Trang Chủ > Giáo Lý > Học Hỏi

TRỞ LẠI VÀ THAY ĐỔI NẾP SỐNG

Bài sách Amos trong Chúa Nhật trước đã nói đến những con người buôn bán muốn làm giàu bằng cách bóc lột người nghèo. Hôm nay nhà tiên tri nói đến hạng người đã khá giả và đang có thế lực, mà người phú hộ trong bài Tin Mừng Luca là một tiêu biểu. Giáo huấn của Chúa dạy chúng ta không nên bắt chước những người này, nhưng hãy nghĩ đến tương lai dành cho những người như Lazarô, để chúng ta theo. Lời thư gửi cho Timôthê mà biết đặt tầm quan trọng vào công việc nào ở trần gian này? Vậy chúng ta hãy quan sát nếp sống của những con người đầy đủ ở trong xã hội, định mệnh dành cho họ, và cách thức chúng ta phải sống để được tương lai khác họ.

1. Nếp Sống Của Những Con Người Ðầy Ðủ

Một lần nữa chúng ta lại nghe tiếng nói của tiên tri Amos. Ông là dân quê ở miền Nam nước Do Thái, được Chúa chọn đi tuyên sấm ở miền Bắc. Từ một nếp sống bình dị nơi thôn dã, ông đã thấy mình đứng trước một xã hội buôn bán tấp nập. Không phải ông không muốn thích nghi với đời sống mới, nhưng con mắt của người được Chúa chọn nhận ra ngay những nguy hiểm của nếp sống chạy theo tiền bạc. Người ta cạnh tranh lừa đảo, bóc lột nhau để mà làm giàu. Nhưng để làm gì?

Bài sách hôm nay mô tả nếp sống của hạng người đầy đủ trong xã hội. Nói đúng hơn, đây là giai cấp chiếm ưu thế và được biệt đãi. Họ ung dung cậy dựa vào các thành phần kiên cố ở bờ cõi. Tức là họ đang tin vào trật tự an ninh của xứ sở. Pháp luật và quân đội đang bảo vệ họ, vì họ đang là giai cấp thống trị. Người dân phải đến với họ và họ xét xử mọi công việc.

Bề ngoài, người ta thấy họ như vậy, nhưng bên trong họ đang sống thế nào? Amos viết: "Họ đang nằm trên giường ngà, thõng thượt trên các sập gụ". Ðây không phải là hình ảnh quen thuộc nơi dân Do Thái. Nếp sống này rõ ràng lai căng. Nó bắt chước Hy Lạp, dân ngoại. Nó chứng tỏ lớp người đứng đầu dân đã mất tinh thần dân tộc. Và đối với Amos, như vậy là mất tất cả tinh thần đạo đức. Israen không có tôn giáo riêng ư? Và tôn giáo này có cả một luật pháp với nhiều điều khoản quy định nếp sống xã hội. Bỏ nếp sống này để du nhập phong tục ngoại lai, há chẳng phải là đã bỏ niềm tin vào Thiên Chúa và đạo của Người rồi sao? Không phải bọn họ đã theo đạo nào khác, đạo mới của họ chỉ là nếp sống ươn ái trong chè chén nhậu nhẹt. Chính vì vậy mà Amos dùng những từ ngữ có màu sắc tôn giáo để tiếp tục mô tả nếp sống của họ.

Ông viết: họ ăn chiên cừu cùng bê nhốt chuồng, họ nghêu ngao họa theo tiếng đàn, tự bày nhạc khí theo Ðavít, họ uống rượu cả tô và xức dầu thượng hạng.

Chiên, cừu, bê là những vật thường được dùng để dâng lễ; nay nằm trên bàn ăn của hạng giàu có. Và để phòng ăn của họ trở nên như đền thờ, họ nghêu ngao dạo nhạc như Ðavít. Họ dùng rượu và xức dầu thượng hạng như các tư tế vào dịp lễ lớn. Ít nhất họ cũng đã mang các thứ quen dùng trong đền thờ ra mà ăn uống. Ðạo của họ bây giờ nằm trong những thứ này. Và vì thế Amos muốn dùng những từ ngữ vừa diễn tả nếp sống thực tế của họ, vừa đồng thời khẳng định tôn giáo của họ bây giờ là thế đó. Với những con người đã đầy đủ, Chúa của họ bây giờ là "cái bụng" cũng như đối với những kẻ đang làm giàu: tiền mới là chúa tể. Và đối với cả hai hạng người, nhân dân, đồng bào không còn là gì nữa. Sống chết mặc bay; Giuse có tang thương, Ephraim có đau ốm, cũng chẳng thèm biết. Tương lai dân tộc có làm sao, họ cũng chẳng để ý.

Nhưng họ dại và ngốc. Ðó là những tĩnh từ quen thuộc dùng trong Kinh Thánh để nói về họ, định mệnh sẽ đến chộp lấy họ đang lúc bất ngờ nhất. Và ở đây Amos nói: họ sẽ là những người bị bắt đi lưu đày đầu tiên; họ sẽ cầm đầu đoàn người bị phát lưu, vì khi các thành trì bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị sụp đổ, bọn này sẽ là những nạn nhân đầu tiên và khốn nạn nhất.

Amos nói như vậy thì chưa đưa sang bình diện tôn giáo. Ông đã có quan niệm tôn giáo để quan sát và phân tích nếp sống trụy lạc của giai cấp có của và thống trị. Nhưng khi nói về định mệnh, tương lai của hạng người này, ông vẫn chỉ chờ một cuộc đổi thay xã hội và những hình phạt trần gian. Chúng ta sẽ không thấy như vậy trong bài Tin Mừng là mạc khải sẽ đầy đủ hơn.

2. Ðịnh Mệnh Của Những Người Giàu Có

Chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện người phú hộ và Lazarô ăn mày. Nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu như nhau và nhất là biết hiểu đúng ý của tác giả Luca.

Thánh Luca kể rằng có một người phú hộ ăn mặc gấm tía và lụa mịn, ngày ngày yến tiệc linh đình. Nếp sống của ông ta làm cho chúng ta nhớ lại bài sách của Amos. Và quả thật, ông ta chỉ biết ăn uống, chứ đâu có để mắt tới đồng bào, đồng loại gì... Có người ăn mày tên là Lazarô, nằm ở cổng nhà ông chỉ mong được miếng thừa nào trên bàn của ông liệng xuống mà vẫn không được. Cũng là hai con người, nhưng là hai thân phận. Tác giả Luca không cần mô tả thêm con người giàu có. Ðã có Amos kể thay rồi. Ngòi bút của Luca chú ý hơn để vẽ hình ảnh người ăn mày.

Ðây là lần duy nhất trong tác phẩm, Luca đã đặt cho nhân vật trong bài dụ ngôn một tên. Thế nên chúng ta đừng nghĩ đây là một tên thật, và muốn đồng hóa với Lazarô em của Mátta và Maria. Hai chị em này đâu có nghèo đến nỗi bắt em phải đi ăn xin; Lazarô trong tác phẩm của Gioan (chương 1) không lở lói, hôi thối đến nỗi người ta phải khiêng vứt ở cổng nhà người phú hộ. Ðàng khác, dụ ngôn không phải là những câu chuyện có thật, mà chỉ là những câu chuyện có khả năng xảy ra để giúp chúng ta có một bài học đạo đức.

Nhưng tại sao tác giả Luca lại muốn gọi tên người ăn mày là Lazarô? Ðể chúng ta liên tưởng đến người em trai của hai chị em Mátta và Maria được Chúa thương cho sống lại? Và như vậy Luca muốn báo trước số phận tốt đẹp chung cuộc của người ăn xin. Và khi mô tả Lazarô lở lói, bị vứt ở cổng nhà người phú hộ, có lẽ tác giả muốn lấy lại hình ảnh ông Yob và xác định đây là con người nghèo khó công chính, bị bạc đãi ở đời này nhưng chỉ là tạm thời, vì chung cuộc tương lai sẽ rất tốt. Hơn nữa, trong tiếng Do Thái, từ ngữ Lazarô có nghĩa là "Thiên Chúa cứu giúp". Tác giả Luca muốn nói rằng: những con người nghèo khó là những kẻ đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; họ là thành phần được Người quan tâm, chiếu cố và yêu mến. Và Người sẽ bắt tất cả mọi sự phục vụ những con người này, nên ở đây ngay bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, thế mà đối với Lazarô chúng cũng dễ thương lạ lùng, đến liếm các ung nhọt cho ông. Và điều này càng nói lên ác tâm bất nhẫn của người phú hộ hơn nữa.

Như vậy, việc giới thiệu hai nhân vật đã xong. Tác giả Luca nói đến câu chuyện xảy ra. Lazarô chết và được các Thiên Thần đưa lên dự tiệc ngay nơi lòng Abraham; còn người nhà giàu cũng chết và được tống táng. Chỉ hai câu nói thôi, nhưng đầy ý nghĩa. Người Do Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần đưa lên trời dự tiệc, giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói "ngồi trong lòng Abraham" chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Số phận của Lazarô đã đổi thay hoàn toàn. Không do một biến động chính trị như Amos đã gợi đến trong bài sách hôm nay. Cũng không như tác giả sách Yob đã nói rằng ông này được lại hết mọi sự ở đời này và được gấp trăm, gấp nghìn. Ở đây việc đổi thay số phận xảy ra ở bên kia thế giới, sau khi con người đã chết. Ðó là bình diện Nước Trời chứ không còn phải trong phạm vi trần gian.

