Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

 Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh

VÀI NÉT VỀ HÌNH ẢNH GIU-ĐA

Ga 18,1 – 19, 42

giuda.jpg

Tam Nhật Thánh là ba ngày trọng đại trong niềm tin người Công giáo, diễn tả cách trọn vẹn ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Một Thiên Chúa luôn yêu thương con người hết tình, nhưng con người luôn mê lầm tội lỗi. Trong ý hướng ấy, tôi bị đánh động bởi hình ảnh Giu-đa khi nhìn lại niềm tin của mình.

Quả vậy, khi nhắc đến Giu-đa, tâm trí chúng ta thường nghĩ ngay đến một tên tội đồ, một phản đồ bán Chúa, một kẻ tội lỗi, một con người đáng bị nguyền rủa, thà nó đừng sinh ra thì hơn. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó với lối suy nghĩ tiêu cực ấy thì liệu có giúp ích gì cho niềm tin của chúng ta không?

Giu-đa, người môn đệ

Khi đọc Tin mừng, chúng ta thấy rõ hình ảnh Giu-đa đầu tiên hiện ra với tư cách là người môn đệ, và không chỉ là môn đệ mà thôi, Giuđa còn là một trong 12 tông đồ của Đức Giêsu (x. Mc 3,19; Mt 10,4 ; Lc 6,16). Như vậy, rõ ràng Giu-đa đâu phải là người thậm tệ, hẳn là anh phải có nét gì đó nổi bật trong ánh mắt của Đức Giêsu, nên Ngài mời gọi anh làm môn đệ của mình. Ở điểm này, ta có thể tin rằng Giu-đa là một người đặc biệt trong ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa, được mời gọi thông phần vào chương trình cứu độ của Ngài. Anh được Đức Giêsu và các anh em khác giao nhiệm vụ làm quản lý, người giữ túi tiền (x. Ga 13,29) để lo cho mọi người trong cuộc sống lữ hành của nhóm. Điều đó cho thấy Giu-đa thật là một người hữu ích cho mọi người.

Mỗi người tín hữu chúng ta cũng như tông đồ Giu-đa, luôn được mời gọi thông phần vào chương trình độ của Thiên Chúa. Ngài cũng mời gọi chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, đón nhận chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa qua Giáo Hội. Để nhờ đó, đến lượt mình, chúng ta cũng ra đi để mưu ích và đem ơn cứu độ cho người khác.

Giu-đa, một tội đồ

Tuy nhiên, ròng rã suốt 3 năm trời Giu-đa theo vị thầy nhân lành quyền uy của mình, nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi ảo vọng quyền lực và lòng tham của con người (x. Ga 12, 4-6). Chắc hẳn là anh vẫn mong đợi Chúa Giêsu mau khải hoàn, làm vua dân Do Thái để tái lập vương quốc Israel, và khi đó, Giuđa nghĩ mình sẽ là một trong các tông đồ của Chúa, chắc thế nào cũng sẽ được một vị trí cốt cán, quan trọng trong vương quốc này.

Nhưng đợi mãi, đợi mãi mà vẫn không thấy Đức Giêsu quyết tâm làm điều ấy. Có lẽ anh cho rằng đẩy thầy mình vào tận góc tường thì thầy sẽ tỏ lộ quyền năng uy lực của mình. Nghĩ là làm, cho nên Giu-đa đã quyết định tìm gặp các thượng tế (x. Mc 24, 14-16) để bán Đức Giêsu cho những người vốn ghét thầy mình. Và anh đã dẫn các lãnh binh đền thờ và các thuộc hạ của phái Pha-ri-sêu đến bắt thầy mình tại nơi mà nhiều lần anh em tông đồ và Đức Giêsu đã họp nhóm và cầu nguyện (x. Ga 18, 2-5).

Nói như thế để thấy rằng tham vọng của con người là vô định, khi đã có hấp lực của quyền lực, giàu sang, tiền của thì con người có thể sa vào tận cùng của sự bạc nhược, mất đi cả “chất người” nơi mình.

