Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác > Audio

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên

«Người chọn lấy mười hai ông»

Thu 3 tuan XXIII.jpg

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Suy Niệm

Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.

1. Đức Giê-su lên núi

“Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện”. Bởi vì, trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,

được ở trên núi thánh của Ngài.

(Tv 15)

Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,

Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con.

(Tv 18)

Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.

Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.

2. Đức Giêsu “chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”

Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha.

«Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.

Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15).

Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi: ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin «muôn ngàn đời» của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã «là gì», thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi «là gì» rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.

3. Đức Giêsu và các tông đồ xuống núi

Các tông đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện:

Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài,
vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra,
chữa lành hết mọi người.

(c. 19)

*  *  *

Các tông đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô. Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Truyền hình trực tiếp Lễ Lòng Chúa Thương Xót do ĐTC Phanxicô cử hành
     Suy niệm CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT - CN II PHỤC SINH A
     Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh
     Đàng Thánh Giá được Đức Thánh Cha chủ sự vào thứ Sáu 10/04
     LỄ LÁ - CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC GIÊSU
     Gợi ý tĩnh tâm Tuần Thánh: đi vào Cuộc Thương Khó với Chúa
     Thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô trong dịp Tuần Thánh 2020
     ĐHY Comastri: Đức Gioan Phaolô đã biến thánh giá của mình thành tình yêu
     ĐTC Phanxicô (01/04) cầu nguyện cho giới truyền thông
     MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO 05

Các bài viết cũ hơn
     Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Colombia
     Hơn 1 triệu tín hữu dự lễ với Đức Thánh Cha tại Bogotà
     Đức Thánh Cha đến Colombia khởi đầu chuyến viếng thăm 5 ngày
     TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 3/9/2017
     Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống
     TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 27/8/2017
     Mỗi tín hữu là một viên đá nhỏ sống động hũu ích trong toà nhà Giáo Hội
     Thiên Chúa là Cha, Đấng đổi mới mọi sự
     Đức Thánh Cha mời gọi can đảm và kiên trì khi cầu nguyện
     Niềm vui tìm thấy Thiên Chúa