Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

CHỦ NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Jesus-Christ-Shines.jpg

Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta nhìn lại cuộc sống đức tin để tìm cách đáp trả cho xứng đáng lời mời gọi của Ngài. Người khác có tìm gặp nơi cách sống của chúng ta sự vâng phục mà họ ngưỡng mộ nơi các Tiên tri và các Môn đệ đích thực không?

Sách Tiên tri Giô na 3, 1-5.10

Sự hiện diện của tiên tri Giôna tại Ninivê đã hướng mọi người đến Thiên Chúa và từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất đều sám hối, cả những con vật cũng ăn chay. Sự sám hối tập thể nầy cho thấy hành động của Thiên Chúa bao quát dường nào. Vì thế, kinh thành Ninivê, thủ đô của người Assyri, địch thù của Israên, nổi tiếng là hung bạo và mạnh mẽ, cuối cùng đã được Thiên Chúa tha thứ và không bị phá hủy hoàn toàn như đã được cảnh báo.

Thánh Vịnh 24

Hoảng hốt khi phải đối diện với  những khó khăn to lớn, người tín hữu hướng lòng về Chúa là tình yêu và thương xót. Chúa tốt lành vô cùng sẽ ban ơn tha thứ trợ lực và yêu thương.

Thư thứ 1 Corintô 7, 29-31

Nước Thiên Chúa đã khởi sự. Thế gian đang thay hình đổi dạng đối với những ai nghe lời Thiên Chúa mời gọi và đáp trả bằng một lời xin vâng hoàn toàn và vô điều kiện. Từ nay, chính sự sống của Thiên Chúa linh hoạt họ. Chỉ những ai chấp nhận sám hối, quay trở về với Thiên Chúa và từ bỏ những gắn bó trần tục của mình mới có thể tiếp cận sự sống ấy

TIN MỪNG: Mc 1, 14-20

NGỮ CẢNH

Sau lời tựa ngắn (1,1), Mác cô cung cấp cho độc giả một vài dữ kiện liên quan đến giai đoạn chuẩn bị sứ vụ công khai (1,2-8: sứ vụ Gioan Tẩy giả; 1,9-11: phép rửa Chúa Giê su; Chúa Giê su bị cám dỗ (1,12-13). Sau đó Mác cô khởi đầu phần sứ vụ công khai bằng lời rao giảng của Chúa Giê su (1,14-15), được tiếp nối bằng việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên (1,16-20).

TÌM HIỂU

Triều đại Thiên Chúa đã đến gần: có tới ba cách giải thích khác nhau:

- Triều đại Thiên Chúa giờ đã đến vì có Chúa Giê su hiện diện;

- Triều đại Thiên Chúa đã gần kề: nó sẽ hiện diện khi Đức Ki tô phục sinh được tấn phong trong vinh quang (x. 16,19);

- Triều đại Thiên Chúa đã gần kề: nó sẽ tới khi Đức Ki tô sẽ ngự đến trong vinh quang vào lúc cuối thời gian.

Anh em hãy sám hối: trong CƯ sám hối là quay trở về với Thiên Chúa. có lẽ ở đây ý tưởng nầy đạt tới tầm mức sâu xa hơn. Sự khác biệt về từ vựng trong cách diễn tả chủ đề dường như không cho phép coi TƯ như tiếp nối CƯ về điểm nầy.

Thật vậy, đây là một quan niệm mới, mà chỉ những trình thuật sám hối trở về trong tin mừng mới có thể soi sáng cho chúng ta. Ông Lê vi trở về (2,14) chỉ vì ông được Chúa Giê su kêu gọi và niềm tin ông vào Ngài lớn đến nỗi ông đã bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Trong Tin mừng, sự trở về trong suốt cuộc sống là một việc làm của con người có trước niềm tin, nhưng đã thuộc thành phần của đức tin (Kn 12,2.19). X. Mc 3,11.

Và tin vào Tin mừng:  chấp nhận được cứu độ nhưng không bởi đức tin trong Đức Ki tô hạ mình trong cái chết, đã tỏ cho thấy tình yêu của Thiên Chúa như thế nào và cũng nhờ thế mà đã lãnh nhận từ nơi Cha sự tấn phong là vua và quyền năng để cứu độ tất cả mọi người: chính nơi đây cô đọng lại toàn bộ tin mừng, và là mầm móng phát sinh niềm tin ki tô giáo. Do đó không phải ngẫu nhiên mà lời rao giảng nầy giống với lời rao giảng tin mừng ban đầu, như đã được tường thuật lại trong sách Công vụ (x. Cv 20,21;5,3;11,18; vv..). Để hiểu rõ tầm mức sâu xa của câu nầy thì điều đơn giản nhất là tìm hiểu thư Rô ma.

Biển hồ Ga li lê: biển hồ Ga li lê là một trong những địa danh thường xuất hiện trong Mc. Ở đó Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài (1,16-20;2,13-14). Ở đó Ngài giảng dạy đám đông (2,13;3,7-12;5,21).

Ông Si môn: Chúa Giê su sau nầy đã đặt tên cho ông là Phê rô.

Trong thực tế, không chắc ông Si mon là người đầu tiên được kêu gọi. X. Ga 1,35-42. Trái lại Mc trình bày ông Si mon như là người đầu tiên được Chúa kêu gọi và trong phần tiếp theo của tin mừng, đã thường xuyên nêu tên ông và đề cao ông trong nhóm Mười Hai (x. thí dụ 1,36; 3,16; 8,29; 9,2; vv..). Mục tiêu của Mc là giúp cho độc giả hiểu rằng vị tông đồ nầy đã đóng một vai trò rất quan trọng và người đứng đầu trong cộng đoàn.

Các anh hãy theo tôi: không có gì đi trước chuẩn bị cho biến cố kêu gọi. Thật ra, lối trình bày ấy có tính cách thần học: tính cách bất ngờ của câu truyện muốn chỉ ra rằng mọi sự đều khởi đầu với lời mời gọi của Đức Ki tô. Phần còn lại (công lao hay không, chuẩn bị luân lí, thiêng liêng, tâm lí) thì Mc không quan tâm đến.

Những kẻ lưới người như lưới cá: kiểu nói nầy trong Thánh Kinh (thí dụ x. Kb 1,14-15; Gr 16,16; Lc 21,34-35) gợi lên một hình ảnh bạo lực. Khi ông Gia cô bê và Gioan, theo Lc 9,54 nói với Chúa Giê su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”, thì họ tỏ ra họ muốn hiểu theo mặt chữ sứ mạng “lưới người” của mình. Thật ra hình ảnh nầy được gợi ý bởi nghề nghiệp của các môn đệ: để kêu gọi các môn đệ, Chúa Giê su Ki tô dùng ngôn ngữ nghề nghiệp của họ.

Ngày nay cũng như ngày xưa thời Chúa Giê su, cần phải thanh tẩy hình ảnh ấy khỏi bạo lực, nhưng ít ra nó nhắc nhở rằng cuộc đời tông đồ là một cuộc chiến đấu.

Chài lưới: bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Chúa Giê su rõ ràng là lí tưởng đối với tác giả tin mừng muốn nhấn mạnh đến các đòi hỏi căn bản của đức tin. Trong một vài sứ mạng tông đồ việc dứt bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giê su trở nên đích thực và hoàn toàn. Nhưng các đòi hỏi tận căn có giá trị cho mỗi người ki tô hữu: phải yêu mến Đức Ki tô bằng một tình yêu ưu tiên trên bất cứ một giá trị nào khác và sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài.

Đi theo Người: là thái độ cụ thể của mọi môn đệ đi theo Thầy mình, nhưng trong Mc thì kiểu nói nầy đã cho thấy một kiểu cách sống của người ki tô hữu nhờ đức tin đã trở nên môn đệ Đức Ki tô.

