Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 22

CHÚA NHẬT XXII TNC:

KIÊU NGẠO – KHIÊM NHƯỜNG

khiem nhuong.jpgTrang BBC đưa tin, một chương trình gây nhiều tranh cãi của Hà Lan sắp được phát sóng tại Việt Nam, chương trình có tên Big Brother, không biết nhà đài sẽ dịch như thế nào, nhưng nếu dịch theo kiểu phim tàu nó có nghĩa là Đại Ca. Theo các nhà quảng cáo cho biết những người tham dự chương trình sẽ đoạt giải là một ngôi nhà trị giá 2 tỷ kèm với câu slogan: Tôi chỉ muốn cả nước biết đến tôi là ai. Nguyên cái tên của chương trình này đã phần nào nói lên lý do tại sao nó lại gây tranh cãi tại nước ngoài, vì những người tham dự sẽ được ở chung trong một căn nhà có gắn camera mọi góc độ, người tham dự cuộc thi sẽ sống và cư xử với nhau thế nào để được chọn làm đại ca, và người nào được chọn sẽ là người trúng căn nhà. Thực tế để giành được giải thưởng này, người ta dù sống chung trong một nhà nhưng họ không ngừng mạt sát nhau, nói hành nói xấu nhau, và bới móc đời tư của nhau để làm sao tỏ ra mình mới xứng đáng là đại ca trong căn nhà ấy. Chương trình bị phê phán là vì người ta luôn muốn tìm cách để đặt mình hơn người khác, và xâm phạm năng nề đến danh dự cá nhân người khác.

Thưa quý OBACE, con người luôn có khuynh hướng muốn đề cao mình, coi mình là hơn, là nhất và người ta muốn biến mình trở thành người đứng trên vai trên cổ người khác. Khuynh hướng ấy nó thể hiện sự kiêu căng ngạo mạn trong con người, sự kiêu căng không chỉ thể hiện trong đời sống giữa con người với con người, mà nó còn thể hiện trong nhiều lãnh vực khoa học, văn hóa, xã hội…, qua việc người ta muốn thách thức cả Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa bằng những tiến bộ khoa học và những lý luận của con người.

Thiên Chúa không chấp nhận sự kiêu căng ngạo mạn, Ngài không ưa những kẻ đưa mình lên và dìm anh em mình xuống, nhưng Ngài yêu thích kẻ khiêm nhường. Tin Mừng hôm nay cho thấy khi Chúa dự tiệc tại nhà một người biệt phái, Ngài chứng kiến những người biệt phái khi đi dự tiệc họ đã tranh giành nhau ngồi chỗ nhất chỗ nhì trong đám tiệc; Ngồi chỗ nhất để được kính trọng, để được mọi người cúi chào, để được giới thiệu cho mọi người…, Chúa Giêsu đã không muốn như thế, nhân địp này Chúa dạy các môn đệ của Ngài phải chọn một lối sống khác, đó là lối sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người.

Khi đi dự tiệc thì đừng tìm ngồi vào chỗ nhất…. mà hãy ngồi vào chỗ cuối để cho người mời anh phải đến nói với anh rằng: mời ông lên chỗ trên. Lúc đó anh sẽ được vinh dự. Khi dạy điều này Chúa Giêsu không có ý dạy cho các môn đệ “cái mẹo” để được người khác tôn vinh, mà trước hết Ngài chỉ cho các ông sự khôn ngoan xử thế trong cuộc sống, và hơn nữa, Ngài chỉ cho các ông phải biết rõ về chính mình, biết mình là ai, biết giới hạn của mình và biết vị trí của mình, không ảo tửơng, không tự đặt mình hoặc tôn mình hơn người khác, mà phải biết sống khiêm nhường.

