Giới thiệu cùng Quý độc giả
Kính thưa Quý độc giả,
Để giúp anh chị em Tác viên Tin Mừng và Giáo lý viên phục vụ tốt hơn trong công tác truyền giáo và mục vụ giáo xứ, linh mục Stephanô Nguyễn Văn Đậu cùng với Thày Phanxicô Savie Nguyễn Thanh Tùng thuộc giáo phận Ban Mê Thuột đã chia sẻ một số bài về Sư phạm giáo lý Dự tòng-Hôn nhân; Giáo luật và Dân luật về Hôn nhân-Gia đình. Được sự đồng ý của linh mục Stephano và thày Phanxicô Savie, chúng tôi xin giới thiệu với Quý độc giả những bài chia sẻ với những nội dung sau đây:
I. QUY LUẬT DẠY GIÁO LÝ
Bài 1: Quy luật dạy giáo lý
Bài 2: Nhận xét chung sư phạm giáo lý
Bài 3: Tổ chức một buổi dạy giáo lý
Bài 4: Mấy điều bàn riêng, kỷ luật trong giờ giáo lý
Bài 5: Kể truyện trong giờ dạy giáol ý
Bài 6: Hình ảnh trong lớp giáo lý
Bài 7: Bài học thuộc lòng
Bài 8: Trí khôn trong lớp giáo lý
II. SƯ PHẠM GIÁO LÝ DỰ TÒNG VÀ TÂN TÒNG
III. DÀN BÀI SƯ PHẠM MỞ ĐẦU GIÁO LÝ DỰ TÒNG
IV. SƯ PHẠM GIÁO LÝ HÔN NHÂN VÀ DỰ BỊ HÔN NHÂN
Bài 1: Giáo lý hôn nhân và dự bị hôn nhân
Bài 2: Mục đích hôn nhân – Người bạn đời – Hạnh phúc tình yêu
Bài 3: Mục đích hôn nhân – Truyền sinh và phát triển
Bài 4: Bổ túc về giáo lý
Bài 5: Giáo lý hôn nhân, Tin mừng Kitô giáo toát yêu và toàn diện
Bài 6: Đời sống bí tích
Bài 7: Đời sống Kitô giáo – Sống theo Tin mừng và hợp tác với Chúa
Bài 8: Bổ túc dự bị hôn nhân
Bài 9: Bổ túc dự bị hôn nhân; Hòa hợp thân xác; Tâm sinh lý
Bài 10: Hòa hợp tâm hồn
V. NỘI DUNG GIÁO LÝ HÔN NHÂN
Bài 1: Bí tích hôn nhân
Bài 2: Luật Giáo hội và luật dân sự về hôn nhân
Bài 3: Bảo Vệ sự sống – Sức khỏe gia đình và phụ nữ
VI. HÔN NHÂN TRONG GIÁO LUẬT VÀ DÂN LUẬT
Chúng con xin chân thành cám ơn linh mục Stephanô Nguyễn Văn Đậu và thày Phanxicô Savie Nguyễn Thanh Tùng đã cộng tác với chúng con để Lời Chúa mỗi ngày được vang xa.
I. QUY LUẬT DẠY GIÁO LÝ
§1: QUY LUẬT DẠY GIÁO LÝ
NGUYÊN TẮC
Dạy giáo lý không phải là “Nói về Thiên Chúa”, nhưng là làm sao “như chính Thiên Chúa đang nói” với con người hiện nay.
Do đó: Giảng viên giáo lý phải tìm cho ra sư phạm của Thiên Chúa, cách thức diễn đạt lời của Chúa. Cho nên, phải tuân giữ các quy luật cần thiết sau đây:
QUY LUẬT I : Tất cả giáo lý phải luôn luôn phát xuất từ Tin Mừng của Chúa Giêsu Ki tô.
Rao giảng Tin Mừng là nói về con người, lời nói, hành động của Đức Giê su, gọi là ơn Cứu Độ. Và công việc của giáo lý là quảng diễn Lời Rao Giảng đó. Điều đó có sức đổi mới, cải tạo con người… Vì vậy, giáo lý phải nhắm đến cả hai mục tiêu cùng một lúc: Hiểu, nhớ và sống thánh, nơi những người nghe giáo lý. Rõ ràng, quy luật I này đưa đến một kết luận hết sức quan trọng là: Giáo lý phải quy hướng về Đức Ki tô (quy Ki tô) và Đức Ki tô quy hướng về Thiên Chúa.
QUY LUẬT II : Giáo lý phải cho thấy sự thuần nhất của Đức tin
Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người: Từng người và toàn thể nhân loại trong suốt lịch sử loài người. Như vậy, loài người tiếp nhận Lời Chúa tùy theo từng thời điểm qua sự tăng trưởng bản thân và đồng loại. Còn chính Thiên Chúa, thì Người đã dựng nên con người, nên biết rõ con người, từng con người. Cho nên, Người đã tuần tự theo khả năng lĩnh hội của con người, mà tỏ bày (mạc khải) thánh ý của Người (x. Dt 1,1-2). Do đó, giáo lý phải học hỏi đồng thời tôn trọng cách thức Thiên Chúa dùng mạc khải thánh ý của Người, vừa phải học cả sư phạm của Thiên Chúa nữa. Muốn đạt được đòi hỏi ấy, giáo lý phải:
Đặt các biến cố, các hiểu biết tổng quát vào đúng vị trí của chúng trong chương trình của Thiên Chúa đối với loài người. Vì trong suốt dòng lịch sử của Ơn Cứu Độ, được ghi trong Kinh Thánh, trải dài cả ngàn năm, với biết bao biến cố vẫn tiếp diễn trong Giáo Hội, nhiều khi rất đa dạng, phức tạp, rải rác khắp nơi… nhưng tất cả đều quy hướng về một cùng đích.
Cần phân biệt cái chính, cái phụ: Giảng viên giáo lý đừng để mình chiều theo những cảm hứng nhất thời (do một biến cố nào trong sinh hoạt Giáo Hội), hoặc theo sở thích cá nhân, chủ quan (như một tư tưởng thần học xa lạ, như lòng sùng mộ đạo đức (tôn sùng Thánh Thể, Thánh Tâm, Đức Mẹ…).
Cần luôn cho thấy ý định thuần nhất của Thiên Chúa qua dòng lịch sử: qúa khứ, hiện tại, tương lai là nuôi dưỡng một ý định là cứu độ con người, cho con người chia sẻ hạnh phúc của chính Ngài.
QUY LUẬT III : Giáo lý phải đưa con người vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và cảm nghiệm được tính cách siêu việt của Ki tô giáo.
Đối thoại : Giáo lý có sứ mạng đưa con người vào một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Thiên Chúa nói (mạc khải), con người đáp lại bằng cuộc sống, bằng việc làm với tâm tình biết ơn (như Đức Maria đã hát lời kinh Magnificat). Chúa vẫn tiếp tục nói với loài người.
a/ Nhờ sử dụng các Bí tích hiểu biết về hành động Đức Ki tô, nơi lời nói và việc làm của Đức Ki tô.
b/ Các hình ảnh : dùng để so sánh hoặc làm ví dụ trong giáo lý, phải tránh tất cả những gì là máy móc, vô hồn, vật chất hóa.
“Tính siêu việt duy nhất”: Giáo lý phải cho thấy Ki tô giáo không thể xếp vào cùng loại với các tôn giáo tự nhiên khác (như Phật giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo…), nghĩa là phải phân biệt “Đức tin” và “Đạo giáo”. Trong “Đức tin”, Thiên Chúa đóng vai chủ động, Ngài chủ động ngỏ lời với con người, con người thì nhận ra được việc Thiên Chúa làm cho mình, và cố gắng khám phá ra chương trình hành động của Thiên Chúa.
QUY LUẬT IV : Dạy giáo lý là xây dựng và củng cố Giáo Hội
Lời Chúa làm phát sinh Giáo Hội, và khi Giáo Hội đã hình thành, thì Lời Chúa nhắm tới củng cố Giáo Hội.
Trong Cựu ước: Giáo Hội của Đức Kitô tiềm ẩn trong Dân Chúa chọn: từ lời hứa với Abraham, tới con cháu nhiều như sao trên trời, như cát bãi biển.
Đến với Tân ước: Đức Kitô giảng dạy cho dân chúng, chịu chết để cứu chuộc dân, sai môn đệ đi giảng dạy muôn dân, quy nạp họ thành một đoàn chiên, hiệp nhất trong Đức ái của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Từ ngữ “Kitô giáo” – “Thiên Chúa giáo” – “Công giáo” trong căn bản vốn đều nói lên một tôn giáo của toàn thể nhân loại. Từ những nhận định trên, phát sinh các đòi hỏi cụ thể như sau:
Giảng viên giáo lý rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội, cho dân của Chúa, cho dù chỉ là một cá nhân, một nhóm nhỏ, bất cứ ở đâu!
Giảng viên giáo lý phải đào tạo nơi người nghe một tinh thần truyền giáo lành mạnh và mãnh liệt:
Lành mạnh: để loại trừ phe cánh, tự tôn…
Mãnh liệt: tinh thần nhiệt tâm.
Chương trình của Thiên Chúa sẽ thành tựu trong thời gian (lịch sử) cùng với sự tham gia của con người tự do. Giáo lý có sứ mệnh thiết thực làm cho ngày Chúa quang lâm mau đến (ngày mà Nước Thiên Chúa hiển trị đời đời)
QUY LUẬT V : Dạy giáo lý phải đưa đến sống phụng vụ sốt sắng hơn và đời sống thánh thiện hơn, đồng thời giúp ngày càng sống sâu hơn vào mầu nhiệm cứu độ.
Trước hết nên phân biệt có ba cách diễn tả Lời Chúa:
Diễn tả bằng ngôn từ (nói hoặc viết) khi giảng dạy.
Diễn tả bằng cử chỉ nghi lễ trong phụng vụ.
Diễn tả bằng việc làm và tổ chức đời sống hằng ngày
Trong ba cách diễn tả này, thì cách diễn tả bằng ngôn ngữ suy tư (tức là sứ mệnh ngôn sứ) chiếm địa vị ưu tiên (chứ không phải là ưu việt).
Nhờ việc giảng dạy suy tư Lời Chúa mà Kitô giáo không phải thuần là một thứ luân lý hoàn hảo, cũng chẳng phải là một nghi thức phụng thờ hoàn hảo hơn (bởi có khi trong các tôn giáo khác có những tín đồ sống một nền luân lý trong sáng và ngay thẳng lạ lùng… hơn nhiều Kitô hữu bê bối).
Nhưng cái đặc sắc của Kitô giáo hoàn toàn bắt nguồn từ mạc khải, nhất là biến cố Phục sinh và Linh giáng.
Một chương trình giáo lý kéo dài, không có nghĩa là để dạy những phần mới và căn bản, nhưng là để tìm hiểu cũng một Tin Mừng một cách mới, sâu sắc và rộng rãi hơn.
KẾT LUẬN
Hơn bao giờ hết, Giáo Hội Việt Nam cần một thứ giáo lý đúng theo quy luật của bản chất Tin Mừng trườc những đòi hỏi của đời sống con người Việt Nam hiện tại, để Giáo Hội thực sự là ánh sáng, là men, là muối cho đời!
Trở về trang đầu
§2: NHẬN XÉT CHUNG SƯ PHẠM GIÁO LÝ
Dạy Giáo lý là gì? Có phải như dạy học thường không?
Bề ngoài: Có lớp, có thầy, có trò, có bảng, có phấn, bút mực, bài học, bài làm ... (ấy là chỉ nói đến những nơi đã được tổ chức).
Nhưng đi vào bên trong, ta thấy “dạy Giáo lý khác hẳn dạy các thứ khác”.
Dạy gì? Dạy về Chúa (về chương trình, ý định của Chúa). Mục đích gì? Tin vào Chúa, tin vào ý định của Chúa và cố gắng sống theo. Điều dạy cũng như mục đích dạy bắt buộc phải theo một lối sư phạm riêng biệt. Đó là “Sư phạm giáo lý”.
Dạy Giáo lý và sống Đức tin.
Dạy Giáo lý là nói đến Chúa, nói về:
Ý định của Chúa về loài người, ý định yêu thương loài người, cho loài người được hạnh phúc của chính Chúa.
Ý định đó thể hiện nơi Chúa Giêsu: Vì thế Chúa Giêsu là trung tâm của Giáo lý.
Dạy Giáo lý vì thế nói đến ngôi vị chứ không nói về một sự vật: Nên lời giảng dạy trong Giáo lý phải có “Ngôi vị tính”.
Thiên Chúa cho chúng ta chính mình Ngài chứ không phải cho chúng ta tư tưởng hay hệ thống triết học đạo đức.
Vì thế thái độ đứng đắn nhất trong giờ Giáo lý là cầu nguyện. Dạy Giáo lý không phải là cầu nguyện song dẫn đến cầu nguyện.
Trong giờ Giáo lý cả thầy lẫn trò phải sống Đức tin (thầy trò đây khác hẳn thầy trò ngoài đời).
Thầy cũng như trò chỉ hiểu được điều dạy khi được ơn Chúa giúp. Vì thế, cần khiêm tốn. Dựa vào thế giá Lời Chúa chứ không phải dựa vào sức lý luận của trí khôn mà thôi.
Chúa Thánh Thần là thầy dạy thực sự: Ngài ban ơn soi sáng cả thầy lẫn trò.
Giáo lý là quãng diễn Tin mừng, Tin mừng mang đến một niềm vui và chứa chan hy vọng. Người dạy Giáo lý cần sống niềm vui đó, để có thể chia sẻ cho người nghe.
Tuy nhiên Tin mừng cũng mang đến một sứ mệnh: Sứ mệnh cải hóa đời sống cá nhân và tập thể theo Tin mừng. Đây chính là luân lý Kitô giáo.
Nguồn Giáo lý.
Thánh Kinh.
Dạy Giáo lý là nói lại Lời Chúa mà Lời Chúa được ghi lại một cách vô ngộ trong Thánh Kinh.
Dùng Thánh Kinh không phải chỉ để thuật lại việc Chúa làm, lời Chúa nói, song còn để dùng làm nền tảng cho các Bí tích, làm mẫu mực cho đời sống cầu nguyện. Phải để ý học cả những danh từ, hình ảnh của Thánh Kinh nữa.
Giáo lý của Giáo hội.
Chỉ mình Giáo hội do chính Chúa lập mới đủ thế giá, đủ bảo đảm để cắt nghĩa Lời Chúa. Chúng ta không phải là đạo Tin Lành mà không cần để ý đến Giáo hội, tưởng như mọi người tự tiện muốn hiểu sao thì hiểu. Giáo lý Giáo hội diễn tả bằng lý thuyết song cũng bằng gương mẫu sống nữa: Như kinh nguyện chính thức của Giáo hội, gương các vị Thánh.
Phụng vụ.
Người tín hữu thường đi sâu vào đời sống Đức tin nhờ niên kỳ phụng vụ, các Bí tích. Dạy Giáo lý còn là giúp trẻ em hiểu để có thể sống, tự tìm hiểu phụng vụ sau này.
Đàng khác, trong phụng vụ chúng ta gặp được những đoạn Thánh Kinh chính và hàm sức ý nghĩa nhất.
Địa vị Giáo lý trong Giáo hội.
Trong công việc đào tạo người tín hữu, không phải chỉ có các lớp giáo lý làm chuyện đó.
Còn:
Cha mẹ, gia đình.
Hội đoàn, phong trào.
Cử hành phụng vụ, Bí tích.
Nhà trường (nếu có).
Kết:
Hai nguy cơ của khoa dạy giáo lý hay “dạy đạo”:
1/ Hoặc chỉ để ý đến “đạo” mà quên “dạy”, nghĩa là quên những tư tưởng xác thực chặt chẽ về tín điều, hay liên hệ các tín điều với nhau.
2/ Hoặc chỉ để ý đến “dạy” mà quên “đạo” nghĩa là dạy như dạy tri thức mà quên đời sống luân lý kèm theo.
Trở về trang đầu
§3: TỔ CHỨC MỘT BUỔI DẠY GIÁO LÝ
Một buổi dạy Giáo lý phải:
Giúp hiểu Đức tin. Nhằm xây dựng một Đức tin đầy đủ sáng suốt. Thêm kiến thức văn hóa Công giáo. Đó là bài giảng thuyết.
Sống với Chúa: Dạy giáo lý là nói đến Chúa (ef cupra). Nên phải cố tạo bầu khí thuận lợi và thường kết thúc của buổi dạy giáo lý là mấy phút cầu nguyện hợp với bài giáo lý.
Nhớ những điều đã nghe (học thuộc lòng): Học kinh, học những đoạn Thánh Kinh, những câu tóm tắt bài.
Lĩnh hội những điều đã nghe, áp dụng vào đời sống thực tế. Đó là bài làm.
Nếu bây giờ để riêng phần cầu nguyện (chiếm vài phút thôi) và phần học thuộc lòng (học ở nhà) ra, ta thấy còn lại hai phần chính của giờ dạy giáo lý, đó là phần giảng thuyết (phần nghe) và phần bài làm (phần nghĩ).
Bài Giảng Thuyết
Dạy giáo lý là rao giảng Lời Chúa (rao giảng Tin mừng), trong bài giảng thuyết chính là lúc tôi rao giảng Lời Chúa.
Ta sẽ xem qua:
Phải dọn bài giảng thuyết thế nào?
Bài đó phải trình bày làm sao?
Và phải có những điều kiện nào?
Phải dọn bài giảng thuyết thế nào?
Cần tôi phải am hiểu hoàn toàn điều tôi nói.
Đầu tiên tôi phải suy gẫm, cầu xin như là riêng cho tôi, chứ không phải để dạy trẻ.
Làm như vậy sẽ giúp tôi thấu triệt điều tôi dạy và nhất là giúp tôi thấy được thái độ tâm hồn xứng hợp.
Bài giảng thuyết phải chung quy về một điểm (ý tưởng) chính.
Ví dụ: Bài nói về Chúa Giêsu quyền phép.
Tôi lấy một truyện trong Phúc âm, Chúa truyền sóng gió im lặng, làm điểm tựa. Mọi điều tôi nói phải chung quy về Chúa Giêsu phán một lời biển yên gió lặng – Chúa có quyền phép.
Tôi đừng dây dưa đến: Chúa Giêsu ngủ mà cũng biết, hoặc con thuyền là hình ảnh của Giáo hội.
Thái độ tâm hồn:
Điều tôi nói phải đưa đến một thái độ tâm hồn nào đó. Ví dụ: Lạ lùng, cảm phục, hoặc cảm mến biết ơn, hoặc khiêm nhượng ăn năn hay cậy trông ...
Bằng không chúng ta có thể nắm chắc là những điều chúng ta dạy chả khác gì dạy học thường.
Đặt những điều tôi dạy vào một cơ cấu chung.
Mỗi bài giáo lý là một viên gạch trong một ngôi nhà chứ không phải là một viên gạch trong đống gạch lộn xộn hay xếp thứ tự nhưng vô dụng.
Vì thế tôi phải để ý đến những mối tương quan bài trước với bài sau, tháng trước với tháng sau, năm trước với năm sau.
Đọc và suy nghĩ để thấy được những mối liên lạc trong một chương trình giáo lý đó là một điều hết sức quan hệ, không thể bỏ qua được.
