Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

Đọc và chia sẻ

TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 10 -

thien.jpg

10. Tin Mừng cho chúng ta cơ hội để sống ở một bình diện cao hơn nhưng không kém phần mãnh liệt: “Cuộc sống phát triển bằng cách cho đi, nó suy yếu khi sống cô lập và dễ dãi. Thực vậy, những người vui hưởng cuộc sống nhiều nhất lại là những người dám bỏ lại sự an toàn cho mình trên bờ và được kích thích bởi sứ mạng thông truyền cuộc sống cho người khác”.[4] Khi kêu gọi người Kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì “ở đây chúng ta khám phá ra một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tùy theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo”.[5] Do đó người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”.

Con đường của Hội Thánh, đường loan báo Tin Mừng, trên con đường này, người môn đệ cảm nếm biết bao niềm vui dịu ngọt, không chỉ là những lúc bình an thư thái, mà ngay cả khi bị bắt bớ tù đày. Công vụ tông đồ kể lại một sự việc diễn ra ngay trong những ngày Hội-thánh vừa được khai sinh, khi Phêrô và Gioan lên đền thờ và chữa lành người què, trong khi đang giải thích cho dân chúng biết việc anh ta được chữa lành không phải do quyền năng hay lòng đạo đức riêng của các ngài, mà là CHÍNH NHỜ LÒNG TIN VÀO DANH ĐỨC GIÊSU…thì có các tư tế, viên lãnh binh đền thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc, họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân, và dựa vào trường hợp đức Giêsu mà loan báo kẻ chết sống lại. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều…(Cv 4,1-3).

Bị tống ngục khi trời đã về chiều, điều gì diễn ra nơi lòng hai người môn đệ ưu tuyển, một người là đầu của nhóm mười hai, một người là môn đệ được Chúa thương cách đặc biệt? Lo chứ, không chỉ lo cho bản thân, mà là cho cộng đoàn  các tín hữu mới được qui tụ đã như rắn mất đầu.

Thực ra, Phêrô và Gioan sau ngày Chúa Phục Sinh đã trở nên mạnh mẽ lạ thường, và lúc này đây, khi trời đã về chiều, biết bao kỷ niệm ngọt ngào của những năm tháng bên Thầy hiện lên trong tâm trí hai ông : Gioan còn nhớ mãi cái buổi chiều đầu tiên gặp thầy và đến xem nơi thầy trú ngụ, lúc ấy vào khỏang giờ thứ mười, dấu ấn đẹp đẽ nhất là buổi tối trong bữa tiệc ly, ông ngồi tựa đầu vào ngực thầy, và đặc biệt hình ảnh để đời khi chứng kiến con tim của Thầy bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra, máu của tình thương tha thứ chảy đến giọt cuối cùng, biểu lộ một tình yêu đến cùng; với Phêrô, tâm trạng ngẩn ngơ khi Thầy bị bắt làm ông nhớ đời, sau một đường gươm thăm dò, thầy nói  ông xỏ gươm vào bao: “con không biết rằng thầy có thể xin Cha và người sẽ sai 12 cơ binh thiên thần đến sao!”, có thể xin mà lại không xin, ông lắc đầu nhìn thầy bị trói đem đi mà không hiểu gì cả, và thế là khi gặp chuyện, ông đã chối bỏ thầy. thế nhưng nỗi đau chối thầy khi nhận được cái nhìn trìu mến và tha thứ của thầy, đã đặt ông trên bước đường của người vừa chìm sâu trong tình yêu Thiên Chúa, vừa hiến mình hoàn toàn cho tội lỗi thế trần, và lúc này đây, ông thấy mình tràn ngập niềm vui của Tin Mừng, vì Đấng vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình đang ở với hai ông, tiếp tục cất lên lời kinh hiến tế ngay nơi trái tim của người môn đệ, lời kinh mang giai điệu của lòng cảm mến.

Đời môn đệ theo Thầy trên khắp các nẻo đường, hai ngàn năm trước và hôm nay vẫn thế, đi theo một Đức GIÊSU đã đi rao giảng và một Đức Giêsu vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, tiếp tục rao giảng qua Hội Thánh nhờ Thánh Thần, tiếp tục in dấu chân phàm trần nơi bóng dáng và bước chân của người môn đệ, và đây chính là nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân.

Thật vậy, những năm tháng trên đường, niềm vui của tôi là biết Người luôn ở với mình trên mọi nẻo đường, có đi tới đâu cũng không ngoài vòng tay của Người, có thể nói mỗi cung đường, mỗi bước đi của người môn đệ đều mang dấu ấn của ân phúc : mệt nhọc, đói no, mưa gió cùng giá lạnh, tai nạn, những khi phải liều lĩnh, tất cả là để tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, liều lĩnh mà vẫn an toàn vì Chúa bảo vệ người môn đệ trên đường, và niềm vui dâng trào khi nhìn từng đoàn người tiến đến bên dòng sông thanh tẩy.

Mùa Gáng Sinh vừa qua, một lần nữa tôi lại được tham dự thánh lễ rửa tội cho bà con sắc tộc, và tôi cảm nếm biết bao điều dịu ngọt, lạ lùng lắm, Thiên Chúa cứ như hiển hiện chứ không ẩn mình đi giữa muôn tạo vật : tôi như thấy Chúa Cha cúi xuống trên từng người con  bơ vơ lạc lõng xa xôi, trao cho từng người chiếc áo trắng của tiệc cưới Nước Trời, còn  Người Con chí thánh thì không ngừng cất tiếng reo vui trong Thánh Thần : Abba, con tạ ơn Cha vì cha đã bày tỏ màu nhiệm nước trời cho những người bé mọn.

109 người đến được dòng nước thanh tấy hôm nay là nhờ những bước chân âm thầm của 3 chú giáo phu, các chú đã đến gõ cửa từng nhà, rồi kể từ đầu tháng 10, một tuần 3 buổi tối qui tụ bà con về để học giáo lý và học kinh. Đối với những người không biết chữ thì để thuộc được câu kinh là khó lắm, vì thế cả người dạy lẫn người học đều phải kiên nhẫn; để học và tập các nghi thức cũng mất trọn 3 ngày, 3 ngày giữa trời giông gió. Các chú sẽ được nghỉ 2 tuần lễ, rồi lại qui tụ và dạy nhóm mới đông hơn cho đợt rửa tội vào đêm phục sinh

Trong khoảnh khắc, niềm vui của đức Kitô làm rung động lòng tôi, người môn đệ hôm nay. tôi cứ để người dìu tôi đi trong giai điệu của lòng cảm mến, miệng hát  vang lời kinh hiến dâng và chúc tụng, lời kinh của người được sai vào cánh đồng lúa mới 2015

                                                                        MM Tân S.J. chia sẻ

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     Đọc và chia sẻ : TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – số 09. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 8. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG (số 5). MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG. Diễm Ngọc chia sẻ
     Đọc và chia sẻ Tông huấn NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. MM Tân, S.J. chia sẻ
     BUỒN CHO ĐẾN BAO GIỜ. Lm. Pio Ngô Phúc Hậu
     CHỨNG NHÂN. ÔngTôma Trần Văn Ba
     CHỨNG NHÂN. Ông Phaolô Võ Kim Khôi
     BÀI CHIA SẺ CẢM NGHIỆM ĐỜI SỐNG TÂN TÒNG.Giuse Thạch Lộc