Khiêm nhường là biết rõ về mình, cùng với những khả năng, giới hạn, sở trường sở đoản, vui vẻ đón nhận lời khen lời chê từ nơi những người chung quanh không che giấu giả dối, không khiêm nhường giả tạo, sự khiêm nhường phải xuất phát từ trong tâm hồn, được thể hiện qua hành động. Người khiêm nhường thực sự là người được Chúa yêu mến và chính Chúa sẽ nâng họ lên: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Người kiêm nhường là người phục vụ không tính tóan thiệt hơn, là người dám cho đi mà không mong chờ được ghi công, là người dám cống hiến mà không kể lể, không mong người khác đáp đền. Vì thế, Chúa dùng một ví dụ để căn dặn các môn đệ: khi mở tiệc, đừng nhắm mời những người có thể mời lại các ngươi, nhưng hãy mời những người nghèo khổ, những người không có khả năng đáp lễ lại các ngươi, vì Thiên Chúa sẽ là Đấng bù đắp lại cho anh em vào ngày sau hết.

Có một vấn đề người ta thường đặt ra: sống trong xã hội bon chen hôm nay, trong khi những người khác đang tìm cách để ngoi lên bằng mọi giá, vậy người khiêm nhường có phải là người an phận, chịu thua kém và chấp nhận thiệt thòi? Thưa, có thể trong mắt nhiều người, thì những người khiêm nhường bị coi là thua thiệt yếu thế. Thế nhưng không hoàn toàn như vậy vì thế giới vẫn luôn hết sức kính trọng và đề cao những con người dù làm lớn, có địa vị trong xã hội, nhưng lại biết sống khiêm tốn, giản dị, biết hành xử khiêm nhường. Khiêm nhường không làm giảm giá trị con người, nhưng trái lại nó còn làm gia tăng sức mạnh nội tâm, và làm gia tăng giá trị của con người, và còn có sức mạnh ảnh hưởng đến người khác. Nhưng cao quý hơn nữa, người sống khiêm nhường thì đẹp lòng Thiên Chúa, như sách Huấn Ca đã căn dặn: hãy làm việc trong nhũn nhặn, càng làm lớn, càng phải tự hạ, càng tự hạ, bạn sẽ càng làm đẹp lòng Đức Chúa, và được Đức Chúa yêu mên.

Thư Do Thái còn cho thấy, chúng ta là Kitô hữu, là con Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để nên hoàn thiện, và chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, vì thế hãy sống cho đúng với ơn gọi của mình, sống đúng với tư cách là con Thiên Chúa, những người được mời gọi nên hoàn thiện, là người sống một cách thành tâm, thật lòng trước mặt Thiên Chúa và mọi người, gạt bỏ khỏi mình những sự che đậy giả dối, những cao ngạo của thế gian, để sống thật với ơn gọi và khả năng địa vị của mình.

Thưa quý  OBACE, có thể nói sự kiêu căng giống như một căn bệnh di truyền trong mỗi người chúng ta, nó chính là một trong bảy mối tội đầu, là nguyên nhân gây ra bao những tật xấu khác. Sự kiêu ngạo khiến chúng ta xa Chúa, cậy dựa vào chính mình, muốn tìm cách tự mình giải quyết mọi vấn đề mà không cần Thiên Chúa; sự kiêu ngạo khiến chúng ta trở nên khinh thường anh em, hạ thấp phẩm giá anh em mình, nó dẫn đến sự thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe, và không chấp nhận nghe những điều trái ý góp ý. Cũng chính vì sự kiêu căng, thiếu khiêm tốn, thích phần hơn, phần đúng, nên nó dẫn đến sự căng thẳng đổ vỡ trong nhiều gia đình, nó thể hiện qua thói gia trưởng trưởng gia mẫu trong gia đình gây bất hòa trong bạn bè, anh em lối xóm. Để chống lại căn bệnh này, chúng ta cần phải đến với một vị bác sĩ đặc biệt đó là Đức Giêsu vì chính Ngài dù là một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết để cứu chuộc con người, và Ngài mời gọi chúng ta: hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Sự kiêu ngạo thường hay xuất hiện nơi những người thành công thành đạt, họ nghĩ rằng tiền bạc của cải có thể quyết định được mọi sự, và dùng tiền bạc để sai khiến người khác, tự đặt mình vào một đẳng cấp sành điệu trong xã hội và dẫn đến coi thường người khác, nó cũng đang thể hiện qua sự háo danh háo thắng của nhiều người, sự tìm kiếm nổi danh nổi tiếng nơi người trẻ, vì thế họ bỏ qua tất cả những lời khuyên của mẹ cha, những lời dạy bảo của Giáo hội. Đồng ý rằng người trẻ phải tự mình tạo lập và chịu trách nhiệm về tương lai của mình, thế nhưng đừng tìm kiếm tạo lập tương lai và mục tiêu cuộc sống bằng mọi giá, mà hãy biết nhìn nhận về con người và khả năng thật của mình, đồng thời khiêm tốn đặt mình dưới sự trợ giúp của Thiên Chúa, vì không có chúa, chúng ta sẽ chẳng có thể làm gì được.

Sự kiêu ngạo nó sẽ làm tiêu tan tinh thần phục vụ, nó biến việc phục vụ chỉ còn là hành vi ban phát bố thí phô trương, trái lại một người có tâm hồn khiêm nhường, thì sẵn sàng cúi xuống để phục vụ và rửa chân cho anh em trong âm thầm trong thinh lặng. Nếu như nước chỉ chảy về và đọng lại ở chỗ trũng thế nào thì Ơn Chúa cũng chỉ có thể đọng lại nơi những tâm hồn khiêm nhường mà thôi.

Xin Đức Maria giúp chúng ta biết học ở nơi Mẹ, biết hạ mình khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, và sẵn sàng sống phục vụ anh chị em trong tinh thần khiêm nhường như Mẹ. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

HỌC SỐNG KHIÊM HẠ NOI GƯƠNG

ĐỨC GIÊ-SU

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14

(1) Một ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: Họ cố dò xét Người. (7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời thì hãy ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (12) Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

2. Ý CHÍNH:

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các người Pha-ri-sêu và cũng dạy các môn đệ của Người hai bài học về cách đối nhân xử thế: Một là ai được mời dự tiệc phải khiêm tốn để tránh tranh giành nhau chỗ ngồi hơn kém. Hai là các người chủ tiệc phải mời cả những người nghèo khó, tàn tật... đến tham dự. Đây là điều kiện để được Chúa mời tham dự bàn tiệc Nước Trời đời sau.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1: + Đức Giê-su đến nhà một thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu: Tin mừng Lu-ca cho thấy người đứng đầu nhóm Pha-ri-sêu ở đây có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà mình dùng bữa (x Lc 11,37), + Dùng bữa: Tin mừng ghi lại nhiều sinh hoạt của Đức Giê-su liên quan đến việc dùng bữa: Dự tiệc cưới tại Ca-na (x. Ga 2,2), dự tiệc do người Pha-ri-sêu khoản đãi (x. Lc 14,1), ăn cơm gia đình ở làng Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,38-42), đồng bàn với nhiều người thu thuế tội lỗi (x. Mt 9,10), hai lần nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,19-21; 15,36-38), dùng bữa Tiệc Ly với các môn đệ trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,14-20). Ngoài ra, sau khi phục sinh, Chúa Giê-su cũng dùng bữa tối với hai môn đệ tại làng Em-mau (x. Lc 24,30), ăn cá nướng trước mặt môn đệ (x. Lc 24,41-43) và ăn sáng với các ông tại bờ hồ Ga-li-lê (x. Ga 21,9-13).). + Họ cố dò xét Người: Ở đây những người Pha-ri-sêu dò xét không phải để bắt lỗi, nhưng chỉ để tìm hiểu về Đức Giê-su.

- C 7-9: + Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi: Đây là thái độ biểu lộ thói kiêu ngạo của người Pha-ri-sêu khi thích tìm kiếm hư danh trước mặt người khác. + Khi anh em được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất...: Đức Giê-su dạy bài học khôn ngoan và phép xã giao khi đi dự tiệc cho người Pha-ri-sêu và các môn đệ.

- C 10-11: + Thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”...: Điều kiện để được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa là phải trở nên như trẻ nhỏ (x. Mt 18,3-4). Cần ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình, coi mình chỉ là đầy tớ vô dụng (x. Lc 17,10), để không cậy vào sức riêng khi làm các công việc siêu nhiên, nhưng biết cậy trông vào ơn Chúa trợ giúp (x. Ga 15,5). + Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống...: Tội nặng nhất chính là tội kiêu ngạo và trái lại, nhân đức lớn nhất là khiêm nhường như lời ca ngợi của Đức Ma-ri-a: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Thánh Phao-lô cũng đề cao sự khiêm hạ của Đức Giê-su trong thư Phi-lip (x Pl 2,6-11). Chính Người đã hạ mình rửa chân cho môn đồ và sau đó đã dạy các ông bài học về tình yêu thương lẫn nhau (Ga 13,14).

- C 12-14: + Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè... Lời dạy của Đức Giê-su trái với lối ứng xử thông thướng của người đời. Những hạng người được Đức Giê-su đề cập tới ở đây đều là những người nghèo: Nghèo tiền bạc (so sánh với Tin Mừng Mát-thêu nhấn mạnh đến sự nghèo khó trong tâm hồn), bé mọn (x. Lc 10,21), khiêm hạ (x. Lc 18,14). Chính Đức Giê-su cũng được sinh ra như một người nghèo. Qua câu này Người kêu gọi mọi người hãy đối xử tốt với những ai đang lâm cảnh khốn cùng, làm ơn cho những người không có khả năng báo đáp. Đó là điều kiện để được vào Nước Trời ở đời sau.

4. CÂU HỎI:

1) Hãy kể ra những lần Đức Giê-su dùng bữa được ghi trong Tin mừng ? 2) Khi dạy người dự tiệc chọn ngồi chỗ cuối để được chủ nhà mời lên cỗ trên. Phải chăng đó cũng là một hành động ngầm kiêu ngạo ? 3) Đức Giê-su đã dạy thế nào về giá trị của đức khiêm nhường ? 4) Thánh Phao-lô dạy về gương khiêm nhường tự hạ của Đức Giê-su ra sao trong thư thứ hai gửi giáo đòan Phi-líp ? 5) Tội nặng nhất khiến Lu-xi-phe và các thần dữ phải sa hỏa ngục và tội tổ tông làm cho ông bà A-đam E-và bị đuổi ra khỏi Địa đàng là tội gì ? 6) Đức Giê-su đã dùng phương thế nào để ban ơn cứu độ, giải thóat lòai người khỏi chết và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 14,11).

2. CÂU CHUYỆN:

Cách đây ít lâu, tại bang Phờ-lo-ri-đơ (Florida) Hoa Kỳ, tờ Thời báo Xanh Pi-tơ-bớc (St Petersburg Times) có đăng một câu chuyện thú vị về Đông Su-lơ (Don Shula), huấn luuyện viên của đoàn cá heo ở Mai-ơ-mi (Miami). Ông đang cùng vợ con nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Mai-ơ-mi. Vào một buổi chiều nọ, vì trời mưa nên Su-lơ cùng vợ và 5 đứa con quyết định đi xem một xuất phim đang chiếu tại rạp hát của thị trấn. Khi họ đến nơi thì đã trễ mất 10 phút. Thế nhưng họ thấy đèn trong rạp vẫn còn sáng báo hiệu phim vẫn chưa bắt đầu. Khi Su-lơ và gia đình bước vào trong rạp thì tất cả 6 người đang ngồi ở băng ghế đầu liền hân hoan đứng dậy hướng về phía họ và vỗ tay hoan hô. Su-lơ vừa vẫy tay chào lại vừa mỉm cười đáp lễ. Sau khi đã ngồi vào chỗ, Su-lơ quay sang nói với bà vợ: “Chúng ta từ Mai-ơ-mi xa cả ngàn dặm đến đây, thế mà họ vẫn nhận ra và đón tiếp anh thật nồng nhiệt! Chắc hẳn là đám cá heo trình diễn trên truyền hình đã lan đến tận nơi ngõ ngách này!” Ngay lúc đó, một người đàn ông tiến lại bắt tay và Su-lơ tươi cười hỏi ông ta rằng: “Làm sao ông bạn nhận ra tôi sắp đến đây vậy?” Ông ta trả lời: “Thưa ông, tôi chẳng biết ông là ai cả. Chẳng qua là ngay trước khi gia đình ông bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có nói với chúng tôi rằng: Trong vòng 15 phút nếu không có thêm 4 khán giả nữa vào rạp thì ông ta sẽ buộc phải trả lại tiền vé và hủy bỏ xuất chiếu này”. Vì thế khi thấy gia đình ông đến vừa đủ 4 người theo yêu cầu của quản lý rạp, nên chúng tôi rất vui mừng và giờ đây tôi đến để cám ơn gia đình ông đã đến kịp thời giúp chúng tôi khỏi phải về không”.

