Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHÚA NHẬT III MC A:

MẠCH NƯỚC SỰ SỐNG

tinhlang.jpgAi trong chúng ta cũng biết: Nước cần thiết cho sự sống và nước là nguồn phát sinh sự sống. Các nhà khoa học đang hy vọng tìm thấy dấu vết của nước trên sao Hỏa, và khi đã tìm ra được nước, thì hy vọng người ta sẽ tìm ra sự sống trên đó. Lịch sử cũng cho thấy các nền văn minh trên thế giới đếu bắt nguồn từ những dòng sông như : Văn minh sông Nil, văn minh Lưỡng Hà, văn minh sông Hằng, ở Việt Nam có nền văn minh sông Hồng, sông Đồng Nai. Gần đây nhiều cuộc tranh chấp giữa các quốc gia cũng có liên quan đến việc tranh chấp nguồn nước như vùng sông Giođan, các nước vùng sông Mêkông. Đối với con người, 90% trong cơ thể là nước, vì thế người ta có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn khát lâu ngày được.

Thưa quý OBACE, nước quan trọng và cần thiết cho cuộc sống, cho vũ trụ như thế, nên hôm nay Lời Chúa cũng đề cập đến hình ảnh nguồn nước, nhưng không chỉ đơn thuần là nước tự nhiên, mà là nước đem lại sự sống đời đời.

Dân Israel đã trải qua kinh nghiệm thế nào là thiếu nước uống, khi họ hành trình trên sa mạc. Cái nắng và gió của sa mạc làm cho cơ thể mất nước mau chóng, nếu không có nước bổ sung kịp thời thì chắc chắn sẽ chết. Thế nhưng vấn đề trong câu chuyện Xuất Hành cho thấy,  sở dĩ dân Do Thái muốn nổi loạn là vì họ quá khát, mà không phải chỉ một vài người mà cả một đoàn dân đông đúc cùng với súc vật, vì thế họ như nhìn thấy cái chết chắc chắn trước mắt. Cũng chính vì lý do này mà họ nổi loạn phản đối ông Môsê: Tại sao ông dẫn chúng tôi vào trong sa mạc để chúng tôi chết khát thế này? Những lời kêu trách như thế thể hiện sự mất kiên nhẫn và thiếu lòng tin ở nơi họ, mặc dù từ khi đưa dân ra khỏi Ai cập, Thiên Chúa đã làm biết bao phép lạ để bảo vệ họ, vậy mà họ vẫn nghi ngờ không tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Một lần nữa để chiều lòng họ, và để cho họ thấy rằng Thiên Chúa luôn hiện diện bên họ, nghe tiếng họ kêu cầu và có thể biến những cái không thể thành có thể, Ngài không làm cho mạch nước phát xuất từ lòng đất, nhưng Ngài lại truyền cho Môsê dùng gậy đập lên tảng đá, và nước từ tảng đá chảy ra cho dân và súc vật uống thỏa thuê. Một tảng đá tưởng như khô cằn, mà lại trở thành mạch nước !

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến một mạch nước khác, mạch nước này phát xuất từ trong tâm hồn những người tin và đón nhận Ngài. Câu chuyện xảy ra tại bờ giếng Giacóp khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ xứ Samaria. Ngài khởi đầu câu chuyện bằng lời xin : “Chị cho tôi một miếng nước uống ! ”  Với sự mở đầu này, Chúa Giêsu đã phá vỡ bức tường nghi kỵ ngăn cách mà người Do Thái đã dựng lên giữa họ và người Samaria, khiến cho người phụ nữ kia không khỏi ngạc nhiên : “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria nước uống?”. Từ việc là một người xin nước uống, qua câu chuyện, Chúa Giêsu đã chỉ cho chị thấy Ngài là Đấng sẽ ban một thứ nước hằng sống. Tuy nhiên người phụ nữ đã không dễ dàng hiểu được ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói, chị ta vẫn chỉ nghĩ đến dòng nước dưới giếng, và chị tự hào vì cái giếng này đã cung cấp nước cho tổ phụ Giacóp, cho con cháu, súc vật và còn cho đến lúc này. Nhưng Chúa Giêsu đã mạc khải rõ hơn : “Ai uống nước giếng này thì vẫn còn khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ còn khát nữa, vì nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”. Người phụ nữ liền xin: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát”. Đến đây, thánh Gioan đã chỉ cho thấy Đức Giêsu, lúc đầu, Ngài là người xin nước uống, và bây giờ thì người phụ nữ lại là người xin nước từ nơi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu lại là người ban nước ấy.

Chúa Giêsu đã đưa người phụ nữ Samari đi một bước xa hơn khi Ngài đụng chạm đến cái khát khao từ trong lòng của chị, khi Ngài nói với chị: “Chị đi gọi chồng chị rồi trở lại đây”. Chị ta đã phải thú nhận : “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu chỉ cho chị biết chị đã có năm đời chồng, nhưng vẫn không thỏa mãn, và hiện nay chị đang chung sống với một người đàn ông khác không phải là chồng chị. Cái khát khao tìm kiếm thỏa mãn xác thịt và dục vọng sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy, và nó còn phản ánh một lối sống tự do buông thả của con người nơi người phụ nữ này. Nguyên nhân sâu xa của lối sống buông thả này, đó là vì họ không còn đặt Thiên Chúa làm trọng tâm của cuộc đời, và không đón nhận được sức sống mới từ Thiên Chúa. Cái khao khát thèm muốn của người phụ nữ này thể hiện cái khao khát thèm muốn của cả dân tộc Samari khi họ chối từ việc thờ phượng Thiên Chúa để thờ cúng các thần minh của dân ngoại, họ “ngoại tình’ trong đời sống đức tin phá bỏ giao ước với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã giúp người Samaria này điều chỉnh lại suy nghĩ và cách thức thờ phượng Thiên Chúa sao cho phù hợp ý Chúa khi Ngài nói với chị : “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha trên núi này hay tại Giêrusalem… nhưng những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự thật”. Như thế, Chúa Giêsu muốn hướng con người đến sự thờ phượng đích thực là một sự thờ phượng phát xuất từ một tâm hồn chân thành nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, là Chúa của mình, là Đấng quyền năng, và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, đón nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Khi có Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài trong tâm hồn, khi để cho Thánh Thần hướng dẫn, thì Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ làm cho sức sống thần linh của Thiên Chúa tuôn chảy trong tâm hồn và nuôi sống cuộc đời chúng ta. Đó chính là mạch nước mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay.

Sức sống thần linh của Thiên Chúa sẽ trở thành nguồn mạch sự sống cho những ai để Chúa hiện diện trong tâm hồn mình. Thánh Phaolô đã giải thích điều này trong thư Rôma: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa… Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần của Người”. Chính tình yêu này làm phát sinh sự sống mới trong tâm hồn mỗi tín hữu.

Thưa quý OBACE, ngày hôm nay người ta cũng cảnh báo nhiều về việc ô nhiễm nguồn nước, thế giới có hàng tỷ người không có nước sạch để uống, mà họ phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm và chứa nhiều chất thải độc hại. Cũng vậy, có thể đời sống của nhiều người, nhiều gia đình, của môi trường xung quanh chúng ta đang bị ô nhiễm trong đời sống thiêng liêng, ô nhiễm tâm hồn. Nhiều cha mẹ đã để cho nhiều nguồn nước độc hại đang chảy vào gia đình mình, đó có thể là phim ảnh, sách báo xấu đang đầu độc và hủy hoại tâm hồn con cái chúng ta, mà cha mẹ là người đã mất kiểm soát. Các máy vi tính, internet được nối kết vào từng phòng của gia đình, mà cha mẹ không biết rằng, hằng ngày, hàng đêm phim ảnh xấu xa đang chảy vào trong từng phòng của gia đình, đang ngấm vào tâm hồn con cái chúng ta.

Đáng lẽ, các thành viên trong gia đình phải được uống những dòng nước yêu thương, sự nhân ái hiền hòa từ nơi cha mẹ, thì ngược lại nguồn nước ô nhiễm còn là chính gương xấu nơi cha mẹ và người lớn trong đời sống cũng như trong làm ăn buôn bán, cách cư xử gian ác, thiếu bác ái, sự tranh chấp kèn cựa, sự giận ghét thù oán, nó đang là những chất độc hại từng ngày gây ô nhiễm bầu khí của gia đình và đang ngấm vào con cái chúng ta.

Lối sống ích kỷ, hưởng thụ, hẹp hòi nhỏ nhen, lối sống ăn chơi buông thả, đang chứng tỏ rằng giới trẻ ngày nay không khác gì người phụ nữ Samaria ngày xưa, họ đang khát khao tìm kiếm để thỏa mãn bản năng, họ đang uống phải dòng nước độc hại ô nhiễm là lối sống chạy theo vật chất, hưởng thụ, thực dụng, vô cảm từ môi trường xã hội, khiến cho nhiều người trẻ mất đi sức sống trẻ, mất đi ý thức phục vụ và cống hiến, đánh mất phẩm giá của một con người và phẩm giá là một người Công giáo.

Với sức riêng của mình, chúng ta không thể ngăn chặn được dòng chảy xấu xa độc hại ấy, nhưng nếu mỗi người biết cùng nhau đồng loạt ý thức và ra tay, chúng ta sẽ làm giảm bớt những chất độc như vừa nêu đang ngấm vào trong từng người từng gia đình. Mỗi người mỗi gia đình hãy sử dụng một hệ thống lọc đặc biệt là Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài,  có sức khử trùng cực mạnh để ngăn chặn dòng nước ô nhiễm đang đe dọa các tâm hồn. Hãy đến với Bí tích Giải Tội tham dự Thánh Lễ, rước lễ thường xuyên, đó là hệ thống lưới lọc có khả năng loại trừ các chất độc hại là tội lỗi là thói xấu trong tâm hồn và còn tưới gội tẩy rửa tâm hồn chúng ta bằng nguồn nước sạch là tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa.

Xin Đức Giêsu ban cho chúng ta nước sự sống của Ngài, để chúng ta không còn khát khao tìm kiếm những điều thấp hèn trong thế giới ngày nay nữa, và xin nguồn nước hằng sống của Đức Giêsu làm phát sinh tình yêu trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Amen.

ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊ-SU LÀ NƯỚC HẰNG SỐNG

ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

 I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 4,5-42

(5) Vậy Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. (6) Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. (7) Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống !”. (8) Quả thế, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. (9) Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. (10) Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước Hằng Sống”. (11) Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra Nước Hằng Sống ? (12) Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Gia-cóp chúng tôi, là người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. (13) Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. (14) Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. (15) Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. (16) Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. (17) Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giê-su bảo: “Chị nói: Tôi không có chồng là phải, (18) vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. (19) Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… (20) Cha ông chúng tôi đã phờ phượng Thiên Chúa trên núi này. Còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. (21) Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. (22) Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. (23) Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (24) Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật”. (25) Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô sẽ đến. Khi Người đến, người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. (26) Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. (27) Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy ?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?”.(28) Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: (29) “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” (30) Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. (31) Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa”. (32) Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. (33) Các môn đệ hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn cho Thầy rồi chăng ?”. (34) Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. (35) Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem: đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái !”.(36) Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời. Và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. (37) Thật vậy, câu tục ngữ “Kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! (38) Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả. Còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ”. (39) Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: "Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm". (40) Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. (41) Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. (42) Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng: Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại của Đức Giê-su với một phụ nữ dân Sa-ma-ri. Người đã từng bước đưa chị ta đón nhận mặc khải quan trọng: Người chính là Đấng Thiên Sai, là Đấng đến ban Nước Hằng Sống là ơn cứu độ cho những ai biết mở lòng đón nhận và đặt trọn niềm tin cậy vào Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 5-9: + Đến một thành xứ Sa-ma-ri: Từ Giê-ru-sa-lem về Ga-li-lê ngang qua xứ Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã tới giếng Gia-cóp gần thành Sy-kha (hay Si-khem) tại đất Ca-na-an (x. St 33,18; 48,22). Đây là đất mà tổ phụ Gia-cóp đã cho Giu-se và con cháu làm gia nghiệp (x. Gs 24,32). + Khoảng giờ thứ sáu: Tức khoảng mười hai giờ trưa. Người Do thái tính thời gian như sau: ban ngày có 12 giờ và ban đêm có 4 canh giờ. Ngày bắt đầu từ giờ Thứ Nhất (6g sáng) lúc mặt trời mọc, và kết thúc vào giờ Thứ Mười Hai (18g00) lúc mặt trời lặn. + “Chị cho tôi xin chút nước uống !”: Đức Giê-su chủ động xin nước uống để có cơ hội bắt chuyện, giúp người phụ nữ dần dần nhận ra Người là Đấng ban Nước Hằng Sống, đem lại ơn cứu độ cho loài người. + “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?”: Người Sa-ma-ri là con cháu của hai nhóm người: Một là những người không phải đi lưu đày khi Vương quốc Ít-ra-en  phía Bắc bị tiêu diệt vào năm 722 trước CN. Hai là những người dân Ba-by-lon và Mê-đi-a do các đoàn quân xâm lược Át-sua đưa vào (x. 2 V 17,24tt). Có một sự đối lập về thần học giữa những người Sa-ma-ri này với người Do Thái phía Nam, bởi vì người Sa-ma-ri không chịu thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Tình trạng này lại trầm trọng thêm vì người Sa-ma-ri đã gây thêm khó khăn cho người Do Thái hồi hương trong việc tái thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, rồi đến thế kỷ II trước CN, người Sa-ma-ri lại giúp các vua Sy-ri trong các cuộc chiến chống người Do Thái. Vào năm 128 trước CN, thượng tế Do Thái đã ra lệnh đốt phá Đền Thờ Sa-ma-ri trên núi Ga-ri-dim. Đối với người Do Thái, dân Sa-ma-ri là dân tội lỗi ô uế. Do đó hai dòng giống Do thái và Sa-ma-ri tuy cùng một tổ tiên, sống sát bên nhau, nhưng lại có ác cảm và không giao tiếp với nhau. Ở đây, người phụ nữ Sa-ma-ri này đã nhận ra Đức Giê-su là người Do thái qua giọng nói và cách ăn mặc nên đã tỏ ra ngạc nhiên và từ chối giúp đỡ như vậy.

- C 10-15: + “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước Hằng Sống”…: Nhân dịp này, Đức Giê-su cho người phụ nữ kia biết Người là Đấng Cứu Thế, đến để ban Nước Hằng Sống. Trong Tin Mừng Gio-an, chúng ta thường gặp tình trạng các người đối thoại với Đức Giê-su hiểu lầm những kiểu nói của Người. Như ở đây, hai kiểu nói là “nước hằng sống” của Đức Giê-su và của người phụ nữ nói không mang cùng một ý nghĩa. + “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra Nước Hằng Sống ?...: Người phụ nữ này chỉ hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa thông thường là “nước giếng” tự nhiên, đang khi Đức Giê-su lại có ý nói đến Nước Hằng Sống là Ơn Cứu Độ. + “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”: Đức Giê-su so sánh nước giếng tự nhiên chỉ làm đã khát cho thân xác nhất thời, với Nước Hằng Sống là ơn cứu độ mới là nguồn nước mang lại sự sống đời đời cho loài người mà chính Người mang đến. + “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”: Đức Giê-su dẫn dắt người phụ nữ từ thái độ thù nghịch đến chỗ thân thiện với Người. Đức Giê-su từ vai trò một người khách bộ hành xin nước uống đến vai trò là Đấng Thiên Sai ban Nước Hằng Sống và người phụ nữ xin Người ban cho thứ Nước cứu độ ấy.

- C 16-22: + “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”: Đức Giê-su tỏ ra là người lịch sự khi Người muốn nói chuyện với người phụ nữ trước mặt người chồng của chị ta, đồng thời cũng muốn cho chị ta ý thức về thân phận tội nhân của mình. + “Chị nói: Tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”: Đức Giê-su cho người phụ nữ ý thức tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của mình. Một số nhà chú giải còn nhìn thấy 5 đời chồng là hình ảnh tượng trưng dân Sa-ma-ri vừa kính sợ Đức Chúa, lại vừa phụng thờ 5 vị thần khác (x. 2 V 17,29-34.41). + Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ: Người phụ nữ sửng sốt trước việc Đức Giê-su thấu suốt đời tư của mình, và tôn xưng Người là một vị ngôn sứ. Đồng thời, chị ta xin Đức Giê-su cho chị lời khuyên cần tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ra-dim như người Sa-ma-ri (x. Đnl 27,4) hay thờ Chúa tại Đền Thánh Giê-ru-sa-lem như người Do Thái ? + Đã đến giờ: Đức Giê-su dạy chị phụ nữ với tư cách vị ngôn sứ: Đã đền giờ Người xuất hiện để thực hiện chương trình cứu độ. Người cho biết: việc thờ phượng tại núi này hay tại Giê-ru-sa-lem chỉ là hình bóng và đã bị vượt qua rồi. Bây giờ là thời của Đấng Thiên Sai, nên cần chầm dứt việc thờ phượng cũ để bắt đầu cách thờ phượng mới nơi Người. + Thờ Đấng mà các người không biết: Người Sa-ma-ri chỉ công nhận bộ sách Ngũ Kinh và không biết đến các sách khác, nhất là sách của các ngôn sứ mặc khải về Thiên Chúa. + Còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết: Người Do thái tuân giữ toàn bộ Sách Thánh. Sau này, thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh đặc ân này của dân Do thái (x. Rm 9,4).

- C 23-29: + Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí: là tôn thờ Thiên Chúa dưới sự soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. + Trong Sự Thật: Thờ Thiên Chúa trong Đức Giê-su, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6). Tóm lại, từ nay Đức Giê-su trở nên Đền Thờ mới sẽ thay Đền Thờ cũ trên núi Ga-ra-dim hay tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật”: Đức Giê-su đã nêu ra một điều được cả dân Do thái và dân Sa-ma-ri chấp nhận là lời khẳng định: “Thiên Chúa là Thần Khí, và người ta phải thờ Người ở khắp mọi nơi, thờ chính Thiên Chúa chứ không phải thờ hình bóng của Người. Thiên Chúa là Đấng vô hình, nên Người đòi người ta phải thờ phượng Người trong tâm hồn. Một số người dựa vào câu này để từ chối thờ Chúa bằng những hình thức lễ nghi bên ngoài. Thực ra Đức Giê-su vẫn thường xuyên lên Đền thờ dự lễ (x. Ga 2,13; 7,14; 11,55) và đến hội đường Do thái nghe giảng dạy và cầu nguyện chung tôn thờ Thiên Chúa (x. Mt 1,21; Mt 13,54). Qua câu nói này, Người chỉ chống lại những nghi lễ vụ hình thức mà thôi (x. Mt 15,7-9; 21,12-13). + Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô sẽ đến: Dù chưa hiểu được ý nghĩa về lời giải thích trên đây, người phụ nữ này cũng quan tâm đến tôn giáo. Bà hy vọng Đấng Thiên Sai sẽ đến loan báo mọi sự. + Đấng ấy chính là tôi: Đây là công thức bằng tiếng Hy Lạp “egô eimi” (I amJe suis). Công thức này là chính danh xưng Thiên Chúa đã tỏ ra cho Mô-sê. Tác giả muốn ngầm giới thiệu thần tính của Đức Giê-su. Bình thường, Người không muốn tỏ ra là Đấng Thiên Sai vì sợ dân Do thái hiểu vai trò Thiên Sai theo nghĩa chính trị. Còn ở đây nói với người phụ nữ Sa-ma-ri, Người không sợ bị hiểu lầm nên đã tỏ mình chính là Đấng Thiên Sai. + Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ: Phong tục Do thái không cho phép đàn ông nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng. Làm như vậy, Đức Giê-su đã bãi bỏ tục lệ này vì sứ mệnh rao giảng Tin Mừng quan trọng hơn thói tục của người đời. Người đến với tha nhân, bất kể họ là ai hay thuộc phái tính nào, dân tộc nào, để đem Tin Mừng cứu rỗi cho họ. + Đến mà xem: có một người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm: Thực ra Đức Giê-su mới chỉ nói về những người chồng của người phụ nữ này chứ chưa nói về tất cả những gì chị đã làm. Nhưng khi nói với dân chúng, chị ta đã phóng đại lên để cho người ta dễ tin mà thôi.

- C 30-38: + “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”: Đức Giê-su muốn dựa vào của ăn phần xác mà các môn đệ mời Người để nói về của ăn thiêng liêng mà các ông chưa biết. + Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy: Đức Giê-su coi việc làm theo ý Chúa Cha là đồ ăn của Người. + Đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái !: Đức Giê-su dựa vào câu tục ngữ người nông dân thường nói: “Bốn tháng có qua, mùa gặt có tới”. Qua đó Người nói đến mùa gặt thiêng thiêng là cánh đồng truyền giáo đã chín vàng, chính là dân thành Sa-ma-ri đang kéo tới gặp Người. Đây là hoa trái đầu mùa của mùa gặt Thiên Sai. Trong Cựu Ước, mùa gặt tượng trưng sự phán xét của Thiên Chúa, hoặc niềm vui ơn cứu độ (x. Is 9,2; Am 9,13, Tv 126,5). Trong Tân Ước, mùa gặt tượng trưng cho hoa quả của việc truyền giáo (x. Mt 9,37). Đức Giê-su gợi lên niềm vui và phần thưởng của thợ gặt là các tông đồ, khi các ông giúp nhiều người tin để được hưởng hạnh phúc Nước Trời. + Câu tục ngữ “Kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng !: Câu tục ngữ này được hiểu như sau: Người gieo chính là Đức Giê-su và hạt giống là Tin Mừng (x. Lc 8,11). Thợ gặt là các môn đệ. Mặc dù các ông chưa được sai đi, nhưng Đức Giê-su đã thấy trước viễn ảnh tốt đẹp là hoa quả của việc truyền giáo mang lại. Đức Giê-su muốn nói lên rằng: công khó của Người sắp chịu chết trên thập giá như là hạt giống, hạt giống ấy phải chết đi mới sinh ra nhiều hoa trái (x. Ga 12,24). Còn các môn đệ sẽ cảm mến được niềm vui của mùa gặt. Công việc truyền giáo là một việc mang tính tập thể: “Người gieo kẻ gặt”, mỗi người mỗi nhiệm vụ. Do đó khi việc tông đồ đem lại nhiều kết quả thì người ta đừng tự mãn cho rằng kết quả đó hòan tòan do công sức riêng của mình, nhưng còn có công sức của nhiều người khác cộng tác nữa.

- C 39-42: + Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm: Lời chứng của người phụ nữ được coi là dấu chỉ, là bước khởi đầu đưa dân thành tin vào Đức Giê-su. + Dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa: Đức tin phải được tiếp tục triển nở nhờ nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su. + “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng: Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”: Qua lời của dân thành Sa-ma-ri, ta thấy đức tin trưởng thành phải bắt nguồn từ thực tế, chứ không chỉ dựa vào đức tin của người khác như cha mẹ, vợ chồng, người thân hoặc theo số đông nơi mình đang sống mà thôi.

4. CÂU HỎI: 1) Cách tính giờ của người Do thái thế nào ? 2) Đức Giê-su chủ động xin nước uống với người phụ nữ Sa-ma-ri nhằm mục đích gì ? 3) Nước Hằng Sống mà Đức Giê-su hứa ban là thứ nước gì ? 4) Lời Đức Giê-su dạy thờ Thiên Chúa vô hình trong Thần Khí và Sự Thật phải chăng là Người đã bãi bỏ tất cả các lễ nghi thờ phương bề ngoài ? 5) Câu chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri hôm nay dạy ta bài học gì về sứ mạng phải đi loan báo Tin Mừng ? 6) Câu nói của dân làng cho thấy tầm quan trọng của Lời Chúa ra sao trong viẹc tăng thêm đức tin của người tín hữu đến mức trưởng thành ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,13-14a).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LỜI CHÚA CHÍNH LÀ NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG:

Cách đây ít lâu, một số chị em người Bỉ khi suy niệm đoạn Tin mừng này, đã cùng nhau lập một tu hội tên là “Ô Vi” (Eau Vive) dịch là “Nước Hằng Sống”. Ngoài việc cầu nguyện trước Chúa Thánh Thần mỗi ngày, chị em còn mở quán ăn phục vụ khách. Trong quán, các chiêu đãi viên chính là các nữ tu. Châm ngôn của tu hội là “Phục vụ Chúa trong các thực khách”. Mỗi buổi tối vào giờ đóng cửa, chị em biến quán ăn trở thành nhà nguyện. Các thực khách được mời ở lại tham dự giờ chia sẻ Lời Chúa. Mọi người sẽ được nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh là Nước Hằng Sống mà Đức Giê-su đã ban cho người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp xưa.

2) PHẢI TÌM GẶP CHÚA NƠI THA NHÂN:

Vào một đêm trăng, khi nhìn qua cửa sổ, vị tu sĩ già thấy một thiên thần đang ngồi viết vào một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ liền rón rén đến gần hỏi thiên thần:

          - Ngài đang viết gì vào quyển sách vàng này thế ?

          - Ta đang ghi tên những người có lòng yêu mến Thiên Chúa thực sự.

          Trong tâm trạng vừa lo lắng lại vừa hồi hộp, vị tu sĩ đã yêu cầu thiên thần tìm trong cuốn sách xem đã có tên mình hay chưa. Thiên thần liền chiều ý để lần giở từng trang sách ra tìm, nhưng tìm từ đầu đến cuối cuốn sách vàng mà không thấy có tên ông ta. Vị tu sĩ vẫn không thất vọng, ông tiếp tục yêu cầu thiên thần:

          - Vậy xin ngài hãy ghi tên tôi là kẻ luôn yêu mến phục vụ tha nhân.

          Thiên thần liền ghi tên ông vào sổ vàng những người yêu mến Chúa.

           Sau khi vị tu sĩ già qua đời, người ta đã tìm thấy quyển nhật ký hằng ngày của ông. Trong đó ngay trên trang đầu tiên ông dã ghi Lời Chúa phán: ”Nếu ai nói : Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu mến người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Tiếp theo lời Chúa này, vị tu sĩ còn giải thích thêm: ”Tôi đã đi tìm linh hồn tôi, nhưng tôi không tìm thấy vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng; Tiếp đến tôi đã đi tìm Thiên Chúa, nhưng tôi cũng không tìm thấy vì Ngài vô cùng siêu việt; Mãi đến khi tôi quyết định đi tìm tha nhân thì tôi lại  gặp được cả Thiên Chúa và linh hồn mình nơi những người này” (Trích «Mỗi ngày một tin vui»).

3. SUY NIỆM:

Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện để giúp chúng ta tìm gặp Đức Giê-su là nguồn nước đem lại sự sống đời đời. Qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp. Người đã từng bước mặc khải Sự Thật về Người cho chị ta: Người là Đấng ban Nước Hằng Sống, là một Ngôn Sứ, là Đấng Mê-si-a đến ban ơn cứu độ mọi người.

1) HỌC TẬP ĐỨC GIÊ-SU TRONG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG:

Đức Giê-su đã hướng dẫn người phụ nữ theo một tiến trình đức Tin như sau:

- Người đi bước trước để ngỏ lời xin người phụ nữ Sa-ma-ri cho uống nước giếng tự nhiên:

Đức Giê-su chủ động đi bước trước làm quen, vượt qua rào cản giữa hai dân tộc Do thái và Sa-ma-ri để ngỏ lời xin một người phụ nữ Sa-ma-ri cho uống nước như sau: “Chị cho tôi xin chút nước uống !” (Ga 4,7). Đây là phương pháp loan báo Tin Mừng hữu hiệu giúp các tín hữu chúng ta tiếp cận anh em lương dân để nói chuyện về tôn giáo với họ.

- Người đòi người phụ nữ phải tin vào Người để được Người ban cho Nước Hằng Sống là ơn cứu độ:

Từ việc xin nước uống tự nhiên, Đức Giê-su đề cập đến thứ Nước Hắng Sống là đức tin siêu nhiên đem lại sự sống đời đời cho những ai đón nhận: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy sẽ ban cho chị Nước Hằng Sống” (Ga 4,10). Phải biết bắt đầu từ những điều vật chất cụ thể để sẽ đề cập đến mầu nhiêm đức tin siêu vật chất. Đức Giê-su cũng nhiều lần đã dung các hình ảnh cụ thể vật chất đời thường trong các dụ ngôn để trình bày về Nước Trời.

- Người đòi người ta phải thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật:

Đức Giê-su cho chị phụ nữ kia biết chính thái độ ich kỷ tự mãn và khinh thường lẫn nhau đã tạo ra bức tường ngăn cách về đức tin giữa hai dân tộc Do thái và Sa-ma-ri: Người Do thái đòi phải thờ Thiên Chúa tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, còn người Sa-ma-ri lại đòi phải thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ri-dim! Đức Giê-su đã giải đáp về sự thờ phượng đích thực như sau: “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,24). Cần tập cầu nguyện với Chúa mọi lúc và mọi nơi chứ không nhất thiết phải có nhà thờ hay bàn thờ mới cầu nguyền được.

- Người mặc khải về sứ mạng Thiên Sai của Người:

Người phụ nữ Sa-ma-ri cho biết quan niệm về Đấng Thiên Sai của người Sa-ma-ri như sau: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô sẽ đến. Khi Người đến, người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Đức Giê-su liền mặc khải cho chị ta biết về vai trò Thiên Sai của Người như sau: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,26). Tất cả sự thờ phượng Thiên Chúa đều qui vè Chúa Giê-su, để nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

- Người phụ nữ thể hiện đức tin bằng việc nhiệt thành làm chứng cho Người:

Sau khi đã tin Đức Giê-su là Ngôn Sứ và là Đấng Thiên Sai, người phụ nữ đã phấn khởi vào trong thành báo tin như sau: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” (Ga 4,29). Nhờ lòng tin yêu Chúa mà người phụ nữ này đã nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho đồng bào của mình. Thực như lời thánh Phao-lô đã nói: “Tinh yêu Chúa Ki-tô thôi thúc tôi” (2 Cr 5,14).

- Nhờ gặp gỡ và nghe lời Chúa mà dân làng Sa-ma-ri đã đạt đến một đức tin trưởng thành:

Lúc đầu dân làng Sa-ma-ri đã ra gặp Đức Giê-su theo lời người phụ nữ kêu gọi. Rồi họ đã mời Đức Giê-su ở lại để được nghe loan báo Tin Mừng. Nhờ đó họ đã có đức tin vào Đức Giê-su chính là “Đấng Cứu Độ trần gian”. Cuối cùng họ đã khẳng định với người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng: Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian” (Ga 4,42). Đây cũng là tấm gương cho những anh chị em tân tòng theo đạo để lập gia đình với người bạn công giáo. Họ phải làm thế nào để đạt tới đức tin trưởng thành như dân làng Sa-ma-ri nói trên.

2) PHẢI GẶP GỠ CHÚA LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÓ ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH ?:

 Ngày nay chúng ta có thể gặp gỡ Chúa bằng nhiều hình thức như sau:

- Gặp Chúa trong tình yêu tha nhân: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nên chỉ những ai có tình yêu thương tha nhân mới gặp được Thiên Chúa. Còn những kẻ ganh ghét, để lòng thù ghét anh em thì thuộc về ma quỷ và sẽ không gặp được Thiên Chúa đời này và đời sau như thánh Gio-an đã viết: “Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15).

- Gặp Chúa trong Thần Khí là Chúa Thánh Thần: Ðức Giê-su nói: Ðã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).  Vì “Ðấng Tối Cao không ở trong những ngôi nhà do tay người phàm làm ra”  (Cv 7,48). Do đó muốn gặp gỡ Thiên Chúa thực sự, ta cũng phải gặp Ngài trong Thần Khí là Chúa Thánh Thần.

- Gặp Chúa trong tín thác vào Chúa Giê-su “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6): Nhờ đức Tin, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa qua Lời Chúa và Thánh Thể tại nhà thờ; Gặp Chúa khi đọc Lời Chúa giờ kinh tối gia đình hằng ngày hay các buổi sinh hoạt Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đất, giữa họ” (Mt 18,20)

- Gặp Chúa trong những người đang sống chung trong một mái nhà hay đang ẩn mình nơi những người đau khổ, nghèo khó, bệnh tật và bị bỏ rơi… Ngoài ra để gặp được Chúa, chúng ta cần phải ăn ở thành thật “có nói có, không nói không” (Mt 5,36). Tránh ăn nói quanh co, lừa đảo, vì đó là hành vi của ma quỷ là kẻ dối trá và hay đánh lừa con người (x. Ga 8,44).

3) LÀM GÌ ĐỂ SỐNG VÀ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY ?:

- Trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta cần dành nhiều thời gian để đến gặp gỡ Chúa Giê-su trong thánh lễ, qua các buổi tĩnh tâm Mùa Chay, các giờ kinh tối gia đình… Nhờ đó chúng ta sẽ có một nguồn suối làm thỏa mãn cơn khát nội tâm, và làm cho lòng chúng ta trở thành một mạch nước mới dẫn đến ơn cứu độ như lời Chúa dạy hôm nay: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14a).

- Cần hãm mình ăn chay để có điều kiện làm nhiều việc bác ái yêu thương như phương thế truyền giáo hữu hiệu trong hoàn cảnh xã hội hôm nay: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Trong thế giới hôm nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu họ có nghe thầy dạy thì thầy dạy đó cũng là chứng nhân”. Câu chuyện sau đây chứng minh điều này: “Có một người đàn ông nọ mới theo đạo. Một hôm có người muốn thử đức tin của ông liền hỏi: “Anh theo đạo nhưng có biết Đức Giê-su là ai không ?” Người tân tòng trả lời: “Dĩ nhiên là biết chứ”. Người kia hỏi tiếp: “Thế Đức Giê-su sinh ra tại đâu ?” Người tân tòng im lặng không trả lời được. Người kia hỏi tiếp: “Thế Đức Giê-su chết khi được bao nhiêu tuổi ?” Một lần nữa, người tân tòng lại không biết. Người kia liền nói: “Anh chẳng biết gì về đạo. Vậy tại sao anh lại theo đạo ?” Bấy giờ người tân tòng mới nói: “Thú thật với anh: tôi biết rất ít về giáo lý. Nhưng điều tôi biết rất rõ là: Cách đây hai năm, do nợ ngân hàng mất khả năng chi trả, nên gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khốn cùng bị đuổi ra khỏi nhà để sống lang thang nay đây mai đó. Trong thời gian ấy, tôi buồn chán đi uống rượu và trở thành một kẻ luôn say xỉn và khi về đến nhà là lại la mắng vợ con. Vợ tôi lúc nào cũng buồn rầu khóc lóc. Các con tôi thì luôn sợ phải nhìn thấy mặt ba của chúng. Nhưng sau đó. tôi rất may đã gặp được một linh mục tốt bụng. Ông đã tận tình giúp đỡ gia đình tôi vượt qua cơn khó khăn: Ông giúp tôi có được một công việc thu nhập ổn định, và giúp gia đình tôi trở thành con Thiên Chúa. Ông còn giúp bản thân tôi trở thành một con người sống tiết độ và có trách nhiệm hơn đối với gia đình của mình. Hiện nay tôi đã đòi lại được căn nhà cũ trước kia. Vợ chồng tôi sống với nhau rất hòa hợp hạnh phúc. Các con tôi đều khỏe mạnh, học hành tiến bộ và luôn ngoan ngoãn hiếu thảo. Tôi xác tín rằng: “Chính Đức Giê-su đã biến đổi gia đình tôi từ khi tôi gặp được Người qua trung gian một vị linh mục !” Quả thật đúng như lời Đức Giê-su đã phán trong Tin Mừng hôm nay: “Ai uống nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14b).

4. THẢO LUẬN:

1) Chúng ta thường mong ước những điều gì và cảm thấy thế nào khi chiếm hữu được chúng ? 2) Bạn có cảm nghĩ gì về Lời Chúa hứa sẽ ban Nước Hằng Sống cho những ai tin và uống nước ân sủng của Người ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy biến đổi chúng con trong Mùa Chay này. Xin cho chúng con gặp Chúa trong thánh lễ, những buổi tĩnh tâm sám hối… để biết rõ con người thật của mình. Xin cho chúng con năng uống Nước Hằng Sống là Lời Chúa dạy và Thánh Thể Chúa, nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ tươi vui hơn. Xin cho chúng con sẵn sàng loại trừ những thành kiến với tha nhân, để quảng đại tha thứ, quên mình phục vụ và luôn đi bước trước đến với tha nhân, như Chúa đã nêu gương trong Tin Mừng hôm nay. Xin cho chúng con luôn cầu nguyện như thánh Au-gút-ti-nô : “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, và tâm hồn con vẫn còn xao xuyến mãi cho đến khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”; Xin giúp chúng con luôn thực hành Lời Chúa như Mẹ Ma-ri-a đã căn dặn các người giúp việc yại tiệc cưới Ca-na xưa: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5b).- AMEN.

LM ĐAN VINH -  HHTM

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Thứ Bảy tuần II Mùa Chay: EM CON ĐÂY ĐÃ CHẾT MÀ NAY ĐÃ SỐNG. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY: BỔN PHẬN CỦA CHÚNG TA HÔM NAY ĐỐI VỚI THẾ GIỚI VÀ NHÂN LOẠI
     Thứ Năm Tuần II Mùa Chay Năm A: GIÀU NGHÈO. Nữ Tỳ Thánh Thể
     Thứ Tư Tuần II Mùa Chay Năm A: THÁNH. GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA. M. Tố Quyên
     Thứ Ba Tuần II Mùa Chay Năm A: Bệnh vẻ bề ngoài và ơn chữa lành. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Thứ Hai Tuần II Mùa Chay Năm A: LÒNG NHÂN TỪ. Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Chay A. Nhiều tác giả
     Gợi ý suy chiêm Tin Mừng Chúa Nhật II MÙA CHAY Năm A: GẶP GỠ CHÚA TRONG CÔ TỊCH & THỰC THI LỜI NGÀI. Nt T. Ngọc Lễ, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Chay A: Thiên Chúa tỏ cho thấy Con Người và thánh ý của Người. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy tuần I Mùa Chay A