Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI

tại Liban (14-16/9/2012)

Cuộc gặp gỡ các Thành Viên của Chính Phủ,

các Tổ chức, Cơ Quan của Chính Phủ, Ngoại Giao Đoàn

Các Vị Đứng Đầu các Tôn Giáo, và Đại Diện Giới Văn Nghệ Sĩ

(Ngày 15-9-2012)

Kính thưa Tổng Thống Nước Cộng Hòa Liban,

Kính thưa Quý Vị Đại Diện Quốc Hội,

Kính thưa Quý Vị Đại Diện Chính Phủ,

Các Ban Ngành và các Tổ Chức Chính Trị của Nước Liban,

Kính thưa Quý Vị Trưởng Đoàn Các Nhiệm Sở thuộc Ngoại Giao Đoàn

Kính thưa các Đức Thượng Phụ, các Vị Trách Nhiệm của các Tôn Giáo,  

Kính thưa Anh Em trong Hàng Giám Mục,

Kính thưa Quý Ông Bà và các Bạn thân mến,  

        سَلامي أُعطيكُم [Ta ban bình an cho Anh Em] (Ga 14, 27)! Với lời nói này của Đức Kitô Giêsu, Tôi muốn chào thăm Quý Vị và cám ơn Quý Vị về sự tiếp đón của Quý Vị và về sự hiện diện của Quý Vị. Kính thưa Tổng Thống, Tôi cám ơn Ngài, không chỉ vì các lời nói thân tình của Ngài, nhưng cũng vì Ngài đã cho thực hiện cuộc gặp gỡ này. Cùng với Ngài, Tôi vừa trồng một cây dương liễu của xứ Liban, biểu hiệu của Xứ Sở tuyệt đẹp của Quý Vị. Khi nhìn cây này và sự săn sóc mà nó cần đến để có thể lớn mạnh thêm cho tới khi tỏa cành lá xum xuê ra, Tôi nghĩ tới Quý Quốc và tới định mệnh của Quý Quốc, nghĩ tới những người Liban và nghĩ tới những niềm hy vọng của họ, nghĩ tới tất cả những người dân của Vùng Đất này trong thế giới, vẫn còn phải chịu đau khổ như các đau khổ từ một cuộc sinh nở, mà không bao giờ hết.     

         Vì thế Tôi đã xin Thiên Chúa chúc lành cho Anh Chị Em, chúc lành cho Nước Liban và chúc lành của tất cả những người dân của Vùng Đất này, mà Tôi nhìn thấy rằng, từ đây phát sinh ra những Tôn Giáo lớn và những nền văn hóa thật cao đẹp. Tại sao Thiên Chúa đã chọn Vùng Đất này? Tại sao Vùng Đất này còn sống trong cảnh bị hành khổ? Thiên Chúa đã chọn Vùng Đất này, theo ý Tôi, để trở nên gương mẫu, để trở nên chứng nhân trước toàn thể thế giới về khả năng mà con người phải sống cách cụ thể, với mong ước có được hòa bình và hòa giải! Khát vọng này được ghi khắc từ lâu trong kế đồ của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại ghi khắc nguyện vọng này trong con tim của con người. Và về đề tài hòa bình mà Tôi muốn dừng lại để suy tư, như Chúa Giêsu đã nói : سَلامي عطي  [Ta ban bình an cho Anh Em].

        Trước hết Liban là một Đất Nước rất giầu về nhân lực, là những con người đang sống trong đó. Tương lai của con người và khả năng của họ để dấn thân cho hòa bình tùy thuộc ở mỗi người trong họ. Một dấn thân như thế chỉ có thể thực hiện được trong một xã hội hiệp nhất. Tuy nhiên, sự hiệp nhất không là sự đồng nhất. Cuộc sống hài hòa trong xã hội được bảo đảm từ việc luôn kính trọng nhân phẩm của mỗi người và do sự tham gia trách nhiệm của mỗi người theo khả năng của họ, đóng góp những gì tốt nhất nơi họ. Với mục đích bảo đảm tính năng động cần thiết để xây dựng và làm kiên vững hòa bình, cần phải trở lại một cách không mệt mỏi với nền tảng của con người. Phẩm giá của con người không thể tách rời ra khỏi đặc tính thánh thiêng của đời sống mà Tạo Hóa đã ban cho con người. Trong kế đồ của Thiên Chúa, mỗi con người là duy nhất và chuyển nhượng cho một ai. Nhân phẩm con người đến trong thế giới qua một gia đình, và đó là nơi thứ nhất của việc làm nên con người, và hơn nữa, gia đình là người giáo dục thứ nhất về hòa bình. Vậy để kiến tạo hòa bình, chú ý của chúng ta phải nhằm vào gia đình, để làm cho gia đình thực hiện dễ dàng nhiệm vụ của mình, cũng như để nâng đỡ gia đình, và vì thế trước tiên, phải cổ võ một nền văn hóa sự sống. Sức hữu hiệu của việc dấn thân cho hòa bình này, tùy thuộc ở quan niệm mà thế giới có thể có về sự sống con người. Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta hãy bênh vực sự sống! (nhấn mạnh là của tôi). Lý luận này phủ nhận, không phải chỉ chiến tranh và các hành động khủng bố khác, nhưng cũng phải phủ nhận mọi cuộc tấn công vào sự sống của con người, con người là thụ tạo Thiên Chúa muốn dựng nên. Sự nhửng nhưng hoặc việc chối bỏ những gì kiến tạo bản tính đích thực của con người, làm cản trở sự tôn trọng luật lệ văn phạm sơ đẳng này, mà đó là luật tự nhiên được ghi khắc trong con tim của con người (xem Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2007, số 3). Sự cao cả và lý do tồn tại của mỗi con người chỉ tìm được nơi Thiên Chúa. Như thế, việc nhận ra, cách không điều kiện, phẩm giá của mỗi người, của từng người trong chúng ta, và phẩm giá về đặc tính thánh thiêng của sự sống bao gồm trách nhiệm của tất cả mọi người trước mặt Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải kết hợp sức lực của chúng ta để phát triển một nền nhân chủng học lành mạnh bao gồm tính cách duy nhất của con người. Không có nền nhân chủng học này, thì không thể kiến tạo hòa bình chân chính.   

        Cho dù đây là điều hiển nhiên hơn, trong các Quốc Gia đang có những cuộc tranh chấp bằng vũ khí – những cuộc chiến này đầy những điều hư ảo và ghê tởm -, các cuộc tấn công vào tính toàn vẹn và tới sự sống của con người, cũng thấy có tại các Quốc Gia khác. Nạn thất nghiệp, sự nghèo túng, tình trạng tham nhũng, những tình trạng tùy thuộc khác, việc lạm dụng, việc buôn bán dưới mọi hình thức và việc khủng bố, mang theo các đau khổ không thể chấp nhận cho không biết bao nhiêu nạn nhân; rồi việc làm suy yếu các tiềm năng nơi con người. Cái lý của kinh tế và tài chánh muốn liên tục đặt trên chúng ta cái ách và làm cho chúng ta đặt “cái có” trên “cái là”! Nhưng điều mất mát của mỗi sự sống con người là một sự mất mát cho toàn thể nhân loại. Vì nhân loại là một gia đình lớn lao mà chúng ta có trách nhiệm về gia đình này. Một số ý thức hệ, đặt thành vần đề một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc ngay trong phạm vi pháp luật, các giá trị không thể từ khước của của mỗi con người và nền tảng tự nhiên của gia đình, thì điều này đang đe dọa nền tảng căn bản của xã hội. Chúng ta phải ý thức về những cuộc khủng bố nhắm vào việc xây dựng và sự hài hòa trong cuộc sống với nhau. Chỉ có sự liên đới hữu hiệu làm nên thuốc chữa trị cho căn bệnh này. Sự liên đới để đẩy lui những gì làm cản trở sự kính trọng mỗi con người, sự liên đới để nâng đỡ những đường lối chính trị và các sáng kiến nhằm hiệp nhất các Dân Tộc trong một cách thế lương thiện và chân chính. Thật tuyệt đẹp nhìn thấy các hành động lo cho thái độ hợp tác và cho cuộc đối thoại chấn chính nhằm xây dựng một cách thế mới để sống với nhau. Một đặc tính tốt đẹp hơn của đời sống và của sự phát triển toàn diện, chỉ có thể có được trong việc chia sẻ các nguồn tài nguyên và các quyền hành, trong khi kính trọng nhân phẩm của mỗi người. Nhưng một lối sống chung như thế, một lối sống thanh thản và năng động, không thể có được, nếu không có sự tín nhiệm nơi người khác, cho dù là ai đi nữa. Ngày nay, những khác biệt về văn hóa, xã hội, tôn giáo, phải giúp sống theo một cung cách mới trong tình huynh đệ, trong đó chính điều làm nên sự hiệp nhất là cùng nhận thức về sự cao cả của mỗi con người, và nhận ra ơn huệ mà nhân phẩm đó hiện hữu cho chính mình, cho người khác và cho nhân loại. Ở đây người ta tìm ra con đường của hòa bình! Ở đây là sự dấn thân, điều người ta đòi hỏi nơi chúng ta. Ở đây có hướng định ảnh hưởng tới các chọn lựa chính trị và kinh tế, ở mọi cấp bậc và mọi nấc thang trong thế giới!        

        Để mở ra cho các thế hệ ngày mai một tương lai hòa bình, trách vụ thứ nhất, đó là trách vụ giáo dục về hòa bình để xây dựng một nền văn hóa cho hòa bình. Việc giáo dục, trong gia đình hoặc ở trường học, trước tiên phải là nền giáo dục các giá trị thiêng liêng mang đến ý nghĩa và sức mạnh cho việc truyền đạt kiến thức và các truyền thống của một nền văn hóa. Tinh thần của con người có cảm xúc thiên phú về vẻ đẹp, sự thiện và sự thật. Đó là dấu ấn của Thiên Chúa, là việc Thiên Chúa ghi tạc chính mình nơi con người! Từ khát vọng phổ quát này nảy sinh ra một quan niệm luân lý vững chắc và đúng đắn, một nền luân lý luôn đặt con người vào trung tâm của tất cả. Nhưng chỉ trong tự do con người mới có thể hướng về sự thiện, bởi vì “Phẩm giá của con người đòi hỏi rằng con người phải hành động theo một sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là được đánh động và được đưa vào đời sống riêng tư từ bên trong, và không do một sự thúc đẩy mù quáng bên trong hoặc do sự ép buộc từ bên ngoài” (Hiến chế Vui mừng và hy vọng, 17). Trách vụ của giáo dục là đồng hành để làm cho trưởng thành các khả năng, từ đó con người có những chọn lựa tự do và đúng đắn, có thể đi ngược lại với trào lưu chỉ theo các dư luận được phố biến, hành động ngược lại với các hình thức, các ý thức hệ chính trị và tôn giáo. Việc khẳng định chính mình của một nền văn hóa hòa bình phải trả bằng giá này! Dĩ nhiên cần xóa bỏ bạo lực trong lời nói hoặc trong thể lý. Bạo lực này luôn là một sự xúc phạm tới nhân phẩm con người, hoặc xúc  phạm tới tác giả hoặc tới nạn nhân. Đàng khác, khi thẩm định các công việc mưu cầu hòa bình và ảnh hưởng của chúng với công ích, người ta cũng tạo ra môt sự lưu tâm tới hòa bình. Như lịch sử chứng tỏ, những cử chỉ mưu cầu hòa bình như thế, có một vai trò rất đáng kể trong đời sống xã hội, quốc gia và quốc tế. Việc giáo dục về hòa bình sẽ huấn luyện theo cách thế đó, những con người nam và người nữ, quảng đại và chính trực, chú ý tới tất cả mọi người, đặc biệt tới những người yếu đuối hơn. Tư tưởng về hòa bình, những lời nói về hòa bình và những cử chỉ lo cho hòa bình tạo ra một bầu khí kính trọng, ngay chính và thân thiện, trong đó những sai lầm và các xúc phạm có thể được nhận ra trong sự thật để cùng nhau tiến tới việc hòa giải. Chớ gì các nhà lãnh đạo Quốc Gia và những người có trách nhiệm trong các Tôn Giáo hãy suy nghĩ về điều này!        

        Chúng ta phải ý thức thật rõ ràng rằng sự dữ không phải là một sức mạnh vô danh hành động trong thế giới, theo một cách thế vô chủ thể hoặc như theo một định mệnh. Sự dữ, quỷ dữ, đi qua ngả đường của sự tự do của con người, nương theo việc sử dụng sự tự do của chúng ta. Nó đi tìm một đồng minh, đó là con người. Sự dữ cần có con người để làm lan rộng ra. Và như thế, tới mức độ một nào đó, khi xúc phạm tới điều răn thứ nhất, là tình yêu Thiên Chúa, sự dữ ảnh hưởng tới điều răn thứ hai, tình yêu người lân cận. Với sự dữ, tình yêu người lân cận biến hút đi, làm lợi cho dối trá và cho ghen tị, cho ghét bỏ và cho chết chóc. Nhưng điều có thể làm được, là không để cho mình bị sự dữ thắng thế, vì con người có thể thắng sự dữ bằng điều thiện (xem Rm 12, 21). Đó là việc hoán cải con tim mà chúng ta được kêu gọi để thực hiện. Không có việc hoán cải này, “các cuộc giải phóng” mà con người mong ước biết bao nhiêu, chỉ làm cho họ thất vọng, bởi vì chúng được thực hiện với khoảng không gian rút gọn lại trong giới hạn nhỏ bé của tinh thần của con người, do sự cứng rắn của con người, do những thái độ bất khoan nhượng, do những thái độ dành ưu đãi cho một phía, do những mong muốn trả thù và do những thúc bách của họ đem lại chết chóc. Việc biến đổi sâu xa về tinh thần và nơi con tim, thật cần thiết cho việc tìm lại một cái nhìn chắc chắn và một thái độ vô tư, ý nghĩa sâu xa về công lý và về ý nghĩa của công ích. Một cái nhìn mới và tự do hơn sẽ làm cho người ta có khả năng để phân tích và để đem ra bàn luận về các chế độ của con người đang đem con người vào những vòng luẩn quẩn, hầu tiến lên phía trước khi chú ý vào quá khứ, để không lặp lại lần nữa, với những hậu quả tàn phá của nó. Sự trở về cần phải có này thật đáng trân trọng, bởi vì nó mở ra những khả thể đưa ra lời kêu gọi xử dụng các tài nguyên vô tận đang nằm trong con tim của biết bao ngưởi nam và người nữ, mong muốn sống trong hòa bình, sẵn sàng dấn thân cho hòa bình. Đó là điều mà người ta đang đòi hỏi: ở đây chúng ta nói về việc chúng ta nói tiếng “không” với sự trả thù, việc nhận biết những sai lầm của mình, chấp nhận hành động xin lỗi mà không tìm người khác xin lỗi mình, và sau cùng là biết tha thứ. Bởi vì chỉ việc tha thứ được trao đi và được lãnh nhận, đặt ra nền móng lâu dài cho việc hòa giải và cho hòa bình của tất cả mọi người (xem Rm 12, 16b. 18). 

