Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG C

Đối với đa số người thì điều đáng quan tâm trong cuộc sống là quyền lực. Người Ki tô hữu được mời gọi nhìn mọi sự một cách khác. Tức là phải nhìn nhận sức mạnh hoạt động của Chúa Thánh Thần đang qui tụ các cá nhân rải rác khắp nơi thành một dân tộc nối kết bằng Tình yêu, khởi đầu cho một Nhân lọai được đổi mới. Giữa sức mạnh nầy và các quyền lực của trần gian không có điểm chung.

Sách tiên tri Ba rúc:

Sách Ba rúc diễn tả tình trạng thiêng liêng của những người Do thái phân tán ở xa quê hương của họ. Mới nhìn thì dường như họ mất tất cả mọi sức mạnh, nhưng thực ra, họ vẫn giữ được niềm xác tín rằng tương lai thuộc về họ. Một ngày không xa, Thiên Chúa sẽ qui tụ lại Dân của Người và tất cả những ai chống lại Người sẽ phải sụp đổ. Một vũ trụ đổi mới sẽ xuất hiện.

Thánh Vịnh 125:

Thánh vịnh nầy ca ngợi Niềm Hi vọng. Is ra ên đã bị phân tán trong cảnh lưu đày. Một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ dẫn họ trở về quê hương. Cuộc Trở về kì diệu nầy sẽ khởi đầu cho kỉ nguyên Thiên sai. Niềm vui sẽ tiếp nối tuyệt vọng.

Thư gửi tín hữu Phi líp phê:

Các tín hữu Phi líp từ ngọai giáo trở lại họp thành một Cộng đoàn nhiệt thành. Nhiều lần họ đã chứng tỏ lòng biết ơn của họ đối với vị Tông đồ đã mang đến cho họ TIN MỪNG. Khi viết cho họ, Phao lô vui mừng xác nhận lòng quảng đại đã thúc đẩy họ. Ngài cầu chúc cho Hội Thánh trẻ trung nầy còn tiến bộ hơn nữa trong sự sáng suốt và trên đường công chính. Nhờ đó, họ có thể vững vàng tiến về “Ngày của Chúa” và tiếp cận Sự Sống sung mãn.

Tin mừng: Lc 3,1-6

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin Mừng nầy là trình thuật thứ nhất trong bộ ba trình thuật mà các tác giả Mát thêu, Mác cô và Luca dùng để dẫn nhập vào cuộc đời công khai của Chúa Giê su: hoạt động rao giảng của Gioan Tẩy giả (1); phép Rửa của Chúa Giê su (2); các cám dỗ Chúa Giê su phải chịu trong sa mạc (3).

Trình thuật thứ nhất nói về hoạt động của Gioan Tẩy Giả bao gồm: khung cảnh lịch sử (3,1-2); lời loan báo của vị tiền hô theo sách Tiên Tri Isaia (3,3-6); lược tóm lời rao giảng cho tất cả mọi người (3,7-9) và cho nhiều tầng lớp giai cấp xã hội (3,10-14); lời tuyên bố về sự thấp kém của ông so với đấng Messia (3,15-18), sau cùng là thông tin về việc ông bị bỏ tù (3,19-20).

TÌM HIỂU

Năm thứ mười lăm: như trong 1,5 và 2,1-3, Luca đưa trình thuật tin mừng của mình vào dòng lịch sử thế tục. Chúng ta đang ở vào năm 782 từ lúc Rôma được thiết lập, tức vào khoảng năm 26 của thiên niên kỉ trước. Tác giả nêu tên các nhà lãnh tụ chính trị trong vùng đó và quyền bính tôn giáo ở Giêrusalem. Vùng Iturêa, Tracônitiđia và Abilênê là những vùng đất dân ngoại thuộc tỉnh Syria thuộc quyền cai trị của Hoàng đế La mã là Tibêriô Cesarê. Vùng đất nầy đang bị người La mã đô hộ, và dân chúng đang trông chờ giải phóng.

Lời Thiên Chúa: sau khi đã khơi dậy nhiều vị Tiên Tri (1Sm 3; Gr 1,2; Ed 1,3; vv), lời Thiên Chúa dường như đã lịm tắt. Thế rồi giờ đây lời Chúa lại vang lên nơi miệng ông Gioan, ẩn dật trong sa mạc (1,80), nơi cô tịch, nhưng cũng là nơi gặp gở với Thiên Chúa. Chính từ nơi khô cằn vắng bóng sự sống nầy sẽ phát sinh ra một thế giới mới.

Sông Gio đan: gần sông Gio đan là địa bàn hoạt động của ông Gioan. Dường như ông làm phép Rửa ở vùng cao Giêricô. Đó là nơi ông Giô suê (hình bóng và có cùng tên với Chúa Giê su) ngày xưa dẫn dân ưu tuyển vào đất hứa.

Rao giảng: động từ nầy chỉ lời rao giảng ban đầu loan báo biến cố cứu độ ngay từ lúc khởi thủy của Giáo Hội. Nó gợi lại một lời loan báo chính thức, công khai, của một sứ giả (kerux), phát ngôn nhân của một uy quyền (Cv 8,5; 9.20; vv..). Ông Gioan là sứ giả của Thiên Chúa (x. 9,2).

Tỏ lòng sám hối: trong hy ngữ, từ nầy chỉ “sự thay đổi tận trong tâm hồn”. Sám hối có nghĩa là quay trở lại với Thiên Chúa, ý thức rằng Người là ân sủng và chỉ có ân sủng của Người mới giúp người ta hiệp thông với Người. Nghi thức do Gioan đề nghị để tỏ lòng sám hối là một “phép rửa”, đó là sự dìm thụ nhân xuống nước, hình ảnh nói lên sự từ bỏ (x. Mc1,4). Chúa Giê su dùng cụm từ nầy để chỉ sự Thương Khó của Người (Lc 12,50).

Để được tha tội: như các tiên tri trong Cựu Ước, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân Chúa “trở về” với Thiên Chúa của mình bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi. Điều mới lạ mà Gioan mang lại là đánh dấu cuộc trở về nầy bằng một phép rửa, và chỉ ban có một lần mà thôi, vì án xử đã gần kề (Lc 3,7-9.17). Phép Rửa nầy (trong nước) không phải là phép rửa Ki tô giáo (trong lửa, Thánh Thần) có năng lực tha tội (Cv 2,38; 22,16).

Hoang địa: trong đoạn Is 40,3 bằng nguyên ngữ Hipri viết: “Trong sa mạc, các ngươi hãy dọn…”. Nhưng “kêu trong hoang địa” không có nghĩa là một lời công bố vô hiệu. Thực ra các tác giả tin mừng có ý ám chỉ đến sa mạc Giu đê tràn ngập khách thập phương lui tới (x.cc 7.10.15.18.21): “Mọi người từ khắp miền Giu đê và thành Giê ru sa lem kéo đến với ông” (Mc 1,5).

Thung lũng: câu trích dẫn trong Mc và Mt ngừng lại ở câu: “hãy sửa cho ngay các lối đi cong queo” (Is 40,3). Còn Luca thì trích dẫn cách khác (Is 40,4-5), gợi lại lối đi thênh thang rộng rãi mà Đức Chúa sẽ tiến qua, và mở rộng dành cho tất cả mọi người (= phổ quát) (“mọi người”; dịch sát chữ: “mọi xác phàm”). X.24,48; Cv 1,8 và 28,28 cũng dùng những từ như thế để chỉ “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ở đây Luca bỏ bớt phần đầu của lời loan báo trong câu trích dẫn: “Lúc đó vinh quang của Chúa sẽ tỏ hiện”. Đối với ông, việc loan báo vinh quang đó không phải là sứ vụ của Gioan, nó sẽ chỉ tỏ hiện trong ngày phục sinh và chỉ được thực hiện bởi Chúa Giê su mà thôi.

