Trang Chủ > Chia Sẻ

ĐỐI THỌAI VỀ ĐỨC TIN

NHỮNG VẤN ĐỀ

KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

11028771228662111.jpgNăm nay Giáo Hội mở ra Năm Đức Tin. Đây là thời gian thuận lợi để mọi thành phần tín hữu cùng nhau đào sâu tìm hiểu về đức tin, thực hành và truyền đạt đức tin cho người khác. Việc tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến khoa học và đức Tin tôn giáo rất cần để người tín hữu thêm xác tín và có khả năng trình bày đức tin cho người muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học và đức tin tôn giáo như: Chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và của linh hồn nơi con người; Về sự hình thành của vũ trụ vạn vật; Giải đáp các thắc mắc theo quan điểm của Hội Thánh về sinh sản vô tính, hôn nhân đồng tính, các phương pháp ngừa thai phá thai, vấn đề an tử, các mầu nhiệm đức tin và các họat động trần thế của Giáo Hội, cùng nhiều thắc mắc về hôn nhân gia đình v.v…

Đây là những vấn đề khá mới mẻ đối với phần đông các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ thanh thiếu niên Công Giáo chuẩn bị vào đời, mà với vốn liếng giáo lý ít ỏi, thu lượm được trong thời thơ ấu, không đủ để tự giải đáp thỏa đáng. Nhờ hiểu biết thêm về các vấn nạn trên với cái nhìn đức tin, các tín hữu sẽ không bị mặc cảm tự ti khi tiếp xúc với các người vô tín hay bạn bè khác tôn giáo. Trong Năm Đức Tin này, các bạn trẻ cần được tập huấn trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành loan Tin Mừng cho bạn đồng trang lứa với mình, như Công Đồng Va-ti-ca-nô đã khẳng định :”Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (Sắc lệnh TĐGD số 12). Họ phải trở nên như nắm men giữa thúng bột xã hội, để làm cho thúng bột dậy lên men tình yêu của Chúa (x Mt 13,33).

Nhằm mục đích giúp các vị hữu trách phần nào trong việc sọan tài liệu dạy giáo lý cho các thành phần tín hữu chuẩn bị vào đời, các lớp giáo lý dự tòng, hay các hội đòan Công Giáo Tiến Hành… chúng tôi đã cố gắng thu thập và giải đáp các thắc mắc về đức tin rồi sắp xếp thành NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

Trong phần giải đáp, chúng tôi cố gắng khai triển, đào sâu đề tài để giúp các giảng viên giáo lý tiện sử dụng khi giảng dạy. Mỗi lời giải đáp gồm Lời Chúa, suy niệm đề tài, tóm kết, thảo luận và lời cầu để xin Chúa ban thêm đức tin cho các học viên.

Những lời giải đáp này không nhằm mục đích cổ võ những cuộc tranh luận vô bổ với ngừơi không cùng tín ngưỡng, mà chỉ nhằm trình bày quan điềm của người có đức tin trước những vấn đề thiết thực liên quan đến đức Tin và luân lý. Những lời giải đáp này được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo; Giải quyết vấn đề nhân sinh; Người Công Giáo trước vấn đề đức tin; Đi về đâu?; Đạo Công Giáo là gì?; Những thắc mắc của cuộc đời; Trả lời vắn tắt; Lịch sử nhân lọai; Con người và vấn đề Thương đế, và các tài liệu phong phú trên các trang mạng công giáo…

Tuy nhiên, những lời giải đáp này chắc không tránh khỏi những khuyết điểm sai sót, chưa phải là những lời giải đáp đầy đủ nhất... Dù chỉ là viên gạch nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng tôi hy vọng được góp phần với Hội Thánh trong việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô và giúp anh em lương dân hiểu thêm về đức tin công giáo trong Năm Đức Tin này.

I.VẤN ĐỀ TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

-VẤN ĐỀ 1 : Khoa học mới là tiếng nói chân chính của lòai người tiến bộ. Vì khoa học có khả năng giải đáp mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Còn Đức tin tôn giáo chẳng qua chỉ là sự mê tín, bắt nguồn từ sự dốt nát của những người thời tiền sử. Ngày nào khoa học hòan tòan tiến bộ, thì ngày ấy tôn giáo đương nhiên sẽ bị đào thải.

ĐÁP:

1.LỜI CHÚA: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,

thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2).

2.SUY NIỆM:

1. Thực ra Khoa học chỉ có giới hạn, và không thể giải đáp được mọi vấn đề liên hệ đến con người :

Vào thế kỷ 19, Khoa học đã tiến một bước nhảy vọt, đem lại những phát minh mới lạ làm đảo lộn mọi hiểu biết của con người về vũ trụ thiên nhiên, khiến cho một số người quá lạc quan, tin tưởng khoa học có khả năng vô hạn, có thể giải quyết được mọi vấn đề đặt ra mà không cần phải nại tới Thiên Chúa hay thần minh nào khác. RENAN đã mạnh dạn tuyên bố: ”Tổ chức nhân lọai theo phương pháp khoa học. Đó là câu nói cuối cùng của Tân Khoa Học. Dĩ nhiên lý trí sẽ điều định nhân lọai trước, rồi điều định tới Thiên Chúa sau…” (L ‘Avenir de la science p.37).