Tìm những tài liệu
Những đoạn, những truyện, sự tích trong Thánh Kinh, trong Phụng vụ.
Những ví dụ, những so sánh, những hình ảnh. Nhiều ví dụ hoặc hình ảnh sai lạc, như ví dụ: Chúa Ba Ngôi là hình tam giác, 7 phép Bí tích là 7 vòi nước bắt từ chậu Máu Thánh Chúa.
Những danh từ đúng đắn, giàu ý; những chữ; những câu đó là những then chốt cho trí khôn theo đuổi bài thuyết trình, cần viết lên bảng.
Những hình ảnh, những đĩa hát... (những phương tiện thính thị).
Cách trình bày bài giảng thuyết
Hai nguyên tắc cần tôn trọng
Đi từ cụ thể tới mầu nhiệm. Ví dụ: Việc cụ thể: Chúa Giêsu truyền sóng gió yên lặng. Mầu nhiệm: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa ở với chúng ta”, “Chúa Giêsu thực là Đấng quyền phép”.
Đi từ việc riêng đến nguyên tắc chung. Nếu không có như vậy sẽ không phải là “dạy”. Ví dụ: Việc riêng: “Chúa tha tội cho người đàn bà ngoại tình”. Nguyên tắc chung: “Chúa Giêsu có quyền tha tội”.
Cách tiến triển của bài thuyết trình.
Khởi điểm luôn là một việc có thật, hay một ví dụ có thể. Thường thường là một chuyện trong Thánh Kinh, hay hạnh một vị Thánh.
Chuyện Thánh Kinh có được kể lại không phải chỉ được nghe cho vui, để trẻ đừng nói chuyện, song là để trẻ sống tâm tình những nhân vật trong chuyện. Ví dụ: Câu chuyện Chúa truyền sóng gió yên lặng, chúng ta phải kể làm sao để trẻ có thể nói sau khi nghe như các Thánh Tông Đồ: “Người này là ai mà sóng gió phải vâng theo”?
Cắt nghĩa chữ khó.
Đi dần tới tuyệt đỉnh, bài giảng thuyết không được tiến triển theo đường trường bằng phẳng song là đường lên núi, có một đỉnh cao nhất khi đến đó không được vội, phải cùng trẻ chiêm ngưỡng. Leo lên núi, mà đến đỉnh rồi xuống ngay thì còn nghĩa lý gì?
Cầu nguyện: Sau khi chiêm ngưỡng ở đỉnh cao bài giảng thuyết, đó là lúc thuận tiện nhất để cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện sau một dịp lĩnh hội Lời Chúa, thứ kinh nguyện mới thật là kinh nguyện.
Dốc lòng thực hành. Thường sau một bài giảng giáo lý phải có dốc lòng. Nhưng cẩn thận đừng luôn luôn có vẻ “dạy sống thực tế” (như Khổng Giáo chẳng hạn, luân lý mà không cần tín lý ...). Có những dốc lòng thuần tinh thần Đức tin. Ví dụ: Theo gương Abraham tin Lời Chúa mỗi lần chúng ta đọc kinh tin kính hay sẵn lòng tin cậy như Abraham.
Những điều kiện cần thiết để có kết quả.
Đón tiếp trẻ.
Cần biết về trẻ: Tên, tuổi, gia đình, sở thích, vấn đề riêng... Ta chỉ có thể “nắm” được trẻ khi ta được chúng thấy ta biết rõ và để ý đến mỗi đứa, bao nhiêu trẻ phá bĩnh làm rộn ràng chỉ tại vì chúng thấy người lớn không biết chúng, không để ý tới chúng.
Cần yêu trẻ, yêu như người anh chị yêu thương em nhỏ trong đại gia đình Công giáo.
Bài giảng thuyết chừng lối 10 phút đến 30 là cùng, tùy tuổi.
Danh từ: Trẻ rất nghèo tiếng, tránh tiếng quá thông thái. Nhưng không phải vì thế mà không dạy những tiếng mà trẻ chưa biết nhưng cần phải biết; có cả một lô danh từ Công giáo cần biết: Cung thánh, Ơn nghĩa, Bí tích, Ơn thánh hóa, Ơn giúp, Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục.
Để ý đến những tiếng đồng âm dị nghĩa hoặc gợi ý nghĩa khác: Tích sủng – Ấn tích.
Dạy những tiếng đồng nghĩa: Thánh Thể, Mình Thánh.
Tránh những tiếng vật chất hóa: Chúa Giêsu núp ẩn trong bánh.
Tóm lại, phải luôn để ý đến cách sử dụng danh từ.
Câu văn: Đơn sơ, trực tiếp, tránh những liên từ lý luận trừu tượng: “Bởi thế cho nên”. Dùng những câu đơn sơ: Một chủ đề, một chủ đề, một động từ, một túc từ.
Giọng nói.
Nói nhỏ vừa nghe, đừng hò hét. Hễ một em nói chuyện là dừng lại để mọi người yên mới nói. Nói chậm, lặp lại nhiều lần.
Lúc đọc sách thánh, giọng phải trịnh trọng nghiêm trang xứng với Lời Chúa. Nhờ dạy giáo lý là rao giảng Tin mừng vì thế phải như là người dạy, người loan báo. Rồi phải giúp người nghe suy ngắm.
Kỷ luật.
Không kỷ luật, sẽ khó mang lại kết quả. Kỷ luật ngay từ đầu giờ. Chúng ta phải hoàn toàn làm chủ. Sao cho trẻ thấy là chúng ta cương quyết (sẽ còn nói riêng về kỷ luật sau này).
Hỏi trẻ.
Không được hỏi liên thanh, vì như vậy sẽ mất kỷ luật và bài giáo lý trở thành bài đó vui. Đàng khác Tin mừng của Chúa là mạc khải chứ đâu phải tự trẻ tìm thấy được. Phải biết lợi ích cũng như giới hạn của sự hỏi trẻ.
Đây là vài luật thực hành:
Đừng hỏi sao mà chỉ cần trả lời “có” hay “không”. Hoặc câu trả lời đã quá thành lệ, ví dụ: Em có phải thảo hiếu cha mẹ không? Câu hỏi đừng quá dài dòng lôi thôi như “Chị muốn em nói cho chị hay là chị phải hỏi ai để chị được biết Chúa Giêsu Ngài yêu thương chị thế nào?”.
Đừng hỏi sao mà như xúi trẻ nói ngược điều phải quả quyết mạnh mẽ. Ví dụ: “Các em nhỉ, bánh trong nhà tạm cũng chỉ là bánh thường phải không”?
Hoặc hỏi những cái làm dịp cho trẻ nghi ngờ về các tín điều. Ví dụ: “Đức Chúa Trời biết đâu chỉ có Hai Ngôi, các em nghĩ sao?”
Đừng cứ hỏi em học giỏi nhất, cũng đừng hỏi mãi một hai em hoài.
Khi một em đã cố gắng để trả lời, mà còn trả lời sai (có khi trả lời tức cười), chúng ta cần ý tứ đừng chê cười: Em đó sẽ hết tin cậy.
Hỏi sao mà mọi người phải nghĩ cả. Có thể hỏi cả một nhóm, nhưng rồi một em sẽ trả lời đại diện.
Khi hỏi lâu rồi mà không thấy trả lời, phải biết chờ đợi, vì có khi ý tưởng của em đúng mà em không biết diễn tả ra sao. Hoặc xét mình lại xem, có lẽ mình hỏi khó quá, hoặc có khi đặt câu hỏi sai.
Hỏi sao để trẻ suy nghĩ về ý chính của bài chứ không phải là dịp để các em chía trí.
Hỏi, nếu được, về các việc cụ thể rõ ràng riêng của em, chứ đừng hỏi chung chung. Ví dụ: Em vào xưng tội, em phải làm những việc gì? Đừng hỏi chung, đi xưng tội người ta phải làm gì?
NB: Lời khuyên về vở dọn bài.
Trái Phải
Đề tài.
Thái độ tâm hồn
Ý chính bài giảng.
Liên lạc với chương trình chung.
Những tài liệu: Câu Thánh Kinh. Các ví dụ, hình ảnh việc cụ thể. |
Nhận xét.
Phản ứng của trẻ.
Lời phê bình người khác.
Tự phê bình.
Những ý tưởng lúc đang dạy mới nhận ra. |
Bài Làm
Bài làm giáo lý là gì?
Đã là học là phải làm bài: Toán tính đố, mẹo đặt câu.
Bài làm giúp hiểu điều dạy.
Dạy giáo lý là dạy thực sự nên cũng cần có bài làm. Nhưng là một thứ bài làm đặc biệt cũng như là một thứ dạy đặc biệt. Bài làm giáo lý là bài làm thuộc đời sống Đức tin.
Những điều kiện chung.
Bài làm là dịp tạo nên cái gì mới.
Vì thế chép lại một đoạn sách, tô ra một hình vẽ, hay đánh màu, không phải là bài làm thực sự.
Bài làm cũng không phải là để xem trẻ có nhớ không, đấy là một bài trắc nghiệm trí nhớ.
Bài làm phải là dịp diễn tả tư tưởng, tâm tình của mình.
Bài làm phải toàn diện. Trí khôn, trí nhớ, trí phán đoán, trí tưởng tượng, tâm tình cảm giác đều phải làm việc cả.
Bài làm phải liên lạc với bài giảng thuyết.
Bài làm phải hợp sở thích của mỗi tuổi: Trước 9 – 10 tuổi trẻ không ưa làm bài chung từng nhóm, trái lại sau tuổi đó, trẻ rất thích. Sau 10 tuổi, bài làm như vẽ tự do, mất nhiều ý nghĩa. Trẻ 9 – 12 tuổi thích làm bài về Phụng vụ. Trái lại trẻ 12 – 14 tuổi lại chán.
Bài làm giáo lý phải giúp Đức tin.
Đời sống Công giáo là đáp lại tiếng Chúa gọi (Chúa đề nghị vì con người có tự do). Đáp lại bằng toàn thể con người, xác hồn chứ không phải chỉ có cái bên ngoài hay chỉ có bên trong.
Bài làm giáo lý chính là lúc trẻ đáp lại Lời Chúa trong bài giảng thuyết. Áp dụng Lời Chúa vào những việc cụ thể hay nhân những việc cụ thể mà ôn lại Lời Chúa để sống cho đúng đắn.
Chính vì thế mà bài làm giáo lý thường phải làm ở trong phòng dạy giáo lý chứ không đưa về nhà làm, vì ở nhà thiếu khung cảnh thuận hạp.
Phải ra bài giáo lý thế nào?
Trước hết phải biết trình bày.
Trình bày rõ ràng, khúc chiết, nếu phải tìm trong sách thì chỉ trang mấy, nếu có chữ khó phải cắt nghĩa, giấy bút lo sẵn sàng.
Trình bày một cách hấp dẫn, cho trẻ thấy là hay là đẹp, là lợi ích, là tuyệt.
Khuyến khích suy nghĩ, chứ không phải làm cho x ong.
Tạo một bầu khí thuận tiện: Hết sức yên lặng.
Có yên lặng mới suy nghĩ được ...
Nếu chúng ta để ý tập, chính trẻ sẽ lấy làm thú vị và giữ được sự yên lặng (thích vì làm chủ được mình).
Nâng đỡ trẻ.
Để chúng giữ nín lặng bằng một cái nhìn, bằng một dấu hiệu.
Giúp chúng suy nghĩ khi gặp chữ khó, một nét không biết vẽ sao hoặc một câu hỏi quá khó.
Giúp chúng đi sâu hơn nữa: “Đúng rồi, nhưng em không thấy là có thể nói đúng hơn nữa sao?” “Lúc nãy chị nói thế nào ... hay hơn nhiều, em nhớ ra không ...”.
Giúp trẻ sống trong thế giới Đức tin. Trẻ rất dễ trở về đời sống tự nhiên, viết những câu rỗng nghĩa. Một câu hỏi, một tiếng nói, nhắc em nhớ tới Chúa... nhất là đối với trẻ 7 – 9 tuổi. Đức tin chúng sống được là nhờ Đức tin của người lớn.
Sửa chữa, cho điểm.
Những lỗi về tín lý phải sửa ngay (vì thế cần ráp câu trả lời trước khi viết vào vở).
Nếu bẩn quá, phải làm lại (nếu cần xé một trang vở).
Lỗi chính tả nên chữa, nhưng cẩn thận đừng để cho trẻ thấy đó là điều quan hệ như trong lớp học.
Có nên cho điểm không?
Về cách trình bày: Có thể (dè dặt).
Về cố gắng: Khó lắm. Tốt hơn để cho trẻ tự cho điểm.
Về kết quả (tức Đức tin): Ai là người biết được!
Giá trị, giới hạn của các thứ bài làm.
Bài làm vào giấy. (vở)
Bài viết.
Có các loại chính:
Câu hỏi: Hỏi sao để phải suy nghĩ. Đừng hỏi nguyên thuộc lòng, hoặc chỉ trả lời: “không” hay “có”. Có những câu hỏi bắt phải dục lòng tin.
Viết câu. Ví dụ: Tự mình viết ra một kinh. Tránh đừng để trẻ chỉ cần trí tưởng tượng.
Xếp loại. Ví dụ: Xếp từng việc thiện kể ra đó, vào loại thuộc nhận đức nào hay thuộc mối phúc thật nào? Đồng thời cho thêm một ví dụ khác.
So sánh và nói ngược lại: Hai cột song song với nhau. Ví dụ: Đứa con phung phá so sánh với phép Giải tội. Rất bổ ích nếu đừng quá dễ.
Suy nghĩ về các tài liệu: Ảnh, một đoạn báo: Tìm liên lạc với bài giảng thuyết.
Tìm tài liệu: Cắt hình, cắt mẩu chuyện ý nghĩa trong báo chí.
Tìm Phúc âm, sách lễ, tìm Chúa nói gì về một việc nào đó, so sánh hai đoạn với nhau. Cách này có thể pha trộn với nhau thành rất nhiều thứ bài, tốt nhất là tìm nhiều trong Phúc âm, sách lễ. Có thể viết lên bảng, hay in sẵn vào giấy.
Tốt hơn là trả lời vào giấy ráp cho người dạy giáo lý kiểm soát trước, rồi viết vào vở sau.
Nguy hiểm của loại bài làm trên giấy vở này là quá giống bài làm của nhà trường, trẻ chỉ tìm làm sao cho đúng.
Nhưng có cái lợi là hợp cho mọi lứa tuổi từ khi biết viết.
Vẽ.
Lối diễn tả rất có giá trị.
Trước 8 – 9 tuổi, vẽ tự do, ví dụ: Vẽ điều em hiểu hôm nay, vẽ cái em thích nhất trong những cái em nghe hôm nay.
Phải hỏi trẻ xem nó vẽ gì, muốn diễn tả gì, đừng cười nét vụng về của trẻ, tìm qua hình vẽ tới tâm hồn trẻ, trẻ không chán vẽ. Đây là loại bài nền tảng của tuổi 6 – 9.
Đến quãng 9 tuổi, trẻ bắt đầu thấy cái vụng về của nó. Thường thường trẻ không muốn vẽ người nữa, đừng ép nó vẽ. Có thể đưa mẫu vẽ, miễn là những mẫu có giá trị diễn tả. Tuy hình vẽ không còn ý nghĩa như trước, nhưng vẫn còn là một cách diễn tả có giá trị. Dẫu sao đối với tuổi này, vẽ không còn là bài làm chính nữa.
Đến 11 – 12 tuổi bắt đầu thử vẽ tượng trương: Lửa, thánh giá, thuyền ...
Đây là lối diễn tả mới.
Tô màu.
Lối bài làm này rất nghèo lợi ích: Trẻ chỉ có thể diễn tả bằng cách chọn màu.
Trẻ thích vì dễ, và vì có một trang hình đẹp trong vở, cẩn thận những chi tiết làm chia trí.
Nói chuyện tranh luận.
Từng nhóm nhỏ, mọi người nói được. Bầu không khí đạo đức, nghiêm trang.
Để ý từng câu trẻ nói, cần hỏi thêm để trẻ diễn tả rõ hơn. Ý tứ đừng để “xỏ mũi”.
Cần sửa soạn trước, hỏi gì? Cần khám phá tâm trạng nào? Có những vấn nạn nào? Tránh hướng đi nào?
Đây là thứ bài làm hợp cho tuổi 6 – 9, có chi nói vậy; và tuổi 13 – 15 vì có vẻ cá nhân hơn.
Thủ công
Trình bày bố cục bảng hình lớn.
Chung từng nhóm: Cả nhóm diễn tả một ý tưởng.
Cho ý tưởng chung. Còn chi tiết để tùy mỗi nhóm.
Phân công trong nhóm: Viết đầu đề, những câu giải thích, dán hình, vẽ ... nguy hiểm là mất giờ tìm hình, cắt hình... tốt hơn là làm trước đi.
Tài liệu: Giấy màu, giấy làm nền, phấn màu, bút vẽ, hình ảnh, kéo, côn...
Rất tốt đối với trẻ 9 – 14 tuổi. Trước tuổi đó chỉ là một mớ hỗn hợp các việc tư.
Album từng nhóm cũng thế, mỗi trẻ làm một trang.
Nắn tượng.
Giá trị như vẽ, thêm được chiều thứ ba. Nhưng dễ thành thứ chơi đối với trẻ 8 – 9 tuổi.
“Làm thợ” (táy máy, chắp nối...) ví dụ: Làm địa đồ thành Giêrusalem nổi.
Cái rầy rà là cần nhiều đồ đạc, tài liệu phức tạp.
Hát – nhạc
Dễ thực hiện nhất.
Diễn tả tâm hồn hơn là huấn luyện ý tưởng.
Liên lạc với phụng vụ địa sở.
Phải chọn bài hát, từ cho ý nghĩa và liên lạc với bài giảng thuyết.
Giới thiệu, cắt nghĩa từ, không bao giờ bằng lòng cho trẻ hát lài nhài kéo lê.
Tốt hơn là chỉ để trẻ hát điệp khúc.
Ôn lại bài hát cũ để đi sâu thêm vào ý nghĩa.
Đĩa hát có thể dùng để tạo không khí. Từ 12 – 14 tuổi, đĩa hát có thể dùng để làm khởi điểm để tranh luận. Đừng để lạm dụng.
Điệu (geste).
Đọc kinh, đọc ca vịnh với điệu là một lối diễn tả tuyệt với đối với trẻ 7 tuổi.
Điệu diễn tả tâm hồn hơn là tư tưởng.
Điều kiện chính để thành công là chính người dạy phải tin tưởng vào giá trị của điệu và phải biết bộc lộ tâm hồn mình bằng điệu.
Điệu phải hết sức đơn sơ. Một điệu có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Muốn dạy cho trẻ, tốt hơn hết là chính mình vừa cầu nguyện vừa làm điệu. Trẻ em sẽ tự nguyện làm lại ngay. Đừng bao giờ làm điệu mà không cầu nguyện (làm điệu để học điệu mà thôi).
Điệu trong phụng vụ.
Học tập điệu phụng vụ phải tiệm tiến và ngay từ đầu đã phải cắt nghĩa. Ví dụ: Bái quỳ: Tỏ lòng cung kính, tỏ ra mình bé nhỏ trước mặt Chúa.
Làm dấu: Là dấu hiệu của người Công giáo, là dấu nhớ lại thánh giá Chúa Giêsu, là dấu nhớ Chúa Ba Ngôi.
Không bao giờ có thể nói là tập luyện xong các điệu phụng vụ.
Bắt chước bằng điệu.
Cho được bắt chước cho có ích lợi cần phải hết sức đơn giản và cần một bầu khí tôn giáo. Bằng không sẽ chỉ là đóng kịch đùa giỡn.
Mục đích là để lãnh hội và sống tâm tình các nhận vật. Ví dụ: Bắt chước cảnh truyền tin: Đức Mẹ cầu nguyện, Thiên Thần, cuộc đối thoại...
Nghi lễ.
Lấy lại các điều đã nói trên và dần dần tới phụng vụ (đừng quên phụng vụ là một lỗi diễn tả tâm tình Đức tin tuyệt hảo).
Nghi lễ là một thứ kinh nguyện (nghĩa là diễn tả tâm tình) nhưng là một thứ kinh nguyện chú trọng đến giáng điệu, cử động của cả một nhóm, đến các Á Bí tích...
Chính vì thế nghi lễ có liên lạc trực tiếp tới phụng vụ và là một cách huấn luyện phụng vụ tốt nhất. Nghi lễ có liên lạc với phụng vụ còn nhiều hơn là với giáo lý.
Vì thế, những quy luật để tổ chức nghi lễ giống quy luật phụng vụ hơn là quy luật để tổ chức bài làm giáo lý.
Đây vài luật để tổ chức một buổi nghi lễ:
Một nghi lễ phải kết cấu chung quanh một yếu tố phụng vụ chính thức. Yếu tố phụng vụ này sẽ như là một trung tâm nhất định và không thể biến đổi chế hóa. Ví dụ:
Linh mục làm phép lành, đọc lời tổng nguyện.
Đọc kinh cáo mình và Linh mục đọc lời tha tội chung như lúc đầu lễ.
Đọc sách thánh
Nghi lễ khác với “Bắt chước” (làm kịch). Vì “bắt chước” một việc đã qua còn nghi lễ cho một việc hiện tại.
Nghi lễ sử dụng cả Á Bí tích như nước phép, các đồ thánh, như chén lễ, bình thánh. Nhưng không được dùng các Bí tích như Mình Thánh Chúa chẳng hạn.
NB: Ích lợi của nghi lễ
Luyện tập tinh thần phụng vụ, vì trong Nghi lễ, ta có thể tách ra từng phần, những hỗn hợp trong phụng vụ. Ví dụ: Phép rửa tội pha trộn vào lửa, nào nước, nào dầu, nào muối, nào nghi lễ đặt tay trên đầu... pha trộn đến làm cho nhiều giáo hữu chả hiểu gì nữa.
Bây giờ nghi lễ tách ra từng dấu hiệu. Đây một ví dụ: Dấu hiệu nước: X dấu hiệu vũ trụ:
Nước ở thời Sáng thế, làm cho đất sinh vật sống.
Nước ở thời Noel (Đại hồng thủy) rửa sạch tội trên mặt đất. X dấu hiệu xã hội: Nước Biển Đỏ cứu dân. X dấu hiệu sống cá nhân.
Nước trong tiên tri Ezéchiel: Chảy từ trong bàn thờ ... trong đó có cá (nước nuôi sống).
Nước hằng sống của Chúa Giêsu ban.
Nghi lễ là mối liên lạc giữa tổ chức dạy giáo lý với đời sống phụng vụ của địa sở.
Lạm dụng nghi lễ (làm nhiều quá, tổ chức trọng thể quá so sánh với phụng vụ thường của địa sở...) có thể gây thiệt hại. Vì lúc đó nghi lễ không phải là cái gì dẫn tới phụng vụ địa sở mà là cái gì làm cho chán phụng vụ thực sự của địa sở.
Cầu Nguyện Trong Giờ Dạy Giáo Lý.
Hai sai lầm:
Lấy sự thuộc kinh làm tiêu chuẩn, biết giáo lý: “con tôi về nó gấp sách đọc hết kinh nọ đến kinh kia sang sảng...”
Dạy giáo lý suốt giờ không có lúc đọc kinh.
Nhận định đúng đắn:
Thế nào là đọc kinh? Bao nhiêu giáo hữu tưởng cầu nguyện là đọc một hai kinh gì! Có ngờ đâu bao lần đọc kinh ngoài miệng oang oang, mà chả phải là cầu nguyện tý nào. Cầu nguyện là sống với Chúa.
Dạy giáo lý là nghe Lời Chúa: Nếu là nghe Lời Chúa thật thì thế nào mà chả phải có lúc trả lời lại. Đấy chính là lúc cầu nguyện.
Hai vấn đề:
Phải sửa soạn thế nào (trong giờ dạy giáo lý) để cầu nguyện?
Lớp học (phòng dạy giáo lý).
Phải sạch sẽ, thứ tự, vào một cái phòng bẩn thỉu, lôi thôi trẻ em sẽ bừa bãi cẩu thả...
Phòng dạy giáo lý phải là phòng nghiêm trang đạo đức hơn phòng học, nhưng không phải là nhà thờ.
Vì dạy giáo lý là học thực sự chứ không phải là chỉ để cầu nguyện.
Nếu là một phòng vừa dùng làm phòng học vừa làm phòng dạy giáo lý thì có thể dùng hình ảnh, hoa, bản kẻ chữ... để tạo một bầu không khí mới. Đôi khi có thể thay đổi bàn ghế...
Điệu bộ, sự thinh lặng
Làm chủ mình: Tập cho trẻ biết làm chủ cái thân thể của nó. Chung chung trẻ phải giữ nghiêm trang, thấy một đứa trẻ để chân lên ghế, ngồi dựa ngả nghiêng phải lập tức sửa chữa. Rồi chính điệu bộ của người dạy giáo lý cũng phải đứng đắn, đừng ngồi lên bàn, chơi với cục phấn...
Đệ nhất là sự im lặng. Thinh lặng bề ngoài, thinh lặng bên trong. Có những cách tập sự thinh lặng bên ngoài: Trẻ ngồi khoanh tay nhắm mắt, nghe tiếng động nhỏ nhất... hay để nghe sự thinh lặng.
Yên miệng, yên bàn ghế, yên tay chân, yên con mắt.
Chính vì yên lặng mà người dạy giáo lý phải ý tứ đừng làm rộn ràng bằng nói quá nhiều, quá nhanh, quá vội, quá to... không phải cứ nói nhiều là dạy nhiều đâu.
Thinh lặng bên ngoài chỉ là điều kiện cho sự thinh lặng bên trong, đây mới là cái quan hệ. Bao nhiêu lần ở giữa chợ mà yên lặng hơn một mình trong phòng với bao tiếng la lối của sở thích, dục vọng.
Thinh lặng bên trong nhờ sức cố gắng suy nghĩ. Nếu không có gì nuôi sự thinh lặng bên trong đó, thì sự thinh lặng bên ngoài chỉ là giả hình, hoặc một sự cố gắng vô ích.
Phong thể người dạy giáo lý.
Cách đi đứng, nói năng, cử chỉ đằm thắm, đúng đắn, chăm chú... nhất là đối với những vật thánh: Sách thánh, thánh giá... Chính đấy là một yếu tố quan hệ để cho giờ giáo lý là một giờ hướng tới cầu nguyện.
Dạy
Dạy giáo lý không phải là cắt nghĩa những chữ khó, dạy những ý tưởng mới, song là gây mối liên lạc giữa trẻ em và Thiên Chúa sống và đang làm việc. Có thế mới có thể có lúc cầu nguyện, nghĩa là sống với Chúa.
Dạy cho hợp trình độ tuổi trẻ em, như thế mới có thể cầu nguyện thực sự đáy lòng.
Dạy cho trẻ cách cầu nguyện của Giáo hội, nghĩa là kinh trong phụng vụ: Dạy danh từ, kiểu nói, những tiếng chính của phụng vụ (như Amen, Alleluia).
Cầu nguyện lúc nào?
Lúc đầu giờ thường không tốt, vì trẻ còn chia trí.
Lúc cuối cũng không tiện, vì trẻ mệt.
Tốt hơn hết là lúc giữa giờ, lúc cầu nguyện là lúc thấy trẻ sẵn sàng nhất, lúc đó có thể không định trước được.
Cầu nguyện thế nào? (trong giờ dạy giáo lý).
Nội dung, cách thức cầu nguyện phải thay đổi tùy theo tuổi (chúng ta nếu có giờ sẽ bàn lại).
Điều kiện bên ngoài.
Sự cung kính xứng đáng bên ngoài diễn tả ra thể xác, dáng điệu. Đối với trẻ, thể xác giúp cầu nguyện còn hơn đối với người lớn nữa.
Thường thái độ thích hợp nhất, cách riêng để cầu nguyện chung là “đứng” nhưng cũng đừng quên là trẻ đứng rất chóng mệt.
Chúng ta cũng có thể cắt nghĩa cho trẻ em về thái độ quỳ (nhỏ bé trước mặt Chúa, ăn năn...) và cả ngồi (suy niệm...).
Chỉ bắt đầu cầu nguyện khi mọi em cùng đứng, cùng quỳ. Nhưng nếu đông, cũng phải ý tứ đừng lạm dụng thiện chí của những em tốt (bắt chờ quá lâu).
Trẻ lúc còn bé 6 – 8 tuổi rất dễ cảm hóa, tự nhiên là nó làm theo người dạy. Đối với chúng, vấn đề chính là: Chính giảng viên cầu nguyện thực sự với Chúa (trẻ em sẽ làm theo).
Đừng bắt trẻ cầu nguyện, còn mình thì đứng kiểm soát, hay không cầu gì cả.
Dĩ nhiên là quay vào thánh giá, ảnh để cầu nguyện.
Nội dung
Để ý đến việc ngợi khen, cảm tạ Chúa. Nhất là đối với trẻ 6 – 9 tuổi. Chúng rất dễ lạ lùng trước vẻ đẹp của công việc Chúa, chưa cầu lợi như ta (thường chỉ biết có xin).
Có thể dùng những mẫu kinh Sáng danh, kinh Tiền tụng trong lễ, phần trước kinh Lạy cha.
Kinh cầu xin ơn: Thường sau 9 tuổi trẻ mới cảm nhận được xin ơn là tỏ tâm tình với Chúa đồng thời tùy thuộc thánh ý Chúa: Vì thế hướng về Chúa (xin theo “ý Cha bằng trên trời” vậy) chứ đừng hướng về mình.
Rồi xin cả ơn thiêng liêng, cầu cho người khác.
Cầu nguyện còn là để diễn tả những tâm tình khác nữa thuộc về Đức tin, cậy, mến, Hiến dâng, Trông cậy, Sám hối.
Tránh những kinh vô ý nghĩa hoặc sáo.
Kinh riêng hay chung.
7 – 9 tuổi có khi chỉ để yên lặng, vài câu nhắc trước là đủ. Hoặc sau mỗi câu dừng lại một phút yên lặng (đối với trẻ 13 – 15 cũng thế). Nhưng đối với trẻ 9 – 12 tuổi tốt hơn là đọc chung một kinh gì.
Kinh tự đặt ra hay kinh đã có sẵn (trong sách).
Những kinh đã có sẵn nhất là trong Thánh Kinh (như kinh Lạy cha, Thánh vịnh, kinh Benedictus, Sanctus, Manificat) là phương thế huấn luyện tinh thần cầu nguyện của ta hảo hạng nhất.
Đọc kinh có sẵn dễ đâm thành quen. Vì thế, cần thay đổi, cần thỉnh thoảng cắt nghĩa ý tứ.
Kinh tự đặt ra, xứng hợp cho tuổi bé con 7 – 9 tuổi, thường chỉ là xướng ý cầu xin.
Kinh tự đặt ra, bộc phát, rất cần để ý huấn luyện, vì là thường gặp trong đời sống.
Kinh tư hay kinh trong phụng vụ (kinh chung).
Nhớ rằng kinh hoàn hảo nhất là kinh Phụng vụ.
Trẻ không cần hiểu từng chữ. Thường nên huấn luyện cho chúng ham chuộng kinh Phụng vụ hơn kinh tư.
Kinh đọc (trong giờ dạy) phải tùy theo chu kỳ phụng vụ (Mùa Vọng, Sinh Nhật, Hiển Linh, Mùa Chay, Phục Sinh, Hiện Xuống), và các lễ trọng chính (Mình Thánh, các lễ Đức Mẹ).
Đối với trẻ nhỏ, còn có thể dùng những cử điệu Phụng vụ, giang tay, cúi mình.
Kinh đọc hay hát:
Hát thì hơn đọc, vì có cung điệu giúp tâm tình. Đàng khác, hát dễ nguyện chung cả đoàn thể hơn là đọc lỗ mỗ.
Nhưng:
Cầu nguyện, hướng dẫn hát, phải thật thuộc cung cũng như từ.
Chỉ có thể hát và cầu nguyện khi không còn quá bận tâm về cung điệu. Vì thế cần tập trước.
Chỉ rõ lúc nào là tập, lúc nào là hát cầu nguyện.
Trước khi hát, cắt nghĩa qua về từ.
Chọn bài hát cho có giá trị về giáo lý (cần lập một bản liệt kê các bài hát có giá trị về từ và điệu).
Trở về trang đầu
§4: MẤY ĐIỀU BÀN RIÊNG
KỶ LUẬT TRONG GIỜ DẠY GIÁO LÝ
Kỷ luật rất quan trọng trong giờ giáo lý:
Trẻ cần ta nâng đỡ để biết tự chủ. Kỷ luật dạy giáo lý là giúp ý chí cho trẻ chứ không phải kiềm chế trẻ. Vì thế, chính người dạy phải biết tự chủ, đừng nóng giận, đừng muốn mạt sát trẻ, trả thù.
Kỷ luật trong giờ dạy giáo lý khác kỷ luật trong lớp, trong trại nghỉ hè hoặc trong giờ chơi, hay trong gia đình: Kỷ luật thay đổi tùy mục đích theo đuổi.
Mục đích dạy giáo lý là:
Dạy cho biết. Vì thế cần yên lặng, cần một bầu không khí giúp làm việc thật sự.
Dạy giáo lý là chuyển một Tin mừng, chuyển Lời Chúa, vì thế cần giúp trẻ có thể tới được với Chúa để trả lời tiếng Chúa. Sửa đổi phần nào đời sống chúng.
Kỷ luật trong giờ dạy giáo lý phải thấm nhuần đạo đức, thấm nhuần thánh thiện, cung kính, tin tưởng và vui mừng. Làm sao để trẻ nghe Lời Chúa được và trả lời lại lời đó.
Làm sao để tạo bầu không khí kỷ luật đó? Chúng ta có thể xem qua ở điểm này:
Điều kiện phải có nơi chính người dạy.
Điều kiện ngoại tại.
Phán đoán về vài phương pháp thường dùng.
Những điều kiện nơi chính người dạy giáo lý để có thể gây được bầu không khí kỷ luật xứng hợp.
Phải có ý thức về sứ mệnh của mình.
Bầu không khí mà người dạy giáo lý muốn tạo nên, tùy thuộc trực tiếp vào ý thức mà người dạy có về sứ mệnh nhiệm vụ dạy giáo lý của mình.
Chính nhờ cái ý thức đó mà người dạy giáo lý có được một tâm tình Đức tin đối với các em, mới thấy mình là “môi giới” giữa các em với Thiên Chúa.
Đàng khác người dạy giáo lý không phải “đối diện” với trẻ, như ông thầy giáo trước mặt học sinh, thầy ban phát kiến thức cho học sinh.
Người dạy giáo lý là “cùng với” trẻ đi đến với Thiên Chúa. Chính người dạy giáo lý cũng phải tiến tới Thiên Chúa, tìm hiểu Lời Chúa, đáp lại tiếng Chúa.
Người dạy giáo lý không phải quay về trẻ, song là cùng trẻ quay về Thiên Chúa. Người dạy và người nghe hợp thành một “cộng đồng Đức tin”.
Chính Đức tin của người dạy làm cho giờ giáo lý có thực là dạy về Chúa hay không, và chính cũng Đức tin đó giúp người dạy giáo lý lướt thắng mọi trở ngại, mọi khó khăn và thất bại nữa.
Đức tin ấy ban niềm tin tưởng ở sứ mệnh Thiên Chúa giao phó và nguồn vui vì được là người mang Tin mừng đến cho người khác.
Bình thản, tự chủ (trong tiếng nói, trong bộ điệu).
Tin mừng có thực sự đáng chú ý hay không là tùy ở.
Người dạy có lòng cung kính Lời Chúa, Sách thánh.
Người dạy có tin điều mình nói, diễn tả ra trong giọng nói, cách nói
Người dạy giáo lý có để tâm đến việc dọn bài.
Người dạy giáo lý có công bằng kính trọng trẻ, đừng lúc thế này lúc thế kia, biết tự chủ, vì thế, cần biết mình, biết tính tình của mình.
Nếu là người vốn độc tài, có vẻ ngang tàng, thì cẩn thận chỉ có mã kỷ luật bề ngoài, trẻ bị đè nén.
Nếu trái lại là người nhút nhát thì phải liệu sao để trẻ có thể tin tưởng dựa vào lập trường, vào chính con người mình.
Nếu là người vốn “lôi kéo” “dễ yêu” thì ý tứ kẻo lôi trẻ đến với mình chứ không phải đến với Chúa.
Nếu là người vô trật tự, thì liệu kẻo mang lôn xộn tới...
Nếu là người quá “bình dân” không dám đòi hỏi, thì phải nhớ rằng Lời Chúa đòi hỏi rất nhiều
Biết trẻ
Một trong những yếu tố thành công là biết trẻ:
Biết tên: Trẻ sợ người biết tên nó.
Biết tuổi để làm việc tùy sức, tùy khuynh hướng.
Biết tính nết, biết gia đình, biết học lực.
Có biết trẻ như vậy người dạy giáo lý mới dần dần hướng dẫn được trẻ đi tới một thứ tâm hồn kỷ luật: Tự mình muốn sống theo kỷ luật chứ không phải vì ai bó buộc.
Kỷ luật như vậy dần dần dẫn đến tự do. Có tự do thật mới có phát triển thật. Kỷ luật gò bó chỉ có bên ngoài sẽ làm con người cằn cỗi hay gây phản động.
Biết một vài luật chung để gây kỷ luật.
Đây là những điều nếu không theo sẽ lập tức sẽ mất kỷ luật:
Rõ ràng: Các luật ra ít nhưng phải thật rõ. Trẻ rất thích biết rõ nó phải làm gì.
Cương quyết: Ngay từ giây phút đầu tiên phải làm cho trẻ thấy rằng mình có một thế giá không nhận sự từ khước: Trẻ thích thử, thí nghiệm xem người dạy chúng có đủ cương quyết hay không... (cương quyết nhưng đừng cứng cỏi).
Giữ lời hứa: Điều gì đã hứa, đã định là làm. Nếu không lời nói mình sẽ mất giá trị.
Những lệnh ra thường phải tích cực; không được chỉ tiêu cực: Xem em nào không gây tiếng động. Nhớ rằng một em không có gì để làm, là có quyền chơi. Phải có việc làm luôn.
Biết giữ bình thản luôn: Đừng bao giờ kêu to để át tiếng rộn; trẻ càng muốn lộn xộn, càng xôn xao, thì chúng lại càng cần sự bình thản của ta. Bình thản, nhẫn nhục, cố gắng sửa đổi, đừng thất vọng.
Những điều kiện ngoại tại để có trật tự
Đây là những điều kiện tiên quyết:
Nơi học
Phải có đủ chỗ ngồi, đủ chỗ cựa quậy.
Rồi phòng học phải thứ tự sạch sẽ, dễ coi.
Phòng học giáo lý phải nửa là lớp học nửa là nhà thờ (nghĩa là có một bầu khí đạo đức). Một bức ảnh đẹp, một quyển sách thánh đặt chỗ xứng đáng, một bình hoa... đây là những cái có thể gây bầu khí xứng hợp.
Giờ học
Nhớ rằng sau hai ba giờ học, gần trưa, trẻ đói, mệt... đừng trông đòi hỏi nhiều. Hãy cố gắng đặt giờ giáo lý vào lúc thuận tiện nhất. Đức tin của ta đòi thế.
Thời tiết.
Mùa nóng, lạnh mưa, ... hoặc hoàn cảnh: Như nghỉ hè gần tới, lễ nghỉ hay một dịp gì quan hệ tất cả đều ảnh hưởng mạnh tới trẻ. Phải biết cho nghỉ đúng lúc, song cũng phải lợi dụng để tập ý chí.
Phê phán thế nào về mấy phương pháp thường dùng?
Phần thưởng
Ảnh tượng, bánh kẹo, cho chơi, miễn học phí, thường làm cho trẻ lộn xộn, làm hạ giá mục tiêu của dạy giáo lý, phải làm sao trẻ biết làm việc trong giờ giáo lý cho Chúa, làm việc theo Đức tin.
Phần thưởng thật sự đó là làm việc tử tế, đẹp đẽ trước mặt Chúa.
Làm việc tử tế xong có quyền nghỉ.
Thỉnh thoảng ngày lễ có kẹo bánh, nhưng đó là điều khác.
Phạt
Dĩ nhiên phải có lúc phạt, nhưng đừng thành lệ. Nếu không trẻ sẽ chán ghét người dạy giáo lý. Nếu thế thì còn nói gì về lòng nhân từ Thiên Chúa được.
Khi phạt cần công bằng và xứng hợp. Muốn thế cần đừng phạt trong lúc lôi đình. “hai phút nói chuyện riêng nghiêm trang dịu dàng, còn hơn là cả một bài dài quát tháo nơi công cộng”.
Rồi hình phạt không phải là cốt đè bẹp trẻ em. Nhưng là giúp nó đứng dậy.
Phạt cũng như thưởng phải làm sao cho trẻ thấy là hậu quả tự nhiên của việc nó làm. Đừng chỉ đe dọa. Trẻ cần biết sợ, nhưng đừng sợ phi lý, sợ hoài!
Xếp thứ tự nhất nhì
Chả tốt chỉ tổ nuôi tính kiêu căng.
Rồi xếp sao được thứ tự theo Đức tin
Kêu gọi đến tình cảm
“Em làm cái này để chị vui lòng”! Không được! Nhớ rằng cảm tình rất khó dùng, tuy rằng có thể lợi dụng mà đừng lạm dụng!
Kêu gọi tới lý trí, điều nên, điều chăng.
Muốn thế mình phải làm việc đúng đắn đã, soạn bài đàng hoàng, giảng dạy rõ ràng...
Cách khuyến khích hơn hết là kêu gọi tới sự tự do của trẻ, tới “lý tưởng” của trẻ. Tin tưởng rằng Ơn Chúa sẽ làm việc qua những trục trặc yếu đuối bất khả kháng! Thay vì nói “các em yên trí làm tử tế các em sẽ được khen điểm tốt”, với trẻ 6 tuổi ta nói: “Tôi có thể bắt chân tay tôi phải nghe tôi. Chúa yêu một em bé cố gắng tấn tới.” Với trẻ 9 tuổi: “Tôi có thể giữ vỡ giáo lý thật sạch, vì trong đó tôi có viết Lời của Thiên Chúa”.
§5: KỂ CHUYỆN TRONG GIỜ DẠY GIÁO LÝ
Tại sao kể chuyện?
Lý do sư phạm
Trẻ chỉ để tâm để trí “và vì thế hiểu, nhớ” khi các tư tưởng được trình bày qua một việc gì cụ thể, việc cũ hay mới cũng được. Đây là đường lối tự nhiên để lĩnh hội một ý tưởng, vì thế ta phải dẫn trẻ đến một ý tưởng, nhờ một việc cụ thể (một chuyện).
Lý do sâu hơn nữa: Lý do Thánh Kinh.
Chúa mạc khải cho loài người tư tưởng và dự định của Chúa qua những việc xảy ra cụ thể, những nhận vật có thật: Abraham, Maisen, Chúa Giêsu...
Sách thánh là sách kể chuyện lịch sử, kinh Tin kính là bản gồm những việc đã xảy ra.
Truyền bá Phúc âm là rao giảng những việc đã xảy ra. Chúa xuống thế, chịu chết, sống lại, lên trời...
Kể những chuyện gì?
Chuyện Nước Thiên Chúa: Cựu ước, Tân ước, nhất là Tân ước.
Chuyện Giáo hội, những việc truyền giáo, sống Đức tin, những gương thánh thiện đã qua và hiện nay.
Những việc trong đời sống hằng ngày của làng xóm trong đời sống của chính trẻ em, những việc hằng ngày này có một lợi lớn về tâm lý là vì của các em, và nhất là cho các em thấy thế nào là sống Đức tin, nhìn đời với con mắt Đức tin.
Nhưng những chuyện đó phải nhớ rằng không phải là chuyện mạc khải, chúng chỉ dùng để so sánh để làm bàn đạp tiến lên hoặc để trẻ em chú ý.
Kể chuyện thế nào?
Phải cụ thể, có chi tiết chứ không phải chỉ nói thoáng qua, ám chỉ tới. Luật kể chuyện, dàn cảnh, bố trí các nhân vật thao diễn các “thủ đoạn”... tóm lại làm cho sống lại trước mắt các em như là những thực tế. Để sao các em thấy mình pha trộn vào đó.
Nhưng đấy vẫn chưa phải là mục đích: Mục đích của ta là làm cho trẻ thấy cái gì khuất ở sau câu chuyện.
Muốn được thế, cần một bầu khí nghiêm trang, cầm trí đạo đức.
Rồi đừng quá chú trọng đến chi tiết bên ngoài. Trái lại phải làm nổi bật tâm trạng, tư ý bên trong của các nhân vật, hơn là sự vật.
Chú thích: Hai nguy hiểm cần tránh:
Kể chuyện vì chuyện: Nghĩa là như chuyện đã qua thì chỉ là một việc đã qua, không có gì là hiện tại nữa. Ví dụ: “Abraham vâng lời Chúa bỏ nhà ra đi...” chỉ là một việc đã qua cách đây gần 4000 năm.
Để tránh việc này không phải chỉ cần kéo rút ra một bài học luân lý: “Abraham vâng lời Chúa, các em phải biết vâng lời cha mẹ”. Làm vậy là sai ý nghĩa Sách thánh.
Kể chuyện rồi áp dụng sai: Ông Simêon ẵm bế Chúa Hài Đồng: Nhìn nhận Thiên Chúa ở trong “đứa trẻ”... chúng ta cũng phải nhìn nhận Thiên Chúa ở trong những đứa trẻ dù là nghèo... làm vậy có vẻ “nhân tạo” quá.
Người kể chuyện hay nhất trong giờ giáo lý không phải là người biết “treo mõm” trẻ lên, thế rồi đến lúc hết chuyện, trẻ chia trí, nhưng là một người biết dẫn trẻ tới một ý tưởng thiêng liêng, tới một cách sống mới, sau khi nghe chuyện.
§6: HÌNH ẢNH TRONG LỚP GIÁO LÝ
Ai dạy giáo lý cũng nghĩ tới dùng hình ảnh... chúng ta thử xem ý nghĩa việc dùng hình ảnh, để tránh bất cập cũng như thái quá (hình ảnh đây là hình ảnh diễn tả trong trí, cũng như là hình ảnh mắt thấy, tay sờ: Tượng ảnh). Chúng ta sẽ xem công dụng của hình ảnh, quy luật để chọn hình ảnh và trình bày hình ảnh thế nào?
Tại sao dùng hình ảnh?
Trẻ em thích hình ảnh. Hình ảnh giúp trẻ em cầm trí, kích thích sở thích, giúp trẻ hiểu.
Ngay đối với người lớn cũng vậy, để suy nghĩ chúng ta cũng phải tưởng tượng ra hình ảnh. Viết bức thư, dọn bài giáo lý, chúng ta phải huy động đến bao nhiêu là hình ảnh.
Trong lớp giáo lý hình ảnh giúp gì?
Giúp gợi những nhân vật, hình ảnh, việc xảy ra, mà hiện giờ ta không thể thấy được. Ví dụ: Đức Giám mục, Đền thờ Thánh Phêrô, không thấy được vì xa, hay vì đã qua đời như Chúa Giêsu, Đức Mẹ.
Giúp ta có ý tưởng phần nào về mầu nhiệm siêu nhiên. Như những dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để diễn tả Nước Trời như bữa tiệc cưới, như mẻ lưới, như vườn nho...
Nhưng hình ảnh chưa đủ, còn cần trí khôn làm việc suy nghĩ về hình ảnh nữa. Phải nhớ luôn rằng mầu nhiệm Đức tin vượt quá hình ảnh, mắt xem một cái, trí tin một cái.
Các loại hình ảnh.
Có hai loại:
Loại hình ảnh tài liệu.
Như hình chụp Thánh địa, hình Lộ Đức, Đền thờ Thánh Phêrô. Lợi ích của loại hình ảnh này là làm cho trí khôn tin chắc vì như được sờ tới sự thật.
Vì thế cần các hình ảnh ấy phải thực là hình ảnh sự thật và am hợp với đòi hỏi của khoa thực nghiệm. Loại hình ảnh này không giúp gì cho trẻ trước 9 tuổi. Nhưng đối với trẻ 9 – 12 tuổi, nhất là thanh niên thì lại cần kíp.
Loại diễn tả (hay gợi ý).
Loại này khác hẳn với loại trên. Ở đây ảnh không phải là hình chụp sự thật, song là cắt nghĩa sự thật, làm cho sự thật có sức gợi ý hơn, đây là thiên tài của nghệ sĩ. Hầu hết các ảnh đạo thuộc loại này.
Hình ảnh đây là “con đẻ” của trí khôn và có sứ mệnh giao chuyển một ý tưởng, tâm tình.
Chọn hình ảnh thế nào?
Phải chọn hình ảnh đúng, hình ảnh đẹp (theo tôn giáo).
Hình ảnh đúng.
Hình ảnh đúng là hình ảnh gợi một ý tưởng tâm tình đúng (hình ảnh diễn tả). Hình ảnh tài liệu đúng là khi chụp đúng sự thật. Hình ảnh diễn tả tâm tư đúng, là khi tâm tư diễn tả đó đúng, nên có thể, đứng nguyên về phía hình ảnh cụ thể, có khi sai. Ví dụ: Hình ảnh một vài dụ ngôn trong Phúc âm: Nước Thiên Đàng như ông chủ bắt ép người ta vào... hay hòn đá lớn lên của Thánh Phanxicô de Sales. Hình ảnh đúng tùy theo người xem, tùy tuổi, tùy văn hóa... Vẽ Đức Chúa Trời như một ông già khụ: Có người xem thì thấy ngay vẻ đáng kính, có thể đôi khi nghĩ tới được ý tưởng vĩnh cửu đời đời. Nhưng có người lại cho là một ông già nua, độc thân, cô đơn.
Một đôi khi có những hình ảnh luôn luôn cho một ý tưởng, tâm tình sai. Như thế tức là trái với tín lý. Ví dụ: Hình Thiên Thần hoặc Đức Mẹ cho chịu lễ; hình ảnh kẻ dữ chết, quỷ ma bà con còn đó mà Thiên Thần Chúa thì bay đi, bỏ mặc!
Căn bản sự sai lạc đó là do tác giả muốn kích thích cảm tình sợ hãi, chứ không nghĩ tới tín lý.
Hoặc những hình ảnh sai vì “duy vật”: Tác giả không để tâm gợi ý mà chỉ nghĩ tới hình dung cái vô hình, như hình tam giác chỉ Chúa Ba Ngôi; điện chỉ ơn nghĩa. Xét đến cùng những hình ảnh đó muốn cụ thể hóa một ý tưởng bằng những hình ảnh vật lý, hình học.
Hoặc hình ảnh sai vì bắt hẳn trí khôn ở lại nơi hình ảnh đó, không giúp nó vượt lên trên hình ảnh. Như hình ảnh quỷ có sừng, có đuôi, đen như cột nhà cháy; hay là hình Đức Mẹ quá quyến rũ về thể xác của phong trào Phục Hưng Châu Âu (các nghệ sĩ thường lấy tình nhân ra làm mẫu để vẽ Đức Mẹ)
Hình ảnh đẹp: Hình ảnh xấu “kêu la”, hình ảnh đẹp “hát xướng”.
Hình ảnh “nói” thay lời nói chưa đủ, nó cần phải diễn tả cái mà lời nói không thể diễn tả được. Hình ảnh đẹp không nói, song là chỉ cho thấy. Hình ảnh đẹp theo tôn giáo phải gợi một thái trang tâm hồn hỗn hợp Đức tin, cậy, mến.
Đối với trẻ thường phải dùng hình ảnh, ít cho tiết vì chi tiết làm chúng quên cái chính.
Phải trình bày hình ảnh thế nào?
Phải giúp trẻ hiểu, giúp trẻ biết nhìn.
Thường trẻ xem (thụ động) chứ không nhìn để tìm hiểu. Cắt nghĩa qua một tý trước khi đưa ảnh ra, để giúp trẻ để ý. Hỏi trẻ để trẻ tìm ra ý nghĩa trong ảnh.
Phải cho xem ít ảnh thôi. Đối với trẻ, càng cho, chúng càng đòi và rồi chúng càng chóng chán.
Dạy giáo lý chỉ bằng hình ảnh là bất cập.
Ảnh càng đẹp, càng ý nghĩa, càng cần thời gian để lĩnh hội. Có những ảnh phải để hàng tuần, hàng tháng mới cảm hết.
Phim ảnh chiếu lên tường từng cuộn một rất tai hại cho cả trẻ lẫn người dạy. Vì sự thường trong số nhiều hình ảnh liên tiếp đó có những hình ảnh không hợp với đề tài giáo lý đang học. Đàng khác quá nhiều hình ảnh nên không đi sâu vào mầu nhiệm được.
Tùy theo tuổi mà chọn hình ảnh.
Trẻ bé (trước 8 tuổi) rất mê màu sắc. Dáng điệu chung của thân thể cần hơn nét mặt. Đừng quá nhiều chi tiết. Ảnh tài liệu chưa cần. Những kiểu ảnh có hào quang, hoặc “nhân loại hóa” liều mình làm trẻ hiểu sai vì cho đó là đúng sự thật.
Trẻ 9 – 12 tuổi: Màu sắc vẫn quan hệ nhưng trẻ để ý tới nét mặt. Trẻ thích ảnh lạ, nhiều chi tiết hơn (giáu ý nghĩa). Trẻ cần ảnh tài liệu, tài liệu không phải chỉ nguyên là ảnh chụp. Nhiều khi ảnh tài liệu vẽ có lợi vì rõ ràng hơn là chụp.
Kết: Tiếc một điều là chưa có một cơ quan để kiểm soát hình ảnh cho chặt chẽ về tin lý cũng như về ích lợi giáo dục.
Trở về trang đầu
§7: BÀI HỌC THUỘC
Hai lập trường:
Học giáo lý, trẻ cần nhớ, bây giờ không hiểu, sau này sẽ hiểu. Ít là chúng nhớ.
Không, tôi không muốn cho chúng làm con vẹt... Ai đúng?
Cả hai đều có phần đúng, phần sai.
Muốn thấy rõ, chúng ta hãy xem qua:
Tại sao phải học thuộc lòng?
Học cái gì?
Giúp học thế nào?
Trả bài thuộc lòng thế nào?
Tại sao phải học thuộc?
Chúng ta thấy học môn gì cũng cần học thuộc cả: Bảng tính nhân, viết chính tả, những niên hiệu... dù lớn hay bé, theo lối cổ truyền hay lối học tối tân.
Xét theo tâm lý: Không nhớ, sẽ không có tư tưởng. Trí nhớ làm cho đời sống có mạch lạc, liên tục. Trí nhớ làm cho ta nói được là đã sống, đã biết.
Xét theo phương diện tôn giáo: Đạo Công giáo là đạo lịch sử: Nghĩa là những việc đã xảy ra rất quan hệ và cần phải nhớ. Trong Sách thánh, ta thấy Thiên Chúa là “Đấng nhớ”, nhớ lời đã hứa, nhớ lời giao ước, nhớ để sống trung tín. Và người tín hữu là “người nhớ” những ơn lành của Thiên Chúa. x. Dt 6, 6 – 7, kinh Manificat, Kinh Benedictus, hoặc kinh Tin kính, kinh trong thánh lễ “Unde et memores”.
Đức tin đúng, cần phải nhớ những việc đã xảy ra, những danh từ, những kiểu nói. Ví dụ “Ngôi Hai xuống thế làm người” “Đức Mẹ đồng trinh”.
Sau hết, để trong xã hội có thể trao đổi, nói chuyện, chung sống, cần phải có một ngôn ngữ, một kiểu nói. Nghĩa là cần trí nhớ mới có đời sống xã hội, trong Giáo hội cũng thế.
Học thuộc những gì?
Trí nhớ có ba lối làm việc:
Nhớ thuộc lòng
Cần thuộc lòng những kinh cần kíp; những tên, vài niên hiệu, vài con số: Bảy phép Bí tích, 10 điều răn, những mầu nhiệm “xuống thế làm người”, “linh hồn và xác lên trời”, “Phục sinh”. Vài lời nói của Chúa: Tám mối phúc thật, mấy kinh của Giáo hội...
Trong trường hợp học thuộc lòng này chỉ có cách nhai đi nhai lại cho đến khi nhớ. Và rồi buộc phải thật thuộc: Không được bỏ xót, hay đọc ấp úng. Nhưng cũng phải dùng tới những điều đã học thuộc đó luôn kẻo quên, đồng thời để có dịp sống theo điều đã thuộc.
Nhớ theo nghĩa.
Đó là trường hợp nhớ những việc đã xảy ra trong Cựu ước và Tân ước: Đời sống Chúa Giêsu vài phép lạ, vài dụ ngôn...
Trong trường hợp này không cần học thuộc lòng chỉ cần nói được cho đúng, dùng chữ khác cũng được, trừ vài tiếng quan hệ là cốt truyện. Cần xem trẻ nhớ, nhưng có hiểu không? Làm sao để trẻ nhớ được, không phải bắt nhai đi nhai lại như kiểu học thuộc lòng trên. Song bằng cách năng nhắc tới, nói áp chỉ tới, mang so sánh với nhau. Ví dụ: Chúa gọi Abraham = Chúa gọi các môn đệ = Chúa gọi mỗi người.
Nhớ ghi trong lòng
Đó là nhớ những điều căn bản của đời sống Công giáo. Ví dụ: Thiên Chúa biết rõ tôi. Thiên Chúa yêu tôi, Thiên Chúa săn sóc tôi...
