Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 15

TRÔNG THẤY VÀ ĐỘNG LÒNG THƯƠNG

dan.jpgBiến cố toà tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại Hoa Kỳ bị tấn công và sụp đổ vào ngày 11/9 năm 2001 đã làm cả thế giới phải lặng thinh trong đau khổ. Nhưng chính trong bóng tối mà vẻ đẹp của pháo bông được tôn vinh, chính trong cảnh huống đau khổ này mà tình liên đới lại làm sáng lên một giá trị không gì so sánh được cho tâm hồn con người từ những trái tim biết chia sẻ, biết cảm thông.

Vâng, đang khi ai cũng thấy bất lực trước cái chết không thể tránh khỏi của rất nhiều người đang bị nhốt trong toà tháp đôi, thì cha Mychal Judge, linh mục tuyên uý của lính cứu hoả New York, và anh em cứu hoả New York lại xông vào toà nhà để cứu người bị nạn.

Dù biết rằng việc xông vào lúc đó là rất nguy hiểm, nhưng việc cứu người bị nạn được đặt lên trên. Thế nên mấy trăm lính cứu hoả và cha Judge vẫn xông vào toà tháp đôi. Đang lúc cha Judge ban các bí tích sau cùng cho anh em cứu hoả thì toà tháp đôi sụp xuống chôn vùi cha và mấy trăm anh em cứu hoả đã xông vào bên trong.

“Hãy thương mến anh em như chính mình” là điểm cốt yếu cho những gì Đức Kitô muốn nói với một người thông luật, cho chúng ta. Đó là điểm cốt yếu của Tin Mừng Đức Kitô rao giảng, nhưng cũng là điểm người ta muốn tránh né: “Ai là anh em tôi?”

Một người bị cướp đánh trọng thương nằm bên đường, một tư tế đi qua, rồi đến một trợ tế, rồi đến một người xứ Samaria. Cả ba đều thấy người bị nạn, nhưng điểm khác biệt duy nhất nơi người xứ Samaria là anh động lòng thương. Chính lòng thương cảm đã nâng anh lên gần Thiên Chúa là Đấng mà Dân Chúa luôn khẩn nài và hy vọng nơi tình thương của Ngài, “vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.” (Tv 69,34)

“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) Dù là Thiên Chúa rất cao sang, nhưng tình yêu Chúa đã nhập thể vào cuộc sống của một con người, trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, để chia sẻ, để đồng cảm với nhân loại. Chính Chúa đã dùng những hình ảnh từ cuộc sống thường nhật của con người để diễn tả tình yêu của Chúa: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15)

Lòng thương cảm là điều người ta tìm kiếm nơi Chúa, nhưng không chỉ nơi Chúa mà thôi: “Thánh chỉ Ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: “Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?” (Đnl 30,12)

Vâng, tình yêu không phải là một điều trên mây, trên gió, mà là chia sẻ, là nghĩ đến người khác. “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó! " hoặc: "Ngồi dưới bệ chân tôi đây!", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2,2-4)

Với sự đồng cảm, ngay cả khi lâm cảnh cùng khốn, người ta cũng có thể quan tâm đến người khác, để cho đi và trao tặng. Mẹ Têrêsa thành Calcuta kể chuyện: “Tại Calcutta, cách đây một thời gian, mỗi đêm chúng tôi ra đường đem bốn năm người hấp hối về Nhà Vĩnh Biệt của chúng tôi. Có một bà ở trong tình trạng thật bi đát nên tôi muốn tự tay mình chăm sóc. Tôi gởi hết tình yêu thương vào công việc này. Khi tôi đặt bà lên giường, bà nắm lấy tay tôi và môi bà nở một nụ cười tuyệt diệu. Bà chỉ nói có một tiếng: “Cám ơn”, rồi bà chết.

“Bà đã cho tôi nhiều hơn tôi cho bà, rất nhiều. Bà đã tặng tôi tấm lòng biết ơn của bà, và tôi thầm nghĩ: “Ở hoàn cảnh bà tôi sẽ làm gì nhỉ? Rồi tôi tự trả lời: Hẳn là tôi sẽ cố gắng lôi kéo sự chú ý về mình; hẳn là tôi sẽ bảo: Tôi đói hay tôi lạnh hay tôi sắp chết.

“Nhưng phần bà, bà thật cao cả, bà thật tuyệt vời qua hành động trao tặng của mình.”

Chúa nghe người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Ngài … người xứ Samaria trông thấy người bị nạn và động lòng thương, …

Còn tôi, tôi có nghe và có thấy không, tiếng lon múc gạo cạo vào đáy thùng, người mẹ gầy gò bới thùng rác tìm ve chai?

Lm. HK

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường niên - Hoa Tâm
     Lời Chúa - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C-LUẬT SAMARITANÔ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền