Trang Chủ > Giáo Lý

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN VỢ NGƯỜI KHÁC

(Sách GLHTCG Từ số 2514-2533)

“Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28).

dieu ran 1.jpg

Con người ta ai cũng có những khao khát, những ước muốn: muốn ngày mai tốt hơn hôm nay, muốn yêu và muốn được yêu, và hơn nữa muốn sống thánh... Những ước muốn này có thể mở rộng con tim hướng về tương lai, về những người khác và thúc đẩy chúng ta nỗ lực để đạt được điều tốt đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những ước muốn tự nhiên và tốt đẹp này, con người lại cũng có những ước muốn xấu mà người ta thường gọi là “thèm khát”, trái nghịch với những ước muốn tốt đẹp và thánh thiện. Những thèm khát thường phát xuất từ bản năng của con người, nó mang tính cách chiếm đoạt và bất chấp mọi nguyên tắc luân lý (x. 2 Pr 2, 3).

 Điều răn thứ chín dạy chúng ta biết sống tiết độ cả thân xác lẫn tâm hồn. Con người là một tổng hợp gồm tinh thần và thân xác, vì thế chúng ta luôn chiến đấu với thân xác không chiều theo những ham muốn xác thịt hay nhục dục; chiến đấu trong tâm hồn không chiều theo những suy nghĩ, ước muốn xấu.Và phương thế cầu nguyện là vũ khí tốt nhất để chúng ta có thể thanh luyện tâm hồn của mình. Bên cạnh đó điều răn này cũng cho chúng ta thấy rằng một đời sống khiết tịnh, một tấm lòng trong sạch ngay thẳng sẽ là rào cản để gìn giữ ta khỏi những giác quan đi ngược với lý trí. Và hơn bao giờ hết khi sống tiết độ và trong sạch chúng ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, vì chính Người đã hứa:“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8).  

PHÂN BIỆT BA LOẠI DỤC VỌNG

Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan chương 2 câu 16 phân biệt ba loại dục vọng mà chúng ta phải chống trả là:

Dục vọng của tính xác thịt

Dục vọng của đôi mắt

Thói cậy mình có của

Tất cả những dục vọng hay còn gọi là những ham muốn đó không phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng phát xuất từ thế gian. Mà điều gì không phải từ Thiên Chúa thì chúng ta phải loại trừ.

THANH LUYỆN TÂM HỒN

 Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết: “Tâm hồn là trung tâm của nhân cách luân lý”. Điều này muốn nói rằng những ý định và hành động tội lỗi như gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống… đều phát xuất từ trong lòng con người (x. Mt 15, 19). Vì thế chúng ta phải thanh luyện tâm hồn, nghĩa là làm cho tâm hồn nên tinh tuyền, qua cách sống tiết độ, đơn sơ và thánh thiện. Điều kiện tiên quyết để được nhìn ngắm Thiên Chúa đó là con người phải biết dùng trí khôn và ý chí để sống trong sạch cả thân xác lẫn tâm hồn. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra ba lãnh vực giúp sống và thanh luyện tâm hồn:

Sống bác ái: lưu tâm đến những nhu cầu của người khác với lòng yêu mến chân thành; đón nhận tha nhân như người thân cận.

Sống khiết tịnh: sử dụng tính dục cách ngay chính; tôn trọng thân xác của mình và của người khác.

Yêu mến chân lý và giữ đức tin chính truyền.

CHIẾN ĐẤU ĐỂ SỐNG TRONG SẠCH

Dù Bí Tích Thanh Tẩy thanh luyện người Kitô Hữu khỏi mọi tội lỗi, nhưng họ vẫn phải tiếp tục chiến đấu liên lỉ với chính mình để chống lại những đam mê và ham muốn về nhục dục cách bất chính. Và con người chỉ chiến thắng được khi dựa vào chính tình yêu và ân sủng của Chúa với những phương thế sau:

- Nhân đức và ơn khiết tịnh, vì sống khiết tịnh giúp con người biết yêu thương chân thành và chuẩn mực.

- Ý hướng trong sạch, luôn nhắm đến cùng đích của đời mình và khát khao sống tốt để đạt được mục đích ấy.

- Có cái nhìn trong sáng từ tư tưởng đến hành động, nhờ đó kiểm soát hoặc khước từ mọi vui thú đến trong tư tưởng.

- Kinh nguyện: một đời sống đạo đức tốt lành, cậy dựa hoàn toàn vào ơn Chúa gìn giữ.

- Sống nết na, vì nết na là một thành phần của đức tiết độ.  Sự nết na hướng về khiết tịnh và diễn tả nét tinh tế của khiết tịnh. Chính vì thế người nết na biết gìn giữ cái nhìn cũng như hành động một cách điều độ, xứng hợp với phẩm giá của mình và của những người họ giao tiếp.

- Tránh xa những sách báo phim ảnh đồi trụy, nhất là những trang mạng nhằm thỏa mãn thị dục và trí tưởng tượng không lành mạnh.

- Giáo dục giới trẻ biết tôn trọng sự thật, các đức tính, phẩm giá luân lý và thiêng liêng của con người.

THAY LỜI KẾT

dieu ran 2.jpgiO agN 10x350.pngHơn bao giờ hết, sức mạnh Tin Mừng của Đức Kitô luôn thanh luyện và đổi mới cuộc sống của con người đã sa ngã. Chính Người đã từng nói với người phụ nữ ngoại tình: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Hay Người đã từng nói với Maria Madalena: “Tội của chị đã được tha rồi; lòng tin của chị đã cứu chị” (x. Lc 7, 48-50). Vì vậy, điều răn thứ 9 đòi hỏi người Kitô hữu một mặt sống thanh khiết trong tư tưởng lời nói và việc làm; mặt khác đời sống ấy luôn phải cậy dựa vào các nhân đức và ơn Chúa ban bằng việc cầu nguyện và sống theo Tin Mừng của Đức Kitô.

Maria Trúc Anh. OP


Các bài viết mới hơn
     ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI: "NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN BẤT CỨ VẬT GÌ CỦA NGƯỜI TA"_Nt. Maria Trúc Anh. OP

Các bài viết cũ hơn
     ĐIỀU RĂN THỨ TÁM: "NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHỨNG GIAN HẠI NGƯỜI"_Nt. Maria Trúc Anh, OP