Mỗi kitô hữu chúng ta cũng yếu đuối như Giu-đa, rất dễ bị cám dỗ bởi tiền tài danh vọng, bởi những thứ mà chúng ta tưởng là tôn vinh vị vua của mình. Và nếu chúng ta không ý thức đủ về sứ vụ làm chứng cho sự thật nơi bản chất người kitô hữu của chúng ta, chúng ta cũng sẽ rơi vào tình cảnh bán Chúa như Giu-đa vậy.

Giu-đa, một chứng nhân sự thật

Giuđa là một người được Chúa chọn, nhưng sa đọa vì tham vọng lợi lộc thế gian đẩy Giu-đa từ vũng lầy này sang vũng lầy khác; từ một quản lý tham lam đến việc bán Thầy với giá 30 đồng bạc... Nhưng, cuộc đời của Giu-đa lúc này đâu phải là chấm hết! Thánh Phao-lô đã từng nói: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, thì ở đấy ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Chính vì nguồn ân sủng của Chúa mà Giuđa được thúc bách lương tri, anh nhận ra tình trạng tội lỗi của mình quá lớn đến nỗi “trời không dung, đất cũng không tha”. Tin Mừng thánh Matthêu cho chúng ta thấy rõ điều này: “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục 4 mà nói : “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” Nhưng họ đáp : “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh !”. (Mt 27, 3-4)

Với thái độ hành xử như vậy, Giu-đa quả là một người hùng “đầu đội trời, chân đạp đất”, một kẻ dám làm dám chịu. Điều này hơn hẳn cả Phêrô, người hùng tuyên tín theo Chúa đến cùng và thề thốt sống chết với thầy nhưng rồi cuối cùng cũng chạy trốn lúc Chúa bị bắt, và chối Người trước mặt một đứa tới gái. Giu-đa là người anh hùng hơn Phê-rô rất nhiều ở điểm này.

Nhìn vào con người của Giu-đa, chúng ta nhận thấy mình nhiều lúc cũng ở trong cái thân phận tội lỗi khốn hèn và sa đọa của mình, nhưng chúng ta cần phải biết đứng lên quyết tâm trở về với Chúa, và làm chứng cho công lý và sự thật. Giáo Hội vẫn luôn mời gọi chúng ta hoán cải mỗi ngày và làm chứng cho sự thật. Việc này không chỉ giúp cho chính bản thân chúng ta, mà còn là động lực giúp đỡ anh chị em khác nữa.

Ánh mắt chữa lành của Thiên Chúa.

Tuy vậy, nếu cuộc đời của Giu-đa được kết thúc ở giây phút anh hùng ấy thì tuyệt quá, vì anh sẽ trở nên điểm tựa vững mạnh cho những anh em khác và cho chính mỗi người chúng ta trong đời sống đức tin của mình. Nhưng không, Giu-đa đã làm khác: “anh đã ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ”. (Mt 27, 5). Anh hoàn toàn tuyệt vọng và không thể tha thứ cho chính mình nữa. Một kết thúc thật đáng tiếc và tệ hại làm cho chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao Giu-đa không thể hiên ngang tự hào về hành động anh hùng của mình? Nguyên nhân nào đã khiến anh trở nên con người như thế?..v.v…

Chúng ta hãy thử nhìn lại Phê-rô và Giu-đa một lần nữa. Giu-đa và Phê-rô giống nhau ở một điểm là cả hai đều nhận ra thân phận tội lỗi của mình nên rất hối hận và ăn năn. Nhưng điều khác nhau ở chỗ là Phê-rô trở nên điểm tựa cho anh em, còn Giu-đa thì ngược lại.

Khi Phê-rô chối Chúa, Đức Giêsu đã nhìn ông, và ông bắt gặp trong đôi mắt Chúa một sự cảm thông, một sự tha thứ trừu mến không lên án vì sự yếu đuối lỡ lầm của mình. Vì thế, Phê-rô như được tiếp sức nhờ đức tin, ông nhận thấy tình yêu của Thầy lớn hơn tội lỗi và sự yếu đuối của mình nên Thầy không trách, không bỏ mặc ông. Tình yêu đó khiến cho Phêrô bật khóc và nước mắt của Phêrô phần nào cho thấy sự hối hận trong thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình. Tình yêu Chúa đã dành cho Phêrô thật lớn lao quá sức tưởng tượng, đến nỗi nhiều người nghĩ rằng Phêrô đã khóc vì cảm thấy mình quá hạnh phúc.

Ngược lại, Giu-đa khi trả 30 đồng bạc cho các thượng tế, ông không dám nhìn thẳng vào ánh mắt Chúa. Có lẽ ông sợ sẽ nhìn ông với ánh mắt phẫn nộ vì sự phản bội trắng trợn của ông. Ông la thật to “Tôi đã nộp máu người vô tội!”. Ông nhìn vào những anh mắt đầy lửa phẫn nộ của các Thượng tế, ánh mắt của họ đã thiêu rụi tâm hồn ông khiến cho ông trở nên bắn loạn thay vì bình an. Những ánh mắt của sự thờ ơ, vô cảm, căm phẫn và sắc bén bởi hận thù đã làm cho Giu-đa càng thêm tuyệt vọng. Ông đã không quay lại một lần nhìn Đức Giêsu, nhưng bỏ chạy và cứ chạy cho tới khi kiệt sức, tủi hổ và cuối cùng tự vẫn.

Cuộc sống đức tin nơi mỗi người chúng ta cũng vậy. Chúng ta được Chúa mời gọi để nên con cái Chúa và nên những tông đồ nhiệt thành của Chúa. Có những lúc chúng ta rất nhiệt thành, những lúc ấy là lúc Chúa mời gọi “anh em hãy ra sau mà nghỉ ngơi và cầu nguyện”; nhưng cũng có những khi chúng ta ý thức phận hèn tội lỗi của mình. Những lúc như thế, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta nhìn vào ánh mắt nhân từ của Chúa, ánh mắt có thể tiếp sức cho chúng ta sức mạnh, lòng can đảm đứng lên chứ không như thái độ của Giu-đa đã làm. Vì chỉ khi chúng ta nhìn vào ánh mắt khoan dung, nhân từ của Chúa, chúng ta mới có thể đứng lên đi về cùng Cha.

Ước gì trong những ngày Tam Nhật Thánh này, mỗi người chúng ra nhìn vào thật sâu trong ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu, vị Thiên Chúa tình yêu, đang nhìn chúng ta nơi cây thập tự. Để nhờ Người, qua Người và trong Người, chúng ta được biến đổi thành điểm tựa cho anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu tử nạn và Phục Sinh, xin hãy giúp chúng con luôn biết nhìn lên ánh mắt nhân từ của Chúa trong mọi sự.

Thầy Louis Xuân Hạ


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu Qua Phim "Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Kitô" (The Passion Of Christ)
     Thánh Vịnh - TAM NHẬT THÁNH
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 26/03 - 01/04/2015: Câu chuyện của Giuđa Iscariot
     Suy Niệm 14 chặng đàng Thánh Giá
     VIDEO: ĐỨC GIÊSU - MỘT THIÊN CHÚA ẨN MÌNH
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh: THÁNH THỂ – QUÀ TẶNG TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh: YÊU ĐẾN CÙNG. Nữ Tỳ Thánh Thể
     VIDEO SUY NIỆM “LÊN ĐỒI VỚI CHÚA”
     VIDEO HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA JERUSALEM
     Suy Niệm Tin Mừng thứ Tư Tuần Thánh: GIUĐA MƯU PHẢN. Lm. Dom. Nguyễn Thành Tiến