Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Gx Hà Nội – 20/10/2013

CHIA SẺ TRƯỚC THÁNH LỄ

IMG_2710.jpg

Anh chị em thân mến,

Trong giờ gặp gỡ này, tôi muốn nói chuyện với anh chị em, không như một bài thuyết trình, nhưng như một chia sẻ. Tôi sẽ không trình bày một bài giáo lý trừu tượng, nhưng kể một vài câu chuyện để rút ra đôi chỉ dẫn cho cuộc sống.

Anh chị em có mặt ở đây thuộc ba thành phần:

-         Những anh chị em hôm nay sẽ được lãnh bí tích Rửa Tội.

-         Những anh chị em công giáo, và hơn nữa, còn có thể là vợ hay chồng của người sắp được lãnh bí tích Rửa Tội.

-         Anh chị em lương dân, là bạn hữu của những anh chị em sắp lãnh nhận bí tích Rửa Tội, hay của một người công giáo.

Những điều tôi sắp nói nhắm trực tiếp đến từng thành phần, nhưng cũng có thể áp dụng cho tất cả.

1.     Anh chị em sắp lãnh nhận bí tích Rửa Tội

Hôm nay anh chị em đến đây để xin được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Đây là giây phút hết sức linh thiêng và quan trọng vì là đích điểm của nhiều ngày tháng tìm hiểu, chuẩn bị và là điều anh chị em ao ước, trông chờ. Xin anh chị em hãy cầu xin Chúa và đón chờ bí tích Rửa Tội như ấn tích ghi dấu cuộc đời anh chị em. Từ nay, cuộc đời của anh chị em sẽ không còn như trước nữa. Anh chị em sẽ có Chúa bên cạnh. Trong giây phút nào, tôi muốn chia sẻ với anh chị em 2 chữ: “hạnh phúc” và “trung thành”.

Trước tiên là chữ “hạnh phúc”. Không hạnh phúc sao được vì qua bí tích Rửa Tội, anh chị em được gia nhập Giáo Hội Công Giáo và được trở thành con của Thiên Chúa. Cách đây cũng đã nhiều năm, tôi đến thăm một gia đình mới chịu phép Rửa Tội, lúc đó, được chừng hơn một năm. Tôi hỏi: “Khi anh chị trở lại đạo Công Giáo và đã được Rửa Tội, anh chị cảm thấy cái gì rõ nhất?” Chị vợ trả lời ngay: “Con cảm thấy hạnh phúc và tự do vì con không còn sợ thần thánh, ma quỉ gì nữa. Có Chúa, con không còn sợ gì cả”. Tự do là kết quả; lý do thực của hạnh phúc là được trở thành con Thiên Chúa, được gia nhập gia đình của Thiên Chúa. Còn gì hạnh phúc hơn việc được làm con Chúa Cả Trời Đất! Còn gì hạnh phúc hơn khi biết mình được Chúa Cả Trời Đất thương yêu và yêu đến độ đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để chia sẻ thân phận làm người của mình, bênh đỡ và cứu rỗi mình (Ga 3,16-17)! Còn gì hạnh phúc hơn khi vì Chúa, mình có thể thương yêu, giúp đỡ và tha thứ cho những người chẳng phải máu mủ, ruột thịt gì với mình! Không hạnh phúc sao được, khi lòng mình như mở rộng ra cõi mênh mông và cao vút của bầu trời!

Chữ thứ hai là chữ “trung thành”: trung thành với Chúa, trung thành với Giáo Hội Công Giáo. Phải nói đến chữ “trung thành”, vì trong xã hội hôm nay có nhiều cám dỗ, nhiều cạm bẫy quyến rũ anh chị em đi ngược lại giới răn của Chúa và chối bỏ Chúa. Ngoài ra, có khi còn có những gương mù, gương xấu của những người công giáo.

Trước tiên, đối với những người công giáo không giữ giới răn của Chúa, không giữ đạo hẳn hoi, làm gương mù, gương xấu, anh chị em đừng ngạc nhiên hay hồ nghi đạo Chúa. Anh chị em trở lại đạo Công Giáo là để theo Chúa, chứ không phải theo người công giáo. Những người đã theo Chúa mà không giữ luật Chúa thì đáng thương, anh chị em hãy cầu nguyện cho họ để họ ăn năn hối cải và trung thành với Chúa, sống theo lời chỉ bảo của Giáo Hội. Dầu sao, cũng nên tránh một ngộ nhận, hay lấy cớ để bào chữa cho sự lười biếng của mình. Có những người công giáo gây ra gương mù gương xấu, nhưng cũng có rất nhiều người tốt lành, thánh thiện, sẵn sàng hy sinh, quảng đại. Nhiều lắm. Dầu sao, không phải hễ là người công giáo là thánh cả. Người công giáo sinh ra, cũng là những kẻ có tội như mọi người. Có khác là họ đã đón nhận lời mời gọi của Chúa, ăn năn hối lỗi và cố gắng sửa mình theo Tin Mừng của Chúa. Họ là những người đang trên đường nên thánh, đang trở nên tốt hơn.

