Trang Chủ > Giáo Lý > Dự Tòng

Bài đọc thêm

NGHI THỨC GIA NHẬP KITÔ GIÁO

Nói đến nghi thức gia nhập Kitô giáo, bạn đừng xem đó như việc gia nhập một lớp nghệ thuật, một môn học... hay tệ hơn, như việc gia nhập một đảng phái: những ý niệm đó không có tính cách tôn giáo. Còn đây là việc thực hành một truyền thống lâu đời của Hội Thánh, một quãng đường phải đi, để nhờ các nghi thức phụng vụ, bạn được từng bước dẫn vào Hội Thánh để sống đức tin của Dân Thiên Chúa.

Nghi thức gia nhập Kitô giáo ban cho người dự tòng gồm liên tiếp 3 Bí tích: Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức và Bí tích Thánh Thể.

Theo sắc lệnh của Thánh Bộ về phượng tự đề ngày 06.01.1972, có hai nghi thức nhập đạo của người lớn:

- Nghi thức theo từng giai đoạn.

- Nghi thức đơn giản.

Có lẽ phần đông các nơi đều cử hành theo nghi thức đơn giản, nên chúng tôi trao đổi với bạn theo nghi thức đơn giản này.

Nghi thức đơn giản nhập đạo của người lớn được tổ chức trong Thánh Lễ thường gồm các phần sau đây:

1. Nghi thức tiếp nhận

Đón tiếp ở cửa nhà thờ: nhà thờ là hình ảnh Hội Thánh. Các nghi thức phụng vụ thường được cử hành trong nhà thờ cũng có nghĩa là các nghi thức được cử hành trong Hội Thánh. Bạn được đón tiếp ở cửa nhà thờ có nghĩa là bạn được đón nhận vào Hội Thánh, được nhận là một phần tử của Hội Thánh, được sinh hoạt trong Hội Thánh.

2. Phụng vụ Lời Chúa

Khi vào trong nhà thờ, bạn được lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng: đó là các bài đọc Thánh Kinh và lời diễn giảng của Linh mục chủ sự. Tiếp theo là lời cầu xin và xức dầu dự tòng.

Dầu có nhiều ý nghĩa tùy theo được dùng trong Bí tích nào. Cách chung, dầu là một thực phẩm nuôi sống; dầu là vị thuốc xoa bóp giảm đau; dầu tăng cường sự dẻo dai cho bắp thịt; dầu lựng ngát hương thơm.

Xức dầu để thông ban niềm vui, để thánh hiến (xức dầu bàn thờ, chén lễ...), để trao nhiệm vụ (nghi lễ truyền chức, xưa kia xức dầu phong vương x. Xh 29,36-59; 1 S 10,1; 1 V 1,39).

3. Nghi lễ Rửa tội

Đây là nghi lễ cốt yếu của buổi lễ: chính nghi lễ này làm cho bạn trở nên con Chúa và con Hội Thánh, được thông phần 3 chức vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả của Chúa Kitô.

Trước khi lãnh nhận nước Rửa tội, bạn công khai long trọng tuyên bố từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng Đức tin.

Sau khi được trở nên con Chúa và con Hội Thánh, bạn được lãnh nhận áo trắng và nến sáng:

- Áo trắng: Bạn đã trở thành tạo vật mới của Chúa Kitô, bạn phải giữ gìn đời sống mới thanh khiết luôn như tấm áo trắng này.

- Nến sáng: Bạn đã được Chúa Kitô soi sáng và trở nên ánh sáng của Chúa Kitô, bạn hãy luôn đi trong ánh sáng Chúa Kitô và cố gắng sống tốt để đời bạn chiếu sáng người khác.

4. Cử hành Bí tích Thêm sức

Sau lời nhắn nhủ, nghi thức Thêm sức gồm việc đặt tay, cầu nguyện và xức dầu hiến thánh.

Đặt tay: Đặt tay trên ai là chỉ sở hữu người ấy, người ấy thuộc về mình, là thông truyền một sức sống mới, một nhiệm vụ: Môsê thông truyền Thần Khí khi đặt tay trên Josuê để kế vị ông (x. Tl 34,9); các tông đồ đặt tay ban Chúa Thánh Thần trên các thụ nhân (x. Cv 8,7). Ai được đặt tay là người ấy được thấm nhuần quyền lực Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện: Linh mục chủ sự nài xin Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào ơn Chúa Thánh Thần xuống trên người vừa được tái sinh trong cuộc sống mới.

Xức dầu hiến thánh: Nhờ việc xức dầu này Chúa Thánh Thần ghi ấn tín thiêng liêng không thể xóa nhòa vào linh hồn bạn, trao cho bạn nghĩa vụ trở nên chứng nhân đức tin và làm việc tông đồ truyền giáo.

5. Cử hành Bí tích Thánh Thể

Bạn được tham dự thánh lễ lần đầu tiên với tư cách người con Chúa, con Hội Thánh. Rồi bạn được hiệp lễ. Đây là hồng ân lớn lao Chúa ban cho bạn, là phần thưởng quí giá nhất của những năm tháng học và tập sống đạo. Thánh Giám mục Ambrôsiô mô tả niềm hạnh phúc của người vừa được tái sinh tiến lên hiệp lễ như sau: “... Anh em đã cởi bỏ những sai lầm xưa kia, tuổi thanh xuân của anh em được đổi mới như tuổi trẻ của Phụng hoàng. Anh em vội vã tiến lên Bàn Tiệc Nước Trời. Và khi thấy bàn thờ được dọn sẵn, anh em kêu lên: Chúa đã dọn sẵn trước mặt tôi một bàn tiệc”.

Niềm vui ấy được biểu lộ qua việc bạn mặc áo trắng, tay cầm nến sáng, nét mặt hân hoan tiến lên cung thánh hiệp lễ.

Sau thánh lễ, bạn nên đến tòa Đức Mẹ, người Mẹ đã âm thầm, nhưng thực đắc lực cưu mang bạn trong đức tin và giúp bạn được tái sinh làm con Chúa, con Hội Thánh. Bạn nhờ Mẹ cảm tạ Chúa vì hồng ân trọng đại bạn lãnh nhận hôm nay. Bạn xin Mẹ giúp bạn sống mãi trong tình con thảo đối với Chúa và Hội Thánh, giúp bạn trở nên phần tử tốt, nhiệt thành trong cộng đoàn giáo xứ vừa đón nhận bạn.

Từ đây bạn là người Công giáo thực thụ, có mọi quyền lợi và nghĩa vụ của một tín hữu Chúa Kitô.

Chúc bạn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI DẠY GIÁO LÝ DỰ TÒNG_Maria Trúc Anh. OP
     DÀN BÀI SƯ PHẠM MỞ ĐẦU GIÁO LÝ DỰ TÒNG
     BÀI 34 : BÍ TÍCH HÔN PHỐI
     LỜI CHA CHUNG GIÁO PHẬN
     NHỮNG KINH CẦN THUỘC
     BÀI 36 : TRỜI MỚI, ĐẤT MỚI
     BÀI 35 : TỨ CHUNG
     BÀI 33 : BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
     BÀI 32 : BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
     BÀI 31 : BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Các bài viết cũ hơn
     BÀI 30 : THÁNH LỄ
     BÀI 29 : BÍ TÍCH THÊM SỨC
     BÀI 28 : BÍ TÍCH RỬA TỘI
     BÀI 27 : ƠN CHÚA VÀ BÍ TÍCH
     BÀI 26 : NĂM PHỤNG VỤ
     BÀI 25 : ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM HỘI THÁNH
     BÀI 24 : CÁC CHỨC VỤ CỦA HỘI THÁNH
     BÀI 23 : CÁC ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
     BÀI 22 : MẦU NHIỆM HỘI THÁNH
     BÀI 21 : CHÚA THÁNH THẦN - HỒN SỐNG CỦA HỘI THÁNH