Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHÚA NHẬT III PS C:

 GIÁO HỘI CÙNG NHAU RA KHƠI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

220.jpgKính thưa quý OBACE, có lẽ gần đây chúng ta thường được nghe nói về sự vất vả khó nhọc của nghề chài lưới bắt cá, phần thì do tàu bè và ngư cụ của người dân còn rất thô sơ so với nghề cá của các nước, phần thì do nguồn cá cạn kiệt vì khai thác kiểu hủy hoại, và vì tàu quá nhỏ không thể đánh bắt xa bờ, ngoài ra các ngư dân phải đương đầu với bão tố nguy hiểm, và nguy hiểm hơn nữa là họ có thể bị “tàu lạ” tấn công, bị “người lạ” cướp bóc, vậy mà nhiều ngư dân của chúng ta vẫn nhất quyết bám biển, nhất quyết ra khơi dù phía trước mặt họ biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm.

Hình ảnh những con tàu căng buồm ra khơi, là một hình ảnh đẹp và cũng là hình ảnh thường dùng để chỉ về sứ vụ của giáo Hội là lên đường ra khơi và thả lưới bắt cá, và nếu Chúa Thánh Thần là người hoa tiêu dẫn đường cho con thuyền Giáo Hội, thì Simon Phêrô là thuyền trưởng đã được trao phó cho việc điều khiển con thuyền đi theo sự hướng dẫn của vị hoa tiêu là Thánh Thần, đồng thời bên cạnh vị thuyền trưởng Phêrô, cả thủy thủ đoàn là các tông đồ và Giáo Hội đang đồng tâm nhất trí với ông trong tất cả những sáng kiến và trong hành động của Phêrô.

Tất cả các bài đọc trong Mùa Phục sinh đều nhấn mạnh đến vai trò của Phêrô và giáo Hội trong việc làm chứng cho Chúa phục sinh và trong sứ mạng truyền giáo như câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại. Các tông đồ sau biến cố Chúa tử nạn, đã lui về với nghề chài lưới trước đây tại hồ Tiberia, trong bầu khí như thế, Tin Mừng nhấn mạnh rằng: Chính Simon Phêrô là người khời xướng và là người đưa ra mọi kế hoạch cho anh em: Tôi đi đánh cá đây. Các ông kia đáp: Chúng tôi cùng đi với ông. Rồi họ lên thuyền ra khơi. Chi tiết này cho thấy Simon là người khởi xướng việc ra khơi và bên cạnh ông, là một cộng đoàn các tông đồ hết sức đồng tâm nhất trí với vị thủ lãnh, họ trả lời rằng: Chúng tôi cùng đi với ông. Điều này cho thấy rằng, nếu như trước đây các ông đã từng muốn là người lớn nhất trong anh em, từng muốn là người chiếm chỗ bên phải bên trái của Chúa, thì giờ đây, các ông không còn quan tâm đến điều đó nữa mà các ông đã bày tỏ sự vâng phục và đồng thuận của mình với vai trò thủ lãnh của Phêrô.

Tuy nhiên Tin Mừng cho thấy nguyên chỉ có cố gắng của các tông đồ thôi thì chưa đủ, và không thể thành công được, các ông đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Chỉ khi Chúa Phục sinh xuất hiện và chỉ cho các ông: Cứ thả lưới xuống bên phải thuyền thì sẽ bắt được cá. Các ông đã thả lưới và không sao kéo lên được vì một mẻ lưới đầy cá. Chi tiết này cho thấy, các tông đồ đã không cậy dựa vào kinh nghiệm của mình, nhưng các ông đã hoàn toàn vâng nghe sự hướng dẫn của Chúa Phục sinh trong việc thả lưới để đem các linh hồn về cho Chúa và chỉ khi nghe theo sự hướng dẫn của Chúa các ông mới thành công.

Một sự lạ thứ hai mà Tin Mừng cho thấy, đó là khi lên bờ các tông đồ đã thấy có sẵn than hồng, bánh và cá nướng sẵn để ở đó. Chắc chắn các tông đồ hết sức ngạc nhiên và vui mừng, vì sau một đêm mệt nhọc, vất vả, giờ đây họ đã có sẵn lương thực để ăn uống và nghỉ ngơi. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng: Chính Chúa Giêsu phục sinh là người dọn bữa ăn đó cho các tông đồ, và trong bữa ăn chính Ngài là người phục vụ các ông, Ngài cầm bánh và cá trao cho các tông đồ. Điều đó cũng cho thấy, Chúa Giêsu mặc dù không còn hiện diện với các tông đồ như trước đây nữa, song Ngài vẫn không bỏ rơi các tông đồ và Giáo hội mà ngài đã thiết lập, nhưng vẫn hiện diện và chăm sóc cho đời sống của Giáo Hội.

