Trang Chủ > Chia Sẻ

NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

hay giai thoat.jpg“Em biết Chị là một nữ tu. Vậy Chị hãy nói, hãy viết, viết ngay đi về cuộc đời lầm lạc, xốc nổi đoạn trường của em đây. Bây giờ em không còn ngại ngùng, xấu hổ hay giữ thể diện cho bản thân, gia đình và giáo xứ gì nữa cả. Còn gì nữa đâu đối với em, một giáo lý viên đang mang trong mình vi trùng của căn bệnh thế kỷ”.

Nhìn thân hình gầy guộc, xanh xao của Diệu Linh, tôi nắm lấy tay em:

Em bình tĩnh lại đi, không nên xúc động thái quá mà …

Không, Diệu Linh rụt tay lại, giọng dứt khoát. Hôm nay em đến đây không phải để “giết con” làm Soeur phải trăn trở, lo lắng như những lần trước. Trong lúc này em thực sự bình tâm và tỉnh trí. Em muốn tâm sự cùng Soeur, và qua Soeur trút cạn nỗi lòng cho các Linh mục, Tu sĩ, cho những ai quan tâm đến vấn đề giáo dục và cho các bạn trẻ khác”.

Trước đây ba năm, Diệu Linh tốt nghiệp lớp 12, là một giáo lý viên gương mẫu phụ trách lớp “Lớn lên trong Chúa Thánh Thần”, rất hăng say và đầy nhiệt tâm tông đồ. Trời ban cho Diệu Linh dáng người mảnh mai với nét mặt thu hút và giọng nói trầm ấm dịu dàng. Dầu chưa qua một lớp hùng biện nào nhưng Diệu Linh đã được bình chọn là Cô giáo lý viên xuất sắc, được Cha xứ và các Sr trong xứ tín nhiệm. Trong các buổi sinh hoạt vui chơi, diệu Linh luôn là “trung tâm” chú ý cho các bạn trẻ cả nam lẫn nữ, các em thiếu nhi cũng mến Diệu Linh.

Gia đình, giòng họ của Diệu Linh gia giáo đạo đức, có cậu làm  linh mục. Kinh tế gia đình cũng khá giả, họ có dư khả năng để cho Diệu Linh ăn học thành đạt, đồng thời còn có thể phục vụ giáo xứ. Thế nhưng, suốt một năm ôn thi đại học Diệu Linh lại thi rớt. Vài tháng sau lại bị người yêu phụ bạc. Khi con ong đã tỏ đường đi lối về … liền truất ngựa truy phong. Đó là cú sốc đầu tiên trong đời, quá sức chịu đựng, làm cho Diệu Linh chán nản vô cùng.

Làm gì với mầm sống trong bụng mỗi ngày một lớn lên? Làm sao dám ngước mắt lên nhìn cha mẹ, họ hàng dòng tộc, cha xứ, cậu và hơn năm mươi học trò thơ ngây? Nạo phá thai ư? Diệu Linh không dám vì đi ngược lại với giáo lý Diệu Linh đã được hấp thụ và truyền đạt cho các em. Ra đi, đó là bài toán khá liều lĩnh. Diệu Linh khăn gói lên đường đến Thành Phố Hồ Chí Minh xin ở trọ chung với một bạn gái cùng lớp. Tại đây, nghe lời thuyết phục của bạn bè, Diệu Linh đã đi nạo phá thai (NPT), rồi tìm giải khuây trong các lớp dạy khiêu vũ và trở thành nhân viên nhà hàng lúc nào không hay.

Từ ngày làm quen với ánh đèn màu chập chờn điên đảo và bước theo điệu nhạc xập xình của nhà hàng, cuộc sống của Diệu Linh đã “đổi đời” thấy rõ. Cô không còn phải lo lắng về tiền bạc, có nhiều quần áo lụa là son phấn đắt tiền làm cho các bạn gái khác cũng phải thèm thuồng. Diệu Linh vẫn thương cha nhớ mẹ, mỗi tháng dành dụm  một số tiền kha khá gởi về. Thế nhưng, Diệu Linh luôn tìm mọi cách giải thích những món quà và tiền gởi về từ những công việc rất ư là chính đáng và thanh cao như dạy kèm, phụ dạy giáo lý cho một cha ở thành phố. Cuộc sống cứ thế trôi qua, và cái ác dưới lớp giả trá phù hoa không lúc nào ngưng nghỉ. Mới 21 tuổi đời, Diệu Linh đã ba lần nạo phá thai, những lần nạo phá thai trước đây Diệu Linh thường lập luận nạo phá thai không hại, nếu hại thì nhà nước đã nghiêm cấm!

Giờ đây, Diệu Linh cúi đầu, thở dài một cách mệt mỏi và im lặng một hồi lâu như hối tiếc những điều quí báu mà em đã vô tình buông thả. Được nhìn em, nghe giọng nói của em, lòng tôi vừa trĩu nặng vừa thương cảm. Diệu Linh nhìn ra ngoài hành lang, nơi ồn ào các bạn trẻ cùng trang lứa đang đợi chờ NPT với ánh mắt đượm buồn. Có lẽ em muốn chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đó cái giá phải trả quá đắt hoặc “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nhưng không thể nói được. Quay sang nhìn tôi em nói: “Chị à, mới cách đây ba năm, em không ngờ, em không ngờ mình có thể thay đổi nhanh như vậy, em không thể hiểu mình nữa. Từ một giáo lý viên con nhà gia giáo đến nghề tiếp viên và… mại dâm thật mong manh. Vâng, khoảng cách thật mong manh như một dấu phẩy. Lỡ phóng lao đành phải theo lao, em không hề nghĩ đến hậu quả. Bây giờ tất cả đã muộn màng, đi thử máu mới biết mình vướng bệnh Sida. Em đã mang cái chết đi chơi và cũng không thể tính sổ được mình đã gieo mầm chết cho bao nhiêu người. Lúc này em chỉ mong được cha mẹ, anh em, họ hàng và mọi người tha thứ. Có lẽ cách hối hận tốt nhất là can đảm chia sẻ kinh nghiệm cuộc đời lầm lạc của em cho chị và cho những ai quan tâm đến giáo dục và cho các bạn trẻ khác”. Nghe Diệu Linh thú nhận “em đã mang cai chết đi chơi nhưng không thể tính sổ mình đã gieo mầm chết cho bao người” tôi đã lạnh người.

Thưa các bạn.

Diệu Linh là một trong hàng trăm bạn trẻ đến bệnh viện Từ Dũ NPT mà chúng tôi đã từng gặp. Hiện tượng NPT mỗi ngày một gia tăng, đang là nỗi đau nhức nhối của xã hội. Nhưng nó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng mà phần ngầm là nền tảng đạo đức đang lung lay còn đáng sợ hơn. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh con người  của thế kỷ XX này phát triển nhanh và trưởng thành sớm, sự rút ngắn quá trình phát triển của thế hệ trẻ hôm nay so với ông bà, cha mẹ trước kia là một ghi nhận thành tựu của khoa học kỹ thuật tác động đến quá trình phát triển của nhân loại. Nhưng trong khi con người phát triển nhanh về thể chất, tình cảm thì sự thăng tiến về nhận thức và ý chí lại chậm hơn. Điều này dẫn đến sự “cập kênh” trong quá trình phát triển và hoàn thiện con người. Giới trẻ có thể rất giỏi về khoa học kỹ thuật nhưng các em lại thiếu hụt những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý, giới tính. Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên 125 trẻ vị thành niên đi NPT thì nguyên nhân chủ yếu là thiếu hiểu biết. Gần 100% các em không hề biết các bệnh lây lan qua đường tình dục như phụ khoa, lậu, giang mai, HIV. 81% không biết sự khác biệt tâm lý nam nữ, cách ứng xử trong quan hệ nam nữ, những giá trị của tình yêu hôn nhân gia đình… Đúng như nhà tâm lý học B.V Petrovxki đã từng nhận xét: “Việc các em thanh thiếu nhiên thiếu hiểu biết về giới tính thường dẫn tới những tấm bi kịch đau lòng”. Vấn đề quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến những căn bệnh thế kỷ đang hủy diệt tương lai của đất nước dường như không có ranh giới nào.

Theo số liệu mới nhất tính tính đến ngày 30/6/2008, cả cước có 129.722 người nhiễm HIV và 26.840 bệnh nhân AIDS đang còn sống, 39.664 số bệnh nhận AIDS đã tử vong.[1]

Số người nạo phá thai nước ta ngày càng gia tăng đến độ  Liên Hiệp Quốc báo động và xếp hạng là một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới[2]. Trong khi đó chỉ số phát triển con người (thu nhập GDP tính theo đầu người, trình độ học vấn, tuổi thọ, mức sinh hoạt)  tuy có tăng lên 4 bậc nhưng vẫn còn đứng thứ 105/177 nước trên thế giới. Tuy nhiên so với các nước láng giềnh, thì Việt Nam còn xếp sau rất xa; như Thái Lan (đứng thứ 78), Trung Quốc (đứng thứ 81), Philippines (90) và Xri Lanca (99)[3]. Chỉ riêng bệnh viện Từ Dũ tại Tp. HCM  thì năm 2004 có 1.914 ca NPT trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi là 518 ca. Năm 2005 có 2.126 ca, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi là 703 ca và có đến 60% NPT to trên 12 tuần tuổi[4].  

Đó chỉ là con số nổi của tảng băng mà phần ngầm còn nguy hại hơn. Rất nhiều bệnh viện tư nhân và nhà nước, các trạm xá từ thành thị đến thôn quên đều có dịch vụ NPT mặc dù có nhiều nơi không có giấy phép. Con số NPT thực của nước ta theo các nhà chuyên môn ước lượng khoảng trên 3 triệu ca trên một năm. Như thế cứ 5 phút có 30 trẻ em vô tội bị giết hại!

Thánh tổ phụ Đaminh đã tìm gặp Chúa trong mọi khổ đau bấp bênh của kiếp người. Cha ân cần cưu mang mọi lo âu, khát vọng, của nhân loại vào trong lời kinh tiếng hát và hành động của mình. Ngài đã sống triệt để Tin mừng giữa lòng đời, sẵn sàng bán đi bồ sách quí để cứu người chết đói, và khi khuyên người lạc giáo trở về, Ngài nhận ra con người không biết chân lý, không sống đúng nhân phẩm của mình là do thiếu hiểu biết. Đó cũng là động lực thúc đẩy Thánh Đaminh sáng lập dòng thuyết giáo.

Là tu sĩ Đaminh trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, Linh đạo của dòng đã thúc đẩy tôi không thể nhắm mắt làm ngơ hay bàng quan trước những hụt hẫng của giới trẻ. Qua tâm sự của Diệu Linh tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó, và nhận ra sứ vụ biên cương của người nữ tu hôm nay. Tôi tự hỏi một người quảng đại dấn thân phục vụ giáo xứ như Diệu Linh, tại sao khi bị vấp ngã không tìm đến Cha xứ, các Soeur trong xứ để xin một lời khuyên? Lầm lỡ đầu tiên trong tình yêu đâu đáng dẫn Diệu Linh đến cái chết và gieo mầm chết cho người khác? Có lẽ nhiều bạn trẻ chưa thấy nơi tôi và những người theo Chúa Kitô một tấm lòng bao dung, biết trân trọng và lắng nghe họ? Hay đời tu còn giữ khoảng cách quá xa và “bệ vệ” khiến anh em không dám đến gần?

Thiết nghĩ bất cứ biến cố cuộc đời nào cũng luôn là bài học giúp tôi nhìn lại mình đã sống đúng ơn gọi hay chưa? Mỗi ngày tôi phải trở về với Đức Kitô, một Thiên Chúa làm người sống hòa đồng, gần gũi, thân mật với kẻ tội lỗi, bênh đỡ người nghèo khổ, yêu thương tất cả không phân biệt bạn thù, vì Ngài luôn nhớ mục đích của mình là “đến cho con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ngài cũng không đòi hỏi những môn sinh của Ngài phải tài giỏi, phải có nhiều bằng cấp, chức tước trong Giáo hội và trong xã hội. Đến ngày phát xét, Ngài cũng không tính sổ xem chúng ta đã đọc được bao nhiêu kinh hay xây cất được bao nhiêu nhà thờ… Ngài chỉ đòi chúng ta sống trọn chữ Yêu, một tình yêu vô vị lợi không mong đáp đền, đặc biệt khi thi ân cho những người bé mọn mà Ngài đã đồng hóa với chính Ngài  (Mt 25, 31-46)

Như thế, phải chăng hơn lúc nào hết, sứ mệnh của người tu sĩ Đaminh của chúng ta không được khép kín trong bốn bức tường của Tu viện để sống sự “bình yên” của ích kỷ, hẹp hòi trước những khổ đau của nhân loại mà phải nhận thức rõ mình có trách nhiệm trong từng bước tiến của lịch sử, trước hạnh phúc và khổ đau của nhân loại và của từng con người? Vâng, Chúa Giêsu đã Nhập thể và đồng hành với chúng ta là những tội nhân. Ngài không cất chúng ta ra khỏi thế gian mà đặt chúng ta vào giữa lòng cuộc đời. Ngài mong chúng ta thực sự trở nên men trong bột (Mt 13,33), trở nên hạt lúa chôn vùi trong lòng đất để thế giới này được tốt đẹp và tròn đầy ý nghĩa hơn.

Nt. Maria Hồng Quế O.P



[1] Mỹ Hạnh, (07-2008). Hội nghị can thiệp tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, ctxhvn.blogspot.com

[2] Henshaw, S. K.; Singh, S.; and Haas, T. (1999). The incidence of abortion 0worldwide.  International Family Planning Perspectives, 25, S 30-S38

[3] UNDP, (28-11-2007). Báo cáo phát triển con người 2007-2008, tr 227-282

[4] Theo trang web Benh Viện Từ Dũ http://www.ivftudu.com.vn/

 


Các bài viết mới hơn
     Chiếc Khẩu Trang Mùa Chay - Giuse Lưu Hành
     Người Phụ Nữ Cần Nhiều Hơn Thế - Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
     Trong Giếng Không Có Bã Rượi - Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb
     Qùa tặng của sự đón nhận - Robin Seelan, S.J.
     MỘT THOÁNG SUY TƯ_Lm. Giuse Phạm văn Nhân.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014 - BẢN TIN 13. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014- BẢN TIN 10. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014-BẢN TIN 09. Lm. Trăng Thập Tự

Các bài viết cũ hơn
     TRIẾT LÝ TRONG GIÁO DỤC DƯỚI NHÃN QUAN NGƯỜI KITÔ HỮU - Nt. Têrêxa Ngọc Lễ