1. Thánh tượng Đức Mẹ Fatima được rước sang Syria
Tính đến đầu
tháng 8 năm nay, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được toàn bộ phần phía Đông
của Syria, tức là hơn một nửa nước Syria và tiếp tục giành được những chiến thắng
vang dội. Quân khủng bố Hồi Giáo IS giờ đây kiểm soát toàn bộ đường biên giới
giữa Syria và Iraq.
Trước tình
cảnh điêu linh của người dân Syria với 4 triệu người phải di tản ra nước ngoài,
7,600,000 người phải tản cư bên trong Syria, hầu hết các thành phố đều bị tàn
phá nặng nề, Đức Giám Mục giáo phận Leiria-Fátima, Bồ Đào Nha, phối hợp với
phong trào Blue Army, hay còn gọi là Đạo Binh Xanh, quyết định đưa thánh tượng
Đức Mẹ Fatima từ Đền Thánh Fatima ở Bồ Đào Nha sang thủ đô Damascus của Syria.
Bộ ngoại
giao Syria hoan nghênh quyết định thể hiện tình liên đới này và cho biết thánh
tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến thủ đô Damascus vào ngày 7 tháng Chín tới đây.
Trong thông
báo về diễn biến này, Đức Cha António Augusto dos Santos Marto của giáo phận
Leiria-Fátima thúc giục Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu “đừng bỏ rơi các nạn
nhân của bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.
Đức Cha
António nói thêm rằng quyết định của ngài là để đáp lại lời mời gọi của các
Giám Mục Trung Đông là những người đang phải đau lòng chứng kiến sự tận diệt
Kitô Giáo trong vùng.
Cách đây gần
2 năm, theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, thánh tượng Đức Mẹ Fatima
đã được đưa ra khỏi Đền Thánh Fatima và đưa về Roma hôm 12 tháng 10 năm 2013
trong nghi thức tái thánh hiến thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ được tổ chức vào
chiều ngày thứ Bẩy 12 và sáng Chúa Nhật 13 tháng 10 tại quảng trường Thánh
Phêrô. Dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh tượng Đức Mẹ Fatima cũng đã được đưa về
Rôma khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cử hành nghi thức phó thác thế giới và
Giáo Hội cho Đức Mẹ, vào ngày 8 tháng 10 năm 2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô,
trước sự hiện diện của 1,500 Giám Mục thế giới.
2. Lần thứ ba Đức Phanxicô được chỉ định trong danh sách
Giải Nobel Hòa Bình
Lần thứ ba
trong ba năm liền, Đức Thánh Cha Phanxicô có tên trong danh sách 20 người có thể
nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2015. Theo Viện Nobel ở Oslo, Đức Giáo Hoàng ở
trong số 273 ứng viên được nhiều tổ chức quốc tế và Á Căn Đình đề nghị.
Đức Giáo
Hoàng Phanxicô trở nên một trong những hình ảnh uy tín nhất trong việc trung
gian hòa giải các vụ tranh chấp và phục hồi. Một trong những việc ngài vừa làm
là giúp Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn 50 năm cắt đứt.
Hội đồng tổ
chức Giải Nobel đã công bố trên trang Web của mình họ đã nhận 273 ứng viên cho
Giải Nobel năm nay của 68 tổ chức và nhân vật trong số ứng viên này có Đức Giáo
Hoàng Phanxicô mà từ năm 2013, ngài luôn được chỉ định để nhận giải.
Ngày 9
tháng 10 sẽ là ngày công bố nhân vật được giải Nobel trong danh sách 20 nhân vật
được đề nghị. Hai tháng sau sẽ là ngày phát giải trong một buổi lễ tổ chức ở
Oslo.
Giải Nobel
Hòa Bình trao cho người nào “làm việc hết sức mình cho tình huynh đệ giữa các
quốc gia, hủy bỏ hay giảm các lực lượng vũ trang hiện có và cổ động cho tiến
trình kiến tạo hòa bình.” Từ khi ông Alfred Nobel thành lập Giải năm 1895, đến
nay, chưa một Giáo hoàng nào nhận được danh dự này.
3. Đức Giáo Hoàng đau lòng trước hai vụ tấn công khủng
bố ở Bangkok, Thái Lan
Sau vụ nổ
bom ngày thứ hai 17 tháng 8 ở Bangkok làm cho hai mươi người chết và một vụ nổ
tiếp theo đó vào ngày thứ ba cũng ở Bangkok, trong một điện tín do Đức Hồng Y
Quốc vụ khanh Parolin ký, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ lời chia buồn với Quốc vương
Thái Lan Bhumibol. Ngài cho biết, “ngài rất đau lòng và tương trợ sâu xa với Quốc
vương và với tất cả các nạn nhân bị tổn thương trong hành động bạo lực này”. Đức
Giáo Hoàng cũng cho biết, ngài sẽ cầu nguyện và cầu xin hòa bình đến với quốc
gia, ngài tỏ lòng quan tâm đến các nhân viên an ninh, những người cứu cấp, họ
phải làm việc hết sức để tìm ra thủ phạm và để giúp đỡ các gia đình có người
thân bị chết, bị thương trong các vụ nổ này.
Chưa có tổ
chức nào nhận mình là người gây ra các vụ nổ này. Cảnh sát Thái Lan đã công bố
hình của người bị tình nghi đặt bom trước đền thờ Erawan ở thủ đô Thái Lan.
Theo chỉ huy trưởng cảnh sát, người bị tình nghi này thuộc về một mạng lưới vì
đương sự không thể nào hành động một mình.
Còn về vụ nổ
thứ nhì, cảnh sát chưa xác nhận vụ này có dính với vụ đầu tiên hay không. Chỉ
huy trưởng cảnh sát cho biết, đây có thể là một hành động bắt chước. Còn về các
thủ phạm thì cảnh sát Thái Lan hoàn toàn bất ngờ, đây là lần đầu tiên một vụ nổ
lớn như vậy xảy ra ở Bangkok, nhiều giả thuyết được nghiên cứu nhưng chưa có một
giả thuyết nào là chính.
4. Điện văn của Đức Hồng Y Pietro Parolin gởi cuộc gặp
gỡ tại Rimini
Trong điện
văn gởi Đức Giám Mục Francesco Lambiasi của giáo phận Rimini, Italia, thay mặt
cho Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chào mừng
Cuộc Gặp Gỡ Rimini lần thứ 36 do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức.
Phong trào
Hiệp Thông và Giải Phóng đã được thành lập bởi Tôi Tớ Chúa là Cha Luigi
Giussani sinh năm 1922 và qua đời năm 2005. Tiến trình phong chân phước cho
ngài đang trong giai đoạn khởi sự.
Chủ đề của
hội nghị năm nay được trích từ một câu thơ của thi sĩ Ý Mario Luzi: “Điều đang
thiếu vắng đây là một con tim, mà khi có được mọi sự sẽ đột nhiên đầy tràn”
Trong thông
điệp của mình, Đức Hồng Y Parolin phản ánh về tình trạng những con trái tim
trong đó người ta cố dập tắt những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.
“Thiên
Chúa, Đấng là Mầu Nhiệm vô hạn, cúi xuống trên những khao khát Thiên Chúa khôn
nguôi của nhân loại, và đưa ra những câu trả lời mà tất cả họ đang chờ đợi dù họ
không thực nhận ra và vẫn mải mê tìm kiếm thành công, tiền bạc, quyền lực, ma
túy các loại, cho những ham muốn nhất thời của họ”
Ngài viết
tiếp:
“Chỉ có những
sáng kiến của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa mới có thể lấp đầy con tim; và Ngài đã
đến gặp chúng ta, để được tìm thấy bởi chúng ta như một người bạn. Và như vậy,
chúng ta có thể nghỉ ngơi ngay cả giữa cơn cuồng phong, bởi vì chúng ta chắc chắn
về sự hiện diện của Ngài bên cạnh chúng ta”.
Cuộc Gặp Gỡ
Rimini lần thứ 36 đã diễn ra từ 20 đến 26 tháng 8.
5. Hải quân Italia vớt 4,400 người di cư trong một ngày
Những chiến
thắng dòn dã vang dội của quân khủng bố Hồi Giáo IS diễn ra trước sự dửng dưng
của thế giới đã khiến giấc mơ trở về mái nhà xưa của người tị nạn Iraq và Syria
ngày một xa vời.
Thật vậy,
hôm thứ Năm 6 tháng 8, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bất ngờ mở cuộc tấn công dữ
dội vào al-Qaryatayn, một thị trấn miền trung Syria nơi có 15,000 dân phần lớn
là các tín hữu Kitô, và bắt đi hàng trăm cư dân của thị trấn này. Diễn biến này
đang gây ra một làn sóng chạy nạn Hồi Giáo mới và những vụ liều chết vượt biển
Địa Trung Hải vào Âu Châu của những người tị nạn nay đã mất hết mọi hy vọng nơi
quê hương họ.
Hôm 22
tháng 8, các lực lượng Italia trong một nỗ lực phi thường đã giải cứu 4,400 người
di cư từ các tàu thuyền trong Địa Trung Hải chỉ trong một ngày duy nhất. Đây là
con số lớn nhất trong lịch sử phản ánh tình trạng trầm trọng của thảm họa nhân
đạo đang diễn ra tại Trung Đông.
Các quan chức
cho biết trong ngày Chúa Nhật thêm ba tầu cứu nạn đã được tung ra để cứu vớt
các thuyền nhân.
Hải quân
Italia cho biết hôm 22 tháng 8 họ đã nhận được những lời kêu cứu khẩn cấp của
22 tàu, hoặc những thuyền đánh cá bằng gỗ mong manh. Tất cả đều đang gặp nguy
hiểm vì chở quá đông, thiếu thiết bị an toàn cơ bản trong điều kiện thời tiết rất
xấu.
Các tàu tuần
duyên bảo vệ bờ biển Ý, hải quân và cảnh sát hải quan đã được lệnh tham gia vào
các hoạt động cứu người cùng với tầu Siem Pilot của Na Uy, tầu Niamh của Ái Nhĩ
Lan, và tầu tìm kiếm cứu nạn Triton của Liên Hiệp Châu Âu.
Những người
di cư được giải cứu sẽ được gửi tại các trại tị nạn miền nam Ý, nâng tổng số những
người tị nạn trên đất Italia lên đến 108,000 người.
6. Tình hình người tị nạn Trung Đông
Kính thưa
quý vị và anh chị em,
Trước một
làn sóng chạy nạn Hồi Giáo mới, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra những
thống kê cho thấy tình trạng bi đát của vùng này.
Đoạn video
quý vị và anh chị em đang xem thấy đây ghi lại tình cảnh gian nan giữa cái nóng
sa mạc chói chang, hàng chục ngàn người đã phải bỏ chạy về phía biên giới với
Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng cõng trên lưng những gì là quý giá nhất đối với họ.
Đây là những
hình ảnh những người tị nạn Syria mệt mỏi đang băng qua biên giới vào bên trong
Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay 4 triệu người Syria đã phải bỏ nước ra đi. Cả 1 triệu
người đã phải chạy qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng và Jordan trong 10
tháng vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chỉ riêng từ đầu tháng 8 đến nay đã có
24,000 người Syria tràn vào lãng thổ của họ. Nhiều người đã rất già và cả những
trẻ sơ sinh cũng phải trải qua một cuộc hành trình gian khổ.
Trong năm
2014 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia có đông người tị nạn nhất trên
thế giới với hơn 2 triệu người tị nạn trong đó 1.8 triệu là người Syria.
Li Băng đã
mở rộng vòng tay đón tiếp 1,172,000 (một triệu một trăm bảy mươi hai ngàn người
tị nạn Syria). Đất nước chỉ có 4 triệu dân nay có tới hơn 6 triệu dân.
Trong khi đó,
629,000 người Syria đã xin tị nạn tại Jordan và đang sinh sống trong những hoàn
cảnh rất cơ cực. 86% phải sống bên ngoài các trại tị nạn ở dưới mức nghèo cơ cực
với 3.2 Mỹ Kim một ngày cho một gia đình.
Nhiều người
liều chết vượt biển Địa Trung Hải vào Âu Châu. Tuy nhiên, đa số vẫn sống cơ cực
trong vùng. Con số những người tị nạn Syria không ngừng gia tăng. Cho đến cuối
năm nay có lẽ con số những người tị nạn Syria sẽ lên đến 4,270,000 người. Bên cạnh
đó, ít nhất 7,600,000 người phải di tản bên trong Syria.
7. Tưởng niệm 10 năm thầy Roger Schutz bị sát hại
Lễ tưởng niệm
10 năm vị sáng lập tu viện đại kết Taizé là thầy Roger Schutz bị sát hại đã được
cử hành ngoài trời tại Taizé bên Pháp, trước sự tham dự của 7 ngàn bạn trẻ quốc
tế, gần 100 tu huynh và khoảng 100 đại diện các Giáo Hội Kitô và tôn giáo khác,
trong đó có Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín
hữu Kitô, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ban sáng
ngài đã chủ sự thánh lễ Công Giáo tại Nhà thờ Hòa giải ở Taizé và trong buổi lễ
tưởng niệm ban chiều do thầy Alois Tu viện trưởng Taizé chủ sự, Đức Hồng Y đã đọc
thư cám ơn của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Vào tối
ngày 16 tháng 8 năm 2005 trong một buổi cầu nguyện chung, một phụ nữ người
Rumani bị bệnh tâm trí đã đâm thầy Roger nhiều nhát dao khiến thầy từ trần ngay
sau đó.
Lễ tưởng niệm
thầy Roger cũng là dịp kỷ niệm 75 năm thầy thành lập Tu viện đại kết Taizé.
Dịp này, Đức
Hồng Y Kurt Koch ca ngợi tu viện đại kết Taizé “như một phòng thí nghiệm, nơi
các bạn trẻ có thể dấn thân đối thoại liên tôn”. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh
Cha Phanxicô về quan hệ chặt chẽ của ngài với Taizé và Đức Hồng Y cũng tái khẳng
định sự gần gũi của ngài với tu viện đại kết này, một nơi có linh đạo sâu xa.
8. Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên
Lúc 16h ngày
20 tháng 8, Quân đội Bắc Triều Tiên đã bắn nhiều quả đạn pháo vào lãnh thổ Nam
Triều Tiên. Bộ quốc phòng Hán Thành cho biết miền Nam đã bắn trả bằng một loạt
đạn đại bác trong nhiều giờ.
Ngày hôm
sau nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là Kim Jong-un hay còn gọi là Kim Chính Ân đã
ra lệnh cho quân đội đặt trong tình trạng thời chiến.
Diễn biến
này xảy ra chỉ vài tuần trước khi Triều Tiên kỷ niệm 75 năm ngày chia đôi đất
nước vào ngày 8 tháng 9 năm 1945.
Dân chúng
Nam Triều Tiên đã xuống đường hô vang các khẩu hiệu đả dảo và đốt các hình nộm
của Kim Jong-un.
Trong khi
đó, Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành đã kêu gọi người
Công Giáo cầu nguyện cho hòa giải nhân kỷ niệm năm thứ 70 chia cắt hai miền Nam
Bắc Triều Tiên. Ngài viết trong thư mục vụ gởi hàng giáo sĩ và anh chị em tín hữu
của tổng giáo phận:
"Là
Kitô hữu, một trong những điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là cầu nguyện.
Trong thời gian chia cách, chúng ta được mời gọi cầu nguyện liên liên lỉ cho
hòa giải và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như cho hòa bình ở châu Á,
và trên thế giới. Qua lời cầu nguyện, chúng ta xin cho đất nước chúng ta có thể
có một sự khởi đầu mới cho hòa bình và hòa giải, để lại sau lưng mọi nghi kỵ và
hận thù."
9. Vài nét về lịch sử cận đại của bán đảo Triều Tiên
Kính thưa
quý vị và anh chị em,
Cách đây 70
năm ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945 đã xảy ra các vụ bỏ bom nguyên tử
kinh khủng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Ngày 9 tháng 8 năm 1945,
xe tăng Liên Xô tràn vào miền Bắc Triều Tiên từ miền Siberia và gặp rất ít sức
kháng cự. Ngày 15 tháng 8, Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Tương quan lực lượng giữa
các cường quốc trên thế giới đã dẫn đến việc chia cắt hai miền Nam Bắc Triều
Tiên dọc theo vĩ tuyến thứ 38 với quân Sô Viết kiểm soát phía Bắc và Hoa Kỳ
đóng quân ở Miền Nam.
Tháng 12
năm 1945, một hội nghị đã được mở ra tại Mạc Tư Khoa để bàn về tương lai của quốc
gia này. Đứng trước những bế tắc của hội nghị, tháng 9 năm 1947, Hoa Kỳ đưa vấn
đề Triều Tiên ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Năm 1948, cộng
sản thiết lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên ở Miền Bắc đặt thủ đô tại
Bình Nhưỡng trong khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ thừa nhận Cộng Hòa Đại
Hàn tại Hán Thành.
Ngày 25
tháng 6 năm 1950, cộng sản vượt vĩ tuyến thứ 38 tràn xuống phía Nam chiếm được
thủ đô Hán Thành và gần trọn lãnh thổ phía Nam. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy
quyền cho Hoa Kỳ đẩy lui các lực lượng Bắc Triều Tiên.
Trung quốc
xua quân vào can thiệp. Chiến tranh giằng dai cho đến ngày 27 tháng 7 năm 1953
mới kết thúc với con số người thiệt mạng lên tới 178,426 người, 32,925 người mất
tích và 566,434 người bị thương.
10. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle nói: Các trường đại học
Công Giáo phải là khí cụ truyền giáo
Các trường
đại học Công Giáo “phải là các tổ chức truyền giáo. Các trường phải là những
công cụ truyền giáo của Giáo Hội". Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng
giám mục Manila cho biết như trên tại một hội nghị ở Jakarta, Indonesia.
Chủ đề của
hội nghị là "Ex Corde Ecclesiae", là tên một Tông Hiến do Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 15 tháng 8 năm 1990, trong đó xác định nhiệm
vụ của các trường đại học Công Giáo. Đây cũng là một phần trong một loạt các
bài suy tư về giáo dục đại học Công Giáo ở Indonesia dưới bảo trợ của Đại học
Công Giáo Atma Jaya, phía Nam Jakarta, nhân dịp 55 năm trường này được thành lập.
Đây là chuyến
thăm Indonesia đầu tiên của Đức Hồng Y Tagle, chủ tịch Caritas Internationalis.
Bàn về những cơ hội và những thách đố mà các tổ chức Công Giáo trên thế giới
nói chung và đặc biệt là các trường Đại Học phải đối mặt, Đức Tổng Giám Mục thủ
đô Phi Luật Tân nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của các tổ chức Công Giáo là đem Tin Mừng
đến với tất cả các nhóm xã hội. Trong bối cảnh đó, các trường Đại Học
"không chỉ dành riêng cho những người có khả năng chi trả các chi phí giáo
dục."
Khi đề cập
đến một số yếu tố của thông điệp Laudato Sí, ngài lưu ý rằng "Tiếng kêu của
trái đất đi kèm cùng với tiếng kêu của người nghèo. Vì vậy, một trong những
nghĩa vụ của các trường đại học Công Giáo là chăm sóc cho môi trường. "
Đối với Đức
Tổng Giám Mục Manila, khoa học và công nghệ phải khiêm tốn, lắng nghe và suy ngẫm,
để học hỏi từ những người dân nghèo và dân bản địa.
11. Hơn 60,000 tham gia vào cuộc biểu tình đòi chính phủ
Mỹ ngưng tài trợ cho tổ chức kế hoạch hóa gia đình Planned Parenthood
Hơn 60,000
người đã tham gia vào các cuộc biểu tình được tổ chức vào ngày 22 tháng 8 ở
hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ. Những người biểu tình đã yêu cầu chấm dứt
việc chính phủ lấy tiền thuế của dân tài trợ cho tổ chức kế hoạch hóa gia đình
Planned Parenthood.
Các cuộc biểu
tình đã diễn ra ở hơn 300 địa phương khác nhau, chủ yếu là ở bên ngoài các
phòng khám của Planned Parenthood.
Những cuộc
biểu tình này của dân chúng Hoa Kỳ đã được tổ chức sau khi một loạt các đoạn
video được tung lên Internet cho thấy Planned Parenthood tham gia vào việc bán
các mô thu hoạch từ các em bé bị phá thai.
12. Thủ tướng Ai Cập lên án chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo
Thủ tướng
Ai Cập Ibrahim Mahlab đã lên án chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo trong một cuộc họp
gần đây với sự tham dự của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong vùng.
"Cả thế
giới đang phải đối mặt với một tình trạng hỗn loạn chưa từng có do sự hiện diện
của các nhóm cực đoan, trong khi mạng sống và phẩm giá nhiều người thường dân bị
chà đạp".
Ông nói:
"Ai Cập đang quyết tâm chống chủ nghĩa cực đoan, và đang đưa nhiều nỗ lực
để đối phó với nó, với sự giúp đỡ của các tổ chức tôn giáo."
Mahlab ca
ngợi các nhà tổ chức hội nghị vì sự tận tụy của họ cho "một khuôn mặt xứng
đáng của Hồi giáo, và giúp đỡ những người Hồi giáo chống lại những nguy hiểm
trong việc tìm kiếm những ý tưởng cực đoan."
13. Các Giám mục Nam Phi kêu gọi các công ty khai thác
mỏ đừng sa thải công nhân
Người lao động
tại các công ty khai thác mỏ hoạt động tại Nam Phi đang đối mặt với những nguy
cơ bị sa thải hàng loạt. Đứng trước tình trạng đáng buồn này, Ủy ban Công Lý và
Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Phi đã kêu gọi các công ty làm mọi
cách để đừng sa thải công nhân.
"Trong
bối cảnh giá cả hàng hóa xuống thấp, một số nhà khai thác mỏ nói với chúng tôi
rằng khai thác mỏ là một doanh nghiệp, không phải là một tổ chức từ thiện, nếu
không có lời bao nhiêu thì chúng tôi đóng cửa, đầu tư vào chuyện khác. Chúng
tôi cũng được bảo cho biết rằng trong việc khai thác mỏ chủ yếu là phải kiểm
soát được chi phí, bao gồm chi phí lao động, và vốn cố định như tài sản, máy
móc để đạt được lợi nhuận tốt nhất cho các cổ đông là các nhà cung cấp vốn."
“Ủy ban thấy
cần nhắc nhở các ngành công nghiệp rằng trong những thời gian khai thác khó
khăn, ít lời, họ cũng phải nhớ đến các công nhân, đặc biệt là đời sống của những
người lao động, là những người đã giúp các công ty khai thác mỏ tạo ra những nguồn
lợi nhuận khổng lồ cho các cổ đông trong năm siêu lợi nhuận".
Ủy ban kết
luận rằng:
"Chúng
tôi đã luôn luôn nhấn mạnh rằng việc khai thác phải hướng về thiện ích chung –
chứ không chỉ vì lợi nhuận các cổ đông"