Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Gx Hà Nội – 19/10/2014

TÂM TÌNH TRUYỀN GIÁO
MỘT THAO THỨC

Anh chị em thân mến, trong những tháng hè vừa qua, tôi đi thăm các giáo xứ và ban phép Thêm Sức hầu như mỗi ngày. Có 3 điều đánh động tâm trí một cách đặc biệt:

Giáo dân dự lễ hết sức sốt sắng và tôi thấy rõ nơi họ lòng yêu mến khát khao Chúa.

Ít bạn trẻ có mặt. Dĩ nhiên không phải tất cả những người trè vắng mặt là đã bỏ đạo cả, vì có người phải đi học hay đi làm và có khi còn phải đi xa. Nhưng “xa mặt thì cách lòng”, lâu ngày không tham dự những sinh hoạt đạo đức, tự nhiên sẽ lơ là và lạnh nhạt với nhà thờ, với xứ đạo và với chính Chúa. Ngoài ra, tôi cũng còn nghe nói đến những tệ nạn nơi giới trẻ. Dù là lý do nào, sự kiện vắng bóng giới trẻ vẫn làm tôi băn khoăn và đặt ra nhiều vấn đề mục vụ. 

Anh chị em lương dân còn quá nhiều và, hơn nữa, ít tông đồ, linh mục, tu sĩ và giáo dân, thực sự đến với anh chị em lương dân để đem Tin Mừng của Chúa đến cho họ. Tôi xin ghi lại đây mấy con số thống kê để chúng ta có một ý tưởng cụ thể về số lượng anh chị em lương dân:

Thống kê chung các tôn giáo trên thế giới

Dân số

2000

giữa 2014

2025

2000 - 2025

 

 

 

 

 

Dân số toàn cầu

6,085,572,000

7,207,460,000

8,002,978,000

1,917,406,000

Dân số kitô

2,013,132,000

2,375,619,000

2,700,343,000

687,211,000

Dân số không kitô

4,072,440,000

4,507,117,000

5,302,635,000

1,230,195,000

 

 

 

 

 

Công giáo

1,052,924,000

1,219,952,000

1,332,968,000

280,044,000

Hồi giáo

1,226,046,000

1,660,729,000

1,966,759,000

740,713,000

Ấn giáo

798,610,000

1,000,193,000

1,116,730,000

318,120,000

Không tôn giáo

764,483,000

683,000,000

685,123,000

2,123,000

Phật giáo

366,625,000

513,593,000

561,948,000

195,323,000

Đạo truyền thống

241,554,000

250,672,000

260,625,000

19,071,000

Vô thần

145,375,000

136,553,000

130,320,000

-15,055,000

Tôn giáo mới

101,044,000

63,669,000

63,669,000

-37,375,000

Đạo Sikh

20,484,000

25,511,000

29,217,000

8,733,000

Do thái giáo

14,035,000

14,064,000

15,000,000

965,000


Thống kế Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

GIÁO TỈNH HÀ NỘI

01. Giáo phận Bắc Ninh

Dân số chung : 8.300.000

Dân số Công giáo : 126.596

02. Giáo phận Bùi Chu

Dân số chung : 1.825.771

Dân số Công giáo : 394.453

03. Giáo phận Hà Nội

Dân số chung : 8.500.000

Dân số Công giáo : 340.000

04. Giáo phận Hải Phòng

Dân số chung : 5.150.000

Dân số Công giáo : 134.000

05. Giáo phận Hưng Hóa

Dân số chung : 7.012.000

Dân số Công giáo : 235.000

06. Giáo phận Lạng Sơn

Dân số chung : 1.767.308

Dân số Công giáo : 5.370

07. Giáo phận Phát Diệm

Dân số chung : 999.126

Dân số Công giáo : 162.015

08. Giáo phận Thái Bình

Dân số chung : 3,250.000

Dân số Công giáo : 135.178

09. Giáo phận Thanh Hóa

Dân số chung : 3.670.000

Dân số Công giáo : 136.766

10. Giáo phận Vinh

Dân số chung : 5.393.000

Dân số Công giáo : 497.806

          ***

GIÁO TỈNH HUẾ

01. Giáo phận Ban Mê Thuột

Dân số chung : 2.730.956

Dân số Công giáo : 397.211

02. Giáo phận Đả Nẵng

Dân số chung : 2.682.100

Dân số Công giáo : 69.914

03. Giáo phận Huế

Dân số chung : 2.320.000

Dân số Công giáo : 68.910

04. Giáo phận Kontum

Dân số chung : 1.707.451

Dân số Công giáo : 260.875

05. Giáo phận Nha Trang

Dân số chung : 1.730.828

Dân số Công giáo : 200.400

06. Giáo phận Qui Nhơn

Dân số chung : 3.785.000

Dân số Công giáo : 69.512

***

GIÁO TỈNH SAIGÒN

01. Giáo phận Bà Rịa

Dân số chung : 1.017.226

Dân số Công giáo : 252.290

02. Giáo phận Cần Thơ

Dân số chung : ???

Dân số Công giáo : 196.932

03. Giáo phận Đà Lạt

Dân số chung : 1.234.599

Dân số Công giáo : 364.772

04. Giáo phận  Long Xuyên

Dân số chung : 5.353.857

Dân số Công giáo : 217.526

05. Giáo phận Mỹ Tho

Dân số chung : 4.776.036

Dân số Công giáo : 120.300

06. Giáo phận Phan Thiết

Dân số chung : 1.180.300

Dân số Công giáo : 171.518

07. Giáo phận Phú  Cường

Dân số chung : 2.888.328

Dân số Công giáo : 131.345

08. Giáo phận Saigòn

Dân số chung : 6.825.286

Dân số Công giáo : 677.820

09. Giáo phận Vĩnh Long

Dân số chung : 3.976.522

Dân số Công giáo : 196.155

10. Giáo phận Xuân Lộc

Dân số chung : 3.052.500

Dân số Công giáo : 906.663

Và tôi nghe thấy văng vẳng bên tai lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia : “Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao ; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh : hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay… Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán : ‘Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?’  Tôi thưa : ‘ Dạ, con đây, xin hãy sai con đi’”  (Is 6,1-2.8).

Tôi còn nghe thấy tâm tư của Chúa diễn tả trong sách Tin Mừng Thánh Mattêô : “ Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. ” (Mt 9,35-38).

Chúa nói : “ Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ? ”  Lời Chúa thúc bách chúng ta. Vậy, thưa anh chị em, đang có mặt nơi đây. Trong số anh chị em, có người là công giáo, có người chưa phải là người công giáo. Với các anh chị em công giáo, tôi muốn hỏi một câu : “ Anh chị em có nghe thấy trong lòng lời mời gọi thôi thúc của Chúa không ? ” “ Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ? ” Và anh chị em có muốn thưa với Chúa như ngôn sứ Isaia không : “ Dạ, con đây, xin hãy sai con đi. ” Anh chị em có thấy băn khoăn khi số anh chị em lương dân còn quá đông không ?

Tại sao lại băn khoăn ? Chúng ta cứ tưởng tượng hoàn cảnh một gia đình có 15 người con. Vì hoàn cảnh chiến tranh, con cái lạc mất 13 người, chỉ còn có 2 người con ở trong gia đình. Cha mẹ biết 13 người đang ở trong gia đình nọ, gia đình kia cũng là con mình, nhưng không biết phải nói làm sao cho 13 đứa con đó hiểu và trở về nhà đoàn tụ. Cha mẹ này vô cùng băn khoăn cho đến bao giờ cha mẹ, con cái nhận ra được nhau. Hai đức con trong nhà cũng chung một nỗi băn khoăn của cha mẹ và phải tìm hết cách để anh chị em mình nhận ra được cha mẹ và đoàn tụ gia đình.

Với các anh chị em chưa phải là công giáo, xin anh chị em hãy biết rằng Thiên Chúa thương yêu anh em hết mực. Anh chị em là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. “ Chúa thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. ”  Thiên Chúa của người công giáo cũng là Chúa của anh chị em nữa. Chúng ta tất cả là anh chị em trong cùng một gia đình, có Thiên Chúa là Cha. Vì vậy, anh chị em đừng ngạc nhiên thấy người công giáo thương yêu và có khi còn giúp đỡ anh chị em nữa : Bởi vì Thiên Chúa thương yêu anh chị em cũng như thương yêu người công giáo ; bởi vì anh chị em cũng là anh chị em của người công giáo. Ước chi anh chị em cảm được niềm vui này là tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa thương yêu. Tất cả chúng ta, công giáo hay không công giáo, đều được Thiên Chúa thương yêu, bao bọc. Ch1ua Giêsu đã nói trong sách Tin Mừng thành Mattêô : “ Các con hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. các con lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? …  Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học : chúng không làm lụng, không kéo sợi ; thế mà, Thầy bảo cho các con biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em ”  (Mt 6,26-29).

THÔNG TRUYỀN CHO NHAU TÌNH YÊU CỦA CHÚA

Cảm nghiệm căn bản nhất của Đức Tin là cảm nghiệm được Chúa thương yêu. Tình yêu như dòng nước, cứ êm đềm chảy. Chổ nào mở thì nó vào, chỗ nào đóng thì nó đi tiếp, không than vãn, không trách móc và khi nào mở ra thì nó lại vào. Nước chảy tới đâu là làm cho tươi mát tới đó, và nơi đó, cỏ cây cứ âm thầm mọc lên, tươi xanh. Tình yêu của Chúa cũng thế. còn chúng ta thì như ống dẫn nước hay mạch sông : nhận được nước thì lại chuyển nước đi, không được làm cho dòng nước đọng lại. Đó là bổn phận truyền giáo của người công giáo : Trở nên máng thông truyền tình yêu của Thiên Chúa. Bất cứ ai cũng nhận được, bắt đầu từ người trong gia đình, rồi ra những người hàng xóm, láng giềng và lan truyền ra mọi người, nhất là anh chị em lương dân, những người kém may mắn, chẳng phân biệt ai. Hạnh phúc của người công giáo là được chuyển tải tình yêu của Chúa cho người khác và sẽ vô cùng vui mừng, nếu người đó lại nhận ra nguồn gốc là chính Thiên Chúa. Do đó, Đạo Chúa là đạo yêu thương. Đặc tính của Đạo Chúa là tình yêu và tình yêu đó diễn tả bằng nhiều cách, tùy theo hoàn cảnh và đối tượng, chẳng hạn, hiền từ, vui vẻ, nhẫn nại, nhân ái, bao dung, thông cảm, hy sinh, chịu đựng, tha thứ, giúp đỡ, v.v.

Những khả năng yêu thương này, ai cũng có và cũng làm được, vì Chúa đã đặt để vào lòng mỗi người khi tạo dựng nên họ và nhất là trong công trình cứu chuộc của Ngài. Dưới đây, tôi xin kể lại hai kinh nghiệm yêu thương, ngay từ trong gia đình.

Kinh nghiệm của bà Đoàn thị Phượng (đang sinh sống bên Hoa Kỳ)

Gia đình tôi người Bắc, di cư vào Nam năm 54. Bố mẹ tôi là người Công giáo, rất ngoan đạo. Tôi còn nhớ lúc tôi vừa đến tuổi cặp kê, mẹ tôi luôn nhìn những gia đình đạo đức, có con trai lớn cỡ tuổi tôi, để ý xem chừng gả tôi vào gia đình đạo đức đó để cuộc sống lứa đôi không đổ vỡ, vì đạo Công giáo đã có câu: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly."

Tôi cũng muốn vâng lời cha mẹ, và theo câu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó," nhưng khổ nỗi cho tôi là những người mẹ tôi chấm thì tôi thấy họ rất quê mùa, đến nỗi các em tôi phải thốt ra để chọc tôi: "Sao trông anh ấy quê một cục!" Tôi lại còn tự nghĩ trong lòng: nhất quyết không lấy chồng, thà ở giá còn hơn làm vợ cái anh chàng nhà quê, nhà mùa đó.

Có lẽ Chúa và Đức Mẹ không kỳ thị tôn giáo, cho nên những người tôi có cảm tình, có thể tiến xa hơn thì toàn là những người không có đạo. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến... Ngày tôi lấy chồng không được làm phép cưới ở nhà thờ, vì chồng tôi không có Đạo, và cũng không chịu theo Đạo.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, vợ chồng tôi mỗi người giữ một đạo. Những ngày Chúa nhật, tôi lầm lũi đi nhà thờ một mình. Thấy tôi đi lễ một mình, nhà tôi cũng tội nghiệp cho tôi nên đôi lúc anh ở lại cùng với tôi dự lễ. Nghe cha giảng, thấy cũng hay hay, toàn là những điều tốt lành, nghe những bài thánh ca trầm bổng, giúp cho tâm hồn nhẹ nhàng, yêu đời và yêu người hơn.

Thế là mặc dù không vào Đạo, nhưng những lời giảng của cha xứ ở nhà thờ cũng là những lời tốt lành; thêm vào đó, tôi vẫn giữ đúng bổn phận người con dâu trong gia đình thờ cúng ông bà, giỗ chạp tôi đều nấu cỗ cúng, cũng mâm cao cỗ đầy, cũng hương hoa, cũng nhang đèn, cũng vái lạy. Tôi quan niệm cúng giỗ ông bà cha mẹ là để tưởng nhớ lại như khi còn sống. Khi đến trước bàn thờ lạy vái người quá cố, tôi vẫn khấn rằng: "Lạy Chúa, hôm nay là ngày giỗ của ông nội con, xin Chúa cho ông con được lên thiên đàng hưởng nhan thánh Chúa. Thưa ông nội, hôm nay con nấu cỗ cúng ông nội để tưởng nhớ đến ông ngày ông qua đời; ông nội lên thiên đàng xin nhớ đến chúng con."

Phần các con tôi, tôi cho rửa tội, học Giáo lý, chịu phép Thêm sức... Tạ ơn Chúa không có gì trở ngại. Phần nhà tôi, tôi luôn luôn xin nhà tôi có một điều duy nhất: “Em chỉ mong muốn có một điều duy nhất, là trước khi em chết, em được thấy anh rửa tội, vào Đạo. Mà sự chết đi nhanh như hơi thở, ai biết được mình chết lúc nào, cho nên anh càng trở lại với Chúa sớm ngày nào thì em vui mừng ngày nấy”. Đôi khi tôi còn đùa: "Chẳng lẽ mấy mẹ con em ở thiên đàng nhìn anh sa hoả ngục lại cầm lòng được sao?"

Tôi liên lỉ cầu nguyện. Trong cuộc sống tôi luôn tin có Chúa. Trong mỗi lời nói, tôi đều đưa tiếng "Chúa" vào. Trong phòng ngủ, nhà bếp, phòng khách, thậm chí trong phòng vệ sinh, tôi đều để sách đạo, những mẩu chuyện ngắn hay hay, gương các Thánh, tôi đọc xong gập lại, và nhắn với nhà tôi: Anh bận không đọc nhiều - nhà tôi rất lười đọc sách -, em đã đọc xong, đoạn nào hay em đã gập sẵn, anh cứ mở ra đoạn đó hay lắm, chỉ cần 1 hay 2 phút thôi...

Đi phòng mạch chờ bác sĩ cả tiếng đồng hồ, tôi cứ việc tha một vài cuốn sách đạo, tôi một cuốn và nhà tôi một cuốn (cuốn đưa cho nhà tôi, tôi đã đọc qua và thấy nó hay), cho nên dù lười đọc sách nhưng chẳng thà đốt thì giờ qua cách đó còn hơn ngồi chờ sốt cả ruột. Thêm vào đó, tôi cố gắng làm gương sáng cho nhà tôi và các con trong mọi hoàn cảnh, những vui buồn trong cuộc sống tôi đều dâng cho Chúa, có những lúc gia đình khủng khoảng, tôi vẫn vững niềm tin nơi Chúa. Nhà tôi học phần nào sự phó thác của tôi, và thấy rằng cuộc sống người Ki-tô hữu có nhiều cái rất hay, tìm cho mình một thiên đàng ngay ở trần gian, hạnh phúc ngay cả trong lúc khổ đau. Những bực bội trong sở làm, những kèn cựa trong cuộc sống, tôi đều khuyên nhà tôi nhường nhịn và hòa nhã với mọi người, như vậy ở sở mình sẽ có nhiều bạn hơn thù, giúp được một người trong ngày, đó là niềm vui của một ngày hôm đó. Dần dà nhà tôi yêu Chúa lúc nào không biết. Rồi nhà tôi xin vào Đạo, học Giáo lý, rồi được rửa tội.

Người vui mừng nhất không phải là tôi, mà là mẹ của tôi, vì con rể của bà nay đã đúng là mẫu người lý tưởng của bà các đây 20 năm về trước bà đã chọn cho tôi. Nay gia đình tôi cảm tạ Chúa đã nhậm lời tôi sau một thời gian thử thách. Với lòng nhiệt thành của tôi, với lời cầu nguyện hàng ngày dâng lên Chúa, với tấm gương sáng trong đời sống người Ki-tô hữu, nhà tôi đã trở lại Đạo, trở về với Chúa. Có một điều mà tôi sung sướng nhất là đối với con cái, người thân, bạn bè... mỗi khi nói về Chúa, nói về Đức tin, hoặc trong những công tác thiện nguyện, nhà tôi còn hăng say hơn tôi nữa, và được mọi người tin tưởng hơn cả tôi.

Kinh nghiệm của bà Cao thị Ni

Cách đây hơn bốn mươi năm hồi lúc ấy tôi chỉ là đứa bé lên chín, lên mười cái tuổi mà người ta gọi là ăn chưa no lo chưa tới, nhưng tôi thì lại già dặn và đanh đá hơn lũ trẻ trong xóm, biết nhận thức cái nghèo cái khổ của gia đình mình.

Tôi nhớ rõ năm ấy ba tôi bị bệnh ho ra máu (còn bây giờ người ta gọi là lao phổi) tôi cũng chẳng biết bệnh đó có nguy hiểm không, có chết không, nhưng mỗi lần ba ho khạc ra máu là me lại khóc, thấy mẹ khóc rồi máy chị em cũng khóc theo, vì ba bệnh lâu ngày không có tiền chạy thuốc, me chỉ đâm lá thuốc nam cho ba uống nhưng không khỏi, ngày qua ngày ba càng ốm yêu xanh xao hơn, vì năm đó thuốc lao chưa xuống địa phương như bây giờ. Mẹ nghe hàng xóm bảo nếu muốn hết bệnh thì phải lo tiền đi bệnh viện Hồng Bàng ở Sài Gòn mới có thuốc trị, mẹ nghe vậy quyết định bán hết mấy giạ lúa cuối cùng trong nhà cho ba làm lộ phí lên Sài Gòn trị bệnh, còn mẹ thì ở nhà lo ruộng rẫy và để chờ ngày ba tôi xuất viện trở về.

Tôi nhớ lúc ấy sáng ngày nào mẹ tôi cũng xách cái thau và cây cân ra chợ mua cá đi bán lại để kiếm tiền lời, và còn có cá cho các con ăn, đến trưa về nhà lúc nào mẹ cũng đem một mớ cá chốt, chớ chẳng có thứ cá nào ngon hơn, mỗi lần mẹ làm cá tôi hay ngồi gần nhìn mẹ làm và hỏi: “ mẹ ơi sao làm cá chốt mẹ không chặt bỏ đầu, đầu xương không ăn sao được hả mẹ?”, mẹ tôi cười bảo có ít cá mẹ hà tiện để đầu kho xong mình lấy đầu cho con chó con mèo ăn cũng đỡ con à. Câu nói của mẹ, tôi cũng vô tình không để ý tới, mà thật sự ngày nào tôi đi học về mẹ dọn cơm cho mấy chị em tôi ăn cũng cá chốt kho và dĩa rau luộc mẹ hái cạnh sau nhà, tôi chỉ biết ăn say sưa chớ chẳng để ý tới cá chốt kho như thế nào.

Vô tình một ngày nọ tôi được nghỉ hai tiết học cuối nên về nhà sớm hơn mọi ngày, khi bước vào nhà tôi tình cờ thấy mẹ tôi ngồi ăn cơm một mình với dĩa rau luộc và một chén cá kho toàn là đầu cá chốt, thì ra bấy lâu nay mẹ ăn cơm trước chỉ ăn đầu còn để dành khúc minh cho các con. Tôi đứng lặng trước măm cơm của mẹ mà nghe nghèn nghẹn ở cổ, tôi chẳng nói được câu nào với mẹ chỉ sợ không cầm được giọt nước mắt, như hiểu được ý tôi mẹ bảo, ba con đang bị bệnh mẹ con minh ở nhà phải ăn cần ở kiệm dành dụm tiền còn lo thuốc men cho ổng nữa con à, chừng nào ba con hết bệnh về làm có tiền thì nhà minh ăn sẽ ngon hơn, nghe mẹ nói tôi thấy mủi lòng rồi khóc như mưa.

Nhưng mẹ ơi những gịot nước mắt con rơi lúc ấy không phải buồn vì nhà minh nghéo mình khổ mà vì con cảm thấy thương mẹ, thương nhất trên đời mẹ ơi, cả cuộc đời mẹ đã vì chồng vì con mà chẳng nghĩ đến bản thân mình, lúc ấy con chỉ biết thầm cầu trời khẳn phật cho ba mau hết bệnh để về nhà cùng mẹ chung sức lo cho đàn con thơ dại.

Tôi xin viết những dòng chữ này gởi đến mẹ thân yêu như những lòi cảm ơn mẹ đã vì chị em tôi mà cực khổ và chịu đựng hy sinh cả cuộc đời của mẹ, đến bây giờ tôi đã làm mẹ càng thấm thía hơn câu thơ của một nhà văn đã viết:

Biển cả mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kính công cha.

Hai câu chuyện trên đây đều nói lên một điều là tình yêu là sức mạnh, là nguồn sống và nguồn hạnh phúc. Giầu nghèo gì cũng yêu được, mà yêu người trong gia đình và cả người ngoài gia đình, rồi làm cho trở thành gia dình và cả hai cùng có một nguồn là Thiên Chúa và chuyển tải tình yêu của Thiên Chúa qua tình yêu của mình. Mà đặc tính của tình yêu là yêu và vì tình yêu sẵn sàng chấp nhận hy sinh, không kể công.

Tôi xin kết bằng một điều ước mong và lời cầu xin: chớ gì tất cả chúng ta cùng nhau chung sức chyển tải tình yêu của Chúa, làm thành một dòng sông cứ êm đềm chảy triền miên, tưới mát khắp nơi, vào tận các hang cùng, ngõ hẻm, nhất là những vùng đất khô cằn thiếu nước thương yêu, những nơi có các cụ già, nhất là các cụ già neo đơn, những người sống trong tủi nhục và trong ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, tôi muốn nói đặc biệt với anhchị em công giáo: hãy chuyển tải tình yêu cho anh chị em lương dân.  Như vậy thì lòng người được an vui và chính Thiên Chúa cũng hài lòng, vì ngọn lửa tình yêu của Ngài được khơi lên trong lòng đông đảo con cái của Ngài và sớm tới ngày tất cả con cái của Ngài sẽ đoàn tụ trong cùng một gia đình hiệp nhất và hạnh phúc.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phụ tá Gp Xuân Lộc


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     BÀI CẢM NGHIỆM GIÁO PHẬN XUÂN LỘC GÍÁO HẠT GIA KIỆM GIÁO XỨ ĐỨC LONG. M. Goretti Nguyễn Thị Giáng Hương
     TỔ TIÊN VÀ DÒNG HỌ - KHUNG CỬA ĐANG RỘNG MỞ CHÀO ĐÓN TIN MỪNG. Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
     LỜI KINH DƯỚI TRĂNG CỦA MỘT CHÚ BÉ CÓ HIV. MM, Tân, S.J.
     Công bố kết quả Giải Viết Văn Đường Trường Lần II (2014)
     ĐỊA PHẬN TRUYỀN GIÁO. Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
     TÂM SỰ kết thành LỜI KINH TẠ ƠN CỦA một NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV. MM Tân, SJ. ghi lại
     Một không gian mở cho LỜI CHÚA LAN TRÀN. MM Tân, SJ.
     TIN MỪNG CHO DÂN TÔI. MM Tân, S.J.
     MẶT BẰNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH. MM Tân SJ.
     Xuân mới: Ngôi nhà TIN MỪNG HOÁ mới. MM Tân, S.J.