Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 26

CHỦ NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B

1270457735_85870829_1-Hinh-anh-ca--tim-1-ngui-de-yeu-thuong.jpgKhi còn lang thang tiến về đất hứa, dân Thiên Chúa có thể nhận ra các tiên tri ngòai doanh trại của họ. Ngôn sứ đích thật chính là người NGHÈO, HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG trong lòng, chống lại bạo lực, không tìm gì khác hơn là vinh quang Thiên Chúa. Còn những ai chỉ tìm cách khai thác kẻ khác thì chắc chắn không thuộc vào số các tiên tri.

Sách Dân số:

Thường người ta hiểu sai về cụm từ «Nói tiên tri». Đó không phải là thầy bói loan báo trước những gì xảy ra cho chúng ta trong thời điểm tương lai, mà là người nói về Thiên Chúa và loan báo Thánh ý của Người. Vị Tiên tri đích thực, đó là người cảm nghiệm về Thiên Chúa và loan báo cho anh em mình biết Thiên Chúa là ai và điều Người muốn nơi mỗi người chúng ta.

Thánh vịnh 18 :

Đây là Thánh vịnh ca tụng Lề Luật. Tuy nhiên, lề luật của Giao Ước thứ nhất chỉ là nét phát họa những điều tốt lành tương lai, theo thư Do thái. Thánh vịnh nầy cần phải học hỏi và cầu nguyện theo ÁNH SÁNG của Tin mừng. Thực hiện lề luật, chính là sống thánh thiện theo lời Thiên Chúa.

Thư Thánh Gia cô bê :

Vấn đề giàu có ? Chúa Giê su đã nhấn mạnh nhiều trong mối Phúc cho những người nghèo mà các Tông đố thấy cần phải tiếp tục rao giảng. Không chỉ có sự giàu sang tiền bạc, cũng còn nhiều thứ giàu sang khác như tự mãn, tự kiêu. Có nên nghe những gì mà người ta thích QUÊN không ?

Tin mừng : Mc 9,38-43.45.47-48

NGỮ CẢNH

Sau khi đã loan báo cuộc Khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu (9, 30-32) và huấn dụ về cách phục vụ của người làm đầu (9, 35-37), Chúa Giê su tiếp tục giáo huấn về nhiều điểm quan trọng khác trong cuộc sống cộng đoàn: quyền sử dụng danh Ngài dành cho những ai không phải là môn đệ của Ngài (9. 38-40); phần thưởng cho một quà tặng với danh nghĩa của Ngài (9,41); hình phạt dành cho những ai làm gương xấu cho những kẻ nhỏ (9,42); và phải khước từ tất cả những gì đưa đến tội lỗi (43-48).

TÌM HIỂU

Ông Gioan: lời can thiệp được gán cho ông Gio an, tác giả tin mừng của tình yêu nhưng đồng thời cũng có biệt danh là “con của sấm sét” (3,17). X. thêm Lc 9,54.

Trừ quỉ: có lẽ ở đây chúng ta thấy dấu vết của các vấn đề mà các ki tô hữu đầu tiên phải đối đầu trong hoàn cảnh tương tự. Làm sao để có thể phân biệt được ai là người đích thực được sai đi. Tìm cách tiếm đoạt một quyền phép (thí dụ như ông Si mông muốn làm trong Cv 8,9-24) khác hẳn với việc hành động nhân danh Chúa Giê su trong tư cách là kẻ được Ngài sai đi.

Chống lại: nên đặt câu nói nầy song song với một câu nói khác bổ túc cho nó. Trong Lc 11,23 Chúa Giê su nói (ở số ít): “Ai không đi với tôi là chống lại tôi”. Ngài đặt trong một viễn tượng bào chữa cho bản thân trước lời cáo giác Ngài hoạt động với quyền năng của Sa tan.

Mục đích của Mác cô lại khác. Ở đây ông quan tâm đến đời sống của Giáo Hội và nhấn mạnh rằng Nhóm Mười Hai có trách nhiệm về sự đoàn kết của mình. Các công thức như “cho chúng tôi”, “chống lại chúng tôi” nhìn nhận nơi nhóm Mười Hai là những người đảm bảo cho tính cách duy nhất của Giáo Hội như Đức Ki tô và nhân danh Ngài.

Một chén nước: thái cử tiếp nhận và cho trú ngụ (x. 9,37).

Đấng Ki tô: đây là nơi duy nhất trong tin mừng Mác cô cho thấy Chúa Giê su nói về bản thân như Đấng Ki tô (nhưng x. 12,35). Không phải là ngôn ngữ của Chúa Giê su, mà là của Giáo Hội sơ khai.

Phần thưởng: Chúa Giê su không xác định phần thưởng là cái gì, nhưng Ngài hứa ban. Về chủ đề nầy, x. 10,28-30.

Làm cớ phải sa ngã: sau các lời hứa gồm các đòi hỏi, giờ đây một lời cảnh giác long trọng. Lặp lại chủ đề các kẻ bé nhỏ, đã nói tới ở đoạn (9,35-37), đây là các lời cảnh giác, gần như là hăm doạ. Vần đề “gương xấu” (trong tiếng hi lạp có nghĩa là “một điều gì gây vấp ngã”) chiếm một vị trí quan trọng trong các tin mừng. Những kẻ bé nhỏ mà giờ đây Chúa Giê su nói đến là tất cả mọi người có đức tin vẫn còn non yếu, vì chỉ mới là những bước khởi đầu. Người ta không thể giết chết đức tin ấy bằng cách đặt một chướng ngại mà không thể vượt qua được. Thánh Phao lô cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đối với “những kẻ bé nhỏ” tin vào Đức Ki tô khi ngài viết: “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki tô”(1Cr 8,12).

Ném xuống biển: khi tình yêu của Thiên Chúa đối với những kẻ bé nhỏ bị nguy hiểm, Chúa Giê su không tìm được lời nào mạnh mẽ hơn để mô tả sự trầm trọng của bất cứ thái độ nào xúc phạm đến những kẻ bé mọn nầy. Đây không phải là một sự kết án vĩnh viễn những người có lỗi, nhưng chỉ là lời một cảnh giác đáng sợ.

Tay anh: và đây là ba hình ảnh minh hoạ lời cảnh giác của Chúa Giê su. Lần nầy liên quan đến sự sa ngã cá nhân nhưng cũng bao hàm một sự ngoan cố như thế.

Khi Chúa Giê su nói đến thân thể (tay, chân, mắt), có lẽ nên coi  đây là một hình ảnh nói đến thân thể xã hội, hoặc cộng đoàn, một hình ảnh mà Phao lô xử dụng rộng rãi trong thần học của ngài về Giáo Hội, thân thể của Đức Ki tô: x. 1Cr 12,12-30. Chắc chắn Chúa Giê su không mời gọi người ta phải huỷ hoại thân thể mình, nhưng ngôn ngữ mạnh mẽ của Ngài diễn tả một nguy hiểm không thể nào khiến ta dửng dưng được. Như một nhà giải phẩu bắt buộc phải cắt bỏ một phần thân thể bị ung thư để cứu người bệnh, thì cũng cần phải cương quyết loại bỏ nguyên do gây ra gương xấu.

Cõi sống: cần phải xác định thêm đời đời, để tránh bất cứ ngộ nhận nào đối với não trạng ngày nay.

Hoả ngục: ngày xưa là thung lũng sâu thăm thẳm nằm dưới chân đồi đền thờ. Dùng làm nơi chứa rác công cộng cho kinh thành, trong đó rác thực vật và xác động vật thối rữa và luôn luôn có một đám cháy thiêu tất cả những gì có thể thiêu huỷ được (vòi bọ và lửa: xem 9,38). Gê hen (= hoả ngục) đã trở thành hình ảnh chỉ hoả ngục nơi “lửa không hề tắt”.

Giòi bọ: bản văn gợi hứng từ Isaia: “Và khi ra về, mọi người sẽ thấy xác những kẻ phản loạn chống lại Ta, vì giòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt  chúng sẽ không tàn lụi. Chúng sẽ là đồ ghê tởm cho mọi người phàm” (Is 66, 24: câu cuối cùng).

SỨ ĐIỆP

Các bài thánh kinh chủ nhật hôm nay gửi đến chúng ta một sứ điệp rất quan trọng. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự Thiện hiện diện bên ngòai cộng đòan tín hữu chúng ta. Bài đọc thứ nhất cho thấy hai ông Ên-đát và Mê-đát khởi sự nói tiên tri dù họ chưa được ủy thác để làm chuyện đó. Người ta đến báo cho ông Mô sê rằng hai người đó không có quyền nói tiên tri. Nhưng ông Mô sê đã không nhìn sự việc như họ. Ông chia sẻ cho họ giấc mơ thấy toàn dân đều trở thành một dân tộc tiên tri.

Nhiều thế kỉ sau đó, tin mừng Mác cô cũng đề cập đến vấn đề độc quyền đó: một người trong nhóm Mười hai đến nói cho Chúa Giê su biết có những người không thuộc nhóm các môn đệ cũng hành nghề trừ quỉ. Chúa Giê su trả lời rất rõ ràng và dứt khoát: “Đừng ngăn cản ông ta. Vì ai làm phép lạ nhân danh Thầy thì không thể liền sau đó lại nói xấu Thầy”. Như vậy tin mừng của sứ điệp ấy là: Chúa Giê su nhìn nhận có sự Thiện đến từ bên ngòai. Thái độ của Ngài  là tiếp nhận và mở ra đón nhận mọi người. Không có nhóm nào là độc quyền điều tốt, sự thiện và sự thật cả. Vấn đề không phải là thái dộ khoan dung, mà là nhìn nhận và khiêm tốn.

Điều đó có nghĩa là Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi. Ngài còn hoạt động trong toàn thể nhân lọai. Những người thành tâm thiện chí đều hiện diện trong mọi tôn giáo. Chúng ta không giữ độc quyền về lòng bác ái, về chân lí cũng như về sự thánh thiện. Chúng ta không có quuyền giữ Thiên Chúa trong những phạm trù của chúng ta hay trong ý tưởng mà chúng ta có về Người. Tình yêu của Người thì phổ quát. Ước mong mãnh liệt của Người là qui tụ tất cả mọi người và trao ban cho họ đầy tràn sự sống của Người. Nếu chúng ta muốn hòa hợp với Thiên-Chúa-tình-yêu ấy, thì chúng ta phải thay đổi cái nhìn của chúng ta về những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường. Sự đánh giá cao ấy phải dành cho anh em chúng ta trong đức tin cũng như đối với tất cả những ai đang tìm kiếm.

Các bài đọc thánh kinh mời kêu mời chúng ta hãy chống lại tất cả những gì ngược lại với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta ít nhiều bị cám dỗ xếp loại người khác. Ngay cả khi họ làm một điều gì tốt, chúng ta cứ tiếp tục in trí họ. Họ bị nhốt trong tai tiếng của họ, quá khứ của họ. Thái độ từ khước đó trái ngược với tin mừng. Chúa Giê su  không bao giờ lên án hay in trí bất cứ ai. Ngài đã đón tiếp, tha thứ, nâng dậy. Và ngày hôm nay, Ngài đề cao giá trị điều tốt đẹp nơi mỗi người.

Phần tiếp theo của tin mừng mang lại cho chúng ta những xác định vô cùng chủ yếu. các thái độ từ khước có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại: chúng có thể kéo theo sự sụp đổ những người mềm yếu đức tin nhất. Đó là điều trầm trọng vì Chúa Giê su yêu quí những người nhỏ bé như của cải quí báu nhất của Ngài. Ngài luôn luôn ở bên cạnh những kẻ bị lọai trừ và hóa thân nơi mỗi người trong họ. Để tránh những điều tai hại đó, Ngài mời gọi chúng ta phải chặt và nhổ. Chắc chắn, đây không phải là việc giải phẫu. Nếu Chúa Giê su nói mạnh như thế, đó là bởi vì Ngài muốn thức tỉnh chúng ta. Ngài muốn chúng ta đo lường tính cách trầm trọng của tội ấy mà chúng ta rất dễ dàng mắc phải.

Mắt làm dịp tội, đó là cặp mắt có một cái nhìn hung dữ, không biết nhận ra điều tốt đẹp nơi người khác, cả khi họ khác biệt với chúng ta. Lúc đó, chúng ta ngăn cấm họ dấn thân và có trách nhiệm. Đó là phản chứng có thể kéo theo nhiều hậu quả trầm trọng. Thật vậy, có nhiều người quay lưng lại với Giáo Hội vì thái độ như thế của một vài người trong chúng ta.

Bàn tay làm dịp tội, đó là đôi bàn tay không bao giờ chìa ra cho người khác, bàn tay bạo lực, từ chối tiếp nhận người khác. Đó cũng là bài tay viết những điều vu cáo hay xúc phạm trên báo chí. Tất cả những điều đó xảy ra hằng ngày.

Lưỡi làm dịp tội khi tạo nên một bầu khí không trong sạch trong gia đình, làng xã và nơi làm việc. Đó là tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn ô nhiễm đến từ xe cộ trên đường.

