Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH:

TÌM CHÚA VÀ GẶP CHÚA

hi.jpgKính thưa quý OBACE,

Trên trang BBC có bài viết với tựa đề Loạn thờ cúng ở Việt Nam, phản ánh một thực trạng trong người Việt đang bị trống rỗng về đời sống tâm linh bởi chủ nghĩa vô thần, nhiều người đã không biết tin ai thờ ai, và vì thế gặp đâu thờ đấy, tiện đâu cúng đấy theo kiểu có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Việc cúng bái tin kiêng không chỉ ở nơi những người bình dân, mà đa số cán bộ quan chức, dù cho mình là người vô thần, nhưng họ vẫn công khai cúng bái để cầu xin thăng quan tiến chức. Vào những mùa lễ hội, các quan chức nườm nượp đến những nơi được coi là linh thiêng để cầu tài cầu lộc. Đàng khác, về phía chính quyền, họ cũng tạo dựng nên những khu vực mang tính tâm linh, các thứ đền thờ, dựng chùa ở các khu du lịch, dựng đền thờ Hồ Chí Minh ở nhiều nơi để lấp đầy khoảng trống tâm linh trong con người, biến những người này thành một thứ thần thánh.

Theo một thống kê gần đây cho biết Việt Nam dân số hiện nay là 90 triệu. Công giáo chiếm 7%, Tin lành 2%, Phật giáo 10%, các tôn giáo khác 5%, những người tuyên bố là vô thần 5%. Như thế còn hơn 60% người Việt nam vẫn chưa biết tin ai thờ ai, họ chỉ thờ Trời, theo đạo ông bà.

Nhìn vào những con số thống kê như thế, trong ngày lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân hôm nay, chúng ta tự hỏi: Tại sao đã hơn 2000 năm qua Thiên Chúa đã đến, đã tỏ mình ra cho muôn dân, mà dân tộc chúng ta vẫn còn nhiều người chưa hề nghe nói gì về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế ?  Mừng lễ Chúa tỏ mình cho các đạo sĩ Phương Đông, chúng ta tạ ơn Chúa vì chúng ta là những người Phương Đông đã được nhận biết Chúa, nhưng chúng ta cũng cảm thấy có trách nhiệm với những người chưa được biết Chúa, cảm thấy thao thức để đem Chúa đến cho họ.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta trang trí Giáng Sinh bằng nhiều bóng đèn lấp lánh, việc trang trí ấy còn để nói lên ý nghĩa của việc Thiên Chúa Giáng sinh, Ngài là đấng đem đến cho nhân loại ánh sáng, niềm vui và hy vọng. Ánh sáng ấy là ánh sáng của ơn cứu độ, là ánh sáng dẫn đường đưa con người đến hạnh phúc đích thực. Ánh sáng ấy như bình minh ló rạng từ nơi hang đá Belem, mà tiên tri Isai đã nhìn thấy trước và reo lên: Hãy đứng lên, hãy bừng sáng lên Giêrusalem, vì ánh sáng của ngươi đã đến, và vinh quang của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa trên ngươi….Chư dân sẽ tìm về ánh sáng của ngươi.

Tiên tri Isai cũng đã thấy hoàn cảnh của chư dân lúc đó không khác gì hoàn cảnh dân tộc Việt nam, họ như những con người lầm lũi bước đi trong bóng tối, không có ánh sáng dẫn đường, họ bị trống rỗng thiếu vắng trong đời sống tâm linh, họ cũng rơi vào tình trạng loạn thờ cúng… thì với việc xuất hiện của đấng Cứu Thế, Ngài đem đến cho họ một con đường sáng, con đường hy vọng hạnh phúc, và muôn dân khi thấy thế, đã tuôn đến với Đấng là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ.

Thánh Matthew đã thấy tất cả những gì tiên tri Isai loan báo nay đã ứng nghiệnm qua biến cố Giáng sinh của Hài nhi Giêsu. Các đạo sĩ đại diện cho các nhà thông thái là những người đầu tiên háo hức lên đường tìm kiếm. Để có thể đón nhận được ánh sáng đức tin, các đạo sĩ phải bước vào một hành trình lên đường tìm kiếm. Điều đó cũng cho thấy, sự tiến bộ của khoa học, tri thức, kiến thức, trình độ không thể lấp đầy được những khao khát tâm linh của con người, khoa học không giải quyết được các vấn đề của con người, mà chỉ có nơi Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn các khao khát ấy.

