Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Giữa đức tin và khoa học

không có sự chống đối nhưng có tình bạn

Giữa đức tin và khoa học không có sự chống đối nhưng có tình bạn. Trong khi sống ơn gọi nghiên cứu thiên nhiên các khoa học gia có thể bước đi trên con đường nên thánh.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 30.000 tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24-3-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một trong các bậc thầy lớn nhất của nền thần học thời Trung Cổ là thánh Alberto Cả. Thánh nhân không chỉ là một nhà uyên bác nghiên cứu nhiều lãnh vực khác nhau, mà còn là một vị thánh lớn của Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử của người như sau:
Chào đời bên Đức vào đầu thế kỷ XIII, khi còn rất trẻ người đã sang Italia theo học tại Padova, là trụ sở của một trong các đại học nổi tiếng thời Trung Cổ. Người học các môn gọi là ”nghệ thuật tự do”: văn phạm, hùng biện, biện chứng, toán học, hình học, thiên văn và âm nhac, nghĩa là các khoa của nền văn hóa tổng quát, và cho thấy mình chú ý tới các khoa học thiên nhiên, sẽ mau chóng trở thành lãnh vực chuyên môn ưa thích của người.

Trong thời gian theo học tại Padova Alberto lui tới nhà thờ của các tu sĩ Dòng Đa Minh và sau đó xin gia nhập Dòng. Tương quan sâu xa với Thiên Chúa, gương sống thánh thiện của các tu sĩ Đaminh và các bài giảng của Chân phước Giordano thành Sassonia, người kế vị thánh Đaminh trong nhiệm vụ hướng dẫn Dòng các Anh Em Giảng Thuyết, đã giúp Alberto chiến thắng mọi nghi nan và các phản đối của gia đình. Thường khi trong những năm của tuỗi trẻ Thiên Chúa nói với chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy chương trình của cuộc sống. Cũng giống như thánh Alberto, lời cầu nguyện cá nhân được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa, việc lãnh nhận các Bí Tích và sự hướng dẫn của các người được soi sáng, là các phương thế giúp chúng ta khám phá ra và đi theo tiếng Chúa gọi.

Sau khi thụ phong linh mục các Bề trên giao cho Alberto nhiệm vụ dậy tại các trung tâm đào tạo khác nhau của dòng. Các khả năng trí thức sáng ngời cho phép người kiện toàn việc học thần học tại đại học danh tiếng nhất thời đó là đại học Paris. Từ đó thánh nhân bắt đầu sinh hoạt sáng tác, sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời người.

Alberto được giao cho nhiều trọng trách. Năm 1248 người có nhiệm vụ mở một trung tâm thần học tại Koeln là một trong các thành phố quan trọng nhất của Đức. Từ Paris thánh nhân đem theo về Koeln môn sinh đặc biệt là Tôma thành Aquinô, và giữa hai nhà thần học lớn này nảy sinh ra một tương quan qúy trọng và tình bạn thắm thiết, là các thái độ giúp khoa học phát triển rất nhiều. Năm 1254 Alberto được bầu làm Bề Trên Tỉnh dòng Teutoniae, bao gồm miền Trung và miền Bắc Âu châu. Thánh nhân viếng thăm các cộng đoàn, nhắc nhở các tu sĩ trung thành với tinh thần Dòng, các giáo huấn và gương sống của thánh Đaminh.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói các đức tính của thánh Alberto khiến cho người được Đức Giáo Hoàng thời đó là Alessandro IV chú ý và mời về Agnani là nơi các Giáo Hoàng hay lui tới, về Roma và Viterbo để hỏi ý kiến về các vấn đề thần học. Chính Đức Alessandro IV chỉ định thánh Alberto làm Giám Mục Regensburg, một giáo phận lớn và nổi tiếng tại Đức, nhưng hồi đó đang trải qua nhiều khó khăn. Trong các năm 1260-1262 thánh Alberto không mệt mỏi thi hành chức vụ chủ chăn và đem lại an bình và hòa hợp cho thành phố này. Người tái tổ chức các giáo xứ và tu viện và đẩy mạnh các sinh hoạt bác ái.

Năm 1263-1264 Đức Giáo Hoàng Urbano IV chỉ định thánh Alberto rao giảng cho nước Đức và vùng Boemia, và sau đó thánh nhân trở về Koeln để tiếp tục việc dậy học, nghiên cứu và sáng tác. Là con người của cầu nguyện, khoa học và bác ái, thánh nhân có uy tín rất lớn khi phải can thiệp vào các chuyện của Giáo Hội và của xã hội thời đó. Người đã đặc biệt đem lại hòa bình và hòa giải tại Koeln nơi Đức Tổng Giám Mục xung khắc với các cơ cấu của thành phố; người đã xả thân trong Công Đồng Lyon do Đức Giáo Hoàng Gregorio X triệu tậu năm 1274 để hiệp nhất Giáo Hôi Latinh với Giáo Hội Hy Lạp sau vụ ly giáo Đông Phương năm 1054; người minh giải tư tưởng của thánh Tôma Aquinô bị phản đối và kết án bất công. Thánh Alberto qua đời trong tu viện Thánh Giá ở Koeln năm 1280 và mau chóng được các tu sĩ dòng sùng kính.

Năm 1622 Giáo Hội phong chân phước cho người và năm 1931 Đức Giáo Hoàng Pio XI nâng người lên hàng hiển thánh và tuyên bố người là Tiến Sĩ Giáo Hội.
Qủa thật người đáng được tước hiệu ấy không chỉ vì các chân lý đức tin, mà vì nền văn hóa sâu rộng của người nữa. Thánh nhân không chỉ nghiên cứu và viết sách triết học và thần học, mà cũng hiểu biết nhiều lãnh vực khác từ vật lý cho tới hóa học, từ thiên văn cho tới khoáng chất, từ bách thảo cho tới bách thú. Chính vì thế Đức Giáo Hoàng Pio XII đặt người làm quan thầy các khoa học gia thiên nhiên. Dĩ nhiên các phương pháp thánh nhân sử dụng không phải là các phương pháp sẽ được khai triển trong các thế kỷ tiếp theo, vì thánh nhân chỉ quan sát, miêu tả và xếp loại các hiện tượng nghiên cứu, nhưng người đã mở cửa cho các công việc tương lai. Đề cập tới giáo huấn của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:

Người còn có nhiều điều để dậy dỗ chúng ta. Nhất là thánh Alberto chỉ cho thấy giữa đức tin và khoa học không có chống đối, mặc dù đã có một vài giai đoạn hiểu lầm trong lịch sử. Một con người của đức tin và lời cầu nguyện như thánh Alberto Cả, có thể an nhiên vun trồng việc nghiên cứu các khoa học thiên nhiên và tiến tới trong việc hiểu biết tiểu vũ trụ và đại vũ trụ, khám phá ra các luật lệ riêng của vật chất, vì tất cả mọi điều này đều quy về việc dưỡng nuôi khát khao và tình yêu của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói về thụ tạo như ngôn ngữ đầu tiên, qua đó Thiên Chúa là sự thông minh tối cao, là Lời vén mở cho chúng ta điều gì đó về Ngài. Sách Khôn Ngoan khẳng định rằng các hiện tượng thiên nhiên cao cả và xinh đẹp là các công trình của một nghệ sĩ, qua đó chúng ta có thể biết được Tác Giả của thụ tạo (Kn 13,5). Thời Trung Cổ và Thời Phục Hưng so sánh thế giới với một cuốn sách do Thiên Chúa viết ra... Theo gót thánh Alberto Cả đã có biết bao khoa học gia được linh hứng bởi sự kinh ngạc và biết ơn trước thế giới tiếp tục nghiên cứu và khám phá ra rằng nó là công trình tốt lành của một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan và đáng yêu.

Thánh Alberto Cả nhắc cho chúng ta biết có tình bạn giữa khoa học và đức tin và các khoa học gia qua ơn gọi nghiên cứu thiên nhiên có thể chạy theo lộ trình đích thực và hấp dẫn của sự thánh thiện.

Thái độ rộng mở tâm trí của thánh Aberto Cả khiến cho người tiếp nhận tư tưởng của triết gia Aristotele sống vào thế kỷ thứ IV trước Chúa Kitô, đặc biệt trong lãnh vực luân lý đạo đức và siêu hình. Các tác phẩm của Aristotele chứng minh cho thấy sức mạnh của lý trí, giải thích ý nghĩa và cấu trúc thực tại với sự sáng suốt và rõ ràng, tính cách có thể hiểu được của nó, cũng như giá trị và mục đích của các hành động của con người. Thánh Alberto Cả đã mở cửa để tiếp nhận hoàn toàn triết lý của Aristotele vào trong triết học và thần học trung cổ. Việc tiếp nhận này sẽ được thánh Toma soạn thảo một cách vĩnh viễn. Một trong những công lao lớn của thánh Alberto đó là nghiên cứu các tác phẩm của Aristotele một cách sít sao có khoa học, vì người xác tín rằng tất cả những gì thực sự có lý thì phù hơp với đức tin được mạc khải trong Kinh Thánh. Nói cách khác thánh Alberto Cả đã góp phần vào việc thành lập một nền triết học độc lập, khác với thần học và hiệp nhất với thần học bởi sự hiệp nhất của chân lý. Như thế vào thế kỷ XIII đã phát sinh ra việc phân biệt giữa hai sự hiểu biết là triết học và thần học, nhưng chúng đối thoại với nhau và cộng tác với nhau một cách hài hòa trong việc khám phá ra ơn gọi đích thật của con người khát khao chân lý và hạnh phúc. Thánh Alberto định nghĩa thần học là ”khoa học yêu mến” chỉ cho con người ơn gọi hưởng niềm vui vĩnh cửu, một niềm vui vọt lên từ việc hoàn toàn gắn bó với chân lý.
Và Đức Thánh Cha đã kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Giáo Hội đừng bao giờ thiếu các thần học gia thông thái, đạo đức và khôn ngoan như thánh Alberto Cả và xin Chúa cho mọi người biết noi gương thánh nhân luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa để muốn và làm tất cả luôn luôn chỉ vì Vinh Quang Chúa mà thôi.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau trước khi cất Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh cho mọi người. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha cầu mong lễ trọng Truyền Tin mà Giáo Hội cử hành hôm nay là lời mời gọi mọi người noi gương Đức Maria Rất Thánh. Đối với người trẻ việc noi gương đó trở thành sự sẵn sàng đối với lới mời gọi của Thiên Chúa Cha trở thành men Tin Mừng trong xã hội; đối với người đau yếu nó là dịp thúc đẩy canh tân thái độ chấp nhận thánh ý Chúa trong sự thanh thản và lòng tín thác để biến đổi khổ đau thành phương thế cứu độ toàn nhân loại. Đức Thánh Cha cũng ước mong tiếng xin vâng của Mẹ Maria khơi dậy nơi các cặp vợ chồng mới cưới một dấn thân ngày càng quảng đại hơn trong việc xây dựng một gia đình trên tình yêu thương nhau và trên các giá trị kitô.

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     CẦU CHO CÁC TÍN HỮU KI TÔ BỊ BÁCH HẠI VÌ TIN MỪNG KIÊN TRÌ LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA- Theo Vatican
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC BIỂN ĐỨC 16 NHÂN NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 25- Theo Vatican
     KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT THỨ V MÙA BỐN MƯƠI.Theo Vatican
     NỀN THẦN HỌC ĐÍCH THẬT BẮT NGUỒN TỪ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA. Theo vatican
     ĐỨC THÁNH CHA VIẾNG THĂM GIÁO XỨ TIN LÀNH LUTHER Ở ROMA
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ 16 NHÂN NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 25
     ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ LINH MỤC
     ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CÁC LINH MỤC CHĂM CHỈ GIẢI TỘI
     KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA BỐN MƯƠI
     KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT III MÙA CHAY