        Chỉ lúc đó việc hiểu biết đúng nghĩa và tốt đẹp giữa các nền văn hóa và các Tôn Giáo, sự trân trọng của các Tôn Giáo này với các Tôn Giáo khác, mà không mang mặc cảm tự tôn và biết kính trọng các quyền lợi của mỗi Tôn Giáo khác, mới có thể tăng trưởng. Tại Nước Liban, Kitô Giáo và Hồi Giáo cùng sống chung trong một khoảng không gian từ bao thế kỷ. Không phải là trường hợp hiếm có, khi chúng ta có dịp nhìn thấy trong cùng một gia đình có cả hai Tôn Giáo này. Nếu trong cùng một gia đình, điều này có thể thực hiện được, thì tại sao không thể có được bầu khí này ở cấp độ trọn vẹn của một xã hội? Đặc tính của Vùng Trung Đông hệ tại trong việc pha trộn từ ngàn đời các thành phần khác nhau. Vậy mà, đây là một sự thật, các điều này cũng bị phá hủy! Một xã hội đa dạng tồn tại chỉ nhờ hiệu quả của việc tôn trọng lẫn nhau, của sự mong muốn nhận biết người khác và của việc đối thoại liên tục. Sự đối thoại giữa con người với nhau chỉ có thể được trong ý thức rằng, có những giá trị chung cho tất cả các nền văn hóa lớn, bởi vì chúng ăn rễ sâu trong bản tính của con người. Những giá trị này, như một thực tại chính yếu nằm ở dưới, biểu lộ các nét chính thực và đặc trưng của nhân loại. Những giá trị này thuộc về các quyền lợi của từng cá thể con người. Trong xác quyết về sự hiện hữu của họ, các Tôn Giáo khác nhau mang tới một sự đóng góp mang tính quyết định. Chúng ta đừng quyên rằng tự do tôn giáo là quyền lợi nền tảng từ đó mọi quyền lợi khác đều tùy thuộc vào. Tuyên xưng và sống cách tự do Tôn Giáo riêng của mình, mà không làm cho đời sống riêng của mình và sự tự do riêng của mình nên mối nguy hiểm cho người khác, phải là điều có thể làm được đối với bất cứ ai. Việc mất đi hoặc bị giảm yếu đi của tự do làm cho con người thiếu mất quyền thánh thiêng về một đời sống toàn diện trên bình diện thiêng liêng. Có một loại khoan dung, tự coi là như thế, không loại bỏ những hành động kỳ thị, trái lại đôi khi còn tăng cường các việc kỳ thị đó. Và nếu không có việc mở ra cho điều siêu hình, là điều cho phép con người tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi của con tim về ý nghĩa của đời sống và về cách sông theo cách thức luân lý, con người không còn khả năng hành động theo công lý và dấn thân cho hòa bình. Sự tự do tôn giáo có một chiều kích xã hội và chính trị cần thiết cho hòa bình! Tự do tôn giáo cổ võ một sự sống chung và một cuộc sống hài hòa qua sự dấn thân chung để phục vụ những công trình tốt đẹp và cho việc tìm kiếm chân lý, mà không tự đặt mình đi theo bạo lực, nhưng đi theo “chính sức mạnh của chân lý” (Tuyên ngôn Phẩm vị của con người [Dignitatis humanae], 1), mà Chân lý này ở trong Thiên Chúa. Bởi vì Đức Tin được sống, thì chắc chắn dẫn đến tình yêu. Đức Tin chân chính không thể dẫn tới sự chết. Người kiến tạo hòa bình thì khiêm nhường và chính trực. Vì thế các tín đồ ngày nay có một vai trò chính yếu, vai trò làm chứng tá cho hòa bình đến từ Thiên Chúa và hòa bình là ơn huệ ban cho tất cả mọi người trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, chính trị và kinh tế (xem Mt 5, 9; Dt 12, 14). Như thế việc con người ở tình huống không hành động có thể cho phép sự dữ chiến thắng. Và không làm gì, lại càng tệ hại hơn.          

         Những suy tư vắn tắt này về hòa bình, về xã hội, về phẩm cách của con người, về các giá trị của gia đình và sự sống, về sự đối thoại và tình liên đới, không thể chỉ là những lý tưởng được phát biểu ra mà thôi. Chúng có thể và phải được sống. Chúng ta đang ở Liban và chính ở đây, các điều đó phải được sống. Liban được kêu gọi, bây giờ hơn bao giờ hết, để trở nên gương mẫu về lối sống này. Kính thưa các Chính khách, các Nhà ngoại giao, các Người thuộc các Tôn Giáo, các người nam và các người nữ của thế giới văn hóa, Tôi kêu gọi Quý Vị hãy làm chứng một cách can đảm chung quanh Quý Vị, vào thời thuận lợi và không thuận lợi, rằng Thiên Chúa muốn hòa bình, rằng Thiên Chúa trao gửi hòa bình cho chúng ta. سَلامي أُعطيكُم [Ta ban bình an cho Anh Em], Đức Kitô nói thế (Ga 14, 27)! Xin Thiên Chúa chúc lành cho Quý Vị. Xin chân thành cám ơn!

(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biế ngày 15-9-2012. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 16-9-2012)


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Buổi đọc Kinh Truyền Tin (Angelus) Chúa Nhật ngày 16-9-2012
     Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Liban
     Đức Cha Mario Toso cử hành lễ Giỗ 10 năm ĐHY Nguyễn Văn Thuận
     Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh chống xúc phạm tôn giáo
     Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình và hòa hợp cho Liban
     Mọi lời cầu nguyện đều có ích lợi
     Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Colombia tiếp tục bênh vực gia đình
     Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI trước khi đọc Kinh Truyền Tin
     Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI trước khi đọc Kinh Truyền Tin
     ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CÁC GIÁM MỤC COLOMBIA TIẾP TỤC BÊNH VỰC GIA ĐÌNH