Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 6

HIỆP SỐNG TIN MỪNG CN VI THƯỜNG NIÊN B

Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45

XIN ƠN CHỮA LÀNH BỆNH PHONG TỘI LỖI

chuagiesu.jpg

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MƯNG: Mc 1,40-45.

(40) Có người bị phong hủi đến gặp Người. Anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. (41) Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. (42) Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay (44) và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. (45) Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

2. Ý CHÍNH: CHỮA LÀNH BỆNH PHONG CÙI, DẤU CHỈ CỦA TRIỀU ĐẠI THIÊN SAI.

Với tư cách là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su đã cảm thông với nỗi bất hạnh của một người phong cùi, tượng trưng cho người tội nhân có lòng sám hối ăn năn. Do tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai giàu tình yêu thương và đầy quyền năng, anh đã can đảm chạy đến với Người, quì xuống trước mặt Người và kêu xin Người thương cứu chữa anh được lành sạch. Trước thái độ và lòng tin cậy phó thác như vậy, Người đã chạnh lòng thương xót, đưa tay ra chạm vào người anh và lập tức anh được lành bệnh.

3. CHÚ THÍCH:

- (c 40-42): + Có người bị phong hủi: Luật Mô-sê qui định: vì phong hủi là bệnh nan y và hay lây, nên những ai mắc phải bệnh này đều phải rời bỏ gia đình, sống thành nhóm riêng ở nơi hoang vắng như trong nơi nghĩa trang chôn cất người chết. Mỗi khi thấy có người nào đến gần, bệnh nhân phải la lên: “Ô uế! Ô uế!”, để người ta biết mà tránh xa ra. Luật cũng cấm những sự đụng chạm tiếp xúc với người phong hủi. Người ta sẽ lập tức bị ô uế nếu đứng gần nói chuyện hay đụng chạm tới họ. Do đó số phận của người cùi hủi vốn đã bị đau khổ do bệnh tật và thiếu thốn các nhu cầu vật chất tối thiểu, lại càng bất hạnh hơn về tinh thần do bị cô đơn. Dân Do Thái quan niệm bệnh phong hủi là hình phạt của Thiên Chúa dành cho những tội nhân phản nghich với Ngài. + Đến gặp Người: Người bệnh phong hủi ở đây bất chấp sự cấm đoán của luật pháp, do tin cậy vững vàng vào lòng từ bi nhân hậu của đức Giê-su, nên thay vì tránh xa thì anh lại chạy đến gần để gặp Người. + “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”: Đây là một lời cầu nguyện hoàn hảo đẹp lòng Chúa, vì nó biểu lộ lòng tin cậy phó thác của bệnh nhân vào Đức Giê-su. Anh ta không đòi Đức Giê-su chữa bệnh theo ý muốn của anh, mà để Người tự do hành động theo ý muốn của Người. + Người chạnh lòng thương: Chính thái độ khiêm tốn, đầy lòng cậy trông phó thác ấy đã làm cho Đức Giê-su chạnh lòng xót thương anh và Người đã chữa cho anh lành bệnh. + Giơ tay đụng vào anh ta: Giơ tay đụng vào người phong cùi là vi phạm Luật Mô-sê. “Đụng vào” cũng có thể hiểu là sự “đặt tay trên đầu bệnh nhân”, một cử chỉ Đức Giê-su thường làm khi đặt tay chúc lành cho trẻ em (x. Mc 10,16), đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Lc 4,40 ; Mc 16,18). Qua cử chỉ đặt tay trên người phong cùi này, Đức Giê-su đã thông ban sinh lực của Người để chữa lành bệnh cho anh. Tuy nhiên Đức Giê-su đến không phá hủy Luật Mô-sê, nhưng làm cho hoàn thiện. + “Tôi muốn. Anh hãy sạch đi: Lời nói biểu lộ ý muốn của Đức Giê-su đã lập tức phát sinh hiệu quả, khiến cho bệnh phong hủi biến mất và bệnh nhân được lành sạch.

- (c 43-44): + “Đừng nói gì với ai cả...”: Đức Giê-su cấm người phong hủi nói ra ơn lành bệnh lạ lùng mà Người vừa làm cho anh. Lý do của lệnh cấm này là vì sợ dân Do Thái đang trong tâm trạng nôn nóng mong Đấng Thiên Sai mau đến để đánh đuổi quân Rô-ma, sẽ làm hỏng sứ mạng cứu thế về thiêng liêng tinh thần theo thánh ý Chúa Cha.

- (c 45): + Anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi: Do lòng biết ơn thúc bách, người vừa khỏi bệnh không thể cầm lòng, nên đã vội loan truyền đi khắp nơi phép lạ mà anh vừa nhận được. + Đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được...: Dân chúng nghe biết Đức Giê-su chữa được bệnh phong cùi, đã nô nức đi tìm kiếm Người, phần để thỏa mãn sự tò mò, phần để được Người chữa lành bệnh. Vì sợ dân chúng đi theo quá đông gây ồn ào ảnh hưởng đến an ninh chính trị khiến quân Rô-ma có cớ can thiệp, nên Đức Giê-su đã không vào thành. Người chỉ giảng dạy và chữa bệnh tại những nơi vắng vẻ bên ngoài thành phố.

4. CÂU HỎI: 1) Hãy cho biết Luật Mô-sê qui định thế nào về cách đối xử với bệnh nhân phong hủi? 2) Tại sao người phong hủi trong Tin Mừng hôm hay cố tình vi phạm Luật khi đến gần Đức Giê-su thay vì phải tránh xa? 3) Lời nói nào cho thấy lòng tin cậy phó thác của người cùi hủi đối với Đức Giê-su? 4) Đức Giê-su làm cử chỉ nào để chữa lành người cùi? 5) Khi chạm tay vào người cùi, Đức Giê-su có vi phạm Luật Mô-sê không? Người có muốn phá bỏ Luật Mô-sê không? 6) Tại sao Đức Giê-su cầm người cùi không được nói ra phép lạ chữa bệnh phong cùi mà Người vừa thực hiện?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh!” (Mc 1,41).

2. CÂU CHUYỆN: CUỘC ĐỜI CỦA VỊ TÔNG ĐỒ NGƯỜI CÙI TẠI VIỆT NAM

Có lẽ trong chúng ta không ai là không biết về trại phong Di Linh ở Lâm Đồng, nơi có phần mộ của Đức Cha CÁT-SEN (Jean Cassaigne), vị Tông Đồ Người Cùi tại Việt Nam. Ngài đã dành trọn cuộc đời để sống với và sống cho những bệnh nhân phong cùi, để mang Tin Mừng Cứu Độ cho họ, săn sóc phục vụ họ như một người thân trong gia đình và cuối cùng sẵn sàng bị lây căn bệnh hiểm nghèo giống như họ. Thân xác của Ngài đã bị lở loét và bốc mùi hôi thối do căn bệnh quái ác này. Cuối cùng, Ngài đã chết như một người phong cùi tại trại phong Di Linh. Thân xác của Ngài đã được chôn bên cạnh nhà nguyện của trại phong đúng theo ước muốn của Ngài khi còn sống là được luôn ở bên cạnh những người con phong cùi thân yêu của Ngài.

3. THẢO LUẬN: 1) Để được Đức Giê-su chữa lành bệnh phong cùi thiêng liêng là các đam mê tội lỗi và các thói hư tật xấu... chúng ta phải làm gì? 2) Để nên giống Đức Giê-su là Đấng từ bi và hay thương xót, chúng ta nên có thái độ thế nào đối với những người bất hạnh, đặc biệt là các bệnh nhân phong cùi, ung bướu, HIV-AIDS...?

4. SUY NIỆM:

1) Cầu nguyện với lòng tín thác cậy trông:

Tin Mừng hôm nay đề cập đến phép lạ Đức Giê-su chữa lành cho một người phong cùi. Người cùi khi nhìn thấy Đức Giê-su, thay vì tránh xa theo Luật dạy, anh lại tiến lại gần để xin Người chữa lành bằng một lời cầu khiêm tốn cậy trông: ”Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch “ (Mc 1,40). Đây là một lời cầu xin đẹp lòng Đức Giê-su qua câu “Nếu Ngài muốn”. Anh coi ý muốn của Chúa quan trọng hơn ý muốn của anh, và phó thác cho Người toàn quyền quyết định có cứu chữa anh hay không.

Còn chúng ta, đã có khi nào chúng ta cầu xin Chúa với tâm tình phó thác cậy trông vào tình thương và quyền năng của Chúa như người phong cùi hôm nay hay không? Đã có lần nào khi cầu xin, chúng ta đặt ý muốn của Chúa lên trên ý muốn của chúng ta hay chúng ta thường làm ngược lại là muốn được Chúa thỏa mãn ý muốn của chúng ta: “Xin cho con được ơn như ý”, thay vì lẽ ra phải cầu nguyện noi gương Đức Giê-su trong vườn cây dầu: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), hoặc như lời cầu của người cùi hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

2) Người chạnh lòng thương ra tay chữa lành:

Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại như sau: “Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch (Mc 1,41-42).

Chạnh lòng thương nên Đức Giê-su đã vượt qua những rào cản của Luật Mô-sê để đến gần người bệnh phong hủi thay vì tránh xa.

Chạnh lòng thương nên Ngài đã không sợ bị ô uế theo Luật để giơ tay ra đụng chạm vào các vết thương lở loét của anh để chữa lành cho anh.

Chạnh lòng thương nên Ngài đã truyền cho anh đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo Luật Mô-sê để cho anh về đoàn tụ với gia đình, được tái hội nhập vào cộng đoàn xã hội, nơi mà trước đó anh đã bị cách ly vào nơi hoang địa như nghĩa trang, vì bị coi như đã chết.

Ngày nay, mỗi khi lãnh nhận các bí tích, các tín hữu chúng ta cũng được Chúa Giê-su “chạnh lòng thương” chạm đến, được Người chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn. 

3) Làm chứng về tình thương cứu độ của Chúa:

Người tín hữu chúng ta cũng phải noi gương Đức Giê-su là thể hiện tình thương đối với những người đang đau khổ và bất hạnh do bệnh tật và bị tai ương hoạn nạn gây ra. Chính tình thương đã khiến Đức Giê-su ra tay chữa lành các bệnh tật, thì cũng thúc đẩy chúng ta quan tâm đến tha nhân, nhất là góp phần chữa lành những bệnh tật về thể xác cũng như tâm hồn.

Chúng ta cũng cần noi gương người cùi để một khi đã cảm nghiệm được tình thương của Đức Giê-su, chúng ta cũng phải nhiệt tình loan báo Tin Mừng tình thương cứu độ của Người cho mọi người. Mỗi lần xưng tội rước lễ, chúng ta cũng được Chúa Giê-su chạm đến chữa lành các vết lở loét là tội lỗi và các thói hư, chúng ta cũng phải cao rao lòng từ bi thương xót của Chúa để nhờ đó “Nước Cha mau trị đến” và chúng ta có thể chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng như lệnh Chúa Giê-su truyền cho Hội Thánh trước khi về trời: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con đã học được nơi Chúa tình thương và sự cảm thông với những người đau khổ bất hạnh: Chúa đã chạnh lòng xót thương người phong hủi, nên đã không sợ bị nhơ uế theo Luật định, giơ tay chạm đến người bệnh và làm cho anh nên trơn sạch. Lạy Chúa, nhiều lần khi đi thăm trại cùi để tặng quà và sinh hoạt với trẻ em trong trại... con thấy mình không mấy thoải mái khi tiếp xúc với những bệnh nhân cùi. Con muốn được đeo khẩu trang và mang găng tay cho an toàn, mong sao cuộc thăm viếng sớm kết thúc... Hôm nay con rất hổ thẹn khi biết Chúa đã giơ tay ra chạm vào người cùi để bày tỏ sự cảm thông với họ. Con cũng cảm phục các chị nữ tu, tuy tuổi đời còn trẻ mà đã tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân, đến sống chung và phục vụ các bệnh nhân phong cùi! Con thấy chị em không quá sợ bị lây bệnh như con! Xin Chúa chúc phúc và trả công bội hậu cho các chị em này. Xin cũng giúp con sẵn sàng đến với những bệnh nhân khác như ung bướu, HIV-AIDS,... Đến với những cụ già cô đơn bất hạnh, những tù nhân trong nhà tù... để xoa dịu phần nào nỗi đau của họ, và giúp họ vượt qua hoàn cảnh, giúp họ tín thác vào tình thương của Chúa.        

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Thương Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Thường Niên_Thầy Phêrô Maria. Mảnh vỡ. FVP
     ĐTC mời gọi tín hữu Buenos Aires cầu xin Đức Mẹ mở lòng để gặp gỡ người khác - Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Mùa Thường Niên

Các bài viết cũ hơn
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên B_
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên B: ĐƯA TAY CHẠM VÀO NGƯỜI BỊ PHONG. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần VI Thường Niên A: THIÊN CHÚA XÂY TOÀ CHO PHÊRÔ. Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP
     Suy Niệm Thứ Sáu tuần VI Thường Niên A.Lm. Duy Khang
     Suy NiệmThứ Năm Tuần VI Thường Niên Năm A. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần VI Thường Niên A: XIN ĐƯỢC CHỮA LÀNH. Maria Nguyễn Tố Quyên
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ ba tuần VI Thường Niên A: “Anh em chưa hiểu ư?”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ
     Suy Niệm Thứ Hai Tuần VI Thường Niên A: DẤU LẠ. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A: Bậc thang giá trị theo Chúa Giêsu. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông