Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 17

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên B

banh ban su song.jpg 

Hai mươi chiếc bánh dọn cho một trăm người ăn no nê và còn dư thừa. Quả thật Ê li sê là người Thiên Chúa sai đến nuôi sống những người nghèo giữa thời đói khổ. Nhưng bằng ấy thì chưa thấm vào đâu với vị TIÊN TRI thời Tân Ước, Ngài nuôi năm ngàn người chỉ bằng năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ. Người ta ăn no, mà vẫn còn dư thừa những mười hai thúng đầy. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể làm được những việc lớn lao như thế. Quả thật, Chúa Giêsu chính là vị Tiên tri đích thực của Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Đó chính là Tin mừng gửi đến cho thế giới hôm nay.

Sách Các Vua:

Trong Cựu Ước, chúng ta tìm gặp một mẫu phép lạ mà Đức Ki tô thực hiện được kể lại trong các sách Tin Mừng. Ở đây, tác giả kể lại rằng Ngôn sứ Ê li sa hóa bánh đủ nuôi 100 người ăn giữa nạn đói đang hoành hành khắp xứ. Tất cả các phép lạ đều là một dấu chỉ của Tình yêu Thiên Chúa đối với dân Người. Phép lạ hóa bánh của Ê li sa báo trước phép lạ mà Chúa Giê su sẽ thực hiện để nuôi đám dân đi theo Ngài.

Thánh vịnh 144:

Cùng với tác giả, chúng ta hãy ca tụng và chúc khen Thiên Chúa đã mở rộng đôi tay để ban phát dư đầy cho những người đang sống. Bài ca này là lời Tạ ơn và Chúc tụng sự quan phòng của Chúa.

Thư Ê phê sô:

Thánh Phao lô mời gọi chúng ta chịu đựng lẫn nhau bằng tình yêu và và lòng khiêm tốn. Chúng ta được kêu gọi qui tụ lại trong Bình An. Chúng ta hãy dùng những sự khác biệt mà làm phong phú cho nhau để tạo thành một thân thể và một tinh thần với Chúa Giêsu, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến cùng Cha Ngài.

Tin Mừng: Ga  6, 1-15

NGỮ CẢNH

Từ Chủ nhật này và năm Chủ nhật tiếp theo, bài đọc 3 chuyển qua sách Tin Mừng Gioan chương 6: trình thuật hoá bánh ra nhiều và diễn từ về Bánh sự Sống. Trình thuật “dấu chỉ” được xây dựng thành 4 phân đoạn cân đối nhau. Phần đầu (cc. 1-2) và phần cuối (cc. 14-15) kể lại những tương quan mờ nhạt giữa Chúa Giêsu và đám đông: họ bị các dấu chỉ lôi cuốn, và vì không hiểu sứ điệp nên muốn tôn phong Chúa Giêsu làm vua. Còn Chúa Giêsu thì thực hiện một dấu chỉ nữa, có tính quyết định đưa đến sự đoạn tuyệt: Ngài rút lui một mình. Ở phần trung tâm, trình thuật gồm phần chuẩn bị (cc. 3-9) và phần chính (cc.10-13).

TÌM HIỂU

Sang bên kia biển hồ: vị trí địa lí của chương 6 tỏ ra hợp lí hơn nếu đặt liền sau chương 4. Thật vậy, chương 5 trình bày Chúa Giê su ở Giêrusalem.

Có đông đảo dân chúng: trong Tin Mừng thánh Gioan, đây là lần đầu tiên dân chúng tự phát kéo đến với Chúa Giê su (6, 5). Các tác giả Tin Mừng khác thường nói đến các đám đông vây chung quanh Chúa Giê su.

Dấu lạ: Gioan đã kể 3 dấu lạ do Chúa Giê su thực hiện (2,1-12; 4, 43-54; 5, 1-16). Ở đây ông ám chỉ đến các dấu chỉ khác như trong 2, 23; 3, 2. Rõ ràng Gioan biết nhiều phép lạ khác trong Tin Mừng nhất lãm tuy ông không qui chiếu đến.

Núi: trong Thánh Kinh, núi có một ý nghĩa tôn giáo. Chúa Giêsu thực hiện trên núi nhiều hành vi nói lên sứ mạng của Ngài (Mt 5: bài giảng thứ nhất; Mt 17 và song song: biến hình..). Chỉ có Ga và Mt 15, 29 đặt dấu chỉ hoá bánh ra nhiều trên núi. Do đó đây là một hành vi Chúa Giêsu tự mạc khải cho thấy Ngài thực hiện lời hứa thiết đãi một bữa tiệc thời cánh chung cho muôn dân trên một ngọn núi (Is 25, 6).

Ngồi đó: Như trong Mt 5, 1 và 15, 29, ở đây Chúa Giê su ngồi: đó là tư thế của người giảng dạy. Như ông Môsê mà chính Chúa Giêsu đã tự so sánh (6, 31-32), Chúa Giêsu nuôi dưỡng và giảng dạy đám đông.

Sắp đến lễ Vượt qua: ghi chú này rất quí giá theo thời biểu, nhưng nhất là về phương diện thần học. Các Tin Mừng nhất lãm đặt việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bầu khí Vượt qua. Còn Gioan thì bỏ trình thuật ấy và đặt vào dịp gần lễ Vượt qua diễn từ trong đó Ngài tự gọi chính mình là “bánh hằng sống” và loan báo công việc mà Ngài sắp thực hiện qua cái chết và sống lại.

Bánh: thấy đám đông dân chúng, Chúa Giêsu chuẩn bị thực hiện một hành vi có ý nghĩa, bằng cách cho họ ăn bánh. Trái với Mc và Lc (theo đó thì Chúa Giêsu giảng dạy trước rồi sau đó mới cho ăn), trong Gioan, Chúa Giêsu bắt đầu bằng một dấu chỉ có thể gợi lên nhiều câu hỏi. Bài diễn từ theo sau sẽ cho thấy tầm quan trọng của nó.

Để thử ông: động từ “thử thách” trong Hy-lạp chỉ được Gioan dùng ở đây và trong 8, 6, trong khi ở các Tin Mừng khác nó rất thường xuất hiện. Phi-líp là người trước tiên bị Chúa Giêsu thử thách lòng tin: Phi-líp chờ đợi gì từ Chúa Giêsu?

Ngài đã biết: Chúa Giêsu là người có sáng kiến. “Ngài biết rõ Ngài sẽ làm gì”, không những để nuôi đám đông, nhưng còn để soi sáng đức tin ngang qua dấu chỉ bánh và sau đó ngang qua giáo huấn mà Ngài sắp thực hiện.

Hai trăm quan tiền bánh: đây là số tiền lương của hai trăm ngày công. Luôn luôn có sự khác biệt giữa lời Chúa Giêsu nói và cách hiểu đầu tiên của những kẻ nói chuyện với Ngài (3, 4; 4, 8-9; 7, 34-35; 13, 8-9). Chúa Giêsu gợi lên một câu hỏi để mở vào mầu nhiệm của ơn cứu độ.

Anrê: là người dẫn Phê rô đến với Chúa Giê su (x.1, 40).

Có em bé: chỉ có Gioan nói về em bé này, và cũng chỉ có ông mới cho biết chính xác đó là chiếc bánh lúa mạch, cũng như trong phép lạ tiên tri Ê-li-sê (2 V 4, 42). Trong cả hai trường hợp con người tích cực đóng vai trò của mình trong việc hình thành dấu chỉ. Cũng như trong Giáo Hội: Chúa Giêsu liên kết các môn đệ với giáo huấn cũng như với hành động cứu thế của Ngài.

Có nhiều cỏ: “Chúa là Mục tử tôi,.. trên đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nằm nghỉ” (Tv 23, 1-2).

Phân phát: tác giả Gioan nhấn mạnh đến tính cách phong phú của ơn ban khi nói rằng: “Ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý”.

Mười hai thúng: các con số: năm chiếc bánh, hai con cá, năm ngàn người ăn, mười hai thúng, giống như trong các Tin Mừng khác.