Câu chuyện trên làm sáng tỏ giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay: Người đòi các tín hữu chúng ta phải sống khiêm tốn noi gương Người. Đông Su-lơ đã thể hiện đức khiêm tốn ấy: Là một huấn luyện viên cá heo tài giỏi, nên cũng thật tự nhiên khi Su-lơ nghĩ rằng những người trong rạp hát đã nhận ra ông là ai. Đến khi người đến bắt tay cho biết mình chẳng hề biết ông thì Su-lơ lại là người đầu tiên tự chế giễu mình. Ông rất vui khi phát hiện ra điều này, nên đã kể chuyện đó trên báo cho nhiều người biết về thói háo danh của ông, điều mà bình thường ông sẽ phải giấu kín. Chỉ người nào thực sự khiêm tốn mới làm được như Su-lơ mà thôi !

3. SUY NIỆM:

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các người biệt phái hai bài học này: Một là nếu họ là khách được mời thì cần phải khiêm tốn để ngồi vào đúng chỗ xứng hợp với địa vị của mình, tránh cảnh “trèo cao té đau. Hai là nếu họ là chủ nhà thì phải quan tâm mời cả những người nghèo khó bệnh tật đến nữa. Vì cũng vậy, Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai có lòng khiêm nhường và có tinh thần nghèo khó (Lc 14,21). Vậy khiêm nhường là gì ? Phải chăng khiêm nhường là phủ nhận giá trị thực của mình ? Ta phải làm gì để học tập gương khiêm nhường của Đức Giê-su?

1)Thế nào là khiêm nhường ?

- Khiêm nhường là học và sống noi gương Đức Giê-su: Muốn biết khiêm nhường là gì chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương Đức Giê-su như Người đã dạy: ”Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Đức Giê-su « vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế… » (Pl 2,6-7). Tuy là Thầy là Chúa, nhưng Người đã nêu gương khiêm nhường cho các môn đệ khi tự hạ rửa chân các ông trong bữa tiệc ly và dạy các ông cũng phải rửa chân phục vụ lẫn nhau (x Ga 13,14-15). Hơn nữa, Người còn thể hiện khiêm nhường qua hành động «vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá» (Pl 2,8). Tin mừng hôm nay cũng thuật lại câu chuyện: Khi được viên thủ lãnh các người biệt phái mời đến nhà dự tiệc, Đức Giê-su thấy một số khách thuộc nhóm biệt phái đã tranh nhau ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc. Người đã dạy họ về cách ứng xử khiêm nhường như sau: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối” (Lc 14,8-9).

- Khiêm nhường noi gương Đức Ma-ri-a: Trong biến cố truyền tin, khi được sứ thần chào là đấng « đầy ân phúc luôn có Chúa ở cùng », Đức Ma-ri-a đã tự xưng là nữ tì của Thiên Chúa và đã cúi đầu « xin vâng » như lời sứ thần truyền (x Lc 1,38). Sau khi nghe biết bà Ê-li-sa-bét đã có thai được sáu tháng, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đến thăm và mở chào hỏi bà Ê-li-sa-bét trước. Cuối cùng Đức Ma-ri-a còn ở lại để phục vụ bà ba tháng cuối, cho đến khi bà sinh con rồi mới trở về nhà mình (x Lc 1,39-56).

2) Phân biệt giữa khiêm nhường thật với khiêm nhường giả tạo: Đức khiêm nhường không phải là giả vờ tự hạ để chờ được người khác tôn lên. Khiêm tốn cũng không phải là thái độ tự ti mặc cảm, tự khinh bản thân hay trốn tránh trách nhiệm… Nhưng là ý thức các khả năng và ưu điểm của mình là do Chúa ban, rồi quy mọi vinh quang về cho Thiên Chúa, noi gương Đức Ma-ri-a khi được bà Ê-li-sa-bét khen có phúc đã ca ngợi Chúa trong kinh Ma-nhi-phi-cát như sau: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn !” (Lc 1,48-49). Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay sợ ngồi vào ghế nhất, nhưng đối với họ: chiếc ghế không phải là mục tiêu, mà chỉ là phương tiện để phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Người khiêm tốn sẽ luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình nên sẽ giữ thái độ bình tĩnh khi nghe kẻ khác phê bình và sẵn sàng tu sửa để ngày một hoàn thiện hơn. Người khiêm tốn không tự tìm vinh danh cho mình, nhưng luôn cố gắng làm hết sức rồi phó thác thành bại cho Chúa quan phòng.

3) Chúa yêu thương kẻ khiêm nhường và ghét kẻ kiêu ngạo: Chúa Giê-su đã ca tụng Chúa Cha “Vì đã mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn…” (x Mt 11,25). Những kẻ bé mọn ở đây là những người khiêm nhường tự hạ. Chúa Giê-su đã yêu thương những kẻ khiêm nhường và quở trách bọn người tự cao và giả hình: ”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác”(Mt 23,27-28; Lc 11,44).

4) Ta phải làm gì để học tập gương khiêm nhường tự hạ của Đức Giê-su?

- Phải tránh thói xấu kiêu ngạo:

Tránh tự ái cao: Không dễ nổi nóng khi nghe người khác phê bình mình hay người thân của mình. Tránh công khai xúc phạm người khác.

Tránh khoe khoang thành tích để tự đề cao mình, và tránh chứng tỏ sự trổi vượt của mình hơn bạn bè.

Tránh thái độ ganh ghét đố kỵ những ai hơn minh thể hiện qua việc dèm pha nói xấu để hạ giá trị của họ.

Tránh thái độ độc đoán háo thắng: Người kiêu ngạo thường cao ngạo nên không chấp nhận những ý kiến đối lập, không muôn nghe những sự góp ý của thuộc cấp, nên công việc họ làm khó có điều kiện thăng tiến phát triển.

- Thực tập đức khiêm nhường như sau:

Cần nhìn nhận cả ưu lẫn khuyến điểm của mình. Trong việc tông đồ cần nhận biết sự yếu đuối bất toàn của mình để khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp. Vì như Đức Giê-su đã dạy môn đệ: ”Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga 15,5b).

Tập nhận ra những ưu điểm của người khác và thành thật khen ngợi họ.

Tập chọn phần thua thiệt: quyền lợi ít hơn và trách nhiệm nhiều hơn anh em.

Tập đi bước trước đến với tha nhân hơn là đòi họ phải đến với mình trước.

Tập nói năng bình tĩnh vừa đủ nghe khi sửa dạy con cái hay thuộc cấp. 

Tập làm những việc nhỏ bé tầm thường ít ai muốn thực hiện.

Tập nhận nguyên nhân thành công là do ơn Chúa giúp và là kết quả của tập thể. Khi thất bại hãy nhận nguyên nhân là do sự thiếu sót bất toàn của mình tránh đổ lỗi hoàn toàn do hoàn cảnh hay người dưới.

Chỉ những ai biết hóa nên như trẻ nhỏ mới được Chúa yêu thương và được Người đón nhận vào Nước Thiên Chúa sau này (x Lc 9,48).

Tóm lại, khiêm nhường là học tập sống theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su như Người đã nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Khiêm nhường còn là sẵn sàng rửa chân phục vụ tha nhân trong yêu thương (x. Ga 13,4.14), nhất là hiến thân phục vụ người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi noi gương Đức Giê-su: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 35-45).