Các ông bỏ cha: điều mà các ông bỏ lại không hề nhỏ. Các tông đồ và các ki tô hữu đầu tiên gốc híp pri, vì sứ mạng của mình và vì các cuộc bắt bớ, không những đã bỏ của cải mình có mà cả quê hương, gia đình và các truyền thống tôn giáo cha ông.

SỨ ĐIỆP

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Giô na. Một quyển sách ngắn chỉ có bốn trang nhưng chứa đựng một câu truyện nhiều tình tiết hấp dẫn và để lại cho chúng ta một giáo huấn rất quan trọng. Chúng ta cần phải biết đọc ý tưởng tiềm mặc dưới những hàng chữ để có thể lãnh hội được điều mà tác giả muốn nói.

Đó là câu truyện về một vị tiên tri Do thái dũng cảm và nhiệt thành. Thiên Chúa bảo ông mang tối hậu thư đến thành Ninivê, ngày nay thuộc Irak. Ninivê bấy giờ là thủ đô của một vương quốc hiếu chiến, và thù địch số một của Ít-ra-ên, một kinh thành to lớn, giàu có và khao khát chinh phục. Đó là một sứ mạng bất khả thi đối với vị tiên tri Do thái, nhưng sau nhiều lần lẫn tránh, Giô na cuối cùng cũng phải đi đến đó để thực hiện sứ mạng Thiên Chúa giao cho. Ông ra đi mà lòng nơm nớp lo sợ người ta giết hại mình. Nhưng rồi ông hết sức ngạc nhiên khi thấy dân cư ở đó từ lớn tới nhỏ đã nghe lời ông và sám hối.

Sau khi rao giảng, Giô na ra ngoại ô Ninivê để chờ xem thành phố bị tiêu diệt. Nhưng khi thấy Thiên Chúa từ bỏ ý định của Ngài, không đánh phạt như lời đã phán, Giôna giận dữ vì thấy rằng sự tiên báo của mình không được thực hiện. Bấy giờ Thiên Chúa trả lời cho ông: « Cũng may mà ta không phải như ngươi ». Thật vậy, tất cả mọi người đã sám hối, trừ một người, đó chính là ông Giôna. Vì thế, đối với ông cũng như đối với chúng ta, việc hiểu rõ những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến chúng ta thật là cấp thiết.

Điều thứ nhất đó là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và Ngài chờ đợi nơi họ sám hối để tha thứ cho họ. Lời cảnh giác của Giôna: « Còn bốn mươi ngày nữa, thành Ninivê sẽ bị tiêu diệt » là tiếng kêu báo động. Lúc cuốn sách nầy được viết, người ta đã nhận ra rằng họ sẽ không bị kết án vĩnh viễn. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, với điều kiện là tai phải nhạy bén và tâm hồn chúng ta phải mở ra để đón nhận lời tha thứ của Ngài.

Sứ điệp thứ hai: Thiên Chúa là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ, kể cả những người dân ngoại. Người ta có thể cầu nguyện với Ngài khắp mọi nơi, cả bên kia biên giới Israên, trên một chiếc tàu và cả ở trong bụng cá. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị hạn chế trong một nơi chốn, một xứ sở, một đảng phái chính trị hay một tôn giáo. Ngài là Thiên Chúa của mọi người.

Sứ điệp thứ ba: Những người mà chúng ta coi là dân ngoại và tội lỗi thường sẵn sàng lắng nghe Lời Thiên Chúa hơn chúng ta. Đó là trường hợp dân thành Ninivê. Và ngày nay cũng thế. Người ta thấy những người ở xa Giáo Hội trở về với Chúa Giê su Kitô. Trong khi đó, những người biết và xác tín quá nhiều thì lại không nhúc nhích.

