Trang Chủ > Giáo Lý > Công Giáo

KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

(Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phần IV, đoạn I)

Cầu nguyện giúp người tín hữu tin, cử hành đức tin và sống mầu nhiệm đức tin trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. (CG 2558). Cầu nguyện là mở lòng ra đón nhận ân huệ Chúa ban vì Thiên Chúa luôn đi bước trước ngỏ lời yêu thương con người. Vì thế, mọi người đều được mời gọi gặp gỡ Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, sống trong sự hiện diện của Người, hiệp thông với Người bất cứ ở đâu, lúc nào, trong tình trạng nào vì Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ. (Chúa Giêsu đi tìm tội nhân như người mục tử tìm chiên lạc)

Ý nghĩa  nội dung trên sẽ được triển khai qua bốn đề mục sau đây:

Bài 1: CẦU NGUYỆN LÀ BỔN PHẬN HAY NHU CẦU ?

Bài 2: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MẸ VÀ HỘI THÁNH CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?

BÀI 3: ĐÂU LÀ NHỮNG NGUỒN MẠCH VÀ NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN?

BÀI 4; TẠI SAO CẦU NGUỆN LÀ MỘT CUỘC CHIẾN ĐẤU

 

 

Bài 1: CẦU NGUYỆN LÀ BỔN PHẬN HAY NHU CẦU ?

Để có thể trả lời nghiêm túc cho vấn đề này chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa đích thực của việc cầu nguyện theo hướng dẫn của Giáo Hội trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (CG).

I. CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?

Thánh Têrêsa Hài Đồng viết: “Đối với tôi, cầu nguyện là hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan.” Như vậy, kinh nghiệm cầu nguyện của Thánh Têrêsa vượt xa những gì gọi là bổn phận phải cầu nguyện nhưng thực sự là một nhu cầu của người đang yêu khao khát ở trong mối tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa; luôn tin tưởng, phó thác và cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.  (Minh hoạ thêm câu chuyện đôi bạn trẻ gặp nhau ở tiệm sách)

1. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa

Cầu  nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết. Chúng ta thường hiểu cầu nguyện là xin Chúa giải quyết những vấn đề khó khăn chúng ta đang phải đối diện. Điều này rất đúng, nhưng Chúa muốn chúng ta ý thức điều quan trọng hơn đó là “nâng tâm hồn lên Chúa”, gặp gỡ Chúa. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta ý thức mình là một thụ tạo được yêu thương, đang hiện  diện trước nhan Đấng Sáng Tạo nên cần phải có tâm tình khiêm tốn vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,260). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận ơn cầu nguyện.(x.CG 2559)

- Cầu nguyện là ân huệ được đối thoại với Chúa.  Chúa Giêsu đã nói với chị phụ nữ Sa-ma-ri: “Nếu chị nhận ra ơn Chúa ban và Người đang nói chuyện với Chị là ai, hẳn chị đã xin và Người đã ban cho chị nước trường sinh”(Ga 4,10). Bên bờ giếng nơi chúng ta đến tìm nước, Đức Kitô đến gặp từng người và cho thấy điều kỳ diệu của cầu nguyện. Đức Kitô tìm chúng ta trước khi chúng ta tìm Người; và Người xin: “cho tôi chút nước”. Quả thật, Đức Giêsu khát khao ban ơn cứu độ cho chúng ta, mong ước chúng ta được sống bình an, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui đích thực. (CG 2560)

- Cầu nguyện là đáp lại lòng khao khát của Chúa. Như chị phụ nữ Sa-ma-ri, khi cầu nguyện, chúng ta mở lòng ra với Chúa Giêsu, tâm sự với Chúa thực trạng cuộc sống của mình, tin yêu Chúa và đón nhận ơn biến đổi của Chúa.

2. Cầu nguyện là giao ước

- Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì thế, kinh nguyện của chúng ta phải phát xuất từ trái tim để dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa. Nói cách khác chúng ta cần cầu nguyện với cả tấm lòng tin yêu Chúa vì nếu lòng chúng ta xa cách Chúa thì cầu nguyện cũng vô ích. .(x.CG 2562)

- Theo Thánh kinh, trái tim là nơi sống giao ước vì trái tim là trung tâm hiện hữu của con người. Trái tim là nơi thầm kín của riêng ta; lý trí hay người ngoài không dò thấu được; chỉ có Thánh Thần Thiên Chúa mới có thể  thăm dò và thấu suốt được. Vượt trên mọi khuynh hướng tâm lý, trái tim vẫn là nơi quyết định; trái tim là nơi con người chân thật với mình nhất, để chọn lựa sự sống hay sự chết. Đó là nơi con người đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người.(x.CG 2563)

- Khi cầu nguyện người Kitô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Kinh nguyện vừa là hoạt động của Thiên Chúa vừa của con người, phát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ con người. Kinh nguyện hoàn toàn hướng về Chúa Cha, nhờ hiệp nhất với ý chí nhân trần của Con Thiên Chúa làm người. (CG 2564)

3. Cầu nguyện là hiệp thông .(CG 2565)

- Trong giao ước mới, khi cầu nguyện, người tín hữu sống tương quan sinh động của con cái Thiên Chúa với Người Cha nhân lành vô cùng của mình, với Con của Người là Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần. Khi đó, chúng ta được hưởng Hồng ân Nước Trời, sự kết hợp của Ba Ngôi Chí Thánh với toàn thể tâm linh con người.

- Như vậy, sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa chí thánh và hiệp thông với Người. Sự hiệp thông đời này lúc nào cũng có thể thực hiện được, vì chính nhờ bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được nên một với Đức Kitô (x.Rm 6,5) ; ngay cả khi chúng ta nhận biết mình là tội nhân. ( Câu chuyện của một vị thánh với Chúa; và Eva đến với Chúa Hài Đồng đêm Noel).

- Do đó, lời cầu nguyện chỉ mang đặc tính Kitô giáo khi được hiệp thông với lời cầu nguyện của Chúa Kitô và được triển khai trong Hội Thánh là Thân Thể Người. Cầu nguyện có cùng kích thước như tình yêu Đức Kitô. (Eph 3,18-21)

 - Thực ra, “Chúng ta chỉ có một lời cầu nguyện rất chính xác và căn bản: đó chính là Đức Giêsu Kitô; chỉ có một tiếng nói từ đất vọng lên trời đó chính là tiếng của Đức Giêsu Kitô. Cầu nguyện trước hết có nghĩa là nên một với Chúa Kitô…Nếu ta không làm sao cầu nguyện được, giản dị lắm: cứ để Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trong sự im lặng của hồn ta. Nếu tôi không nói được thì Người sẽ nói. Nếu tôi không cầu nguyện được thì Người sẽ cầu nguyện.” (Mẹ Têrêsa Calcutta)

Tóm lại, khi chúng ta đã hiểu cầu nguyện là ân huệ được gặp gỡ Chúa Kitô, sống giao ước tình yêu với Chúa, được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, thì cầu nguyện không chỉ là một bổn phận hay một nhu cầu mà chính là bản chất của người Kitô hữu; một ân huệ được ban. Nói cách khác, nếu không sống đời cầu nguyện, chúng ta không phải là Kitô hữu đích thực vì chúng ta không tin Chúa Kitô, phủ nhận sự hiện diện của Người giữa chúng ta; chúng ta từ chối tình yêu của Chúa Cha ban tặng, và cố tình không nghe theo tác động của Chúa Thánh Thần.

II. MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC MỜI GỌI CẦU NGUYỆN

Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, kinh nguyện là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cả hai cùng đang khát. Con người đi tìm Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa kêu gọi con người trước.