Chúng ta hãy đọc tiếp để thấy quan niệm của tác giả Luca về đời sau và định mệnh chung cuộc của hai nhân vật trong bài dụ ngôn. Vậy, Lazarô được đưa lên trời, còn người phú hộ thì được đem đi tống táng. Một người ở trên và một người ở dưới. Kẻ ở dưới ngước mắt lên thấy hạnh phúc người ở trên. Thấy mình đang nóng nảy trong lửa, còn Lazarô thì đang an thái nơi lòng của Abraham; kẻ khổ sở tự nhiên phải buột miệng kêu lên. Xin Cha Abraham nói với Lazarô nhỏ xuống cho một chút nước để đỡ khổ. Nhưng y đã không hiểu gì. Và Abraham phải cắt nghĩa: bây giờ sự đổi thay đã dứt khoát và hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới hạnh phúc và khổ sở không thể bắc cầu được nữa. Kẻ xưa khổ thì nay sướng và kẻ xưa sướng thì nay khổ. Chứ không như ngày xưa khi ở trên mặt đất kẻ sướng có thể đến với kẻ khổ mà chia sẻ... Nhưng vì đã không muốn làm việc ấy, nên giờ đây y đừng hy vọng bắt được nhịp cầu hiệp thông...

Câu chuyện dĩ nhiên có thể chấm dứt ở chỗ này. Và đã có nhiều bài học cho chúng ta. Ngoài những quan niệm về đời sau như: định mệnh của người lành kẻ dữ đã khác nhau ngay từ sau khi chết và trước ngày phán xét chung; định mệnh ấy đã dứt khoát không thay đổi được nữa vì đã hết thời có thể lập công phúc; ở đây khi mô tả sự thay đổi số phận của hai người trong khi sống và sau khi chết, tác giả Luca có ý diễn tả một giáo huấn thông thường của Ðức Giêsu, đó là việc Nước Trời được dành cho những kẻ nghèo khó; vì Thiên Chúa sẽ cứu giúp họ và kẻ tự mãn ở đời này sẽ ra đi tay không về đời sau.

Nhưng tác giả Luca đã không dừng lại ở những điểm này. Người muốn kêu gọi người ta "trở lại". Ðặc biệt ở đây, Người muốn nói với những người Do Thái có Abraham là tổ phụ. Họ phải thay đổi đường lối để không bị loại ra khỏi Nước Trời sau này. Tác giả Luca biết rõ họ rất cứng lòng. Trước đây khi Ðức Giêsu còn đang giảng đạo họ đòi phải thấy phép lạ điềm thiêng. Người bảo họ sẽ chẳng được xem dấu lạ nào, ngoài dấu hiệu của tiên tri Giona, tức là ngoài sự kiện chính Người sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chịu chết. Nay việc đó đã xảy ra rồi; thế mà Luca vẫn thấy họ cứng lòng. Nên hôm nay, tác giả đau đớn dùng miệng Abraham mà nói: dẫu cho có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu! Và đối với người Do Thái, chỉ còn lại hy vọng là họ hãy nghe Môsê và các tiên tri. Ấy là chưa kể chính mầu nhiệm Ðức Giêsu chịu chết và phục sinh, muốn hiểu được cũng phải tựa vào lời sách thánh kể từ Môsê cho tới các tiên tri, như chính Chúa sống lại đã làm như thế để giúp đỡ các đức tin của các tông đồ.

Như vậy bài Tin Mừng Luca hôm nay có những ý tưởng mà thoạt nghe chúng ta đã chưa nhận ra. Người đã không thuật lại câu chuyện Ðức Giêsu đã kể, một cách đơn giản đâu. Vẫn biết khi kể chuyện người phú hộ và Lazarô ăn mày, Chúa đã có ý kêu gọi thính giả của Người là người Do Thái, phải trở lại. Chúa cũng đã muốn thúc giục họ tin vào Môsê và các tiên tri vì các ông này vẫn làm chứng về Người. Nhưng chắc chắn khi Chúa nói: dẫu có ai sống lại từ cõi chết chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu, người nghe lúc bấy giờ chưa hiểu một cách thấm thía như tác giả Luca sẽ hiểu sau này và như chúng ta vừa trình bày ở trên.