Cũng trong lần hiện ra này, Chúa Giêsu một lần nữa muốn thẩm định lại tình yêu và lòng trung thành của Phêrô trước khi trao phó hoàn toàn cho ông quyền dẫn dắt đòan chiên của Chúa. Chúa Phục sinh đã hỏi Phêrô đến ba lần: Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thày hơn những người này không? Chúa Giêsu đã không đặt cho ông một điều kiện nào, không đòi ông phải có khả năng hay trình độ, mà Chúa chỉ muốn ông công khai bày tỏ lòng yêu mến của ông đối với Chúa. Khi được hỏi đến ba lần phêrô cũng cảm thấy buồn, ông buồn không phải vì nghĩ rằng Thày không tin ông, nhưng ông buồn vì mỗi lần trả lời là mỗi lần ông biết rõ nhất về con người của mình, để ông không còn cậy dựa vào khả năng riêng của mình nữa, mà ngay cả đến tình yêu của ông đối với Chúa, ông cũng chỉ dám khiêm tốn để trài lòng ra với Chúa: Lạy Thày Thày biết mọi sư, Thày biết con yêu mến Thày. Trước sư khiêm tốn của ông Simon, Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin nhiệm và tuyên bố: Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thày, tức là Simon có bổn phận không chỉ chăm lo cho những chiên con mà còn chăm lo cho cả các chiên mẹ và tất cả đều là chiên của Thày chứ không phải là chiên của Phêrô.

Trao cho Simon Phêrô nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên, Chúa còn nói với Phêrô: Lúc còn trẻ anh muốn đi đâu thì đi, nhưng về già anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dắt anh đến nơi anh không muốn, tác giả Tin Mừng đã thấy điều đó muốn ám chỉ cái chết sau này của phêrô, và Chúa nói: Hãy theo Thày. Lời mời gọi này với Phêrô thật là đặc biệt, vì ông vừa lãnh nhận một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ chăm sóc và phục vụ anh chị em mình, nhiệm vụ dẫn dắt và củng cố đức tin cho anh em theo con đường của Chúa và trong sự phó thác hoàn toàn cho Chúa, chính vì thế ông được Chúa mời gọi ông theo Chúa một cách triệt để hơn, quyết liệt hơn và quảng đại hơn lần đầu tiên  theo Chúa tại bờ hồ Galilêa.

Đón nhận sứ mạng làm chứng và rao giảng về Chúa Giêsu, Phêrô và các tông đồ đã cùng nhau miệt mài thi hành sứ vụ ấy dù các ông bị người đời ghét bỏ hành hạ, bị bắt bớ tù đày chỉ vì tin vào Đức Giêsu và vì nói về Đức Giêsu. Bài đọc một đã kể lại những khó khăn mà các tông đồ đã gặp ngay tại Giêrusalem. Vị thượng tế đã cảnh cáo Phêrô và các tông đồ: Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được rao giảng về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông. Phêrô và các tông đã chẳng những không sợ hãi mà còn hiên ngang nói rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm. Các ông lại tiếp tục rao giảng về chúa Giêsu cho mọi người với một tinh thần hân hoan phấn khời vì được chịu khổ nhục vì chúa Giêsu.

Thưa quý OBACE, Suy niệm Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi để xác tín hơn và sự dẫn dắt của Phêrô và Giáo hội, chúng ta là những thành viên và con cái của Giáo Hội, hãy đồng tâm nhất trí, chung tay góp sức với vị thủ lành và với mọi người trong việc ra khơi để bắt cá, để làm chứng và rao giảng về Chúa Giêsu Phục sinh cho mọi người. Hãy dành cho các vị chủ chăn của chúng ta một lòng yêu mến và kính trọng, cộng tác và vâng phục, vì dù các Ngài cũng chỉ là những con người yêu đuối, song Thiên chúa đã muốn dùng các Ngài và đã chọn các Ngài, trao cho các Ngài bổn phận yêu mến, phục vụ và dẫn dắt các tín hữu, nhất là vì Chúa Phục sinh và Thánh Thần của Ngài luôn hiện diện và dẫn dắt các ngài. Hãy yêu mến và gắn bó với Giáo hội bằng tình con thảo và cùng cộng tác xây dựng, đừng biến mình thành những người lên án hoặc chỉ trích Giáo Hội.

Vì là môn đệ Đức Giêsu và vì Tin Mừng của Người, mà chúng ta bị xã hội loại trừ nghi kỵ hoặc cấm đoán; đừng vì một vài người gây xấu gương xấu trong Giáo hội mà chán nản hay thất vọng, nhưng vững tin rằng Thiên Chúa vẫn có những cách của Ngài, để gìn giữ và dẫn dắt Giáo Hội đi theo con đường Chúa muốn. Hãy trở thành những thành viên có trách nhiệm và là thành viên tích cực, cùng đồng tâm nhất trí với chủ chăn để cầu nguyện cho Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội nhất là giáo hội địa phương là giáo xứ mỗi ngày tiến xa hơn trong việc đem các linh hồn về với Chúa.

Là thành viên của Hội Thánh, chúng ta được mời gọi đồng cảm với Hội Thánh và chia sẻ với Hội Thánh trong thao thức ra khơi để đem mọi người về với Chúa, hãy vâng lời Chúa để thả những mẻ lưới và để đem vợ chồng, con cái và hành xóm chung quanh về với Chúa, hãy thả những mẻ lưới yêu thương, trách nhiệm và công bằng tại công ty xí nghiệp, nơi buôn bán, chúng ta sẽ bắt được các linh hồn về cho Chúa. Amen

CỨ YÊU ĐI RỒI HÃY HÀNH ĐỘNG

Antôn Lương Văn Liêm

 

Này Si- môn con ông Gio- an, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga.21,16)

 

Chàng trai trẻ rất muốn từ bỏ mọi sự để đi theo thầy, nhưng anh ta nói rằng gia đình anh quá yêu thương anh nên không thể để anh ra đi được.

“Yêu thương à?” -  Thầy nói với anh ta: “ Chưa chắc!”

Rồi thầy tiết lộ cho anh một bí quyết yoga, qua bí quyết này anh sẽ đóng vai một người chết để kiểm chứng.

Ngày hôm sau, anh ta chết như thật, gia đình than khóc thảm thiết.

Thầy xuất hiện và nói với mọi người: “Tôi có khả năng cứu sống anh ấy nếu có ai đó chết thay vào chỗ của anh. Có ai tình nguyện không?”.

Thật bất ngờ cho “người chết”. Mọi người trong gia đình bắt đầu đưa ra những lý do giải thích vì sao họ cần phải sống. Cuối cùng, người vợ của anh đúc kết cảm nghỉ của mọi người và nói với thầy: “Thưa ngài, thực sự không cần phải có ai thay chỗ anh ấy. Chúng tôi có thể sống khi không có sự hiện diện của anh ấy!”.

Tuy chỉ là câu chuyện, nhưng phần nào lột tả tình yêu của con người nhân loại dành cho nhau trong mọi mối tương quan. Đức Kitô đã minh định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám thí mạng sống của mình cho người mình yêu” (Ga.15,13). Lời minh định ấy không chỉ khởi đi từ môi miệng hay lý thuyết suông, nhưng Đức Kitô đã sống và thực hiện lời ấy qua cuộc đời của Ngài trong suốt 33 năm khi Ngài xuống trần mặc lấy kiếp phàm nhân. Để minh chứng cho lời minh định ấy, Đức Kitô thực hiện một cách triệt để qua cuộc Thương Khó và cái chết thê lương của Ngài trên đỉnh đồi Canvê vào chiều thứ sáu. Hoa trái, quà tặng của tình yêu dâng hiến, tình yêu vô vị lợi theo như lời minh định của Đức Kitô là sự Phục Sinh Vinh hiển của Ngài.

Tình yêu nơi Đức Kitô, ta được mời gọi chiêm ngắm qua hình tượng thập giá với hai thanh ngang dọc kết nên. Theo chiều dọc, Đức Kitô đã yêu Chúa Cha hết lòng, hết linh hồn; chiều ngang, Ngài yêu Mẹ Maria và thánh Cả Giuse bằng tấm lòng con thảo nơi mái ấm Narareth và yêu con người nhân loại bằng tình bằng hữu. Ta có thể nói và xác định một điều rằng: tình yêu của Đức Kitô tuyệt hảo đến độ không ngôn ngữ, lời thơ hay ý nhạc của con người trần gian nào có thể diễn tả hết được. Đặc biệt khi ta là người đang đắm chìm trong những ích kỷ, hận thù và ganh ghét. Thánh Phaolô ngài đã cảm ra tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại qua thư ngài viết gửi cho giáo đoàn Rôma: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì người lương thiện chăng? Thế mà Đức Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm.5,7-8).

