Trang Chủ > Truyền Giáo > Hoạt Động

NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH ĐỐ CỦA HIỆN TƯỢNG “TOÀN CẦU HÓA”

 

Maria Đặng Thị Ánh Nga

 

1. Thực trạng của người trẻ Việt Nam

sinhvien.jpgTrước năm 1990, dưới tác động suy thoái của nền kinh tế thị trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu cuộc sống cơ bản của con người, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cách sống, lối suy tư và các sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Đặc biệt đối với người trẻ Việt Nam, xem ra hoàn cảnh này đã làm cho họ rơi vào trạng thái “âm thầm” hơn. Nhưng dưới cái nhìn của đức tin, có lẽ không có biến cố nào xảy ra mà không có ý nghĩa đối với chúng ta: nhờ có chính sách đổi mới của chính phủ trong việc hợp tác kinh doanh, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp Hội các nước Đông Nam Á vào năm 1995 và gia nhập WTO (Tổ chức mậu dịch quốc tế) vào ngày 7 tháng 11 năm 2006.  Từ đó, nền kinh tế của đất nước Việt Nam dần dần được phát triển một cách nhanh chóng.

Những người trẻ được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước đang trên đà hội nhập với các thị trường trên thế giới được gọi với cái tên là “thế hệ @”.  Tuy vậy, cuộc sống của các thế hệ trẻ tại Việt Nam còn có nhiều chênh lệnh rõ ràng giữa những người trẻ sống tại các miền nông thôn và những người trẻ sống tại các đô thị.  Những khác biệt đó có thể là mức độ sống, trình độ học vấn, những cơ hội thuận tiện trong công ăn việc làm, .v.v…  Theo con số thống kê trong năm 1999, những nhà nghiên cứu  cho thấy con số các bạn trẻ sống tại thành thị trên 21 % (21.35% = 8,629,111); ngược lại, đã có tới gần 79%  (78.65% = 31,790,522) các bạn trẻ sống ở nông thôn.[1]  Đây là một trong những hiện tượng của “toàn cầu hóa”.

Thật vậy, tất cả chúng ta đang sống trong thời đại của toàn cầu hoá, nên dù muốn dù không, người ở thành thị hay ở nông thôn đều chịu ảnh hưởng rất lớn do áp lực của  hiện tượng này.  Vậy, tòan cầu hóa đã và đang đem lại những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực như thế nào đến người trẻ việt Nam hôm nay?

 2.   Những ảnh hưởng của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa về bản chất là sự mở rộng thị trường ra ngoài biên giới quốc gia, một mong muốnglobalization.jpg hiển nhiên của những quốc gia có nền kinh tế mạnh hơn, sản xuất được nhiều hàng hóa hơn so với các nước khác.”[2]Nó cũng là một xu thế khách quan, có tác động mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân con người. Sự tác động của nó có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực.”[3]. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong phần này:

Theo ông J. McGovern, người chịu trách nhiệm của tập đoàn phát triển công nghệ thông tin nhận định rằng: “Theo tôi, người trẻ Vịêt Nam rất thông minh… Tôi rất có ấn tượng khi được trò chuyện với họ… Một điểm nữa là họ rất có óc sáng tạo trong việc kinh doanh”[4].  Cùng với quan điểm của ông J. McGovern, tôi cũng nhận thấy người trẻ Việt Nam tiếp cận với các công nghệ kĩ thuật số như: internet, điện thoại di động, việc kinh doanh v.v… một cách  nhanh chóng.  Như vậy, họ rất nhạy cảm, sáng tạo và luôn bắt kịp tần số thay đổi của thế giới toàn cầu.

Về việc nhận thức quá khứ trước những năm 1975 của người trẻ Việt nam hôm nay sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng cũng có nhiều thay đổi hoàn toàn.  Họ lạc quan và tự tin hơn trong cách thể hiện chính mình.  Hiện tượng này cho thấy nơi người trẻ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để khám phá những điều mới mẻ; nhưng đồng thời cũng làm nổi lên không ít đến những vấn đề tiêu cực liên quan đến hiện tượng “toàn cầu hoá”.  Chẳng hạn như mức sống của người trẻ ngày nay càng cao hơn[5], thì họ lại càng dễ cuốn theo lối sống thực dụng nhiều hơn. Cụ thể là gần đây nhất xuất hiện  mốt thần tượng các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ… Cứ thế thì xem ra nhu cầu giải trí của các bạn trẻ ngày càng gia tăng.

Tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại: họ có cơ hội học hiểu, nắm bắt những thông tin cách nhanh chóng và phong phú nhưng lại thiếu những thông tin bổ ích có thể hướng dẫn họ phân biệt được đâu là “ vàng lẫn giữa đồng thau” .  Cụ thể như từ mạng internet, họ dễ dàng khám phá nhiều điều hay và mới mẻ trên toàn thế giới  nhưng ngược lại, họ cũng dễ dàng truy cập những tư liệu không lành mạnh, không phù hợp cho lứa tuổi thanh thiếu niên của họ.

Nhìn chung, giới trẻ hiện nay tương đối có trình độ học vấn cao hơn các bậc cha mẹ, họ cũng có những mối tương quan, giao tiếp rộng rãi hơn nhưng tương quan gần gũi giữa các thành viên trong gia đình: giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau đang bị mất dần đi. Tình trạng này xảy ra không chỉ do sự ham vui của những người trẻ, nhưng càng trở nên tệ hại hơn khi các bậc cha mẹ thiếu quan tâm giáo dục và nuôi dưỡng tình thân hữu trong gia đình, mà lưu tâm đến công việc, lo tìm kế sinh nhai. Khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng xa thì lẽ đương nhiên cha mẹ và con cái khó có thể hiểu nhau.[6]  Việc này dễ dẫn đưa người trẻ đến vực thẳm của các tệ nạn xã hội.  Về vấn đề này, đã có nhiều người cho rằng: “người trẻ ngày nay sống phi luân lý, thiếu giáo dục, quên đạo hiếu làm con, không tôn trọng cha mẹ và người lớn… Người trẻ ngày nay ảnh hưởng nhiều không phải từ phía gia đình nhưng do bạn bè, vì thế người trẻ càng gây ra nhiều tệ nạn xã hội hay thiên về bạo lực, băng đảng”[7].

Dù sao thì người trẻ ngày nay vẫn có một chỗ đứng riêng của họ trong xã hội, nhất là vấn đề tự lực cánh sinh nhiều hơn ngày xưa.  Với thế giới ngày càng có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, người trẻ càng có nhiều cơ hội phát triển tài năng trong những nghành nghề mang tính chuyên nghiệp, nhưng những cơ hội đó thường đến với những bạn trẻ ở thành phố nhiều hơn miền quê. Khỏang cách đó ngày càng rộng hơn. Và đây cũng là nguyên nhân tại sao nhiều bạn trẻ tại các vùng nông thôn đổ xô lên thành phố tìm việc làm, học hành và mong có được một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Dòng chảy di dân cũng mang lại không ít những vấn nạn cho xã hội .Một mặt, làng xã, nông thôn thiếu nguồn nhân lực trẻ, từ đó nảy sinh những vấn đề về gia đình, văn hoá và xã hội. Mặt khác tại thành phố dân số tăng lên cách bất ngờ với hàng ngàn, hàng triệu người đến từ các vùng nông thôn. Lực lượng lao động trẻ tràn vào cũng đem lại nhiều lợi ích trong sự phát triển kinh tế, nhưng cũng là nguyên nhân chính gây nên bao tệ nạn của cả xã hội Việt Nam. Quan hệ trước hôn nhân, hay “ ăn cơm trước kẻng” là điều cấm kị trong tryền thống của người Việt Nam. Bây giờ đang lan rộng khắp nơi  như một dịch bệnh.[8] Nạn mại dâm, nghiện ma tuý và trộm cướp ngày càng gia tăng. Số lượng các bạn trẻ thanh thiếu niên nạo phá thai và nhiễm HIV- AID mỗi năm tăng lên rất cao. Theo thống kê của bộ y tế, trong năm 2003 có khoảng 14,460 so với năm 2002 là 9501. Có nghĩa là cứ mỗi ngày có từ 40 – 120 người Việt Nam nhiễm HIV.[9]  Những vấn đề nảy sinh trên đây trong khung cảnh “toàn cầu hóa” đã luôn trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ đối với những người có trách nhiệm trong gia đình, xã hội mà thôi, nhưng còn là mối bận tâm lo lắng của toàn thể Hội thánh về con người trong thời đại hôm nay với những thách đố đang đến với họ.

 3.  Những thách đố cho người trẻ công giáo Việt nam

gioi-tre-cong-giao.jpgSống trong cùng một ngôi nhà là thế giới, người trẻ Việt Nam nói chung và các bạn trẻ kitô giáo nói riêng cũng không nằm bên lề của thế giới trước những ảnh hưởng của “toàn cầu hoá”. Trước mắt là chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang “ ăn” sâu vào đời sống người trẻ kitô giáo: tình tương thân-tương ái và chia sẻ ý nghĩa cuộc sống hằng ngày đang dần dần mất đi. Có biết bao bạn trẻ công giáo hiện nay đang rơi vào tinh trạng nghiện ngập ma tuý, nhiễm HIV vì không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, chán chường với hiện tại, với gia đình, xã hội. Những bạn trẻ khác thì ra sức chạy đua với tiền tài, địa vị, kiến thức, danh vọng xã hội để lấp đầy cuộc sống của mình.  Giờ đây, vật chất đối với họ là trên hết nên hậu quả là họ bỏ bê, chểnh mảng việc bổn phận chăm lo đời sống thiêng liêng rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh là kitô hữu.  Ở một vài giáo xứ quanh đây, người ta chẳng còn thấy bóng bạn trẻ đi tham dự thánh lễ hàng tuần. Và nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là “xe ôm”, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho xong…. Nói chung là dự lễ cho qua hay cho xong bổn phận.

Có lẽ cũng do ảnh hưởng của “toàn cầu hóa” mà người trẻ hôm nay dường như đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những lối cử hành thánh lễ buồn tẻ.  Điều này có thể thấy rõ vào những ngày lễ Chúa Nhật, các bạn trẻ thường đi tới các các giáo xứ có thánh lễ long trọng, bài giảng thật hấp dẫn và sống động, ca đoàn hát hay…. dễ làm thu hút họ.  Họ bỏ giáo xứ mình và đến với những giáo xứ khác, nơi có nhiều hoạt động xã hội để họ có thể đóng góp, chia sẻ điều mình có.  Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ đã trở thành những cộng tác viên rất đắc lực trong công tác tông đồ và những hoạt động từ thiện của giáo xứ mình[10].

Trước những thách đố này, việc sống giá trị theo tinh thần của Tin Mừng thật là khó.  Vấn đề cần đặt ra cho những người có trách nhiệm với con cái mình là làm thế nào để “ người trẻ có thể là chính họ, người trẻ có thể nhận ra được những giá trị: công bằng và hoà bình…; có tấm lòng bao dung để đón nhận anh em, bạn bè và có tình hiệp nhất”[11].  Làm thế nào để họ là những người công giáo tốt, sống cho đức tin và là chứng nhân đích thực của Đức Kitô trong xã hội hôm nay. 

4.  Những đóng góp của giới trẻ trong giáo phận Xuân lộc

Nhận định và nêu ra những ảnh hưởng của “toàn cầu hóa” trên đây, chắc chắn không phải chỉ để nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực của người trẻ mà thôi.  Trái lại, người trẻ còn là những con người làm nên lịch sử: lịch sử của một dân tộc, một giáo phận.20701366_images1326070_a1.jpg

Xuân Lộc là một trong những địa phận lớn nhất trong Hội thánh Việt Nam đứng sau giáo phận Hồ Chí Minh, với hơn 700.000 giáo dân. Trong đó, giáo xứ Hà Nội của tôi cũng là một trong những giáo xứ lớn nhất với hơn 14.000 giáo dân thuộc địa phận Xuân Lộc.  Trong giáo xứ Hà Nội, có khoảng hơn 2500 bạn trẻ là người công giáo.  Các bạn hầu hết là học sinh, sinh viên hay công nhân viên nên việc học hành và việc làm tại các công sở chiếm hầu hết thời gian của họ. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ chỉ có thể có mặt tại nhà xứ vào những ngày Chúa Nhật; còn những bạn khác có khi phải làm việc hay tăng ca cả ngày Chúa Nhật.  Tuy bận rộn như thế, nhưng cũng có nhiều bạn trẻ rất tích cực tham gia công tác mục vụ của giáo xứ như: dạy giáo lý, tham gia ca đoàn hay các ban ngành của giới trẻ… Ngoài ra, các bạn cùng làm việc với nhau trong các tổ chức khác của giáo xứ như: thu lượm ve chai mỗi tháng một lần từ các gia đình trong giáo xứ.  Số tiền kiếm được là để đóng góp xây những ngôi nhà tình thương, thay mái lợp, làm trần hay đào giếng cho những gia đình còn đang gặp nhiều khó khăn.  Bên cạnh đó còn có những hoạt động khác không kém phần hấp dẫn đối với giới trẻ đó là trong những dip lễ, chẳng hạn như lễ Trung thu, lễ Tết nguyên đán, họ làm những chiếc đèn lồng rực rỡ đầy màu sắc và những chiếc bánh trưng xanh mang lại niềm vui cho những trẻ em hay các bạn trẻ kém may mắn.

Giữa những thách thức của cuộc sống hôm nay, sống Tin mừng đích thực sẽ thật khó khăn như phải có lòng bao dung, không ích kỉ, dấn thân, chung thuỷ, giữ tâm hồn trinh trong, bảo vệ sự thật, công bằng xã hội và bác ái đối với những người nghèo khổ.  Trong khi lại thêm những cám dỗ của chủ nghĩa vật chất, sự giáo dục đối lập với tư tưởng Kitô giáo tại nhà trường, những đối xử phân biệt trong các ngành nghề chỉ vì họ là người Công giáo hoặc còn có những hạn chế trong các lãnh vực hoạt động xã hội, văn hoá, giáo dục của Giáo Hội Việt Nam đó đây …  tất cả những điều này có lẽ sẽ gây thêm sự phức tạp, rối ren cho đức tin của các bạn trẻ.

5.Chúng ta cần làm gì?

caunguyen.jpg-“Giáo dục về đức tin và đạo đức là trung tâm của việc truyền giáo”. Tôi thiết nghĩ không phải tất cả các bạn trẻ đều hiểu được “Đức tin là gì?”

-Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ, tạo điều kiện cho người trẻ tham gia vào các chương trình đoàn thể của giáo xứ, giáo hạt hay địa phận để giúp họ nhận ra giá trị của niềm tin và sự sống. Làm sao người trẻ tìm được niềm vui và hạnh phúc khi theo con đường của Đức Kitô.

-Trong bối cảnh của thời đại hôm nay hơn bao giờ hết người trẻ đang rất cần sự cảm thông, sự đón nhận, đối thoại và cầu nguyện của mỗi người chúng ta để người trẻ thêm sức mạnh, thêm niềm tin, thêm can đảm vững bước trên đường đời.

-Nếu ngày xưa cha ông chúng ta di cư từ Bắc vào Nam hay từ nơi này đến nơi khác thì đều di cư theo gia đình, lớn hơn nữa là theo xóm làng. Tình gia đình, tình làng nghĩa xóm như đòn bẩy tinh thần, phần nào nâng đỡ cho những ai khi phải xa quê hương, xa nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Còn các bạn trẻ hôm nay?  Di dân từ quê lên thành thị một mình mưu sinh cho gia đình, vì nhu cầu học tâp, lo lắng cho cuộc sống tương lai…. Sự cô đơn thiếu vắng tình cảm nơi những người thân đã là thiệt thòi lớn cho họ về mặt tinh thần. Và chúng ta nên là những chiếc cầu nối giữa họ và giáo xứ, bằng cách đến gần họ nhiều hơn để qua chúng ta họ có thể nhận ra tình yêu và khuôn mặt của Chúa Kitô.

-Bên cạnh các bạn trẻ lành mạnh còn biết bao bạn trẻ lầm lõ như: Sida, xì ke ma tuý, có thai ngoài hôn nhân…… Họ cũng đang rất cần sự quan tâm của chúng ta. Một lần nữa chúng ta phải là những nhân tố đem lại niềm tin đã mất cho họ.

6. Kết luận

 “Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của hy vọng, đầy mộng mơ và lý tưởng”196613.jpg

Là thành phần người trẻ trong lòng Hội thánh, tôi không vội kết luận người trẻ thiếu lý tưởng hay đã từ bỏ những giá trị nhân bản tâm linh. Đúng hơn là do hoàn cảnh, là môi trường sống, đặc biệt trong thế giới “toàn cầu hóa” đã tạo nên cách thế nhìn đời, đường lối suy tư của người trẻ ngày nay khác với thế hệ đi trước. Tất cả đều có hai mặt ưu và khuyết. Ước mong sao, dưới ánh sáng của Lời Chúa, các bạn trẻ sẽ có khả năng nhận định đúng và lựa chọn đúng con đường mình sẽ đi để có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời của các bạn.

Bài chia sẻ này của tôi như tâm tình xin dành trọn cho các bạn trẻ, cha mẹ, thầy cô, những người có trách nhiệm trong Giáo Hội và xã hội. Xin cùng đồng hành, nâng đỡ và giáo dục những người trẻ, để : “Người trẻ sẽ không chỉ là hy vọng cho ngày mai, nhưng phải là người trẻ cho hôm nay, là nguồn năng lực và khí lực cho xã hội và Giáo Hội”[12].  


[1] Nguyễn Thị Kiều Hạnh, “Đồng Hành cùng Người Trẻ Việt Nạm: Một Thách Đố trong công cuộc Truyền Giáo của hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang” (Luận án cao học, thành phố Quezon: ICLA, 2006), 27.

[2] Văn Như Cương “Toàn Cầu Hoá: Được và Mất” trong  http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Toan_cau_hoa_duoc_va_mat, ngày 6 tháng 2 năm 2009

[3] Nguyễn Thị Thanh Huyền “ Toàn cầu Hoá và Nguy Cơ Suy Thoái Đạo Đức: Lối Sống con người Việt Nam hiện Nay” trong http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Dao-Duc/Toan_cau_hoa_va_nguy_co_suy_thoai_dao_duc_loi_song, ngày 5 tháng 2 năm 2009.

[4] Khánh Nam “ Công Nghệ Thông Tin  và Giới Trẻ Việt Nam Hiện Nay: Những Cơ Hội trong Tầm Tay” trong Lê Nhân Tâm, Thế Hệ Mới : Những Cơ Hội và Thách Đố (Thành phố Hồ Chí MinhHochiminh City:lưu hành nội bộ, 2005), 9-21.

[5] Vũ Duy Tâm “ Từ Áo Bà Ba đến Áo Dây: Sự Thay Đổi Nơi Những Cô Gái Miền Tây Khi Lện Thành Phố”trong Lê Nhân Tâm, Thế Hệ Mới : Những Cơ Hội và Thách Đố (Thành phố Hồ Chí MinhHochiminh City:lưu hành nội bộ, 2005), 134.

[6] Trần Quốc Vượng,  Văn Hóa Học Đại Cương và Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam (Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã Hội, 1996), 582.

[7] Nguyễn Thái Hợp, “ Thế Hệ Trẻ Việt Nam Hôm Nay,” Chia Sẻ 46.

[8] NiKi Phạm Thị Hồng Ngọc “ Văn Hóa Tình Dục của Việt Nam:  Hong-Ngoc Thi Pham “Vietnam’s Urban Sex Culture: Phải Chăng là Nguyên Nhân của Dịch Bệnh HIV/ AIDS?”trong tháng http://www.geogr.uni-goettingen.de/kus/apsa/pn/pn22/pn22-niki.pdf ,ngày 30 tháng 8 năm 2007.

[9]  Báo Tuổi trẻ ( Ngày 22 tháng 9, năm 2005).

[10] Nguyễn Thị Kiều Hạnh “Đồng Hành cùng Người Trẻ Việt Nạm. . .,” 43.

[11] John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation on the Vocation and the Mission of the Lay Faithful in the Church and in the World Christifideles Laici, no. 46.

[12] FABC, “ Làm Mới lại Giáo Hội Á Châu: Sứ Mạng của Yêu Thương và Phục Vụ,” Samphran, Thaí Lan ,Ngày 3 tháng 1, năm 2000 , trong For All the Peoples of Asia, số. 3, Franz-Josef Eilers, ed. (Thành Phố Quezon: Nxb Claret, 2002), 9.


Các bài viết mới hơn
     [Vui bước Tin Mừng] Tìm Chúa trong vùng đất mới
     ĐTC Phanxicô: truyền giáo là nhiệt huyết của một đức tin chưa thoả_ Văn Yên, SJ - Vatican News
     Chị Pauline Jaricot là nguồn gợi hứng về truyền giáo cho chúng ta ngày nay_G. Trần Đức Anh, O.P
     Cha Rafael Marco và dự án giúp đỡ trẻ em khiếm thị ở Niger - Hồng Thủy - Vatican News
     Thiếu nhi Công giáo Hàn Quốc tích cực tham gia truyền giáo - Ngọc Yến - Vatican News
     Đời sống truyền giáo của ông Carlo và bà Lillina - Ngọc Yến - Vatican News
     Hoạt động truyền giáo của Giáo hội Úc trong năm 2022 - Ngọc Yến - Vatican News
     Ngày Nhi đồng Truyền giáo của Giáo hội Tây Ban Nha - Ngọc Yến - Vatican News
     Niềm vui của nhà truyền giáo - Thiện Tâm
     Giáo hội Ba Lan mời gọi các tín hữu hỗ trợ các nhà truyền giáo trong lễ Hiển Linh - Ngọc Yến - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO BÙ ĐĂNG HÔM NAY