Dù sao ý tưởng chính của tác giả vẫn là muốn kêu gọi người ta trở lại và thay đổi nếp sống chỉ biết có cái bụng của mình mà không nghĩ đến ai. Thực ra đó cũng là ý của Amos khi ông dùng hình phạt lưu đày để đe dọa những kẻ sống đầy đủ mà ích kỷ. Chỉ có điều ông chưa nghĩ đến đời sau và bình diện Nước Trời một cách sâu sắc như tác giả Luca. Nhưng có như vậy Tân Ước mới hoàn tất Cựu Ước!... Tuy nhiên Tân Ước nơi các sách Tin Mừng, tức là giáo huấn đầy đủ của Chúa Giêsu cũng còn cần phải được triển khai. Và hôm nay tác giả thư Timôthê giúp chúng ta thi hành giáo huấn của Chúa.

3. Nếp Sống Và Ðịnh Mệnh Của Chúng Ta

Tác giả đi từ chỗ nhất trí với Amos và Luca, tức là người của Thiên Chúa thì phải lánh xa nếp sống của những kẻ tham lam tiền của và giàu có dư dật (xem 6,7-11a). Thay vào đó hãy theo đuổi công chính và đạo đức. Và cho được như vậy phải sống ba nhân đức: tin, cậy, mến. Riêng Timôthê, tuổi còn trẻ và đang đứng đầu giáo đoàn, hãy bắt chước lòng từ tâm của Chúa Giêsu và đó là tư cách Phúc Âm của những người giữ trọng trách trong Hội Thánh.

Nếp sống đạo đức như vậy chính là nếp sống đức tin, một nếp sống đòi phải phấn đấu rất nhiều. Nhưng có nhiều lý do có thể trở thành động lực thúc đẩy người của Thiên Chúa trong cuộc chiến chính nghĩa này. Nào là sự sống đời đời đang chờ họ ở trên bình diện Nước Trời; nào là lời hứa đáp trả tiếng Chúa gọi mà họ đã tuyên xưng trước mặt Chúa và ở giữa cộng đồng các thánh. Nhưng nhất là gương sáng của Ðức Giêsu Kitô đã tuyên chứng trước mặt Philatô. Chính Người sẽ lại xuất hiện trong ngày sau hết để làm sáng tỏ giá trị của hết mọi người.

Những lý lẽ này là những đề tài để suy niệm không cùng. Nhưng tất cả đều qui về Ðức Giêsu Kitô. Tác giả bài thư Timôthê bảo chúng ta cứ chiêm ngưỡng Người thì thấy phải đổi mới đời sống như thế nào...

Chúng ta sắp thể hiện mầu nhiệm của Người trên bàn thờ. Ðặc biệt chúng ta sẽ nhờ đến cuộc tuyên chứng của Người trước mặt Philatô, tức là cuộc tử nạn vinh hiển của Người. Người đã can đảm quảng đại "vượt qua" như thế nào để chúng ta bắt chước mà từ bỏ đời sống cũ và mặc lấy tinh thần mới. Nếu trước đây chúng ta còn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình ở đời này, thì từ nay chúng ta cố gắng hơn vừa vươn lên bình diện Nước Trời và hướng về đời sau, vừa phải quảng đại và bác ái nghĩ đến tha nhân và xã hội. Ðó là những mặt không thể thiếu trong nếp sống mới và các bài Kinh Thánh hôm nay muốn chúng ta đem thực hành nhờ ơn Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Các bài viết mới hơn
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: ĐÂU LÀ TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO CON NGƯỜI. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA VÀ VỀ TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI. Lm. Đan Vinh
     Đối Thoại Năm Đức Tin: TÔN GIÁO VÀ CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ. LM ĐAN VINH - HHTM
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VỀ GIÁO LÝ VÀ NHÂN ĐỨC CỦA TÔN GIÁO. LM ĐAN VINH - HHTM
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VẤN ĐỀ TÔN GIÁO VÀ ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     Danh từ “lời chứng” (marturia) và động từ “làm chứng” (martureô) trong Tin Mừng Gio-an. Lm. Giuse Minh Thông

Các bài viết cũ hơn
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐÚC TIN VỀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN - Lm. Đan Vinh
     Đối thoại năm đức tin: THIÊN CHÚA CÔNG BẰNG NHÂN TỪ VÀ HÌNH PHẠT HỎA NGỤC. Lm. Đan Vinh
     Đối thoại năm đức tin: Thiên Chúa và sự thưởng phạt. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     Thực tập xây dựng hạnh phúc gia đình: GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH TÍN HỮU. Lm. Đan Vinh
     Thực tập nếp sống nhân bản: NGUYÊN NHÂN LÀM THẤT NHÂN TÂM. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: CHỨNG MINH SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN: TRÁNH SỰ NGỘ NHẬN. LM ĐAN VINH - HHTM
     XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH: PHU PHỤ HÒA GIA ĐẠO THỊNH. Lm. Đan Vinh