Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

CẦU NGUYỆN TRONG PHỤNG VỤ

Bài Huấn Dụ của ĐTC Benedicto XVI

Thứ tư, ngày 26-9-2012

Anh Chị Em thân mến,

Trong những tháng vừa qua, chúng ta đã đi xong quãng đường dưới ánh sáng của Lời của Thiên Chúa, để học cầu nguyện trong cách thế luôn chính thực hơn, khi nhìn vào những chân dung lớn lao của Cựu Ước, trong các Thánh Vịnh, trong các Thư của Thánh Phaolô, và trong Sách Khải Huyền, nhưng nhất là khi nhìn vào kinh nghiệm duy nhất và nền tảng của Chúa Giêsu, trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha trên trời. Trong thực tế, chỉ trong Đức Kitô, Đấng có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa cách sâu xa và thân mật của người con trước người cha, người yêu thương con cái mình, chỉ trong Chúa Kitô chúng ta có thể hướng lên Chúa Cha, với tất cả sự thật khi gọi Ngài với tâm tình như “Abbà! Thưa Cha!”. Như các Tông Đồ, cả chúng ta nữa chúng ta cũng lặp lại trong những tuần này và hôm nay chúng ta còn lặp lại với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1).

Ngoài ra, chúng ta còn phải học sống một cách sâu đậm hơn mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa, chúng ta đã học để cầu khẩn Chúa Thánh Thần, Ơn Huệ thứ nhất của Đấng Phục Sinh ban cho các tín hữu, bởi vì chính Ngài “đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta: tự mình, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào trong cách thế xứng hợp” (Rm 8, 26), Thánh Phaolô nói như thế, và chúng ta biết Thánh nhân có lý như thế nào.

Tới đây sau một loạt bài Giáo Lý trong thời gian lâu, những bài Giáo Lý về việc cầu nguyện trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tự hỏi: làm sao tôi có thể để cho mình được huấn luyện bởi Chúa Thánh Thần và như thế chúng ta có thể đi vào trong bầu khí của Thiên Chúa, bầu khí cầu nguyện với Thiên Chúa? Trường học này là loại trường nào, mà trong đó Ngài dạy chúng ta cầu nguyện, Ngài đến giúp sự khó nhọc của tôi để hướng về Thiên Chúa trong cách thế đúng thực? Trường thứ nhất dạy cầu nguyện – chúng ta nhìn ra trong những tuần nay – là Lời của Thiên Chúa, là Kinh Thánh. Kinh Thánh là một cuộc đối thoại liên lỉ giữa Thiên Chúa và con người, một cuộc đối thoại tiệm tiến, trong đó Thiên Chúa luôn tỏ mình ra gần gũi hơn, trong đó chúng ta luôn có thể biết rõ hơn dung nhan của Ngài, nhận biết tiếng của Ngài, nhận biết hữu thế của Ngài; và con người học để chấp nhận việc biết Thiên Chúa, để nói với Thiên Chúa. Vì thế, trong những tuần này, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta tìm từ Kinh Thánh, từ cuộc đối thoại liên lỉ này, để học biết làm thế nào để đi vào cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa.

Còn có một “không gian” quý báu khác, một “nguồn quý báu khác để làm cho chúng ta tăng trưởng trong việc cầu nguyện, một nguồn suối của nước hằng sống có liên hệ rất mật thiết với nguồn trước đây. Tôi muốn nói tới Phụng Vụ, vì đó là một phạm vi ưu tiên trong đó Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta, ở đây và bây giờ, và Ngài chờ đợi lời đáp trả của chúng ta.     

Vậy Phụng Vụ là gì? Nếu chúng ta mở Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo – một tài liệu trợ giúp luôn luôn quý báu, Tôi muốn nói đúng hơn nữa, đó là một tài liệu cần thiết – chúng ta có thể đọc rằng từ đầu từ ngữ “Liturgia - Phụng Vụ” chỉ “việc phục vụ từ phía dân chúng và để lo cho dân chúng” (s. 1069). Nếu thần học Kitô Giáo lấy từ ngữ này từ thế giới Hy Lạp, điều này dĩ nhiên đưa chúng ta nghĩ tới Dân Mới của Thiên Chúa sinh ra từ Đức Kitô, Đấng đã giang tay của Ngài trên Thập Giá để nối kết con người trong hòa bình của Thiên Chúa duy nhất. “Việc phục vụ để lo cho dân chúng”, một dân không hiện hữu tự mình, nhưng được thành hình nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Thực thế, Dân của Thiên Chúa không hiện hữu do mối dây máu mủ, bằng lãnh thổ, bằng dân tộc, nhưng là Dân luôn sinh ra từ hành động của Con Thiên Chúa và từ sự hiệp thông với Chúa Cha mà Ngài kiếm được cho chúng ta.

Sách Giáo Lý ngoài ra còn chỉ cho thấy rằng “trong truyền thống Kitô Giáo (từ ngữ “Phụng Vụ - Liturgia) muốn chỉ nghĩa này: Dân của Thiên Chúa tham dự vào hành động của Thiên Chúa (s. 1069), bởi vì Dân của Thiên Chúa hiện diện như thế chỉ do hành động của Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta nhắc qua lại việc phát triển của Công Đồng Vatican II, bắt đầu công việc của mình, cách đây 50 năm, với việc bàn cãi về Lược đồ về Phụng Vụ Thánh, được chấp thuận sau đó một cách long trọng ngày 4 tháng 12 năm 1963, và đó là bản văn thứ nhất được chấp thuận bởi Công Đồng. Văn kiện về Phụng Vụ là kết quả đầu tiên của Đại Hội của Công Đồng, mà có lẽ được một số người coi như là một trường hợp ngẫu nhiên. Giữa bao nhiêu dự án, bản văn về Phụng Vụ Thánh xem ra là dự án ít bị bàn cãi, và, chính vì thế, việc bàn thảo về Lược đồ này có thể được coi như là một hành động để học hỏi phương pháp làm việc tại Công Đồng sau đó. Nhưng chắc chắn, điều mà thoạt nhìn có thể xem ra là một trường hợp ngẫu nhiên, người ta thấy việc chọn lựa này là chọn đúng, xét cả về cấp bậc các đề tài và các trách vụ quan trọng hơn của Giáo Hội. Thực thế, khi bắt đầu với dự án về “Phụng Vụ”, Công Đồng đưa ra ánh sáng một cách rất rõ ràng quyền tối thượng của Thiên Chúa, sự ưu tiên tuyệt đối của Thiên Chúa. Trước tiên, Thiên Chúa: chính điều này nói cho chúng ta hiểu sự lựa chọn của Công Đồng bắt đầu bàn thảo về Phụng Vụ. Vì ở đâu con mắt nhìn về Thiên Chúa không có tính cách quyết định, thì mọi việc khác mất đi hướng định của mình. Tiêu chuẩn nền tảng cho Phụng Vụ là việc hướng Phụng Vụ về Thiên Chúa, để rồi từ đó có thể tham dự vào chính công việc của Thiên Chúa.

Tuy nhiên chúng ta có thể tự hỏi mình: hành động này của Thiên Chúa là hành động nào mà chúng ta được kêu gọi tham dự vào? Câu trả lời mà Hiến chế của Công Đồng về Phụng Vụ rõ ràng là hai. Quả thế ở số 5, Hiến chế chỉ ra cho chúng ta biết rằng hành động của Thiên Chúa là những hành động của Ngài trong lịch sử đem lại ơn cứu rỗi cho chúng ta, mà tột đỉnh của các hành động này là Sự Chết và Sự Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô; nhưng ở số 7, chính Hiến chế định nghĩa việc cử hành như là “hành động của Đức Kitô”. Trong thực tế hai nghĩa này gắn liền với nhau một cách không thể tách rời khỏi nhau. Nếu chúng ta tự hỏi mình : ai cứu thế giới và con người, thì câu trả lời duy nhất là: Chúa Giêsu thành Nazareth, Ngài là Chúa và là Thiên Chúa, đã chịu đóng đinh và đã sống lại. Và ở đâu mầu nhiệm này được làm cho nên hiện thực cho chúng ta, cho tôi hôm nay, Mầu nhiệm của Sự Chết và sự Sống Lại của Đức Kitô, là mầu nhiệm đem lại ơn cứu độ? Câu trả lời là : trong hành động của Đức Kitô qua Giáo Hội, trong Phụng Vụ, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể, là hành động làm nên hiện thực việc dâng Hy tế của Con Thiên Chúa, là Đấng đã cứu rỗi chúng ta; trong Bí Tích Hòa Giải, trong đó người ta đi từ sự chết của tội lỗi tới sự sống mới; còn các hành động Bí Tích khác thánh hóa chúng con (xem Sắc lệnh Chức vụ Linh Mục [Presbyterorum ordinis]. Như thế, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Sự Chết và Sống Lại của Đức Kitô là trung tâm của thần học về Phụng Vụ của Công Đồng.