Lên đường tìm kiếm đức tin là một hành trình đầy thử thách, đòi các đạo sĩ phải từ bỏ những thói quen cũ và nếp sống yên ổn vốn có của mình, để dấn bước vào một hành trình mới. Lên đường là ra khỏi sự an toàn của mình để chấp nhận một sự phiêu lưu và nguy hiểm, nguy hiểm bởi hành trình xa, bởi sự tấn công từ bên ngoài và kể cả sự mệt mỏi từ bên trong con người. Hành trình tìm kiếm Chúa của các đạo sĩ không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì có lúc họ rất phấn khởi vì có ngôi sao dẫn đường, song cũng có không thiếu những lúc ngôi sao dường như biến mất, khiến cho họ rơi vào tình trạng giằng co giữa tiến và lui. Thế nhưng những đạo sĩ đã không nản chí, các ông đã chấp nhận nguy hiểm để vào hỏi thăm tin tức tại ngay cung điện của vua Hêrôdê. Các ông thừa biết rằng vào cung điện để hỏi thăm về một vị vua khác như thế là rất nguy hiểm, nhưng vì sự thôi thúc của Vua mới sinh nên các ông đã vào gặp Herode để tìm cho bằng được. Cũng tại nơi đây họ được các kinh sư nhắc đến lời Kinh thánh chỉ cho biết Đấng Cứu thế sinh tại Belem đất Giuda, và thế là họ lại phấn khởi lên đường.

Đến nơi ngôi sao đã dừng lại, các đạo sĩ không hề thấy vẻ huy hoàng tráng lệ của một cung điện, hài nhi bé nhỏ cũng không hề có được sự chăm sóc như là một vị quân vương, trái lại họ chỉ thấy một khung cảnh gia đình đơn sơ thánh thiện, họ gặp Hài nhi và thân mẫu Người. Thế nhưng trong khung cảnh hết sức bình thường ấy các đạo sĩ đã tin Hài nhi kia là Đấng Cứu thế, là vị vua vũ trụ, và vì tin các ông đã sấp mình thờ lạy Ngài. Khi đã gặp được Hài nhi và đã tin, các đạo sĩ đã không còn nghĩ gì đến bản thân, mà các ông đã lấy tất cả tài sản quý giá mà các ông mang theo cho hành trình của mình để dâng cho Hài nhi: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Tin Mừng Matthew còn nhấn mạnh: Sau đó họ được báo mộng là không trở lại với Herode nữa, nhưng theo một đường khác để về xứ sở mình. Vì một khi đã gặp được chúa, là được biến đổi, và khi đã có Chúa, thì các đạo sẽ không quay lại với những con người ác độc nữa, và cũng không đi theo con đường tăm tối cũ nữa, mà các đạo sĩ đã đi theo một con đường mới, con đường của ánh sáng của niềm vui và hy vọng. Con đường này sẽ đưa các ông bước vào một hành trình mới đó là hành trình sống và loan báo cho mọi người về những gì các ông đã thấy, về đức tin các ông đã lãnh nhận, về niềm vui và hy vọng mà các ông đang được hưởng.

Thưa quý OBACE, hành trình và sự biến đổi của các đạo sĩ ở Đông phương khi tìm gặp Hài nhi Giêsu cũng phải là hành trình của mỗi người chúng ta. Chúng ta được biết Chúa theo kiểu cha truyền con nối, nên nhiều khi chúng ta không nhận ra ân huệ đức tin, niềm vui vì được biết Chúa mà chúng ta đang hưởng, nên chúng ta không cảm thấy mình bị thôi thúc phải đi một con đường khác, phải tránh không quay lại với bóng tối và sự ác nữa, mà phải sống và bước đi trong ánh sáng của Chúa. Nói rõ hơn, là nhiều người trong chúng ta dù đã tin Chúa theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn để cho bóng tối của u mê của thói quen và những tật xấu bao phủ, nhiều người còn quay lại với các kiểu cúng bái, bói toán, tin kiêng vớ vẩn, và nhất là không có một quyết tâm để sống một lối sống khác, đi con đường khác với con đường của người đời hôm nay, và không có thao thức để nói về Chúa cho người khác.

Tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu thế và sống Tin Mừng của Ngài là con đường đưa tới hạnh phúc, chúng ta không thể giữ riêng cho mình, trái lại chúng ta phải thể hiện niềm vui ấy trong cuộc sống, trên nét mặt, trong công việc, nơi gia đình nơi công ty xí nghiệp. Hãy là những người loan báo tin vui bằng một cuộc sống ngay thẳng thật thà, bằng một cuộc sống vui tươi, thể hiện qua sự hiền hòa, qua sự quảng đại vị tha. Hãy sống làm sao để cho vợ chồng con cái trong gia đình và cả lối xóm nhận thấy rằng Thiên Chúa đang ở trong chúng ta và chúng ta đã được Thiên Chúa biến đổi, hãy nói về xác tín của mình với con cái, và mọi người.

Câu chuyện của các đạo sĩ cũng là câu chuyện nhắc nhở các bạn trẻ rằng: khoa học và kiến thức không thể thỏa mãn khát khao hạnh phúc của con người, và khoa học chân chính luôn đưa con người tới Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi chúng ta dám bước vào một hành trình tìm kiếm Chúa. Khi các bạn khao khát và chân thành tìm kiếm chân lý, Chúa sẽ cho ta gặp được Ngài và Chúa cũng sẽ biến đổi chúng ta và Chúa muốn qua chúng ta Ngài có thể đến được với nhiều bạn trẻ khác nữa. Chúng ta có dám để cho Ngài thực hiện kế hoạch như thế không? Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

TRỞ NÊN ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 2,1-12

(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem. (2) Và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người". (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem miền Giu-đê. Vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: (6) “Phần ngươi hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho trẫm, để trẫm cũng đến bái lạy Người. (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng Mát-thêu chứng minh Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai qua việc Người đã thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Người như: Thuộc dòng dõi Đa-vít (x. Tv 132,11; Mt 1,18-25), là con một thiếu nữ còn đồng trinh (x. Is 7,14 ; Mt 1,23), sinh ra tại Bê-lem quê hương vua Đa-vít (x. Mk 5,1; Mt 2,5-6), các vua chúa sẽ đến thờ lạy Người (x. Tv 72,10; Is 60,6; Mt 2,11).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1: + Bê-lem miền Giu-đê: Bê-lem hay Bethlehem, là một thị trấn nhỏ, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem khoảng 9-10 cây số về phía Nam. Ngày xưa Bê-lem được gọi là Ep-ra-tha. Tuy là một thị trấn nhỏ bé, nhưng Bê-lem có một lịch sử lâu đời và danh tiếng vì là quê hương của vua Đa-vít (x. 1 Sm 16,1 tt). Chính từ dòng dõi Đa-vít mà Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho dân Ngài, như lời tuyên sấm của ngôn sứ Mi-kha (x Mk 5,1). + Thời vua Hê-rô-đê trị vì: Đây là Hê-rô-đê Đại Vương, phân biệt với Hê-rô-đê An-ti-pha được gọi là Hê-rô-đê Con. Hê-rô-đê Đại Vương là một con người đa nghi, độc ác và tham quyền cố vị. Chúa Giê-su đã sinh ra tại thành Bê-lem miền Giu-đê dưới thời Hê-rô-đê Đại Vương. + Có mấy nhà chiêm tinh: Cũng gọi là đạo sĩ. Họ đến từ phương Đông, quê hương của Ba-la-am (x. Ds 23-24). Đây là những người thông thái, am tường khoa chiêm tinh. Người ta thường dựa vào ba lễ vật họ dâng mà quả quyết là có ba vị. Truyền thuyết dân gian còn kể tên: Một là Men-ki-o da trắng, hai là Gát-pa da vàng, ba là Ban-tha-gia da đen. Qua đó, ngụ ý rằng: Ơn Cứu Độ của Chúa phổ quát cho mọi dân tộc, không chỉ dành riêng cho dân Do-thái mà thôi.

- C 2-3: + Đức Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu: Câu hỏi của các nhà chiêm tinh ngoại giáo được nói lên như một lời loan báo cho người Do-thái biết Đấng Cứu Thế đã ra đời. + Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện: Người xưa cho rằng: việc ra đời của các vĩ nhân thường kèm theo sự xuất hiện của ngôi sao lớn. Các nhà chiêm tinh nghiên cứu sự chuyển động của các ngôi sao trên bầu trời, để đoán biết vận mệnh của nhân loại. + Chúng tôi đến bái lạy Người: Đang khi người Do-thái dửng dưng, thì lương dân lại tha thiết tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận Người. Như thế là ứng nghiệm sấm ngôn về một tôn giáo phổ quát trong thời tận thế (x. Is 49,23). + Vua Hê-rô-đê bối rối: Bối rồi ví thiếu lòng tin và đa nghi, lo sợ ngai vàng của mình sắp bị Đấng Cứu Thế tước đoạt. + Cả thành Giê-ru-sa-lem xôn xao: Xôn xao đồng nghĩa với hoảng hốt. Đây là thái độ của các đầu mục Do-thái tại Thủ đô đã hùa theo vua Hê-rô-đê chống lại Đấng Cứu Thế.

- C 4-6: + Mời các Thượng tế và luật sĩ: Là các thành phần trí thức trong dân Do-thái đương thời, am tường Kinh Thánh: Thượng tế có nhiệm vụ tế lễ trong Đền thờ, còn kinh sư hay luật sĩ là những thày dạy Luật Mô-sê. Hê-rô-đê hy vọng họ sẽ dựa theo Thánh Kinh mà cho ông biết nơi sinh chính xác của Đấng Cứu Thế. + Họ trả lời…: Có một sự đối nghịch về thái độ với Đấng Cứu Thế: Các Thượng tế và kinh sư là những người am tường Kinh Thánh, biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế, nhưng không muốn đón nhận Người, đang khi dân ngoại lại đi tìm kiếm Người mà thờ lạy. + Thành Bê-lem miền Giu-đê: Bê-lem thuộc xứ Giu-đê, miền Nam nước Do-thái. + Vì ngươi là nơi Vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời: Câu này nhắc đến lời tuyên sấm của ngôn sứ Mi-kha về một Đấng sẽ đến thống lãnh Ít-ra-en theo ý của Thiên Chúa (x. Mk 5,1 tt), và đáp ứng nguyện vọng của tất cả các chi tộc, giống như vua Đa-vít xưa (x. 2 Sm 5,2).

- C 7-8: + Bí mật mời các nhà chiêm tinh đến: Hê-rô-đê hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao xuất hiện, vì muốn biết Hài Nhi Cứu Thế được mấy tuổi để dễ tim ra và giết hại Người. Sau đó ông đã ra lệnh cho quân lính đến Bê-lem và vùng phụ cận, giết tất cả các trẻ em nam từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày giờ ngôi sao xuất hiện. + Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi: Qua các nhà chiêm tinh ngoại giáo này, Hê-rô-đê muốn điều tra để biết chính xác Hài Nhi Cứu Thế là ai. + Khi đã tìm thấy, xin báo lại cho trẫm, để trẫm cũng đến bái lạy Người: Hê-rô-đê nói dối các nhà chiêm tinh là muốn tìm biết Hài Nhi Cứu Thế để đến bái lạy, nhưng trong thâm tâm ông muốn tiêu diệt để trừ hậu hoạ.

- C 9-10: + Trông thấy ngôi sao họ hết sức vui mừng: Các nhà chiêm tinh vui mừng vì nhờ có ánh sao dẫn đường, họ hy vọng sẽ tìm thấy Hài Nhi Cứu Thế.

- C 11-12: + Họ vào nhà: Chắc chắn sau đêm Chúa Giáng Sinh, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a không tiếp tục sống giữa cánh đồng Bê-lem, vì thiếu các phương tiện tối thiểu cho các sinh hoạt ăn ở và nuôi dưỡng Hài Nhi mới sinh. Có lẽ hai ông bà đã thuê nhà tại thị trấn Bê-lem để ở tạm. + Sấp mình bái lạy Người: Khi ma quỉ cám dỗ Đức Giê-su bái lạy nó, Người đã khẳng định chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Mt 4,9-10). Qua hành động bái lạy này, các nhà chiêm tinh gián tiếp  tin nhận Hài Nhi Giê-su chính là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. + Lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến: Theo phong tục Đông Phương, các nhà chiêm tinh dâng lên Hài Nhi ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, là đặc sản quê hương của các ngài. Vàng tượng trưng cho đức Tin, nhũ hương cho đức Cậy và mộc dược cho đức Mến. Theo các giáo phụ thì Vàng ám chỉ tước vị Vua, Nhũ hương ám chỉ tước vị Tư Tế, và Mộc dược ám chỉ về cuộc tử nạn và mai táng của Hài Nhi sau này. + Họ được báo mộng...và đi lối khác mà về xứ minh: Hê-rô-đê dù nham hiểm quỷ quyệt đến đâu, cũng không thể phá bỏ được chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Những kẻ chống đối Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ chuốc lấy thất bại mà thôi.

4. CÂU HỎI:

1) Bạn biết gì về Bê-lem là nơi sinh của Đức Giê-su ? 2) Hê-rô-đê Đại Vương và Hê-rô-đê An-ti-pha có liên quan đến cuộc đời của Đức Giê-su thế nào ? 3) Các vị chiêm tinh gia là ai? Dựa vào bằng chứng nào mà người ta quả quyết có 3 vị ? Truyền thuyết dân gian kể tên ba vị đó là gì ? 4) Tại sao vua Hê-rô-đê bối rối và dân thành Giê-ru-sa-lem xôn xao ? 5) Vua Hê-rô-đê mời các thượng tế và luật sĩ đến làm gì ? 6) Tại sao Vua Hê-rô-đê lại cặn kẽ hỏi các nhà chiêm tinh về thời giờ ngôi sao xuất hiện ? 7) Tại sao Tin Mừng nói các nhà chiêm tinh vào nhà đang khi trước đó cho biết Chúa sinh ra trong hang đá chăn giữ súc vật  ban đêm và đuợc đặt nằm trong máng cỏ ? 8) Qua hành động bái lạy Hài Nhi mới sinh, các đạo sĩ biểu lộ niềm tin thế nào về Hài Nhi này ? 9) Ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược mà các đạo sĩ dâng tiến Hài Nhi mang ý nghĩa thế nào ? 10) Tại sao các đạo sĩ chọn đi lối khác về quê hương ? 11) Chúng ta có thể rút ra bài học gì trước sự thất bại của vua Hê-rô-đê khi ông muốn sát hại Hài Nhi Cứu Thế ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

2. CÂU CHUYỆN: HÃY CHO NGƯỜI NGHÈO QUẦN ÁO TỐT.

Một buổi chiều nọ, anh con trai thấy một người hành khất áo quần rách nát đứng xin trước cổng nhà. Anh ta liền vào trong nhà lấy ra một bộ quần áo và cho người ăn xin. Bộ đồ này đã cũ và bị rách toạc một miếng ngay tại đầu gối, nên từ lâu anh ta không thèm mặc. Nhận được bộ đồ cũ, người hành khất rất mừng và cám ơn rối rít, vì tuy đã cũ nhưng nó vẫn còn tốt hơn bộ quần áo ông ta đang mặc rất nhiều. Sau đó lão hành khất liền mặc ngay bộ đồ mới vào người. Còn anh thanh niên thì cảm thấy vui mừng vì đã làm được một việc thiện.

Mấy tháng sau, một hôm người hành khất kia lại đến ăn xin. Lần này ông ta mặc bộ đồ lành lặn và tương đối còn mới. Anh thanh niên thấy ông lão mặc bộ đồ màu sắc giống như quần áo của mình liền hỏi: “Sao ông lại có bộ đồ mới kia ?” Lão hành khất tươi cười trả lời: “Thì đây cũng là quần áo của cậu đó ! Số là cách đây một tuần, khi tôi mặc bộ quần áo anh cho hôm trước, đến xin thì gặp ba anh. Thấy tôi mặc bộ đồ đã rách, ông cụ hỏi xem ai cho. Tôi trả lời là một anh ở trong nhà ông. Ông im lặng rồi vào nhà đem ra bộ đồ tôi đang mặc đây và nói: “Xin lỗi ông, lần trước con tôi đã lấy lộn bộ đồ rách bỏ đi mà cho ông. Hôm nay tôi thay nó để biếu ông bộ quần áo tốt này”.

Sau khi người hành khất ra về, chàng thanh niên lập tức vào nhà tìm cha và cằn nhằn tại sao ông lại đem cho bộ đồ anh còn đang sử dụng. Bấy giờ người cha liền ôn tồn nói rằng: “Con ơi, cha rất vui khi thấy con biết thương người và cho người nghèo quần áo để mặc. Nhưng cha biết con còn nhiều quần áo không dùng đến mà sao con không cho ? Lần sau nếu cho ai thứ gì, thì con nên cho những gì còn dùng được. Chứ nếu cho họ bộ đồ đã rách thì họ làm sao có thể mặc được hả con ?”

3. SUY NIỆM:

1) “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”: Hôm nay, các vị chiêm tinh hay cũng gọi là đạo sĩ từ phương xa đã nhận ra dấu hiệu Đấng Cứu Thế mới sinh qua sự xuất hiện của ngôi sao lạ trên bầu trời. Theo ánh sao chỉ đường dẫn lối, các ngài đã lên đường tìm kiếm Đấng Cưu Thế gặp được Chúa Giê-su. Ánh sao chiếu sáng trên bầu trời đêm tối, đã giúp các đạo sĩ tìm ra hướng đi. Rồi lời Chúa trong Sách Thánh cũng là ánh sao giúp các ngài sáng lên niềm tin vào Chúa. Nhưng chính Hài Nhi Cứu Thế Giê-su mới thực là ánh sáng giúp các ngài tin và theo một con đường mới để về quê hương.

Ngày nay có nhiều người cũng đang đi tìm Chúa. Nhưng họ không biết đường và phương hướng nào, nên cần có những ánh sao soi đường dẫn lối. Ngày nay Chúa không còn dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi tín hữu phải trở thành một vì sao soi dẫn cho mọi người đến với Chúa. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ phản chiếu ánh sáng nhận được từ nơi Thiên Chúa như lời Đức Giê-su: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Người tín hữu phải chiếu ánh sáng hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa. Niềm hy vọng vào một “trời mới đất mới” cho chúng ta thêm sức mạnh để tích cực góp phần xây dựng xã hội chúng ta đang sống ngày một tốt đẹp hơn, an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng cũng giúp chúng ta nhận định đúng giá trị của tiền bạc và của cải đời này để sử dụng chúng làm sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân. Niềm hy vọng chính là ánh sáng làm con người và cuộc đời của chúng ta ngày thêm tươi đẹp.

Người tín hữu phải chiếu ánh sáng tin yêu: Tin cậy Chúa và yêu thương tha nhân. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình Chúa tình người. Tin yêu để sẵn sàng tha thứ và hoà giải với nhau. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối các mối bất hoà chia rẽ và thù hận.

Người tín hữu còn phải chiếu ánh sáng công bình, bác ái giữa đời thường. Lòng yêu mến Chúa phải được thể hiện qua tình thương đối với người đồng loại. Chính qua ánh sáng hy vọng, tin yêu, công bình bác ái nói trên mà lương dân sẽ dễ dàng nhận biết và tin yêu Chúa để cùng chúng ta đi trên con đường mới để về quê trời hưởng hạnh phúc ở đời sau.

2) “Chúng tôi tìm đến bái lạy Người”: Để tìm gặp Chúa, các đạo sĩ đã phải từ giã gia đình để tiếp nhận những điều bất ngờ: Họ nghĩ Đấng Cứu Thế là con của nhà vua tại kinh thành hoa lệ, nhưng Hài Nhi Cứu Thế lại không sinh ở nơi giàu sang phú quý, mà nơi một cái hang chăn giữ chiên cừu trong hình hài một trẻ thơ yếu đuối nghèo khó.

Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Các kinh sư và biệt phái tuy hiểu biết Thánh Kinh, nói rõ về nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh là thành Bê-lem, nhưng họ lại không gặp được Chúa, vì họ chỉ hiểu biết Kinh Thánh mà không muốn làm theo lời Chúa dạy bảo. Về phần bạo vương Hê-rô-đê tuy muốn tìm biết Hài Nhi Cứu Thế nhưng đã không gặp được Người. Vì ông ta tìm Chúa không phải để tin yêu, nhưng để giết hại Người. Trái lại, những người nghèo hèn là các mục đồng ở ngoại ô Bê-lem, và những đạo sĩ từ phương xa tìm đến Giê-ru-sa-lem lại gặp được Người. Những người này dù không thông hiểu lời Chúa trong Sách Thánh, nhưng đã gặp được Chúa vì có tâm hồn đơn sơ chân thành. Người tín hữu chúng ta hôm nay cũng chỉ gặp được Chúa nếu chúng ta biết noi gương các đạo sĩ để luôn chân thành muốn tìm kiếm Chúa, sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khó, tàng tật và bị bỏ rơi…

3) “Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”: Năm xưa, các nhà đạo sĩ đã tìm Chúa và đã gặp được Đấng Cứu Thế mới sinh. Họ đã bái quỳ trước một Hài Nhi bé nhỏ yếu đuối nghèo hèn. Họ đã mở bảo tráp lấy bàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến cho Người. Những lễ vật này là biều hiệu của lễ vật nội tâm là đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Khi dâng vàng, các đạo sĩ đã tuyên xưng vương quyền của Hài Nhi Cứu Thế; Dâng nhũ hương các ngài bày tỏ lòng tin Người là vị tư tế của Giao Ước Mới; Dâng mộc dược là đề cao mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Thiên Sai.  Khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã mang thân phận của một người nghèo: đã sinh ra trong hang chiên cừu nghéo khó cùng cực, đã chọn cha mẹ là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a nghèo khó, đã sống hoà đồng với các người lao động nghèo hèn tại làng quê Na-da-rét. Người đã sống nghèo khó đến độ không có hòn đá gối đầu. Người còn hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho những ai có tinh thần nghéo khó, những người đang bị đói khát, tù đầy, bệnh tật và bị người thân bỏ rơi…

Hôm nay, Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta qua tha nhân là hình ảnh của Chúa và mời gọi chúng ta quảng đại hiến thân phục vụ Người nơi những người nghéo khó bên cạnh chúng ta Chúa muốn chúng ta trao tặng cho Chúa những món quà cụ thể như cơm, áo, gạo, tiền… kèm theo tinh yêu thương và thái độ chân thành phục vụ họ cách vô vụ lợi… Vậy chúng ta sẽ dâng tặng cho Chúa những gì trong mùa Giáng Sinh này?

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có khi nào cảm phục một ai đó trong số các nhà khoa học gia, nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh, thầy cô hay bạn bè ngoại giáo không ? 2) Ngày nay bạn có thấy Chúa tiếp tục tỏ mình ra nơi những người lương dân đang sống bên cạnh mình hay không ? 3) Bạn sẽ làm gì để trở thành ngôi sao lạ dẫn đường cho các bạn bè ngoại giáo này tìm thấy Chúa là Đấng Thiên Sai và tin theo Người ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Biết bao lần chúng con đến nhà thờ nhưng đã không gặp được Chúa. Đạo con giữ mới chỉ là những thói quen; Lễ con dâng chỉ là những lời kinh sáo rỗng nhàm chán; Của cải con cho người nghèo chỉ là những thứ đồ hư vất bỏ… Nhưng con lại tưởng mình là đạo đức thánh thiện và đang làm chứng nhân cho Chúa. Ước gì hôm nay con nhận ra những thiếu sót của mình, để của lễ con dâng phải là thứ vàng đức tin quý giá, là nhũ hương của đức cậy khiêm nhu, là mộc dược của lòng hy sinh mến Chúa nồng nàn. Hy vọng Chúa sẽ vui nhận, và ban muôn hồng ân cho chúng con. Để khi gặp được Chúa, như các vị đạo sĩ xưa, chúng con sẽ thể hiện đức tin vào Chúa, sẽ tránh xa những thói gian ác lọc lừa để làm theo Lời Chúa dạy, sống hiệp nhất xin vâng và phục vụ tha nhân hầu sau này sẽ được về quê trời hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật lễ Hiển Linh. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy sau Lễ Thánh Gia. Minh Tứ
     Suy niệm Tin MừngThứ Sáu sau lễ Gia thất: ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI. Lm, Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Năm tuần Bát Nhật Giáng Sinh:TINH THẦN KHIÊM TỐN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ. Lm. Đaminh Hữu Cường OP
     MARIA MẸ THIÊN CHÚA – HÒA BÌNH THẾ GIỚI
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Thứ Ba tuần bát nhật Giáng Sinh: « Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1, 1-18). Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệmThứ Hai tuần Bát Nhật Giáng Sinh: ĐÈN TIM CHÁY MIÊN MAN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     LỄ THÁNH GIA 2014: Thiên Chúa hướng dẫn và bảo vệ. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     LỄ THÁNH GIA 2014. Nhiều tác giả