Tình yêu nơi Đức Kitô gắn liền với đồng cảm, bao dung và tha thứ. Khởi đi từ sự đồng cảm mà Ngài đã mời, chọn 12 con người thấp kém, hành nghề ngư phủ làm đồ đệ, từ sự đồng cảm, Ngài đã đi và đến với những mảnh đời bất hạnh, Ngài ra tay cứu vớt, lôi kéo và trở thành bạn với những người tội lỗi: Da-kêu, Matthêu, Maria Mađalêna…Sự bao dung và tha thứ của Đức Kitô được tỏ rõ nét qua câu chuyện người con hoang đàng (x.Lc.15,11-32); qua hình ảnh người đàn bà ngoại tình (x.8,1-11); khi bị treo trên thập giá Đức Kitô đã tha thứ cho những kẻ gây nên đau khổ và cái chết cho Ngài qua lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc.23,34); sự bao dung và tha thứ của Đức Kitô đã đem đến cho người trộm lành món quà vô giá, đó là hạnh phúc Nước Trời. Đặc biệt, sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô không hề nghĩ đến việc phải hiện ra và báo tin cho Cai-Pha, Hê - rô - đê, Phi- la- tô, những kẻ đã trực tiếp kết án Ngài cách bất công.

Tình yêu nơi Đức Kitô là thế, Ngài đã yêu trước khi Ngài hành động, Ngài yêu bằng cả trái tim và thân xác của Ngài. Đức Kitô không chỉ yêu, nhưng Ngài con khát khao tình yêu ấy được nhân rộng ra, trước tiên là 12 môn đệ mà Ngài chọn làm cộng sự, trở thành cánh tay nối dài. Vì thế, đã có lần Ngài phán:“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những mong lửa ấy bùng lên” (Lc.12,49). Ta có thể hình dung lửa ấy chính là tình yêu của Đức Kitô.

Một trong những cánh tay nối dài mà Đức Kitô chọn đích danh làm cho “lửa yêu” từ nơi Đức Kitô bùng cháy lên nơi trần gian này là ông Phêrô một trong 12 môn đệ mà Đức Kitô đã chọn. Nơi biển hồ Ti- bê-ri-a, sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết, Ngài đã hiện ra với 12 môn đệ của Ngài, nơi đây Đức Kitô đã chọn ông Phê rô làm người dẫn dắt đàn chiên của Ngài nơi trần thế. Trước khi giao nhiệm vụ quan trọng Đức Kitô đã hỏi ông Phêrô không chỉ một lần, nhưng đến ba lần: “ Này Si- môn con ông Gio- an, anh có yêu mến Thầy không?”(Ga.21,16). Điều này nói lên rằng Đức Kitô không chọn cộng sự theo dáng vẻ bên ngoài, không đặt nặng quá khứ, cũng chẳng quan trọng về tài năng, Ngài mong ước cộng sự của Ngài có một tình yêu như Ngài đã từng yêu, tình yêu ấy sẽ thực hiệt tốt tất cả những gì Ngài mong ước. Thánh Augustinô đã cảm ra được chân lý ấy khi ngài nói với cộng sự: “ Cứ yêu đi rồi hãy hành động”.

 

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta không mong ước sẽ thực hiện được những việc lớn, ai trong chúng ta không mơ ước ngày nào đó cha mẹ, anh em và những người trên ta giao phó cho ta một công việc, một chức vụ…Có thể nói, ước mơ lớn nhất của ta là người Kitô hữu. Đó là ta được chính Đức Kitô mời gọi và trao ban cho ta công việc, trọng trách như đã mời gọi và trao ban cho thánh Phêrô. Khi được Đức Kitô mời gọi và trao ban công việc và trọng trách, ta có dám ngửa mặt và khẳng khái thưa với Ngài như thánh Phêrô: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga.21,17) không?. Đây là điều ta tự hỏi và trả lời với lòng mình giữa cuộc sống hôm nay. 

Xã hội ngày nay, nhiều người nói rằng: “Con người nhân loại không còn cảm và sống chữ yêu”, điều này chỉ đúng được 50%. Vì sao thế? Xin thưa rằng, con người ngày nay vẫn yêu đấy chứ! nhưng có điều là người ta yêu bản thân, yêu những đam mê, ý riêng; yêu chức quyền, bổng lộc và những thứ đem lại cho họ điều họ mong ước nơi cuộc sống: nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, vợ đẹp, con khôn…Tình yêu đó, ta gọi là yêu “cục bộ”, yêu “vụ lợi”. Từ tình yêu “cục bộ” và “vụ lợi” đó đã đẩy một xã hội, gia đình và ngay cả Giáo Hội rơi vào tình trạng hỗn độn, luôn tranh dành và cấu xé lẫn nhau. Vũ khí dùng để tranh dành và cấu xé lẫn nhau là “tiền và quyền”.

Giữa một xã hội xuống cấp tha hóa về đạo đức, gạt bỏ luân lý, không coi trọng nhân phẩm, sự sống con người, không còn công lý, dạy nhau sống và nói sai sự thật… Giữa một thời đại mà quyền lực sự dữ luôn mời gọi, xúi dục lối yêu “cục bộ và vụ lợi” bằng nhiều hình thức khác nhau. Giữa một thời đại như thế ta phải làm gì khi ta mang danh xưng là người Kitô hữu? Hơn nữa, ta đã và đang được tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh bao bọc. Có phải chăng ta lên tiếng ta thán “trách trời, trách người”, hay ta thỏa hiệp với những điều xấu qua lối sống trái ngược với Tin Mừng, và nhất là ta thực hiện công việc từ đời cho đến đạo không khởi đi từ một tình yêu như Đức Kitô mong ước!?

Đức Kitô đã Phục Sinh, Ngài đã từ trạng thái hữu hạn, bước qua cái vô hạn, từ trạng thái hư nát, bước qua cái bất diệt, từ con người cũ, đổi sang con người mới…”. Qua đau khổ Đức Kitô đã chiến thắng như lời tiên báo của Ngài: “Thầy đã thắng thế gian” (Ga.16,33), sự Phục Sinh của Đức Kitô đã khơi nên nguồn sống mới. Ta là đàn chiên, là những người đã được tắm trong dòng Máu Thánh của Ngài. Điều Đức Kitô luôn mong ước ta và sẽ hỏi ta như Ngài đã từng hỏi thánh Phêrô: “Này con, con có yêu mến Thầy không?”, nếu ta thực sự yêu mến Đức Kitô thì điều tất yếu là ta luôn lắng nghe và bước theo con đường mà Ngài đã vạch cho ta qua ngôn ngữ của thánh Phaolô: “ Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đùng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl.3,1-3).

Thượng giới là nơi khai sinh “Chân- Thiên- Mỹ”, là Vương Quốc của “Tình Yêu”, là mái nhà cho những tâm hồn khao khát Thiên Chúa và là nơi không có vành khăn tang, không chia ly và nước mắt. Nhưng, hướng về thượng giới với ta là những người yếu đuối cả tinh thần lẫn thể xác thật khó và rất khó, ta khác chi những chú cá lội ngược dòng.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh!

Xin tạo cho con một quả tim trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy,

xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài,

xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con

đường lối Ngài con sẽ giới thiệu cho người tội lỗi

ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Lạy Chúa xin mở miệng con

Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Amen

 

LÒNG MẾN CỦA MỤC TỬ

 Lm. Đan Vinh

I.                   HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 21,1-19

(1) Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này: (2) Ông Si-mon Phê-rô, Ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (5) Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không” (6) Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “chúa đó”, ông Si-mon Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. (11) ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (15)  Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16) Người lại hỏi: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? “Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.(18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

2. Ý CHÍNH: Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, được chia làm 4 phân đoạn như sau:

- Các Tông đồ tập trung tại miền Ga-li-lê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào! (C 1-3).

- Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông nơi thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C 4-8).

- Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C 9-14).

- Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phê-rô về lòng yêu mến trước khi trao quyền chăn chiên cho ông. Người cũng tiên báo về cái chết đau thương của ông vào lúc cuối đời (C 15-19).

3. CHÚ THÍCH:             

- C 1-3: + Biển hồ Ti-bê-ri-a: Tìn mừng Mát- thêu cho biết khi hiện ra với Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác tên là Ma-ri-a, Chúa Giê-su đã yêu cầu các bà báo tin cho các môn đệ để họ đến Ga-li-lê gặp Người (Mt 28,1.10). + Ông Si-mon Phê-rô...: Tin mừng kể ra số các môn đệ đang ở chung khi ấy là 7 ông: Si-mon Phê-rô, Tô-ma, Na-tha-na-en, hai anh em Gia-cô-bê Gio-an và hai môn đệ khác. Si-mon quyết định sẽ đi đánh cá và được các ông kia hưởng ứng. + Đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả: Người ta thường đi đánh cá vào ban đêm. Nhưng đêm hôm ấy các ông đã luống công vô ích!

- C 4-8: + Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”: Gio-an luôn phát hiện ra Chúa Giê-su trước các anh em nhờ lòng yêu mến Thầy. + Phê-rô khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển: Phê-rô tính vốn nóng nảy, nên khi nghe “Chúa đó !”, ông đã lập tức khoác áo vào và nhảy xuống biển để bơi nhanh vào bờ gặp Người.

- C 9-11: + Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên: Chúa Giê-su đã nêu gương phục vụ khi dọn sẵn bữa ăn sáng cho các môn đệ. Các ông đã được Người mời ăn và tăng cường thêm bằng cá mới bắt được. + Si-mon Phê-rô lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ: Nếu Gio-an là người suy tư chiêm niệm nên sớm nhận ra Chúa trước mọi người, thì Si-mon Phê-rô lại là người mau mắn hành động để biểu lộ lòng yêu mến Thầy. Điều này cho thấy suy niệm và họat động cần luôn đi đôi với nhau trong việc xây dựng Hội thánh. + Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con: Theo thánh Hi-ê-rô-ni-mô thì các nhà vạn vật học thời xưa đã khám phá ra được 153 loại cá. Con số 153 ở đây tượng trưng mọi dân tộc, và tất cả đều được gọi gia nhập vào Hội thánh như dụ ngôn lưới cá: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được mọi thứ cá” (x. Mt 13,47). + Lưới không bị rách: tượng trưng cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.

- C 12-14: + “Anh em hãy đến mà ăn!”: Lời Chúa mời gọi các môn đệ ăn, giống như Người đã mời các ông dự tiệc Thánh Thể (x. Mt 26,26). Bánh được trao cho môn đệ giống như Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,11). + “Con cá”: tiếng Hy-lạp là IK-TUS. Đây là năm chữ đầu của một lời tuyên xưng đức tin: “Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” (Ièsous Kristos Théou Unios Sôter). Khi chia sẻ Cá, Chúa Giê-su ngụ ý sẽ chia sẻ Thánh Thể Người là “Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” cho các môn đệ. + Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ: theo Gio-an thì lần thứ nhất Chúa Phục Sinh hiện ra vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần không có Tô-ma (x. Ga 20,19-23); Lần hai vào 8 ngày sau đó và có Tô-ma (x. Ga 20,26-31). Đây là lần thứ ba Người hiện với 7 môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê.

- C 15-17: + “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”: Sau ba lần sát hạch về lòng mến, Đức Giê-su đã từng bước trao quyền để biến Phê-rô từ một người đánh cá trở thành một mục tử có quyền chăn chiên (x. Ga 10,11). Tuy nhiên đàn chiên kia vẫn thuộc về Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. + Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?: Phê-rô đau lòng vì việc bị hỏi ba lần làm ông liên tưởng đến ba lần chối Thầy (x. Ga 13,38 ; 18,17.25-27). Đức Giê-su đã tế nhị khi không trực tiếp đề cập đến tội của Phê-rô, mà chỉ yêu cầu ông xác định tình yêu dành cho Người. Mỗi lần Phê-rô khẳng định lòng mến, Đức Giê-su lại tha tội và trao thêm quyền: “Hãy chăm sóc chiên… ”(C 5-17).

- C 18-19: + Lúc còn trẻ... Nhưng khi đã về già....: Tuổi trẻ có đặc tính là tự do hành động (“Đi đâu tùy ý”). Tuổi già có đặc điểm là bị gò bó thụ động (“Anh sẽ phải dang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn: ). + Người nói như vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào: Quả thật, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào lúc cuối đời của Phê-rô trong cơn bách hại đạo tại Rô-ma thời hoàng đế Nê-rông. Phê-rô đã phải chịu khổ hình thập giá nhưng lại xin được treo đầu xuống đât, vì ông không dám chịu cùng một hình khổ giống như Thầy.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại cùng hiện diện tại Biển hồ Ti-bê-ri-a thuộc xứ Ga-li-lê vào thời điểm sau khi Chúa phục sinh ? 2) Có mấy môn đệ cùng đi đánh cá với Si-mon Phê-rô ? 3) Do đâu mà Gio-an luôn nhận ra Chúa Giê-su trước các anh em ? 4) Chúa Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận lúc cuối đời của ông Phê-rô ?

 

II.               SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”(Ga 21,6).

2. CÂU CHUYỆN: CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU ?

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp SÁC ĐỜ PHU-CÔ (Charles de Foucauld) đang say sưa kể cho mọi người trong gia đình nghe về những chiến công hiển hách trong nhiều trận chiến cùng những cuộc thám hiểm của anh ở nước Ma-rốc xa xăm. Người chăm chú nghe nhất lại là cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kết thúc câu chuyện, thì cô bé bất ngờ hỏi: “Thưa cậu, cháu rất hãnh diện khi thấy cậu làm được những việc lớn lao cho nước Pháp. Thế nhưng cháu thắc mắc là: “Cậu đã làm đựơc gì cho Chúa Giê-su chưa ?”

Câu hỏi ấy như một luồng điện khiến anh giật mình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh gặp câu hỏi bắt phải suy nghĩ nhiều như thế. Phải, “Anh đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa ?” Khi đối diện với Chúa, anh đã nhận ra rằng: từ trước đến nay anh đã phí phạm thì giờ ăn chơi xa xỉ, đã chạy theo bả vinh hoa phú quí vô ích. Giờ đây anh đã ý thức được sự nghèo khó của mình. Sau đó vài ngày, anh xin nhập vào một dòng tu và xin bề trên cho đến ở Na-da-rét nước Ít-ra-en là quê hương của Đức Giê-su, để tận hiến trọn đời phụng sự Người.

Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện trong nhà, anh bỗng nghe thấy có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo nhưng không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu. Anh liên tưởng đến Lời Chúa Giê-su về thái độ phải có đối với những kẻ thù ghét mình, và quyết định sẽ đi làm bạn với người Hồi giáo. Anh dời đến sống ở giữa sa mạc Sa-ha-ra bên Phi châu, nơi có nhiều người Hồi giáo nghèo khổ. Thế rồi “điều phải đến đã đến”: Vào đầu tháng 12 năm 1916 khi đang cầu nguyện trong nhà, anh đã bị một toán người Hồi giáo cực đoan kéo đến sát hại. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội tiếp tục sống theo lý tưởng của anh là “tự nguyện sống giữa người nghèo để lao động và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, và giúp họ thăng tiến để đón nhận ơn cứu độ”.

3. SUY NIỆM:

1) Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Phục Sinh tại Ga-li-lê:

Sau khi gặp Chúa Phục Sinh ở Giê-ru-sa-lem, các Tông đồ đã quay về Ga-li-lê như lời Người đã chỉ thị  trước khi chịu khổ nạn: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (Mt 26,31-32). Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, thiên sứ đã lập lại sứ điệp này với các phụ nữ đi viếng mồ Đức Giê-su : “Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông” (Mt 28: 6-7). Trong bài Tin mừng hôm nay, có bảy môn đệ đang ở trên thuyền của Si-mon. Sau một đêm vất vả đánh cá không kết quả, các ông đã nghe lời hướng dẫn của một người đang đứng ở bờ hồ và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Đếm được tời một trăm năm mươi ba con cá lớn. Con số này theo thánh Hiê-rô-ni-mô tượng trưng cho mọi lòai cá. Qua đó ám chỉ việc truyền giáo của Hội Thánh muốn thành công thì phải vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su và phải hiệp thông với Si-mon Phê-rô.

2) Về Bữa ăn Bẻ Bánh của Chúa Phục Sinh:

Đức Giê-su đã chuẩn bị cho các môn đệ một bếp than hồng để sưởi ấm và một bữa sáng để được no lòng qua lời nói: "Anh em đến mà ăn”. Bữa ăn gồm bánh và cá, là hai biểu tượng của bí tích Thánh Thề. Như vậy:“Mẻ cá lạ lùng” và "bữa ăn của Chúa” trong Tin Mừng hôm nay diễn tả hoạt động truyền giáo và bàn tiệc Thánh Thể là hai yếu tố quan trọng luôn đi đôi với nhau:

-Mẻ cá lạ lùng cho thấy Hội thánh được mời gọi tiếp tục sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su, là đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc (x Mt 28,19-20). Việc loan báo Tin Mừng này cần được bồi dưỡng bằng bữa ăn Bẻ Bánh để gia tăng lòng Tin Cậy Mến là điều kiện để chu tòan sứ vụ.

-Bữa ăn Bẻ Banh còn là hình ảnh của Bữa Tiệc Cánh Chung mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo sẽ được Đức Chúa thiết đãi muôn dân (x Is 25,6-9). Đức Giê-su cũng đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy…” (Lc 22,30), và Người cũng cho biết: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37).

3) Quyền mục tử của Phê-rô dựa trên lòng tin và lòng mến:

- Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cho thấy quyền tối thượng của Phê-rô được Đức Giê-su trao ban cho ông sau khi ông tuyên xưng đức Tin “Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16). Đức Giê-su đã chúc phúc cho ông và đặt ông làm đá tảng đức Tin. Người hứa sẽ xây Hội Thánh của Người trên đức Tin của Phê-rô. Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cời (x Mt 16,19). Đức Giê-su cũng truyền cho Phê-rô nhiệm vụ củng cố đức Tin cho các anh em: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của mình nên vững mạnh” (Lc 22,32).

- Còn Tin Mừng Gio-an lại cho thấy Chúa Phục Sinh đã trao quyền tối thượng cho ông Phê-rô dựa trên “lòng mến” của ông (x Ga 21,15-17). Người đòi Phê-rô phải mến Người hơn anh em để được trao quyền mục tử chăn dắt đàn chiên của Người và sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên ấy (x Ga 10,11-15).

4) Lòng mến đối với người nghèo của Đức Tân Gíao Hòang Phan-xi-cô: 

- Bài giảng lễ thánh Giu-se (19/03/2013) trong nghi thức đăng quang Đức Tân Giáo Hòang tại Rô-ma vừa qua, Đức Phan-xi-cô đã nói về quyền tối thượng của Phê-rô thể hiện qua vai trò phục vụ Hội Thánh noi gương Đức Giê-su. Ý hướng này được thấy rõ ở nơi tên gọi ngày lễ Đăng Quang là lễ Khởi Đầu Sứ Vụ Mục Tử của Phê-rô. Qua đó Đức Thánh Cha muốn cởi bỏ chiếc áo Giáo Hoàng để mặc lấy chiếc áo Mục Tử hầu gần gũi và ân cần phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo, phận nhỏ và bị bỏ rơi, những người bị lọai ra bên lề xã hội. Vì thế Đức Thánh Cha đã được dân chúng đồng hương ca tụng khi gọi ngài là "Giáo Hoàng khu ổ chuột của chúng tôi”.

- Từ kinh nghiệm của một vị mục tử ở Ác-hen-ti-na Nam Mỹ, Đức Thánh Cha biết rất rõ việc phục vụ những người nghèo theo mẫu gương của Đức Giê-su không phải dễ dàng, đôi khi gặp phải những bất lợi cho bản thân và công việc, nguy hiểm cả đến tính mạng của mình. Vì thế, những người mục tử đích thật như lòng Chúa mong ước cần chấp nhận bước đi trên con đường thập giá, con đường mà Đức Giê-su đã chọn để ôm mọi người vào vòng tay thương yêu của Người.

5) Làm chứng cho Chúa hôm nay là thực thi lòng mến: Dấu hiệu của người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su hôm nay là: sống đức Tin bằng lời cầu nguyện (đức Cậy) và bằng thái độ năng nghĩ đến người khác (đức Mến): Khiêm nhường phục vụ, chia sẻ cơm áo, an ủi giúp đỡ người bên cạnh, đặc biệt những người đau khổ bệnh tật và bất hạnh... Mỗi tín hữu quyết tâm mỗi ngày đọc và thực hành một việc bác ái cụ thể theo lời kinh “Thương người” và “Kinh hoà bình” của thánh Phan-xi-cô...

4. THẢO LUẬN: 1) Anh em lương dân thường hay phê phán lối sống của các tín hữu chúng ta về điểm nào ? 2) Tuần này bạn sẽ làm gì cụ thể để làm chứng cho Chúa Giê-su?

5. CẦU NGUYỆN:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên bà Ma-ri-a Mác-đa-la khi bà đứng khóc bên mồ trống.

Lúc chúng con chán nản và muốn buông xuôi trở về con đường cũ tội lỗi, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đi với hai môn đệ về làng em-mau.

Lúc chúng con đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến đứng giữa chúc bình an cho chúng con, như Chúa đã đến và trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần.

Lúc chúng con cố chấp làm theo ý riêng và ngày một xa lìa anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc ông Tô-ma cứng lòng tin về mầu nhiệm Chúa đã từ cõi chết  sống lại.

Lúc chúng con vất vả thâu đêm mà không đạt được kết quả nào, xin hãy dẫn đường chỉ lối giúp chúng con trong thánh lễ như Chúa đã làm lễ Bẻ Bánh cho các Tông đồ trong Tin mừng hôm nay.

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin tỏ cho chúng con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong Hội thánh và nơi tha nhân. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chúa vẫn đang hiện diện, đang đến với chúng con, đang ở bên chúng con và đang ở trong mỗi người chúng con. Chúa vẫn đang thổi hơi ban Thần Khí cho chúng con, để giúp chúng con chu toàn sứ vụ “được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho mọi người”.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng chúa Nhật III Phục Sinh Năm C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     THỨ BẢY TUẦN II PHỤC SINH: ĐỪNG SỢ! Thiên Thảo SJP
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH. Nhiều tác giả
     LỄ TRUYỀN TIN : Việc ấy sẽ xảy ra cách nào…?
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH NĂM C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH – NĂM C. Nt. Maria Chinh Anh, OP
     Suy Niệm Thứ Hai tuần II Phục Sinh năm C: Điều Nicôđêmô đã bỏ lỡ …Nt. Minh Thùy
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Chuá Nhật II Phục sinh năm C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí