Trang Chủ > Phụng Vụ > Các Thánh

Ngày 21 tháng 9

THÁNH MÁT-THÊU TÔNG ĐỒ Thánh Sử

Gương Thánh nhân

1308518912_duong.jpgThánh Mát-thêu sinh tại xứ Ga-li-lê. Lớn lên, ngài làm nghề thu thuế cho đế quốc Rô-ma, lúc đó đang cai trị dân Do-thái. Đây là một nghề mà người Do-thái cho là tội lỗi xấu xa, là nghề nhơ uế theo luật, vì những người làm nghề nầy cộng tác với lương dân, với chính quyền ngoại xâm, đàn áp bốc lột đồng bào, nhất là vì họ thường dùng nhiều thủ đoạn gian dối để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của dân chúng.

 Mọi người càng khinh bỉ, ghét bỏ, kết tội họ, Chúa Giê-su càng thương yêu cứu giúp họ, vì Người đến không phải để kêu gọi người công chính, mà Người đến để kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải, hầu được Người tha tội, cứu rỗi.

 Chúa Giê-su thấy Mát-thêu đang ngồi thâu thuế, Người thương ông, gọi ông làm môn đệ Người, như lời thánh Bê-đa tường thuật sau đây: “Đức Giê-su thấy một người đang thu thuế tên là Mát-thêu và phán bảo ông: Hãy theo Ta ! Người không nhìn với cái nhìn thể xác, nhưng với lòng xót thương bên trong. Người thấy người thu thuế và vì nhìn với lòng thương xót và tuyển chọn, nên Người phán bảo ông: Hãy theo Ta ! Nhưng theo có nghĩa là bắt chước; không phải theo bằng bước chân cho bằng thực hành nhân đức trong cuộc sống. Ai nói mình sống trong Đức Ki-tô cũng phải tiến bước như Người. Và ông chỗi dậy theo Người. Chẳng có gì lạ lùng khi thoạt nghe tiếng Chúa truyền, người thu thuế liền bỏ những lợi lộc trần gian mà ông đang kiếm tìm và giũ bỏ tất cả của cải để theo chân Đấng mà ông thấy không có chút tiền của nào. Vì khi kêu gọi ông qua lời nói bên ngoài, chính Chúa đã dạy dỗ cách vô hình bên trong để ông theo Người; Người chiếu dọi vào tâm trí ông ánh sáng của ơn thánh để ông hiểu rằng: Đấng kêu gọi ông từ bỏ của cải trần gian tạm bợ, có thể ban thưởng cho ông kho tàng chẳng hư nát trên trời.

 Chuyện Xảy đến khi Chúa đang nằm dùng bữa trong nhà, nhiều người thu thuế và tội nhân đến dùng bữa với Đức Giê-su và môn đệ Người. Thế là một người thu thuế trở lại đã nêu gương cho nhiều người thu thuế và tội nhân thống hối. Và đó là một điềm tốt cho biết vị tông đồ và tiến sĩ dân ngoại sau nầy sẽ ra sao; khi trở lại, ngài đã bắt được một đoàn tội nhân đến bến cứu độ, và công việc truyền bá Tin mừng mà sau nầy ngài sẽ chu toàn khi đã tiến bộ về nhân đức, thì ngay từ khi mới có đức tin ngài đã bắt đầu rồi. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu câu chuyện ở đây sâu xa hơn, thì nên biết, không phải Mát-thêu chỉ dọn cho Chúa một bữa ăn phần xác trong nhà vật chất, nhưng đẹp hơn nữa, ngài đã dọn cho Người một bữa ăn trong tâm hồn với đức tin đức mến của mình, như chính Người đã phán: Nầy Ta đứng trước cửa mà gọi; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà dùng bữa với người ấy.

 Chúng ta sẽ mở cửa tiếp đón Người và nghe tiếng Người, đó là những khi chúng ta vui lòng đón nhận những lời nhắn nhủ thầm kín hay công khai của Người, mà thực hành những việc nhận ra mình phải làm”.

 Thấy Chúa dùng bữa với các người thu thuế và kẻ tội lỗi như thế, những người Pha-ri-sêu kiêu ngạo, khinh dễ những người đó, phê bình chỉ trích Chúa. Họ nói với môn đệ Chúa:

- “Sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?

Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói:

- Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu nầy: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt. 9, 11-13).

Đúng thật Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến thế gian để cứu vớt kẻ tội lỗi. Bằng chứng cụ thể Người đã kêu gọi Mát-thêu và bạn hữu ông hôm nay, chẳng những Chúa kêu gọi Mát-thêu trở lại với Người, mà còn chọn ông làm môn đệ Người, đem ơn cứu rỗi của Người đến cho nhiều người khác.

 Thánh Mát-thêu rao giảng Chúa Giê-su bằng lời nói, bằng việc làm và bằng sách Tin mừng ngài, đó là cuốn Tin mừng theo thánh Mát-thêu.

