Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

Hoang địa mới

                                                                                                                 MM Tân S.J.

VietGiaiTri_Com-264332-1243090521.jpgCó tiếng người hô trong hoang địa…

Có bước chân Người đi giữa con cái loài người mà cứ như giữa hoang địa…

“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11)

Hoang địa ngay trong lòng, hoang địa ngoài kia : trong gia đình và giữa xã hội.

Bạn và Tôi, chúng ta đã bước đi giữa bao cảnh đời, đã nhìn thấy bao người đang phải trải qua đớn đau tủi nhục, vậy mà chúng ta chẳng mấy chú ý, hay khá hơn chút, không biết phải làm gì, đành ngoảnh mặt làm ngơ.

Người phú hộ yến tiệc trong nhà…

Lazarrô đói khát ngồi ngoài cổng…(xem Lc 16,19-26)

Đây chính là hình ảnh muôn đời của con cái loài người, nghĩa là  được lập đi lập lại qua mọi thời đại,

Những chai rượu ngoại đắt tiền trong tủ nhà Bạn, có thể chỉ là quà biếu chứ tiền đâu mà mua,

Những bữa tiệc mừng…hơi nhiều.

Có một mối liên hệ giữa bản thân với gia đình, và các đối tác – còn lại chỉ là sa mạc hoang vu ! Tôi không cần biết có bao người nghèo đói quanh đây – không phải tôi vô trách nhiệm, mà là tôi đâu có trách nhiệm phải thương giúp ai, đèn nhà ai nấy tỏ, thế thôi.

Đường tôi đi, đường giữa sa mạc, cứ nhắm thẳng phía trước lao tới, tôi đi ngang qua nhiều ngôi nhà, dĩ nhiên, đâu cứ  nhà nào cũng phải ghé vào.

Ai là anh chị em tôi, những người anh chị em như thế nào được gọi là thiết thân và gần gũi nhất ?

Tin Mừng đã có sẵn câu trả lời cho bạn và cho tôi :

Có một người từ Giêrusalem xuống Giêricô bị bọn cướp đánh dở sống dở chết ,

Một thầy tư tế, rồi một thầy phó tế đi ngang, nhìn thấy người đồng hương bị nạn, nén lòng bỏ đi.

Một người Samaria đi ngang, xuống ngựa chăm sóc và lo chữa lành.

Trong 3 người ấy, ai là anh em của ngươi bị nạn ? (xem Lc 10,29-37).

Nhiều người biết đến một linh mục ở một giáo xứ nhà quê : vào dịp tết dứt khoát không nhận quà biếu,

Lý do đơn giản vì trong thời gian còn làm thầy đi giúp xứ, có lần nghe được câu chuyện hai bà nọ hỏi nhau : chị đã tết Cha chưa, người kia trả lời : năm nay gia đình khó khăn quá, giờ này vẫn chưa có gì cho gia đình…muốn có quà để tết Cha chắc phải chạy vay mượn, và ông thầy này ngay khi chịu chức linh mục đã quyết định không nhận quà tết của bất cứ ai, để người giầu kẻ nghèo đều có thể bước vào nhà chung dịp đầu năm mới mà không phải nghĩ ngợi gì cả.

Một linh mục nữa ở thành phố, khi nhìn thấy nhà xứ có  nhiều cơ hội mở tiệc, trong khi biết bao nhà dân, ngoài dịp lễ tết thông thường, không có những ngày mừng riêng và thậm chí cũng chẳng lấy gì để mừng. Khoảng cách giữa nhà xứ tới nhà dân tính theo đường chim bay thì chỉ bằng từ nhà ông phú hộ ra cổng chứ mấy, vậy mà có những nơi bước hoài không tới, và vị linh mục này đã quyết định lấp đầy khoảng cách, nghĩa là bỏ những tiệc mừng của riêng mình. Tháng 12 năm ấy, biết đã gần tới ngày mừng 25 năm linh mục, mẹ hỏi con đã sửa soạn gì chưa, con xin mẹ cho con được bao nhiêu thì  ngày đó xin mẹ đem tới. Đúng ngày, mẹ ngạc nhiên vì thấy nhà xứ vắng lặng, và mẹ càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy con ra đón với khuôn mặt vui tươi lạ thường. Vị linh mục đơn nghèo giữa một giáo xứ thành phố đã mời mẹ lên xe đi thắng tới trại Phong Bến Sắn, nơi đây bữa tiệc mừng con mẹ là hạnh phúc của con khi được trao món quà của mẹ dành cho con…cho những người con bệnh hoạn tật nguyền, và niềm vui của mẹ là mở rộng lòng đón nhận những đứa con bất hạnh này. Từ đó trở đi, mỗi năm đến ngày kỷ niệm chịu chức của con, mẹ lại lo sắm cho các con một món quà, những người con yếu đau cũa mẹ, những người con được sinh ra trên tay mẹ từ lòng dạ biết xót thương của người con linh mục.

Phủ xanh những mảng hoang mạc ngay trong giáo xứ, vị linh mục đã có thể phủ xanh những hoang mạc rộng lớn khác và khô cằn hơn.

Một người con gái đã trải qua quá nửa đời người là giáo lý viên, những năm tháng của thời xuân trẻ, không biết tại cái nốt ruồi giữa trán làm các chàng trai phải khiếp oai hay vì vô duyên mà chẳng anh nào ngó. Đường tình đã vậy, ở nhà lại không được mẹ thương. Dĩ nhiên con tim người mẹ luôn có những lý lẽ riêng, vì thế chị chẳng trách cũng chẳng hờn mẹ. Thân gái trong cảnh sống ở nhà như thế khác gì hoang mạc. Tuy nhiên, chị luôn nhận rõ rằng người giáo lý viên cũng là người có nhiệm vụ mang nước tưới mát những vùng đất khô cằn, và gia đình cũng là sứ mạng, điểm tựa để chị có được sức mạnh phi thường nơi phận gái bình thường là dìm mình trong cung lòngThiên Chúa, Đấng có ước mơ và tình yêu không bao giờ cạn đối với thế giới. Cuối cùng sau mười mấy năm trời vất vả, hoang địa ngày nào giờ thắm đượm màu xanh, cha mẹ con cái đầm ấm chứ không còn cảnh giá lạnh của con thương con ghét, chị em sum họp nương tựa lẫn nhau thay vì ghen tị chia rẽ.

Từ gia đình qua giáo xứ và giáo phận, người giáo lý viên ngoài việc chăm sóc các bạn trẻ trong lớp giáo lý của mình, còn tiếp tay với những người thợ trên các cánh đồng khác nhau, khi thầm lặng, lúc đứng ra gánh vác những công việc chung. Không ít lần chị tự hỏi tại sao mình cứ phải tất bật suốt đời như thế, nhưng theo chân Đấng không đến để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống, mang trong tim ước mơ và tình yêu không bao giờ cạn của Thiên Chúa, chị tham gia các chương trình giúp mang lại mầm xanh và hơi ấm cho những trẻ em khuyết tật, những cảnh đời cơ nhỡ, và đặc biệt góp một tay bắc NHIP CÂU cho Caritas Tổng Giáo Phận.

Năm nay chị đã  quá 50, cái tuổi đời này đặt con người trong thế nhìn xuống, vậy mà chị vẫn hướng nhin về phía trước, ngước nhìn trời cao trong lời kinh tôn vinh và chúc tụng. Tình yêu và lòng hăng say trong sứ vụ đã đẩy chị lao tới và vẫn đủ sức leo dốc. Không biết những lúc mệt mỏi rã rời, và khi đêm về cô quạnh, người đem nước tưới mát cuộc đời có thấy lòng mình lạnh lẽo khô cằn hay vẫn luôn ấm áp! Chỉ biết rằng chị có cả một đoàn cháu trong đó có những đứa gần dì hơn mẹ, và nhất là vòng tay của Đấng muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương luôn ấp ủ chở che.

Lạnh lẽo và cô đơn giữa hoang mạc, không sao, có Đấng đang đến cho bạn ấm lòng, hết khát, khuôn mặt ấy, bước chân áy, vòng tay ấy có sức lôi cuốn đám đông, dẫn đưa tất cả về lại đồng cỏ xanh tươi, đem đặt tất cả vào trong vòng tay của Thiên Chúa là đấng đã trở nên Thiên Chúa ở cùng chúng ta nơi Người Con Một yêu dấu, và hôm nay trong Hội Thánh của Người và nơi từng người môn đệ, vì “ai tiếp đón anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là  đón tiếp Đấng đã sai Thầy (Mt 10,40)

Mời bạn bước lên phía trước, Đấng đã được Chúa Cha sai đến trong Thánh Thần đang chờ đợi bạn, chờ đợi mỗi chúng ta bên bờ giếng ân sủng, chung sức chung lòng kín nước tưới mát ruộng đồng, cho hoang mạc mang  màu xanh  mới, cho lòng người đầy tràn ân nghĩa đối với Thiên Chúa và mọi người.

                                                                                   

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     Chuyện dưới đất. MM Tân, S.J.
     SỐNG CHO SỰ THẬT: CON ĐƯỜNG TỬ ĐẠO. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     NĂM THÁNH ĐỨC TIN -10/2012 - 11/2013: ĐÔI DÒNG SUY TƯ. Antôn Lương Văn Liêm
     THẬP GIÁ và ĐỨC MARIA. G. Tuấn Anh
     THẬP GIÁ- ĐAU KHỔ hay VINH QUANG? G. Tuấn Anh
     SỨC MẠNH CỦA SỰ CẦU NGUYỆN. G. Tuấn Anh
     CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA BẰNG ÂM NHẠC. G. Tuấn Anh
     LỀ LUẬT LÀ DẤU CHỈ TÌNH YÊU HIỀN PHỤ CỦA THIÊN CHÚA.Linh Tiến Khải.
     VẤP NGÃ.Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
     TÌM NGHE TIẾNG CHÚA: HẠNH PHÚC TRONG CUỘC ĐỜI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT