THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN
NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG THA NHÂN
1.LỜI CHÚA: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải biết nhẫn nhịn chịu đựng như sau:
-“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2).
-“Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia” (Cl 3,12)
2.CÂU CHUYỆN: HÀN TÍN LÒN TRÔN
Hàn Tín là một thống soái quân sự nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, bố mẹ mất sớm. Trước khi lập nên chiến công, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, lại không thích làm ruộng, cha mẹ chết mà không để lại tài sản gì, khiến ông lâm vào tình trạng bần cùng và bị khinh thương, cơm ăn bữa no bữa đói. Hàn Tín quen biết một quan chức nhỏ địa phương, nên thường đến nhà vị này ăn chực. Thấy vậy, vợ viên quan không bằng lòng cố tình cho nhà ăn sớm làm cho Hàn Tín đến chơi phải bụng đói về không. Cảm thấy bị sỉ nhục nên ông không đến chơi nhà viên quan đó nữa.
Để tồn tại, ông đành phải đi câu cá ở một con sông gần nhà. Một phụ nữ hằng ngày ra giặt quần áo ổ bờ sông thấy tới bữa mà Hàn Tín không có gì ăn, liền chia phần thức ăn mang theo cho ông. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày liền khiến Hàn Tín rất cảm động. Một hôm ông nói với bà kia rằng: “Sau này tôi hứa sẽ báo đền công ơn của bà” Bà kia không tin đáp lại như sau: “Chú là nam nhi mà không tự nuôi nổi mình. Tôi thấy chú bụng đói tội nghiệp nên cho chú ăn, chứ chưa bao giờ lại mong có ngày sẽ được chú báo đền cả”. Hàn Tín nghe vậy lấy làm xấu hổ, càng quyết chí phải làm nên sự nghiệp.
Ở thành phố quê hương, một thanh niên thấy Hàn Tín cao lớn và luôn đeo gươm bên mình, nghĩ ông chỉ là một kẻ hèn nhát, có đeo gươm cũng chỉ để hù dọa người khác, nên một hôm đã chặn Hàn Tín ở giữa phố xá đông người và lên tiếng thách thức như sau: “Nếu mày có gan, thì hãy dùng gươm đánh nhau với tao; Nếu không dám đánh thì phải chui qua háng của tao mới có thể đi được”. Hàn Tín suy nghĩ giây lát rồi đành khom lưng chui qua háng của gã thanh niên kia, khiến mọi người có mặt đều cười ầm lên vì nghĩ Hàn Tín đích thực là một tên hèn nhát. Từ đó, câu chuyện “Hàn Tín lòn trôn” được lưu truyền như một điển cố.
Thực ra, Hàn Tín là một con người mưu lược. Ông thấy xã hội đang lúc tranh tối tranh sáng chưa ngã ngũ, nên chỉ chăm lo nghiên cứu binh pháp và luyện tập võ nghệ để sau này gặp thời sẽ sử dụng. Năm 209 trước công nguyên, phong trào khởi nghĩa của nông dân chống lại nhà Tần bùng nổ khắp nơi, Hàn Tín tham gia đạo quân của Lưu Bang, về sau này ông này sẽ lên làm vua. Lúc đầu, Hàn Tín chỉ giữ một chức quan nhỏ vận tải lương thực cho Lưu Bang. Sau đó nhờ quen biết Tiêu Hà, một mưu sĩ của Lưu Bang, Hàn Tín thường thảo luận về thời thế quân sự với người này. Tiêu Hà biết Hàn Tín là một người có tài, nên giới thiệu với Lưu Bang, nhưng vẫn không được