Đây là một lối nhớ khác hai lối nhớ trên kia. Không phải là nhớ thuộc lòng cũng không phải là nhớ theo nghĩa (nhớ theo trí hiểu). Nhưng là “nhớ ghi tạc vào lòng” như Đức Mẹ trong Thánh Kinh (Lc 2, 19 - 51). Muốn có trí nhớ “ghi tạc vào lòng” này chỉ có cách là sống nhiều lần những tâm tình Đức tin, cậy, mến, cách riêng trong giờ phụng vụ, giờ nguyện gẫm.
Cần ta phải kiểm soát lối nhớ này, vì đó có thể nói là mục đích chính của giáo lý. Nhưng đó cũng là một điều rất khó kiểm soát. Cần phải sống rất gần trẻ và chính mình cũng phải có trí nhớ đó nữa.
Trí nhớ giáo lý, tùy theo tuổi.
Bài giáo lý sự thường phải kết thúc bằng một vài câu rõ ràng, hàm xúc ý nghĩa để có thể gọi là tóm tắt bài dạy.
Những “câu tóm tắt” ấy sẽ là bài học thuộc lòng. Câu tóm tắt ấy rất có thể chỉ la một câu nói của Chúa. Ví dụ: Bài giáo lý về đức yêu thương, câu tóm tắt có thể là: “chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”.
Theo tuổi mà ra bài học thuộc lòng:
Cho tới 6 tuổi, thường là những dáng điệu cử chỉ làm theo lời nói. Ví dụ: Làm dấu thánh giá, bái quỳ, đấm ngực... kèm theo lời đọc.
7 – 8 tuổi trẻ thích những câu thật hay, đẹp, có điệu, trẻ cần hiểu hết chữ. Rồi thích làm điệu theo lời: Đọc Thánh vịnh với nhịp điệu...
Nên dùng những câu Sách thánh.
9 – 12 tuổi: Trẻ cần những câu điêu luyện, ý nghĩa chặt chẽ về tín lý. Cần hiểu những điều học thuộc lòng.
12- 14 tuổi: Thường rất khó học thuộc lòng. Trừ ra có khung cảnh nhà trường bó buộc. Hãy cố gắng giúp trẻ tìm thấy những cái chúng thích học. Ví dụ: Những kinh đọc đặc sắc của những “thần tượng”. (Xem phần tâm lý về tuổi này).
NB: Đối với tuổi nào cũng vậy, bài hát luôn có thể giúp học thuộc lòng dễ dàng.
Trả bài thế nào?
Cần phải trả bài, nếu không, trẻ sẽ không học. Trả bài hết mọi em, và nhất định không được vấp váp hay ấp úng.
Cho được vậy, ngay từ ngày thứ nhất, phải để ý ráo riết ngay đến vấn đề đó, khích lệ những đứa thuộc, nghiêm khắc với những đứa lười.
Nếu thời gian đầu lơ mơ, suốt năm trẻ cũng lơ mơ.
Nhớ rằng: Uy tín của người dạy cũng như cha mẹ chúng, thể hiện ở điểm này.
Trả bài vắn tắt và êm thắm.
Muốn vậy, cần phải có nhiều người cộng tác, hay có thể giao việc khác (viết, làm) cho những đứa chờ trả bài. Nhưng nhớ rằng: Trẻ thuộc bài thích đọc to cho mọi người nghe, và đứa khác cũng sẽ được lợi.
Có cho điểm không?
Có thể, nhưng tốt hơn là cho lời phê bình: Cho chính trẻ thấy và ghi vào vở chúng. Đấy cũng là điều dễ nói và thường nói với cha mẹ chúng. Và cũng còn có thể dùng để đánh giá sự cố gắng của trẻ sau mỗi lục cá, tam cá cuối năm.
Nhưng cẩn thận đừng lẫn đứa học thuộc nhiều với đứa có lòng tin yêu nhiều. Điều cần là tìm ra những đưa lười để giúp đỡ sửa mình.
Nếu trẻ không thuộc thì làm thế nào?
Cần làm đừng bỏ lơ, vì chúng sẽ bỏ lơ cả nhiều cái khác: Bài làm, kỷ luật...
Cần phải chỉ bài học cho rõ ràng, và một hai buổi học liên tiếp, ta sẽ dành hẳn một thời gian chỉ để học bài thôi. Đứa nào lười sẽ bị giữ lại cho đến thuộc mới cho về và báo cho cha mẹ biết.
§8: TRÍ KHÔN TRONG GIÁO LÝ
Dạy giáo lý là giáo dục Đức tin. Mà Đức tin trước hết là hiểu biết (Rm 10, 14): Nghĩa là trí không giữ một vai quan trọng. Dĩ nhiên trí khôn đó cần ơn Chúa giúp.
Trí khôn đòi hỏi những gì?
Thứ tự
Những câu rõ ràng, khúc chiết.
Lý sự
Cắt nghĩa cho thấy.
Thứ tự.
Hiểu là gì? Là nhìn được bao quát, thấy mối giây lạc và có thể dẫn tới một cái gì duy nhất. Chính vì thế cần thứ tự và chương trình rõ ràng. Trong giáo lý, có thể có nhiều sợi dây liên lạc gây thứ tự:
Thứ tự theo lịch sử.
Thứ tự theo phụng vụ.
Thứ tự theo lý luận. (như trong sách giáo lý, tín lý, Bí tích, Luân lý).
Chúng ta đã phân biệt 3 thứ đó chưa? Chúng ta có thấy lợi ích và giới hạn của mỗi thứ chưa? Chúng ta có thể nhìn thấy dây liên lạc trong một chương trình chưa? Ví dụ: Xem mục lục, quyển sách giáo lý Việt Nam theo thứ tự nào?
Chúng ta có thấy liên lạc giữa bài về tiếng lương tâm, đứa con phung phá với phép Giải tội không?
Chúng ta có biết so sánh một chuyện Phúc âm với một chuyện trong Cựu ước, một việc Chúa làm với một việc Giáo hội làm chưa?
Chính nhờ sự so sánh, đặt lại gần nhau đó mà trẻ có thể có một trật tự trong ý thức về tôn giáo.
Những câu rõ ràng, khúc chiết.
Chỉ khi nào ta có thể diễn tả thành câu rõ ràng khúc chiết, lúc đó mới có thể nói là đã hiểu thật.
Có ba loại câu diễn tả
Tùy theo trừu tượng nhiều hay ít.
Câu chỉ là kể chuyện: Có hoàn cảnh, nơi chốn, ví dụ: Chúa Giêsu chết trên thánh giá, ngày thứ sáu hồi ba giờ.
Câu Thánh Kinh và phụng vụ thì gần đời sống hơn: “Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” thì hơn câu “Một Chúa mà có Ba Ngôi”.
Câu thần học: Câu “Một Chúa Ba Ngôi” rõ ràng là khúc chiết hơn, vì thế trừu tượng hơn.
Trí khôn cần tất cả các loại câu đó để đến chỗ hiểu biết thực sự. Ta có thể phê bình một quyển giáo lý, tùy theo sự dung hòa đầy đủ những loại câu trên.
Câu diễn tả một điều trừu tượng, một chân lý.
Cần “móc nối” với một “sự kiện” mạc khải, bằng không, câu sẽ không có hoặc rất ít ý nghĩa. Ví dụ: “Tội là lỗi phạm đến Chúa” nếu trẻ chưa nghe dụ ngôn đứa con phung phá, thì sẽ chả hiểu hoặc hiểu rất lơ mơ.
Hay: “Một Chúa mà Ba Ngôi”. Nếu không hề nghe biết Chúa Giêsu đã nói và sống với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thế nào, thì câu kia chỉ là một ý nguyện, một tiếng kêu rỗng không. Hay về “Ơn nghĩa” cũng vậy: Trẻ phải nghe về “Nước ban sự sống”, cây nho... đã.
Lý luận
Nói đến lý luận, nhiều người nghĩ ngay tới kiểu lý luận này: “thuộc linh là bất tử, linh hồn là thuộc linh, nên linh hồn là bất tử”. Kiểu lý luận này trẻ em chưa thể làm được.
Nhưng đấy không phải là một kiểu lý luận duy nhất.
Lý luận để so sánh, để đặt gần nhau, để thấy liên lạc với nhau, để tìm ra thứ tự căn nguyên... đấy còn là những lối lý luận khác, mà trẻ có thể làm được.
Lối lý luận hay dùng đến nhất trong giáo lý là tìm ra ý định của Thiên Chúa.
Cắt nghĩa
Dạy giáo lý là dạy: Chứ không như phụng vụ là làm việc, hay như giáo dục gia đình dựa vào sự thông cảm.
Mà đã là dạy, thì cần cắt nghĩa, cần giãi bày ra trước mặt trí khôn những cái là ý nghĩa, có ý nghĩa.
Dạy giáo lý, mà lúc trẻ hỏi một câu mà không cắt nghĩa được, là cả một điều trái ngược.
Trẻ từ 9 tuổi rất cần hiểu biết để có thể tin. Cái tai họa nhất của giáo dân Việt Nam là đọc thuộc lòng mà không hiểu.
Cắt nghĩa sao?
Cắt nghĩa mà phải biết kính cẩn mầu nhiệm. Ví dụ: Nói về Chúa Ba Ngôi. Nói có vẻ như hết sức dễ dàng (hình tam giác, ngọn nến) đến lúc động đến 3 – 1: Lúc đó mới lính quýnh đáp: A, các em phải biết đấy là mầu nhiệm.
Không phải thế!
Ngay từ đầu, chúng ta đã ở trong mầu nhiệm rồi, nên cần phải khiêm nhường, cung kính, diễn tả trong thái độ, giọng nói của ta.
Cắt nghĩa mà đừng xa những việc lịch sử đã xảy ra, đừng xa những Ngôi vị.
Đây là đòi hỏi của Kinh Thánh, của phụng vụ mà không một lời dạy giáo lý đúng đắn nào được phép làm ngơ. Mà Thánh Kinh là những việc xảy ra, những Ngôi vị sống động (Thiên Chúa, con người); phụng vụ là “việc làm” sống động cụ thể.
Cắt nghĩa mà luôn luôn giữ liên lạc với kinh nghiệm. Trí khôn loài người hiểu biết được là nhờ một kinh nghiệm tiến từ một kinh nghiệm cụ thể của chính mình hay của người khác; vì thế, luôn khởi đầu từ một kinh nghiệm. Ví dụ: Trong một bài dạy về tiếng lương tâm, tôi sẽ nhắc tới những lần trẻ sống theo hoặc từ chối tiếng lương tâm. Hay trong bài dạy về đọc kinh cầu nguyện, tôi sẽ nhắc tới buổi đọc kinh của trẻ và nhất là kinh lễ của Giáo hội (trong nhà thờ địa sở).
Cắt nghĩa mà hướng về đời sống. Cắt nghĩa làm sao mà khi hiểu biết trẻ sẽ muốn sống cho hợp với điều mình hiểu, vì có những lời cắt nghĩa chỉ làm thỏa tính tò mò.
IV. SƯ PHẠM GIÁO LÝ HÔN NHÂN VÀ DỰ BỊ HÔN NHÂN
Bài 1. GIÁO LÝ HÔN NHÂN VÀ DỰ BỊ HÔN NHÂN
Trước hết, cần phân biệt hai tổ chức trên:
“Giáo lý Hôn nhân”: Là phần học hỏi giúp tìm hiểu ý Chúa về hôn nhân đã được mạc khải trong Kinh Thánh, trong luật tự nhiên và Giáo Hội dạy.
“Dự bị hôn nhân”: Là phần giúp bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình cho chu đáo, và thành quả trước thánh ý Chúa. Như vậy, “Giáo lý hôn nhân” có thể là một phần của dự bị hôn nhân - nếu là tổ chức “cho” và “do” người Kitô giáo, cách đầy đủ, đúng đắn.
Tổ chức “dự bị hôn nhân” phức tạp hơn “Giáo lý hôn nhân”, vì gồm nhiều mặt: như luật pháp, gia chánh, y khoa, nghệ thuật...
Bổ túc “Giáo lý hôn nhân” và “dự bị hôn nhân”. Rất nhiều khi vì nhu cầu mục vụ (như quá kém về “Đạo” và “văn hoá”), nên nhân dịp dạy Giáo lý hôn nhân chính thức, còn phải dạy thêm về giáo lý chung, cũng như những đòi hỏi khác về đời sống gia đình (thường được dạy trong lớp “dự bị hôn nhân”). Tuy nhiên, đừng vì thế mà người có trách nhiệm đòi hỏi bạn trẻ quá đáng những điều không cần và không quan trọng.
Bài 2: MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN
NGƯỜI BẠN ĐỜI – HẠNH PHÚC TÌNH YÊU
Dựa vào hai đoạn Kinh Thánh St 1, 27 và St 2,18 chúng ta có thể rút ra các hệ luận sau đây:
Mục đích của hôn nhân thứ nhất là để con người có người bạn đời:
“Người bạn đời” để con người nên tốt, vì “ở một mình không tốt”, tại sao thế?
Vì Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh, hoạ ảnh của Ngài là “Nam và Nữ”. Loài người có nam, có nữ mới là hình ảnh Chúa, mà nguyên đặc tính nam hoặc đặc tính nữ, không đủ để hiểu là đúng hình ảnh Chúa.
Ngược lại, về phía con người, “nam” giữ một phần nào, “nữ” một phần nào hình ảnh Thiên Chúa. Nếu muốn hoàn hảo, phải có cả hai (thế mà thế giới đang xuống dốc hôm nay, đang đòi phải công nhận pháp lý hôn nhân đồng phái tính!)
Ngày nay, các nhà tâm sinh lý nói đến quy luật bổ túc, hoặc định luật quân bình trong đời sống tâm sinh lý, cả về đời sống cá nhân, lẫn đời sống xã hội...
Nam, Nữ phải bình quyền, nhưng không đồng hoá, mà phải giữ luật phát triển giới tính của mình, để góp phần “tốt” cho loài người. Và từ đó, cần có sự hoà hợp tinh thần để bảo đảm hoà hợp thể xác và ngược lại; chứ không chấp nhận lấn át,...
Phải nói thêm, cuộc “giải phóng phụ nữ” phải là một cuộc bước tiến đúng hướng, chứ không mang kiểu “tôn thờ” như đồ chơi, như búp bê...
Sự trợ giúp Chúa ban cho con người đơn độc là “Eva”, một trợ giúp tình yêu.
Trợ giúp của Thiên Chúa ban cho Ađam là an ủi, là tình yêu (chứ không mang ý nghĩa con người thường hiểu là: tăng cường sức mạnh để chống trả?).
Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện đặc biệt trong hôn nhân.
Hôn nhân là “chứng cứ” luôn sống động và mới mẻ cho “Thiên-Chúa-tình-yêu”: Mọi cái có thể cũ, nhưng tình yêu hôn nhân không cũ, mặc dù nó đã có từ khởi nguyên loài người; không “quen” mặc dù hôn nhân xảy ra hằng ngày, hằng giờ; không “chết” vì luôn làm phát sinh bao công việc, bao thành quả.
Và nhất là vì: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,10).
Bài 3 : MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN : TRUYỀN SINH VÀ PHÁT TRIỂN
1.Mục đích thứ hai của hôn nhân: TRUYỀN SINH.
Ở bài 2, ta đã nói mục đích thứ nhất của hôn nhân, bao gồm những tương quan rộng rãi (tình cảm, lý trí, hành động) giữa nam và nữ.
Mục đích thứ hai nói đến đây, có vẻ thu hẹp vào vấn đề dục tính, với khẳng định rõ ràng: mục đích dục tính là con cái. Điều này mở ra một nhãn quan rộng rãi hơn cả nhân loại với các hành động của nhân loại.
Dựa vào lời Chúa (mạc khải) nói với Adam-Eva tiên khởi, Giáo hội - trong thông điệp “Sự sống con người” đã kiên quyết chọn một lập trường vì nhân phẩm của con người trước Thiên Chúa: không chấp nhận mọi tách rời vấn đề sinh sản với dục tính, bằng cách cản trở thụ thai tự nhiên, trong lúc Giáo hội không quên nhắc đến ơn Chúa trợ giúp và tự nhiên của những công việc lành mạnh hoá môi trường xã hội.
2.Truyền sinh để thi hành sứ mạng quản trị muôn vật Chúa đã dựng nên.
Sau mệnh lệnh: “Hãy sinh sản”, Chúa trao cho con người thống trị trái đất, muôn vật với những khả năng Chúa ban cho ngay trong bản chất “giống Chúa”. Sứ mạng: “phát triển - bảo vệ môi sinh”.
3.Sinh thành - dưỡng dục.
Bổn phận “sinh” và “dưỡng dục” luôn đi kèm theo nhau, mới có thể “nên người”, mới thi hành được sứ mạng thống trị. Dưỡng dục gồm hai mặt:
Giáo dục để “làm người”, do gia đình và xã hội sau đó.
Giáo dục để “thống trị” vạn vật: biết cách quản lý trái đất, phát triển xã hội. Nhưng luôn luôn phải tuân “theo ý Chúa”: Không được phá hoại môi sinh dưới bất cứ hình thức nào. Nếu không, thiên nhiên sẽ phản lại con người. Con người phải làm hoà với thiên nhiên (Thông điệp Hoà Bình - 1990).
Bài 4 : BỔ TÚC VỀ GIÁO LÝ MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VÀ SỐNG ĐỘNG
VỀ ĐỜI SỐNG NGƯỜI KI TÔ HỮU
Bổ túc về giáo lý:
Vì thiếu sót thường xuyên về giáo lý của đa số các tín hữu, nên nhân dịp Hôn phối, thường là một dịp để học giáo lý chung. Trong thời gian này, đôi bạn cần học bổ túc những gì? Phải chăng là:
Các kinh sáng - tối?
Các phần cuối sách Giáo lý Công giáo?
Nếu cố nhét vào đầu những điều cần phải thuộc... (mà nếu không, thì ...) với tâm trạng bị “bắt buộc” như thế, thì đời sống Kitô hữu mai sau đó sẽ ra sao? Họ chỉ sống theo một cơ cấu công giáo. Lợi bất cập hại, với đà phát triển xã hội hôm nay, đòi hỏi phải đặt lại vấn đề “Giáo lý tiền hôn nhân”, cũng như “Giáo lý nói chung”.
Một cái nhìn tổng quát và sống động về đời sống người Kitô hữu.
Đa số giáo dân chỉ học giáo lý lúc chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích Khai tâm (như: Xưng tội rước lễ lần đầu; Thêm sức), mà đa số là học theo kiểu “nhồi sọ”, “bó buộc” hoặc là cấp thời vì hoàn cảnh.
Như vậy, ta cần phải tránh lối học “nhồi sọ”, “bó buộc” lần thứ hai cho các đối tượng thanh niên, tuổi lập gia đình, mà chính đây là thời điểm cần phải cho họ nghĩ xa về tương lai, thấy được ý nghĩa đời người và cuộc sống; nghĩa là cho họ được nghe rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu.
Đàng khác, khi dạy Giáo lý, ta cọi nhẹ hồn sống đạo mà chỉ nói về nếp sống đạo (mà đa số thể hiện bằng “giáo lý hỏi-thưa” như sách bổn thường dùng).
Vậy, phải giải quyết cách nào?
Bài 5 : GIÁO LÝ HÔN NHÂN
TIN MỪNG KITÔ GIÁO CỐT YẾU VÀ TOÀN DIỆN
Các nhà canh tân Giáo lý (Đức), sau này gọi là “Phong trào Rao Giảng” khẳng định rằng: “Đa số người tín hữu đạo dòng (gốc) không bao giờ được nghe Rao Giảng Tin Mừng Kitô giáo”. Vì thế, đức tin của họ yếu kém, lắm khi lệch lạc và thiếu năng động (!).
Trước khi nói “Tin Mừng Kitô giáo” cần phải nhấn mạnh được hai tính cách “Cốt yếu và toàn diện”.
Cốt yếu và toàn diện: Đây là hai tính cách căn bản của “bổ túc giáo lý” cho đôi bạn tương lai.
Thường mắc khuyết điểm là chỉ chú ý đến cái phụ, cái lộ ra bên ngoài... hơn là nhấn mạnh đến cái nguyên nhân, động lực thúc đẩy bên trong (mà cái biểu lộ ra bên ngoài thường là đa dạng, phức tạp, khó hiểu - như khi nói về các bí tích).
Dạy đạo, thường người ta chỉ dạy cách sống đạo, chứ không dạy phần cốt yếu tạo nên tâm hồn đạo, chính là Tin Mừng mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ phải “đi rao giảng cho muôn dân”.
Tin Mừng Kitô giáo.
Mc 15,15: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
Cv 1,8: “Các ngươi sẽ là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđêa và cho đến mút cùng cõi đất”.
Và các môn đệ đã vâng lời Chúa, rao giảng Tin Mừng làm chứng cho Chúa Kitô Cv 2,22-40. Tin Mừng mà các ngài rao giảng là chính Chúa Kitô và các ngài là nhân chứng 1Ga1,1.
Dạy Đạo ngày nay có như thế không? Có hướng về Chúa Kitô không? Giáo lý có sức sống và tươi nở của Tin Mừng không? (Cv 2,42-47).
Người dự tòng, sau khi học xong giáo lý, tâm hồn họ có được vui mừng vì được “giải phóng” và một cuộc sống mới sắp xảy đến cho họ? Rm 6,4.
Người đạo gốc học giáo lý (dịp Hôn nhân, Thêm sức ...) có được một khám phá mới cởi mở với Thiên Chúa Ba Ngôi không?
Bài 6 : ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH
Việc “Rao giảng Tin Mừng” (ở bài 5) là ôn lại nền tảng đức tin Công giáo, nhắm tới việc nghe biết: “Tin bởi được nghe” (fides ex audito) (Rm 10,14). Còn đời sống bí tích, thì nhắm tới phương diện khác của Tin Mừng. Đó là sức tái tạo, sức sống của Tin Mừng (đem đến cho con người).
Rao giảng Tin Mừng là chứng nhân cho Đức Kitô, Đấng đã sống trên trần gian như bao người; nhưng còn là Đấng đang sống, đang tiếp tục hoạt động như xưa (dưới hình thức khác), qua các bí tích được Giáo Hội cử hành. Mt 28,20; Mc 16,20; Ga 20,22; Ga 15,26-27.
Đó là cách giáo lý viên phải nắm để trình bày về phần giáo lý ơn Chúa và bí tích.
Một việc cần lưu ý ở đây (cũng như ở phần rao giảng Tin Mừng), là người ta hay dừng lại ở cách sống đạo bề ngoài, mà quên sức sống bên trong, tức là dừng lại ở nơi những dấu hiệu bên ngoài mà bí tích, hoặc quy luật để cử hành. Điều ấy tạo nên một não trạng “sự vật hoá” bí tích. Cho dầu dấu hiệu bề ngoài vẫn là điều cần như xác cần cho hồn, song nếu không có “hồn” thì nó chỉ là “thây ma”.
Sức mạnh của Tin Mừng Rm 1,16: “Tin Mừng là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ bất cứ ai có lòng tin …”. Isaia miêu tả Lời Chúa như là một sức mạnh thành đạt: “Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” (Is 55,11).
Lời của Đức Kitô làm cho ma quỷ phải nghe, bệnh tật phải lành, sóng gió phải im …
Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng bằng các dấu lạ, trở thành “điềm thời gian” (Mt 16,3b), con người có bổn phận phải nhận ra ý nghĩa …
Như vậy, Tin Mừng không phải chỉ là lời nói suông (một lý thuyết, chủ nghĩa …), nhưng chính là việc Thiên Chúa làm để cứu vớt con người khỏi đau khổ, khỏi chết, mà được sống hạnh phúc muôn đời.
Bài 7 : ĐỜI SỐNG KI TÔ GIÁO :
SỐNG THEO TIN MỪNG VÀ HỢP TÁC VỚI CHÚA
Tin Mừng không chỉ là một “kiến thức mới” về Thiên Chúa được thông báo cho con người biết, cũng không chỉ là một hành động riêng của Thiên Chúa làm cho con người.
Nhưng Tin Mừng yêu cầu con người thay đổi đời sống để được một nếp sống mới, cộng tác với hành động của Thiên Chúa: “Hãy theo Ta”. Các môn đệ đã đáp lại, và được nhận lãnh Thánh Thần để hiểu lời Chúa Ga 14,26; 16,23; Cv 2,4.17, sức mạnh làm chứng cho Chúa Ga 14,26; Cv 1,8. Chúa còn thiết lập các bí tích để ban ơn cần kíp cho con người.
Về đời sống Kitô giáo, hay luân lý Kitô giáo, cần chú ý 3 điểm chính yếu sau đây:
Thiên Chúa ban ơn: Như lời Chúa quả quyết: “Không có Ta, các con không thể làm được sự gì” (Ga 15,15). Cũng như qua ví dụ: Cây nho và cành nho!, trong “tạo dựng” cũng như “cứu chuộc.
Vì thế, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích là “thành phần” không thể thiếu trong đời sống Kitô giáo.
Con người đáp lại, cộng tác:
Chúa ban cho con người có tự do khi tạo dựng nó. Cho nên con người phải biết sống tự do. Đó là ý Chúa. Sống tự do thật sự là phải biết quyết định, phải biết. Ơn Chúa giúp con người để nó biết quyết định, hơn nữa, còn phạm tội là nô lệ Ga 8,34-36. Ơn Chúa giúp không làm suy giảm mất tự do, nhưng nâng đỡ con người tự do hành động hơn nữa.
Theo gương mẫu Chúa Giêsu: Ngoài việc Chúa dạy, Người còn sống làm mẫu mực cho ta.
Vì vậy, luân lý Kitô giáo làm cho con người Kitô giáo sống cụ thể, vừa cho thấy cách sống, vừa cho thấy kết quả cách sống đó thế nào!
Tất cả gồm tóm trong: Mến Chúa-yêu người (x. Mt 22,37-40; Ga 13,34).
BÀI 8 : BỔ TÚC DỰ BỊ HÔN NHÂN :
ĐỂ ĐƯỢC MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC THEO Ý CHÚA
Chúng ta cần xác định:
“Theo ý Chúa” nói ở đây, không có ý nói đến chương trình siêu nhiên của Chúa về hôn nhân trên Thiên đàng Mt 23,30; cũng không có ý nói đến sự thánh thiện mà đời hôn nhân phải đạt tới (bài 6). Ở đây, chỉ nói tới: Ý Chúa về đời sống tự nhiên của đôi hôn phối phải sống theo do Chúa tạo dựng, để có được gia đình hạnh phúc ở đời này.
Đặc điểm của “tổ chức dự bị hôn nhân” là mưu tìm hạnh phúc tự nhiên ở đời này cho đôi bạn (còn “hạnh phúc đời sau” là ở tổ chức “Giáo lý hôn nhân”). Cái lầm là ở chỗ này:
* Quan niệm dạy và học hôn nhân như thế là đủ rồi
* Hoặc nghĩ rằng: “Lớp dự bị hôn nhân” là không cần thiết (vì cho rằng: “Khỉ đực tự nhiên yêu khỉ cái, cần gì phải dạy yêu” - “Con tinh tinh tự nhiên biết đánh đu”).
Như thế, nguyên “Giáo lý hôn nhân” thì chưa đủ; cũng như coi con người như con khỉ cũng là sai!
Nguyên “Giáo lý hôn nhân” thôi, thì chưa đủ.
Chúng ta có khuynh hướng đặt nặng mục đích siêu nhiên, phương tiện siêu nhiên, kiến thức siêu nhiên… để rồi bị thu hút theo “những điều hoàn hảo”, mà quên điều “thực tế làm người”. Như Pascal đã nhận định: “Con người không phải là thần thánh, cũng không phải là thú vật. Sự bất hạnh định rằng: Ai muốn làm thần thánh thì phải làm con vật”.
Con người có thể xác như loài vật, đặc biệt trong đời sống hôn nhân với mục đích truyền sinh.
“Thể xác” có quy luật của thể xác do ý định của Đấng tạo hoá. Phải khám phá ra quy luật thể xác để tuân theo. Con người không thể vươn lên đời sống siêu nhiên, nếu không tôn trọng tự nhiên.
Coi “con người như con vật” trong vấn đề hôn nhân, là sai:
Cho dù chỉ đứng về phương diện nhục dục, vì con người có bản năng, nhưng lại có lý trí và ý chí, cho nên, dục tính con người trở thành phức tạp hơn nhiều. Đàng khác, hạnh phúc tự nhiên của hôn nhân đâu chỉ ở tại tính dục!!! Cho nên, cần phải có “dự bị hôn nhân”, bao gồm cả giáo lý lẫn khoa tâm lý, xã hội, y tế đã khám phá ra. Ta cần phải “học” để “hành”.
Bài 9 : BỔ TÚC DỰ BỊ HÔN NHÂN
HÒA HỢP THÂN XÁC : TÂM – SINH LÝ
Hoà hợp thể xác là nền tảng hạnh phúc gia đình:
Nói tới hạnh phúc gia đình mà không nói tới sự phối hợp thể xác, thì quả là nói chuyện trên mây trên gió. Chính nghi lễ Hôn nhân đã nhắc lại lời Kinh Thánh: “Cả hai nên một thân xác” (St 2,24), và coi đó là “khế ước” hôn nhân.
Vì ảnh hưởng của tôn giáo, của lý trí con người dễ bị thu hút bởi những cái hoàn hảo hơn, mà quên đi những thực tế của thực chất con người. Do đó, Pascal mới phát biểu như trên (bài 8). Từ chỗ đó, những khát vọng này đi vào tiềm ẩn, thành ra khó điều khiển và phát hiện, và hôn nhân trở thành “một thứ xảo dối bỉ ổi nhất, và là một hình thức cao độ” (Léon Tolstoi).
Vậy, hoà hợp thể xác hay hoà hợp tính dục là gì?
Nói chung, hoà hợp vừa là “đồng thời” và “ăn khớp” với nhau (đồng thời: là có gọi thì có đáp; “ăn khớp” là có “tung” thì có “hứng”; có “gọi” thì có “đáp”; có “cung” thì có “cầu”.
“Đồng thời” hoặc “đúng lúc” (“Gọi chín, mười điều mới thưa” là vô duyên).
Theo các nhà tâm sinh lý, sinh hoạt tình dục con người không dễ chi có hoà hợp như vậy.
Điều kiện tâm sinh lý đối với sự hoà hợp thể xác:
Về phương diện thuần sinh lý, thể xác con người phức tạp hơn thể xác loài vật (td: Làn da nhạy cảm hơn). Nhưng cái làm cho phức tạp nhất chính là thể xác con người được hoà hợp với một tinh thần (= linh hồn), kết quả là đời sống tâm lý pha trộn với sinh lý. Đó là đời sống “tâm - sinh lý”.
Trong con người, không có đời sống thuần lý hay thuần sinh lý nữa. Nhưng luôn có ảnh hưởng mật thiết lên nhau. Sự hoà hợp thể xác sẽ trở thành phức tạp rất nhiều và cũng vì thế rất khó thành đạt. Cho nên, hạnh phúc hôn nhân trở nên hiếm và phải trả giá đắt.
Áp dụng trong hôn nhân trong tình trạng vừa nói trên với hình ảnh “cung-cầu”, “tung-hứng”:
Người ta sẽ chứng kiến cảnh: cả hai bên đều “cầu”, đều “hứng” mà không có “cung” hoặc “tung”, vì cả hai bên đều ích kỷ, chỉ nghĩ tới khoái lạc bản thân.
Hoặc ngược lại, cảnh “gọi hoài” mà “không đáp”, hay “đáp” quá trễ, mất hứng. Đó là trường hợp mà các nhà sinh lý gọi là bệnh “lạnh lùng”.
Nếu thật sự là bệnh, thì có thể chữa bằng y khoa. Nhưng không là bệnh, mà chỉ do sự chênh lệch thường tình giữa tâm sinh lý Nam và tâm sinh lý Nữ;
Đây là vấn đề mà lớp giáo lý dự bị hôn nhân có trách nhiệm đưa ra ánh sáng cũng như đưa ra cách giải đáp.
Giải đáp:
Giải đáp theo phương diện sinh lý: Là nữ thì nặng về cảm xúc chung, đặc sắc là “thính giác”, mà nam thì nặng về “tính dục”. Vì thế, cần áp dụng “luật thính giác”, là điều có liên quan tới tâm lý (giải đáp tâm lý lại phức tạp: “Lòng người sâu thẳm ai đo…”).
Giải đáp của Thánh Giá Chúa Kitô (= sự khôn ngoan tuyệt hảo của Thiên Chúa) vừa đơn giản, vừa thành đạt hơn, “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai từ bỏ sẽ được” (Ga 12,25). Như thế, hoà hợp chỉ có được, khi mỗi bên quên mình, mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc người bạn trăm năm.
Bài 10 : HÒA HỢP TÂM HỒN
(“Cùng nhìn một hướng”)
“Hoà hợp tâm hồn” nói đây không phải là điều kiện tâm sinh lý, để có hoà hợp thể xác như nói ở bài 9. “Hoà hợp tâm hồn” sâu xa hơn nhiều: Khi vào tuổi già, thì hầu như không còn gì hoà hợp thể xác nữa. Lúc đó chỉ còn có “hai tâm hồn”, mà nếu chỉ sống “bên cạnh” nhau thôi, thì quả thực là “cuộc đời đau khổ” (mà già thì gia tăng khó tính, bẳn gắt!).
Nhưng “già hoà hợp” thế nào được, nếu không bắt đầu từ trẻ! Trong hôn nhân, phải nói rằng: phải bắt đầu từ khi chưa lấy nhau - khi còn tìm hiểu nhau. Lúc này, sự hoà hợp tâm hồn phải là mục tiêu số một, và là điều kiện “ắt có”, để quy định tiến tới hôn nhân hay không! Vì chỉ có hoà hợp tâm hồn mới bảo đảm được tình yêu bền vững!
Vậy làm sao có được?
Phải “cùng nhìn một hướng”: Đôi bạn cần phải biết hoà hợp tâm hồn là gì?
Trả lời theo hiện tượng học, đó là: “Cùng nhìn” và “một hướng”. Chúa Giêsu nói: “Kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó” (Mt 6,21) và dĩ nhiên luôn “nhìn” về đó.
Nếu cùng chung một kho tàng, thì sẽ cùng nhìn về một hướng, nghĩa là: Những gì quý giá nhất, giá trị nhất, đáng mơ ước nhất, thèm khát nhất… đều giống nhau. Như vậy, rõ ràng là hoà hợp tâm hồn rồi!
Điều quan trọng, “Kho tàng chung” là gì?
“Oái oăm, dân gian hay nói: Người yêu là “kho tàng” của tôi; hoá ra: Hai người chỉ nhìn nhau thôi! Thế là hỏng!).
“Không phải là nhìn nhau”.
Tình yêu chân chính phủ nhận việc “nhìn nhau”, tức là phủ nhận coi nhau là “kho tàng”, “cùng đích”… (mà như thế, coi nhau là cùng đích, sẽ đưa đến tình trạng ích kỷ: con cái là rầy rà, khách lạ - Trai gái yêu nhau - bồ bịch dễ tan vỡ…). Đó là quy luật tự nhiên, không theo sẽ đưa đến trục trặc, đau khổ. Đa số hôn nhân không thành đạt, không hạnh phúc, cũng chỉ vì… họ chỉ nhìn nhau mà đã kết hôn với nhau rồi! (sắc hương rồi sẽ tàn…, của cải có lúc vơi đi, … Con người đều có giới hạn).
“Kho tàng” đích thức của hôn nhân.
Cái là “đích tới” mà cả hai cùng nhìn, cùng đợi, cùng vươn tới. Khi đạt tới, cả hai cùng sung mãn, hạnh phúc hơn, như thể cả hai cùng nhìn vào một hướng. Hai người trở thành bạn đời sống chết bên nhau.
Vậy, “đích tới” hay “kho tàng” của hôn nhân đó là “Hãy sinh sản, hãy thống trị trái đất” (St 1,28).
Điều quan trọng là con người có thấy được cái “quý giá của mục đích đó, trong lúc dòng đời lại vẫn thích “coi phương tiện là cứu cánh”.
V. NỘI DUNG GIÁO LÝ
Bài 1: BÍ TÍCH HÔN NHÂN
1. Hôn nhân:
Tự nó là một chế độ tự nhiên, một giao ước hệ trọng và thiêng liêng hợp với luật tạo hoá. Nhưng Chúa Kitô còn muốn nâng cao giá trị hôn nhân, thánh hoá đời sống gia đình, nên lập “Bí tích Hôn Phối”.
2. Định nghĩa:
“Bí tích Hôn Phối là một bí tích do Đức Kitô thiết lập, cho đời sống vợ chồng thêm ơn thánh hoá, đồng thời ban ơn trợ giúp cần thiết để cho họ thực hiện cách chính đáng và dễ dàng các nghĩa vụ của đời sống vợ chồng và gia đình”. Vậy, bí tích Hôn Nhân có những yếu tố căn bản là:
a. Bí tích: Là dấu chỉ bề ngoài do Chúa Giêsu lập để chỉ ơn trên và chuyển thông ơn thánh hoá đó cho người lãnh nhận.
- Dấu chỉ bề ngoài: Đó là lời cam kết – nắm tay nhau – xỏ nhẫn.
- Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân ngay khi tạo dựng con người, nhưng Chúa Kitô “nâng giá trị” nó lên hàng bí tích, khi Ngài dự tiệc cưới Cana, và khi trả lời cho người biệt phái hỏi có được ly dị vợ mình chăng (x. Mt 19,3-4).
- Những dấu hiệu trong Bí tích đều có ý nghĩa và qua dấu hiệu này, Chúa ban ơn thánh hoá cho người lãnh nhận.
b. Bí tích Hôn Phối ban những ơn nào?
- Thêm ơn thánh hoá. Thật ra, ta đón nhận ơn thánh hoá qua Bí tích Rửa Tội, và các Bí tích khác, nhưng ở đây, Chúa ban thêm ơn, để vợ chồng càng trở nên con cái Thiên Chúa đầy đủ hơn và nên những công dân xứng đáng hơn trong nước Chúa.
- Ban những ơn trợ giúp đặc biệt cho vợ chồng:
+ Ơn lành cho họ yêu thương nhau hơn, giúp hai người chu toàn bổn phận với nhau về phương diện thể xác, tinh thần và thiêng liêng.
+ Ơn giúp họ sống đời sống thanh sạch trong bậc vợ chồng, tránh những đòi hỏi lôi cuốn xác thịt ngoài đời sống hôn nhân.
+ Ơn giúp vợ chồng dạy dỗ con cái nên người và nên con cái Thiên Chúa.
- Nhờ các ơn này, vợ chồng sẽ chu toàn bổn phận một cách dễ dàng và hoàn hảo hơn.
c. Bí tích Hôn Phối đòi những điều kiện nào?
- Chuẩn bị: Học hỏi giáo lý đầy đủ rõ ràng, để lãnh nhận và cử hành Bí tích một cách ý thức và hiệu quả. Giữ mình sạch tội, xưng tội, cầu nguyện và tĩnh tâm dọn mình; giấy chứng nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và độc thân; tờ chứng chỉ rao hôn phối và khẩu cung.
- Không vướng mắc ngăn trở hôn phối, hoặc đã được tha hay chuẩn các ngăn trở.
- Cả hai ưng thuận và quyết định một cách hiểu biết, tự do, hỗ tương, rõ ràng và tuyệt đối:
+ Hiểu biết: Ưng thuận cách sáng suốt, ý thức, người điên không thể lãnh bí tích hôn phối.
+ Tự do: Không bị áp lực một cách bất chính và bên ngoài, như võ lực, đe doạ.
+ Hỗ tương: Cả hai bên đều đồng ý.
+ Rõ ràng: Bằng lời nói, cử chỉ hay chi tiết.
+ Tuyệt đối: Không được đặt mọi điều kiện nào đi ngược lại với mục đích hay đặc tính căn bản của hôn nhân.
- Cả hai bên phải nói lên sự ưng thuận và quyết định kết hôn trước Linh mục chứng hôn và ít nhất là hai chứng nhân theo nghi thức hôn phối. (Trong trường hợp ngoại lệ, chỉ cần hai bên nhân chứng và không buộc có Thánh lễ).
Bài 2: . LUẬT GIÁO HỘI VÀ LUẬT DÂN SỰ VỀ HÔN NHÂN
A. Luật Giáo Hội:
1. Nhận định:
a. Hôn nhân: Là một bí tích cao trọng, Thiên Chúa thiết lập để thánh hoá đời sống gia đình. Nhưng Thiên Chúa đặt các Bí tích dước quyền sử dụng của Giáo Hội, nên Giáo Hội có quyền đặt ra các lề luật để bảo vệ hôn nhân và duy trì sự thánh thiện của bậc sống đôi bạn.
b. Thiên Chúa đã quy định: Những lề luật mà chúng ta gọi là Thiên luật. Nhưng cũng uỷ quyền cho một số người trong xã hội thiêng liêng là Giáo Hội lập ra lề luật gọi là Giáo luật. Trong xã hội trần thế, chính quyền quy định lề luật cho dân gọi là pháp luật (dân luật).
c. Giáo Hội: Thiết lập các lề luật về hôn nhân và có mục đích ngăn ngừa đổ vỡ và bảo vệ hạnh phúc đời sống hôn nhân và gia đình. Không nên cho Giáo luật là điều làm khó dễ.
2. Các luật của Giáo Hội về hôn nhân.
Loại 1: Các luật có tính cách tiêu cực, có ý gạt khỏi hôn nhân những vướng mắc làm cho Bí tích hôn phối bất thành sự, bất hợp pháp – Giáo luật gọi là các ngăn trở hôn phối.
Các luật có tính cách tích cực, có tính cách làm cho việc hôn phối trở nên công khai và hoàn chỉnh, Giáo Hội gọi là mô thức hôn nhân.
a. Định nghĩa ngăn trở hôn phối:
Ngăn trở hôn phối là các hoàn cảnh bên ngoài làm cho hai người nam-nữ không thể kết hôn thành sự và hợp pháp trước Giáo Hội, trước lương tâm và trước Thiên Chúa.
b. Phân loại: GL 1073-1094
Loại ngăn trở cấm hôn: Là ngăn trở làm cho việc cấm hôn nhân tuy thành sự thật
nhưng bất hợp pháp.
Loại ngăn trở diệt hôn: Là thứ ngăn trở làm cho hôn nhân bất thành sự, vô giá trị.
c. Muốn lãnh nhận bí tích Hôn Phối: Nam-nữ không vướng mắc ngăn trở nào, hoặc nếu mắc thì đã được chuẩn.
d. Một số ngăn trở hôn phối thường gặp:
Niên hạn: Nam: 16; nữ: 14. Nhưng theo xã hội (dân sự) ấn định: Nam: 20; nữ: 18.
Huyết tộc: Cấm kết hôn giữa bà con huyết thống, trực hệ hoàn toàn cấm, bàng hệ cấm hết Cấp 4, chuẩn cho cấp 4, vô hiệu cho đến cấp 4.
Tội ác: Cấm kết hôn giữa hai người đã ngoại tình với nhau và hứa kết hợp với nhau khi bạn mình chết, hoặc tự ý giết bạn mình (hoặc cả hai mưu hại).
Dị giáo: Cấm kết hôn giữa hai người khác đạo, và ngoại trú khi được phép chuẩn với một số điều kiện như hứa Rửa tội và giáo dục cho con cái, không cản trở việc giữ đạo.
Vô hiệu: Một người đã có Bí tích Hôn Phối thành sự không thể tái hôn khi bạn cũ còn sống.
Thánh chức: Cấm kết hôn với người có chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế) hay đại thệ (lời khấn trọng) hay đã khấn trọn.
Bất lực: Nếu một trong hai người bất lực, không thể hoàn hợp hôn phối của họ sau khi cử hành.
Bị bắt cóc: Một người nữ bị bắt cóc, cử hành hôn phối với người bắt cóc mình-trong thời gian bị giam giữ, dù người nữ có tuyên bố mình tự.
Hôn thuộc: Không thể kết hôn với người có họ hàng trực hệ với người phối ngẫu đã chết của
3. Ly dị:
a. Ly dị: Là việc hai vợ chồng hợp pháp, chính thức xin luật pháp can thiệp để bỏ nhau, lấy vợ-chồng khác.
b. Công giáo không chấp thuận việc ly dị, vì luật Chúa: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.
Giáo Hội nói: “Không quyền lực nào ở trần gian, ngoài sự chết, có thể huỷ bỏ hôn nhân thành pháp và hoà hợp”.
c. Nếu có lý do nào khiến hôn nhân không thành sự vì mắc ngăn trở kết hôn mà không được chuẩn, toà án Giáo Hội khi điều tra sẽ tuyên bố hôn nhân đó vô giá trị.
Công hạnh: Không thể kết hôn với người có họ hàng trực hệ với người mình đã từng sống chung công khai như vợ hay chồng một thời gian nào đó.
Dưỡng hệ: Không thể kết hôn với con nuôi hay cha mẹ nuôi, anh em nuôi.
4. Ly thân:
a. Ly thân là việc: hai vợ chồng tạm thời hay vĩnh viễn xa nhau nhưng không lấy người khác (khác ly dị).
b. Trong một số trường hợp: Giáo Hội cho phép vợ chồng ly thân khi hội đủ lý do chính đáng và có xin phép.
+ Khi cả hai đồng ý xa nhau một thời gian hay vĩnh viễn.
+ Khi một trong hai ngoại tình, không hy vọng sửa chữa.
+ Khi một trong hai muốn xin ly dị, do một yếu tố quan trọng nào đó như: Mất thế giá, tội ác, bất tuân.
B. Luật dân sự:
Hiến Pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Nhà nước bảo hộ hôn nhân.
Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng.
Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt: Chính trị, kinh tế,
văn hoá, xã hội và gia đình.
Cha mẹ nuôi-dạy con thành công dân có ích trong xã hội.
Con cái phải kính trọng, săn sóc cha mẹ.
6. Nhà nước và xã hội loại bỏ sự
Luật Hôn Nhân và Gia Đình – 2000
1. Nguyên tắc chung:
a. Thực hiện: Hôn nhân tự do tiến bộ một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, con cái, tạo hạnh phúc dân chủ hoà thuận, đoàn kết yêu thương.
b. Loại trừ: Cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền con cái.
c. Cấm: Kết hôn khi chưa đủ tuổi (20-18t). Không đòi của cải trong việc cưới hỏi, không được đánh đập ngược đãi, không được lấy
2. Kết hôn:
Con trai 20, con gái 18 tuổi được tự do kết hôn,
Tang chế không cản việc kết hôn.
Đàn bà goá có quyền tái giá và có quyền về con cái, tài sản.
Khi kết hôn, cần phải được công nhận và ghi vào sổ kết hôn của uỷ ban
nhân nhân cơ sở.
Những người hiện đang có vợ có chồng không được kết hôn với người khác.
Những người cùng giòng máu trực hệ năm đời, cha mẹ nuôi và con nuôi, con nuôi với nhau, không bao giờ được phép kết hôn.
Những người bất lực hoàn toàn về sinh lý, có bệnh phong cùi, hoa liễu, loạn óc... mà chưa khỏi, không được kết hôn với nhau.
3. Nghĩa vụ, quyền lợi của người vợ-người chồng.
Trong gia đình, vợ chồng bình đẳng, yêu thương giúp đỡ, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tự do chọn nghề, hoạt động chính trị, đồng quyền sở hữu.
4. Cha mẹ và con cái:
Cha mẹ yêu thương, giáo dục con cái, không được hành hạ, đối xử tàn tệ con cái, không được vứt bỏ, giết hại trẻ con.
Con cái kính yêu, dưỡng nuôi săn sóc cha mẹ. Con đã thành niên còn ở chung được tự do chọn nghề và có quyền có của riêng.
Con nuôi có quyền và nghĩa vụ như con đẻ.
5. Ly hôn: Khi có đủ lý do, toà án sẽ cho ly hôn sau khi đã cố gắng hoà giải. Khi ly hôn cấm đòi trả của. Nếu một bên túng thiếu, thì bên có của phải cấp dưỡng, có nghĩa vụ và quyền lợi đối với con cái.
Bài 3: BẢO VỆ SỰ SỐNG – SỨC KHOẺ GIA ĐÌNH VÀ PHỤ NỮ
A. Tính dục và luân lý tính dục:
Tính dục cũng như khả năng sinh sản nơi con người trổi vượt cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở cấp sinh vật thấp hơn. Vì thế, những hành vi đặc thù của đời vợ chồng được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người đều phải được kính trọng. Cho nên, cần hoà hợp vợ chồng với việc truyền sinh, trong tinh thần trách nhiệm, đôi bạn phải ý thức rằng giá trị của luân lý hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thật và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan hay suy diễn từ bản tính của nhân vị và của hành động nơi nhân vị.
1. Nguyên tắc 1:
Để chu toàn nghĩa vụ bảo tồn nòi giống, trong khi ta biết là tính dục và khả năng sinh sản trổi vượt hơn các sinh vật hạ đẳng thì ta phải theo nguyên tắc sau đây: Trong hôn nhân theo luật đời (tự nhiên) và hôn nhân Công giáo, các hành vi trao hiến vợ chồng, bản chất là hướng thiện và đáng quý trọng. Tự hiến cho nhau trong sinh hoạt vợ chồng là hành vi cần thiết để biểu lộ tình yêu, làm phát sinh sự sống; và là sự nâng đỡ cho lòng tín trung. Cho nên, các hành vi ấy là đáng quý.
2. Nguyên tắc 2:
Luân lý Công giáo không khinh miệt thân xác, cũng không thần thánh hoá đời sống sinh lý. Con người là Hồn và Xác.
3. Nguyên tắc 3:
Đời sống hôn nhân Công giáo phải là đời sống trong sạch và tiết độ.
B. Sinh sản có trách nhiệm
(Lương tâm Công giáo và vấn đề điều hoà sinh sản).
Bổn phận sinh sản và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng, phải biết cộng tác với Thiên Chúa tạo hoá và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Người.
I. Giáo huấn của Giáo Hội.
1. Những nguyên tắc chung:
a. Sinh sản và giáo dục con cái: Là hoa quả tốt đẹp của hôn nhân. Để thực hiện công việc tốt đẹp này, cha mẹ phải biết tôn trọng, tuân theo ý Chúa, đồng thời cũng phải lưu tâm đến lợi ích của mình, của gia đình, của Giáo Hội và xã hội.
b. Sinh sản tuy là bổn phận, nhưng đôi vợ chồng phải sinh sản có trách nhiệm: Nghĩa là cùng nhau quyết định hợp với lề luật của Chúa về số con sẽ sinh ra, và về hoàn cảnh cụ thể của gia đình mình, của xã hội.
2. Áp dụng nguyên tắc:
a. Vợ chồng không được ngăn chặn sự sinh sản trong việc giao hợp vợ chồng; dù việc ngăn chặn ấy như mục đích nhắm tới, hay chỉ như phương tiện; dù hành động đó có xảy ra trước việc vợ chồng hay là khi việc vợ chồng đang tiến tới hiệu quả tự nhiên của nó.
b. Không thể vịn vào những lý do như: Sức khoẻ, kinh tế, hay thời cuộc để dùng các phương tiện nhân tạo. Vì lẽ việc dùng các phương tiện nhân tạo để cố ý ngăn chặn việc truyền sinh sự sống, vẫn trái với phẩm giá con người.
c. Như vậy, hãy dùng những phương pháp tự nhiên, dựa trên nguyên tắc này: chỉ giao hợp vào những thời kỳ người phụ nữ không thể thụ thai được.
d. Vợ chồng sẽ nâng cao giá trị của họ bằng cách chấp nhận trọn vẹn theo bản tính con người của họ, chứ không trốn tránh trách nhiệm bằng lối phó thác vấn đề cho phương tiện kỹ thuật.
Vợ chồng phải biết cố gắng dựa vào Đức tin, Đức trông cậy. Họ hãy kiên nhẫn cầu xin ơn Chúa trợ giúp, nhất là hãy đi lãnh ơn nơi nguồn mạch vô tận là bí tích Thánh Thể.
II. Những phương pháp ngừa thụ thai nhân tạo:
Là những phương pháp dùng các cách thế:
1. Trực tiếp làm cho không thể thụ thai tạm thời hay vĩnh viễn, nơi người nam cũng như nơi người nữ, như:
Thuốc ngừa thai: Thuốc uống, thuốc chích Tây và Đông y.
Bao cao su, màng chắn, hoá chất diệt tinh trùng
Cắt hay cột thắt vòi trứng nơi người nữ, và cắt hay cột ống dẫn tinh nơi người nam, gọi chung là triệt sản, triệt sinh.
2. Gián tiếp hoặc trực tiếp huỷ diệt trứng đã thụ tinh hay giết chết bào thai bằng:
- Đặt vòng xoắn.
- Điều hoà kinh nguyệt.
- Phá thai, nạo thai, trục thai.
3. Luân lý tính: Số 14 của thông điệp “Sự Sống Con Người” của Đức Phaolô VI, ghi rõ:
Cấm những hành động trực tiếp ngăn cản thụ thai tạm thời hay vĩnh viễn để triệt sản hay triệt sinh.
Cấm sử dụng những dụng cụ ngừa thai.
Cấm dùng các loại thuốc ngừa thai.
Cấm làm “điều hoà kinh nguyệt”, là hình thức phá thai non.
4. Tại sao Hội Thánh Công giáo không cho phép và cấm đoán
Vì các phương pháp ngừa thai trực tiếp đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi thân mật vợ chồng, là sinh con cái.
Vì các phương pháp ngừa thai nhân tạo vi phạm đến sự sống mới, vừa được hình thành; như vòng xoắn huỷ diệt trứng đã thụ tinh, điều hoà kinh nguyệt trục xuất trứng đã thụ tinh hoặc phá thai là trục xuất thai nhi.
III. Những phương pháp ngừa thai tự nhiên:
1. Phương pháp tự nhiên:
Những phương pháp ngừa thai tự nhiên là những phương pháp dựa trên căn bản duy nhất này là: “Sự hiểu biết rõ ràng chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, với những ngày có thể thụ tinh và những ngày không thể thụ tinh”. Phương pháp này còn gọi là “Tiết dục định kỳ”, nghĩa là vợ chồng phải kiêng cữ giao hợp trong giai đoạn mà tinh trùng của người chồng dễ xâm nhập vào trứng tại ống dẫn trứng trong thời kỳ người vợ rụng trứng từ buồng trứng.
Thực tế, có một số khó khăn cho việc ngừa thai tự nhiên, thành khó áp dụng cho nhiều đôi vợ chồng muốn áp dụng ngừa thai, đó là:
Không biết chính xác ngày nào là ngày trứng rụng (để cữ giao hợp trước đó 4 ngày và sau đó 2 ngày)
Người đàn bà, trứng rụng lại thay đổi theo mỗi chu kỳ kinh nguyệt (mỗi tháng lại thay đổi ít nhiều), nên không thể tính chính xác trước được.
Kết luận: Đối với phương pháp ngừa thai tự nhiên, những ngày chắc chắn giao hợp không thụ thai là những ngày có dấu hiệu trứng đã rụng được 2 ngày rồi cho đến khi có kinh lần sau.
2. Những phương pháp giúp đoán biết những ngày trứng rụng.
Phương pháp tính ngày trứng rụng của 2 bác sỹ: OGINO-KNAUSS.
a. Nhận định: Hai nhà khảo cứu Nhật Bản và Áo cũng khám phá ra được nguyên tắc sinh lý này: Người đàn bà chỉ có thể thụ thai trong một thời gian rất ngắn trong một chu kỳ kinh nguyệt.
b. Cách tính ngày trứng rụng: Mỗi chu kỳ kinh nguyệt (từ ngày bắt đầu có lần này tới ngày có kinh lần sau), có thể chia làm bốn thời kỳ:
F Thời kỳ thấy bắt đầu có kinh: Thời kỳ này kéo dài từ 2 đến 6 ngày, trong mọi người đàn bà.
F Thời kỳ thường không thụ thai (không tuyệt đối): Trước khi trứng rụng (thời kỳ này ngắn hay dài, tuỳ theo chu kỳ kinh nguyệt mà thay đổi).
F Thời kỳ dễ thụ thai: Là thời kỳ kiêng cữ giao hợp, nếu không muốn có thai, vì trứng sẽ rụng vào ngày nào đó trong mấy ngày này (kéo dài thêm tuỳ kinh nguyệt tuỳ từng người).
F Thời kỳ không thể thụ thai: Sau khi trứng rụng là thời kỳ an toàn tuyệt đối với chắc chắn rằng: trứng đã chết rồi và không rụng lần thứ hai nữa trong một chu kỳ. Thời kỳ này kéo dài 10 ngày (người chu kỳ đều), nếu không đều, sẽ rút ngắn lại vài ngày.
C. Bảng trình bày 4 thời kỳ
Những ngày thấy kinh
|
Thời kỳ an toàn tương đối
|
Thời kỳ dễ thụ thai
|
Thời kỳ dễ thụ thai
|
Không giao hợp, vì lý do vệ sinh
|
Có thể giao hợp, nhưng đôi khi vẫn có thai
|
Kiêng cữ hoàn toàn, vì chắc chắn có thai
|
An toàn tuyệt đối, giao hợp không sợ có thai
|
Tháng 5
Kinh bắt đầu vào ngày 05/5 rồi đếm 10 ngày bắt đầu từ ngày thứ 10, gạch một gạch dài dưới 8 ngày tiếp theo. Trong 8 ngày này: Dễ thụ thai, không giao hợp.
|
|
|
1 |
2 |
3 |
4 |
(5) |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
22 |
23 |
24 |
25 |
26 |
28 |
29 |
30 |
31 |
|
|
Thaùng 6
Kinh baét ñaàu vaøo ngaøy 01/6 roài ñeám 10 ngaøy baét ñaàu töø ngaøy thöù 10, gaïch moät gaïch daøi döôùi 8 ngaøy tieáp theo. Trong 8 ngaøy naøy: Deã thuï thai, khoâng giao hôïp.
|
|
|
(1) |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
22 |
23 |
24 |
25 |
26 |
27 |
28 |
29 |
30 |
31 |
|
Lượng giá phương pháp Ogino-Knauss:
Kết quả do phương pháp này không được 100%, do đó cần phải phối hợp với hai phương pháp sau đây:
* Phương pháp đo nhiệt độ:
1. Nhận định: Người ta đã phát hiện được hiện tượng thay đổi nhiệt độ (thân nhiệt) nơi người phụ nữ dựa theo chu kỳ kinh nguyệt: Có sự thay đổi thân nhiệt trước và sau khi rụng trứng.
2. Cách lấy nhiệt độ: Để nhiệt kế cạnh giường ngủ.
a. Phải lấy nhiệt độ vào giờ nhất định, lúc sáng sớm khi vừa thức dậy và trước khi bước xuống khỏi giường.
b. Nhiệt kế phải được cặp tại miệng, hay âm đạo hoặc hậu môn lâu chừng năm phút.
c. Sau đó ghi nhiệt độ đó trong bảng đo kẻ ô sẵn từng ngày. Trên bảng này cũng ghi thêm ngày bắt đầu và ngày dứt kinh, ngày giao hợp, và cả đến cảm cúm, đau răng... (vì nhiệt độ chịu ảnh hưởng).
d. Việc ghi nhiệt độ mọi ngày, kéo dài liên tục trong 2 hoặc 3 chu kỳ kinh nguyệt. Sau đó khi vẽ đường biến thiên nhiệt độ của mỗi chu kỳ kinh nguyệt điều hoà, chỉ cần ghi nhiệt độ vào những ngày trước thời gian trứng rụng 4 hoặc 5 ngày, để kiểm soát sự biến động nhiệt độ từ thấp lên cao. Sau khi nhiệt độ ở mức độ cao liên tiếp được 2 ngày thì đó là thời kỳ giao hợp an toàn tuyệt đối.
3. Áp dụng:
a. Giai đoạn thứ nhất: từ ngày có kinh trở đi cho đến trước khi trứng rụng khoảng 2 ngày, nhiệt độ thường ở mức dưới 37o (3607; 3608). Tương ứng với thời kỳ giao hợp tương đối an toàn (sau khi sạch kinh).
b. Thời kỳ biến động: Nhiệt độ từ từ hạ trong 2 ngày, rồi đột nhiên vọt lên cao vào ngày thứ 3, và tiếp tục giữ mức cao này (chính là ngày rụng trứng!). Thời kỳ giao hợp để thụ thai (không an toàn tuyệt đối).
c. Giai đoạn thứ hai: Thân nhiệt luôn ở mức cao trên 370, tương ứng với thời kỳ giao hợp an toàn tuyệt đối.
Lượng giá phương pháp đo nhiệt độ:
FNhững phụ nữ có đường biểu diễn bất thường, hoặc chu kỳ kinh nguyệt quá dài, hoặc buồng trứng bị bệnh, thì không áp dụng phương pháp này.
F Trường hợp người phụ nữ luôn có nhiệt độ trên hay dưới 370, và có thể áp dụng.
F Phương pháp này bổ túc cho phương pháp Ogino-Knauss.
Phương pháp John-Billings: Phương pháp này căn cứ trên hiện tượng chất nhờn xuất hiện ít nhiều nơi cửa mình để biết thời kỳ trứng rụng.
1. Cách xác định thời kỳ trứng rụng:
a. Sau mấy ngày hành kinh, âm đạo người phụ nữ khô ráo ít ngày tuỳ theo chu kỳ kinh nguyệt dài-ngắn của người phụ nữ (đây là thời kỳ tương ứng với thời kỳ trước khi trứng rụng theo phương pháp O.K: Giai đoạn 2; và với phương pháp nhiệt độ có đường biểu diễn thấp dưới 370.
b. Ngày nào người phụ nữ thấy âm hộ bắt đầu có chất nhờn tiết ra, là dấu hiệu báo cho biết sắp đến ngày rụng trứng (đây là thời kỳ tương ứng với thời kỳ dễ thụ thai theo phương pháp O.K: giai đoạn 3; và với phương pháp nhiệt độ biến động dần dần từ thấp lên cao). Ngày nào cảm thấy âm đạo nhiều chất nhờn nhất, chính là lúc rụng trứng, và nhiệt độ tăng vọt lên 37o. Lúc này người đàn bà tự nhiên cảm thấy bị kích thích nhiều hơn bình thường. Chất nhờn lúc này có đặc tính trong suốt và dính dẻo giống sợi chỉ. (1.b).
c. Sau những ngày nhiều chất nhờn là thời kỳ âm hộ dần dần khô trở lại, kéo dài khoảng 10 ngày (nghĩa là cho tới khi bắt đầu có kinh trở lại).
Trong thời kỳ này, nếu thấy vẫn còn có chất nhờn mà chỉ lờ lờ đục trắng (1.a) không trong suốt, không dính dẻo, thì cũng được coi là tình trạng khô ráo. Tương hợp với thời kỳ giao hợp an toàn tuyệt đối theo O.K. và luôn cao ở một mức 370.
2. Áp dụng trong việc ngừa thai.
a. Nguyên tắc chung: Những lúc người đàn bà cảm thấy âm hộ khô, là lúc vợ chồng giao hợp mà không sợ thụ thai. Thường vào 2 thời kỳ: Thời kỳ từ khi dứt kinh đến khi chất nhờn bắt đầu xuất hiện và thời kỳ sau khi chất nhờn xuất hiện nhiều nhất được 2 ngày cho đến khi có kinh lần sau.
b. Thời kỳ dễ thụ thai (kiêng cữ giao hợp): Là thời kỳ từ lúc có chất nhờn, rồi chất nhờn tiết ra nhiều nhất và sau đó khoảng 2 ngày thì chất nhờn khô đi. Đó là thời kỳ trứng rụng và nhiệt độ biến động từ giai đoạn thấp lên cao (theo phương pháp đo nhiệt độ).
Ghi chú:
F Sau kinh kỳ, người phụ nữ có cảm giác khô ráo khu vục chung quanh âm hộ. Số ngày có cảm giác khô này có thể thay đổi theo từng chu kỳ dài-ngắn.
F Nếu không có ngày khô ráo tiếp ngay sau khi kinh kỳ, thì tức là chất nhờn đã bắt đầu xuất hiện rồi, sẽ có thể thụ thai nếu giao hợp vào những ngày có chất nhờn trước khi trứng rụng.
F Lúc dễ thụ thai nhất là lúc cảm giác thấy chất nhờn trở nên nhiều, trong trẻo và nhơn nhớt. Ngày cuối cùng của cảm giác được ghi nhận là tột đỉnh.
F Trứng rụng ngay sau thời kỳ tột đỉnh: Ngày 1.2.3 sau thời kỳ nhờn tột đỉnh đều không an toàn.
F Thời gian giữa thời kỳ tột đỉnh và ngày bắt đầu có kinh lần sau dài khoảng 2 tuần. Nhưng ngày an toàn sau này bắt đầu từ ngày thứ 4 sau thời kỳ tột đỉnh. Nếu có chất nhờn nào xuất hiện về sau thì nó sẽ đục.
Sức khoẻ gia đình và phụ nữ.
Sách tham khảo:
F “Cẩm nang bảo vệ và tăng cường sức khoẻ phụ nữ”
Chủ biên: Hoa Hạ Tăng
Nhà xuất bản Phụ nữ Hà Nội. 2000.
(Dịch từ tiếng Trung Quốc, nhà xuất bản Viễn Đông Thượng Hải, 01.1998.
F “Chăm sóc sức khoẻ” của David Werner.
Nhà xuất bản Y học Việt Nam, 1983.
Đặc biệt chương 19,20.
1. Sức khoẻ: Năm 1948, tổ chức y tế thế giới đã đưa ra mộ định nghĩa rất hoàn chỉnh về sức khoẻ như sau: “Sức khoẻ là cả một trạng thái hoàn hảo về thể chất, tinh thần và cả cuộc sống xã hội, chứ không chỉ là không bị bệnh tật hay đau yếu”.
Do đó, có sức khoẻ, chỉ là cần một cơ thể cường tráng để có thể chế ngự được các loại bệnh tật, mà còn phải có đầy đủ trạng thái tinh thần kiện toàn, năng lực điều tiết và tâm lý cân bằng, có thể ứng phó với các loại kích thích tâm lý không tốt; đồng thời có thể là một thành viên hoà hợp với toàn thể xã hội.
a. Sức khoẻ của người mẹ, ảnh hưởng tới thế hệ sau: Phụ nữ mang trọng trách mang thai, sinh con, làm sinh sôi nhân loại. Các quan sát khoa học và thực tiễn chứng minh: Mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cơ thể đều dựa trên cơ sở của giai đoạn trước, đồng thời lại ảnh hưởng tới cả sức khoẻ ở giai đoạn sau. Vì vậy, để nâng cao chất lượng con cái, nhất định phải coi trọng sức khoẻ người mẹ...
b. Phụ nữ là người trông nom sức khoẻ cả gia đình:
Bà vừa là người chủ gia đình (cùng với chồng), cùng đồng thời là người vợ, người mẹ. Ngoài việc sinh đẻ còn phải lo sắp xếp chuyện ăn uống của toàn gia đình, chăm sóc cuộc sống cho mọi người về mọi mặt: Vệ sinh, an toàn, dinh dưỡng, văn hoá, sức khoẻ, kiến thức y tế... Nếu bà có sinh lực dồi dào, cơ thể khoẻ mạnh... sẽ làm tốt những việc nêu trên.
c. Sức khoẻ phụ nữ là tiêu chí văn minh của nhân loại: Phụ nữ ước tính chiếm ½ dân số thế giới, là nguồn tài nguyên cơ bản của nhân loại. Nếu sức khoẻ phụ nữ không được bảo đảm, là thiệt hại lớn cho gia đình và xã hội: Khiến cho người nhà-người già, trẻ nhỏ mất đi chỗ dựa tin cậy, thậm chí gia đình đổ nát.
b. Phụ nữ là người trông nom sức khoẻ cả gia đình:
Bà vừa là người chủ gia đình (cùng với chồng), cùng đồng thời là người vợ, người mẹ. Ngoài việc sinh đẻ còn phải lo sắp xếp chuyện ăn uống của toàn gia đình, chăm sóc cuộc sống cho mọi người về mọi mặt: Vệ sinh, an toàn, dinh dưỡng, văn hoá, sức khoẻ, kiến thức y tế... Nếu bà có sinh lực dồi dào, cơ thể khoẻ mạnh... sẽ làm tốt những việc nêu trên.
c. Sức khoẻ phụ nữ là tiêu chí văn minh của nhân loại: Phụ nữ ước tính chiếm ½ dân số thế giới, là nguồn tài nguyên cơ bản của nhân loại. Nếu sức khoẻ phụ nữ không được bảo đảm, là thiệt hại lớn cho gia đình và xã hội: Khiến cho người nhà-người già, trẻ nhỏ mất đi chỗ dựa tin cậy, thậm chí gia đình đổ nát.
d. Sức khoẻ sinh sản của một phụ nữ:
Năm 1991, giới học thuật lại đưa ra một khái niệm mới về sức khoẻ sinh sản: Nó là một bộ phận trọng yếu của sức khoẻ con người. Nó không chỉ là nhân tố then chốt của thời kỳ thanh xuân, và kỳ sinh nở, mà còn liên quan tới các giai đoạn sau ở cả nam và nữ, hơn nữa lại ảnh hưởng rõ rệt tới thể chất của thế hệ sau.
2. Nội dung của bảo vệ sức khoẻ hôn nhân:
a. Kiểm tra sức khoẻ trước khi cưới, để xem cơ thể nam nữ thanh niên phát triển có bình thường không.
b. Giáo dục đạo đức hôn nhân và kiến thức về giới tính để nam nữ thanh niên hiểu được giao phối sinh lý...
c. Trước khi kết hôn, nam nữ cần chuẩn bị đầy đủ các mặt tâm-sinh lý, tri thức, đạo đức... mới có thể tạo nền tảng tốt cho một gia đình mới.
3. Gìn giữ sức khoẻ thời kỳ sinh nở:
a. Nắm được kiến thức khoa học về thụ thai, tránh thai, chọn lựa biện pháp tránh thai, tránh thai ngoài ý muốn.
b. Hiểu biết giữ gìn sức khoẻ thời kỳ trước mang thai, an toàn khi sinh nở, nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
c. Chú ý vệ sinh môi trường: Tránh những nhân tố có hại trong lao động nghề nghiệp và gia đình... ảnh hưởng sức khoẻ và khả năng sinh sản.
d. Tích cực phòng ngừa các bệnh phụ khoa: Sinh lý sinh sản như kinh nguyệt, huyết trắng... phải chữa trị sớm.
4. Nam và nữ bị vô sinh (không có khả năng có con).
a. Nguyên nhân: Vô sinh do cơ cấu của cơ thể, có khi đẻ ra đã là vô sinh rồi! Ở một số phụ nữ, thiếu máu nặng, ăn uống thiếu thốn, thiếu chất i-ốt, cơ thể sẽ ít có khả năng có thai. Hoặc các điều đó làm cái thai chết trước khi người mẹ biết là mình có thai. Hoặc nhiễm trùng kinh niên...
b. Nam giới đôi khi không làm cho phụ nữ sinh đẻ vì lượng tinh trùng ít hơn mức bình thường. Vậy, người chồng phải chờ, không giao hợp những ngày trước khi để người vợ bước vào “những ngày có khả năng thụ thai tột đỉnh”.
Nếu là nữ vô sinh, bạn có khả năng sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa.
F Chăm sóc hay nuôi một trẻ mồ côi làm con nuôi.
F Là một cán bộ y tế hoặc giúp ích tập thể bằng nhiều cách trong xã hội và Giáo Hội. Tình yêu mà đáng lẽ dành cho con cái, có thể dành cho những người khác và mọi người đều có lợi.
F Có thể tổ chức những người cùng cảnh ngộ thành một tổ chức thiện nguyện...
IV. Đời sống gia đình Kitô hữu.
Gia đình là Giáo Hội nhỏ và là trường giáo dục Đức tin.
Vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là chứng nhân đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình. Họ là người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái, bằng lời nói, gương sáng. Gia đình họ phải trở nên như một đền thờ của Giáo Hội, qua gia đình yêu thương, cùng nhau cầu nguyện, lòng hiếu khách, sống công lý, thực hành giúp đỡ những người đang túng thiếu quanh họ.
IV. Đời sống gia đình Kitô hữu.
1. Gia đình là Giáo Hội nhỏ và là trường giáo dục Đức tin.
Vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là chứng nhân đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình. Họ là người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái, bằng lời nói, gương sáng. Gia đình họ phải trở nên như một đền thờ của Giáo Hội, qua gia đình yêu thương, cùng nhau cầu nguyện, lòng hiếu khách, sống công lý, thực hành giúp đỡ những người đang túng thiếu quanh họ.
2. Đời sống gia đình:
Kinh nghiệm hiệp thông chia sẻ: Đời sống thường nhật của gia đình đem đến một kinh nghiệm về hiệp thông và chia sẻ. Các phần tử trong gia đình, được hướng dẫn bởi luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người ý thức về phẩm giá con người, sẵn sàng phục vụ vô vị lợi và giúp đỡ nhau.
3. Kinh nghiệm gia đình:
Cha mẹ Công giáo có bổn phận đặc biệt: Giáo dục con cái biết cầu nguyện, phải giúp chúng dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Người.
2. Đời sống gia đình:
Kinh nghiệm hiệp thông chia sẻ: Đời sống thường nhật của gia đình đem đến một kinh nghiệm về hiệp thông và chia sẻ. Các phần tử trong gia đình, được hướng dẫn bởi luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người ý thức về phẩm giá con người, sẵn sàng phục vụ vô vị lợi và giúp đỡ nhau.
3. Kinh nghiệm gia đình:
Cha mẹ Công giáo có bổn phận đặc biệt: Giáo dục con cái biết cầu nguyện, phải giúp chúng dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Người.
F Sáng-tối, gia đình cầu nguyện chung trước bàn thờ, để mọi người thánh hoá các sinh hoạt hàng ngày và lắng nghe lời Chúa (việc đọc Thánh Kinh).
F Dâng lời cảm tạ về các hồng ân lãnh nhận trong ngày.
F Dâng niềm vui, nỗi buồn, mồ hôi, nước mắt, thành quả lao động suốt ngày... xin Chúa chúc lành...
F Việc gặp gỡ thường xuyên trong bầu khí yêu thương, đầm ấm và thánh thiện, tăng thêm tình thân ái giữa vợ-chồng; cha mẹ-con cái; tránh được những điều do hiểu lầm gây ra.
F Cho con cái những kinh nghiệm về nhu cầu của Giáo Hội và thế giới, giúp chúng mở rộng tâm hồn, vượt khỏi những đòi hỏi ích kỷ...
4. Gia đình và xã hội:
Gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội, làm nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống. Chính giữa lòng gia đình, đã sinh sản ra các công dân và cũng chính trong gia đình, các công dân ấy đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và phát triển xã hội.
5. Gia đình là một đơn vị hoạt động truyền giáo:
F Gia đình phải là “tông đồ” cho chính những người trong nhà với nhau. Cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái, con cái “Phúc Âm hoá” lại cha mẹ.
F Gia đình Kitô hữu làm tông đồ cho những người chung quanh như: Nhận nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi, ân cần đón tiếp khách lạ cơ nhỡ, khuyên bảo giúp đỡ các thanh thiếu niên, nâng đỡ các gia đình khó khăn vật chất, tinh thần, lo cho người già...
6. Tạo bầu khí tinh thần trong gia đình: Thoải mái, cởi mở...
a. Tương quan giữa vợ và chồng: Tình yêu và kính trọng nhau là nền tảng không thể thiếu trong đời sống của người chồng và người vợ: “Vậy, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng mình” (Ep 5,33). “Tình yêu” và kính trọng nhau của vợ chồng sẽ giúp họ, dễ trung tín, hoà thuận, bình đẳng và đoàn kết với nhau. Tạo nên bầu khí ấm áp hiệp thông trong gia đình. Con cái sẽ an tâm, không lo lắng...
b. Tương quan giữa cha mẹ và con cái: Nhờ yêu thương và đoàn kết cha mẹ sẽ tận lực săn sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Con cái sẽ dần dần tín nhiệm cha mẹ hơn, cởi mở với cha mẹ và giữa anh chị em với nhau.
c. Tương quan giữa anh chị em trong nhà: Anh em trong nhà, tuy mỗi người một nết một tính, có thể trở nên xung khắc, khó chấp nhận nhau. Nhưng với tinh thần Đức Tin, sẽ trở nên cơ hội tốt để cộng tác và bổ xung cho nhau: kính trên nhường dưới.
d. Đối với các Kitô hữu: Bầu khí tinh thần của gia đình còn phải được nâng đỡ nhờ đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Trở về trang đầu