Đời sống truyền giáo của ông
Carlo và bà Lillina
Chứng tá của bà Lillina và ông
Carlo, một trong số những giáo dân sống vùng truyền giáo Amazon. Hai ông bà
khẳng định: “Điều quan trọng là luôn mở rộng cánh cửa đón tiếp người khác”.
Năm nay, ông Carlo và bà Lillina
đã ngoài 70 tuổi, nhưng từ khi mới hơn 20 tuổi, hai người đã tham gia một khoá
đào tạo của các cha Salêdiêng dành cho giáo dân chuẩn bị ra đi truyền giáo. Hai
người đều có ý hướng chọn điểm đến là phía đông của Ecuador biên giới với Peru,
rừng nhiệt đới Amazon, để sống với nhóm người do đỏ Shuar. Đó là một trải
nghiệm, kết quả của một sự đáp trả tiếng gọi, nhưng sẽ làm nảy sinh nhiều hoa
trái cụ thể là có nhiều người đón nhận Tin Mừng.
Hai ông bà cùng khởi hành với hai người khác. Bốn người được
trao phó các nhiệm vụ khác nhau. Ông Carlo được khuyến khích thành lập một trường
dạy nghề sửa môtô dành cho các bạn trẻ. Còn bà Lillina cùng với một nhà truyền
giáo Salêdiêng và hai nữ tu đến một ngôi làng. Bà tin rằng Chúa sẽ cho bà thấy
điều bà cần làm cho sứ vụ. Khi các nhà truyền giáo đến ngôi làng đầu tiên, lúc
đó có một chuyện làm người dân tỏ ra lo lắng. Một bé gái bị rắn cắn sắp chết.
Ngay lập tức bà đã lấy một viên đá mà các cha Dòng Trắng ở Bỉ đã cho bà để sử dụng
như một phương thuốc trong những trường hợp như vậy. Em bé đã được cứu sống.
Dân làng muốn bà ở lại với họ. Bà ở lại đó một mình trong gần 5 tháng, sau đó
ông Carlo và một tình nguyện viên người Tây Ban Nha đến.
Bà Lillina giải thích: “Ra đi thi hành sứ vụ có nghĩa
là nhìn ra xung quanh và thấy mọi sự với sự sáng tạo nơi mà sự hiện diện của
chúng ta là hữu ích. Vì thế, vấn đề không phải là phải chuẩn bị mọi thứ. Chúng
tôi, trong sự bé nhỏ của mình cố gắng ở với nhóm người dân bản địa này để giúp
họ ý thức bảo vệ văn hoá truyền thống của họ, và ở đâu có thể, chúng tôi làm
cho Tin Mừng được đón nhận”.
Bà cho biết người dân bản địa có phong tục, vào mỗi
tối những người chủ gia đình kể chuyện về những giấc mơ của họ. Và khi tới lượt
các nhà truyền giáo, mỗi người cố gắng tận dụng thời điểm đó để giới thiệu Kitô
giáo cho họ. Đa số họ rất thích thú lắng nghe.
Bà Lillina giải thích: “Người ta nghĩ rằng nhà truyền
giáo sẽ mang đến nơi truyền giáo một thứ gì đó, nhưng thực tế chúng tôi đã nhận
được nhiều hơn những gì chúng tôi đã cho. Trước hết, ý nghĩa của việc chia sẻ:
với người da đỏ, chúng tôi chia sẻ mọi thứ. Nếu họ đi săn, dù là chim hay heo
rừng, họ luôn chia sẻ. Tiếp theo, ý nghĩa về tình huynh đệ: vấn đề của một
người là vấn đề của mọi người. Hiểu được điều này đã giúp chúng tôi rất nhiều.
Trên tất cả, chúng tôi được trải nghiệm lòng hiếu khách, là điều quý và đẹp
nhất mà chúng tôi có thể nhận được. Trong mỗi túp lều luôn có sẵn một chiếc
giường được làm bằng tre, để bất cứ ai mắc mưa - mưa ở những vùng đó rất nguy
hiểm - có một nơi dừng chân”.
Ông Carlo nói: “Tất nhiên, lúc đến đây chúng tôi còn
rất trẻ, thiếu kinh nghiệm ở nhiều mặt, nhưng chúng tôi có sự nhiệt tình của
Công đồng Vaticanô II, kêu gọi chúng tôi ra đi. Chúng tôi đã cố gắng đáp lại
với hết khả năng của chúng tôi. Chúng tôi đã gặp những người khác chúng tôi và
điều này cũng giúp tri thức mở ra khi gặp những điều mới lạ. Nó giúp ích rất
nhiều và không chỉ với các Kitô hữu”. Nhà truyền giáo giải thích sự dấn thân
của họ vào thời điểm đó là giúp người dân trong làng cải thiện thực phẩm của
họ, nhờ một hợp tác xã nông nghiệp được giới thiệu cho các trang trại trong khu
vực.
Ông Carlo bày tỏ: “Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền
giáo năm nay, Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả chúng ta hãy can đảm, chính
trực như các Kitô hữu của cộng đoàn tiên khởi, để làm chứng cho Chúa Kitô bằng
lời nói và việc làm, trong mọi môi trường cuộc sống. Điều này có nghĩa là luôn
để cho cách cửa rộng mở. Nếu có ai đó đến xin chúng ta giúp đỡ, chúng ta phải
tìm mọi cách có thể để giúp đỡ người này. Chúng ta làm như vậy theo gương cộng
đoàn Kitô hữu tiên khởi, luôn tìm cách giúp đỡ nhau”.
Bà Lillina thì chia sẻ như sau: “Hoạt động truyền giáo
là của chính giáo dân. Điều này được thể hiện qua cầu nguyện, hành động và sự
cộng tác. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rất nhiều về điều này. Hãy sẵn sàng trao
dâng cuộc sống để chúng ta có thể đưa ra những câu trả lời cụ thể”. Bà nhận
xét: “Như thế, là những nhà truyền giáo có nghĩa là mang cơ hội đến cho mọi
người. Đây là điều đẹp nhất, là đủ để đáp trả cách quảng đại trong mọi khía
cạnh của cuộc sống, mà đôi khi tiền không phải là tất cả”.
Bà Lillina và ông Carlo có hai người con. Hai con cùng với bố
mẹ trở thành một Giáo hội tại gia, một gia đình truyền giáo, luôn mở ra với những
người khác. Một trong hai người con đã trở thành linh mục của dòng Salêdiêng,
hiện đang phục vụ ở Guatemala. Một gia đình truyền giáo theo đúng tinh thần của
Giáo hội mời gọi: Truyền giáo là sứ vụ của tất cả những ai đã được rửa tội.
Ngọc Yến - Vatican News
Trích
nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-01/doi-song-truyen-giao-carlo-lillina.html