trọng dụng. Về sau Hàn Tín chán nản bỏ Lưu Bang ra đi. Được tin, Tiêu Hà tức tốc cưỡi ngựa chạy theo Hàn Tín và hai ngày sau đưa được Hàn Tín trở về. Lưu Bang hỏi Tiêu Hà: “Trước kia có mấy chục tướng lĩnh chạy trốn mà nhà ngươi chưa bao giờ đuổi theo, tại sao bây giờ lại đuổi theo Hàn Tín?” Tiêu Hà nói: “Thưa ông, các tướng lĩnh bỏ trốn trước kia đều là những kẻ tầm thường, còn Hàn Tín tài ba lỗi lạc. Nếu ngài muốn tranh thiên hạ, ngoài Hàn Tín ra, ngài không thể tìm được ai khác”. Lưu Bang nghe lời cho Hàn Tín từ một viên quan nhỏ phụ trách lương thực trở thành một vị tướng cầm quân ra trận. Từ đó, Hàn Tín đã giúp Lưu Bang bách chiến bách thắng, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
3. SUY NIỆM:
I) THẾ NÀO LÀ NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG ? :
-Nhẫn là nhịn, là chịu phần thiệt về cho mình. Chúng ta thường nhẫn nhịn khi bị người ngang bằng hay người thua kém xúc phạm. Chẳng hạn: Khi ta nghe được lời kẻ bề dưới nói hành nói xấu mà vẫn giữ được bình tĩnh không nổi giận, hoặc khi bị một người ngang hàng nặng lời chỉ trích và lấn quyền mà vẫn giữ được thái độ ung dung. Đó là dấu chỉ của sự nhẫn nhịn chịu đựng.
-Phân biệt nhẫn nhịn với một số trạng thái tâm lý khác: Nhẫn nhịn không đồng nghĩa với thâm hiểm: Người thâm hiểm cũng bình tĩnh, không phản ứng ngay, nhưng lại nuôi ý định trả thù về sau. Nhẫn nhịn khác với nhu nhược: Khi một người bị xúc phạm tuy không phản ứng, nhưng lòng đầy lo âu sợ hãi thì là thái độ của kẻ nhu nhược nhát gan. Nhẫn nhịn là chịu đựng điều gì trái ý với cái tâm khoan dung độ lượng, không khiếp nhược, cũng không để bụng trả thù. Nhẫn nhịn cũng khác với chai lì: Kẻ chai lì “mặt dày mày dạn” là kẻ làm điều sai trái, khi bị phát hiện vẫn không xấu hổ mà lại tiếp tục làm điều sai trái kia. Chẳng hạn: trong bữa Tiệc Ly Giu-đa dù đã được Thầy Giê-su nhiều lần cảnh báo, vẫn trơ lì quyết tâm ra đi phản nộp Thấy (x Mt 26,21-25). Nhẫn nhịn khác với nịnh bợ vô liêm sỉ: Một người hám danh lợi sẵn sàng luồn cúi nịnh bợ kẻ có quyền thế và giàu có để mưu cầu danh lợi. Dù có bị kẻ ấy khinh dể vẫn “cố chịu đấm ăn xôi”. Tuy nhiên nếu một người không phản ứng không phải vì hèn nhát, nhưng chỉ muốn tránh “bé xé ra to” lại thực là người có tính nhẫn nhịn chịu đựng. Câu chuyện Hàn Tín lòn trôn nói trên cho thấy điều đó.
-Như vậy, người có khả năng mà kềm chế không phản ứng lại, là người thực sự có đức tính nhẫn nhịn. Trái lại nếu chịu đựng vì sợ hoặc vì không đủ sức nên đành phải nhẫn nhịn mà trong lòng cảm thấy uất ức, chờ cơ hội trả thù như người Trung quốc có câu: “Quân tử trả thù mưới năm vẫn chưa muộn”… thì không phải nhẫn nhịn mà là kẻ thâm hiểm. Nhẫn nhịn là dùng ý chí kềm chế cơn giận dữ, quảng đại tha thứ, bỏ qua cho kẻ xúc phạm đến mình như Đức Giê-su đã xin Chúa Cha tha cho những kẻ thù ghét làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:43).