Còn những cám dỗ, những cạm bẫy quyến rũ thì có rất nhiều trong xã hội hôm nay. Để giữ mình khỏi sa ngã theo chước cám dỗ và trung thành với Chúa, anh chị em cần siêng năng tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện liên lỉ, xin ơn Chúa giúp đỡ. Có nhiều sức mạnh của tội lỗi, chúng ta chỉ có thể chống cự và chiến thắng nhờ sức mạnh của Chúa, đặc biệt qua lời cầu nguyện. Ngoài ra, còn cần phải nghe theo tiếng lương tâm. Trong nội tâm, có một tiếng nho nhỏ của Chúa nói vào lòng chúng ta, mời gọi làm lành, tránh dữ. Đó là tiếng lương tâm. Nếu chúng ta lắng nghe tiếng lương tâm và cố gắng sống theo tiếng đó, chúng ta sẽ giữ được sự an bình, hạnh phúc trong tâm hồn. Tôi muốn kể cho anh chị em một câu chuyện có tựa đề: “Lương tâm giá bao nhiêu?”. Câu chuyện kể như sau:

“Hà là tài xế lái xe chở hàng hóa. Hôm nay, xe đang bon bon chạy trên đường bỗng nhiên ‘khực’ một cái rồi dừng lại. Hỏng rồi! Hà xuống xe đến bên vệ đường vác hai hòn đá to chặn bánh sau lại rồi chui vào gầm sửa xe. Khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì xong. Hà lên xe nổ máy chuẩn bị đi tiếp. Đúng lúc đó có một ông lão chăn bò bên cạnh đường chạy đến đập đập tay vào cửa xe, nói rất to: "Này anh lái xe, anh đánh rơi đồ kìa!". Ông lão vừa nói vừa chỉ chỉ về phía sau xe. Hà đoán ông lão nhắc đến hai hòn đá chặn bánh sau xe mà mình vác ra lúc nãy. Hà toét miệng cười, nói do vội đi nên quên mất. Nói vậy nhưng anh ta vẫn cố ý nhấn ga cho xe chạy.

Ông lão vừa đuổi theo vừa quát to:‘Anh làm người như thế à? Làm người phải có lương tâm chứ? Anh bỏ hai hòn đá to ở trên đường để cho người ta đi vấp ngã à?’ Những lời trách cứ của ông lão chăn bò bị bỏ lại cùng đám bụi phía sau xe. Hà cười thầm trong bụng: ‘Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân?’

Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, Hà hết sờ túi này lại nắn túi nọ, tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu. Hà thừ người ra: Giấy phép lái xe rõ ràng là để trong chiếc ví da lúc nào cũng mang trong người, vậy sao lại tìm không thấy? Cẩn thận nhớ lại, Hà mới chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, Hà vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe.

Khi quay lại chỗ sửa xe ban sáng, Hà tìm khắp nơi không thấy cái ví cũng không thấy ông lão chăn bò đâu. Hai hòn đá chặn bánh xe đã được ai đó khuân vào để bên vệ đường. Trên hòn đá thấy dán mảnh giấy có mấy chữ xiêu xiêu vẹo vẹo: ‘Muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá này lên trên đồi’.

Ôi mẹ ơi! Hòn đá vừa to vừa nặng, ngọn đồi trước mặt lại vừa cao vừa dốc, vác hòn đá này liệu có bò lên được trên đó không? Hà kêu to lên: ‘Đừng bắt ép người ta như thế! Cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi!’.

Khi Hà vác hòn đá đến chân đồi thì thấy một cái mũ lá có kẹp một tờ giấy viết mấy chữ: "Đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi". Hà tiếp tục đi, được một đoạn lại thấy cái mũ lá cũng có tờ giấy yêu cầu Hà cứ vác đá lên đồi, các chuyện khác miễn bàn. Không còn cách nào khác, Hà đành phải bê hòn đá vất vả từng bước bò lên.

Lên được đỉnh đồi thật không dễ gì. Vậy mà trên đó không thấy có người cũng không thấy giấy tờ lái xe, chỉ thấy có tờ giấy dán trên một thân cây yêu cầu Hà vác hòn đá theo hướng chỉ dẫn đi xuống phía dưới.