* Con người đi tìm Thiên Chúa

Khi sáng tạo, Thiên Chúa đặt nơi trái tim con người khát vọng đi tìm Người, ban khả năng nhận biết “Danh Chúa lẫy lừng trên khắp địa cầu” như trước đó Thiên Chúa đã ban khả năng cho các Thiên Thần. Ngay cả khi đã đánh mất nét giống Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, vẫn hướng về Đấng dựng nên mình. Thánh Âu-tinh đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa nên lòng con thao thức mãi cho đến khi được nghỉ yên trong chúa” (x.CG 2566)

Mọi tôn giáo đều nói lên khát vọng tìm kiếm căn bản này của con người.

* Thiên Chúa kêu gọi con người trước

Dù con người quên lãng Đấng Sáng Tạo hay trốn xa Nhan Người, dù họ chạy theo các ngẫu tượng hay than trách Thiên Chúa đã bỏ rơi mình, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi mọi người đến gặp Người cách huyền nhiệm trong cầu nguyện. Quả thực, trong cầu nguyện, Thiên Chúa thành tín và yêu thương luôn đi bước trước; phần con người luôn chỉ là đáp lời. Khi Thiên Chúa từng bước tỏ mình ra và mặc khải cho con người biết về chính họ, thì cầu nguyện như là một cuộc trao đổi lời mời, một diễn tiến giao ước. Qua lời nói và hành vi, diễn tiến này là cam kết của con tim. Diễn tiến này đã diễn ra trong suốt lịch sử cứu độ: Cựu ước, Tân ước và thời của Hội Thánh. (x.CG 2567)

* Con người được Thiên Chúa mời gọi cầu nguyện

Trong Cựu ước, chúng ta thấy chính Thiên Chúa luôn đi bước trước mời gọi các tổ phụ và các ngôn sứ sống mối tương quan thân tình với Ngài, giữa biến cố con người sa ngã và được nâng dậy, giữa tiếng gọi đau thương của Thiên Chúa nói với đứa con đầu tiên của Người: “Ngươi đang ở đâu?...Ngươi đang làm gì? (St 3,9-13), và lời đáp trả của Người Con Một khi vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” Như thế, cầu nguyện được gắn liền với lịch sử loài người, và là tương quan giữa con người với Thiên Chúa trong các biến cố lịch sử. (CG 2568). Sau đây là một vài  minh họa cụ thể về những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.

1. Thiên Chúa mời gọi, ban lời hứa và Abraham tin tưởng cầu nguyện

Khi Abraham 75 tuổi, Thiên Chúa truyền ông từ bỏ xứ sở, họ hàng, gia tộc đi tới đất Người sẽ chỉ với lời hứa sẽ làm cho ông thành một dân lớn được chúc phúc (x.St12,1-3). Ngay khi được Thiên Chúa kêu gọi, “Abraham ra đi như  Đức Chúa đã phán với ông” (St 12,4), tâm hồn ông luôn “vâng phục lời Chúa”. Từ đó, ông hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, bước đi trước tôn nhan Người và ký kết giao ước với Người. (CG 2571)

Đối với Abraham, cầu nguyện thiết yếu là lắng nghe Lời Chúa và quyết định theo ý Người. Ông cầu nguyện bằng hành động trong suốt hành trình; nhất là khi ông thực thi lệnh truyền phải sát tế Isaac, đứa con của lời hứa mà khi ông đã 100 tuổi Thiên Chúa mới ban cho ông. Abraham tin rằng: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu chiên làm lễ toàn thiêu.”( St 22,8 ; CG 2572)

Đời sống cầu nguyện của Abraham cho thấy rằng để có thể thực hiện ý Thiên Chúa, con người phải sống đời cầu nguyện như một cuộc chiến đức tin để giữ lòng tín thác vào Thiên Chúa trung thành và xác tín rằng Người sẽ ban chiến thắng cho  kẻ kiên trì.(CG 2592)

2. Mô-sê và lời cầu nguyện của vị trung gian

Thiên Chúa cũng đi bước trước gặp gỡ Mô-sê, Người gọi ông từ giữa bụi gai đang cháy và trao cho ông sứ mạng cứu dân khỏi ách nô lệ Ai Cập (Xh 3,1-10). Để sai ông, gần như Thiên Chúa phải năn nỉ con người. Trong cuộc đối thoại này Thiên Chúa tỏ lòng tín nhiệm Mô-sê, còn ông học biết cầu nguyện; ông thoái thác, thắc mắc và nhất là đòi hỏi xin Chúa cho biết Danh Thánh, Danh sẽ được mặc khải qua các kỳ công trong lịch sử.(CG 2575)

Để thi hành sứ mạng khó khăn đầy thách đố, Mô-sê thường xuyên nói chuyện với Chúa lâu giờ. Ông lên núi để lắng nghe và cầu khẩn Chúa. Sau đó ông xuống với dân để nói lại cho họ những lời của Thiên Chúa và hướng dẫn họ. Đức Chúa nói chuyện với ông mặt giáp mặt như hai người bạn (Xh 33,11) vì Mô-sê là người hiền lành và khiêm nhường nhất đời.”(Ds 12,3 ; CG 2576)

Nhờ sống thân mật với Thiên Chúa thành tín, chậm bất bình và giầu thương xót, Mô-sê đã tìm được sức mạnh để kiên trì chuyển cầu cho dân. Các lý lẽ của ông chuyển cầu cũng là một cuộc chiến huyền nhiệm vì Mô-sê xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu, Người không thể mâu thuẫn với chính mình, Người sẽ không bỏ rơi dân tộc mang danh Người. Lời cầu nguyện của Mô-sê đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa hằng sống muốn cứu độ Dân Người. Đây là hình ảnh báo trước lời cầu  nguyện chuyển cầu của Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giê-su Kitô.

3. Đavít và lời cầu nguyện của vị vua

Đa-vít là vị vua đẹp lòng Thiên Chúa hơn hết, ông được Thiên Chúa tuyển chọn và quyền năng của Người ở với ông trong các cuộc chiến thắng quân thù. Vì thế, Đavit với tư các là mục tử, ông luôn cầu nguyện cho dân mình và nhân danh toàn dân. Lòng vâng phục thánh ý Chúa, lời ca ngợi và tâm tình sám hối của Đa-vít sẽ trở thành gương mẫu cho đời sống cầu nguyên của dân chúng.(CG 2579)

Nhờ các vị mục tử, đặc biệt là vua Đa-vít, và các ngôn sứ hướng dẫn, kinh nguyện của Dân Chúa được triển nở dưới bóng nhà Chúa, lúc đầu là Khám Giao ước và sau này là Đền Thờ.  Sa-mu-en cho rằng khi mục tử không cầu nguyện cho dân là phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa: “Phần tôi, không đời nào tôi phạm tội phản nghịch cùng Đức Chúa, là thôi cầu nguyện cho anh em và dạy anh em biết đường ngay nẻo chính” (1Sm 12,23; CG 2594 ; 2578)

4. Ê-li-a, các ngôn sứ và việc hoán cải tâm hồn

Đền thờ và những nghi thức phụng vụ giúp dân gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng khi con người chỉ chú trọng đến lễ nghi bên ngoài với những lợi nhuận vật chất, còn tâm hồn lại xa cách Chúa, thì sứ mạng của các ngôn sứ là phải giáo dục đức tin cho dân chúng và giúp họ hoán cải tâm hồn.(x.CG 2581)

Ê-li-a là tổ phụ của các ngôn sứ, là “dòng dõi của kẻ kiếm tìm Người, tìm Thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp (Tv 24,6). Lời cầu xin tha thiết của ông rất có hiệu lực, ông đã dạy cho bà goá làng Sa-rép-ta biết tin vào lời Thiên Chúa và củng cố đức tin của bà khi khẩn nguyện xin cho con bà sống lại; và Người đã nhậm lời.(1 V 17,7-24)  Đặc biệt cuộc tế lễ trên núi Các-men là thử thách quyết định niềm tin của Dân Thiên Chúa. Theo lời khẩn cầu của Ê-li-a: “Xin đáp lời con, lạy Chúa xin đáp lời con!”, Thiên Chúa đã cho lửa từ trời xuống thiêu huỷ lễ toàn thiêu, “vào giờ người ta hiến dâng của lễ ban chiều”(x.CG 2582-2583)

Trong những lúc “một mình trước Tôn nhan Thiên Chúa”, các ngôn sứ tìm được ánh sáng và sức mạnh để thực hiện sứ mạng. Khi cầu nguyện, các ngài không chạy trốn thế giới bất trung nhưng lắng nghe Lời Thiên Chúa; đôi khi các ngài tranh luận hay than thở với Chúa, nhưng luôn chuyển cầu cho Dân, trong khi chờ đợi và chuẩn bị cho Thiên Chúa Cứu Độ can thiệp vào.(CG 2584)

5.Các Thánh vịnh, lời cầu nguyện của cộng đoàn.

Các Thánh Vịnh là tuyệt tác về cầu nguyện trong Cựu Ước, Lời Chúa trở thành lời cầu nguyện của con người, vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn, vừa liên hệ với những người đang cầu nguyện vừa liên hệ đến toàn thể mọi người, bao trùm toàn thể thụ tạo; nhắc lại biến cố cứu độ trong quá khứ và vươn đến ngày hoàn tất lịch sử. Các Thánh Vịnh bao trùm mọi chiều kích của lịch sử: nhắc nhớ Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa như thế nào và nói lên niềm hy vọng vào Đấng Mê-si-a sẽ ngự đến.(CG 2587)

Các Thánh Vịnh luôn là tấm gương phản chiếu những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử Dân Người và những hoàn cảnh nhân sinh của tác giả đã trải qua. Dù một Thánh Vịnh có thể phản chiếu một biến cố đã qua, nhưng vẫn bình dị đến nỗi con người mọi thời, mọi hoàn cảnh, đều có thể dùng để cầu nguyện. (CG 2588)

Được Đức Ki-tô sử dụng để cầu nguyện và kiện toàn, các Thánh Vịnh là một thành phần thiết yếu và luôn có mặt trong kinh nguyện của Hội Thánh Người. Các Thánh Vịnh có thể dùng làm lời cầu nguyện cho con người mọi thời, mọi hoàn cảnh. (CG 2597)

*   *    *

Tới đây, qua đời sống cầu nguyện của các tổ phụ, ngôn sứ và cộng đoàn Dân Chúa, hy vọng chúng ta đã hiểu biết chính xác, đầy đủ hơn về cầu nguyện. Quả thật, khi cầu nguyện chúng ta được gặp gỡ Chúa, lắng nghe Lời Chúa, và thi hành ý muốn cứu độ của Chúa, được nên một với Đức Kitô và hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Như  Thiên Chúa đã mời gọi Ab-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, Ê-li-a và Dân Chúa đặt niềm tin nơi Chúa, sống thân tình với Chúa và trao cho họ sứ mệnh giúp anh em mình trở về với Chúa, nhận biết Chúa, Chúa cũng muốn chúng ta tin, thể hiện đức tin, sống đức tin và trở nên nhân chứng đức tin cho Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Như vậy, cầu nguyện chính là nhu cầu sống còn của người tín hữu và nhờ cầu nguyện chúng ta mới có thể chu toàn bổn phận loan báo Tin Mừng Đức Kitô giữa lòng xã hội hôm nay.

 

Về đầu trang

 

 

Bài 2: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MẸ VÀ HỘI THÁNH

CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?

 

Như  Giáo Hội đã dạy chúng ta: cầu nguyện giúp người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa trong tương quan sống động và thân tình. Trong cầu nguyện chính Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống trong tình yêu của Người, hiệp thông với Người và tham dự vào chương trình cứu độ của Người. Vì thế, điểm chính yếu trong khi cầu nguyện là lắng nghe lời Chúa và quyết tâm thi hành. Đó là những ý nghĩa mà Chúa Giêsu khi xuống trần gian để thi hành ý muốn cứu độ của Cha đã sống đời cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện.  

I. CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN

Chúa Giêsu là “Ngôi Lời đã làm người ở giữa chúng ta”, chính cuộc sống của Người đã mặc khải trọn vẹn về cầu nguyện. Dựa vào những bản văn Tin Mừng chúng ta cùng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu cầu nguyện, lắng nghe Người dạy chúng ta cầu nguyện và tin tưởng Người sẽ nhận lời cầu nguyện của chúng ta. (x.CG 2598)

Chúa Giêsu cầu nguyện

Chúa Giêsu đã học cầu nguyện theo tâm tình nhân loại, nơi Mẹ Maria trong gia đình và nơi truyền thống dân tộc tại các hội đường Na-da-rét và tại Đền Thờ. Nhưng kinh nguyện của Chúa Giêsu còn phát xuất từ một nguồn mạch bí ẩn khác như Người đã hé mở lúc 12 tuổi tại Đền Thờ: “Con có bổn phận ở nhà Cha của con”. Đó là lời kinh của người con(x.CG 2599)

a. Lời kinh của người con

Nét mới trong kinh nguyện của Chúa Giêsu là cầu nguyện trong tâm tình của Người Con, lời kinh mà Chúa Cha hằng mong đợi nơi con cái mình, và sau cùng được chính Người Con Một duy nhất thể hiện trong nhân tính với con người và cho mọi người. (x.CG 2599)

Người con thảo luôn tìm cầu ý  Cha là sự sống của Chúa Giêsu. Người luôn cầu nguyện trước những thời điểm quyết định của sứ vụ: khi chịu phép rửa (Lc3,21),  Hiển Dung (Lc 9,28),  chọn gọi nhóm Mười Hai (Lc 6,12), trong Vườn Dầu, trên thập giá,…Khi cầu nguyện trước các biến cố cứu độ mà Chúa Cha trao phó cho Người thực thi, Đức Giêsu khiêm tốn và tin tưởng hoà hợp ý chí nhân loại của mình với thánh ý yêu thương của Chúa Cha.(x.CG 2600)

Người con luôn  an vui hạnh phúc bên Cha là thái độ cầu nguyện của Chúa Giêsu. Khi nhìn Thầy mình cầu nguyện, người môn đệ của Chúa cũng muốn cầu nguyện và học cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”(Lc 11,1). Chính khi chiêm ngưỡng và lắng nghe Chúa Con, con cái Thiên Chúa học biết cẩu khẩn Chúa Cha.(x.CG 2601)

b. Lời kinh đẹp lòng Cha

Lời kinh hiệp nhất: Vì đã làm người khi Nhập Thể, Đức Giêsu “mang lấy mọi người” trong lời cầu nguyện và dâng nhân loại lên Chúa Cha khi hiến dâng chính mình. Ngôi Lời “đã làm người” đưa tất cả những gì “anh em Người” đang sống vào lời cầu nguyện(Dt 2,12; CG 2602)

Lời kinh tạ ơn: Tin Mừng ghi lại hai lần Chúa Giêsu cầu nguyện rõ tiếng trong thời kỳ Người rao giảng. Cả hai đều khởi đầu bằng lời tạ ơn: “Lạy Cha…., con xin ngợi khen Cha vì điều Cha đã dấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25); và trước khi cho La-da-rô sống lại, Chúa Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha con cảm tạ Cha vì Cha hằng nhận lời con”. Toàn thể kinh nguyện của Chúa Giêsu đều thể hiện tâm tình yêu mến “mầu nhiệm thánh ý Cha” (Ep 1,9) và cho thấy Đấng ban ơn thì quí trọng hơn ơn được ban.(x.CG 2603 – 2604)

Lời kinh hiến tế: Đối với Chúa Giêsu cầu nguyện và hiến tế chỉ là một: “Lạy Cha…xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha”(Lc 22,42) , “Lạy Cha con xin phó thác hồn con trong tay Cha”(Lc 23,46). Tất cả những đau khổ của nhân loại ở mọi thời sống dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu trong toàn lịch sử cứu độ, đều được qui tụ trong Tiếng Kêu Lớn (x.Mc 15,37) của Ngôi Lời Nhập Thể. (x.CG 2605 - 2606)

Chúa Cha đã đón nhận tất cả và Người đã nhậm lời vượt quá mọi hy vọng của chúng ta khi cho Chúa Con sống lại. (CG 2606)

Chúa Giêsu dạy cầu nguyện

Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha trong tâm tình con thảo, Người cũng dạy chúng ta như vậy. Ngoài ra, Người dạy chúng cầu nguyện nhân Danh Người và trong Chúa Thánh Thần

a. Trong tâm tình con thảo

Hoán cải nội tâm: Đối với Chúa Giêsu, người con thảo luôn quay trở về với Cha và hoà giải với anh em mình, vì thế Chúa nhấn mạnh đến việc hoán cải tâm hồn: phải làm hoà với anh em trước khi dâng lễ vật (Mt 5,23-24), phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình (Mt 5,44-45), phải cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6,6), thật lòng tha thứ cho tha nhân (Mt 6,14-15), giữ tâm hồn trong sạch và lo tìm kiếm Nước Trời (Mt 6,21.25.33). Cuộc hoán cải này hoàn toàn hướng về Chúa Cha, đượm tình con thảo.

