Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 18

CHỦ NHẬT 18 TN A
BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI

ChuaGiesu3.jpg

Nước Trời: đó là tình trạng đảo ngược của một nhân lọai đang bị khống chế theo kiểu “mạnh được yếu thua, mạnh ai nấy sống”. Mời một người đến dùng bữa tại nhà là dấu chứng một tình bạn đặc biệt. Các tông đồ dường như không thích cho đám đông ăn. Họ tin rằng phải giữ lại cho mình cái ít ỏi mà mình đang có. Nhưng Chúa Giê su không hiểu như thế, với cái ít ỏi đó, Ngài có thể nuôi sống một đám đông và còn bảo họ thu luợm được nhiều miếng bánh vụn. Ai nấy đều trở về lòng tràn ngập bình an và tình yêu.

Sách Tiên tri Isaia 55, 1-3

Người Do thái bị lưu đày sang Babylon vật lộn với những khó khăn hằng ngày để kiếm cơm bánh. Tiên tri Isaia loan báo thời đại mà mọi thức ăn đều được biếu không. Tuy nhiên phải hiểu rằng điều thực sự làm cho con người sống, đó là giao ước với Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 144

Chúa là Đấng nưôi sống dân Người trong suốt dòng Lịch sử. Và thức ăn vật chất ấy là lời loan báo thứ lương thực thiêng liêng cho phép Ngài ở với chúng ta cho đến tận thế. Chúa là đấng chậm giận và đầy yêu thương, ban cho chúng ta Bánh bởi trời.

Thư Rm 8, 35.37-39

Thánh Phao lô vừa trình bày cho các độc giả của ngài biết thế nào là sự sống được đổi mới bởi sự khám phá Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Ngài hân hoan reo lên. Đối với người đã khám phá ra lòng nhân từ của Chúa, thì sự sống trở thành đà sống lạc quan ngay cả trong những khó khăn. Tình yêu sẽ là của ăn đích thực cho đời sống.

Mt 14: 13-21

NGỮ CẢNH

Dù đã khước từ Chúa Giê su ở Nagiarét (13,53-58) và nghe biết cái chết bi thảm của Gioan Tẩy giả (14,1-12), đám đông dân chúng vẫn tuôn đến cùng Ngài (c13). Thấy họ đói khát bơ vơ, Ngài chạnh lòng thương xót (x.14). Toàn bộ trình thuật đều qui hướng vào đám đông và thái độ của Chúa Giê su đối với họ: một dân tộc mới đang được qui tụ và hình thành. Toàn bộ trình thuật xoay chung quanh mệnh lệnh của Chúa Giê su: “Hãy cho.., hãy đem lại đây”. Đấng ra lệnh cũng là đấng thương xót đám đông (c.14) và cũng là Đấng khiêm tốn tạ ơn vì được ban lương thực ngày nầy (c.19).

Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Chúa Giê su chữa bệnh cho đám đông (14, 13-14)

2. Chúa Giê su hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông (14, 15-20)

3. Kết luận: ghi nhận về bánh hóa ra nhiều (21)

TÌM HIỂU

Chúa Giê su lánh khỏi nơi đó..đến một chỗ hoang vắng riêng biệt: Đây là kiểu nói mô tả phản ứng của Chúa Giê su khi thiên hạ không chịu tin ở Ngài. Trước tình cảnh đó, theo thường lệ, Ngài lánh vào nơi hoang vắng để suy nghĩ và cầu nguyện. Ngài rút lui trước sự cứng tin của quận vương Hêrôđê, kẻ vừa ra lệnh giết Gioan Tẩy giả. Chỗ hoang vắng gợi lại khung cảnh sa mạc, nơi mà qua sự khẩn cầu của Mô sê, Thiên Chúa đã ban manna cho đoàn dân đang đi trong sa mạc tiến về đất hứa (Xh 16; Ds 11).

Chạnh lòng thương: (splagkhna), dịch sát nghĩa là: đau đớn quặn thắt trong lòng. Nhiều lần Mt ghi nhận Chúa Giê su động lòng thương (esplanchnisthê) (9,36; 15,52). Lòng thương xót của Chúa Giê su là chính lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Người âu yếm yêu thương con cái bằng lòng yêu thương của người Mẹ.

Và chữa lành các bệnh nhân của họ: Đám đông vẫn kéo đến cùng Chúa Giê su. Nhưng Ngài không còn ngỏ lời với đám đông nữa, không còn giảng dạy về Nước Thiên Chúa nữa, mà chỉ làm phép lạ thôi. Số phận bi thảm của ngôn sứ Gioan Tẩy giả khiến Ngài quyết định như thế.

Ngả mình trên cỏ: Chi tiết nầy cho thấy đang vào mùa xuân, tức ám chỉ đến lễ Vượt qua. Ngả mình: hình ảnh gợi ý bữa tiệc, các thực khác ngả mình trên những chiếc đi văn thấp.

Năm cái bánh và hai con cá: Bánh và cá là thức ăn căn bản của dân Galilê thời đó. Nhà nghèo ăn bánh lúa mạch, nhà giàu ăn bánh lúa mì.

Dâng lời chúc tụng: Trước mỗi bữa ăn trong các gia đình Do thái, người cha đọc một công thức ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa về các ơn lảnh Ngài đã thương ban. Thí dụ lời chúc tụng nầy: “Xin chúc tụng Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, là Vua vũ trụ, là Đấng làm cho đất nảy sinh cơm bánh”. Do vậy, Chúa Giê su là người chủ gia đình muôn dân. Các động từ: cầm lấy..dâng lời chúc tụng..bẻ ra…trao cho.. được dùng trong trình thuật về Bí tích Thánh thể (Mt 26, 26).

Trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng: Các môn đệ là trung gian giữa Chúa Giê su và đám đông. Mt dùng động từ duy nhất “trao cho” trong cả hai trường hợp (so sánh Mc 6, 42; Lc 9, 16). Trong Mt các ông có nhiệm vụ đáp ứng nhu câu của dân chúng bằng cách tiếp nối công việc của chính Chúa Giê su.

Ai nấy đều ăn và được no nê, những mẩu bánh thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy: Bửa ăn no nê nầy gợi lên bữa tiệc cánh chung mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Is 25, 6; 55, 1; 65, 13); 12 giỏ đầy mảnh bánh dư có lẽ ám chỉ đến 12 chi tộc Israel; sự nghiệp của Chúa Giê su lan rộng đến toàn dân chứ không dừng lại ở những kẻ thụ ân Ngài mà thôi. Biến cố nầy có thể được coi như nghi thức khai mạc thời đại mới.

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay đặt chúng ta đối diện với những người đói khát. Làm sao không nghĩ đến hằng triệu con người đói khát ở khắp nơi trên thế giới? Nhiều dân tộc đang chịu đựng cơn đói hành hạ vì hạn hán và những cuộc tranh chấp địa phương. Và ngay cả trong những nước giàu có cũng thế, thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người nhiều ngày không được ăn vì họ không có cái ăn. Và bên cạnh cơn đói bánh ăn, chúng ta cũng không quên cơn đói hành hạ con người trong tâm trí và tâm hồn họ. Chúng ta nghĩ đến tất cả những người không thể tìm ra cho đời mình một ý nghĩa và đang sống không có hi vọng.

Bài tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy những đám đông đói khát chạy theo Chúa Giê su. Ngài động lòng trước cảnh đói nghèo của những đám người nầy. Bấy giờ Ngài làm ba dấu chỉ để cho họ thấy rằng, ý nghĩa thực sự sứ mạng của Ngài là trao ban sự sống. Ngài sắp cứu chữa những người bệnh tật; Ngài sắp hóa bánh ra nhiều; và tuần tới chúng ta sẽ thấy dấu chỉ thứ ba mà Ngài sẽ thực hiện bằng cách đi trên biển. Đó là ba dấu chỉ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa đang hành động chống lại các mãnh lực sự chết.

Dấu chỉ hóa bánh ra nhiều là một hành vi nói nhiều điều với chúng ta. Nó đưa chúng ta về với quá khứ của dân tộc Israel. Bấy giờ họ đang lang thang trên sa mạc. Sa mạc là nơi đói khát, là nơi của thần chết, gợi nhớ bốn mươi năm người Híp pri đã lang thang dưới sự lãnh đạo của ông Mô sê trước khi đi vào đất Hứa. Trong suốt thời gian ấy, Thiên Chúa đã lấy manna nuôi sống họ. Ngày nay, Chúa Giêsu cho tất cả chúng ta thấy rằng Ngài tiếp nối công trình của Chúa Cha với một nỗi niềm y như thế. Điều quan trọng đó là không ai chết vì đói. Ý muốn của Đức Ki tô là làm cho dân Ngài được sống. “Ta đến để cho mọi người được sống và được sống dồi dào” (Ga 1, 10).

Thứ hai, dấu chỉ của Chúa Giêsu loan báo một tương lai rất gần. Tất cả các hành vi của Chúa Giêsu được Thánh Mát thêu ghi lại dẫn chúng ta đến bàn Tiệc li, đến Thánh Thể của ngày thứ năm tuần thánh. Như thế, Ngài loan báo rằng Ngài sẽ trao ban sự sống của Ngài vì tình yêu, rằng chính Ngài là lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Thật vậy, bánh và cá là những dấu chỉ Đức Ki tô, được ghi lại trong những bức vẽ cổ xưa ki tô giáo. Các tác giả tin mừng, nhất là thánh Gioan đã nhận ra phép lạ nầy là dấu chỉ Thánh Thể. Trong trình thuật bữa tiệc li trong các sách tin mừng, Chúa Giê su cũng hành động đúng y như thế: “Ngài cầm lấy năm chiếc bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Khi trao ban Mình và Máu Ngài làm lương thực, Chúa phục sinh nuôi sống dân Ngài. “Bánh ta sẽ ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống”.

Sau cùng dấu chỉ hóa bánh ra nhiều có một giá trị khác: nó gợi lại sứ mạng của người ki tô hữu. Trong trình thuật nầy, tất cả mọi sự xảy ra đều ngang qua các môn đệ. Ngài đã ra lệnh cho họ: “Anh em hãy cho họ ăn đi; cho họ ngồi xuống”. Chính cho họ mà Ngài trao cho bánh và cá để họ phân phát cho dân. Chính nơi tay của họ thực hiện việc hóa bánh để rồi sau đó phân phát cho dân. Chính ngang qua bàn tay các môn đệ mà Chúa Giê su nuôi sống và cứu độ mọi người. Thế mà vẫn còn dư lại mười hai thúng. Vẫn còn lương thực để nuôi sống các đám đông khác trong tương lai. Đó chính là sứ mạng của chúng ta. Cũng như với các môn đệ ngày xưa, ngày nay Chúa Giê su nói với chúng ta: “Hãy cho họ ăn đi”.

Vì ngày hôm nay, cũng còn những người đàn ông, đàn bà và con nít bị hành hạ bởi những cơn đói khát. Họ đói bánh ăn, họ đói lương thực vật chất. Nhưng thê thảm hơn cả là họ đói lương thực thiêng liêng; họ đang tìm điều gì đó có thể đem lại một ý nghĩa cho đời sống của họ. Chúng ta phải có bổn phận đáp lại cơn đói chân lí của họ. Liệu chúng ta có thể cứ dửng dưng trước bao người trẻ và người lớn quay lưng lại với đức tin không?

 “Chính chúng con hãy cho họ ăn đi!” Đó chính là tình yêu của Đức Ki tô mà chúng ta được mời gọi chuyển giao. Không gì sẽ có thể thực hiện nếu không có phần đóng góp của chúng ta. Chúa Giê su có thể dự liệu một hành động khác, nhưng rõ ràng, phép lạ chỉ có thể xảy ra nhờ một đứa bé đã đóng góp phần lương thực ít oi của nó, năm chíếc bánh và hai con cá; trước tiên đó là phép lạ chia sẻ. Năm cái bánh cho năm ngàn người, quả thật là ít. Nhưng đó là phần của con người vào công trình của Thiên Chúa. Phần đóng góp ấy nằm trong khả năng của chúng ta cả khi nó quá nhỏ bé.

Trong kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin bánh hằng ngày. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến việc cầu xin được đói Thiên Chúa, đói nghe lời Ngài và được nuôi sống bằng Thánh Thể của Ngài. Ước gì lương thực ấy thúc đẩy chúng ta trao ban điều tốt nhất của mình: đó là tình yêu mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Isaia thứ hai có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ phần cuối sách Đệ nhị Isaia (40-55), nội dung hoàn toàn hướng về lúc cuối thời Lưu đày và cuộc trở về đất hứa. Phần nầy bắt đầu bằng các lời an ủi dân kiên trì tin tưởng vào lời hứa Thiên Chúa mang lại ơn cứu thoát, do đó mang tựa đề là “sách An ủi Ít ra ên”.

2. HỎI: Tiên tri nhắc lại cho dân điều gì?

THƯA:Tiên tri nhắc lại cho dân nhớ bốn điều quan trọng sau đây: Ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, cuộc chiến đấu chống lại thờ bụt thần, lòng tin tưởng vào Thiên Chúa luôn tín trung với Giao ước của Người.

3. HỎI: Thế nào là ‘Ơn ban nhưng không’ của Chúa?

THƯA: Với những người dân Ít ra ên bị lưu đày đói khát khốn khổ bên đất khách, Isaia dùng hình ảnh những bữa ăn thịnh soạn để nói về ơn ban nhưng không của Thiên Chúa: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây... đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào”.

4. HỎI: Bài đọc nói về việc chống lại việc thờ bụt thần như thế nào?

THƯA: Cám dỗ thờ bụt thần nơi những người bị lưu đày không phải đã chấm dứt. Trái lại dường như thần linh của bên chiến thắng lại có vẻ mạnh hơn! Vì thế tiên tri khuyến dụ dân đừng tìm kiếm những hạnh phúc nào khác ngoài Thiên Chúa: “Tại sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” Chỉ có Thiên Chúa mới nắm giữ chìa khóa hạnh phúc và tự do của chúng ta.

5. HỎI: Thiên Chúa muốn nói gì khi phán dạy: “Hãy lắng nghe Ta thì các người sẽ được sống”?

THƯA: Thiên Chúa muốn dân phải luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, luôn gắn bó với Người để được sống.

6. HỎI: Thiên Chúa nhắc đến điều gì khi nói: “Ta sẽ thiết lập với các người một giao ước vĩnh cửu?”

THƯA: Thiên Chúa nhắc lại những lời Người hứa với Vua Đa vít qua tiên tri Na than (2S 7). Ngay từ những ngày đầu tiên của vương quốc, Người hứa từ dòng dõi Đa vít sẽ xuất hiện một đấng Messia vĩnh viễn mang lại tự do và hòa bình cho dân Người.

7. HỎI.  Ngữ cảnh đoạn tin mừng như thế nào?

THƯA. Trong đọan tin mừng hôm nay, thánh Mát thêu đề cập đến cái chết của Gioan Tẩy giả (Mt 14, 3-12). Sau khi biết được tin đó, Chúa Giê su lui vào nơi thanh vắng để ở riêng với Thiên Chúa Cha và các môn đệ (14, 13). Nhưng khi nhìn thấy đám đông chạy theo, Chúa Giê su chạnh lòng thương xót họ vì họ bơ vơ như đàn chiên không có người chăn nên Ngài ra tay chữa lành những người đau yếu và nuôi dưỡng đám đông.

8. HỎI. Tại sao Chúa Giê su muốn cho các tông đồ trở thành những người tham dự vào phép lạ Ngài sắp làm?

THƯA. Là Thiên Chúa làm người, Chúa Giê su biết rõ sự đói khát và làm than của đám đông. Còn các môn đệ thì khác, họ không quan tâm đến việc đó mà chỉ biết nhắc Chúa Giê su: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn" (Mt 14,18). Nhưng Chúa Giê su sẽ hành động để một cách gián tiếp họ trở thành những người tham dự vào phép lạ. Ngài muốn chuẩn bị các tông đồ để vào lúc mà Thiên Chúa muốn, họ sẵn sàng nối tiếp sứ mạng của Ngài.

9.HỎI: Khi kể lại phép lạ hóa bánh, thánh Mát thêu gợi nhớ vị tiên tri nào?

THƯA: Thánh Mát thêu gợi nhớ Tiên tri Ê li sê rao giảng ở Vương quốc phía Bắc 800 năm trước. Một ngày nọ trong cơn đói kém, có người dâng cho ông của đầu mùa là hai mươi chiếc bánh lúa mạch. Tiên tri đã không giữ riêng cho mình mà trái lại, chia sẻ cho những người đang đói. Tất cả đã ăn no, mà vẫn còn dư bánh (2V4, 42-44).

10. HỎI: Đâu là bí quyết làm phép lạ của Chúa Giê su và Ê li sê?

THƯA: Bí quyết của các Ngài thật đơn giản: các Ngài tin rằng dù bánh ít người đông nhưng vẫn có thể chia sẻ cho nhau nên đã phó thác cho Thiên Chúa. Vì thế, tiên tri Ê li sê tin tưởng: “Người ta ăn rồi sẽ còn dư”. Còn Chúa Giê su chúc phúc cho bánh vì coi đó là quà tặng của Thiên Chúa và xin được biết dùng để phục vụ những kẻ đói nghèo.

11. HỎI: ‘Chạnh lòng thương xót’ muốn nói lên điều gì?

THƯA:  Chạnh lòng thương có nghĩa là đau đớn quặn thắt trong lòng. Nhiều lần thánh Mát thêu ghi nhận Chúa Giê su động lòng thương (9, 36; 15, 52). Lòng thương xót của Chúa Giê su là chính lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Người âu yếm thương yêu con cái bằng chính lòng yêu thương của người Mẹ.

12.HỎI: ‘Dâng lời chúc tụng’ là sao?

THƯA: Trước mỗi bữa ăn trong gia đình Do thái, người cha đọc lời ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa về các ơn lành Ngài đã thương ban: “Xin chúc tụng Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, là Vua vũ trụ, là Đấng làm cho đất nảy sinh cơm bánh”. Ở đây, với tư cách là người chủ gia đình muôn dân, cgs cũng dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Cha trước khi ban bánh nuôi đám đông dân Ngài.

13.HỎI: Bánh còn dư có ý nghĩa gì?

THƯA: Cả hai trình thuật đều ghi chú bánh còn dư để nhấn mạnh ơn ban của Thiên Chúa thật phong phú. Giống như man na trong sa mạc thời Xuất hành: “Các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 16,12).

14. HỎI: Có điểm chung nào giữa hai trình thuật không?

THƯA: Có. Cả hai đều nói đến sự đói khát của dân. Thời Ê li sê là thời đói kém, và chính tiên tri có ý định chia sẻ phần lương thực của mình. Còn Chúa Giê su, vẫn để cho dân chúng đến với mình dù đã lánh vào nơi thanh vắng.

15. HỎI. Chi tiết “12 thúng đầy bánh vụn” có nghĩa gì?

THƯA. Chi tiết ấy muốn cho thấy rằng trong việc Quan phòng Thiên Chúa rất hào phóng. Người luôn luôn quảng đại đáp ứng những ai cầu xin Người bằng một tâm hồn đơn sơ và phó thác, luôn tin tưởng vào chương trình Cứu độ đời đời của Người.

16. HỎI. Đâu là giáo huấn quan trọng mà Chúa Giê su muốn gửi đến chúng ta qua “phép lạ hóa bánh ra nhiều”?

THƯA. Có nhiều giáo huấn: 1) Thiên Chúa nuôi sống dân riêng của Ngài và mọi tạo vật trong Lịch sử cứu độ; 2) Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới có thể nuôi sống mọi người; 3) việc hóa bánh ra nhiều là hình ảnh cho thấy trước việc thiết lập bí tích Thánh Thể.

17. HỎI. Trong trang tin mừng nầy, dường như thánh Mát thêu trình bày cho chúng ta một cách biểu tượng nghi thức Thánh Thể?

THƯA. Đúng. Ở đây thánh Mát thêu trình bày cho chúng ta nghi thức Thánh thể hoàn bị nhất. Chúa Giê su dùng Lời giảng dạy đám đông trước khi ban cho họ tấm bánh bẻ ra của Ngài. Lời và Bánh chính là con người của Chúa Giê su: Đức Ki tô lấy chính thân mình để làm lương thực nuôi sống. Đó cũng chính là cử chỉ trong Bữa Tiệc li Vượt qua. Ngài chính là tấm Bánh được bẻ ra và phân phát cho mọi người. Qua đó, Thiên Chúa tự trao ban cho con người trong một sự hiệp thông sự sống sâu xa, thực sự và phong phú. Rồi Ngài truyền cho các môn đệ phân phát lương thực. Tiếp nối sứ mạng của các Tông đồ như thế, Giáo Hội phải ban cho thế gian điều đã lãnh nhận từ Đức Ki tô: lương thực thần linh đem lại sự sống và ơn Cứu độ đời đời.

18. HỎI. Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Đức Ki tô như thế nào?

THƯA.  Bằng cách loan báo tin mừng, chủ sự các bí tích, nâng đỡ về phần luân lí và vật chất những người bị coi là hèn kém nhất (nhưng được Chúa Giê su coi là lớn nhất trong Nước Trời).


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên - Nt. Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Các bài đọc Chúa Nhật XVIII Thường Niên A
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm A
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần XVIII Thường niên năm C.
     Suy niệm Tin Mừng Thứ 6 sau Chúa nhật 18 Thường Niên C. Minh Tứ
     Suy niệm Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên C: Có “Thực” mới vực được Đạo, hay có “Đức Tin” mới vực được Đạo
     Sự giầu có đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được chia sẻ cho tha nhân
     Suy niệm thứ tư XVIII thường niên năm C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy niệm Thứ Ba XVIII Thường Niên C: LỄ CHÚA HIỂN DUNG. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Thứ 2 tuần XVIII Thường Niên C.: Chính anh em hãy cho họ ăn …Nt. Minh Thùy