Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 11

CHỦ NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN

Chúng ta tiếp nhận Chúa Giê su bằng tinh thần nào? Chúng ta phải thường xuyên tự hỏi mình về bản chất các mối tương giao của chúng ta với Chúa Giê su và đồng thời, về giá trị cuộc sống Đức Tin của chúng ta. Rất thường, chúng ta tự coi mình như là những “người chiếm hữu” Thiên Chúa, và xác tín chúng ta đáng được hưởng hồng ân của Người. Còn Chúa Giê su, Ngài tiếp nhận tất cả những ai đến với Ngài bằng tâm hồn sám hối và khiêm nhu, vì Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và rộng lượng.

Sách 2 Sa mu el  12,7-10.13

Vua Đa vít đã phạm tội ngoại tình với Bà Bết sa bê và, nặng nề hơn hết, bày mưu lường gạt chồng bà đi vào chỗ chết để chiếm đoạt bà. Tiên tri Na than đến báo cho Đa vít hình phạt mà ông phải chịu. Nghe xong, vua Đa vít đã khiêm nhường xưng thú tội lỗi và sám hối. Và Thiên Chúa đã không chối từ một tâm hồn tan nát sám hối ăn năn, và đã tha thứ cho ông.

Thánh Vịnh 31

Vô cùng hối hận, tác giả Thánh Vịnh xưng thú tội lỗi và đã tìm được nơi Thiên Chúa niềm vui hòa giải. Ông đã khám phá lòng quảng đại của Thiên Chúa và hứa rằng từ nay về sau, ông sẽ để cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa hướng dẫn mình.

Thư gửi tín hữu Ga la ta 2,16.19-21

Thánh Phao lô không ngừng chống lại thói quen mặc cả cố hữu nơi người Ga la ta. Họ tin rằng họ sống tốt, nên có quyền đòi được Thiên Chúa ban thưởng cho cân xứng. Thánh Phao lô nhắc cho họ nhớ rằng, Chúa Giê su đã loan báo Tình yêu biếu không của Thiên Chúa và chỉ nhờ Đức tin chúng ta mới có thể đón nhận Tình Yêu ấy.

Tin mừng Lc 7, 36-50

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng thuộc vào phần cuối chương 7 tin mừng Luca. Trước đó, Chúa Giê su đưa ra nhận xét về thế hệ đương thời của Ngài (7,31-35). Trước nữa là các tường thuật về tương quan giữa Chúa Giê su và ông Gioan Tẩy giả (7,18-30), đặt sau hai phép lạ chữa người nô lệ của viện đại đội trưởng (7,1-10) và cho con trai bà góa thành Na in sống lại (7,11-17).

Câu truyện nầy giống vơi bữa tiệc ở Bêtania mà các Tin mừng kia thuật lại (Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12,1-8), nhưng không thấy có trong Lc. Trong khi cử chỉ của cô Maria báo trước cái chết và phục sinh của Chúa Giê su, thì người phụ nữ tội lỗi Galilê nầy lại giúp cho Chúa Giê su một cơ hội để tỏ cho biết Ngài đã tiếp nhận người tội lỗi và cứu chữa họ như thế nào. Đó là một điều gây phẫn nộ nơi người Biệt phái (5,17,33).

TÌM HIỂU

Có người thuộc nhóm Pha ri sêu: người nầy ý thức làm điều mà Thiên Chúa chờ đợi: ông giữ luật nên đứng đằng xa để tánh mọi ô uế; tắt một lời, ông là “người công chính”. Hơn nữa, ông là một người niềm nở và hiếu khách, vì đã mời Chúa Giê su.

Mời: tác giả Luca ba lần kể chuyện một người Pha ri sêu mời Chúa Giê su (x. 11,37; 14,1). Và Chúa Giê su dù bị người Pha ri sêu trách cứ là ăn uống “với hạng người thu thế và tội lội” (5,30), vui lòng chấp nhận ngồi đồng bàn cùng những người Pha ri sêu. Nhưng mối tương quan không phải là không có vấn đề. Các cuộc trao đổi ý tưởng chứng tỏ rằng Chúa Giê su và người Pha ri sêu theo những lối sống khác biệt.

Vào bàn ăn: Chúa Giê su dùng bữa theo kiểu cách người La mã được đưa vào Palestina: nằm trên một đi văn hay trên một chiếc chiếu, nghiêng mình tựa vào cùi chỏ trái và duỗi chân ra phía ngoài. Tư thế ấy cắt nghĩa việc người phụ nữ có thể lấy nước mắt rửa chân cho Chúa Giê su, lau chân, hôn chân và xức dầu thơm.

Người tội lỗi: cả kinh thành đều biết rõ cô ta là một người có đời sống không tốt. Ông Pha ri sêu đã xếp cô ta vào số những kẻ tội lỗi, và chính vì thế nên ông ta tự cho là ‘công chính’ không tiếp xúc với hạng người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giê su không dừng lại ở tai tiếng về người phụ nữ nầy. Ngài để cho cô ta lại gần mình, và như thế mở ra cho cô ta con đường tha thứ và cứu độ.

Khóc: có lẽ đây là những giọt lệ thống hối buồn sầu vì tội lỗi. Tuy nhiên chắc chắn còn nhiều điều khác nữa bộc lộ qua thái độ của người phụ nữ: tâm hồn xáo trộn vì bị khinh bỉ, bị khước từ, khiến cô ta nghĩ rằng chỉ có người khách của ông Pha ri sêu mới là người tiếp nhận và cứu thoát cô.

Giây phút chính yếu là cử chỉ của người phụ nữ tội lỗi (7,37-38). Cô ta im lặng,  không thốt lên một lời nào, cả Chúa Giê su cũng thế. Còn những gì tiếp sau cũng chỉ là một lời lý giải (7,39-47) trước khi kết luận (7,48-50).

Ngôn sứ: ông Pha ri sêu tức giận. Ông không hiểu thái độ của Chúa Giê su, dù biết cô ta, lại để cho cô ta làm những điều như thế. Có thể không biết, nhưng vì tự cho là tiên tri, Ngài phải biết cô ấy là ai. Và nầy Chúa Giê su sắp cho thấy mình là một tiên tri thực sự. Ngài không nói ra lí lịch của người phụ nữ, điều chủ yếu không nằm ở đó. Trái lại Ngài làm sáng tỏ điều đang diễn ra trong nội tâm của người Pha ri sêu và cô phụ nữ, không phải để lên án, mà là để chỉ cho thấy đâu là cách cư xử dẫn đến sự sống.

Si môn: Chúa Giê su chấm dứt sự im lặng. Người đón Ngài vào nhà tên là Si mông, cũng như người sẽ đón Ngài ở Bê tha nia (Mc 14,3; Mt 26,6). Đó là điểm chug cho cả hai trình thuật.

Chúa Giê su ngỏ lời với ông để cho ông một giáo huấn về tình yêu và sự tha thứ, và bắt đầu bằng một dụ ngôn. Ông Si mông hiểu rằng dụ ngôn nhắm đến mình: cách xử thế của Chúa Giê su nhắc lại lời nói của tiên tri Na than với vua Đa vít (2Sm 12,1-9).

Một chủ nợ: dụ ngôn gợi lên một kinh nghiệm thường tình của mọi người: việc tha nợ gợi lên một tình yêu biết ơn. Theo cách nghĩ hợp lí, thì số nợ được tha càng to thì tình yêu ấy càng lớn. Chính ông Si mông rút ra kết luận, và điều đó có thể đặt ông trên đường sám hối. Nhưng người công chính phán đoán người khác và xét nét tội lỗi của họ, rồi chính bản thân không cảm nhận được cần phải được tha thứ, không đi vào trong chân lí của tình yêu; Chúa Giê su lặp lại kết luận nầy trong c. 47: tha ít gợi lên ít tình yêu.

Người phụ nữ: cảnh tượng nầy còn đề ra một giáo huấn khác về tình yêu và sự tha thứ. Giữa dụ ngôn và kết luận cho thấy tình yêu như là hậu quả của sự tha thứ, Luca đưa ra một khai triển trong đó ông lấy cách cư xử của người phụ nữ làm thí dụ. Qua đó, ông nêu bật ba điểm: (nước mắt, hôn, dầu thơm) và đối chọi với cách xử sự khô khan và lạnh lùng của người Pha ri sêu. Đối với Chúa Giê su cũng như trong trường hợp của người phụ nữ, rõ ràng là tình yêu đem lại ơn tha thứ. Cả hai chân lí bổ túc cho nhau.

Không hề có mâu thuẩn. Tình yêu ấy là sự đáp trả tình yêu mà Chúa Giê su dành cho cô ta khi tiếp nhận cô ngay khi còn là tội nhân. Cô đã bị thu hút bởi nhân vật được coi là “bạn của những kẻ tội lỗi”. Bị người Pharisêu xét đoán, cô lại tỏ ra lớn hơn người đoán xét mình, nhờ vào lời Chúa Giê su nói. Cô thật sự gần Chúa Giê su hơn là người Pharisêu.

Tội: dụ ngôn còn đi xa hơn. Ai là người chủ nợ? Khi Chúa Giê su nói: “Tội con đã đựơc tha”, những người được mời hiểu ngay rằng Chúa Giê su chính là đấng tha tội như Thiên Chúa. Chủ nợ là Thiên Chúa tha tội trong con người của Chúa Giê su.

Lòng tin: x. 5,20; 7,9. Lời nầy là chìa khóa để hiểu toàn thể câu chuyện. Chính lòng tin đã hướng dẫn người phụ nữ đến với Chúa Giê su; chính lòng tin đã giúp cô ta vượt mọi cấm kị mà trong đó người Pha ri sêu đã tự giam mình; chính lòng tin đã gợi hứng cho cô có những hành vi tự phát ấy. Lòng tin của cô là một đức tin yêu mến qua đó cô đã nhận ra nơi Chúa Giê su là sứ giả của ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Bình an: tội nhân có thể ra đi với sự bình an của Thiên Chúa trong lòng. Cô đã được đổi mới và được thanh luyện bởi sự bình an đó. Cuối cùng cô là chính mình, còn người Pha ri sêu trái lại không còn ai nói đến nữa.

Theo kết quả nầy thì chúng ta có thể so sánh câu chuyện nầy với dụ ngôn về người Pha ri sêu và người thu thuế (18,9-14).

  đọan trước, chúng ta đã thấy ông Gioan Tẩy giả sai một vài sứ giả đến với Chúa Giê su để hỏi Ngài về sứ mạng của Ngài. Câu chuyện bữa tiệc ở nhà ông Si mông mang lại một yếu tố cho câu trả lời. Người phụ nữ tội lỗi thuộc thành phần những người bị lọai trừ mà Chúa Giê su đến để kêu gọi làm môn đệ của Ngài. Cô đã dám sờ vào chân Chúa Giê su, trong khi ông Gioan nói rằng ông không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài (3,16). Ông Gioan thắc mắc và sai sứ giả đến; còn người phụ nữ tội lỗi đã tin và đích thân đi đến. Rõ ràng: người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa thì lớn hơn ông Gioan.

 Ở chỗ khác, Chúa Giê su đưa ra một phán quyết khiến chúng ta suy nghĩ: “Những người thu thuế và bọn gái địếm đi vào Nước Thiên Chúa trứơc các ông (Mt 21,31).

SỨ ĐIỆP

Tất cả các bài đọc chủ nhật hôm nay là một lời mời gọi khẩn thiết hãy tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Có nhiều người than thở trong nỗi chán chường tuyệt vọng rằng: “Thiên Chúa sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi”. Sự thất vọng ấy khiến họ mãi mãi lìa xa bí tích hòa giải. Họ quên rằng, Chúa Giê su không đặt một giới hạn nào trong việc Thiên Chúa tha thứ cho những người có lòng sám hối.

Nhưng làm sao chỉ cho họ thấy tội mình mà không làm họ mất mặt và nhận chìm họ. Tiên tri Na than (bài đọc 1) được Thiên Chúa sai đến với Đa vít thực hiện một sứ mạng vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Đa vít đã phạm tội ngọai tình và giết người. Thay vì cáo tội ông, Nathan đã kể cho ông nghe một dụ ngôn để giúp ông ý thức tội của mình. Và ông nói: “Người đã giết con chiên duy nhất của người hàng xóm để đãi bạn, chính là Bệ hạ. Vua Đa vít khiêm nhường sám hối và Thiên Chúa đã tha thứ cho ông.

Bài Tin mừng kể lại một lần nọ, Chúa Giê su đã được một nhân vật quan trọng, một thủ lãnh người Pha ri sêu mời dùng bữa. Với tư cách là chủ nhà, theo phép xã giao,  lẽ ra ông phải tỏ ra là một người hiếu khách lịch sự. Nhưng ông đã có cái nhìn khinh bỉ đối với người phụ nữ đến ngồi dưới chân Chúa Giê su. Đối với ông thì rõ ràng, chỗ của bà không có ở đây. Bà thuộc lọai những người tội lỗi không ai được tiếp xúc.

Còn điều mà ông Si mon thấy trước tiên nơi người phụ nữ là tội lỗi. Bà bị đóng khung và nhận chìm trong tai tiếng của bà. Vĩnh viễn bà đã bị xếp hạng. Ông Si mon không hiểu rằng Chúa Giê su có thể chấp nhận để cho một người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng đến ngồi dưới chân mình. Nhưng Chúa Giê su vẫn có tự do của mình. Ngài không sợ phải phá bỏ những rào cản. Ngài tiếp nhận người phụ nữ nầy. Ngài chấp nhận những cách tỏ lòng yêu mến, trân trọng và hối hận của bà. Thậm chí Ngài còn nói chuyện với bà và tha thứ cho bà. Hơn nữa. Ngài đề cao tình yêu và đức tin của bà trước mhững thực khách tự cho là có lương tâm chân chính và được đánh giá cao hơn.

Người phụ nữ tội lỗi nầy biết mình là bệnh nhân về phần thiêng liêng. Bà đến với Chúa Giê su như người ta đến với thầy thuốc. Giống như vua Đa vít, những dòng lệ chứng tỏ bà thật lòng sám hối ăn năn những lầm lỗi quá khứ. Chính đó là điều mà Chúa Giê su thấy trước tiên nơi người phụ nữ nầy. Và đối với chúng ta cũng thế. Sự tha thứ của Ngài chỉ đến với chúng ta nếu như chúng ta tin tưởng và khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi trước mặt Ngài. Bấy giờ lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ giải thoát và cứu độ chúng ta.

Để cho mọi người hiểu rõ hơn, Chúa Giê su kể một dụ ngôn ngắn. Hai người cùng là con nợ của một chủ nợ. Một người nợ 10 lần nhiều hơn người kia, nên khi được tha, người ấy sẽ mang ơn và yêu mến chủ nợ hơn. Đừng vội cho rằng phần nợ ít hơn là của người biệt phái. Có thể ông không có gì đáng trách trong cách sống, nhưng về tâm tình và cách tiếp nhận Đức Ki tô, ông ta còn thiếu sót, vì ông đã bỏ qua những luật lệ sơ đẳng nhất của lòng hiếu khách.

Bài tin mừng nầy mời gọi chúng ta xét lại cái nhìn mà chúng ta thường có đối với những người chung quanh. Rất thường chúng ta có một bảng xếp hạng trong đầu và trong tim chúng ta. Ít nhiều chúng ta có khuynh hướng xếp hạng người ta theo cái mã bên ngòai hoặc theo những gì mình nghe được. Khi chúng ta có những phán đóan tiêu cực về một ai đó, chúng ta xếp hạng họ và chúng ta dìm họ. Và khi chúng ta gặp họ, chúng ta không còn có một cái nhìn tiếp nhận nữa mà là một cái nhìn tạo khoảng cách. Lí do là vì chúng ta có khuynh hướng xấu, lẫn lộn người có tội với hành vi mà người đó mắc phải. Nathan và Chúa Giê su lên án những hành vi không thể chấp nhận được, nhưng đối với các Ngài, người tội lỗi là một con người cần phải được cứu vớt. Nếu Chúa Giê su chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi của mình, thì không phải là để dìm chúng ta, mà là để giúp chúng ta dễ nhìn nhận và sám hối tội lỗi, và sẵn sàng tiếp nhận ơn tha thứ cho phép chúng ta tái sinh

Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Như Vua Đa vít, chúng ta có thể nói: “Người ấy chính là tôi!”. Nhưng ở đâu tội lỗi đầy tràn, ân sủng càng chan chứa. Chúng ta được sai đi chính là để làm chứng điều đó trong thế giới bất khoan dung đối với những người lầm lỗi ngày nay. Những ai đã hưởng được ơn tha thứ của Thiên Chúa, đều trở thành một nhân chứng cho tình yêu của Người nơi anh em mình. Chúng ta đừng quên rằng các nhân chứng lớn của đức tin là những tội nhân đã được tha thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến thánh Phê rô, thánh Au gu ti nô, thánh Charles de Foucauld và nhiều vị thánh khác nữa.

Những thái độ ngoan cố và những phán đoán vô trách nhiệm của chúng ta ngăn cản chúng ta hiểu tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mà chúng ta đã được hưởng. Chúng ta mù quáng đến nỗi chúng ta không có ý thức về tình trạng tội nhân và nhất là về tình yêu thương xót của Chúa đối với chúng ta. Chủ nhật nầy, chúng ta hãy tiếp nhận lời Ngài mời gọi đi vào trong cuộc phiêu lưu lớn của lòng tha thứ

Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XI Thường Niên_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XI - Mùa Thường Niên - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XI Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên Năm B - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XII Thường Niên_Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường Niên Năm A_Lm. Đan Vinh

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XI THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm HK
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XI THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XI THƯỜNG NIÊN NĂM C- HÃY SÁM HỐI. Lm Jos Tạ Duy tuyền
     SUY NIỆM LỄ THÁNH TÂM CHÚA. Lm Jos tạ Duy Tuyền