Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

Ngày 30 tháng 1 năm 2014

Thánh Lễ Tất Niên

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

(Tv 136, đáp ca của Thánh Lễ Tất Niên)

sach.jpgI. Vĩnh cửu và mới mẻ

1. Vĩnh cửu

Tv 136 là một trong các Thánh Vịnh được biết đến nhiều nhất, vì trong đó có một câu cứ được lập đi lập lại từ đầu đến cuối như một điệp khúc:

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương [1].

Câu này được lập lại đúng 26 lần. Cứ sau mỗi câu, ứng với một hàng, lời này lại được lập lại. Như thế, cả Thánh Vịnh có 26 câu, thì có 26 lần điệp khúc này được hát lên. Nhưng tại sao cứ luôn lập đi lập lại cùng một điều? Lý do rất đơn giản, vì đó luôn luôn là cùng một điều: “muôn ngàn đời” mà! Lập đi lập lại không đổi, đó chính là cách diễn tả ý nghĩa của hạn từ “muôn ngàn đời” hay “vĩnh cửu”, là cách khuôn mình theo ý nghĩa của nó. Lập đi lập lại đôi khi tạo ra sự đơn điệu, nhưng nó cũng có thể làm cho vui thích. Đó chính là trường hợp của lời ca tụng: ca tụng, đó là nói không biết chán điều làm cho chúng ta vui thích: “bây giờ và luôn mãi đến thiên thu vạn đại”. Như thế, điều tốt đẹp hiện diện trước mặt chúng ta phải thực sự tốt đẹp để không cần phải thay đổi. Điều tốt đẹp này chính là “tình thương của Chúa”. Hạn từ Do thái mà chúng ta dịch ra là “tình thương của Chúa”, còn gợi ra tương quan giao ước, và vì thế, nó cũng gợi lên sự kéo dài, tính ổn định và ngay cả vĩnh cửu, vì đây là giao ước của Thiên Chúa. Vì thuộc về một giao ước trong đó tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta tồn tại luôn mãi, nên chúng ta nói không biết chán điều tốt đẹp mà mình nhận được:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy tạ ơn Thần các thần,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy tạ ơn Chúa các chúa,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(c. 1-3)

2. Mới mẻ

Có đúng là không biết chán không? Vì chúng ta sẽ ngủ gật mất, nếu 26 câu kia không mỗi lần mỗi khác. Thật vậy, tất cả các câu còn lại của Thánh Vịnh đều khác nhau, cho dù trong ba câu đầu mà chúng ta vừa trích dẫn, sự khác biệt không được lớn lắm: danh xưng của Thiên Chúa được nêu khác đi một chút ở mỗi câu, bởi lẽ đây là lúc lấy đà dựa trên Danh Chúa và chắc chắn được hát lên với nhiều cảm nếm. Điều mà Danh của Thiên Chúa muốn diễn tả và chứa đựng, đó chính là tất cả chủ đề của Tv 136.

Ứng với hai mươi sáu câu giống nhau, có hai mươi sáu câu khác nhau. Tại sao lại khác nhau? Bởi vì nội dung của Tv 136 là một trình thuật, nghĩa là các biến cố được kể lại. Và trong một câu truyện, luôn luôn xảy ra điều gì đó. Mọi trình thuật đều nhất thiết được phân thành những tình tiết và chỉ có tình tiết khi một sự kiện mới được thuật lại. Chính vì thế, mỗi câu, ít nhất là từ câu 5 đến câu 23, đều diễn tả một biến cố đặc biệt, trừ trường hợp nội dung của câu chỉ là lời loan báo cho những gì sẽ được nói tới (c. 4) hoặc là phần tiếp theo của những gì đang được kể (c. 12.18.22). Các câu 23-24 là phần tóm tắt. Những gì được kể lại gần như là một bản tóm của Sách Thánh, từ sách Sáng Thế đến sách Giosuê, và có thể được chia thành hai phần: phần trình thuật sáng tạo (c. 4-9) và phần trình thuật lịch sử (c. 10-24). Kể lại, đó là trình bày một chuỗi các tình tiết liên tục, vốn là điều tạo ra sự chú ý và thích thú. Nhưng ở đây, trong Thánh Vịnh của chúng ta, điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa”, giống như những nhát kéo, cắt rời các tình tiết ra. Vậy, “sự cố này” có thể tạo ra những hiệu ứng nào?

Sự cố điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa” cắt rời chuỗi liên tục các sự kiện, muốn làm cho chúng ta hiểu rằng một biến cố xẩy ra không do bởi biến cố có trước, nhưng bởi sự kiện Thiên Chúa muốn biến cố đó. Cách trình bày như thế làm cho chúng cảm nghiệm được rằng một đàng, mọi tình tiết đều mới mẻ và đàng khác, tình thương của Chúa thì vĩnh cửu. Như thế, hiệu ứng của kết cấu theo từng cặp của Tv 136 là làm cho chúng ta nghiệm được thế nào là hành động của Thiên Chúa: luôn luôn cùng một điều và luôn luôn mới mẻ! Điều này vượt quá thân phận của con người trong thế giới, bởi vì đối với con người cái gì vĩnh cửu thì bất động, thì không mới (chẳng hạn các đền đài cổ xưa hay các rặng núi hùng vĩ) và cái gì mới thì không vĩnh cửu (tiểu biểu nhất là diễn biến thời sự trong cuộc sống, tất cả đều mới lạ nhưng rồi cũng đến lúc kết thúc hay lụi tàn, dù cho có dài như “Truyện 1001 đêm”!).

Không có điều gì thuộc thế giới này có thể chứa đựng được nơi chốn mà ở đó vĩnh cửu và mới mẻ chỉ là một, bởi lẽ chính nơi chốn này chứa đựng thế giới và vì thế chúng ta phải bỏ đi mọi chỗ dựa để đi vào nơi chốn này. Tuy nhiên, Tv 136 lại cố làm cho chúng ta nhận ra rằng mới mẻ và vĩnh cửu đã đi tìm nhau gặp nhau rồi, ngay trong thế giới này bởi sự hiện diện năng động của Thiên Chúa.

II. Sáng tạo và lịch sử

Như chúng ta đã nói, Tv 136 có thể được chia thành hai phần: phần sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu và phần lịch sử nói về khía cạnh mới mẻ. Sáng tạo được gợi ra cho chúng ta bởi không gian, vốn diễn tả vĩnh cửu, trong khi lịch sử lại liên quan đến thời gian, và chính trong thời gian mà cái mới xẩy diễn ra. Như thế, Thánh Vịnh 136 đã kết hợp được hai giá trị, mới mẻ và vĩnh cửu, ngay ở trong kết cấu đặc biệt của nó.

Sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu, bởi lẽ các công trình được kể ra tồn tại thật lâu dài:

Tầng trời cao Chúa tạo dựng tài tình,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

trải mặt đất này trên làn nước bao la,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

Người làm ra những đèn trời to lớn,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

cho thái dương điều khiển ban ngày,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(c. 5-9)

Nếu so sánh phần sáng tạo vừa trích dẫn với trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” trong sách Sáng Thế (St 1, 1-2, 4a), chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra tác giả thánh vịnh dừng lại ở ngày thứ tư, nghĩa là ngày các vì tinh tú được tạo dựng. Phải chăng, đối với tác giả, sáng tạo được hoàn tất vào chiều tối thứ tư, sau khi đồng hồ các vì tinh tú đã được lên dây cót để vận hành mãi mãi? Tại sao khuôn khổ bảy ngày không được áp dụng tới cùng ở đây?

Lý do thật đơn giản: tất cả những gì được kể trong Thánh Vịnh thì có cùng bản chất, đó là những phần bất biến của sáng tạo, và là dấu chỉ của vĩnh cửu. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “bất động sản” của sáng tạo. Nhưng, những gì mà Thánh Vịnh không kể ra cũng thuộc về một khối thuần nhất, đó là thảo mộc, thú vật và con người, nghĩa là thế giới sinh động chóng qua, vốn là dấu chỉ của cái mới. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “động sản” của sáng tạo. Tv 136 đã thay thế, ngay sau câu 9, khung cảnh sinh vật bằng khung cảnh lịch sử, trong đó cái mới được thể hiện.

Như vậy, Tv 136 đã đặt sáng tạo như là lời tựa của trình thuật lịch sử: sáng tạo chất chứa lời hứa vĩnh cửu, nhưng lịch sử, nơi chốn của cái mới, và cũng của những hiểm nguy, có giữ trọn được lời hứa của sáng tạo không?

III. “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”

Như đã được trình bày, vĩnh cửu được diễn tả bởi điều tương ứng với nội dung của bốn ngày đầu của sáng tạo (c. 4-9), và cái mới được diễn tả bởi việc nhắc lại lịch sử (c. 10-24). Nhưng chúng ta còn phải tìm hiểu sự hiệp nhất giữa vĩnh cửu và cái mới được biểu đạt như thế nào trong Tv 136, bởi vì, nếu không có sự hiệp nhất này, thì có lẽ Thiên Chúa sẽ không được diễn tả cách trọn vẹn.

1. Ơn huệ lương thực

Trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” hướng tới một cùng đích, và trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel (thường được nhắc lại trong các bản văn Giao Ước) cũng hướng tới một cùng đích. Thật vậy, ơn huệ sau cùng của trình thuật kể lại tuần đầu tiên của vũ trụ, chính là ơn huệ lương thực (St 1, 29-30); và trong trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel, cùng đích cũng là bánh Thiên Chúa ban cho dân của Ngài, bánh phát xuất từ đất mà Ngài dẫn dân đến cư ngụ[2]. Như thế, sáng tạo và lịch sử đều có cùng một điểm tới! Chính vì thế mà, trong Tv 136, không có hai lần nói về lương thực. Chỉ có một lần thôi, và đó chính là điểm kết thúc duy nhất ở đó tiến trình sáng tạo và tiến trình lịch sử, chiều kích vĩnh cửu và chiều kích mới mẻ gặp gỡ nhau:

Người ban bánh[3] cho tất cả chúng sinh,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(c. 25-26)

Chúng ta có thể bị choáng, vì nhận ra rằng tấm bánh thường ngày thật quen thuộc và thật đơn sơ, nhưng lại mang một sức nặng ý nghĩa và sự sống quá lớn. Bởi vì bánh diễn tả cuộc gặp gỡ giữa vĩnh cửu và cái mới, và nhất là vì bánh diễn đạt Thiên Chúa và trao ban Thiên Chúa; bởi lẽ, tấm bánh tuy bình thường, nhưng lại chất chứa cùng một lúc vĩnh cửu và cái mới. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao ĐGS nói: “Ta là bánh hằng sống”. Như thế, tác giả Tv 136 đã tìm ra “điểm hội tụ” của sáng tạo và lịch sử, của vĩnh cửu và cái mới, nơi tấm bánh! Nhưng con đường dẫn đến tấm bánh không thật dễ dàng.

2. Con đường của “bánh”

Để có được tấm bánh đặt ở trên bàn, chắc chắn cần phải có sáng tạo (đất đai, hạt giống, nước, ánh sáng,…), nhưng cũng cần có những lao nhọc, và cả sự giải phóng khỏi những kẻ áp bức nữa. Tv 136 kết thúc với tấm bánh được nhìn nhận như là ơn huệ. Nhưng, trong cuộc sống, Thánh Vịnh được đọc lên để tạ ơn về tấm bánh đã có sẵn ở trên bàn rồi. Tv 136 chính là lời tạ ơn trên bánh; và để tạ ơn, thì phải nhớ lại, nhớ lại ơn huệ sáng tạo, nhớ lại những nhục nhằn của tổ tiên.

Tấm bánh cần đến “sáng tạo gần” (sáng tạo hôm nay), nhưng dưới áp lực của phần trình thuật lịch sử, đã được đẩy lùi thật xa, đến tận “sáng tạo xa” (sáng tạo khởi nguyên); và như thế, tấm bánh, có ở trên bàn, trở thành điểm hẹn của lịch sử phổ quát. Thật vậy, Tv 136 không nói: “… cho Israel”, nhưng đã nói: “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”. Ngoài ra, tấm bánh có ở trên bàn không chỉ biểu thị tương quan trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo, nhưng còn diễn tả tương quan với con người trong điều kiện lịch sử cụ thể (chính trị, xã hội, việc làm, áp bức, đấu tranh, …): bánh ở đây là bánh của những con người tự do, đã được kéo ra khỏi cảnh nô lệ. Như thế, bánh mà Israel dùng hằng ngày đã đến từ Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đi ngang qua những xung đột lịch sử. Và điều này cũng đúng với mọi người và mọi dân tộc:

Chúa đã nhớ đến ta trong cảnh nhục nhằn,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

gỡ ta thoát khỏi tay địch thù,

            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(c. 23-24)

Người dâng lời tạ ơn vì tấm bánh được nhận ra như điểm gặp gỡ phổ quát, cũng chính là người được giải thoát khỏi bàn tay vấy máu muốn tiêu diệt. Như thế, lời hứa vĩnh cửu và thử thách cuộc đời hội tụ nơi cùng một tấm bánh.

                                                                        *  *  *

Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn, bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.

Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, khi nhìn ngắm với lòng tin vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh.

 

Sáng tạo:
Lời hứa
vĩnh cửu

Ơn huệ lương thực

è

“Bánh hằng ngày”

 

Đức Ki-tô

è

BÁNH THÁNH THỂ
đi ngang qua Thập Giá

Đức Ki-tô

è

BÁNH HẰNG SỐNG
Chiến thắng sự chết

 

Lịch sử:
Thử thách
đau khổ

 

Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính ĐGS, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Đức Kitô đã đưa những lời của Tv 136 vào trong chính cái chết của Ngài. Vì thế, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhận ra lời hứa vĩnh cửu nơi những lời của Tv 136:

Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

Cấu trúc của Tv 136

 

Cấu trúc

Hành động của Thiên Chúa
(diễn tả chính Thiên Chúa)

Vĩnh cửu

Mới mẻ

Cấu trúc

của một câu

Phần không đổi :

Tình yêu của Thiên Chúa

Muôn ngàn đời
Chúa vẫn trọn tình thương

Phần thay đổi :

Kỳ công của Thiên Chúa

Trong Sáng Tạo
và trong Lịch Sử

 

Cấu trúc

của Thánh Vịnh

Lời tạ ơn khởi đầu

(c. 1-3)

Sángtạo

(c. 4-9)

Lịch sử

(c. 10-24)

â

Điểm hội tụ

BÁNH
(c. 25)

Lời tạ ơn kết thúc (c. 26)

- “Ơn huệ bánh hằng ngày” đến từ Sáng Tạo (vì là hoa mầu của ruộng đất) và từ Lịch Sử (vì là kết quả do lao công của con người), vì thế mang trong mình đồng thời hai chiều kích vĩnh cửu và mới mẻ, vốn diễn tả hành động của Thiên Chúa. Thế mà, hành động của Thiên Chúa diễn tả chính Thiên Chúa.

- Như thế, “ơn huệ bánh hàng ngày” tự nó đã diễn tả chính Thiên Chúa rồi. Vì vậy, Đức Giê-su cầm lấy BÁNH, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói:

Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy


Ngày 31 tháng 1 năm 2014
Thánh Lễ Giao Thừa, năm Giáp Ngọ

“Phúc thay…”
(Mt 5, 1-12)

1. “Người mở miệng dạy họ, Người nói…”

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần. Người mở miệng dạy họ”. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh đầy ý nghĩa này: xưa kia trên núi Sinai, Thiên Chúa ban Lời của Ngài qua trung gian Mô-se; và nhờ Lời của Ngài, một đám đông ô hợp, vô danh và nhỏ bé, trở thành dân riêng của Chúa: Thiên Chúa trở thành Đức Chúa của dân, dân trở thành dân tộc được tuyển chọn của Đức Chúa; còn ở đây, Thiên Chúa ban Lời của Ngài qua Đức Giê-su, hiện thân của Lời Chúa, bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể; và Lời của Ngài dành cho tất cả mọi người, để qui tụ mọi người thành dân riêng của Ngài. Như thế, Đức Giê-su “mang lấy” và làm cho “hoàn tất” biến cố Lời Chúa, nhất là khi Người không chỉ ban Lời, nhưng còn ban chính Mình để nuôi sống chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hành vi nói của Đức Giê-su: “Người mở miệng dạy họ, Người nói…”. Hãy để cho đôi mắt và đôi tai của chúng ta dừng lại chiêm ngắm và đi vào chiều sâu của biến cố trung tâm này: “Ngài mở miệng dạy họ, Người nói…”. Biến cố này chính là thực tại thần linh mà dụ ngôn Người Gieo Giống muốn diễn tả: “Người gieo giống đi ra gieo giống”. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa ra khỏi mình để thông truyền chính Ngài cho chúng ta qua lời nói. Bằng Lời, Ngài đã sáng tạo nên con người chúng ta có khả năng thông truyền bằng lời, và bây giờ, Ngài khởi đi từ cái chúng là, một tạo vật biết nói biết nghe, để đến gặp gỡ chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi đi cùng con đường lời nói để đi đến với Ngài: trong cầu nguyện, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời gian để lắng nghe Lời Chúa và sau đó tâm sự với Ngài, như một ngôi vị sống động và gần gũi.


2. Tám mối phúc và căn tính của con người

Và lời nói đầu tiên của Người là “phúc thay”, thay vì “khốn thay” hay đưa ra những mệnh lệnh áp đặt, kèm theo những lời đe dọa. Chúng ta thường hiểu các mối phúc mà Đức Giê-su công bố là lý tưởng vừa cao vừa khó, mà mỗi người chúng ta phải đạt được để trở nên thánh. Tuy nhiên, các mối phúc không ở bên ngoài chúng ta và cũng ở cách xa chúng ta, bởi vì các mối phúc mà Đức Giê-su công bố diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta, chính niềm khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.

Thật vậy, Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.

Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai hiền lành”. Con người chúng ta vốn là hiền lành, chứ không phải là bạo lực hay mang thú tính; và sự hiền lành này đã được gieo nơi bản tính sâu xa của con người chúng ta; đó là điều mà chúng ta gọi là nhân tính. Bởi vì, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; mà Thiên Chúa thì hiền lành, vì Ngài là tình yêu.

Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai sầu khổ”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.

Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính”. Và ở trong sâu thẳm của tâm hồn, tất cả chúng ta đều khao khát nên công chính, thay vì ở trong sự bất chính, để có thể đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Nhưng rốt cuộc thì chính Thập Giá Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không thể tự mình làm cho mình trên nên công chính được.

Và cũng như thế đối với các mối phúc còn lại. Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không thêm và cũng không bớt là một mối phúc, chứ không phải là mối họa hay hình phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối phúc, đó là: Nước Trời, Đất Hứa, ơn an ủi, ơn công chính, lòng thương xót và chính ngôi vị Thiên Chúa. Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên TG, để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.

Và để hiểu thật đúng và thật sâu những lời này của Chúa, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm chính cách hiện hữu của Chúa: Chúa nghèo thế nào trong tinh thần? Chúa hiền lành như thế nào? Chúa khóc lóc như thế nào: “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, Tại sao Ngài đã bỏ rơi con ?” (Mt 27, 46); “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Dt 5, 7)? Và Đức Giê-su đói và khát sự công bình như thế nào? (Ngài đem sự công bình của Thiên Chúa đến cho con người, Ngài mong mọi người đón nhận, và Ngài chính là sự công bình của Thiên Chúa).

3. Tám mối phúc và niềm hạnh phúc

Như thế, ngang qua các mối phúc, qua lời nói và hành vi của Ngài, qua cách Ngài sống với Thiên Chúa và với con người, qua cách Ngài tương quan với thực tại, Đức Giê-su dẫn chúng ta về cái chúng ta là. Và cái chúng ta là, chính là một mối phúc. Ngược hẳn với điều loài người chúng ta vẫn nghĩ: điều chúng ta là, là một hình phạt, là một kiếp đọa đầy. Và khi sống các mối phúc, chúng ta được hứa ban: Nước Trời, Đất hứa, An ủi, Lòng thương xót, Thấy Thiên Chúa và Làm con Thiên Chúa.

Vì các mối phúc không phải là những điều xa vời, cao siêu mà chúng ta phải cố vươn tới, nhưng diễn tả bản chất đích thật của con người, cho nên khi sống các mối phúc, ngay bây giờ chúng ta đã có kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc rồi. Thậy vậy:

Hạnh phúc biết bao, người nghèo khó trong tim, thay vì đầy những quyến luyến, chỉ tìm kiếm những gì thuộc về đời này, tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua.

Hạnh phúc biết bao người hiền lành, thay vì dữ tợn.

Hạnh phúc biết bao người khóc thương, vì đồng cảm với người khác, thay vì dửng dưng vô cảm.

Hạnh phúc biết bao người xót thương và bao dung, thay vì dò xét, lên án và không khoan nhượng.

Hạnh phúc biết bao người có lòng trong sạch, thay đầy những điều nhơ uế.

Hạnh phúc thay người phục vụ cho công bình và hòa giải, thay vì chuyên làm những điều bất chính và gây hấn.

Hạnh phúc thay người đi theo Đức Ki-tô vì lòng mến, bất chấp khó khăn và bách hại, thay vì coi mình là trung tâm và chỉ biết sống cho mình.

Như thế, các mối phúc không chỉ nói cho chúng ta về hạnh phúc và phần thưởng Thiên Chúa sẽ ban ở đời sau, nhưng còn mở ra cho chúng ta cả một cách sống mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc ngay bây giờ, vì đó là lối sống phù hợp cách sâu xa với nhân tính của chúng ta.

*  *  *

Ngoài ra, Đức Giê-su còn nói đến một mối phúc đặc biệt, mối phúc cuối cùng mà chúng ta hay gọi là mối phúc thứ chín. Đặc biệt, vì Đức Giê-su nói ở ngôi thứ hai : “anh em”, diễn tả tương quan trực tiếp và thân thiết giữa Đức Giêsu và những người nghe, hôm qua cũng như hôm nay. Nhưng đặc biệt nhất là nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Thầy”.

Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Thầy”? Kinh nghiệm của những người đi trước chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao lại « vì Thầy » ? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9).Nhưng làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?

Giuse Nguyễn Văn Lộc

Thứ sáu, 31/01/2014
Thánh Lễ Tân Niên Mồng Một Tết

St 1, 14-18 ; Tv 22 (23); Pl 4, 4-8
Mt 6, 25-34

1. Lo cho cái ăn cái mặc

Lại một năm mới nữa đang mở ra trước mắt chúng ta ; và chắc hẳn, mỗi người chúng ta đều có những cảm xúc khác nhau. Chúng ta cảm nhận, hay ít nhất chúng ta ước ao như thế, niềm vui, bình an và tin tưởng. Những lời chúc tốt đẹp chúng ta trao cho nhau hôm nay và những ngày đầu năm, những cuộc thăm viếng, những bữa ăn, những trò chơi và những cuộc vui…, chính là để cùng nhau tạo ra hay đúng hơn là để đón nhận, củng cố và chia sẻ niềm hân hoan, sự bình an và lòng tín thác. Nhưng bên cạnh niềm vui, bình an và tín thác, chúng ta cũng cảm thấy ít nhiều sợ hãi, băn khoăn và lo lắng trước tương lai. Dù chúng ta sống trong ơn gọi nào và tính khí ra sao, những tâm tình này là không thể tránh khỏi. Làm sao sống ở trên đời mà không có lo lắng ? Như một triết gia đã nói, « con người là một hữu thể lo lắng ».

Trong lời giảng dạy của Đức Giêsu mà chúng ta vừa nghe, Ngài nói về những lo lắng của chúng ta đối với « cái ăn cái mặc ». « Cái ăn cái mặc », dường như đối với chúng ta, là những mối lo đã qua rồi và là những mối lo tầm thường.

Qua rồi, vì chúng ta đã vượt qua cái thủa hàn vi « chạy gạo ăn hàng ngày ». Đối với những người đi học hay đi làm ở xa, lúc đầu cũng lo cho cái ăn cái mặc, nhưng một thời gian rồi cũng quen.

Tầm thường, vì chúng ta có nhiều mối lo khác quan trọng và nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thật ra, mối lo về cái ăn cái mặc, tưởng là đã qua rồi và là tầm thường, nhưng vẫn còn đó : có thể mình không thiếu ăn thiếu mặc, nhưng mình lại chăm chút quá đáng, để tâm hay đòi hỏi quá đáng ; có những lúc hay sẽ đến lúc (có khi là đã đến rồi !) chúng ta tỏ ra « khó ăn khó mặc ». Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên, quanh chúng ta, trong xã hội và ở trên thế giới, còn biết bao người phải lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày.

2. « Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người »

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hiểu lời của Đức Giêsu ở một cấp độ khác, và ở cấp độ này, lời của Ngài mới có thể đụng chạm mọi người ở mọi thời và ở chiều sâu trong tâm hồn; đó là hiểu “cái ăn cái mặc”, mà Ngài nói tới, như là “mọi nhu cầu cần thiết” trong cuộc sống của chúng ta. Thế mà, trong đời sống hiện thời của chúng ta, chúng ta có rất nhiều nhu cầu cần thiết, cần thiết như và còn hơn “cái ăn cái mặc”: đó là : học tập, huấn luyện, việc làm, chỗ ở và các phương tiện đủ loại khác, chẳng hạn các phương tiện đi lại, truyền thông, tiện nghi, giải trí… Chính vì thế, lời của Đức Giêsu không nhất thiết chất vấn chúng ta về mối lo ăn mặc, hay về mối lo này mối lo kia, nhưng là về mối lo có nguy cơ cạnh tranh với việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, về mối lo choán ngợp chúng ta đến độ gạt qua một bên, thậm chí loại trừ việc tìm kiếm Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Như khi làm thế, chúng ta có loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống của chúng ta được không?

Khi mà mọi sự sẽ qua đi, và chỉ có Ngài là cùng đích và là điểm tới, là vĩnh hằng.

Khi mà Ngài bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài đặt trên chúng ta, bằng ân huệ sự sống mỗi ngày (Tv 139).

Khi mà chúng ta sống không nguyên bởi cái thú thỏa mãn mọi nhu cầu, cho dù cần thiết đến mức nào, nhưng nhất là còn sống bằng tương quan nhưng không, yêu thương, tha thứ, đón nhận, bao dung, cảm thông, biết ơn… được tác tạo và duy trì bởi và chỉ bởi Lời và Ngôi vị của Chúa mà thôi.

Khi mà, những thử thách của cuộc đời, là điều không thể tránh được, sẽ buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi tận căn: Tôi đang tìm gì hay đang tìm ai? Tôi sống cho bản thân, cho cái gì hay cho ai đó? Tôi sẽ phải chết, vậy đâu là lối đi và ý nghĩa đời tôi? Tôi sống theo ơn gọi hay theo thị hiếu, trào lưu?

Khi mà sẽ đến lúc, lúc này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải buông xuôi tất cả, như thánh Phao-lô nói: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế giới này đang qua đi” (1Cr 7, 29.31)

Vậy, đâu là những mối lo của chúng ta trong thời điểm đầu năm này ? Chúng ta có sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối lo không ? Chúng ta có những mối lo về những điều nhân bản hơn, cao quí hơn và thiêng liêng hơn không ? Và nhất là, ngang qua những mối lo không thể tránh được của chúng ta, chúng ta tìm gì ? Đức Kitô hỏi từng người trong chúng ta vào thời điểm quan trọng này của thời gian : « Con tìm gì ? »

3. Xem xét và nhìn ngắm

Trong giáo huấn của mình Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa để mời gọi chúng ta sống trong sự tín thác, nhưng không phải là sự tín thác tình cảm, ngây ngô hay mù quáng.

a. Xem xét

Để có thể điều hợp và định hướng những mối lo của chúng ta, Đức Giêsu trước hết mời gọi chúng ta hãy sử dụng lí trí để xem xét và cân nhắc các sự việc : « Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? », « Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? »

Quả là chúng ta không thể sống mà không ăn, và có những lúc cần ăn ngon và ăn những thứ chúng ta ưa thích. Cũng thế, chúng ta không thể sống mà không mặc, và có những lúc cần mặc đồ đẹp và mặc những y phục mà chúng ta ước ao. Và cũng tương tự như thế đối với những nhu cầu khác mà chúng ta cần để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng xét cho cùng, tất cả những điều đó không thể thay đổi sự sống của chúng ta ở mức độ căn bản : chúng ta sinh ra vào năm đó, năm con khỉ, con gà, con chó, con heo, con rồng hay con rắn… và là như thế, là Người Việt, đàn ông hay đàn bà, cao, trung bình hay thấp, đẹp, tàm tạm hay không được đẹp… Điều này có nghĩa là, dù có lo hay không lo, chúng ta không làm chủ được sự sống của chúng ta, vì đó là một ơn huệ tuyệt đối : chúng đã đón nhận sự sống và một ngày kia, chúng ta sẽ hoàn trả lại.

b. Nhìn ngắm

Và để chúng ta có thể tín thác nơi Thiên Chúa, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta nhìn xem và chiêm ngắm chim trên trời và hoa ngoài đồng để nhận ra sự chăm lo quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Assisi đã có được kinh nghiệm thiêng liêng này khi dõi mắt theo con chim sẻ bé bỏng ở trong thiên nhiên. Sau đó, ngài đã giũ bỏ mọi lo lắng và bắt đầu sống một cuộc sống mới trong niềm tín thác rất triệt để. Ngày nay, kinh nghiệm thiêng liêng này vẫn còn rất sống động nơi biết bao người sống linh đạo Phanxicô.

Lời Chúa trong bài đọc 1 và trong Thánh Vịnh còn mời gọi chúng ta nhìm ngắm sao trời và những biến cố trong cuộc đời chúng ta để nhận ra sự hiện diện thi ân của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không xa xôi, nhưng là « Cha của chúng ta », một Thiên Chúa, muôn ngàn đời, vẫn trọn tình thương (Tv 136).

*  *  *

Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và đi vào tương quan con thảo với Ngài, đó chính là con đường để chúng ta sống thời gian được ban cho chúng ta trong năm mới. Đức Giêsu đã đi và đi đến cùng con đường này ; và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài hôm nay.

Xuân Giáp Ngọ
Giuse Nguyễn Văn Lộc


Thứ sáu, 31/01/2014
Thánh Lễ Tân Niên Mồng Một Tết

“Thầy để lại bình an cho anh em”
(Ga 14, 23-29)

1. “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

Tông đồ Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? " (c. 22) Đức Giê-trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Câu trả lời của Người xem ra không liên quan gì đến câu hỏi, nhưng đụng chạm đến cội nguồn làm phát sinh ra câu hỏi, đó là tương quan tình yêu: người ta chỉ có thể tỏ mình ra cho nhau trong tương quan tình yêu mà thôi.

Tuy nhiên, câu nói này của Đức Giê-su còn đưa chúng ta đi rất xa, xa cả phía ở phía trước lẫn phía sau. Trước hết, rất xa ở phía trước, bởi vì lời này của Đức Giê-su hướng chúng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và nhất là ơn huệ Thánh Thần:

Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thánh Thần được ban cho chúng ta, chính là để làm chúng ta nhớ lại lời của Đức Giê-su; như thế, chính khi chúng ta nhớ, hiểu và cảm nếm Lời Chúa trong thời gian cầu nguyện, trong Thánh Lễ hằng ngày, chính khi chúng ta để cho Lời Chúa trở thành lương thực, trở thành sự sống hằng ngày của chúng ta, thì chính lúc đó, chúng ta đang chịu ơn của Chúa Thánh Thần, chính lúc đó Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi chúng ta, đang nối kết chúng ta nên một, không chỉ với nhau, nhưng với Chúa Cha và Chúa Con, như Đức Giê-su nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Như thế, lời của Đức Giê-su: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”, mở ra cho chúng ta cả một con đường đi vào cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu, là Đấng luôn luôn yêu thương chúng ta trước, trước từ khởi nguyên và trước cả khởi nguyên. Vì thế, lời này của Đức Giê-su còn dẫn chúng ta đi rất xa về phía sau nữa.

2. “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữa lời Thầy”. Lời nói này của Đức Giê-su thật đơn sơ và thật nhân tính; thật nhân tính, là bởi vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: yêu nhau thì giữ lời nhau; giữ lời nhau thì là yêu nhau! Lời nói đơn sơ và nhân tính, nhưng lại mặc khải cho chúng ta căn nguyên sâu xa của tội nguyên tổ, và vì thế, căn nguyên sâu xa của mọi tội của loài người và của chính chúng ta: đó là không yêu mến.

Thậy vậy, chúng ta thường hiểu tội là không giữ lời Thiên Chúa, như chúng ta thường nói, là vi phạm lệnh truyền (St 3, 1-7). Nhưng Đức Giê-su nói cho chúng ta biết rằng, chúng ta không giữ lời Thiên Chúa, là vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa. Mặc khải thật đơn sơ, nhưng đụng chạm đến gốc rễ của con tim, và của mọi khó khăn của chúng ta có với Chúa và có với nhau. Nhưng tại sao chúng ta không yêu mến Thiên Chúa? Bởi vì chúng ta không nhận ra, hay đúng hơn ma quỉ làm cho chúng ta mù quáng không nhận ra, tất cả những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ làm cho chúng ta nơi Đức Ki-tô, và nhất là nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

Ngoài ra, lời của Đức Giê-su cũng dẫn chúng ta đi rất sâu nữa, rất sâu trong lòng thương xót của Thiên Chúa; đó là trong hành vi không giữ lời, và rộng hơn, trong hành vi phạm tội, chúng ta không đối diện với một điều luật hay các điều luật nhưng đối diện với chính Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh.


3. Tình yêu đến cùng

Đức Giê-su và các môn đệ đang ở trong bầu khí của bữa tiệc li, nơi mà Đức Giê-su đã muốn sống trước “biến cố” sẽ đến và muốn diễn tả hết mọi ý nghĩa của biến cố này, dưới ánh sáng của kế hoạch yêu thương, được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha.

Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (Ga 18).

Tuy nhiên, đó lại là “Giờ” của Ngài, giờ Ngài đi về cùng Chúa Cha, để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ của Ngài.

Nhưng trên hết, đó là cách Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài “đến cùng”; tình yêu đến cùng là tình yêu trao ban chính mình, được diễn tả qua hình bánh và rượu, qua hành vi rửa chân cho “từng người”; và hành vi trao ban này sẽ được hoàn tất nơi Thập Giá, như tấm bánh phải “nát tan” để trở thành sự sống cho con người.

Là hành động của Sự Dữ, nhưng lại là đường đi về với Cội Nguồn là Thiên Chúa Cha, và là cách thức diễn tả tình yêu đến cùng và tuyệt đỉnh; như thế “tất cả đều trong một”. Ngài như muốn dẫn các môn đệ, ngay lúc này, đi vào mọi chiều kích khôn dò của Mầu Nhiệm, để cho họ:

Tin tưởng: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

Bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

vui mừng: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”

*  *  *

Xin Đức Ki-tô phục sinh giúp chúng ta, nhờ Thánh Thánh của Người, khám ra ý nghĩa của những biến cố trong cuộc đời chúng ta, nhất là những là những biến cố “bi đát”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để chúng ta biết tín thác vào “tình thương muôn ngàn đời của Thiên Chúa Cha” (x. Tv 136), và nhờ đó, ngay hôm nay và nhất là trong Năm Mới đã đến, chúng ta đã được hưởng bình an và niềm vui của Người rồi.

Xuân Giáp Ngọ 2014
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Ngày 1/02/2014
Mồng Hai Tết - Kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”
(Mt 15, 1-6)

1. Nghi thức rửa tay

Các môn đệ đã không rửa tay trước khi dùng bữa, nhưng người ta lại đi chất vấn vị Thầy của họ, là Đức Giê-su : « Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? » Như thế, các môn đệ làm điều không đúng dưới mắt của những người tuân giữ và bảo vệ Truyền Thống, nhưng người nghe lời than trách, lại là vị Thầy. Điều này có nghĩa là lời giảng của Thầy, cung cách hành xử của Thầy và chính bản thân của Thầy có vấn đề !

Đối với người Do Thái, rửa tay trước bữa ăn không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là một nghi thức thanh tẩy. Bởi vì, lương thực là ân huệ Thiên Chúa ban, nên phải chuẩn bị mình đển đón nhận. Hiểu như thế, nghi thức thanh tẩy này thật là có ý nghĩa trên bình diện thiêng liêng và cũng là một nghi thức tôn giáo nên bảo tồn. Và thật ra, chính chúng ta cũng làm như thế : trước bữa ăn, chúng ta làm dấu Thánh Giá, đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành ; khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta xin Chúa thanh tẩy để trở nên xứng đáng lãnh nhận Lời và Mình của Đức Ki-tô như là lương thực ; và theo Phụng Vụ Thánh Lễ, linh mục phải rửa tay trước khi cử hành nghi thức truyền phép, đồng thời đọc thầm : « Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm xin Ngài thanh tẩy » (x. Tv 51, 4).

Như thế, những người Pha-ri-sêu và Luật Sĩ thật có lí, khi lưu ý Đức Giê-su rằng, các môn đệ của Ngài đã không rửa tay trước bữa ăn. Cũng tương tự như các nhà chuyên môn về phụng vụ của chúng ta, hay những người yêu thích phụng vụ vẫn thường lưu ý hay phê phán người này người kia đã làm sai hoặc không làm một qui định chữ đỏ nào đó trong Sách Lễ Roma. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại bênh vực các môn đệ của mình. Vậy, đâu là vấn đề của những người Pha-ri-sêu và Luật sĩ ? Và phải chăng, vấn đề của họ cũng có thể là vấn đề của chúng ta ?

Nghi thức thanh tẩy dù có ý nghĩa và quan trọng, nhưng cũng chỉ là một cách diễn tả của con tim, là một lời mời gọi hướng tới một thái độ nội tâm. Thật vậy, giữ nghi thức và giữ thật đúng qui định nói lên điều gì hay sẽ đem lại hoa trái nào, khi mà trong lòng trống rỗng, hay có những tâm tình hay cảm nghĩ bất xứng hay không phù hợp ? Như Đức Giê-su đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : « Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình » (Mt 5, 23-24). Sai lầm là ở chỗ, người ta bị xét đoán là thanh sạch hay nhơ uế tùy theo việc giữ hay không giữ nghi thức rửa tay hay những nghi thức khác ; như thế, nghi thức trở thành tiêu chuẩn xét đoán về tương quan giữa con người và Thiên Chúa, và do đó, giữa con người với nhau, bởi vì người ta sẽ cư xử đặc biệt với những « người nhơ uế », những « người tội lỗi ».

Đối với Đức Giê-su, điều làm cho người ta trở nên thanh sạch hay nhơ uế không phải là điều ở bên ngoài, nhưng là điều trong nội tâm. Trước đó, Đức Giê-su đã trích lời Kinh Thánh này : « Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân » (Mt 15, 8-9). Và trong các Mối Phúc, Đức Giê-su nói : « Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa » (5, 8).

Ước gì chúng ta có được một con tim biết sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa ; vì đó là con đường duy nhất làm cho con tim của chúng ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa, làm cho các việc làm, các thực hành đạo đức của chúng ta trở nên đáng yêu dưới mắt Chúa. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất lực trong nỗ lực điều khiển con tim, trong việc làm chủ những diễn biến nội tâm, và nhất là những diễn biến ở những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn. Chỉ có Thiên Chúa, ngang qua Lời và Mình của Đức Giê-su, mới có thể làm cho con tim của chúng ta nên thanh sạch, mới có thể tái tạo và làm cho con tim của chúng ta nên mới. Xác tín này làm cho chúng ta bình an và khiêm tốn.

2. Truyền thống và Lời Chúa

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, Đức Giêsu nói hai lần về cùng một điều, đó là tương quan giữa truyền thống và Lời Chúa :

Lần thứ nhất về chuyện rửa tay trước khi dùng bữa : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? » (c. 3)

Lần thứ hai, nghiêm trọng hơn, vì liên quan đến luật thảo kính cha mẹ của Mười Điều Răn : « Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa » (c. 6b). Trong câu nói này, Đức Giêsu coi giới răn như là lời Thiên Chúa. Trong TM Mác-cô, Đức Giê-su còn thêm: “Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !” (Mc 7, 13)

Truyền thống là một giá trị qui chiếu quan trọng, hơn nữa là một ơn huệ, bởi vì đó là một cách sống giới răn của Chúa, sống Lời Chúa của một cộng đoàn trong một thời gian và nơi chốn đặc thù. Nhưng với thời gian, các việc thực hành tốt đẹp này trở thành máy móc, nghĩa là nghi thức tự động tạo ra sự thanh sạch, trở thành quan trọng hơn so với chính Lời Thiên Chúa, trở thành ngẫu tượng.

Chúng ta cũng có rất nhiều truyền thống ở mọi cấp độ: Giáo Hội, Dòng tu, tu hội, dân tộc, cộng đoàn, nhóm… Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận định lại toàn bộ dưới ánh sáng của Lời Chúa.


3. Giới răn « thờ cha kính mẹ »

Tại sao, giới răn “thờ cha kính mẹ” mang tầm mức Lời Chúa, vượt trên mọi lề luật, thói quen, tập quán phát xuất từ Truyền Thống? Bởi vì, năng động sống « uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu », thuộc về nhân tính, vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, đạo hiếu từ ngàn xưa của Dân Tộc Việt Nam đã phát xuất và chất chứa Lời Thiên Chúa. Ngoài ra, giới răn này không chỉ có nền tảng nhân bản, nhưng còn có nền tảng thiêng liêng nữa. Bởi vì:

“Thờ cha kính mẹ” là con đường dẫn con người đến việc tin nhận Thiên Chúa. Thực vậy, tổ tiên ông bà và cha mẹ sinh ra chúng ta, nhưng các vị không phải là nguồn sự sống; hơn nữa, sự sống rất nhiệm mầu và chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi, như chúng ta vẫn nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhất là trong việc giáo dục đức tin ngày nay, giáo dục lòng biết ơn là con đường tốt nhất dẫn người trẻ đến kinh nghiệm tin nhận Thiên Chúa: biết ơn, biết ơn đối với cha mẹ, đối với cuộc đời, đối với Giáo Hội, và đối với chính Thiên Chúa, cội nguồn và điểm tới của mọi sự.

“Thờ cha kính mẹ” là con đường dẫn đến hiểu biết khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, một khuôn mặt rất dễ bị bóp méo bởi những hệ thống tư tưởng, khuynh hướng tuyệt đối hóa những điểm tùy phụ và bởi chính luật lệ. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu thương xót và chỉ là tình yêu thương xót mà thôi; và khuôn mặt này được phản ánh tốt nhất nơi cha mẹ. Đức Giê-su cũng đã khởi đi từ tình yêu của cha mẹ, để giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt 7, 11).


 

Và cuối cùng, một thái độ “thờ cha kính mẹ” sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm thỏa mãn niềm hi vọng gia đình tái đoàn tụ mãi mãi bên nhau trong tình yêu thương mà thôi.

Xuân Giáp Ngọ 2014
Để nhớ ông bà, cha mẹ
và những người thân yêu đã qua đời
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ


Ngày 2/02/2014
Mồng Ba TẾT - Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Dụ ngôn Những Yến Bạc
(St 2, 4b-9.15; Cv 20, 32-35; Mt 25, 14-30)

1. Công ăn việc làm và tình thân

Thật là ý nghĩa, khi cùng hiệp dâng Thánh Lễ Mồng Ba Tết, chúng ta xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, trong bầu khí “tình thân” của những buổi họp mặt đầu năm. Bởi vì, công ăn việc làm dù rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng không thể sống mà không có tình thân:

Tình thân được sống và diễn tả ngang qua những tâm tình rất đa dạng: lắng nghe, cảm thông, đón nhận, đơn sơ, yêu thương, bao dung, tha thứ, trao đổi, nâng đỡ, tin tưởng, ước ao, chúc phúc..

Và cả tình thân ngay trong công việc nữa, dù là việc gì, vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: dù có việc làm tốt mấy đi nữa, nhưng nếu không được cộng tác trong bầu khí tin tường, nâng đỡ và cảm thông với người khác, việc làm đó cũng trở nên nặng nề và vô nghĩa.

Như thế, công ăn việc làm của chúng ta phải được thực hiện trong tình thân và phải đi đôi với tình thân, thậm chí, có lúc phải nhường chỗ cho tình thân nhưng không, giống như những dịp họp mặt đầu năm. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm về những khó khăn, những ngăn trở, những vấn đề, nhưng bóng tối và cả lỗi lầm nữa trong việc làm và trong tình thân của chúng ta.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mặc khải cho chúng ta thêm một “mối tình” nữa, đó là tình Chúa; và chính tình Chúa sẽ làm sáng tỏ những bóng tối trong lòng chúng ta và trong mối tương quan giữa chúng ta với nhau, nhưng không phải để lên án, nhưng để tha thứ và chữa lành.

2. Nước Trời giống như “một người kia sắp đi xa… Rồi ông ra đi”

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói về một thực tại mà mọi sự phải hướng tới, trong đó có việc làm và tình bạn của chúng ta, đó là thực tại Nước Trời. Thực vậy, Đức Giê-su so sánh Nước Trời với câu chuyện “một người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ… Rồi ông ra đi”. Như thế, Nước Trời đâu có phải là một thực tại xa lạ, xa xôi hay quá cao vời, bởi vì hình ảnh mà Đức Giêsu dùng để làm cho chúng ta hiểu về Nước Trời là chính thực tại mà mỗi người chúng ta đang có, thậm chí là thực tại mà chúng ta đang sống và đang là nữa.

Thực vậy, khi loài người chúng ta được tạo dựng, và khi mỗi người chúng ta được sinh ra, thì tất cả mọi sự đã có sẵn hết rồi, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên, trong một dân tộc, một gia đình, một xứ đạo, một Hội Dòng. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: bản thân chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống mỗi ngày, Lời và Mình Đức Kitô được ban nhưng không mỗi ngày. Và như Lời Chúa trong sách Sáng Thế diễn tả: đó là ơn huệ đất trời, ơn huệ sự sống, sự sống muôn loài và sự sống của con người, ơn huệ thiên nhiên xinh đẹp, phong phù và phì nhiều, và cả ân huệ việc làm nữa: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai”.

Bởi vì, tương quan chỉ đích thật và trưởng thành khi vượt qua tương quan hiện diện thể lí, để sống tương quan ngay cả khi vắng mặt và ngang qua các dấu chỉ. Xét cho cùng, làm sao hai người hiện diện thể lí với nhau 24/24 được! Giống như khi chúng ta còn bé, có lúc bé phải ở nhà một mình; và mẹ chỉ thực sự hài lòng và vui mừng, khi bé ngoan cả khi mẹ đi chợ vắng nhà.

Vì thế, trong mọi sự và ở mọi nơi, chúng ta được mời gọi, sống và ứng xử như là những nữ tì và tôi tớ, chứ không, khi Chúa vắng mặt, tự biến mình thành chủ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: khi chúng ta tự biến mình thành chủ, thì tất yếu sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người khác. Điều này đúng trong mọi cấp độ: đời mình, gia đình mình, xứ đạo, cộng đoàn …; và ở mọi vị trí xã hội và Giáo Hội: cha mẹ, giáo viên, các đấng các bậc, các bề trên, trưởng nhóm…).

3. “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến…”

Và trong dụ ngôn Đức Giê-su nói tiếp: “Ông chủ cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người”. Theo các nhà chuyên môn, mỗi yến bạc trị giá 6.000 ngày công, tương đương với 20 năm làm việc. Số vốn quá lớn! Điều này có nghĩa là, dù có sự khác biệt khách quan 5, 2 hay 1 nén, tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người chúng ta tự bản chất đều quá lớn, có thể nói được là vô giá, vô giá như chính sự sống.

Chúng ta có thể hiểu những yến bạc là những năm tháng cuộc đời Chúa ban cho mỗi người, dài ngắn khác nhau. Chúng ta cũng có thể hiểu những yến bạc là tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống: chủng tộc, xã hội, gia đình, giới tính, ngoại hình, khả năng, số phận… Như vậy, tất yếu có sự khác biệt. Chúng ta vẫn mơ là ai cũng y trang như nhau, thế là hết rắc rối. Không phải như vậy, sẽ rắc rối to hơn nữa, bởi vì sẽ chẳng còn niềm vui mở ra và chung hiệp, chẳng còn hạnh phúc đón nhận và trao ban, chẳng còn kinh ngạc và thán phục trước những điều kì diệu Chúa thực hiện đặc biệt cho mình hoặc cho người khác, chẳng còn tâm tình ca tụng và tạ ơn, chẳng còn lời kêu cầu tín thác, chẳng còn tương quan tình bạn, tình yêu… Hơn nữa, cung lòng của Thiên Chúa và cung lòng của mẹ chúng ta không thể như cái lò làm bánh mì, làm ra sản phẩm y như khuôn mẫu.

Chúng ta vẫn thường rầu rĩ ỉ ôi về mình: khả năng của con lớn lắm mà, sao Chúa trao cho con có nhiêu đây! Tại sao con không là con gái? Hay tại sao con không là con trai? Tại sao cái mặt, tay chân của con nó như vầy, tại sao con lại bị thế này, tại sao người ta có mà con không có? Tại sao và tại sao, và có những tại sao sâu thẳm mà chỉ mình mình biết thôi.

Đó chính là vấn đề của người thứ ba trong dụ ngôn. Dụ ngôn nói nhiều nhất về trường hợp này, bởi vì cái người này phù hợp với tất mọi người chúng ta ở chiều sâu, không chỉ trong ý thức nhưng nhất là trong vô thức. Bởi vì một cách khách quan có sự khác biệt nhiều ít, nhưng cảm nhận của chúng về điều mình có và điều mình là luôn luôn là ít và đôi khi là ít nhất. Và khi rầu rĩ về mình, tất yếu chúng ta có hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, về Đấng Tạo Hóa: tại sao Chúa ban có bao nhiêu đó, tại sao Chúa làm thế, tại sao Chúa hà khắc như vậy...?

Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Adam và Evà, hình ảnh diễn tả cả loài người chúng ta mọi nơi mọi thời: Chúa đã ban ơn nhiều như thế rồi, ban gần như tất cả; vậy mà còn muốn chiếm hữu, bất chấp sự ưng thuận của Thiên Chúa, cái thực tại trung tâm và duy nhất còn lại. Tội và hậu quả là cái chết, chính xác đến từ lòng “ham muốn sở hữu tất cả”. Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem, mọi tội lỗi của mỗi người và của cả loài người đều phát xuất từ đây: ham muốn sở hữu tất cả, ham muốn là tất cả.

Chúng ta có thể cảm thông với người thứ ba, vì anh chỉ có mỗi một nén thôi; tuy nhiên anh phải vượt qua sự khác biệt này, sẽ rất khó vì đây là sự khác biệt thua thiệt. Anh phải vượt qua và mọi người cần giúp anh vượt qua. Trong xã hội và có khi chung quanh chúng ta, có rất nhiều người ở trong tình trạng này. Người Ki-tô hữu, nhất là những người sống đời dâng hiến, có sứ mạng làm chứng về ơn huệ là chính bản thân mình và giúp người khác cũng cảm nghiệm như vậy. Nhưng chúng ta phải bắt đầu sứ mạng này ngay trong gia đình, cộng đoàn và Hội Dòng của mình.

Người thứ ba trong dụ ngôn có hình ảnh méo mó về điều mình có, nên tất yếu có hình ảnh méo mó về người chủ, và chắc chắc có hình ảnh méo mó về người khác nữa. Thái độ tự ti, mặc cảm, ghen tị, hành động co cụm, yếm thế, lãng phí là những hệ quả tất yếu. Và cuối cùng anh trở thành nạn nhân của chính hình ảnh méo mó mà anh có về người chủ: anh nghĩ người chủ hà khắc, sự hà khắc ập xuống trên anh. Thực ra, khi mình nghĩ xấu và sai về người khác, thì cái xấu và cái sai đã hành hạ mình rồi sâu thẳm tự bên trong.

Dụ ngôn của Đức Giêsu, và nhất là cuộc đời của Ngài mời gọi chúng ta sống tâm tình tạ ơn, mỗi Thánh Lễ là một lời tạ ơn, là Lễ Tạ Ơn, là lời kinh Tạ Ơn: tạ ơn về chính mình, mình y như thế đó, tạ ơn vì sự tin tưởng quá lớn Chúa trao tặng cho chúng ta, tạ ơn vì quà tặng Đức Giêsu Kitô Chúa cho chúng ta mỗi ngày thật quảng đại và nhưng không. Chính với tâm tình tạ ơn mà chúng ta mới có thể bao dung và quảng đại làm sinh hoa kết quả cho vinh quang Thiên Chúa. Khi cho đi, như dụ ngôn mời gọi chúng ta nhận ra, thì kết quả tất yếu sẽ viên mãn, 5 nén sinh 5 nén, 2 nén sinh 2 nén. Tuy nhiên, kết quả dù ít dù nhiều không quan trọng, miễn là chúng ta đã cho đi tất cả, và lời hứa Chúa dành cho chúng ta đều như nhau, nghĩa là “gấp trăm” do lòng quảng đại của Thiên Chúa:

Hưởng niềm vui khôn tả của Chúa.

Niềm vui mà Chúa cho chúng ta cảm nếm ngay hôm nay, trong những ngày họp mặt đầu Năm Mới.

Xuân Giáp Ngọ 2014
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ

 



[1] Dịch sát bản văn Do Thái: “Muôn ngàn đời tình thương của Chúa”.

[2] “Bánh” hiểu theo nghĩa rộng, ám chỉ tất cả những gì làm cho người ta sống.

[3] “Bánh”, dịch theo bản văn Do Thái. Nên giữ lại từ ngữ này, thay vì diễn giải là “lương thực” trong bản dịch Việt ngữ.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     MÙNG BA TẾT GIÁP NGỌ 2014: THÁNH HÓA CÔNG VIỆC. Nhiều tác giả
     THÁNH LỄ GIAO THỪA QUÝ TỴ 2013: CẦU XIN PHÚC- LỘC-THỌ. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN IV THƯỜNG NIÊN: HÀNH TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN C. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN C. Nt. Maria Chinh Anh
     Thứ 2 tuần IV Thường Niên C: Dám tin vào Chúa để loại trừ sự dữ và những điều xấu ! Minh Thùy
     suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên năm C. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN IV THƯỜNG NIÊN B: Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh. Lm. Giuse
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĐÓN NHẬN HAY CHỐI TỪ ?
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM B. Sr. Minh Nguyệt