Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

CHÚA NHẬT II MV A:

CHÚNG TA CHỜ ĐỢI AI – CHỜ ĐỢI ĐỂ LÀM GÌ?

n.jpgMột trong hậu quả mà ngày nay các nhà phê bình hay lên tiếng trong xã hội đó là tính thụ động. Ngành giáo dục thì tạo ra những học sinh học rất thuộc bài, nhưng lại không có óc sáng tạo, chỉ thụ động ghi chép những gì giáo viên đọc mà không có khám phá cá nhân. Trong các lãnh vực khác cũng thế, thời bao cấp đã để lại một thói quen chờ đợi cấp trên chỉ đạo, bù lỗ, nên các công ty của nhà hước hầu như không mấy công ty làm ăn có lãi. Từ thói quen thụ động đó có khi cũng đang ảnh hưởng trong đời sống đạo, qua việc sống đạo thiếu trưởng thành, giữ đạo theo thói quen theo sự thúc giục, mà thiếu xác tín và quyết tâm cá nhân.

Thưa qúy OBACE, chúng ta đã cùng với Giáo Hội sống tâm tình mùa vọng, thế nhưng nhiều người vẫn không biết mình sống mùa vọng để làm gì, mình chờ đợi ai, chờ đợi điều gì, và mình phải làm gì trong khi chờ đợi?

Giống như một học sinh muốn đậu đại học nhưng lại không ôn luyện, một vận động viên muốn đoạt giải nhưng lại không khổ công rèn luyện, người Do Thái ngày xưa và chính chúng ta hôm nay cũng rơi vào tình trạng thụ động đó. Với  lời hứa từ ngàn xứa, dân Do Thái mong chờ Đấng Cứu thế sẽ đến, nhưng với thời gian lâu dài họ chẳng còn biết Đấng Cứu Thế là ai, Ngài sẽ làm gì cho họ, và chính họ sẽ phải làm gì để đón đợi Ngài.

Bài đọc một tiên tri Isai đã mô tả về dung mạo và sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Ngài sẽ xuất hiện và sẽ đem đến sự đổi mới toàn diện cho nhân loại. Về nguồn gốc nhân loại, vị tiên tri cho thấy Ngài sẽ xuất thân từ gốc tổ Giêse thuộc chi họ Giuda: Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi, từ chồi ấy sẽ trổ sinh một ra một bông hoa. Ngài chính là Đấng đầy tràn Thần Khí của Đức Chúa. Thiên Chúa trang bị cho Ngài Thần khí khôn ngoan và sức mạnh, mưu lược và dũng mãnh, hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Ngài sẽ đem đến cho nhân loại một cuộc sống mới, một tương quan mới, Ngài sẽ xây dựng sự công bình cho mọi dân, bênh vực những người nghèo khổ và đem đến hòa bình cho muôn dân muôn nước. Thời đại hòa bình ấy, không chỉ là sự phẳng lặng bên ngoài, mà điều quan trọng là Ngài sẽ gỡ đi nguyên nhân gây bất hoà và chiến tranh, đó là lòng ích kỷ, sự nhỏ nhen, thù hận và gian ác trong tâm hồn mỗi người, và thay đổi hoàn toàn con người. Vị tiên tri đã dùng một hình ảnh hết sức tươi đẹp để diễn tả về thời đại hòa bình mà Đấng Cứu Thế đem đến, Ngài sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất mọi loài mọi vật: Sói sẽ sống chung với chiên, gấu nằm chung với bò, sư tử cũng ăn rơm ăn cỏ, trẻ con chơi đùa với rắn lục, chúng sẽ không còn gây hại cho nhau.

Với thời gian, Dân Do Thái đã bỏ quên những lời tiên báo ấy, và nay đến thởi kỳ đã định, Thiên Chúa cho Đấng cứu thế là Con của Ngài đến trần gian, thì một lần nữa Gioan Tiền Hô lại được sai đi trước để chuẩn bị tâm hồn mọi người sẵn sàng đón tiếp Đấng Cứu thế. Trước khi dọn đường cho người khác, thì chính Gioan đã chuẩn bị sẵn sàng cho tâm hồn mình bằng một đời sống nhiệm nhặt và thanh thoát, không để mình bị lôi kéo hay lệ thuộc vào những của cải vất chất hoặc lối sống hưởng thụ, tức là một cuộc sám hối thay đổi thật sự từ trong tâm hồn đến đời sống bên ngoài (metanoia). Tin Mừng mô tả cuộc sống của Gioan là một cuộc sống đơn giản và nhiệm nhặt. Trong khi xã hội và mọi người chạy đua để tìm kiếm sự giàu sang danh vọng, thì Gioan chọn sống trong hoang địa, mình mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Điều đó chứng tỏ rằng Gioan không chỉ lo giúp người khác chuẩn bị tâm hồn, mà chính ông đã chuẩn bị cho mình một tâm hồn và đời sống sẵn sàng cho Chúa đến.

Gioan không chỉ là người dọn đường, mà chính ông trở thành “con đường” để qua ông người khác có thể gặp gỡ và đón nhận Thiên Chúa. Chính vì nhìn thấy đời sống và lời rao giảng của ông, kể cả lời răn đe, mà dân chúng đã lũ lượt đến với ông để xin ông làm phép rửa bày tỏ lòng sám hối. Tuy nhiên lòng sám hối phải là một quyết tâm thay đổi sửa chữa lại con người, từ suy nghĩ đến hành động và lối sống, chứ không phải là những hình thức sám hối bên ngoài, càng không phải là một sự tránh né cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Chính vì nhìn thấy sự sám hối giả tạo của những người biệt phái mà Gioan đã không ngại vạch mặt chỉ tên thói giả hình vốn có nơi những người này: Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh hòng tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống?

Điều mà Thiên Chúa mong muốn ở tâm hồn những con người thành tâm hoán cải không phải là những khóc lóc bên ngoài hay mặt mũi ủ dột, nhưng là sự biến đổi từ bên trong và còn phải tích cực hơn nữa đó là phải trổ sinh những hoa trái tốt lành chứng tỏ sự sám hối. Hoa trái tốt lành chính là lòng bác ái, tình yêu thương một cách cụ thể, hay rõ hơn nữa, là Chúa muốn mỗi người bày tỏ lòng sám hối bằng cách, hãy làm việc gì đó cụ thể, thể hiện tình yêu thương đối với Thiên Chúa và với người bên cạnh ngay hôm nay, ngay lúc này. Việc trổ sinh những hoa trái tốt lành phải là hành động phát xuất từ ý thức và quyết định của mỗi người, chứ không thể miễn trừ, cũng không thể cậy dựa vào một người nào khác, cũng không thể nại vào tôi là ông nọ bà kia, tôi là con cháu Apbraham.

Thưa quý OBACE, chúng ta đã bước sang tuần thứ hai Mùa Vọng, nhưng vẫn có nhiều người chưa xác định được mình sống mùa vọng để làm gì, mình chờ đợi ai? Đấng chúng ta đang chờ đợi là Đức Giêsu Kitô đến giải thoát chúng ta, để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, và làm hòa chúng ta với anh em. Vì thế để đón tiếp được Ngài chúng ta cũng cần phải chuẩn bị một con đường cho ngay thẳng, cho thông thoáng để đón tiếp Ngài. Hãy lấp đầy những chỗ gập ghềnh bởi sự quanh co dối trá bằng những việc làm và cuộc sống ngay thằng, hãy bạt thấp những thói kiêu căng ngạo mạn để sống khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và mọi người, đặc biệt Chúa muốn chúng ta trổ sinh hoa quả tốt lành ngay trong gia đình mình. Hãy đem về cho vợ chồng con cái những quả ngọt ngào của tình yêu thương, sự quan tâm và chia sẻ, hãy đem về gia đình mình nhiều hoa trái là ân sũng của Thiên Chúa qua những việc lành hy sinh, qua đời sống đạo đức của cha mẹ.

Noi gương Gioan, hãy trở thành người dọn đường cho Chúa đến với gia đình mình bằng loại bỏ bới những điều không cần thiết, cắt bớt một vài phút xem phim xem tivi, để dành cho Chúa và dành cho gia đình ít phút cho giờ kinh tối mỗi ngày, vì qua những giờ kinh này Chúa sẽ đến với các tâm hồn của mọi người, và Chúa sẽ làm cho các tâm hồn trổ sinh hoa trái yêu thương ấm cúng hạnh phúc cho gia đình. Không chỉ là người dọn đường, mà các gia đình hãy trở thành con đường để Chúa có thể đến được với nhà hàng xóm, đến với người ta chưa biết Chúa. Hãy đem đến cho họ Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu, hãy nói với họ về niềm vui và sự bình an mà chúa đem đến cho nhân loại, và hãy chia sẻ cho họ đức tin của chúng ta.

Lời mời gọi của Gioan hôm nay cũng là lời dành riêng cho các bạn trẻ. Tuổi trẻ luôn bị lôi cuốn để đi tìm điều mới lạ trong cuộc sống, Chuá Giêsu đến Ngài sẽ đem đến cho chúng ta một thời đại mới, thời đại của tình yêu thương tha thứ thay cho hận thù, của nhân ái và bao dung thay cho sự hẹp hòi ích kỷ, hãy đón tiếp Ngài vào tâm hồn, Ngài sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta khỏi sự cằn cỗi của quá khứ và đem đến một sức sống mới. Hãy chuẩn bị bằng cách gỡ bỏ tất cả những chướng ngại, những rào cản còn đang ngăn cách chúng ta với Ngài, để Ngài có thể dễ dàng đến với chúng ta và chúng ta có thể đến với Ngài và qua chúng ta Ngài có thể đến với những người khác nữa. Amen

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Dọn đường cho

một Ðấng Thiên Chúa thánh thiện ngự đến

Suy Niệm:

A. Ðấng Sẽ Ðến

Bài sách Isaia tiếp nối tư tưởng Chúa nhật lần trước: khi Ðấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ phân xử mọi nước và thiết lập thời đại thái bình. Hai tư tưởng này đã được khai triển thêm. Khi xét xử, Ðấng Thiên Sai tỏ ra nhân ái một cách đặc biệt với những người nghèo khó. Còn đối với hạng bất nhân vô đạo, thì hơi thở của Ngài sẽ làm họ tiêu tan. Ðang khi ấy, những nét tả về thời đại thái bình thật là thi vị. Người ta quên sao được hình ảnh: chó sói sống chung với chiên non, sư tử gặm cỏ như bò và trẻ em giỡn với rắn lửa mà chẳng hề chi?

Tuy nhiên chủ yếu của bài sách Isaia hôm nay không nhằm quảng diễn những tư tưởng của Chúa nhật trước. Nhà Tiên tri còn muốn đi xa hơn và nói một cách cụ thể hơn. Ngay những hàng chữ đầu tiên đã đề cập tới "chồi sẽ xuất từ gốc Yêssê"; và câu kết còn nhắc lại danh hiệu ấy. Tức là với bài sách Isaia hôm nay, Phụng vụ muốn cho chúng ta hiểu hơn về Ðấng sẽ đến sau này. Ngài thuộc tộc Yêssê, thân phụ của Ðavít. Ngài sẽ là "Con Vua Ðavít". Ngài sẽ đến đầy Thánh Linh, đến nỗi không nơi nào trong Kinh Thánh nói đến bảy ơn Chúa Thánh Thần như trong đoạn Isaia này. Ngài sẽ xét xử mọi người, và rộng rãi cách đặc biệt với người nghèo khó. Ngài sẽ lập thời đại thái bình và muôn dân sẽ đến thỉnh ý Ngài.

Nhưng người nào trong tộc Ðavít sẽ là Ðấng Thiên Sai? Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho dân Israel. Họ tuốn đến với ông. Họ xin ông làm phép rửa cho họ. Họ chấp nhận cả những lời khiển trách nặng nề. Nhưng Gioan vẫn chưa bằng lòng. Ông bảo mọi người phải thống hối thêm, để chịu được phép Rửa bởi Thánh Thần và bằng lửa. Chịu rửa bằng nước chưa phải là khó. Chịu rửa bằng lửa sẽ đau đớn hơn vì lửa mới làm cho những dơ bẩn ở trong chảy ra, đang khi nước chỉ rửa được những bụi bặm bám ở ngoài. Thế mà Ðấng sẽ đến là Ðấng đầy Thánh Thần. Ngài còn khỏe hơn Gioan, tức là đầy Thần lực hơn, đầy thánh thiện hơn, đầy đòi hỏi hơn. Ngài sẽ quan sát mọi người và thấu đạt tâm can như người sàng thóc hay rê lúa. Không ai lọt được sự phán xét của Ngài.

Như vậy cả bài tiên tri Isaia, cả bài Tin Mừng Matthêô đều muốn cho chúng ta hiểu hơn về Ðấng sẽ đến. Ngài sẽ là Ðấng xét xử mọi người. Ðó là viễn tượng về ngày thế mạt hơn là về ngày Giáng sinh. Chủ yếu của Mùa Vọng vẫn là hướng lòng ta về Ngày Con Người sẽ đến trong những ngày sau hết. Tuy nhiên Mùa Vọng cũng hướng ta nhìn vào Ngày Chúa Giáng sinh như tương lai gần, để chuẩn bị tương lai cuối cùng. Và chúng ta cũng phải nhìn thấy việc Chúa sinh ra như để phán xét mọi người.

 B. Ðấng Phán Xét

Nhiều người thường nghĩ chỉ có phán xét khi linh hồn lìa xác về trước Tòa Chúa và đặc biệt lúc sống lại sau hết, mọi người sẽ phải trình diện trước mặt Ðấng Chí Công. Nhưng không phải. Cả Isaia, cả Gioan không nghĩ như vậy đâu. Theo các ngài, khi Ðấng Cứu Thế đến, dù là đến trong thế gian để làm công việc cứu chuộc, Ngài đã là Ðấng Thẩm Phán Chí Công rồi. Cụ già Simêon chia sẻ quan niệm đó. Nhìn thấy Hài Nhi ở trong Ðền thờ, ông đã cất tiếng loan báo: Trẻ này sẽ làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy, nghĩa là hư đi hay được cứu rỗi. Và thật sự hễ Ðức Kitô đến nơi nào là ở chỗ đó có người tin theo và có người chống đối. Giáo lý Người truyền ra tức khắc làm cho nhiều kẻ thấy chói tai và nhiều người khác đón nhận như tin mừng cứu rỗi. Ở nơi thân mật với các Tông đồ, Ngài đã khiến Yuđa trở thành tên phản phúc và các người dân chài kia trở nên kẻ đi chài lưới người. Ở nơi công cộng trên đỉnh đồi Núi Sọ, Ngài cũng làm cho một tên trộm phải lộng ngôn, đang khi người trộm khác được vào nơi an nghỉ. Ðấng Thiên Sai là Ðấng Xét Xử. Bản chất Ngài là vậy, vì như Isaia và Gioan đã nói: Ngài là Ðấng đầy Thánh Linh. Mà Thánh Linh là tình yêu. Ðấng Thiên Sai mang tình yêu Thiên Chúa nhập thế giáng trần vì Chúa Cha đã yêu loài người đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho ta. Ðức Kitô là Tình Yêu của Chúa Cha gửi đến cho loài người. Và tình yêu không chấp nhận dửng dưng. Người ta chỉ có thể đáp trả lại bằng yêu thương hay bằng từ khước, vì dửng dưng đã là từ khước rồi.

Thế nên, đang khi dọn mình mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận Ðấng đến để phán xét, để phân biệt những người yêu mến Người và những kẻ từ chối Người. Và như vậy cũng là sẵn sàng để đón nhận Ðấng sẽ đến phán xét sau này. Chúng ta phải biết ơn Isaia và Gioan. Cả hai đã cho chúng ta hiểu điều đó. Có điều hai ông dường như mâu thuẫn với nhau: Isaia nói đến một Ðấng phán xét dịu dàng, còn Gioan lại trình bày Ngài như người sàng thóc, để bỏ trấu vào lửa. Dung hòa hai ông thế nào? Chúng ta phải nghe ai?

 C. Thái Ðộ Ðạo Ðức

Thật ra, như lời thư Rôma nói, mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta. Thế nên ta không tìm cách bỏ mất điều nào. Ðấng phán xét của Isaia sở dĩ sẽ phân xử công minh cho người hèn yếu và đoán định ngay chính cho kẻ nghèo hèn, là vì Ngài không phân xử theo mã mắt thấy hay đoán phỏng chừng tai nghe. Ngài thắt đai lưng bằng công chính và nịt hông bằng tín thành. Nghĩa là Ngài là Ðấng chính trực và thông suốt. Ðứng trước một Ðấng Thiên Chúa thánh thiện như vậy, và nhất là phải dọn đường cho Ngài tới giữa một dân tộc còn nhiều tội lỗi, Gioan không thể làm khác hơn là kêu gọi người ta ăn năn thống hối. Ông là người tiên tri Isaia đã ám chỉ. Ông tiếp nối sứ mệnh của Isaia. Nhà tiên tri đã báo trước rất xa về Ðấng xét xử sẽ đến. Gioan biết Ðấng đó đã gần đến rồi. Chính ông đã phải sống cuộc đời tu hành khắc khổ với thức ăn, áo mặc khác thường để mong được cứu độ. Lời ông giảng phát xuất từ đời sống chân thật, khiến người nghe chấp nhận như lẽ đương nhiên phải vậy. Chúng ta không thể nói ông đòi hỏi hơn Isaia hay một tiên tri nào khác. Cả ông lẫn Isaia chỉ nói lên một sự thật: Ðấng đang đến sẽ xét xử rất công mình. Thế nên ai nấy hãy thống hối tội lỗi.

Thánh Phaolô không những được kinh nghiệm của Isaia và của Gioan, ngài còn đã được biết về cuộc đời của Ðức Yêsu. Ngài thấy các việc lành Cựu Ước dạy làm chưa đủ để giúp ta được ơn thánh hóa. Các của lễ đền tội ngày xưa không đủ sức xóa bỏ tội lỗi. Duy chỉ có lòng thương xót của Chúa. Việc ta thống hối tội lỗi vẫn cần, nhưng tha thứ vẫn là hành vi hoàn toàn quảng đại của Chúa. Mà rõ ràng Chúa muốn quảng đại. Chúa muốn cứu cả giới cắt bì lẫn lương dân. Ngài muốn thi hành lòng thương xót cho mọi người miễn là người ta muốn nhận lòng thương xót. Chỉ ai muốn tha thứ mới đón nhận ơn tha thứ. Có tìm được mảnh đất thích hợp, ơn Chúa mới kết quả như hạt giống rơi vào đất tốt. Thế nên trong ngày Phụng vụ giới thiệu cho ta biết, Ðấng sẽ đến là Ðấng đến để xét xử, thì không những Giáo hội muốn cho ta thi hành việc thống hối tội lỗi; nhưng để chắc chắn nhận được ơn cứu độ thứ tha, dùng lời thánh Phaolô, Giáo hội khuyên ta hãy có thái độ chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau và sống thuận hòa với nhau. Bức họa về thời đại thái bình trong bài sách Isaia thúc giục chúng ta xây dựng một nếp sống xã hội thuận hòa để chứng tỏ Nước Chúa đã đến giữa chúng ta và chúng ta sẵn sàng cho Ngày Ngài trở lại.

Chúng ta sẽ sống thuận hòa trong mọi ngày chờ đón Chúa đến. Chúng ta cần tinh thần hòa thuận ngay trong lúc này để đi vào Thánh Lễ, vì nếu khi mang lễ vật tới bàn thờ mà nhớ đang còn xích mích với ai, hãy đặt của lễ đó, về làm hòa đã rồi sẽ trở lại dâng của lễ sau. Xin Chúa cho tâm hồn chúng con được thật sự bình an để dâng lễ vật này. Nghĩa là xin Chúa tha thứ những nỗi bất hòa giữa chúng con, để hôm nay dâng lễ vật bình an này về, chúng con sẽ nỗ lực xây dựng xã hội thuận hòa để chờ đón Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

HÃY SINH HOA QUẢ XỨNG VỚI LÒNG SÁM HỐI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 3,1-12

(1) Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: (2) “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (4) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? (8) Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. (9) Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham”. Vì tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân. Thóc mẩy thì cho vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay tường thuật sứ mạng tiền sứ của Gio-an Tẩy Giả. Ông chính là “Tiếng hô trong hoang địa kêu gọi người ta dọn đường đón Đấng Thiên Sai”. Ông đã thi hành sứ mạng bằng một lối sống khổ hạnh, nên được dân chúng tín nhiệm và kéo đến nghe giảng, thú tội và chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Ông kêu gọi sự sám hối thực sự, tránh thói đạo đức giả và loan báo về sứ mạng của Đấng Thiên Sai sắp đến.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Ông Gio-an Tẩy Giả: Là con trai của tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Gio-an là tên mà sứ thần đã đặt cho khi hiện ra với cha của ông là Da-ca-ri-a trong Đền Thờ (x. Lc 1,13). Gio-an là anh họ của Đức Giê-su và lớn hơn Người sáu tháng tuổi (x. Lc 1,36). Ông được đặc ân khỏi tội tổ tông truyền biểu hiệu qua việc nhảy mừng trong dạ mẹ, khi bà nghe lời chào của Đức Ma-ri-a đang cưu mang thai nhi Giê-su đến viếng thăm (x. Lc 1,44). Ngay từ nhỏ Gio-an đã ẩn mình trong hoang địa. Trước khi Đức Giê-su ra giảng đạo, ông đã đến rao giảng tại vùng sông Gio-đan và làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối dọn lòng đón Đấng Mê-si-a hay Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Lc 3,3-6). Cuối cùng ông đã bị vua Hê-rô-đê giết chết vì đã dám đứng ra ngăn cản nhà vua lấy bà chị dâu làm vợ (x. Mt 14,3-12). + Đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê: Đây là vùng đồi núi khô cằn phía Nam thành Giê-ri-khô, cách Biển Chết 6 cây số. + Anh em hãy sám hối: Sám hối (Mê-ta-noi-a) nghĩa là: nghĩ lại, thay đổi ý kiến, hoán cải, thay đổi hoàn toàn con người từ nội tâm đến cách sống để trở về với Thiên Chúa. +Vì Nước Trời đã đến gần: Nước Trời hay Nước Thiên Chúa (trong các Tin Mừng khác). Đây là kiểu nói tránh nêu thánh danh Thiên Chúa. Người Do thái thời Đức Giê-su đang mong đợi Đấng Mê-si-a đến thiết lập một Nước Trời mang tính thế tục. Ở đây Gio-an kêu gọi dân chúng sám hối để chuẩn bị gia nhập Nước Trời thiêng liêng do Đấng Mê-si-a sắp đến sẽ thiết lập. + Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới…: Ngôn sứ I-sai-a sống vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Ngôn sứ này đã tuyên sấm về thân thế, nơi sinh và triều đại của Đấng Thiên Sai. Lời tuyên sấm của I-sai-a (40,3-5), gợi lại cuộc giải phóng và hồi hương của người Do thái từ xứ Ba-by-lon. Lời này được một ngôn sứ vô danh loan báo sắp xảy ra như một cuộc Xuất Hành thứ hai của dân Do thái. Lời tuyên sấm ấy được ứng nghiệm nơi Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su.

- C 4-6: + Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà: Cách ăn mặc của Gio-an giống như ngôn sứ Ê-li-a (x. 2V 1,8). Ông có sứ mạng tiên báo về “Ngày của Thiên Chúa” sắp đến (x. Mt 3,1-23). + Ông làm phép rửa cho họ: Thời bấy giờ, người Do thái đã quen với các nghi thức tự mình thanh tẩy theo tục lệ và Lề luật. Ở đây Gio-an cử hành nghi thức thanh tẩy bằng nước cho những ai đến nghe giảng để bày tỏ lòng sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Mê-si-a sắp đến. Phép rửa của Gio-an chỉ là một nghi lễ biểu lộ lòng sám hối, chứ không tha tội như bí tích Rửa tội do Đức Giê-su thiết lập sau này.