Nhưng giây phút phấn khởi ban đầu qua đi mau chóng, và người ta đã dần dần ý thức được sự bất lực của khoa học, sản phẩm của trí khôn con người. Những giả thuyết khoa học mà người đi trước coi là chân lý, đã không còn đứng vững trước những khám phá mới lạ hợp lý hơn của người đi sau. P. TERMINÉ đã khiêm tốn hơn khi thú nhận: ”Khoa học liền với bất khả tri. Khoa học đầy bí ẩn mà phần lớn không giải thích được. Khoa học khêu gợi bí nhiệm hơn là giải thích chúng”,

Thực vậy, ngay trong lãnh vực vật chất là đối tượng nghiên cứu của khoa học, thế mà các nhà bác học cũng gặp rất nhiều trở ngại không thể vượt qua. Chẳng hạn : Nhìn một bông lúa ngòai đồng, do quá trình quan sát khoa học có thể cho biết bông sẽ nảy sinh ra hạt lúa. Nhưng lại bất lực không thể hiểu thấu bí nhiệm của việc nảy mộng như thế nào. Cho đến nay, sau bao nhiêu cố gắng, các nhà bác học vẫn không thể làm được một con vật bé nhỏ tầm thường với đời sống tự lập như một con sâu, một con kiến… Đang khi chung quanh họ có không biết bao nhiêu sinh vật khác phức tạp gấp bội phần vẫn chưa được khoa học tìm hiều nghiên cứu.

Như vậy, phải công nhận rằng : Khoa học có giới hạn và không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề, nhất là những vấn đề siêu hình không thuộc đối tượng nghiên cứu của nó như : Thiên Chúa, linh hồn, đời sau… Những vấn đề này thuộc phạm vi đức tin và chỉ có triết học và thần học mới có khả năng và có quyền lên tiếng mà thôi.

2. Đức Tin không phải là mê tín. Nhưng là thái độ cần thiết và hợp lý của con người có trí khôn :

a)Đức Tin chân chính khác hẳn mê tín dị đoan :

-Mê tín là quá tin một điều gì cách mù quáng và vô lý. Mê tín do sự ngu dốt, kém hiểu biết khoa học mà ra. Chẳng hạn ngày xưa người ta tin các hiện tượng thiên nhiên như mưa bão sấm chớp… là những vị thần minh, mà con người nếu muốn được an thân, cần cầu khấn lễ bái để được các vị thần ấy che chở phù giúp. Hoặc ngày nay ở các dân tộc bán khai, dân chúng u mê tin tưởng vào tài chữa bệnh của các thày mo, thày pháp… Thay vì phải uống thuốc chữa bệnh theo toa bác sĩ, họ lại theo lời quỉ thần mách bảo để dâng lễ vật và uống tàn nhang, nước thải… Trong trường hợp này, khi con người càng tiến bộ về khoa học, thì những điều mê tín kia cũng bị sẽ bị đào thải.

-Trái lại, Đức Tin chân chính là chấp nhận chân lý cách sáng suốt, dựa trên những bằng chứng đáng tin như : Dù mắt ta không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn xem vũ trụ mênh mông vô tận, với những trật tự lạ lùng hòan hảo, hoặc khi nghiên cứu các bộ phận trong cơ thể con người, người ta sẽ trực giác nhận biết phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo và an bài mọi sự. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa…

b)Đức Tin là điều hợp lý và cần thiết :

-Hợp lý vì ngay trong đời sống thường ngày, con người muốn tiến bộ và sống an vui hạnh phúc cũng cần tin cậy lẫn nhau như: Chúng ta tin các kiến thức khoa học được dạy ở nhà trường là đúng, dù chúng ta chưa hề kiểm chứng. Ta tin tưởng giao chìa khóa nhà cho bà con hàng xóm giữ dùm khi ra khỏi nhà, để ngươi thân về trước có thể mở khóa vào nhà được… Thế thì tại sao một khi đã nhận biết có Thiên Chúa, ta lại không tin tưởng những lời Ngài mặc khải, nếu những điều ấy có bằng chứng đáng tin, phát xuất từ những nguồn gốc có giá trị mặc khải, có những phép lạ đi kèm, đồng thời rất nhiều lời tiên báo đã được ứng nghiệm trong lịch sử ? Lời Chúa dù do nhiều tác giả viết ra trong nhiều thời điểm khác nhau, nhưng vẫn luôn đồng nhất trong tòan bộ giáo lý.

Đàng khác, Đức Tin chân chính không phải là mê tín, vì không phủ nhận vai trò tìm hiểu của trí khôn. Trí khôn là một tài năng đặc biệt của con người, có quyền điều tra tìm hiểu những bằng chứng thiết yếu, trước khi quyết định chấp nhận. Đức Giáo Hòang Pi-ô 9 đã viết như sau :”Để tránh mọi lầm lạc lừa dối trong một vấn đề quá quan trọng như thế, lý trí con người phải điều tra rất cẩn thận xem sự việc Thiên Chúa mặc khải có thật không? Để biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã nói thực sự.” (Thông Điệp Qui pluribus.-1846).

-Đức Tin còn cần để đạt hạnh phúc vĩnh cửu: Đời sống con người không phải chỉ gồm các việc ăn uống, ngủ nghỉ, chời đùa… sinh ra rồi chết đi như một con vật tầm thường. Trái lại, con người chúng ta có giá trị trổi vượt vì có hồn thiêng bất tử. Chết ikhông phải là hết, nhưng linh hồn con người sẽ tồn tại mãi, và con người sẽ lãnh nhận hậu quả là được hạnh phúc hay bị đau khổ do những việc đã làm khi còn sống. Chỉ những người biết mở lòng chấp nhận đức tin và trung thành thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống thường ngày, mới hy vọng được ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: ”Ai tin Ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,47). Và ngược lại: ”Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi” (Ga 3,18).

TÓM KẾt: Tuy khoa học ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc khám phá những sự kỳ diệu trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Nhưng sự tiến bộ mới chỉ ở lãnh vực tìm hiểu và lai tạo bắt chước chứ không phải sáng tạo từ không ra có, không thay đổi được những trật tự kỳ diệu trong vũ trụ. Do đó, sự tiến bộ không phải là lý do để con người phủ nhận Thiên Chúa. Khoa học cũng không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến con người. Vì khoa học chỉ là sản phẩm của trí khôn con người. Đối tượng nghiên cứu của nó là vật chất hữu hình, có thể cân đo đong đếm và nhìn thấy được… thì làm sao có cao vọng lên tiếng trong những vấn đề ngòai lãnh vực thực nghiệm của nó như: Thiên Chúa, linh hồn… Khoa học không thể phủ nhận đức tin chân chính, nhưng có vai trò thanh luyện đức tin, làm cho đức tin ngày một bền vững sáng tỏ hơn.

3.THẢO LUẬN: 1)Theo bạn đức tin có phải là mê tín không? Tại sao ? 2)Khoa học có giải đáp được mọi vấn nạn liên quan đến vũ trụ thiên nhiên và số phận của lòai người không? Tại sao?

4. LỜI CẦU :

Lạy Chúa, xin mở mắt con để nhìn xem những công trình kỳ diệu Chúa đã làm trong vũ trụ thiên nhiên và trong bản thân mỗi người chúng con. Con cảm nghiệm quyền năng của Chúa luôn hiện diện và tác động trong từng đường gân thớ thịt, từng góc cạnh sâu thẳm trong tâm hồn con. Xin cho con biết nghiên cứu về khoa học và tâm lý để thêm hiểu biết về những kỳ công Chúa làm vì yêu thương lòai người. Nhờ đó, con thêm xác tín vào quyền năng và tình thương của Chúa, và dâng lời ngợi khen cảm tạ tình thương của Chúa như lời Thánh Vịnh: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2)- A-men.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

 

 


Các bài viết mới hơn
     Chiếc Khẩu Trang Mùa Chay - Giuse Lưu Hành
     Người Phụ Nữ Cần Nhiều Hơn Thế - Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
     Trong Giếng Không Có Bã Rượi - Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb
     Qùa tặng của sự đón nhận - Robin Seelan, S.J.
     MỘT THOÁNG SUY TƯ_Lm. Giuse Phạm văn Nhân.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014 - BẢN TIN 13. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014- BẢN TIN 10. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014-BẢN TIN 09. Lm. Trăng Thập Tự

Các bài viết cũ hơn
     TẤM PHÔNG VÀ BỨC TRANH CÓ TÊN GỌI MARIA. Antôn Lương Văn Liêm
     MÃNH LỰC TÌNH YÊU! Lm. Hương Quất
     CHÚA VÀ SỰ THINH LẶNG. Sưu tầm
     THỰC TẬP NHÂN BẢN :TẬP SỐNG KHÔN NGOAN THEO THÁNH Ý THIÊN CHÚA. Lm. Đan Vinh
     XÂY DỰNG MỘT GIA ĐÌNH BỀN VỮNG. Lm. Đan Vinh
     THỰC TẬP NHẬN LỖI ĐỂ SỐNG HÒA THUẬN VỚI ANH EM. Lm. Đan Vinh
     THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN KITÔ GIÁO: HIỀN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊSU. Lm. Đan Vinh
     CÁC NGHĨA CỦA TỪ “PNEUMA” (Thần Khí, tâm trí, gió…) TRONG TIN MỪNG GIO-AN
     ĐỨC MẸ FATIMA và NHỮNG LUẬN CỨ CỦA THÁNH PHAOLÔ. G. Tuấn Anh.
     HIỆP THÔNG. Têrêsa NL