2) ĐỨC GIÊ-SU NÊU GƯƠNG NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG THẾ NÀO ? :
a) Trong cuộc khổ nạn, Người đã nhẫn nhịn chịu đựng môn đệ Giu-đa: Dù đã biết rõ hắn đang âm mưu phản nộp mình (x Mt 26,16). Khi đối diện với Giu-đa, Ngừơi chỉ nói với hắn: "Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?" (Lc 22,48); Người nhẫn nhịn khi nghe dân Do thái la ó yêu cầu quan Phi-la-tô phải kết án đóng đinh vào thập tự giá (x Mt 27,20-21); Người nhẫn nhịn khi bị quân lính xỉ nhục và nhạo báng như ông vua hề (Mt 27,28-29); Người nhẫn nhịn khi bị nhiều người nhạo báng, kể cả tên gian phi cùng chịu án cũng chế nhạo Người (x Lc 23,39)… Thật vậy, Đức Giê-su luôn bình thản chịu đựng mọi sự sỉ nhục mà không thốt ra một lời than trách, “như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không kêu lên một tiếng” (x Is 53,7). Trái lại Người còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ thù ghét làm hại mình và bào chữa tội của họ: “vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)...
b) Đức Giê-su đề cao thái độ nhẫn nhịn khác với Luật Mô-sê: Luật Mô-sê đề cao sự trả óan công bình còn Đức Giê-su lại nhấn mạnh đức ái trọn hảo để hóa giải hận thù, biến thù thành bạn: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng thế răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : Đừng chống cự người ác. Trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa… Ai bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì anh hãy cho. Ai muốn vay mượn thì anh đừng ngỏanh mặt đi” (Mt 5,39-42).
c) Tuy nhiên, phải chăng các tín hữu cứ phải nhẫn nhịn chịu đựng tất cả những điều xấu, kể cả những sự lạm dụng của kẻ gian ác, và cứ nhắm mắt để chúng mặc sức đàn áp bóc lột người yếu đuối? Phải chăng những đòi hỏi của Đức Giê-su sẽ làm cho người tín hữu trở thành nhu nhược hèn nhát và khuyến khích kẻ gian ác làm tới “được đàng chân lân đàng đầu” ?...
Thực ra lời Chúa dạy chịu đựng và tha thứ đây là nhăm dạy thực hành nhân đức bác ái trọn hảo noi gương Thiên Chúa là đấng hòan thiện (x Mt 5,48), và chúng ta khó lòng đạt tới nếu không có ơn Thánh Thần trợ giúp. Còn ở bình diện xã hội, Đức Giê-su muốn các môn đệ noi gương Người nhẫn nhịn chịu đựng kẻ xấu như phương thế “giúp kẻ gian ác ăn năn sám hối và được sống” (x Ed 18,21). Còn đối với những kẻ thực sự gian ác thì Người đã mạnh mẽ chống lại: Người đã nặng lời quở trách thói giả hình của các đầu mục Do thái như sau: ”Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người pha-ri-sêu giả hình: các ngươi rửa sạch bên ngòai chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ” (Mt 23,27). Người quyết liệt lấy dây thừng bện thành roi mà xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ và nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,13-16). Ngừơi đã hạch lại tên người nhà vị thượng tế khi hắn vả mặt Người: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23; Người đã dám khinh thường vua Hê-rô-đê gian ác khi nói với bọn quan binh do Hê-rô-đê phái đến ngăn cấm Người rao giảng Tin Mừng rằng: Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất“ (Lc 13,32)...
3) THỰC TẬP NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG:
1) Kềm chế cơn giận: Để làm chủ được tính hay nóng giận, có người chủ trương hãy cứ để cho cơn nóng bùng phát hết cỡ, rồi “sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”, sau cơn nóng họ sẽ bình tĩnh lại, giống như ”Đói cho ăn no sẽ hết đói; Khát cho uống no sẽ không khát nữa. Ham muốn cứ cho thỏa mãn tối đa sẽ hết còn ham muốn”!!! Nhưng làm như vậy có khác chi thấy nhà mới cháy, lẽ ra phải nhanh chóng dập tắt, lại để cho cháy lan ra cả nhà, cho tới khi cháy hết sẽ tự nhiên hết cháy !!!
2) Hóa giải cơn giận: Hãy tập khắc phục tính nóng nảy bằng sự mỉm cười. Đây là phương cách vừa dễ thực hiện lại rất hữu hiệu. Vì để có thể mỉm cười được, ta phải coi thương nguyên nhân làm cho ta tức giận. Mỗi lần gặp điều trái ý làm bùng phát cơn giận, ta hãy tự nhủ: “Chuyện nhỏ!” và mỉm cười thật tươi để hóa giải cơn giận. Người Trung Quốc có câu: "Nếu bạn không biết cười thì đừng bao giờ kinh doanh". Thánh Phao-lô cũng dạy các tín hữu như sau: "Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma qủy thừa cơ lợi dụng". (Ep 4, 26-27).
3) Khôn ngoan đừng vội nói: Khi nóng giận ta thường “đa ngôn đa quá”. Hạy nhớ rằng: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Thánh Gia-cô-bê dạy: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1,19). Sách Gương Chúa Giê-su cũng dạy: ”Những điếu chưa nói là ta làm chủ nó. Nhưng khi đã nói ra rồi, là ta trở thành tôi tờ của nó”. Lời nói một khi đã ra ngòai cửa miệng sẽ khó lòng lấy lại được như người xưa đã dạy: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nên “Hãy uốn lưỡi bảy lần truớc khi nói”. Một khi làm chủ được lời nói, chúng ta sẽ sống an vui hạnh phúc hơn, sẽ dễ gây được thiện cảm với người chung quanh và sẽ sống hòa thuận với mọi người, sẽ áp dụng được phương pháp “đắc nhân tâm” để thành công trong mọi việc như ngưới đời thường nói: “một sự nhịn bằng chín sự lành”.
4) Noi gương Đức Giê-su: Đức Giê-su đã khuyên mọi người phải noi gương hiền hòa nhẫn nhịn của Người: ”Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Mỗi khi gặp tình huống bị ai đó xúc phạn, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha tha cho họ noi gương Đức Giê-su trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Cần xác tín rằng: Nhẫn nhịn chịu đựng là một phương thế nên thánh hữu hiệu mà thánh Bê-na-đô đã áp dụng. Ngài không coi trọng việc ăn chay, đọc kinh cầu nguyện và đánh tội hành xác để nên thánh như thói quen thời đó, nhưng coi trọng sự nhẫn nhịn chịu đựng anh em tu sĩ sống chung như Ngài đã chia sẻ: ”Hy sinh lớn nhất của tôi là nhẫn nhịn thói xấu và khuyết điểm của anh em mình”.
4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có kinh nghiệm gì về sự ích lợi tinh thần do sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân mang lại cho bạn không? 2) Bạn sẽ áp dụng phương cách nào để thực tập tính nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân ?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay chúng con đã ý thức rằng: Chúa muốn chúng con nên thánh không phải chỉ bằng việc đọc kinh cầu nguyện, mà còn ở việc sống tình mến Chúa yêu người theo gương mẫu và lời Chúa dạy. Cụ thể là cho chúng con tránh nổi giận la rầy chửi mắng tha nhân. Nhưng biết nhẫn nhịn chịu đựng những xúc phạm của tha nhân bên cạnh, noi gương Chúa xưa đã bao dung không chấp nhất với tội ác phản bội bán nộp Thầy của môn đồ Giu-đa. Xin cho chúng con luôn tự chủ, biết im lặng chịu đựng khi nghe những lời khích bác nói hành của kẻ thù ghét mình như Chúa trên thập giá đã giữ im lặng trước những lời la ó thách thức của đám đông thù nghịch.
Tuy nhiên, nhẫn nhịn không đồng nghĩa với thái độ hèn nhát nhu nhược: Xin cho chúng con dám can đảm lên tiếng bênh vực công lý và tích cực góp phần đẩy lùi tội ác và các thói hư ra khỏi gia đình, khu xóm và nơi làm việc, noi gương Chúa xưa đã dùng dây thừng xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền thờ và chống lại thói đạo đức giả hình của bọn biệt phái đầu mục dân Do Thái.- AMEN.
LM ĐAN VINH - Hiệp Hội Thánh Mẫu