Chúng ta hãy đi thêm một bước tiến nữa và tự hỏi mình: trong cách thế nào việc hiện thực hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô có thể làm được? Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào lúc kỷ niệm 25 năm ngày ban hành Hiến chế Thánh Công Đồng, đã viết như sau: “Để hiện thực hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của mình, Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội của mình, nhất là trong cách hành động phụng vụ. Từ đó Phụng Vụ là nơi ưu tiên của cuộc gặp gỡ của các Kitô Hữu với Thiên Chúa và với Đấng đã Chúa Cha sai đến, Chúa Giêsu Kitô (xem Ga 17, 3)” (Tông Thư Năm thứ 25 [Vicesimus quintus annus]. Theo đường hướng này, chúng ta đọc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo như sau: “Việc cử hành Bí Tích là cuộc gặp gỡ giữa con cái của Thiên Chúa với Cha của mình, trong Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, và cuộc gặp gỡ này diễn ra như là một cuộc đối thoại, qua các hành động và các lời nói” (s. 1153). Vì thế đòi hỏi thứ nhất để có được một buổi cử hành Phụng Vụ là buổi cử hành này phải là việc cầu nguyện, là cuộc nói truyện với Thiên Chúa, trước tiên là việc lắng nghe và rồi là lời đáp trả. Thánh Beneđictô, trong bộ “Luật” [Regola] của ngài, khi nói về việc cầu nguyện các Thánh Vịnh, đã chỉ cho các Đan sĩ là: “trí phải hợp với tiếng nói” [mens concoret voci ]. Thánh nhân dạy rằng trong việc cầu nguyện các Thánh Vịnh, các lời phải đi trước tâm trí chúng ta. Thường không xẩy ra như thế, trước tiên chúng ta phải suy nghĩ và rồi chúng ta nghĩ bao nhiêu, thì điều đó mới biến thành lời. Trái lại, ở đây, trong Phụng Vụ, trái ngược lại, lời lại đi trước. Thiên Chúa đã cho chúng ta lời và Phụng Vụ thánh cống hiến cho chúng ta lời; chúng ta phải đi vào trong lời, trong nghĩa của chúng, phải tiếp nhận chúng vào trong chúng ta, chúng ta hãy đặt mình chúng ta hòa hợp với những lời này; như thế chúng ta trở nên con Thiên Chúa, giống Thiên Chúa. Như Hiến chế Phụng Vụ nhắc nhở, để bảo đảm tính cách hữu hiệu trọn vẹn của buổi cử hành thì “cần là các tín hữu đến với Phụng Vụ Thánh trong tâm trạng đúng của tâm hồn, hãy đặt linh hồn của mình trong sự hòa hợp với tiếng nói riêng và hãy cộng tác với ơn của Thiên Chúa để không nhận lãnh cách vô ích” (s. 11). Yếu tố nền tảng, trước hết, của cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong Phụng Vụ, là sự hòa hợp giữa điều chúng ta nói qua miệng lưỡi chúng ta và điều chúng ta mang trong con tim chúng ta. Khi đi vào trong lời của lịch sử lớn lao của cầu nguyện chính chúng ta cần hòa hợp với tinh thần của các lời nói này và chúng ta sẽ trở nên có khả năng để nói truyện với Thiên Chúa.

Trong hướng đi này, Tôi muốn nhấn mạnh tới một trong những giây phút mà, trong chính Phụng Vụ, kêu gọi chúng ta và giúp chúng ta tìm thấy một sự hòa hợp này, sự hài hòa giữa chúng ta với điều chúng ta nghe, chúng ta nói và chúng ta làm trong buổi cử hành Phụng Vụ. Tôi nói tới việc kêu mời gọi mà công thức Linh Mục đọc trước Kinh Nguyện Thánh Thể: “Hãy nâng tâm hồn lên!” (Sursum corda!) hãy nâng tâm hồn lên khỏi các ưu tư của chúng ta, khỏi các mong ước của chúng ta, khỏi các lo âu của chúng ta, chia trí của chúng ta. Con tim của chúng ta, cõi thâm sâu của chính chúng ta, phải mở ra một cách dịu hiền cho Lời của Thiên Chúa và phải hồi tâm trong cầu nguyện của Giáo Hội, để đón nhận việc hướng định con tim về Thiên Chúa, từ chính những lời mà con tim lắng nghe và nói ra. Cái nhìn của con tim phải hướng về Chúa, Đấng đang đứng ở giữa chúng ta: đó là thái dộ nền tảng.

Khi chúng ta sống Phụng Vụ với thái độ nền tảng này, con tim chúng ta như đặt dưới sức nặng lôi kéo nó xuống thấp, và rồi nâng lên từ bên trong hướng về nơi cao, về chân lý và về tình yêu, về Thiên Chúa. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở: “Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần là, trong Phụng Vụ Bí Tích của Hội Thánh, là công bố, hiện tại hóa và truyền thông chia Mầu Nhiệm cứu độ, sứ vụ ấy tiếp nối trong hồn người đang cầu nguyện. Các linh phụ nhiều khi so sánh tâm hồn với bàn thờ” (s. 2655): bàn thờ của Thiên Chúa là con tim của chúng ta (altare Dei est cor nostrum). 

Các Bạn thân mến, chúng ta cử hành và sống hoàn hảo Phụng Vụ, chỉ khi nào chúng ta ở trong thái độ cầu nguyện, thái độ không tỏ ra muốn “làm điều gì đó”, để làm cho người ta nhìn thấy như đang hành động, nhưng chúng ta phải hướng con tim của chúng ta về Thiên Chúa và chúng ta ở trong thái độ cầu nguyện khi kêt hợp chúng ta vào Mầu Nhiệm của Đức Kitô và với cuộc nói truyện của Con với Chúa Cha. Chính Thiên Chúa dạy chúng ta cầu nguyện, Thánh Phaolô xác quyết như thế (xem Rm 8, 26). Chính Ngài ban cho chúng ta những lời xứng hợp để hướng dẫn chúng ta tới Ngài, các lời mà chúng ta gặp trong Thánh Vịnh, trong các lời kinh lớn của Phụng Vụ Thánh và trong chính buổi Cử Hành Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô để mỗi ngày ý thức hơn về sự kiện là Phụng Vụ là hành động của Thiên Chúa và của con người; cầu nguyện vọt ra từ Chúa Thánh Thần và từ chúng ta, hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong sự hiệp nhất với Con của Thiện Chúa, làm người (xem Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 2564).

Xin cám ơn Anh Chị Em!      

********

Một tư tưởng sau cùng gửi tới các Bạn Trẻ, các Bệnh nhân và các Đôi Tân Hôn. Hôm nay chúng ta cử hành lễ nhớ các Thánh y sĩ Cosma và Damiano: các Bạn trẻ thân mến, hãy học chăm sóc mọi nỗi đau đớn của Anh Chị Em với tình thân thương và tiếp đón.   

Các Bệnh Nhân thân mến, việc chữa trị tốt nhất cho mọi thứ bệnh là niềm tín thác vào Thiên Chúa Đấng mà chúng ta nói với trong khi cầu nguyện; xin gửi tới các Bạn, các Đôi Tân Hôn, các Con hãy lo lắng cho nhau người này cho người khác trong hành trình hôn nhân.

(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến, ngày 26-9-2012. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 26-9-2012).

 

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Đức Thánh Cha kêu gọi các bác sĩ chống lạm dụng y khoa trong thể thao
     ĐỨC THÁNH CHA ĐỀ CAO PHỤNG VỤ NHƯ TRƯỜNG DẠY CẦU NGUYỆN
     HUẤN DỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI
     Đức Thánh Cha hỗ trợ các Giám Mục bênh vực gia đình
     Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 Giám Mục mới
     Kitô giáo và Hồi giáo phải chống lại bạo lực, chia rẽ và chiến tranh
     Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Beirut, Liban
     Đại Hội quốc tế các Viện Phụ dòng Biển Đức
     Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Beirut, Liban
     Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Liban