Làm vua: khi hoá bánh ra nhiều cho đám đông được ăn uống no nê, Chúa Giêsu đã hành động vì thương xót. Nhưng người ta đã muốn tôn Ngài làm vua. Ngài từ khước vương quyền trần gian, như Ngài đã từ khước theo trình thuật Mathêu (4, 8) “tất cả các nước cùng với vinh quang của chúng”. Chỉ trong vinh quang của ngày Lễ Lá, Ngài mới chấp nhận lời tung hô của dân chúng (12, 13), và rồi trước mặt Phi la tô, Ngài dè dặt chấp nhận là vua (18, 33-37).

Một mình: theo các Tin Mừng nhất lãm là để chuẩn bị cho sứ mạng.

SỨ ĐIỆP

Chia sẻ

Chủ nhật này chúng ta nghe những bài đọc mời gọi và thúc đẩy chúng ta vươn tới trước. Trước tiên, là bài đọc Sách các Vua quyển thứ nhất. Nó đưa chúng ta trở về thời kì đất nước bị nạn đói hoành hành. Một người đến dâng cho tiên tri Ê-li-sê 20 chiếc bánh lúa mạch và một bao bột mì. Nhưng vị tiên tri không giữ lại cho mình mà truyền dạy: “Hãy mang cho tất cả những người ấy để họ ăn”. Vâng, nhưng làm sao có thể nuôi hơn một trăm người với ít thức ăn như thế?

Ngày hôm nay, vấn đề không còn là nuôi vài trăm người thậm chí một đám đông, nhưng là cả một vùng rộng lớn gồm nhiều dân tộc đang là nạn nhân của chiến tranh, nạn diệt chủng và nạn đói khát triền miên. Không còn là con số hai trăm ngày lương để nuôi sống họ. Nhu cầu là hằng trăm tấn lương thực, hằng triệu lít nước, hằng tấn thuốc men. Đó là một sự khẩn cấp tuyệt đối vì hằng triệu người đang chết đói. Trước thảm cảnh đó, thỉnh thoảng chúng ta nghe có người trách Thiên Chúa: Ngài đang ở đâu, đang làm gì? Tại sao Ngài lại để quá nhiều người trong một hoàn cảnh khốn cùng như thế?

Chính vì thế mà chúng ta phải trở lại trang tin mừng chủ nhật hôm nay. Nó cho chúng ta thấy cái nhìn của Chúa Giêsu trên đám đông đang đói khát. Ngài nhìn thấy họ mệt lả, kiệt sức. Họ cần mọi sự nhưng trước tiên họ cần bánh ăn. Đứng trước nỗi khốn khổ ấy, Ngài chạnh lòng thương và quảng đại ra tay cứu vớt. Ngài sẽ phục vụ họ một bữa ăn bánh cá no nê và thừa mứa. Sẽ có đủ thức ăn cho tất cả mọi người, thậm chí còn dư mười hai thúng cho các đám đông khác. Người Ki tô hữu muốn làm tông đồ cho anh em mình không được quên những nhu cầu thiết yếu ấy của con người. Đức Giáo Hoàng Piô XI nói rằng cần phải có một mức sống tối thiểu để có thể lắng nghe lời Thiên Chúa. Trong lịch sử Giáo Hội, người ta thấy có những vị thánh bắt đầu hành động bằng cách tấn công vào sự đói nghèo vật chất. Nhiều cộng đoàn đã dành ưu tiên cho những người nghèo nhất. Đối với một người ki tô hữu, đó là cách gắn bó với lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khổ nhất. Dĩ nhiên, vấn đề không phải là dụ người ta theo đạo. Cứu giúp người khác không phải để chiêu dụ họ trở thành ki tô hữu và lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng chỉ vì yêu thương họ như Thiên Chúa đã thương xót tất cả mọi người và muốn cứu thoát họ ra khỏi cảnh nghèo đói.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta để ý vai trò quan trọng của một em bé. Em có ý kiến hay là đóng góp phần ăn của mình, năm chíếc bánh và hai con cá. Tin Mừng không nói cho chúng ta biết em đã phản ứng như thế nào khi người ta đề nghị em chia sẻ. Dù sao thì Chúa Giê su sắp dùng phần đóng góp khởi đầu nhỏ bé ấy. Ngài muốn tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không làm gì mà không có chúng ta. Người đòi chúng ta một cử chỉ nhỏ để Người sẽ đáp lại bằng một hành động vĩ đại. Nếu chúng ta chấp nhận chia sẻ phần dư thừa, hoặc cả cái cần thiết của mình nữa, thì Thiên Chúa sẽ nhân lên gấp bội ơn ban của Người.

Đứng trước sự dữ trên thế gian, Thiên Chúa không bất lực khoanh tay ngồi nhìn. Ngài ban cho chúng ta một hành tinh với nhiều khả năng và tài nguyên bao la. Người đã ban cho chúng ta một trí khôn để nhân lên khối tài nguyên ấy. Vấn đề lớn đó là con người không biết sống chung với nhau như anh em. Thay vì chia sẻ, họ đã phung phí, đánh nhau, phá hủy của cải có thể cứu sống nhiều triệu người khác.

Hai bài đọc muốn chất vấn chúng ta về vị trí mà chúng ta dành cho tất cả những người bị loại khỏi xã hội và thế giới chúng ta. Ngang qua họ, chính Đức Ki tô đang hiện diện và rất thường, chúng ta không nhận ra Ngài. Một ngày nọ, Ngài đã nói: “Ta đói, nhưng các ngươi đã cho (hoặc không cho)  ta ăn. Cứ mỗi lần các ngươi cho một người bé nhỏ nhất là các ngươi làm cho chính ta” (Mt 25). Đức Kitô đứng về phía những người đang đau khổ vì bệnh tật, chiến tranh và đói khát, chúng ta có nhận ra Ngài không?

Chúng ta hãy đón nhận những bài đọc này như một lời mời gọi thay đổi cái nhìn chúng ta về thế giới, và có một cái nhìn giống như Đức Kitô. Vấn đề là chúng ta phải liên kết với Ngài trong chương trình cứu giúp tất cả mọi người và mang đến điều tốt nhất của chúng ta. Ngài ở với chúng ta gần hơn là chúng ta tưởng. Không những Ngài ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình Nhưng khi tự hiến thành lương thực, Ngài muốn làm dịu cơn đói khát của nhân loại. Điều kiện duy nhất là tất cả mọi người cộng tác vào công cuộc yêu thương của Ngài.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách các Vua là sách gì?

THƯA:  Đây là những quyển sách được xếp vào loại “Sách Sử”, ghi chép lại lịch sử song song ở hai Vương quốc trong năm thế kỷ, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Sau khi Vua Salomon qua đời năm 933, Ít-ra-en bị chia thành hai vương quốc: Vương quốc phía Bắc gọi là Ít- ra-en, và vương quốc phía Nam là Giu-đa.

2. HỎI: Sách các vua chép sử để làm gì?

THƯA: Sách các vua được xếp vào loại sách sử, nhưng không phải là những quyển sách sử theo nghĩa hiện đại là cố gắng ghi chép chính xác và khách quan hết sức có thể. Trái lại sách các Vua chép sử là nhằm rút ra một bài học giáo lí cho độc giả. Qua những biến cố được kể lại, tác giả cho thấy chỉ có lòng trung tín với giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết mới bảo đảm hạnh phúc cho dân mà thôi.

3. HỎI: Tiên tri Ê-li-sa là ai?

THƯA: Êlisa thực hiện sứ mạng tiên tri ở Vương quốc phía Bắc vào giữa khoảng những năm 850 và 800. Ông là con thiêng liêng và là người kế thừa tiên tri Êlia. Các tác giả Kinh thánh gán cho ông những quyền phép giống như một tiên tri lớn. Về sau khoảng năm 200 trước CN, sách Huấn ca có tóm tắt cuộc đời ông như sau: “Khi ông Êlia được ẩn trong cơn lốc, thì ông Êlisa được đầy thần khí của người. Suốt đời ông Êlisa, không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc, cũng chẳng ai khuất phục được ông. Đối với ông, chẳng có gì là quá sức, ngay cả khi ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một Ngôn sứ. Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng” (Hc 48, 12-14).

4. HỎI: Điểm nổi bật trong sứ vụ tiên tri Ê-li-sa là gì?

THƯA: Ông không để lại cho hậu thế một tác phẩm nào. Sở dĩ ông nổi tiếng và được người đời sau ca tụng, đó là nhờ các phép lạ của ông được ghi lại trong sách các Vua quyển thứ 2. Trong số đó có các phép lạ như: ông đã lấy áo choàng thầy mình đập xuống nước sông Giođanô, và nước rẽ ra để ông đi qua (2V2,14); ông dùng muối và làm cho nước độc hóa lành (2 V2, 19); ông can thiệp nhiều lần cho gia đình bà Sunêm, nhất là cho con trai bà sống lại (2 V4, 8); cho dầu đầy bình cứu giúp người đàn bà nghèo khổ trả nợ và sinh sống (2 V4, 1-7). Nổi tiếng hơn cả và được nhắc lại trong phụng vụ là phép lạ cho bà Sunêm sinh con trai (2 V4, 8-16) và phép lạ cứu chữa tướng quân Syria khỏi bệnh phong cùi (2 V5).

5. HỎI: Phép lạ hóa bánh trong bài đọc 1 có ý nghĩa gì?

THƯA: Một lần nữa, tiên tri Ê-li-sa hành động trong bối cảnh cứu giúp người nghèo khổ. Trong khi phương tiện con người bất lực để giúp đỡ những người lâm cơn đói kém thì Êlisa vẫn tin tưởng vào quyền phép của Thiên Chúa. Hai mươi chiếc bánh lúa mạch thì thấm vào đâu cho hằng trăm người đang đói, nhưng ông vẫn truyền lệnh cho đầy tớ: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Đúng như lời Thánh Vịnh 144/145: “Thiên Chúa gần gũi những ai kêu cầu Ngài, gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Ngài với lòng thành thật”.

6. HỎI: Phép lạ trong Kinh Thánh gồm có những yếu tố nào?

THƯA: Tất cả các phép lạ trong Cựu Ước cũng như trong Tân ước luôn có bốn yếu tố sau đây: một là hoàn cảnh thật sự cần thiết: như bệnh tật, chết chóc, đói khát..; hai là một hành vi tự do, như ở đây một người đem bánh biếu ông Êlisa; ba là cầu xin người của Thiên Chúa giúp đỡ, ở đây là tiên tri Ê-li-sa; và bốn là tin vững vàng rằng Thiên Chúa sẽ cứu giúp.

7. HỎI: Bài đọc một liên kết với bài Tin mừng (Ga 6, 1-15) như thế nào?

THƯA: Phép lạ tiên tri Ê-li-sa thực hiện trong bài đọc một là hình ảnh báo trước phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giê su được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 1-15). Cả hai có những điểm chung như sau: lương thực “quá ít” không thấm vào đâu với đám đông; lệnh ban phát bánh, bữa ăn và số thực phẩm còn dư lại.

8. HỎI: Có khác biệt nào giữa hai phép lạ nói trên không?

THƯA: Tuy có nhiều điểm chung, giữa hai phép lạ có nhiều khác biệt quan trọng. Trong Tin Mừng, phép lạ của Chúa Giêsu quan trọng hơn vì không có nguồn cung nào khác ngoài số bánh do Chúa Giêsu ban phát, số người ăn cao hơn, và pháp lạ được thực hiện bởi quyền năng của Thiên Chúa chứ không do lời sấm.

9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 6, 1-15) như thế nào?

THƯA: Sau phép lạ chữa người bại liệt tại hồ nước Bết-da-tha (5, 1-18) Chúa Giêsu giảng dạy về công việc mà Con Thiên Chúa thực hiện (5, 19-47). Sau đó, Ngài thực hiện dấu chỉ hóa bánh ra nhiều cho đám đông ăn no (6, 1-15).

10. HỎI: “Có đông đảo dân chúng đi theo Ngài” (c.2) chi tiết ấy cho ta thấy điều gì?

THƯA: Thánh Gioan cũng đã có một nhận xét tương tự trong câu 2, 23. Đám đông đi  theo Chúa Giêsu vì đã nhìn thấy các phép lạ Ngài làm cho những kẻ đau ốm. Gioan gọi các phép lạ là dấu chỉ mời gọi người ta cần phải vượt qua hiện tượng lạ lùng bên ngoài để đi đến ý nghĩa đích thực bên trong. Đám đông bị thu hút bởi các phép lạ mà không hiểu ý nghĩa nên đã đi theo Chúa Giêsu vì tò mò hơn là vì đã thực sự tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế.

11. HỎI: “Chúa Giê su lên núi và ngồi đó với các môn đệ” (c.3). “Núi” làm cho độc giả liên tưởng đến điều gì?

THƯA: Chúa Giêsu dẫn đám đông và các môn đệ lên “núi”. “Núi” mà Thánh Gioan nói đến ở đây không chỉ một ngọn núi nào cụ thể, mà chỉ muốn độc giả hiểu rằng giờ của bữa tiệc cánh chúng mà tiên tri Isaia loan báo đã điểm: “Ngày ấy trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon..” (Is 25, 6). Trước đám đông đang đói khát lương thực nuôi sống, Chúa Giê su thực hiện dấu chỉ cho thấy ngày mà họ hằng mong đợi đã đến.

12. HỎI: Bối cảnh lễ Vượt qua gần đến mang lại cho câu truyện ý nghĩa nào?

THƯA: Bầu khí sôi động lên cao điểm trong những ngày trước lễ Vượt Qua. Biến cố giải phóng trong quá khứ (khỏi ách nô lệ Ai cập) dưới mắt mọi người sẽ làm tiền đề cho sự giải phóng vĩnh viễn mà Đấng Messia sẽ mang lại. Chính vì thế mà Thánh Gioan đã cẩn thận ghi chú: “Lúc ấy sắp đến lễ Vượt qua là đại lễ của người Do thái” (c. 4) để nhấn mạnh yếu tố quan trọng của mầu nhiệm Vượt qua trong việc hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều. Cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa như là sự trao hiến thân mình để trở nên Bánh đích thật đem lại sự sống.

13. HỎI: Theo Tin Mừng Gioan, thì đây là Lễ Vượt qua lần thứ mấy trong cuộc đời Chúa Giêsu?

 THƯA: Tin mừng Gioan ghi lại ba lễ Vượt qua:

1) Lễ Vượt qua thứ nhất: Chúa Giê su thanh tẩy đền thờ ngay sau khi dự tiệc cưới Ca-na (Ga 2,13-23).

2) Lễ Vượt qua thứ hai: Chúa Giê su hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 4), được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

3) Lễ Vượt qua thứ ba: cuộc khổ nạn (Ga 11, 55). Như thế đây là lễ Vượt qua thứ hai trong cuộc đời Chúa Giê su.

14. HỎI: Bài tin mừng kể lại việc hóa bánh ra nhiều có liên hệ gì với trình thuật bí tích Thánh Thể không?

THƯA: Có. Trước tiên, thánh Gioan mô tả hành động của Chúa Giêsu thực hiện phép lạ giống như khi Ngài lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (c. 11. So sánh với các trình thuật Bí tích Thánh thể: Mt 26, 26; Mc 14, 22; Lc 22, 19; và 1 Cr 11, 25). Kế đến các động từ “tạ ơn và phân phát”, và cuối cùng các từ “thu lại những miếng thừa” đều thuộc về nghi thức cử hành Thánh Thể.

15. HỎI: Câu “Ngài nói thế là để thử ông (Phi-líp)” (c. 6)có nghĩa gì?

THƯA: Thánh Gioan giải thích câu hỏi của Chúa Giê su: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’ chỉ là để thử Phi líp vềđ ức tin của ông cũng giống như Thiên Chúa đã ban ma-na trong sa mạc vừa là dấu chỉ cho thấy quyền năng của Ngài, vừa là sự thử thách niềm tin của dân Chúa trong sa mạc.

16. HỎI: Có chi tiết nào trong câu 9 nhắc lại phép lạ của Ê-li-sa (bài đọc một) không?

THƯA: Có các chi tiết sau đây: “em bé” và “năm chiếc bánh lúa mạch” nhắc lại phép lạ của tiên tri Ê-li-sa, nhằm nêu bật sự bất lực của con người và đề cao quyền năng Thiên Chúa.

17. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ “gom lại = qui tụ” những miếng bánh thừa (c.12) ?

THƯA: Trong khi Mác cô dùng động từ ‘nhặt lại’ những miếng bánh vụn thì tác giả Gioan dùng động từ “gom lại = qui tụ” trong câu 12 nhằm nhắc lại Bí tích Thánh Thể có mục đích “qui tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52).

18. HỎI: Tại sao khi thấy dấu lạ Chúa Giêsu làm, đám đông nói: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (c. 14) ?

THƯA: Vì người Do thái hằng mong đợi là vào thời thiên sai, phép lạ man-na sẽ tái diễn. Vì thế khi Chúa Giê su hóa bánh ra nhiều, dân chúng liền nhận ra ngài là “vị Ngôn sứ phải đến trong thế gian.

19. HỎI: Tại sao Chúa Giê su lánh mặt đám đông đi lên núi một mình (c. 15)?

THƯA: Chúa Giêsu lánh mặt đi lên núi một mình vì thấy đám đông sắp đến bắt Ngài tôn làm vua. Chúa Giêsu lẫn tránh họ, vì họ đã theo giấc mộng thiên sai trần tục, đã tìm kiếm bánh của họ, chứ không tìm kiếm bánh mà Ngài ban cho. Qua việc ấy, Chúa Giêsu cho thấy quan niệm thiên sai của Ngài và lương thực Ngài muốn ban cho loài người thuộc một bình diện khác.

20. HỎI:  Đâu là sứ điệp mà các bài đọc muốn gửi đến cho chúng ta?

THƯA: Các bài đọc hôm nay cho thấy con người không có khả năng tìm ra lương thực để tự cứu mình khỏi những cơn đói khát triền miên. Chỉ có Chúa Giêsu mới có quyền năng ban thứ lương thực ấy. Cái chết tự hiến của Ngài trên thập giá đã là cơ hội mang lại cho trần gian bánh ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài.

21. HỎI:  Phải thực hiện sứ điệp ấy như thế nào?

THƯA: Phải thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay bằng ba việc sau đây:

- Thứ nhất: nuôi dưỡng lòng khát khao lãnh nhận bánh Thiên Chúa ban cho một cách “nhưng không” và “hào phóng”.

- Thứ hai: chia sẻ với người chung quanh tình yêu mà mình đã nhận được từ Thiên Chúa, từ Chúa Giê-su và từ Hội Thánh.

- Thứ ba: xây dựng cộng đoàn gia đình, giáo xứ, giáo phận và cộng đồng xã hội thành cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và thuận hòa như Chúa Giê-su mong muốn.         

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Trần T. Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Thứ Bảy tuần XVII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên - Duyên Trần

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên. Minh Tứ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên: ĐỪNG THIẾU ÁNH SÁNG ĐỨC TIN. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên- Lễ Thánh Ignatio Loyola, linh mục. Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường, OP.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên-Lễ nhớ Thánh nữ Mác-ta: « Mác-ta ! Mác-ta ơi ! ». Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai tuần XVII Thường niên A: SỨC MẠNH ẨN GIẤU. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường niên A: NƯỚC TRỜI LÀ TẤT CẢ. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Lời nguyện chung Chúa Nhật XVII Thường Niên A
     Bài Đọc Chúa Nhật XVII Thường Niên A