Tin tưởng nơi Cha: Chúa Giêsu đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha trước khi nhận được ơn, Người cũng dạy chúng ta dạn dĩ như người con: “Tất cả những gì anh em xin khi cầu nguyện, anh em cứ tin là mình đã được rồi.”(Mc 11,24 ; Lc 11,5-13 ; 18,1-14)

Thi hành ý Cha: Chúa Giêsu muốn kinh nguyện của người tín hữu không chỉ là thưa: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, nhưng chính là sẵn lòng thi hành thánh ý Chúa Cha (Mt 7,21), Người dạy các môn đệ cầu nguyện với tâm tình cộng tác với thánh ý Chúa.(x.Mt 9,38; Lc 10,2; Ga 4,34)

b. Nhân Danh Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và cả chúng ta một cách cầu nguyện mới là nhân Danh Chúa: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”(Ga 14,13-14) ; “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui anh em nên trọn vẹn.”(Ga 16,24)

c. Trong Thánh Thần

Chúa Giêsu hứa xin Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ  khác đến ở với chúng ta luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật sẽ dạy chúng ta cầu nguyện vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải.(x.Ga 14,16-17) ; Rm 8,26)

Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện

Khi thi hành tác vụ, Đức Giêsu từng nhận lời cầu khẩn Người, qua những dấu chỉ tiên báo quyền năng của Đấng chịu chết và sống lại. Người thương nhận lời cầu xin đầy tin tưởng của nhiều người, dù họ lên tiếng hay chỉ im lặng.(CG 2616):

a. Những người lên tiếng:

Người bệnh phong: “Nếu Ngài muốn Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40-41)

Ông Giai-rô: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu..” (Mc 5,36)

Phụ nữ Ca-na-an xin trừ quỉ cho con gái bà (Mc 7,24 - 29)

Người trộm lành: “Ông Giêsu ơi, khi vào Nước của ông xin nhớ đến tôi.” (Lc 23,39-43)

Lời khẩn cầu của người mù: “Lạy Con vua Đa-vit xin thương xót chúng tôi !” (Mt 9,27)

b. Những người im lặng:

Những người khiêng người bất toại (Mc 2,5)

Người đàn bà bị bệnh loạn huyết (Mc 5,28)

Nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,37-38)

Chúa Giêsu luôn đáp lời kêu cầu của người tin tưởng khấn xin Người: “Cứ về bình an, lòng tin anh đã cứu chữa anh.”

Thánh Âu-tinh đã tóm tắt ba chiều kích trong kinh nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là Đầu; Người được chúng ta kêu cầu với tư cách là Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng của chúng ta trong Người và tiếng của Người trong chúng ta.”

II. ĐỨC MARIA CẦU NGUYỆN

Chúng ta được biết Đức Maria cầu nguyện vào lúc bình minh của thời viên mãn.(CG 2617).

Là một thiếu nữ Israel nhỏ bé, Mẹ đã cầu nguyện điều gì? 

Sách GLHTCG đã cho chúng ta câu trả lời: “Trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, lời cầu nguyện của Mẹ đã cọng tác một cách độc đáo vào kế hoạch nhân hậu của Chúa Cha”. Như vậy, chắc chắn là Mẹ đã khao khát cầu xin Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho dân tộc của Mẹ như  lời Chúa đã hứa và “Trong lòng tin của người nữ tỳ khiêm cung này, Hồng An Thiên Chúa đã được tiếp nhận xứng đáng, sự tiếp nhận Người đã chờ đợi từ thuở khai sinh lập địa.” Điều này dẫn tới lời đáp trả  “Fiat” anh dũng của Mẹ và lời kinh “Magnificat” Mẹ đã hát để tạ ơn Thiên Chúa trong suốt cả cuộc đời vì được tham dự vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lời kinh Xin Vâng “Fiat”

Được Đấng Toàn Năng tuyển chọn và ban “đầy ân sủng” Mẹ Maria đã đáp lại bằng việc hiến dâng trọn xác hồn: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Và Mẹ tiếp tục thưa “Xin Vâng” trong từng biến cố cuộc đời Chúa Giêsu; nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, lời “Xin Vâng” chính là hiến lễ Mẹ muốn cùng chết với Chúa Giêsu để đoàn con nhân loại của Mẹ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Với lời “Xin Vâng”, Mẹ Maria luôn đầy tin tưởng khi cầu nguyện và chuyển cầu cho những người khác: tại Ca-na, Mẹ đã xin Chúa Giêsu lo đến nhu cầu của bữa tiệc cưới, đây là dấu chỉ về một Bữa An khác, bữa tiệc cưới của Chiên Con hiến Mình và Máu theo lời xin của Hiền Thê là Hội Thánh. Trong Giao Ước Mới, dưới chân thập giá, Đức Maria đã được nhận lời như Người Phụ Nữ, bà E-và mới, người mẹ đích thực của chúng sinh.

Lời kinh tạ ơn “Magnificat”

Bài ca của Đức Maria, bài ca Magnhificat vừa là bài ca của Mẹ Thiên Chúa vừa là bài ca của Hội Thánh, bài ca của Thiếu Nữ Xi-on và của Dân Mới, bài ca tạ ơn vì muôn ngày hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con người trong nhiệm cục cứu độ, bài ca của “những người nghèo” thấy hy vọng của mình trở thành hiện thực vì Thiên Chúa đã thi hành “như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ab-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.

Chính bài ca tạ ơn “Magnificat” là động lực cho bài ca Xin Vâng “Fiat” của Mẹ Maria vì Mẹ đã nhìn thấy Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu ngay trong Mầu Nhiệm Thập Giá của Người.  Do đó, kinh nguyện của Đức Maria, trong lời Xin Vâng và bài ca Ngợi Khen, làm nổi bật tâm tình hiến dâng trọn bản thân trong lòng tin.

III. HỘI THÁNH CẦU NGUYỆN

Chúa Thánh Thần là Đấng dạy dỗ và nhắc lại cho Hội Thánh tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, chính Người dạy Hội Thánh cầu nguyện bằng cách khơi lên những cách diễn tả mới cho các hình thức kinh nguyện quen thuộc: chúc tụng và thờ lạy, khẩn cầu, chuyển cầu, tạ ơn, ca ngợi.(CG 2644)

Kinh nguyện chúa tụng và thờ lạy

Kinh nguyện chúc tụng là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa ban ơn và con người đáp lại.(CG 2626). Thiên Chúa đã chúc lành cho con người, nên tâm hồn con người chúc tụng Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành.(CG 2645)

Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người khi nhìn nhận mình là thụ tạo đang đối diện với Đấng Sáng Tạo. Kinh nguyện thờ lạy là tán dương Thiên Chúa cao cả, Đấng dựng nên ta (Tv 95,1-6) và là Đấng quyền năng đã giải thoát ta khỏi sự dữ.(CG 2628)

Kinh nguyện khẩn cầu

Khi khẩn cầu chúng ta quay về với Thiên Chúa, xin ơn tha tội để có thể hiệp thông với Người. Chúng ta khao khát tìm kiếm Nước Thiên Chúa theo trật tự của kinh “Lạy Cha”, xin cho “Nước Cha trị đến” rồi cầu xin Cha ban những ơn cần thiết để đón nhận Nước Trời và cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa. Thánh Phao-lô khuyến khích chúng ta cầu nguyện mọi nơi mọi lúc vì mọi nhu cầu đều là đối tượng của kinh nguyện khẩn cầu.(x.CG 2629 - 2633)

Kinh nguyện chuyển cầu

Chuyển cầu là cầu xin cho người khác. Kitô hữu cầu nguyện cho mọi người, cho các nhà lãnh đạo, cho người bách hại mình, cho những ai khước từ Tin Mừng cũng nhận được ơn cứu độ. Khi chuyển cầu, chúng ta tham dự vào kinh nguyện chuyển cầu của Đức Kitô, đây là cách diễn tả mầu nhiệm các thánh cùng thông công.(CG 2634 - 2636)

Kinh nguyện tạ ơn

Tạ ơn là đặc tính của kinh nguyện Hội Thánh, đặc biệt khi cử hành Thánh lễ. Lời kinh tạ ơn của các chi thể trong Thân Thể được tham dự vào lời tạ ơn của Đức Kitô là Đầu. Ngoài ra, mọi vui buồn, mọi biến cố và nhu cầu, đều là dịp để chúng ta dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện tạ ơn. Tham dự vào kinh tạ ơn của Đức Kitô, cả cuộc đời người Kitô hữu là bài ca tạ ơn Thiên Chúa: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh”(1Tx 5,18) (CG 2648)

Kinh nguyện ca ngợi

Chúng ta dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện ca ngợi, thuần tuý vô vị lợi, để ca khen, tôn vinh Người, không chỉ vì những việc Người làm cho ta, mà còn vì Người là Thiên Chúa. (CG 2649). Khi ca ngợi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần kết hợp với tâm hồn chúng ta để chứng thực rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.(Rm 8,16).

Bí tích Thánh Thể chứa đựng và diễn tả mọi hình thức kinh nguyện. Bí tích Thánh Thể Chúa Kitô là “lễ dâng tinh tuyền” của toàn thể Thân Thể Chúa Kitô “vì vinh quang Danh Người”. Truyền Thống Đông và Tây Phương đều gọi bí tích Thánh Thể là “hy tế ca ngợi”.

*

*      *

Tóm lại, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã cầu nguyện để luôn hiệp thông và thi hành trọn vẹn ý muốn cứu độ của Cha; và lời cầu nguyện của Đức Maria chính là lời đáp trả hồng ân cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, khi tham dự các giờ kinh phụng vụ, chúng ta nên ý thức lắng nghe Chúa Thánh Thần tác động, hướng dẫn để diễn tả tâm tình chúc tụng, thờ lạy, khẩn cầu, chuyển cầu, tạ ơn, và ca ngợi tình yêu cứu độ của Thiên Chúa luôn yêu thương, hiện diện và ban muôn ơn lành cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Amen.

 

Về đầu trang

 

 

Bài 3: ĐÂU LÀ NHỮNG NGUỒN MẠCH

VÀ NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN ?

 

Cũng như tình yêu, kinh nguyện không chỉ là một ngẫu hứng nội tâm, phải muốn mới cầu nguyện được. Biết những gì Kinh Thánh mặc khải về cầu nguyện chưa đủ, chúng ta còn phải học cầu nguyện nữa. Trong “Hội Thánh là cộng đồng đức tin và cầu nguyện” chính Chúa Thánh Thần dạy con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện, bằng một truyền thống sống động. (x.CG 2651)

Nơi tâm hồn người cầu nguyện, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết đón nhận Người tận Nguồn Mạch đích thực là Đức Kitô. Trong đời sống Kitô hữu, có những nguồn mạch, ở đó Đức Kitô đang chờ để ban Thánh Thần cho chúng ta. (x.CG 2652)

I. NHỮNG NGUỒN MẠCH CỦA KINH NGUYỆN

Lời Chúa

Hội Thánh tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” và khuyên chúng ta khi cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện và chúng ta nghe Người nói lúc đọc các sấm ngôn thần linh”.(CG 2653)

Khi trình bày về Mt 7,7, các linh phụ đã tóm tắt thái độ của một tâm hồn được lời Chúa nuôi dưỡng trong kinh nguyện như sau: khi đọc, hãy tìm kiếm, bạn sẽ tìm thấy khi suy gẫm ; khi cầu nguyện, hãy gõ cửa, bạn sẽ được mở cho nhờ chiêm niệm.(CG 2654)

Đối với Đức Maria và Thánh Giuse Lời Chúa chính là nguồn mạch của kinh nguyện. Nhờ luôn cầu nguyện dưới ánh sáng Lời Chúa mà các ngôn sứ đã báo trước về cuộc Thiên Chúa sẽ viếng thăm cứu độ dân Người (Is 7,14) nên Đức Maria và thánh Giuse mới có thể hiểu được lời giải thích của sứ thần và sẵn sàng “Xin Vâng” tình nguyện tham dự vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong tình huống không thể hiểu được của mầu nhiệm Thiên Chúa làm  người. Rồi chính Tin Mừng đã ghi lại cả cuộc đời của Mẹ Maria là suy niệm Lời Chúa và hiệp thông với mầu nhiệm Đức Giêsu: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” ( Lc 2,1.51). Vâng, chính nhờ sức mạnh của Lời Chúa nâng đỡ, Mẹ Maria đã có thể đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu mà không chết ; thay vì ngã gục dưới sự tàn ác của tội lỗi, Mẹ đã nhìn ra Chúa Giêsu chính là “Người tôi tớ đau khổ của Gia-vê” (Is 50,4-8) và chiến thắng phục sinh của Người từ thập giá.

Phụng vụ Hội Thánh

Phụng vụ là nguồn mạch của kinh nguyện Kitô giáo vì trong Phụng vụ, Hội Thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, để các tín hữu sống và làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới: “Nhờ Phụng Vụ, nhất là trong Thánh Lễ, “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu, qua cuộc sống mình, diễn tả và biểu lộ cho người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính”(x.SC 2) ; (CG 1068)

Vì Phụng vụ là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh  nên mọi cử hành Phụng Vụ đều là hành vi chí thánh, và không có một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng; xét về cả danh hiệu lẫn đẳng cấp (SC 7 ; CG 1070). Do đó, “Mọi hoạt động của Hội Thánh đều hướng dẫn tới tột đỉnh là Phụng Vụ ; đồng thời, mọi năng lực của Hội Thánh đều phát xuất từ Phụng Vụ. Phụng Vụ là nguồn đặc biệt của cầu nguyện.”(x.CG 1074)

Sứ mạng của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần là công bố, hiện thực và thông truyền mầu nhiệm cứu độ trong Phụng vụ Hội Thánh ; sứ vụ ấy được tiếp nối nơi tâm hồn người cầu nguyện. Các linh phụ đôi khi so sánh tâm hồn với bàn thờ. Kinh nguyện tiếp nhận Phụng vụ và đồng hoá với Phụng vụ trong khi và sau khi được cử hành. Dù con người cầu nguyện “nơi kín đáo” (Mt 6,6), lời nguyện của họ vẫn là kinh nguyện của Hội Thánh, là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh.(CG 2655)

Các nhân đức đối thần

Đức Tin: Chúng ta đi vào kinh nguyện cũng như đi vào phụng vụ phải qua cửa hẹp là đức tin. Qua những dấu chỉ về sự hiện diện thần linh, chúng ta tìm kiếm và trông mong Thánh Nhan Đức Chúa, chúng ta muốn lắng nghe và suy niệm lời Chúa. (CG 2656)

Đức Cậy: Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cử hành phụng vụ đang khi đợi chờ Đức Kitô tái lâm, chính Người hướng dẫn ta biết cầu  nguyện trong hy vọng. Ngược lại, kinh nguyện của Hội Thánh và của cá nhân nuôi dưỡng hy vọng trong lòng chúng ta. Đặc biệt, các Thánh Vịnh với ngôn ngữ cụ thể và đa dạng, dạy chúng ta biết gắn chặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa.(CG 2657)

Đức Mến: Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”(Rm 5,5). Được huấn luyện bằng đời sống phụng vụ, kinh nguyện bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trong Đức Kitô và giúp ta đáp trả như Người đã yêu thương chúng ta. Tình yêu là nguồn mạch của kinh nguyện; ai đến với nguồn mạch đó, sẽ đạt tới tột đỉnh của kinh nguyện.(CG 2658)

“Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Ngài. Con chỉ mong ước một điều là được yêu Ngài đến hơi thở cuối cùng. Con thà chết vì yêu Ngài, còn hơn sống mà không yêu Ngài. Lạy Chúa, con yêu mến Ngài, con chỉ xin Ngài một ân huệ duy nhất là được yêu Ngài mãi mãi… Lạy Thiên Chúa của con, nếu mọi lúc con không thể nói con yêu Ngài, con chỉ mong theo nhịp thở của con, trái tim không ngừng lập lại: con yêu Ngài” (T. Gio-an MariaVianey.) (CG 2658)

Thực tại “hôm nay”

Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. Khi ta cầu nguyện với Chúa Cha trên trời, Đức Giêsu cũng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha.(Mt 6,11.34). Thời gian là của Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, những chính hôm nay: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: các ngươi, chớ cừng lòng”(Tv 95,7-8). (CG 2659)

Cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn, những người tôi tớ của Đức Kitô, những người nghèo theo các Mối Phúc. Cầu nguyện cho Nước công lý và bình an tác động vào diễn tiến của lịch sử, là việc chính đáng và tốt đẹp; nhưng phải đem những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày vào kinh nguyện.(Ông Dennis Martiner, lực sĩ  nổi tiếng môn dã cầu). Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men cần thiết được Chúa nói đến trong dụ ngôn về Nước Trời. (Lc 13, 20-21) (CG 2660)

Chúa Giêsu là Emmanuel, Người luôn hiện diện trong mọi tình huống cuộc đời của chúng ta. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói: “Thiên Chúa ở đây…Ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy hay chạm được tới Ngài, như cách mà chúng ta không thể nhìn thấy hay chạm được những thực tại vô hình, Ngài vẫn ở đây, Ngài đến viếng thăm chúng ta bằng rất nhiều cách thế khác nhau.”[1] Vì thế, chúng ta cần thinh lặng cầu nguyện để nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu: “Ngài muốn bước vào cuộc đời tôi và có một mối thân tình với tôi.”[2]  Nếu chúng ta thường xuyên chiêm ngưỡng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi giây phút hiện tại, chúng ta sẽ nhìn thế giới này với cặp mặt khác, và từng sự kiện vui buồn cụ thể trong ngày như  ăn uống, học hành, làm việc, gặp gỡ, cầu nguyện, đau bệnh, chịu đau khổ đều là một cuộc viếng thăm rất sống động và thân tình của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ tìm được bí quyết “Gìn giữ và đọc ra một ‘nhật ký tình yêu được ghi khắc từ bên trong” [3]

II.  NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là sống với một tâm hồn đã được đổi mới, làm cho đời sống chúng ta sinh động mọi lúc. Tuy nhiên chúng ta thường quên Đấng là Sự sống và là Tất Cả của mình ! Vì thế, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện là “nhớ đến Chúa”, thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa. Thánh Giê-gô-ri-ô khuyên: “Phải nhớ đến Chúa nhiều hơn cả nhịp thở của mình”. Nhưng chúng ta không thể cầu nguyện “trong mọi lúc”, nếu không có những thời điểm chủ ý dành để cầu  nguyện: đây là những giờ phút cao điểm của đời sống cầu nguyện, chuyên chú hơn và kéo dài hơn. (x.CG 2697)

Truyền thống của Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những nhịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là: kinh sáng và kinh tối, trước và sau các bữa ăn, các giờ kinh Phụng Vụ. Hằng tuần, Kitô hữu phải thánh hoá ngày Chúa nhật chủ yếu bằng kinh nguyện, mà trọng tâm là Thánh Lễ. Hằng năm, chu kỳ phụng vụ và các đại lễ là những nhịp căn bản cho đời sống cầu nguyện của Kitô hữu. (CG 2698)

Chúa hoàn toàn tự do hướng dẫn mỗi người một cách. Mỗi tín hữu cũng đáp lại theo quyết tâm và những hình thức cầu nguyện riêng của mình. Tuy nhiên, truyền thống Kitô giáo có ba hình thức cầu nguyện chính: khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm. Cả ba cùng có một nét căn bản chung: tịnh tâm. Tịnh tâm là tỉnh thức, để giữ lấy Lời Chúa và để hiện diện trước nhan thánh Người. (CG 2699)

Khẩu nguyện

Thiên Chúa dùng Ngôi Lời của Người để nói với loài người. Kinh nguyện của chúng ta cũng được hình thành bằng lời: trong lòng trí hay ra ngoài miệng. Điều quan trọng nhất là tâm hồn hướng về Đấng chúng ta thân thưa khi cầu nguyện. “Lời cầu nguyện của ta được Chúa nhậm lời, không tuỳ thuộc vào việc chúng ta nói nhiều hay ít, nhưng tuỳ thuộc vào nhiệt tâm của linh hồn. (CG 2700)

Bản tính con người đòi hỏi kết hợp giác quan với tâm tình khi cầu nguyện. Con người có hồn và xác nên cảm thấy cần bộc lộ những tâm tình ra bên ngoài. Lời cầu nguyện tha thiết là lời khẩn cầu với cả tâm hồn và thể xác. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đọc Kinh Lạy Cha và Người cũng lớn tiếng cầu nguyện riêng, từ lời hân hoan chúc tụng Chúa Cha cho đến lời xao xuyến trong vườn Cây Dầu (Mc 14,36). (CG 2701 – 2702)

Khẩu nguyện là cầu nguyện thành tiếng, cách diễn tả rất phù hợp với con người, thích hợp nhất cho đám đông. Ngay cả khi cầu nguyện trong lòng, chúng ta không được xao lãng khẩu nguyện. Kinh nguyện trở thành tâm tình bên trong khi chúng ta ý thức về Đấng chúng ta đang thưa chuyện”. (CG 2704)

Suy gẫm

Khi suy gẫm tâm trí ta tìm hiểu lý do và cách thức sống đời Kitô hữu, để đón nhận và đáp lại những gì Chúa đòi hỏi ta. Điều khó trong suy ngẫm là phải cầm trí. Thông thường chúng ta có thể dùng sách: các Sách Thánh, đặc biệt là Tin Mừng, các ảnh tượng thánh, bản văn phụng vụ theo ngày và theo mùa, tác phẩm của các Linh Phụ, các sách linh đạo, và cuốn sách vĩ đại là vạn vật,  lịch sử với trang “Ngày Hôm Nay” của Thiên Chúa. (CG 2705)

Suy gẫm là đối diện với điều mình đọc và đối chiếu với bản thân. Nhờ đó, cuốn sách cuộc đời được mở ra. Chúng ta chuyển từ những tư tưởng sang thực tại. Tùy theo lòng khiêm tốn và đức tin, chúng ta nhận thức những chuyển động nội tâm nhận định để biết ý Chúa. Điều chính yếu là phải thực thi chân lý để đến cùng Anh Sáng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” (CG 2706)

Mỗi Kitô hữu phải chọn cho mình một phương pháp thích hợp để suy ngẫm đều đặn ; nếu không, tâm hồn chúng ta sẽ giống như ba loại đất đầu tiên trong dụ ngôn Nguời Gieo Giống. (x.Mc 4,4-7). Nhưng phương pháp  chỉ là người hướng dẫn, điều quan trọng là chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà tiến bước, theo Đức Kitô trên con đường cầu nguyện. Muốn suy gẫm chúng ta phải vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn, để đào sâu xác tín, khơi dạy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Kitô. (CG 2707-2708)

 3. Chiêm niệm

Theo Thánh Têrêsa Avila: “Chiêm niệm là một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, thường chỉ là một mình đến với Thiên Chúa mà ta biết là Đấng yêu thương ta”. Trong chiêm niệm chúng ta đi tìm “Đấng lòng ta yêu mến”(Cc 1,7), nghĩa là chính Đức Giêsu, và trong Người chúng ta tìm Chúa Cha. Phải tìm kiếm người với một đức tin tinh tuyền, đức tin này làm cho ta được sinh ra nhờ Người và được sống trong Người. (x.CG 2709)

Chiêm niệm lúc nào và bao lâu tuỳ thuộc vào quyết tâm của ta, quyết tâm này bộc lộ những điều kín nhiệm trong lòng. Không phải lúc nào có giờ ta mới cầu nguyện, nhưng phải dành thời giờ cho Chúa, với quyết tâm không rút lại thời gian này, dù gặp thử thách và khô khan khi cầu nguyện. Không phải lúc nào cũng có thể suy ngẫm nhưng lúc nào cũng có thể chiêm niệm, bất chấp tình trạng sức khoẻ, công việc và tâm tình. Nơi mà ta tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa, trong khiêm nhu và tín thác chính là lòng ta. (x.CG 2710)

Chiêm niệm là cao điểm của đời cầu nguyện, nhưng lại là hình thức đơn sơ nhất của kinh nguyện. Chiêm niệm là một hồng ân, một món quà Thiên Chúa ban tặng; chúng ta chỉ có thể đón nhận với tâm tình của người khiêm tốn và nghèo khó. Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giêsu như người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gio-an Vianê: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi.” Muốn chiêm ngắm Chúa phải biết quên đi cái tôi của mình. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn ta; ánh sáng tôn nhan Người soi sáng con mắt linh hồn, dạy ta biết nhìn tất cả trong ánh sáng chân lý và lòng thương xót của Chúa dành cho mọi người. (x.CG 2713-1715)

Chiêm niệm là là lắng nghe Lời Chúa với thái độ vâng phục của người con đặt niềm tin nơi Cha. Chiêm niệm là yêu mến Chúa trong thinh lặng sự thinh lặng mà kẻ hướng ngoại không thể giữ nổi, Chúa Cha sẽ nói với ta Lời của Người. Chiêm niệm cho ta hợp nhất với Đức Kitô trong kinh nguyện của Đức Kitô theo mức độ chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người. Mầu nhiệm Đức Kitô được Hội Thánh cử hành trong bí tích Thánh Thể, và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động trong chiêm niệm, để chúng ta bày tỏ các mầu nhiệm đó qua hành vi đức mến.(CG 2716-2718)

Chiêm niệm là một hiệp thông tình yêu có sức đem lại sự sống thần linh cho nhiều người, nếu chúng ta chấp nhận bước đi trong đêm tối đức tin. Đức Kitô đã trải qua Đêm hấp hối, Đêm âm phủ để bước vào Đêm Phục Sinh.

Khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm là ba hình thức làm nên đời sống cầu nguyện của người tín hữu. Cả ba cùng giúp chúng ta gặp gỡ Đức Kitô trong tương quan sống động và thân tình: lắng nghe Lời Người, thưa chuyện với Người, và cùng người thi hành ý muốn cứu độ của Cha trong hiến lễ tình yêu.

Về đầu trang

 

 

 

Bài 4: TẠI SAO CẦU NGUYỆN LÀ MỘT CUỘC CHIẾN ĐẤU ?

Đối với tín hữu, cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa và là một lời đáp trả quyết liệt vì thế cầu nguyện luôn đòi phải nỗ lực. Các thánh nhân trong Cựu Ước, Đức Maria, các thánh, và chính Đức Kitô đều dạy chúng ta: cầu nguyện  là một cuộc chiến đấu. (Xin học viên minh hoạ …..)

Chiến đấu chống lại ai ?

Chiến đấu với bản thân ta và chống lại các mưu chước của ma quỷ cám dỗ, vì chúng làm mọi cách để con người bỏ cầu nguyện, không kết hợp với Thiên Chúa. Khi ta không muốn thường xuyên hành động theo Thánh Thần của Đức Kitô, thì ta không thể thường xuyên cầu nguyện nhân danh Người. (CG 2725).

Trong hành trình cầu nguyện, chúng ta phải vượt qua những trở ngại, khó khăn, cám dỗ bằng đời sống khiêm tốn, tỉnh thức, tin tưởng và kiên trì trong tình yêu.

I. NHỮNG TRỞ NGẠI CHO VIỆC CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa, sống giao ước tình yêu với Chúa, hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và thi hành ý muốn cứu độ của Chúa như người con tin yêu, phó thác và  vâng phục Cha mình. Đó là một đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh nhưng nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của cầu nguyện nên đã có những quan niệm sai lạc về cầu nguyện vì họ còn mang những não trạng của thế gian. (CG 2726 – 2728)

1. Những quan niệm sai lạc:

Cầu nguyện chỉ đơn thuần là hoạt động của tâm lý

Cầu nguyện chỉ là một nỗ lực tập trung tư tưởng để tâm trí được an định.

Cầu nguyện chỉ là đọc kinh theo nghi thức

Cầu nguyện mất giờ làm việc

Cầu nguyện để tìm kiếm Thiên Chúa bằng sức mình rồi chán nản.

2. Những não trạng của thế gian:

Có người cho rằng chỉ những gì lý trí và khoa học chứng minh được mới là chân lý, trong khi cầu nguyện là một mầu nhiệm vượt quá ý thức và vô thức của con người

Có người đánh giá con người theo sản phẩm và thành quả nên cho cầu nguyện là vô ích vì phi sản xuất.

Có người lấy khoái lạc và tiện nghi làm thước đo chân thiện mỹ; thực ra cầu nguyện chính là yêu mến Chân Thiện Mỹ đích thực là chính Chúa.

  người coi cầu nguyện là một cách trốn đời, tránh cuộc sống hiếu động ; thực ra cầu nguyện để xây dựng cuộc sống tốt đẹp theo ý Đấng Tạo Hoá.

Có người cảm nhận mình thất bại trong cầu nguyện: chán nản vì khô khan, buồn phiền vì thiếu thiện chí dâng hiến, thất vọng vì Chúa không ban ơn theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong  tội lỗi nên dị ứng với việc cầu nguyện.

Muốn thắng được những trở ngại này, chúng ta phải chiến đầu để biết khiêm nhường, tín thác và kiên trì.

II. TÂM HỒN KHIÊM TỐN VÀ TỈNH THỨC

Trong cầu nguyện Thiên Chúa luôn đi bước trước trao ban chính mình và khao khát chúng ta sống trong tình yêu của Người để được an bình, hạnh phúc và tự do đích thực. Nhưng để có thể gặp gỡ Thiên Chúa và hiệp thông với Người chúng ta phải đương đầu với những khó khăn và cám dỗ khi cầu nguyện.

Những khó khăn khi cầu nguyện

*  Chia trí:

Khó khăn thường gặp trong cầu nguyện là “chia trí”. Chúng ta không tập trung vào lời đọc và ý nghĩa của lời kinh trong khẩu nguyện (phụng vụ hay cá nhân) ; sâu xa hơn, chúng ta không hướng lòng về chính Đấng mà ta đang gặp gỡ trong khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm.

Chiến đấu cách nào ? Nếu cố gắng xua đuổi chia trí là đã mắc bẫy ma quỉ rồi. Lúc đó, chúng ta chỉ cần trở về với chính lòng  mình, thấy điều lòng ta đang bận tâm, ý thức được điều đó, khiêm tốn hơn trước mặt Chúa, xin Người thanh tẩy và tự  đặt câu hỏi với chính mình để lựa chọn phục vụ ông chủ nào: Thiên Chúa hay cái tôi của mình ? (x.CG 2729).

*  Khô khan:

Những người thành tâm muốn cầu nguyện thường gặp khó khăn là sự khô khan. Tình trạng khô khan thường xẩy đến trong chiêm niệm; khi ta cảm thấy xa cách Chúa, không còn hứng thú với những ý nghĩ hoài niệm và tâm tình thiêng liêng. Đây là lúc chúng ta chỉ còn lấy đức tin mà gắn bó với Đức Kitô trong cơn hấp hối và trong mồ tối. “Hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác.” (Ga 12,24).

Nếu tình trạng khô khan xảy ra vì đức tin của ta thiếu nền tảng vững chắc, vì  Lời Chúa đã rơi xuống đá sỏi, chúng ta cần chiến đấu để hoán cải nội tâm. (CG 2731).

Những cám dỗ khi cầu nguyện

*  Thiếu lòng tin:

Cơn cám dỗ  thường gặp nhất, che đậy khéo léo nhất, là thiếu lòng tin. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, chúng ta thấy có trăm ngàn công việc và lo toan, có lẽ cần phải làm ngay, cần phải ưu tiên hơn cả việc cầu nguyện. Lúc này chúng ta đứng trước một sự chọn lựa dựa vào mình hay dựa vào Chúa.

Thái độ thiếu lòng tin chứng tỏ rằng chúng ta chưa thực sự khiêm tốn: “Không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15,5) (CG 2732).

*  Nguội lạnh

Chúng ta bị cám dỗ về sự nguội lạnh do tính tự cao, thiếu khổ chế, chểnh mảng canh thức, lơ là đời sống nội tâm. “Tinh thần hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41).

Thất vọng, đau khổ là mặt trái của lòng tự cao. Ngược lại, người khiêm tốn không lạ gì về sự khốn cùng của mình, nhờ vậy họ càng thêm lòng trông cậy và kiên trì trong cầu nguyện. (CG 2733).

III. LÒNG TIN TƯỞNG CỦA CON NGƯỜI

Lòng tin tưởng của con cái Thiên Chúa sẽ bị thử thách và được chứng thực “khi gặp gian truân”(Rm 5,3-5). Khó khăn lớn nhất xảy ra khi ta khẩn cầu cho chính mình hay chuyển cầu cho người khác là cảm thấy không được Chúa nhận lời.

Tại sao phàn nàn Chúa không nhận lời?

Khi cầu nguyện và muốn được ngay điều mình xin, chúng ta nghĩ Thiên Chúa là ai? Người là phương tiện để ta sử dụng hay Người là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta? Chúng ta có xác tín rằng: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Những điều chúng ta cầu xin Thiên Chúa có đúng là “những ơn lành cần thiết” không? (x.CG 2735 - 2736).

“Anh em không có là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,2-3). Nếu chúng ta cầu xin với tấm lòng chia năm xẻ bảy như hạng “bất trung” (Gc 4,4), Thiên Chúa không thể nhận lời, vì Người muốn điều tốt lành cho ta, muốn ta được sống. “Hay anh em nghĩ là Lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta ước muốn đến phát ghen lên?” (Gc 4,5). (x.CG 2737).

Chúng ta hãy ước muốn theo Chúa Thánh Thần và chúng ta sẽ được nhậm lời. (CG 2737).

Làm sao để được Chúa nhận lời ?

Chúng ta có thể sống lòng tin tưởng phó thác của người con thảo vì dựa vào hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử và cuộc tử  nạn, Phục Sinh của Đức Kitô. Đối với người tín hữu, cầu nguyện là cộng tác với Chúa Quan Phòng, với ý định yêu thương Người dành cho nhân loại.(CG 2738)

Chúng ta dám tin tưởng sẽ được Chúa nhận lời khi cầu nguyện vì Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng chúng ta và vì Chúa Cha, Đấng đã ban Con Một của Người cho chúng ta, hằng trung tín yêu thương ta. Ơn đầu tiên Chúa ban cho người cầu nguyện là tâm hồn họ được biến đổi.(CG 2739)

Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta và trong chúng ta. Nhờ Người cầu nguyện mà lời cầu xin của chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Khi cầu nguyện nếu chúng ta kết hiệp với lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong lòng tín thác và dạn dĩ của người con thảo, chúng ta sẽ được mọi điều chúng ta cầu xin nhân danh Người. Hơn thế nữa, chúng ta không những nhận ơn này tới ơn khác mà còn nhận được chính Thánh thần là nguồn mạch mọi hồng ân. (x.CG 2740 - 2741)

IV. KIÊN TRÌ TRONG TÌNH YÊU

Lời Chúa khuyến kích chúng ta kiên trì cầu nguyện vì cầu nguyện là nhu cầu sống còn của con người:  “Hãy cầu nguyện không ngừng”(1Tx 5,17). “Hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha, trong mọi hoàn cảnh và về mọi sự” (Ep 5,20).

Hãy cầu nguyện không ngừng

Chúng ta không được truyền dạy là phải lao động, phải canh thức và giữ chay liên lỉ, nhưng chúng ta có luật là phải cầu nguyện không ngừng:. Nhiệt tình cầu nguyện không ngừng chỉ có thể xuất phát từ tình yêu.

Lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện dù đời chúng ta có nhiều bão tố. Thời giờ của người tín hữu là thời giờ của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng “đang ở với chúng ta mỗi ngày” (Mt 28,20) ; thời giờ của chúng ta ở trong tay Chúa.

Cầu nguyện là một nhu cầu sống còn

Cầu nguyện là một nhu cầu sống còn vì nếu không cầu nguyện chúng ta sẽ chết trong tội. Chúng ta có thể thấy ngay bằng chứng ngược lại: nếu không để Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta sẽ lại rơi vào ách nô lệ của tội lỗi; làm sao Thánh Thần có thể trở thành “sự sống” của ta nếu lòng ta xa Người? Thánh An-phong-sô nói: “Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu độ; ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ bị án phạt.”

Cầu nguyện là một nhu cầu sống còn vì cầu nguyện và sống đạo là hai việc không thể tách rời. Cả hai cùng xuất phát từ tình yêu và sự quên mình vì yêu; cả hai cùng nhắm đến chỗ hoà hợp với ý định yêu thương của Chúa Cha trong tâm tình con thảo; cả hai cùng giúp tín hữu hiệp thông với Chúa Thánh Thần để được biến đổi ngày càng nên giống Đức Giêsu Kitô hơn; cả hai cùng thể hiện tình yêu thương mọi người, bắt nguồn từ tình yêu Đức Kitô. “Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy thì Người sẽ ban cho anh em. Điều Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15,16-17). Nói cách khác, nếu không cầu nguyện chúng ta không thể sống yêu thương, chúng ta không thực sự là Kitô hữu.

*

*       *

Tóm lại trong đời sống cầu nguyện, chúng ta phải chiến đấu không ngừng với cái tôi của mình, với những trở ngại, khó khăn, cám dỗ bằng đời sống khiêm tốn, tỉnh thức, tin tưởng và kiên trì để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, hiệp thông với anh em trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

 

Về đầu trang

 

Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh O.P



[1] Benedicto XVI, Bài giảng K. Chiều CN I, MV.2009

[2] Benedicto XVI, Bài giảng K. Chiều CN I, MV.2009

[3] Benedicto XVI, Bài giảng K. Chiều CN I, MV.2009


Các bài viết mới hơn
     TÔN TRỌNG SỰ THẬT_Nt. Maria Nguyễn Thị Hường, OP.

Các bài viết cũ hơn