SỨ ĐIỆP TIN MỪNG

Gioan Tẩy giả tiếp nhận mọi người đến thú tội và làm phép rửa cho họ. Trước nhân cách mạnh mẽ và khuôn mặt khắc khổ của ông, nhiều người đã ý thức tội lỗi của mình. Họ đến với con người rất thánh thiện và rất khiêm tốn nầy để xin ông cho biết phải sống thế nào.

Ngày hôm nay, Gioan Tẩy giả nói với chúng ta về những lũng sâu cần phải lấp đầy, những núi đồi cần phải bạt xuống, những khúc quanh co cần phải uốn lại. Rõ rằng  ngài ám chỉ cuộc sống của chúng ta. Núi đồi của kiêu căng, tự phụ, bạo lực, dửng dưng. Những lũng sâu của giả hình, bội phản, phân biệt chủng tộc. Những đường quanh co chính là lương tâm nhiều khi không ngay chính của chúng ta.

Và nếu chúng ta không để ý, đời sống chúng ta có nguy cơ trở nên cằn cỗi vì chúng ta không dành đủ thời giờ để cầu nguyện. Chúng ta dễ dàng để mình bị cuốn theo nhiều thứ bận rộn khác ngọai trừ việc để tâm hồn tĩnh lặng tiếp xúc với Thiên Chúa. Và như thế, con đường lẽ ra phải đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, lại bị bỏ hoang và để cho gai góc mọc um tùm.

Lời mời gọi đó không ngừng nói với chúng ta ngày hôm nay. Chúa chỉ thực sự đi vào cuộc sống của chúng ta nếu như chúng ta sẵn sàng tiếp nhận Ngài. Chúng ta cần phải trở về với tin mừng ngày hôm nay. Tin mừng nói với chúng ta rằng Lời Chúa không nói với Thánh Gioan Tẩy giả trong đền đài Giê ru sa lem, nhưng trong sa mạc. Đó là nơi thích hợp nhất để tránh khỏi những nhiễu loạn và âm thanh hỗn tạp ngăn cản sứ điệp của tin mừng đạt đến chúng ta. Chúng ta phải vào trong sa mạc, phải đi ra lánh ra khỏi trần gian huyên náo để tìm Chúa trong tĩnh lặng và suy niệm.

Do đó dọn đường cho Chúa đến, là sắp sẵn đón tiếp Ngài, bằng lời cầu nguyện, bằng bí tích hòa giải, và Thánh Thể, bằng suy niệm dưới ánh sáng Tin mừng. Bước đầu tiên trong cuộc hành trình mùa Vọng là mở ra đón ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Và bước kế tiếp là mở ra cho tha nhân. Đức Ki tô không đến một mình, còn có tất cả anh chị em của chúng ta cùng đến với Ngài. Ngài liên đới với những người nghèo nhất, bị khinh bỉ nhất, bị lọai ra khỏi thế giới lòai người. Ngang qua họ chính Chúa mà chúng ta tiếp nhận hay từ khước. Chính Ngài đã cảnh giác chúng ta: “Mỗi lần mà anh em làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta vậy”.

Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng Năm B- LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng Năm B_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng_ Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng Năm B- LM ĐAN VINH-HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng Năm B_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng_ LM J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng_ Lm. Phaolo Nguyễn Nguyên.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng - Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng Năm B_ Lm ĐAN VINH - HHTM

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT THỨ II MÙA VỌNG NĂM C - SỬA ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN - Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     CHÚA NHẬT THỨ II MÙA VỌNG NĂM C - HÃY DỌN SẴN CON ĐƯỜNG CHO ĐỨC CHÚA - Lm. HK
     THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA C - SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY - TUẦN 1 MÙA VỌNG C
     CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C - THẾ GIỚI CẦN ĐẾN SỰ HIỆN DIỆN CÙA CHÚA - Lm. Jmv HK
     LỄ THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ - ƠN GIỌ VÀ SỨ MẠNG - Nt. Anna Nguyễn Thị Nguyện
     CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C - Lm. Paul Nguyễn Văn Đông
     CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C - ĐỐI PHÓ BẤT NGỜ - Lm. Jos Tạ Duy Tuyền