Xuống được dưới chân đồi vẫn không thấy giấy tờ, ngoài một tờ giấy yêu cầu Hà vác hòn đá đi ngược trở lên. Cứ như thế theo hướng chỉ dẫn trên các tờ giấy, Hà vác hòn đá đi qua mấy quả đồi nhỏ, mệt tưởng chết, cuối cùng mới thấy cái ví da của mình đặt trên một nấm mồ đất trơ trọi. 

Giấy tờ đủ cả, tiền bạc không thiếu một xu.  Dưới cái ví tiền còn có một tờ giấy viết: ‘Cái ví này là do tôi nhặt được, bây giờ nó đã trở về với chủ của nó.  Đây là mộ của con trai tôi. Một đêm hai năm trước, nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý: Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm".

Làm người còn không được để mất lương tâm, huống chi còn muốn làm người Công Giáo, làm con cái Chúa!

2.     Những anh chị em công giáo

Bây giờ tôi muốn nói chuyện với anh chị em công giáo và nhất là những người vợ, người chồng của người sắp được lãnh bí tích Rửa Tội. Tôi muốn bắt đầu bằng một câu chuyện và câu chuyện kể như sau:

Tại Đà lạt, có một bà rất sùng Phật, trong nhà lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Tuy biết thế, nhưng các bà trong Hội Đạo Binh vẫn tới thăm thường xuyên từ năm này qua năm kia, riết rồi các bà trở thành bạn của bà ấy. Tuy nhiên, bà không bao giờ ngỏ ý muốn theo đạo Công Giáo. Một ngày kia bà ngã bệnh và cơn bệnh khá trầm trọng. Bà nhờ các bà Đạo Binh mời cha tới và bà xin được rửa tội. Trước khi được rửa tội, bà kể: “Chính ra tôi đã theo đạo cách đây 30 năm. Nhưng lúc đó, tôi cho một gia đình người công giáo mướn một số tiền khá lớn. Họ nhờ số tiền đó mà mở một cơ sở làm ăn rất khá. Một thời gian, tôi xin họ trả lại số tiền thì họ tìm cách không trả, và còn đi nói xấu tôi. Thế là tôi bỏ ý định theo đạo Công Giáo. Nhưng bây giờ tôi thấy các bà đi lại với tôi mấy năm quí hóa quá, có bầu bạn, tôi lại muốn được rửa tội”.

Anh chị em thấy đó. Cuộc đời của người có đạo có thể giúp đỡ, nhưng cũng có thể cản trở anh chị em lương dân hay mới trở lại đạo trong việc theo Đạo Chúa. Sách Tin Mừng thánh Marcô ghi lại lời Chúa nói với đám đông: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9,42).

Những người đã theo Chúa, phải hạnh phúc vì được biết Chúa và theo Chúa và phải trung thành với Chúa. Những gì tôi đã nói trên đây với anh chị em sắp lãnh nhận bí tích Rửa Tội cũng áp dụng cho anh chị em công giáo đã theo Đạo Chúa từ lâu, và tôi còn muốn nhắc thêm cho anh chị em lời Chúa: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì có ích gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người." (Mc 9,34-38).

3.     Anh chị em lương dân

Bây giờ tôi muốn có đôi lời chia sẻ với anh chị em lương dân. Chắc anh chị em là bạn hữu hay thân nhân của những anh chị sắp lãnh bí tích Rửa Tội hoặc là bạn của một người công giáo và vì tình bạn, anh chị em tới đây. Có nhiều huyền thoại người ta nói mà nói sai về đạo Công Giáo. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về hai điều.

a)     Có người nói rằng Đạo Công Giáo là đạo nước ngoài, không phải đạo của người Việt Nam. Vì vậy, người ta không muốn theo.

Nếu nói theo địa dư thì Đạo Công Giáo phát xuất ở ngoài nước Việt Nam nên có thể nói là đạo nước ngoài. Nhưng đâu  phải chỉ có Đạo Công Giáo mới là đạo nước ngoài. Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ và vào Việt Nam qua hai ngả: Tàu và Cao Miên. Như vậy, đạo Phật cũng là đạo nước ngoài; Khổng giáo và Lão giáo đến từ nước Tàu, cũng là đạo nước ngoài; Hồi giáo đến từ Ả rập Trung Đông cũng là đạo nước ngoài.

Nếu nhìn sâu hơn thì thấy là trong một tôn giáo có hai phần: phần tinh anh là yếu tố thiêng liêng; phần cụ thể là những cách diễn tả yếu tố thiêng liêng. Phần tinh anh thiêng liêng thì không có trong có ngoài. Đâu có một con tim đón nhận thì đó là nhà. Cho dù có phát ngay bên cạnh nhà, mà mình không đón nhận thì vẫn là ở ngoài, là ngoại lai. Còn những diễn tả cụ thể thì mang tính chất văn hóa của người đã sống và truyền cho mình. Do đó, đạo Công Giáo có những cách diễn tả theo văn hóa Do Thái và La-Hy; đạo Phật có những cách diễn tả theo văn hóa Ấn Độ và đạo Phật vào Việt Nam qua ngả Trung quốc thì có thêm những yếu tố văn hóa Tàu. Cứ xem các tượng Đức Phật coi, quần áo của Ngài mặc có gì là Việt Nam không! đạo Khổng và đạo Lão thì có cách diễn tả theo truyền thống Trung quốc…

Nhưng đâu có phải hễ cái gì của nước ngoài là xấu đâu. Ngày nay người ta còn chuộng đồ ngoại nữa là khác. Trong đời thường, đàn ông Việt Nam đi giầy tây, đeo cravatte, đàn bà mặc váy đầm. Những thứ đó đâu có phải của Việt Nam, vậy mà người ta vẫn thích mặc. Dầu sao, mỗi người cần phải diễn tả cái phần thiêng liêng tinh thần của Đạo theo văn hóa của mình. Vì vậy, Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới, ngày từ những thế kỷ đầu, nhưng nhất là trong mấy chục năm vừa qua, đã cố gắng diễn tả Đức Tin theo văn hóa mỗi nơi. Tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo đã có rất nhiều cố gắng từ nhiều thế kỷ để diễn tả Đức tin của mình theo cách thức Việt Nam, chẳng hạn, Dâng Hoa, Vãn Hoa, Thánh Lễ bằng tiếng Việt Nam, các bài hát đạo, các kinh bằng tiếng Việt… Khi tôi đi thăm viếng Thái Lan, một Đức Cha Thái kể với tôi là ngày lễ sinh nhật của Vua Thái, các tôn giáo họp nhau để cầu nguyện cho Vua Thái. Chỉ có người công giáo Thái là cầu nguyện bằng tiếng Thái, còn các tôn giáo khác cầu nguyện bằng tiếng nguyên gốc của tôn giáo đó, không phải là tiếng Thái. Người công giáo bị chê trách là theo Đạo nước ngoài, nhưng lại là những người duy nhất dùng tiếng của mình để cầu nguyện! Hoàn cảnh này, biết đâu cũng chẳng phải là hoàn cảnh Việt Nam?

          b)     Người ta nói là theo Đạo Công Giáo thì bất hiếu vì phải từ bỏ ông bà, cha mẹ

Người ta hay nói là theo đạo phải bỏ Ông Bà. Câu nói này nghe cứ như một truyện huyền thoại, nhưng người ta cứ lặp đi lặp lại mà không kiểm chứng hư thực. Theo Đạo Công Giáo, không những không được bỏ ông bà, cha mẹ, mà đạo hiếu còn là một bổn phận nền tảng được diễn tả bằng nhiều cách.

♣ Đạo Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ

-        Kinh Thánh

Trng Kinh Thángh, có rất nhiều đoạn sách dạy các tín hữu phải thảo kính cha mẹ. Ở đây, chúng ta chỉ trích một đoạn của sách Huấn Ca, được đọc trong phụng vụ ngày lễ kính Thánh Gia Thất: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.  Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.  Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,2-6.12-16).

-        Giới Răn thứ bốn

Đạo Chúa có 10 Giới Răn, trong đó 3 Giới Răn đầu nói về bổn phận đối với Thiên Chúa và 7 Giới Răn sau nói về bổn phận đối với loài người và Giới Răn đầu tiên của 7 Giới Răn này là Giới Răn thứ IV dạy phải “Thảo kính cha mẹ”.

-        Cầu nguyện cho ông bà tổ tiên mỗi ngày

Ngày nào trong Thánh Lễ, linh mục cũng cầu nguyện cho Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời. Trong Thánh Lễ, không những mỗi tín hữu cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình mà cả những anh em công giáo khác cũng cầu nguyện cho tổ tiên ông bà của mình và mình cũng cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ. Như vậy, chữ hiếu của người công giáo được nhân lên gấp nhiều triệu lần.

-        Tháng các Linh Hồn

Mỗi năm Giáo Hội dành trọn tháng 11, gọi là Tháng các Linh Hồn hay Tháng các Đẳng, để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mọi người thân thuộc đã qua đời. Chiều ngày 1 hay 2 tháng 11, nghĩa trang người công giáo rộn ràng như ngày Tết, nhưng cũng linh thiêng và đầm ấm vì tất cả gia đình dắt nhau ra viếng mộ ông bà cha mẹ và đọc kinh cầu nguyện cho các ngài.

-        Những dịp kỷ niệm

Trong năm, vào dịp kỷ niệm của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người công giáo thường xin lễ cầu nguyện cho các ngài.

-        Ngày Mồng Hai Tết

Riêng tại Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục đã quyết định dành ngày Mồng Hai Tết để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Thường tại các giáo xứ, giáo dân tham dự Thánh Lễ ban sáng tại nhà thờ để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ còn sống. Thánh lễ ban chiều, thường được cử hành tại nghĩa trang để cầu nguyện cho tổ tiên và ông bà, cha mẹ đã qua đời. Cũng như ngày mồng 2 tháng 11, vào dịp này, giáo dân tham dự Thánh Lễ rất đông, có khi còn đông hơn ngày mồng 2 tháng 11 vì là ngày nghỉ. Người ta có thể chứng kiến một khung cảnh rất cảm động, linh thiêng và đầm ấm gia đình. Trước Thánh Lễ, con cái, cháu chắt tụ họp chung quanh ngôi mộ của cha mẹ, ông bà cắm hoa, thắp hương và cầu nguyện trước Thánh Lễ.

♣ Đạo Chúa cấm những hành vi, lễ nghi mê tín dị đoan

Giáo Hội cấm những lễ nghi, phong tục tôn kính tổ tiên có tính cách mê tín, dị đoan, chẳng hạn vấn đề dâng cúng đồ ăn cho tổ tiên. Trước đây Giáo Hội cấm hành động này vì trong tâm thức lúc đó, người dân tin là ông bà về ăn và người ta tôn thờ ông bà như một vị thần có quyền ban phát ơn huệ cho con cái, chứ không phải là những vị thánh tốt lành, có thể bầu cử cho con cháu trước Tòa Chúa. Bây giờ tâm thức của dân chúng đã thay đổi. Người ta coi đó là những cách tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Do đó, những nghi thức, phong tục này lại được Giáo Hội cho phép.

Như vậy, Giáo Hội không những không cấm  mà còn khích lệ và bó buộc tỏ lòng tôn kính ông bà tổ tiên. Hơn nữa, trong khi đạo hiếu trong văn hóa Việt Nam đặt nền tảng trên chính tổ tiên, đạo hiếu của người công giáo vươn lên hẳn một bậc: đây là lệnh truyền của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi người, kể cả các tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình.

Giáo Hội chỉ cấm các thái độ, phong tục và hình thức diễn tả mê tín, dị đoan đi ngược lại Đức Tin Công Giáo. Ở khía cạnh này, cũng có thể xảy ra những hiểu lầm về ý nghĩa của những phong tục, lễ nghi. Không những trong quá khứ mà ngay cả trong thời đại này, các ý kiến về ý nghĩa một số phong tục hay nghi lễ cổ truyền theo văn hóa cũng không luôn hòa đồng với nhau.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em. Xin Đức Mẹ là Mẹ các giáo hữu dẫn đàng chỉ lối để những người đã biết Chúa, cảm nghiệm được niềm vui của Đức Tin, biết sống theo luật Chúa và hãnh diện xưng mình là người công giáo. Như vậy, họ sẽ là muối đất, làm cho xã hội được vui tươi và là ánh sáng chiếu soi cõi đời tăm tối hôm nay.

+ Giuse Đinh Đức Đạo

      Giám mục Phụ tá

 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI BÀU HÀM MỘT CƠ HỘI LỚN. Lm Giuse Nguyễn Thái Cường
     Loan báo Tin mừng - những bài học lịch sử
     NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG. Anna Phan Thị Thu
     HAI LỜI DI CHÚC (phần 2). G. Tuấn Anh
     HAI LỜI DI CHÚC. G Tuấn Anh
     Lòng nhân hậu bị xúc phạm. MM Tân, S.J.
     BI KỊCH CỦA NHỮNG CẢNH ĐỜI, TRONG MẦU NHIỆM CUỘC ĐỜI. MM Tân SJ
     NẺO ĐƯỜNG NÀO CHÚA TÌM GẶP CON. MM Tân, S.J.
     HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA CHẠM ĐẾN TRÁI TIM. G. Tuấn Anh
     VINH QUANG TỪ ĐAU KHỔ. Nt. Têrêxa Ngọc Lễ, OP.