4. SỐNG LỜI CHÚA:

1) Kẻ kiêu ngạo thường biểu lộ ra ngoài qua những thái độ cử chỉ nào khi tiếp xúc với tha nhân ? 2) Người khiêm nhường giả tạo thường biểu lộ qua những câu nói nào ? 3) Người hay la lối to tiếng và dễ tức giận khi có kẻ dưới quyền làm trái ý mình thì có phải là người khiêm nhường không ? 4) Khi nghe người khác phê bình chỉ trích trực tiếp hay qua một người trung gian, chúng ta nên phản ứng thế nào để thực hành đức khiêm nhường noi gương Đức Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Thích được người khác khen ngợi, thích được ăn trên ngồi trước, thích được danh vọng chức quyền... cũng chính là thói xấu của mỗi người chúng con. Hôm nay Chúa dạy các người Pha-ri-sêu bài học khiêm nhường và cũng gián tiếp dạy chúng con: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất... Nhưng hãy vào ngồi chỗ cuối”. Con biết Chúa không dạy con giả đò theo kiểu khiêm nhường giả tạo, nhưng Chúa muốn chúng con coi thường danh vọng hão huyền và luôn sống nhỏ bé khiêm hạ. Chúa cũng dạy chúng con phải noi gương Chúa rửa chân phục vụ lẫn nhau.

- LẠY CHÚA. Chúa đã đi con đường khiêm hạ và mời gọi chúng con bước theo. Xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những sai sót và quyết tâm sửa đổi. Xin cho chúng con biết thông cảm và mở rộng lòng đón nhận tha nhân. Xin giúp chúng con tránh lên mặt xét đoán ý trái cho kẻ khác, nhưng biết học tập những điều tốt đẹp nơi họ. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa tôn vinh trước tòa phán xét sau này.

Lm. Đan Vinh

 

CHỖ NGỒI CUỐI

Trong giao tiếp thường ngày, chúng ta luôn muốn khẳng định mình trước người khác, muốn người ta biết đến mình, thường ta cũng thích được khen tặng hơn là chê bai, thích người khác đề cao mình hơn bị hạ nhục. Vì vậy, ta thường cố gắng để tìm kiếm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, trong cộng đoàn để ta luôn được tôn vinh, được người khác ngưỡng mộ. Địa vị, danh vọng cũng giúp cho người ta ổn định và bảo đảm cuộc sống. Sự giàu sang, uy quyền cũng là yếu tố để được mọi người trọng vọng, kính nể…. Thái độ và lối sống đó đi ngược hẳn lại với Lời Chúa dạy hôm nay: sống khiêm nhường.

Tin mừng thuật lại: vào ngày sa-bát, Đức Giêsu đến dùng bữa ở nhà một ông thuộc nhóm Phariseu. Nơi bữa tiệc đó, họ cố dò xét Đức Giêsu theo tiêu chuẩn của một người Do thái thời bấy giờ, xem Ngài có vi phạm luật lệ ngày thứ bảy không? Xem Ngài đối xử với những người Phariseu thế nào?... Còn Đức Giêsu thì lặng lẽ quan sát họ, chủ nhân của bữa tiệc và cả những thực khách tham dự bữa tiệc hôn nay. Trong bữa tiệc này có nhiều thực khách và ai cũng loay hoay tìm cho mình một chỗ hạng nhất trong bữa tiệc. Đức Giêsu lợi dụng ngay cơ hội này kể cho họ một dụ ngôn, một câu chuyện không mang tính luân lý, cũng không phải là bài học dạy về những kỹ năng trong giao tiếp, cách cư xử giữa đám đông… Bữa tiệc trong dụ ngôn được ví như bữa tiệc của ngày chung thẩm mà Thiên Chúa là chủ bữa tiệc. Vị trí và chỗ ngồi của mỗi người trước mặt Thiên Chúa đã được dành sẵn, được xác định bằng thái độ sống của mỗi người ngay lúc này. Đó là chỗ dành riêng cho ta trong bữa tiệc đó, không ai có thể tranh giành với ta được.

Hạ mình xuống” không có nghĩa là bẽn lẽn tránh chỗ hạng nhất để tranh thủ lấy lòng gia chủ, chiếm được cảm tình của những người đồng bàn, lúc đó ông chủ sẽ mời mình lên chỗ trọng nhất. Đó là một thái độ giả hình, giả bộ khiêm nhường trong khi lòng tự mãn của ta lại cao ngùn ngụt, chờ đợi để được mời lên chỗ nhất. Hạ mình xuống cũng không có nghĩa là miễn cưỡng chấp nhận thiệt thòi kiểu như “chịu đấm ăn xôi”, cũng không cố tình tìm một vị trí thấp kém nào đó không xứng với mình. Nhưng thông điệp mà Đức Giêsu muốn ta hiểu hôm nay, đó là nhận đúng con người của mình, nhận đúng vị trí của mình bằng con người thật của mình.

Khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình, Đức Giêsu là một mẫu người khiêm nhường như thế. Trong các biến cố của cuộc đời, Đức Giêsu luôn thể hiện điều căn bản này: chấp nhận sự thật về chính mình. Ngài đồng bàn với người tội lỗi để giúp họ nhận ra sự thật về chính họ, nhận ra một vị Thiên Chúa yêu thương nhân từ để họ có thể trở về với Thiên Chúa. Ngài cũng khiêm hạ sống trong thân phận con người để cảm thông và chia sẻ với con người giúp con người đón nhận ân ban của Thiên Chúa.

Người sống khiêm nhường luôn nhận ra giá trị và tài năng của người khác, là ân ban mà Thiên Chúa phú bẩm nơi mỗi người, nên họ không ghen tỵ, không tìm cách hạ bệ người khác, không tự ti về chính mình nhưng ngược lại họ biết tạ ơn Chúa về những ân ban đó, biết trân trọng người khác, đồng thời biết cộng tác để phát triển những ân ban đó nơi mình và nơi người khác. Họ cũng biết nhìn nhận bản thân mình và đánh giá những khả năng của mình mà không ảo tưởng, không đeo mặt lạ nhằm che giấu con người thật của mình.

Trong đời sống hàng ngày, người sống khiêm tốn và chân thành luôn dễ dàng đón nhận tình cảm, sự yêu thương từ người khác, họ dễ gây được cảm tình với người khác hơn là thái độ kiêu căng, ngạo mạn. Một khi cái mặt nạ của sự gian dối rơi xuống, lúc đó ta sẽ cảm thấy bẽ bàng, đau khổ khi sự thật được phơi bày. Chúng ta cũng không thể tự mãn hay tự thỏa mãn chính mình mà không cần đến sự chia sẻ của người khác, ngược lại chúng ta luôn cần người khác nâng đỡ, ủi an. Khi kiêu căng, tự mãn ta tự cho mình là đầy đủ, không cần điều gì nơi người khác và nơi Thiên Chúa nữa, lòng của ta đã đầy nên Chúa không thể ban thêm cho ta điều gì. Trái lại, người sống khiêm nhường luôn hạ mình xuống, luôn cảm thấy mình thiếu thốn tình thương và ân ban của Thiên Chúa nên Thiên Chúa luôn đổ đầy đổ thêm vò cuộc đời ta những ân huệ của Ngài.

Đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta chấp nhận con người của mình, như lời Thánh Augustino: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”. Sống khiêm nhường để Thiên Chúa đổ dào dạt xuống cuộc đời ta những ân ban của Ngài.

Nt. Maria Lương Thị Phương Trâm

Hội Dòng Đa Minh Phú Cường.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa - Thứ Năm Tuần XXII - Mùa Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXII - Mùa Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXII Thường niên B - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên B - Lm Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên - Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊM NĂM B. Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĐẠO SINH HOẠT. Lm Paul Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: LUẬT VỊ TÂM. Antôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: Cái Tâm. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: TRUNG THÀNH VỚI GIỚI RĂN LỀ LUẬT CỦA CHÚA. Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: PHẢI THỜ CHÚA VỚI LÒNG YÊU MẾN.Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A-“CON NGƯỜI LÀM CHỦ NGÀY SABBATH”