Sứ điệp thứ bốn: câu truyện nầy đã được sáng tác sau thời lưu đày vào thời kì mà các tiên tri muốn nhắc lại rằng Thiên Chúa muốn cứu thoát tất cả nhân loại, chứ không riêng gì dân ưu tuyển. Cũng giống như trong một gia đình: phải làm sao cho đứa con trưởng hiểu rằng nó không phải là đứa con duy nhất. Thiên Chúa là một người Cha quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt những người ở xa nhất. Đó quả thật là một sứ điệp quan trọng mang đầy hi vọng vẫn còn giá trị cho chúng ta ngày nay.

Lời mời gọi đó chúng ta tìm thấy trong tin mừng hôm nay: Chúa Giê su đến và lời đầu tiên rất vắn gọn, nhưng quyết định. Ngài chỉ phán: « Hãy sám hối và tin vào Tin mừng; vì Nước Trời đã gần đến». Và đã có những người bị cuốn hút ngay tại chỗ làm việc của mình hằng ngày, đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Ngài. Đối với An rê, Si mon, Gia cô bê và Gioan, lúc đó đánh dấu khởi đầu một tình yêu lớn. Họ tiếp nhận một tin mừng đổi mới cả cuộc đời của họ.

Tin mừng ấy chính là Thiên Chúa đã tự trở nên đặc biệt gần gủi và liên đới với những người hèn mọn, những người nghèo, những người bất hạnh. Chúa Giê su đến gặp họ trong chính hoàn cảnh riêng của từng người, và mời gọi tất cả hãy sống sao cho thật phong phú. Tin mừng ấy nói rằng Thiên Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích, mọi nô lệ, khỏi tất cả những gì làm cho chúng ta đui mù, và xuống cấp, như tình yêu, tiền bạc, kiêu căng và bản năng chế ngự, ích kỉ, nhục dục, tìm kiếm thái quá việc làm hài lòng riêng cho bản thân mình.

Thiên Chúa đến với chúng ta, không phải để xét xử, nhưng để chữa lành và nâng chúng ta lên. Ngài như người cha của đứa con hoang đàng chỉ muốn tha thứ cho con của mình ngay khi nó muốn trở về. Niềm vui lớn của Thiên Chúa, đó là nhìn thấy con cái mình lớn lên, thấy nó phát triển các khả năng, các nén bạc của mình. Điều quan trọng đối với Ngài đó là hạnh phúc của chúng ta. Chính đó là điều mà tất cả chúng ta được mời gọi đến.

Trên đây là một vài khía cạnh của Tin mừng công bố hôm nay. Chắc chắn còn nhiều điều khác mà chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết. Ngày hôm nay, Chúa Giê su vẫn khuyên bảo chúng ta: “Hãy sám hối”. Qua đó, Ngài mời gọi từng người chúng ta: “Hãy từ bỏ con đường hư hoại, và hãy theo ta trên con đường mà ta sẽ chỉ cho anh em. Đừng đóng kín lòng mình , nhưng hãy tiến tới gần Thiên Chúa và anh em mình, hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » .

Tin mừng mà Chúa Giê su mang đến cho chúng ta có thể biến đổi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự tin vào điều đó, nó có thể giúp cho chúng ta vượt thắng mọi tranh chấp có thể nẩy sinh nơi môi trường chúng ta đang sống, nhất là nơi gia đình chúng ta. Rồi một ngày kia, Chúa Giê su sẽ cho biết sức mạnh của lòng tin nơi Ngài, một đức tin có thể dời chuyển cả núi non. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những trái núi thiếu hiểu biết chất đống bên trong Giáo Hội và trong thế giới chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta quan tâm hơn đến lời kêu gọi của Ngài, Ước gì Ngài ban cho chúng ta lòng quảng đại hơn để đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng cách biến chúng ta thành những người tác tạo hòa bình, hiệp nhất và hòa giải bất cứ nơi nào chúng ta sống.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Giô na là sách gì?