Chân làm dịp tội là đôi chân đi đến người khác để lôi kéo họ làm điều xấu. Đó cũng là đội chân từ chối đi đến cùng Thiên Chúa. Đời sống trần gian của chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa Giê su. Cũng chính Ngài cho chúng ta hiểu điều đó khi dạy: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Đi đến với Chúa, chúng ta phải cùng đi chung.

Để khỏi bị sa ngã và chống lại tất cả những gì lôi kéo chúng ta làm sự tội, Chúa Giê su nói với chúng ta phải chặt và nhổ, có nghĩa là phải dứt khoát đoạn tuyệt. Cũng giống như Tông đồ Gioan, Chúa Giê su cũng muốn hướng dẫn chúng ta thay đổi cái nhìn. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận lời Ngài. Và nhất là, chúng ta đừng quên lời nói của Saint Exupéry: “Điều cốt yếu thì mắt không thấy được. Nhìn bằng tâm hồn thì người ta mới thấy rõ”.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Dân số là sách gì?

THƯA: Sách Dân số là quyển thứ tư trong bộ Ngũ Thư, kể lại lịch sử dân Ít-ra-ên từ năm thứ hai sau ra khỏi Ai cập cho đến lúc ông Mô sê qua đời; một khoảng thời gian dài (= k 39 năm) lang thang trong Sa mạc. Tựa sách tiếng Híp pri là “Trong hoang địa”. Bản dịch Hi lạp và bản dịch La tinh theo sau gọi sách nầy là “Sách Dân số”. Tựa nầy không thích hợp với nội dung lắm vì việc kiểm kê dân số chỉ chiếm một phần nhỏ, còn phần lớn kể lại những biến cố chính yếu xảy ra cuộc hành trình trong sa mạc tiến về đất hứa. Sách khởi đầu bằng lệnh Thiên Chúa truyền cho ông Mô sê kiểm kê dân chúng. Kết quả cho thấy là Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài đã hứa với ông Abraham, là sẽ cho dòng dõi ông đông như sao trên trời như cát dưới biển (Stk 22,17). Khi vào đất Ai cập gia đình ông Gia cóp chỉ có 70 người, giờ đây sau sau 450 năm, dân số đã lên đến 600.000 người.

2. HỎI: Bài đọc 1 nói về điều gì?

THƯA: Bài đọc 1 kể lại câu truyện một số người ghen tỵ khi thấy hai ông En-đát và Mê-đát dù không đến Lều Hội Ngộ để nhận lãnh Thần Khí mà cũng được Thần Khí Thiên Chúa cho nói tiên tri. Họ bực bội nhờ ông Mô-sê loại trừ họ. Nhưng chẳng những ông Mô-sê không loại trừ hay khiến trách 2 ông En-đát và Mê-đát mà lại tỏ lòng bao dung và mong muốn: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”. Thái độ rộng lượng của vị lãnh tụ nầy chuẩn bị cho tấm lòng quảng đại của Chúa Giê su trong bài Tin mừng.

3. HỎI: Bài Tin mừng dạy chúng ta điều gì?

THƯA: Bài Tin Mừng dạy ta hai điều. Điều thứ nhất cho thấy thái độ bao dung, rộng lượng của Chúa Giê-su: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Điều thứ hai là thái độ nghiêm khắc và quyết liệt của Chúa Giê-su đối với những người làm gương mù gương xấu cho người khác cũng như những phần thân thể gây hại cho chính mình.

4. HỎI: Tại sao trước khi Chúa Giê su phục sinh, đã có những người trừ quỉ nhân danh Chúa Giê su?

THƯA: Bởi vì trước khi một vài môn đệ Chúa Giê su được gọi là “Ki tô hữu” ở Antiokia, thì những ngưởi đi theo hay có cảm tình với Chúa Giê su cũng đã hoạt động “nhân danh Đức Kitô”. Quyền năng trừ quỉ lẩy lừng của Chúa Giê su là lí do khiến nhiều người Do thái đã nhờ danh Ngài mà trừ quỉ. Rồi trong một cơ hội khác, chính Chúa cũng đã trao quyền cho các môn đệ thực hiện các dấu chỉ cho thấy lời sấm các tiên tri được hoàn tất nhờ danh của Ngài.

5. HỎI: Chúa Giê su nói: “Đừng ngăn cấm anh ta” cho thấy sự rộng lượng của ngài đối với việc thi hành một sứ vụ mà chính Ngài đã giao phó cho các cộng tác viên thân tính nhất. Tại sao thế?

THƯA: Tác giả tin mừng kể lại câu truyện về lòng rộng lượng của Chúa Giê su đối với những người nhân danh Ngài để trừ quỉ. Nguyên việc họ dùng danh Ngài cũng cho thấy một đức tin nào đó của họ vào Chúa Giê su. Chính lời dạy của Chúa Giê su cũng cho thấy điều đó: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (c. 29). Mác cô nhắc lại tấm gương ấy để chống lại khuynh hướng loại trừ thái quá và tinh thần cục bộ trong Giáo Hội sơ khai.

6. HỎI: Lý do mà Gioan đưa ra: “vì người ấy không theo chúng ta”, cho thấy điều gì?

THƯA: Chi tiết ấy cho thấy một trong những vấn đề mà Giáo Hội Sơ Khai phải đương đầu (Cv 19,13) là phải làm gì với những người Do thái không thuộc nhóm các môn đệ nhân danh Chúa Giê su mà trừ quỉ.

7. HỎI: Trong câu 41, tác giả lại nhấn mạnh đến: “Nhân danh Chúa Giê su”, ý ông muốn truyền lại cho chúng ta điều gì?

THƯA: Câu nầy tiếp theo câu 38 nhưng khung cảnh thì đối lại. Thật vậy, ở đây một người tỏ ra quan tâm đối với các môn đệ, và họ làm điều đó nhân danh Giê su. Trong Thánh Kinh, tên gọi không chỉ cho biết là một ai đó, mà còn cho biết bản tính, nét đặc trưng, vai trò, cũng như sứ mạng người đó trong xã hội đang sống. “Giê su” có nghĩa: “Thiên Chúa cứu thoát”, vì thế, hành động nhân danh Giê su tức là hành động nhân danh Thiên Chúa, làm một điều gì đó trong liên quan đến Thiên Chúa, và trở nên người cộng tác trong chương trình cứu độ của Ngài.

8. HỎI: Chúa Giê su có ý gì khi dùng từ “làm gương xấu” và “những kẻ bé” ám chỉ đến ai?

THƯA: Động từ “làm gương xấu” ở đây có nghĩa là lôi kéo người khác phạm tội, đặt một hòn đá vấp trước một ai đó. Những kẻ bé nhỏ mà Ngài nói tới có thể chỉ những thành viên hãy còn yếu đức tin, cần được nâng đỡ trong cộng đoàn các môn đệ hoặc ám chỉ đến những người mà Ngài nói tới trong câu 37. Đó là những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, không có quyền lợi, không có tiếng nói, bị khinh bỉ, và bị loại trừ khỏi xã hội.

9. HỎI: Khi Chúa Giê su nói: “Nếu tay người làm cớ vấp phạm, thì hãy chặt nó đi..”, Ngài nói theo nghĩa bóng?

THƯA: Chắc chắn rồi, Ngài nói đến bổn phận của mỗi người phải tránh xa các thói xấu có thể dẫn đến tội, và mời gọi chúng ta phải tiết chế, hướng cuộc sống chúng ta về Thiên Chúa chứ không chiều theo khuynh hướng xấu của thế gian (theo nghĩa xấu). Ngài cũng nghĩ đến cộng đoàn, và mời gọi phải can thiệp để loại những phần tử Hội thánh gây nên những gương xấu nặng nề.

10. HỎI: Gê-hên-na là nơi nào?

THƯA: Từ câu 23,10 sách 2 Vua, chúng ta biết rằng từ đó chỉ các thung lũng vùng Hinnon, được sử dụng như là một nơi dành sát tế trẻ em, do đó là một nơi bị nguyền rủa. Mặc dù ban đầu, thuật ngữ chỉ thung lũng ở phía nam và phía tây của Giê-ru-sa-lem, nhưng cuối cùng được dùng để chỉ nơi hình phạt đời đời.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên - Nt . Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm. JB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: MẮT GHEN TỴ. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: TẤM GƯƠNG. Antôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: HÃY YÊU NHƯ GIÊSU. Lm.Jos Tạ duy Tuyền
     MƯA HOA HỒNG. Theo vatican
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A-CON ĐƯỜNG NHỎ. Thiên Thảo SJP
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A. Maria Chinh Anh
     SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM. ĐTGM Ngô Quang Kiệt
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A- Đừng hoán cải bằng lời, nhưng hãy bằng hành động. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A-TÔI HỐI HẬN! .Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A-" LƯỠI KHÔNG XƯƠNG NHIỀU ĐƯỜNG LẮC LÉO"