Theo truyền thuyết, thánh nhân đã giảng đạo tại Ê-ti-ô-pi, Ba-tư và đặc biệt đã chết để làm chứng cho Chúa tại đó.

Quyết tâm

Suốt đời tôi luôn nhớ cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương tha tội cho tôi. Và để tỏ lòng biết ơn, tôi lo dùng lời nói, việc làm rao giảng đạo Chúa, theo gương thánh Mát-thêu tông đồ thánh sử.

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả, chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con biết noi gương Người, luôn hết tình gắn bó với Đức Ki-tô, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 

THÁNH PHAN-XI-CÔ PHAN

VÀ TÔ-MA THIỆN

Linh Mục và Chủng Sinh Tử Đạo

Gương Thánh nhân

Danh vọng, chức quyền, của cải thế gian không lôi cuốn được các vị anh hùng Tử đạo. Các ngài khinh thường các thứ đó, vì biết rõ chúng phù vân, nay còn mai mất, không vững bền tồn tại. Các ngài hy sinh từ bỏ chúng, chọn lấy gia sản vững bền, chức quyền vĩnh cửu trên trời, như thánh Phan-xi-cô Phan và Tô-ma Thiện đây.

Lúc chủng sinh Tô-ma Thiện bị bắt dẫn đến trước mặt quan, thấy anh trẻ đẹp, vẻ mặt thông minh giỏi giắn thì đem lòng thương, khuyên anh bỏ đạo, ông sẽ gả con gái cho, và xin vua ban chức tước của cải. Nhưng vị anh hùng đức tin trẻ tuổi đã khẳng khái nói: “Tôi chỉ mong được chức tước gia tài trên trời, chớ không màng chi danh vọng của cải dưới đất.” Và khi vua Minh Mạng gọi cha Phan vào triều đình giúp việc, ngài thấy cha tận tình phục vụ thì muốn ban chức tước bổng lộc cho cha, nhưng cha nhất quyết từ chối và nói:“ Xin đa tạ đức vua có lòng thương tôi. Nhưng tôi xin nhường lại cho người khác, vì tôi phục vụ vua chỉ vì bổng lộc trên trời.”

 Phan-xi-cô Rắc-ca (Jaccard) sinh năm 1799, tại miền Sa-vu (Savou) nước Pháp. Lúc nhỏ cậu rất ham chơi nên thường bỏ học. Nhưng nhờ nghe lời cha mẹ bà con khuyên bảo, nhất là vì ước muốn làm Linh mục, cậu đã cố gắng siêng năng học hành, gia nhập chủng viện. Năm 20 tuổi, cậu được lên Đại chủng viện, và hai năm sau thầy Phan-xi-cô xin vào Hội Thừa Sai Pa-ri, để chuẩn bị đi giảng đạo ở miền xa. Ngày 15 tháng 3 năm 1823, thầy thụ phong Linh mục và lìa bỏ quê hương lên đường phụng sự Chúa. Nhưng vì đường sá khó khăn, mãi đến đầu năm 1826, cha mới đến Việt Nam, được Đức Cha cho ở tại chủng viện An Ninh (Quảng Trị) để học tiếng Việt. Trong thời gian ở đây cha lấy tên là Phan, và được chọn làm giám đốc chủng viện đó luôn.

 Năm 1827, vua Minh Mạng ra lệnh tập trung tất cả các vị thừa sai về Huế, viện cớ để làm thông ngôn và dịch sách cho triều đình, kỳ thực là cố ý quản thúc và ngăn cản không cho giảng đạo. Cha Phan đang làm giám đốc chủng viện An Ninh ở Quảng Trị cũng được lệnh dời về Huế. Hằng ngày cha ở trong cung điện, dịch các tài liệu thư từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, giảng dạy lịch sử Âu Mỹ cho những người vua gởi tới. Việc gì vua giao phó, cha cũng hoàn thành tốt đẹp, nên vua định khen thưởng cha. Nhưng cha từ chối vì không màng gì đến chức tước bổng lộc thế gian. Cha chỉ xin vua cho rời khỏi hoàng cung, đến ở họ đạo Dương Sơn gần đó để phục vụ vua, thực sự ý cha muốn xin về đó là để làm việc tông đồ, phụng sự Chúa theo chí hướng của mình.

 Được vua chấp thuận, cha dọn về ở Dương Sơn, hằng ngày lo chăm sóc phần hồn, giúp đỡ phần xác cho các tín hữu. Chẳng may lúc đó dân làng Cổ Lão tranh giành đất đai với bổn đạo Dương Sơn, tố cáo những người nầy theo đạo. Thế là 73 người có đạo bị bắt, cha Phan bị kết án tử hình. Nhưng vua Minh Mạng khoan hồng, thay vì giết cha thì bắt giam trong cung điện để giúp việc triều đình.

 Giữa lúc đó ở miền Nam có ông Lê Văn Khôi nổi lên chống đối triều đình, vua sợ người có đạo theo phe ông, nên ra sắc chỉ bắt đạo gay gắt. Nhiều Linh mục bị bắt, chủng viện An Ninh bị triệt hạ. Nhưng cha Kim là giám đốc chủng viện trốn thoát, vua nổi cơn thịnh nộ truyền bắt cha Phan thay thế, và tống ngục ngày 07 tháng 03 năm 1838 cùng với chủng sinh Tô-ma Thiện.

 Tô-ma Thiện sinh năm 1820, trong một gia đình đạo đức ở làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ nhỏ, cậu đã ước muốn làm Linh mục, nên xin đến ở với cha Chính tại họ Kẻ Sen để học hành và tập luyện nhân đức. Năm 18 tuổi, cậu được gởi vào chủng viện ở Di Loan do cha Kim làm giám đốc. Nhưng ngày cậu đến Di Loan thì chủng viện đã bị phá hủy, cha Kim đã ẩn trốn, cậu bị bắt giải về Quảng Trị, nhốt chung với cha Phan.

Quan thấy cậu trẻ tuổi, vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, tương lai còn nhiều triển vọng thì đem lòng thương, khuyên bảo bỏ đạo, hứa sẽ gả con gái và xin vua ban cho chức tước bổng lộc. Cậu nhất quyết không chối Chúa bỏ đạo, và từ bỏ tất cả mọi thứ vinh hoa phú quí đó. Cậu chỉ mong được hưởng phúc lộc bền vững trên trời. Thấy cậu khinh thường lòng ưu ái của mình, quan tức giận, cho đánh đòn nhừ tử rồi tống vào ngục.

 Trong suốt thời gian hơn 06 tháng bị giam trong ngục, chủng sinh Tô-ma Thiện và cha Phan-xi-cô Phan phải mang xiềng xích, nhịn đói nhịn khát khổ sở, và nhiều lần bị đem ra tra tấn đánh đập, buộc bước qua Thánh giá chối đạo. Nhưng hai cha con vẫn can đảm trung thành giữ vững đức tin, cương quyết sẵn sàng chịu khổ chịu chết vì Chúa. Hằng ngày hai cha con cùng nhau cầu nguyện, kêu xin Chúa ban ơn thêm sức cho được bền đỗ theo Chúa đến cùng.

 Đứng trước lòng tin bất khuất của hai chứng nhân anh dũng, quan không còn biết làm cách nào khác hơn là kết án xử trảm. Nhưng khi gởi về kinh, vua Minh Mạng đã đổi lại án xử giảo. Ngày 21 tháng 09 năm 1838, quân lính dẫn hai chiến sĩ đức tin ra pháp trường tròng dây vào cổ, kéo hai đầu dây thật mạnh cho đến chết.

 Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong các ngài lên bậc Chân Phước, và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn lên Hiển Thánh, ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm

Noi gương thánh Phan-xi-cô Phan và Tô-ma Thiện tử đạo, sẵn lòng từ bỏ mọi vinh hoa phú quí danh vọng tạm bợ ở đời nầy, và vui lòng hy sinh chịu khó vì Chúa, để được hưởng hạnh phúc vinh hiển bất diệt trên trời.

Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gioan Tông Đồ_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh An-rê Tông Đồ_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu
     Suy Niệm Lễ Thánh Giuse Lao Động - Nt. M. Anh Thư, OP
     Lễ nhớ hai thánh Ti-tô và Ti-mô-thê, giám mục - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phaolo Tông Đồ Trở Lại
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Các Thánh - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mân Côi - Lm Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Sinh Nhật Đức Maria - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     Ngày 20 tháng 9: THÁNH AN-RÊ KIM, PHAO-LÔ CHUNG...
     Ngày 19 tháng 9: THÁNH GIA-NU-A-RI-Ô
     Ngày 16 tháng 9: THÁNH CO-NÊ-LI-Ô GIÁO HOÀNG & SÍP-RI-A-NÔ GIÁM MỤC Tử Đạo
     Ngày 15 tháng 9: ĐỨC MẸ SẦU BI
     Ngày 14 tháng 9: SUY TÔN THÁNH GIÁ
     Ngày 8 tháng 9: SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MA-RI-A
     Ngày 05 tháng 9: THÁNH PHÊ-RÔ NGUYỄN VĂN TỰ & GIU-SE HOÀNG LƯƠNG CẢNH
     Ngày 3 tháng 9: THÁNH GHÊ-GÔ-RI-Ô CẢ, Giáo Hoàng Tiến Sĩ
     Ngày 29 tháng 8: THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
     Ngày 28 tháng 8: THÁNH ÂU-TINH