THƯA:Sách Giô-na là quyển sách thứ năm trong 12 sách các Tiên Tri nhỏ, được biên soạn ở Palestina khoảng thế kỷ V trước Công nguyên. Đây là một sách ngắn gọnchỉ gồm 4 chương không ghi lại lời sấm nào mà chỉ kể lại cuộc rao giảng của tiên tri Giô nachứa đựng nhiều bài học hữu ích cho các tín hữu.Trong lúc một bộ phận cộng đoàn Do thái muốn sống đóng kín để bảo vệ cá tính riêng của mình, thì tác giả chống lại thái độ sống đó. Ông chủ trương mở cửa và rao giảng rằng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và Lời của Ngài có thể vang đến mọi dân tộc. Đối lại với óc cục bộ của Ít ra ên sau thời lưu đày, sách nầy rao truyền tính cách phổ quát của ơn cứu độ.

2. HỎI: Sách Giôna ra đời trong bối cảnh lịch sử như thế nào?

THƯA: Vào khoảng thế kỉ thứ V trước Công nguyên, người Do Thái vẫn đang ở trong thời kỳ hồi phục sau cuộc hồi hương từ Babylon. Năm 722, đế quốc Assyria đã chiếm vương quốc Israel phía Bắc, bắtcác thành phần ưu tú của dân đi lưu đày, và đưa những nhóm dân khác đến đây định cư. Sau đó, vào năm 587 tại vương quốc Giu đa phía nam, vua Nabuchodonosor và quân đội của ông phá hủy thành Giêrusalem và lưu đày dân cư sang Babylon. 50 năm sau tức là vào năm 538, vua Kyrô của Ba Tư đánh bại Babylon, ra sắc lệnh cho người Do Thái hồi hương và xây lại Đền thờ. Có sự đấu tranh giữa những người hồi hương và những người vẫn ở lại từ trước, thêm vào đó là sự nghèo khổ và lao động vất vả để tái thiết Thành Thánh và Đền thờ. Tất cả những điều đó làm nên bối cảnh lịch sử trong đó sách Giôna được biên soạn.

3. HỎI: Cuộc rao giảng của tiên tri diễn ra như thế nào?

THƯA: Trước tiên, tiên tri Giô-na được Thiên Chúa sai đến thành Ni-ni-vê để loan báo hình phạt mà Chúa sắp đổ xuống dân thành nầy (Gn 1, 2). Tuy nhiên, mệnh lệnh của Ngài khiến ông sửng sờ và thất vọng. Vì sao? Trước tiên vì dân Ni-ni-ve là kẻ thù của dân Ít-ra-ên, sự độc ác của dân thành nầy đã nhiều lần làm người Ít-ra-ên phải khốn đốn. Thứ hai vì Ninivê là một thủ đô ngoại giáo hùng mạnh nên vô cùng nguy hiểm cho một nhà giảng thuyết Ít-ra-ên nhỏ bé như ông. Thứ ba vì thành Ni nivê vô cùng to lớn, phải đi ba ngày mới hết, thế thì công việc chừng nào mới xong nếu cứ dừng lại ở các góc đường để rao giảng. Thứ tư vì Giô nakhông muốn cứu dân thành nầy khỏi cơn giận của Thiên Chúa. Và nhất là vì biết rằng Chúa là Đấng nhân từ, nên ông sợ rằng nhờ rao giảng mà dân Ninivê ăn năn sám hối rồi Chúa sẽ tha thứ cho họ.Thật là một sứ mạng bất khả. Ông chống lại Ni-ni-vê như thành nầy đã chống lại dân tộc ông. Vì thế, ông chỗi dậy trốn đi Tác sít.

4. HỎI: Thế rồi câu chuyện tiếp diễn ra sao?

THƯA: Chúa sai ông đi về phía đông đến Ninivê, ông lại lên tàu trốn về phía tây đến Tác sít. Trốn xa đến vậy nhưng cũng không thoát vì không bao lâu biển nổi cơn sóng dữ. Giô-na bấy giờ thú nhận là vì ông nên mới xảy ra như thế, nên người ta bắt ông quăng xuống biển. Nhưng Thiên Chúa gìn giữ ông bình an trong bụng một con cá. Sau ba ngày, cá nhả ông lên bờ. Một lần nữa ông được lệnh đi đến Ninivê. Vì đã thấy cánh tay quyền năngThiên Chúa nên lần nầy, ông không dám chần chừ tranh luận nữa mà vội vàng khăn gói lên đường ngay.

5. HỎI: Ninivê là thành phố nào?

THƯA: Ninivê là thủ đô của đế quốc Assyria, ở tả ngạn sông Tigra, đối diện với Mô sul, cách bờ sông hiện thời khoảng 1500 m hơi chếch về phía Tây. Đó là một thành phố lớn (hơn 650 héc ta) được bao bọc bởi một tường thành có 15 cửa. Theo sách Sáng thế thì Ninivê được Nimrốt xây dựng có lẽ từ ngàn năm thứ 3 trước Công nguyên (St 10,8-11). Quân Mê đi và Babylôn chiếm và phá hủy Ninivê vàonăm 612 trước Công nguyên.

6. HỎI: Cuộc rao giảng kết thức như thế nào?

THƯA: Giô na đi khắp nơi loan báo hình phạt của Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên dân thành trong 40 ngày nữa. Nghe vậy toàn thể dân thành Ninivê từ vua đến dân đãsám hối và được Thiên Chúa tha thứ. Lòng nhân từ của Thiên Chúa lại khiến Giô na nổi giận và lên tiếng phàn nàn với Ngài. Và câu truyện kết thúc với lời Thiên Chúa khẳng định lòng thương xót đối với dân thành Ninivê, những người con do Ngài tạo dựng.

7. HỎI: Câu chuyện chứa đựng những bài học nào?

THƯA: Câu chuyện chứa đựng những bài học sau đây: thứ nhất, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, luôn dành cho họ cơ hội sám hốitrở về để được Ngài tha thứ.

8. HỎI: Bài học thứ hai là gì?

THƯA: Thiên Chúa là Chúa của cả vũ trụ. Người ta có thể kêu cầu Ngài ở khắp nơi, thậm chí trong bụng cá, cũng được Ngài nhậm lời.

9. HỎI: Bài học thứ ba là gì?

THƯA: Những người mà thường chúng ta coi là những kẻ ngoại đạo, những người tội lỗi lại nhạy bén với lời Chúa hơn chúng ta.

10. HỎI: Bài học thứ tư là gì?

THƯA: Câu truyện nầy được sáng tác sau lưu đày ở Ba-by-lon, vào đúng lúc mà các tiên tri muốn nhắc lại rằng Thiên Chúa muốn cứu độ toàn thể nhân loại chứ không riêng gì dân ưu tuyển. Cũng giống như trong gia đình, cần phải hiểu rằng đứa con trưởng không phải là đứa con duy nhất.

11. HỎI: Bài học thứ năm là gì?

THƯA: Câu truyện cây thầu dầu để lại bài học lớn, qua đó Thiên Chúa dạy cho ông Giô-na hiểu rằng: ‘Nếu anh không yêu mọi người như Ta thì anh không phải là một tiên tri tốt’. Rõ ràng, Thiên Chúa lớn hơn tâm hồn con người.

12. HỎI: Tại sao thánh Mác cô viết: ‘Sau khi Gioan bị nộp (= bắt)’?

THƯA: Thánh Mác cô thích dùng kiểu nói ‘bị nộp’ để áp dụng cho Gioan Tẩy giả, cho Chúa Giê su (như ở 9, 31), cho các tông đồ (x. 13,9) để nhấn mạnh rằng số phận của Gioan Tẩy giả tiên báo trước số phận của Chúa Giê su và các tông đồ: đó cũng là vận mạng chung cho các tiên tri và những người rao giảng lời Chúa (x. Is 50 và 52-53; Kn 2, 12: kẻ gian ác nói: ‘Ta hãy gài bẫy hại người công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm,’).

13. HỎI: Tại sao Gioan bị bắt (= nộp)?

THƯA: Gioan bị vua Hê-rô-đê bắt vì Hê-rô-đi-a vợ vua Phi líp anh ông mà ông đã cưới làm vợ. Gioan đã can ngăn vua Hê-rô-đê: “Ông không được phép lấy vợ anh ông” (Mc 6,17-18).

14. HỎI: ‘Thời giờ đã mãn’ có nghĩa gì?

THƯA: ‘Thời giờ đã mãn’ có nghĩa là thời gian có một ý nghĩa và một hướng đến, và hiện giờ đã đạt mục tiêu, đã tới mức hoàn tất, đó chính là ngày mà tiên tri Gio ên đã loan báo: ‘Thánh Thần sẽ được đổ xuống trên mọi người’ (Ge 3, 1), và được Gioan Tẩy giả xác nhận: “Tôi rửa bằng nước, nhưng Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8).

15. HỎI: Tin mừng mà Chúa Giê su loan báo là tin mừng gì?

THƯA: Ngài loan báo rằng: Ngày Thiên Chúa đã đến, Vương triều của Thiên Chúa đã khai mạc rồi. Tin vui ấy có hai ý nghĩa: một là Vương triều Thiên Chúa đang đến gần, chỉ còn có việc đón nhận mà thôi. Thứ hai, đó là một thực tại đang xảy ratrong Chúa Giê su, nơi Ngài trời và đất giao hòa.

16. HỎI: ‘Sám hối và tin vào tin mừng’ có nghĩa là gì?

THƯA: Có thể hiểu: ‘Sám hối là tin vào tin mừng’. Sự sám hối mà Chúa Giê su mời gọi chính là tin rằng ơn của Thiên Chúa đang ban xuống cho mọi người và được ban một cách nhưng không. Như tiên tri Isaia đã báo trước: ‘Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.’ (Is 55, 1).

17. HỎI:  Như thế ‘sám hối’ có nghĩa là gì?

THƯA: ‘Sám hối có nghĩa là tin rằng Tin mừng Chúa Giê su loan báo đem lại niềm vuicho mọi người vì được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ.

18. HỎI: Như thế sứ điệp tin mừng giống với sứ điệp bài đọc một?

THƯA: Đúng thế, sứ điệp gồm hai điều: một là Thiên Chúa muốn mọi người chứ không phải một vài người ưu tiên được cứu độ. Hai là Thiên Chúa chờ đợi con người sám hối để Ngài tha thứ.

19. HỎI: Lời mời gọi của Chúa Giê su gồm những gì?

THƯA: Lời mời gọi của Chúa Giê su gồm hai điều: một là ‘hãy theo Thầy’, và hai là ‘Ta sẽ làm cho anh em trở nên kẻ chài lưới người’. Trongkhi điều thứ nhất không có chỉ dẫn nào cụ thể thì điều thứ hai dùng một hình ảnh quen thuộc nghề nghiệp của họ.

20. HỎI: Lời đáp trả các môn đệ có gì đặc biệt không?

THƯA: Tương quan ngay tức khắc giữa lời mời gọi và lời đáp trả , và lời đáp trả là một quyết định bằng những hành động dứt khoát, không chần chừ: “Họ bỏ lại lưới cá và cha mình’ để đi theo Ngài. Họ đã mau mắn đáp lại tiếng gọi của Ngài giống như Abrahm mà sách Sáng thế đã mô tả: ‘Abraham đã ra đi như Đức Chúa đã phán với ông’ (St 12). 

21. HỎI: ‘Lưới người như lưới cá’ có nghĩa là gì?

THƯA: Chúa Giê su dùng hình ảnh lưới cá rất quen thuộc với các môn đệ để nối kết họ vào sứ vụ của Ngài, đó là: ‘Ta đến để cho con người được sống và được sống dồi dào’(Ga 10,10).

22. HỎI: Câu chuyện về việc Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ trong Mác cô có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Qua câu chuyện Chúa Giê su kêu gọi các môn đệ đầu tiên, Mác cô có ý nhấn mạnh những điểm sau đây: (1) Sáng kiến từ Chúa Giê su. Môn đệ của Thầy Giê su không tầm sư học đạo, mà chính Thầy tìm và kêu gọi môn đệ theo mình. Chúa Giê su chọn và kêu gọi những kẻ Ngài muốn (3,14). (2) Môn đệ vâng phục tuyệt đối. (3) Đoạn tuyệt hoàn toàn với đời sống cũ để trọn vẹn theo Chúa Giê su.

23. HỎI: Theo Mác cô, ngày nay: “Đi theo Chúa Giê su” có nghĩa gì?

THƯA: Theo Mác cô, “Đi theo Chúa Giê su” có nghĩa là cùng với Ngài đến với dân ngoại và hiến mạng sống vì Chúa Giê su và vì Tin mừng.

24. HỎI: Tại sao Mác cô đặt việc Chúa Giê su chọn các môn đệ vào đầu đời sống công khai của Ngài?

THƯA: Bởi vì ông không muốn trình bày Chúa Giê su hành động một mình, ngoại trừ lúc chịu khổ nạn. Trong tin mừng Mác cô, tất cả hoạt động đầu tiên của Chúa Giê su là qui tụ môn đệ, và từ lúc ấy, ông cho thấy họ tham dự vào tất cả mọi biến cố trong đời sống công khai của Ngài. Qua đó, Chúa Giê su muốn tạo lập một cộng đoàn, một gia đình gồm những môn đệ sẽ “ở với Ngài để được Ngài sai đi”. Họ sẽ là những người kế tục sự nghiệp của Ngài là làm chứng cho các hoạt động của Ngài.

25. HỎI: Bài tường thuật thánh Mác cô có đặc tính gì nổi bật?

THƯA: Như trong toàn bộ sáchtin mừng, bài tường thuật Mác cô được dệt bằng những hoạt động dồn dậpkhẩn trương. Chúa Giê su được mô tả như một con người luôn hoạt động và các biến cố nối tiếp nhau không ngừng. Rõ ràng cốt yếu của bài tin mừng hôm nay làtính cách khẩn trương của thời gian. Các ngư phủ đã bỏ công ăn việc làm của mình ngay tức khắc để theo Chúa Giê su. Không thể chần chừ được nữa vì Nước Trời đang ở ngay bên. Thời giờ đã đến phải sám hối và tin vào tin mừng. Cuộc sống của chúng ta có thể thay đổi không nếu quan tâm đến tính cấp bách của Nước Chúa?

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên B: HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG. Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên B: CON NGƯỜI MỚI CỦA NƯỚC TRỜI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     MÙNG HAI TẾT: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
     MỒNG MỘT TẾT GIÁP NGỌ 2014 CHÚC NHAU MỌI ĐIỀU TỐT LÀNH. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Mồng Một tết – Giáp Ngọ 2014. Lm. Duy Khang
     LỄ GIAO THỪA GIÁP NGỌ 2013-2014: PHÚT DỪNG CHÂN. Lm. Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần III Thường Niên. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Thứ ba Tuần III Thường Niên: Gia Đình mới. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Hai tuần III Mùa Thường Niên: MẠNH HƠN VÀ MẠNH NHẤT. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Gợi ý suy chiêm Tin MừngChúa Nhật III Thường niên A: ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ RA ĐI TRUYỀN GIÁO. Nt T. Ngọc Lễ