Trang Chủ > Chia Sẻ

THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN KITÔ GIÁO

HIỀN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊSU

tia nang.bmp1.LỜI CHÚA : Một làng Samaria không đón tiếp Đức Giêsu, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng : "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không ?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng : "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác. (Lc 9,51-56).

2.CÂU CHUYỆN :

- GIÓ VÀ MẶT TRỜI: AI MẠNH HƠN AI ?

Gió và mặt trời là hai sức mạnh thiên nhiên nhưng không ai chịu thua ai. Thấy một lão ăn mày đang đi trên đường, gió và mặt trời liền thách nhau xem ai làm được cho chiếc áo chòang lão ta đang mặc rời khỏi người lão thì đó sẽ là người có sức mạnh vô địch. Sau khi thỏa thuận về thể lệ thi, mặt trời liền ẩn mình sau lớp mây đen để gió bắt đầu thi thố tài năng.

Gió lập tức gia tăng sức mạnh biến thành một trận cuồng phong thổi vào lão ăn mày để làm bung chiếc áo chòang ra khỏi người lão. Nhưng gió càng thổi mạnh bao nhiêu thì lão ăn mày lại càng giữ chặt chiếc áo bấy nhiêu. Mỗi khi có nguy cơ áo chòang sắp bị bay ra khỏi người thì lão ta liền nằm lăn ra trên đường, dùng thân đè lên chiếc áo khiến gió không làm gì được. Sau khi đã cố hết sức mà vẫn vô hiệu, cuối cùng gió bị thấm mệt và đành chịu thua lão ăn mày.

Đến lượt thi thố tài năng, mặt trời không sử dụng sức mạnh để khuất phục lão ăn mày như gió bão trước đó, mà tươi cười ló mặt ra khỏi đám mây và chiếu những tia nắng ấm dịu dàng xuống trên lão ăn mày. Khi gió đột nhiên ngừng thổi, lão ta liền buông chiếc áo ra. Một lúc sau, khi những tia nắng ấm bắt đều phát huy tác dụng làm cho mồ hôi chảy ra làm ướt đẫm chiếc áo đang mặc, lão ăn mày liền cởi phăng áo choàng ra phơi và thế là mặt trời đã khuất phục được lão ăn mày và chứng tỏ có sức mạnh hơn hẳn gió bão. Khi được hỏi nguyên nhân, mặt trời liền chia sẻ kinh nghiệm như sau : “Lấy nhu thắng cương: Thái độ vui vẻ kèm theo lối hành xử dịu dàng bao giờ cũng chinh phục được lòng người hơn thái độ nóng giận kèm theo lối hành xử hung bạo!”

- TRUYỀN GIÁO BẰNG THÁI ĐỘ HIỀN LÀNH BAO DUNG:

Một linh mục kia khi chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo đã cho biết: điều kiện cần để việc truyền giáo đạt được kết quả tốt là thái độ hiền lành khoan dung của nhà truyền giáo qua câu chuyện sau: “Bấy giờ tôi có nhiệm vụ trông coi việc thi công xây dựng một trường học ở Nhật bản. Một hôm tình cờ tôi bắt quả tang một cậu bé áo quần nhếch nhác đang vội nhặt nhạnh những cái đinh bị rơi trên chỗ thợ đang thi công bỏ vào chiếc bị đeo bên mình. Trông thấy tôi, cậu bé sợ hãi bỏ chạy. Mấy người thợ làm việc gần đó liền đuổi theo bắt được và lôi cậu bé đến trước mặt tôi. Cậu bé cúi gằm đầu xuống vì quá xấu hổ. Bấy giờ thay vì la mắng về tội ăn cắp của cậu, tôi đã ngồi xuống và nhẹ nhàng hỏi cậu tại sao phải làm như vậy. Cậu cho biết phải kiếm tiền mua thuốc cho ông bố đang bị bệnh phải nằm liệt giường. Tôi liền cầm lấy một bó đinh thật to bỏ vào bị của cậu, ghi lại địa chỉ và cho cậu bé ra về. Hôm sau tôi đã tìm đến tận nhà thăm hỏi người cha bệnh nặng. Cảm thương cho hoàn cảnh nghèo túng của gia đình này, tôi đã cho ông bố một số tiền chữa bệnh, và còn cho cậu bé một suất học bổng miễn phí tại ngôi trường mới xây xong. Về sau cả gia đình cậu bé này đã xin theo đạo. Còn cậu bé lớn lên đã xin đi tu rồi trở thành một linh mục đức độ và có lòng thương người nghèo. Vị linh mục trẻ này cũng thường kể lại câu chuyện nói trên và cho biết chính nhờ thái độ khoan dung nhân từ của tôi mà cả gia đình của ngài đã được ơn nhận biết tin theo Chúa.

3.SUY NIỆM:

1) Hậu quả của tính nóng nảy lỗ mãng:

-Trong đời sống hằng ngày, người có quyền thường dễ nổi nóng. Nhiều người lúc bình thường tính tình hiền lành hòa nhã vui vẻ, nhưng khi gặp phải sự cố trái ý lại không thể tự chủ, trở nên một người hay cau có bẳn gắt, to tiếng la mắng và thậm chí còn đánh đập người dưới quyền cho hả giận...

-Sự nóng nảy cư xử lỗ mãng luôn mang lại hậu quả bất lợi như người ta thường nói: “nóng quá hỏng việc”,  “no mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên, để nhắc mình luôn cảnh giác khỏi tính nóng nảy, ông Nguyễn đình Giản thời kỳ Lê mạt, đã viết vào một tờ giấy và dán lên tường nhà câu này : “TẢO CẤP TẮC BẠI SỰ“ (nóng tính chắc hỏng việc). Câu chuyện Trương Phi trong “Tam Quốc Chí diễn nghĩa” do tính nóng như lửa, không kiềm chế được bản thân nên đánh đập người dưới cách tàn nhẫn nên cuối cùng đã bị chết thảm dưới tay thuộc hạ, đã chứng minh điều này.

2) Ích lợi của thái độ hiền lành nhẫn nhịn :  Người hay nhịn sẽ nhận được nhiều hoa trái tốt như sau:

-Bình an và vui vẻ : Người tính nóng nảy thường hay tức bực, luôn cảm thấy khó chịu bất cứ ở đâu và ở với ai, thường phàn nàn kêu ca, trách móc, la lối. Họ bị đau khổ và luôn làm khổ người chung quanh. Họ hay đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh. Còn người tính tình hiền lành tuy có gặp khó khăn, nhưng không quan trọng hoá vấn đề, luôn bình tĩnh khi nghe hay nhìn thấy những điều “trái tai gai mắt”, chủ “chuyện đâu còn đó”, mọi sự rồi sẽ từ từ giải quyết... 

-Được cảm tình của mọi người : Người hiền lành luôn biết trấn an người khác, không ưa nói lời đốp chát chống lại kẻ công kích mình  Nhờ đó sẽ tránh được những xung đột không đáng có. Người hiền lành thường không làm cho người khác phải khó chịu bực tức và cũng chẳng ai hay sự gì có thể làm cho họ mất bình tĩnh… luôn được lòng mọi người chung quanh và dễ thành công trong mọi công việc.

-Được Chúa chúc phúc : Trong Tám Mối Phúc Thật có một mối phúc dành cho người hiền lành : “Ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy”.  “Đất” nói đây đồng nghĩa vời Nước Trời tức là Hội Thánh hôm nay và Thiên đàng mai sau. Họ sẽ được Chúa và người đời yêu thương

3) Gương hiền lành nhẫn nhịn của Đức Giêsu :

Đức Giêsu đã dạy các môn đệ học theo gương hiền lành và nhẫn nhịn của Người : “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu hãy sống hiền lành nhẫn nhịn : “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc” (1 Pr 3,8-9).

4) Chúng ta nên làm gì ?

-Tập đối xử khoan dung nhân hậu: Câu chuyện của vị linh mục đối xử nhân từ với cậu bé ăn cắp phù hợp với thái độ nhân hậu của Đức Giê-su. Khi được trao trách nhiệm một tập thể, thay vì áp dụng nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một người, vạn người sợ), ta cần dùng đường lối khoan dung nhân hậu và tôn trọng tha nhân. Chính tình thương sẽ hóa giải hận thù, gương sáng phục vụ sẽ có sức thuyết phục hơn thái độ trừng phạt tội nhân như lời thánh Phanxicô Salêsiô : “Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.

-Tôn trọng tự do của người khác : Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, kể cả tự do của những kẻ gian ác chống lại với Người. Người kiên nhẫn chờ đợi họ hồi tâm sám hối. Mỗi người chúng ta cũng cần loại bỏ tính nóng để cư xử nhân từ bao dung với tha nhân noi gương Đức Giêsu. Thánh Gio-an từ một “đứa con của sấm sét” đã học theo gương hiền hòa nhẫn nhịn của Thầy Giê-su để cuối cùng trở thành một người đôn hậu hiền hòa, luôn ca ngợi tình yêu bao dung của Thiên Chúa (x 1 Ga 4,8).

-Sống câu châm ngôn: “Mau nghe chậm nói khoan giận” (Gc 1,19) : Để trở nên một người hiền lành nhẫn nhịn như Đức Giêsu , mỗi người chúng ta hãy năng nhắc lại lời Chúa trong thư Giacôbê và xin Chúa đổ ơn Thánh Thần giúp chúng ta biết thực hành “mau nghe, chậm nói, khoan giận” trong cuộc sống tại gia đình, trong xã hội và giữa cộng đòan.

4. THẢO LUẬN : Để noi gương nhân hậu nhẫn nhịn của Đức Giê-su, bạn sẽ chọn cách phản ứng thế nào khi nghe những lời ngừơi khác phê bình nói xấu về bạn ?

5. NGUYỆN CẦU :

Hát “kinh hòa bình” và kết thúc bằng lời cầu sau đây :

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những mục tử có trái tim nhân hậu để luôn sống tình mến Cfhúa yêu người nêu gương sáng cho chúng con.

Xin cho chúng con những mục tử có trái tim bằng thịt biết yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ và đang bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những mục tử biết kết hiệp mật thiết với Chúa để giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những mục tử thánh thiện, biết dưỡng nuôi chúng con bằng Lời Chúa và Thánh Thể.

Cuối cùng, xin cho chúng con những mục tử có trái tim nhân hậu bao dung của Chúa, sẵn sàng hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên được trao phó và dẫn đưa về trời hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

 

 


Các bài viết mới hơn
     Chiếc Khẩu Trang Mùa Chay - Giuse Lưu Hành
     Người Phụ Nữ Cần Nhiều Hơn Thế - Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
     Trong Giếng Không Có Bã Rượi - Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb
     Qùa tặng của sự đón nhận - Robin Seelan, S.J.
     MỘT THOÁNG SUY TƯ_Lm. Giuse Phạm văn Nhân.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014 - BẢN TIN 13. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014- BẢN TIN 10. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014-BẢN TIN 09. Lm. Trăng Thập Tự

Các bài viết cũ hơn
     CÁC NGHĨA CỦA TỪ “PNEUMA” (Thần Khí, tâm trí, gió…) TRONG TIN MỪNG GIO-AN
     ĐỨC MẸ FATIMA và NHỮNG LUẬN CỨ CỦA THÁNH PHAOLÔ. G. Tuấn Anh.
     HIỆP THÔNG. Têrêsa NL
     XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC CON CÁI. Lm. Đan Vinh
     TRANG NHÂN BẢN: ỨNG XỬ THẾ NÀO VỚI DƯ LUẬN XẤU. Lm. Đan Vinh
     THỰC TẬP SỐNG ĐỜI KITÔ: TIẾN TRÌNH BỐN BƯỚC THỰC TẬP SỐNG ĐỜI KITÔ. Lm. Đan Vinh
     NÉN BẠC CHÚA TRAO. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ.
     TÀI HOA VÀ ĐỨC MẾN CỦA NGƯỜI NGÃ NGỰA TẠI DAMAS. G. Tuấn Anh.
     NHÂN VẬT THỨ HAI TRONG TIN MỪNG. G. Tuấn Anh.
     VAI TRÒ THUYỀN TRƯỞNG TRONG GIA ĐÌNH TÍN HỮU. Lm. Đan Vinh