- C 7-9: + Phái Pha-ri-sêu: Pha-ri-sêu hay Biệt phái là một nhóm người có khuynh hướng duy linh, ái quốc quá khích, nhiệt tình với Luật Mô-sê và tuân giữ nhiều luật truyền khẩu. Về đời sống luân lý và đạo đức, họ thường chú trọng hình thức bên ngoài. Về mặt chính trị, họ là những kẻ thù của đế quốc Rô-ma, nên được dân chúng dành cho nhiều thiện cảm. + Phái Xa-đốc: Xa-đốc hay Văn nhân là nhóm người xu thời và phóng khoáng, không nhìn nhận truyền thống mà chỉ tuân giữ Lề luật. Họ theo khuynh hướng duy vật, thích văn hóa Hy-lạp. Họ giữ địa vị cao trong hàng hàng giáo phẩm và thường là người giàu có, nên dù chỉ là thiểu số nhưng họ rất có thế lực. Họ ủng hộ chính quyền Rô-ma, nên bị dân chúng không ưa. + Nòi rắn độc kia: Trong Kinh Thánh, loài rắn đồng nghĩa với sự xảo trá lọc lừa (x St 3,1). + Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống: Theo các ngôn sứ, cuộc chung thẩm và báo oán sẽ xảy ra khi thời đại của Đấng Mê-si-a bắt đầu. Lúc đó, mọi kẻ tội lỗi đều bị loại khỏi Nước của Đấng Mê-si-a (x. Is 30,27-33). Ông Gio-an tiên báo vị thẩm phán thời cánh chung sẽ đến trong uy quyền, đang khi Đức Giê-su lại xuất hiện như một người tôi tớ hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 12,18-21). + Sinh hoa quả xứng với lòng sám hối: Việc ăn năn sám hối trong lòng phải được chứng minh bằng những việc làm bác ái cụ thể. + Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham: Áp-ra-ham sống vào thế kỷ 20 trước Công Nguyên. Ông là tổ tiên của người Do thái và tên ông nghĩa là “Cha của những kẻ tin vào Đức Chúa”. Người Do thái cho rằng chỉ cần là con cháu của Áp-ra-ham là đương nhiên được cứu độ như lời Đức Chúa đã hứa (x. Lc 1,55). Nhưng họ đã lầm, vì để được cứu độ người ta còn phải tuân phục thánh ý Thiên Chúa nữa (x. Mt 8,11). + Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham: Thiên Chúa sẽ chỉ ban ơn cứu độ cho những ai có lòng ăn năn sám hối.

- C 10-12: + Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Trong Cựu Ước, cây là hình ảnh ám chỉ các dân tộc (x. Is 6,13). Cái rìu để sẵn gốc cây nhằm diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa dành cho dân Do thái đã sắp xảy ra. + Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước…: Gio-an đã cho thấy sự khác biệt giữa mình với Đấng Thiên Sai như sau: Một là ông chỉ làm phép rửa bằng nước sông để khơi dậy nơi người chịu phép tâm tình sám hối, còn Đấng Thiên Sai sẽ thanh tẩy người ta nhờ ơn của Chúa Thánh Thần và lửa tin yêu. Hai là ông chỉ là người có thân phận thấp kém đang khi Đấng Thiên Sai lại mang thân phận cao quý. Ba là ông chẳng có quyền hành gì, đang khi Đấng Thiên Sai có quyền xét xử để thưởng người lành và phạt kẻ dữ. + Tay Người cầm nia…: Các ngôn sứ Cựu Ước thường diễn tả ngày tận thế bằng hình ảnh của một người đang sàng sảy sân lúa của mình (x. Is 9,2). Ở đây vai trò của Đấng Thiên Sai được diễn tả như ông chủ trong dụ ngôn Nước Trời giống thửa ruộng có pha lẫn cỏ lùng (x. Mt 13,30).

4. CÂU HỎI:

1) Gio-an Tẩy Giả là ai ? 2) Sứ mạng của ông là gì ? 3) Phái Pha-ri-sêu khác với phái Xa-đốc ở những điểm nào ? 4) Áp-ra-ham là ai ? Điều kiện để được ơn cứu độ là gi ? 5) Gio-an so sánh sự khác biệt giữa ông với Đấng Thiên Sai thế nào về phép rửa, thân thế và quyền năng ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).

2. CÂU CHUYỆN: SÁM HỐI CÓ SỨC HÓA GIẢI THÙ HẬN:

GIĂNG-KAI (Zenkai) là một thanh niên Nhật bản khỏe mạnh, là con trai của một gia đình Công giáo. Anh đến thành phố Ê-đô lập nghiệp. Anh được nhận làm cận vệ cho một quan chức cao cấp của thành phố này. Giăng-kai đem lòng yêu cô vợ trẻ của ông chủ và rồi “cây kim lâu ngày cũng lộ ra”, một hôm ông chủ đã bắt gặp hai người phạm tội thông dâm với nhau. Đang lúc nóng giận, ông đã thách đấu kiếm với Giăng-kai. Trong cuộc đọ sức, Giăng-kai khỏe và tài giỏi hơn nên đã đâm ông chủ một nhát trúng ngực và ít ngày sau thì ông qua đời, để lại một đứa con trai mới được 7 tuổi. Giăng-kai đem bà vợ ông chủ đi chạy trốn. Hai người đến một vùng đồi núi hẻo lánh và phải sống những ngày nghèo khổ đói khát, nhiều khi phải đi trộm lương thực của dân địa phương ăn cho đỡ đói. Nhưng khi sống gần nhau, Giăng-kai mới phát hiện ra người phụ nữ trẻ đẹp kia chỉ là một mụ đàn bà lăng loàn trắc nết. Nhiều lần chị ta đã nặng lời mắng chửi Giăng-kai và sau cùng đã bỏ rơi anh để theo làm hầu thiếp cho một người giàu có thế lực trong vùng. Anh cảm thấy buồn bã không thiết đến ăn uống. Càng suy nghĩ anh lại càng thấm thía cho tình đời đen bạc. Rồi anh quyết tâm sám hối bằng việc dành trọn quãng đời còn lại làm một công việc nào đó hữu ích để chuộc lại phần nào tội lỗi của mình.

Một hôm thấy trên sườn núi gần nơi đang ở có một đường đèo lồi lõm trơn trượt rất nguy hiểm cho người qua lại. Nhiều người đã bị té xuống vực sâu chết thảm khi đi qua đoạn đường này. Anh quyết định sẽ đào một con đường hầm xuyên qua núi để giúp người ta khỏi bị tai nạn tương tự. Ban ngày anh vào làng làm thuê kiếm sống. Đêm đến anh đốt đèn và miệt mài đào hầm xuyên qua vách núi. Mười ba năm sau, khi Giăng-kai được 40 tuổi, thì con đường hầm đã gần hoàn tất. Ước tính chỉ hai năm nữa là anh sẽ hòan thành đường hầm. Ngày nọ, đứa con trai của ông chủ cũ giờ đây đã trở thành một trang thanh niên 20 tuổi khỏe mạnh tìm đến gặp Giăng-kai và đòi thách đấu để trả thù cho cha. Giăng-kai đồng ý nhưng yêu cầu hoãn lại 2 năm để có thời giờ hoàn thành tâm nguyện và được anh kia đồng ý. Rồi khi thấy Giăng-kai hằng ngày phải làm việc quá vất vả, anh ta đã tình nguyện giúp một tay cho công việc chóng xong hầu sớm trả thù cho cha. Nhưng trong thời gian làm việc chung, chàng thanh niên rất khâm phục trước dũng khí và sự chuyên cần của kẻ thù đã giết cha. Cuối cùng thì công việc đào hầm cũng xong và dân chúng hai bên đã có thể qua lại cách an toàn. Bấy giờ Giăng-kai nói với chàng thanh niên: “Tâm nguyện của ta đã hoàn tất. Vậy anh hãy lấy đầu của ta để báo thù cho cha anh”. Nhưng chàng thanh niên kia đã nghẹn ngào xúc động nói: “Bây giờ làm sao con có thể giết chết thầy được, khi mà thầy đã thật lòng sám hối và đã làm được một việc lớn lao như thế kia để đền tội ?”.

Chính tinh thần sám hối và sự quyết tâm làm việc thiện của Giăng-kai đã có sức mạnh cảm hóa và biến một kẻ vốn là kẻ thù trở thành bạn hữu của mình. Một con người mang tâm trạng thù hận mà còn mủi lòng trước sự thành tâm sám hối như vậy, phương chi Thiên Chúa lại chẳng đoái thương tha thứ và ban ơn cứu độ cho những tội nhân thật lòng sám hối hay sao?

3. SUY NIỆM:

1) “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”:

Đây là lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả trong hoang địa miền Giu-đê. Sứ mạng tiền hô cho Đấng Thiên Sai của Gio-an đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm như sau: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Ông mang dáng vẻ của ngôn sứ Ê-li-a ngày xưa qua việc mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng giống Ê-li-a.

Nội dung những điều Gio-an Tẩy Giả loan báo đã được Tin Mừng Mát-thêu tóm lại như sau: Hãy chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Thiên Sai sắp đến thiết lập Nước Trời. Đấng ấy sẽ là vị Thẩm Phán công minh tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, giống như người nông dân phân biệt thóc mẩy với thóc lép: “Thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa mà đốt đi” (Mt 3,12). Người sẽ thanh tẩy người ta nhờ quyền năng Thánh Thần và trong lửa tin yêu như trong ngày lễ Ngũ Tuần sau này. Muốn được ơn cứu độ thì ngay từ bây giờ người ta phải thực lòng sám hối ăn năn.

2) Phải thực lòng sám hối bằng việc sinh quả tốt:

Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông Gio-an. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến xin chịu phép rửa, Gio-an đã nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Gio-an biết việc đến xin chịu phép rửa chỉ là “cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống” mà thôi, chứ bọn người này không thực lòng sám hối.  Họ coi phép rửa của ông Gio-an chỉ là một nghi thức để tránh bị Thiên Chúa trừng phạt.  Thái độ trọng hình thức bề ngoài là căn bệnh cố hữu của những người Pha-ri-sêu và Xa-đốc vốn tự coi mình là người công chính!  Gio-an đã nghiêm khắc cảnh cáo họ như sau: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10).

Thực ra Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su không phải là vị Thẩm phán ưa trừng phạt như Gio-an đã rao giảng, nhưng lời kêu gọi sám hối của ông vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay các tín hữu chúng ta cũng không sám hối do sợ hãi, nhưng sám hối nhờ tin vào tình thương của Đức Giê-su là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Mùa Vọng là thời kỳ thôi thúc chúng ta sám hối để chờ đón Đấng Thiên Sai sắp đến. Đức Giê-su đã đến trong âm thầm ở Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm, và Người sẽ lại đến vào ngày tận thế để phán xét nhân loại. Ngày nay Người vẫn đang đến với mỗi người chúng ta qua bí tích Thánh Thể và trong các biến cố may rủi xảy ra trong cuộc đời chúng ta.

3) Sám hối là giao hòa với Thiên Chúa và hòa giải với tha nhân:

- Sám hối thực sự là ăn năn vì đã làm những điều xấu khiến khuôn mặt Đức Giê-su trở nên méo mó trước mặt thế gian. Sám hối đòi mỗi người tự vấn lương tâm về lời nói việc làm đã gây ra sự thù oán với người khác, về những hành động thiếu khoan dung đã xử với đồng loại. Sám hối là khiêm tốn nhận phần trách nhiệm của mình trước bao cái xấu cái ác đã và đang xảy ra trên thế giới hôm nay. Một tín hữu có lòng sám hối ăn năn thực sự chính là bước đầu để nên hoàn thiện. Một Hội Thánh can đảm sám hối, dám nhìn nhận phần thiếu sót của mình trong lịch sử là dấu chỉ Hội Thánh ấy đang quyết tâm vươn tới sự thánh thiện thực sự.

- Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gio-an đã kéo chúng ta ra khỏi thái độ tự mãn của người Pha-ri-sêu xưa khi ông nói: “Đừng tưởng có thể nghĩ rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 3,8). Cũng vậy, người tín hữu hôm nay đừng nghĩ rằng khi chịu phép rửa tội trở thành người công giáo là đương nhiên sẽ được vào Nước Trời, đừng tưởng rằng cứ đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật theo luật buộc, cứ đọc kinh lần hạt hằng ngày cách máy móc là đương nhiên sẽ được hưởng ơn cứu độ. Hôm nay Gio-an dạy chúng ta: muốn được vào Nước Trời thì điều quan trọng nhất là phải nhìn nhận tội lỗi của mình để giao hòa với Thiên Chúa, và phải “sinh quả tốt” là làm các việc lành. Trong ngày phán xét, Vua Thẩm Phán sẽ xét xử chúng ta không dựa trên đức tin hình thức nhưng trên đức tin thực sự biểu lộ qua đức ái cụ thể. Bấy giờ Vua Thẩm Phán sẽ nói với những kẻ không làm việc lành như sau: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn, Ta khát các ngươi đã không cho uống. Ta là khách lạ các ngươi đã không tiếp rước, Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom” (Mt 25,41-43).

 4) Sám hối đòi phải quyết tâm hoán cải cụ thể:

Trong những ngày Mùa Vọng này, ngoài việc tham dự các buổi tĩnh tâm Mùa Vọng và lãnh bí tích giao hòa để dọn tâm hồn mừng Chúa Giáng Sinh, mỗi người chúng ta còn phải hoán cải đời sống cách cụ thể bằng việc quyết tâm tu sửa một thói hư đang mắc phải như: hạn chế uống rượu say sưa, bớt hút một điếu thuốc để dành tiền cho người nghèo; Kiềm chế tính nóng giận, đi lễ trước giờ cử hành 5-10 phút, mỗi ngày làm ít nhất một việc tốt phục vụ tha nhân… để cuộc đời chúng ta ngày một nên tốt hơn hầu xứng đáng được hưởng ơn cứu độ như lời Gio-an rao giảng.

4. THẢO LUẬN:

1) Hiện nay bạn thấy Giáo xứ, Hội đoàn hay Gia đình của bạn có điều gì chưa phù hợp với đòi hỏi bác ái yêu thương của Đức Ki-tô, và nên cớ cho lương dân khinh thường đạo Chúa không ? 2) Hiện giờ bạn thấy mình cần cấp thời hoán cải và canh tân điều gì trong những ngày Mùa Vọng này ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sám hối không phải là điều dễ làm, vì chúng con thường không đủ khiêm tốn để nhìn nhận lỗi lầm của mình. Xin cho chúng con biết dũng cảm điều chỉnh những sai lỗi, luôn tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng về sự thánh thiện của mình và tránh thói đạo đức giả hình của người Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc xưa đã bị ông Gio-an nặng lời quở trách.

- LẠY CHÚA. Con cảm thấy những lời quở trách của Gio-an trong Tin Mừng hôm nay rất phù hợp với thực trạng tâm hồn con. Nhiều lần con cũng tự mãn về lòng đạo đức hình thức và nghĩ mình đáng hưởng ơn cứu độ. Thực ra muốn được Chúa ban ơn cứu độ, ngòai việc cầu nguyện dự lễ, con còn cần phải hồi tâm sám hối tội lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống để nên giống Chúa hơn. Xin cho con trong Mùa Vọng này quyết tâm phát sinh trái tốt bằng việc tập làm các việc tốt ngược lại thói xấu con đang mắc phải như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” để xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng năm A: Hãy dọn đường cho Chúa! Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN NĂM C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Thứ 2 sau Chúa Nhật thứ II Thường Niên Năm C: CHÚA KITÔ NGUYÊN LÝ SỰ HIỆP NHẤT. Minh Thùy
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG.Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG.Lm. Phaolô Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG. Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG – C. Nt. Maria Chinh Anh. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG NĂM C: ƠN THA THỨ và NIỀM TIN CỘNG ĐỒNG
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C. Nhiều Tác Giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông