và khôn ngoan hơn” (M. de Montaigne).  Người ta có thể tự hào thành quả giáo dục của mình dựa trên những con số, những chỉ tiêu, những hình ảnh… nhưng trong sự thật, thành quả của giáo dục phải cắm rễ được vào nguồn gốc của sự thật, chân lý nguyên nghĩa, chứ không phải sự thật của một chính sách, một hệ thống chính trị, hay một chủ trương kinh tế, lợi nhuận được lồng ghép cách tinh tế trong giáo dục.

VÀ…

Có lẽ, không có gì chân lý và sâu sắc hơn khi chúng ta nghe đi nghe lại câu Tin Mừng “ Chân Lý sẽ giải thoát anh em” ( Ga 8,32) khi đang thực hiện công tác giáo dục trong mỗi ngôi trường, trong thực tế và suy nghĩ của mình.

Chân lý trong giáo dục, tính triết lý đó, đòi buộc chúng ta phải có tầm nhìn rộng, bao quát, phù hợp với thực tế, nhưng cụ thể hơn, đặc biệt trong một trái tim Kitô hữu luôn thao thức, tìm kiếm chân lý sự thật và thấm nhuần tinh thần Kitô giáo một cách sâu sắc. Đây cũng là khó khăn để chúng ta, những người giáo dục chân chính, dám chống lại thứ kinh tế chủ nghĩa, lợi nhuận trong giáo dục, để hành động theo sự thật, theo triết lý giáo dục trong từng hoàn cảnh, trường lớp, và trong nhịp chung của Giáo hội. “ Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Thách đố của chúng ta, những người làm giáo dục hôm nay là việc dám can đảm để thay đổi những gì là chưa được trong cách xây dựng và thực hiện công tác giáo dục của mình. Nhìn góc độ vi mô, thực tế hơn, khi chúng ta là những nhà giáo dục, mang trong mình Chân Lý Kitô giáo, chúng ta sẽ phải thực thi sứ vụ truyền giáo trong giáo dục, vì thế,  người làm giáo dục nên ý thức cách tròn đầy tính Kitô giáo trong giáo dục, trong ánh sáng của Thánh Thần, để hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo của mình.

Ý thức truyền giáo trong giáo dục, chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến dựa trên tinh thần của Người Thầy Giêsu để xây dựng một triết lý giáo dục theo Tin Mừng và mang tính thời đại. Đó chính là triết lý giáo dục dưới nhãn quan Kitô hữu trong mỗi tâm hồn nhà truyền giáo hôm nay.

Nt. Têrêxa Ngọc Lễ


Các bài viết mới hơn
     Chiếc Khẩu Trang Mùa Chay - Giuse Lưu Hành
     Người Phụ Nữ Cần Nhiều Hơn Thế - Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
     Trong Giếng Không Có Bã Rượi - Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb
     Qùa tặng của sự đón nhận - Robin Seelan, S.J.
     MỘT THOÁNG SUY TƯ_Lm. Giuse Phạm văn Nhân.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014 - BẢN TIN 13. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014- BẢN TIN 10. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014-BẢN TIN 09. Lm. Trăng Thập Tự

Các bài viết cũ hơn