Trang Chủ > Giáo Lý > Học Hỏi

“Khởi đầu” và “kết thúc mở” trong Tin Mừng Mác-cô

Nội dung

preach_bible__cross.gif1. Nghĩa của từ “Khởi đầu” (arkhê)

2. “Kết thúc mở” mời gọi “khởi đầu mới”

3. Hai cách “đọc lại” bản văn

4. Ba cấp độ khởi đầu trong Tin Mừng Mác-cô

Có thể nói, Tin Mừng Mác-cô bao gồm nhiều sự khởi đầu và không có kết thúc. Nói cách khác, kết thúc của Tin Mừng Mác-cô là kết thúc mở vì là kết thúc bỏ lửng, kết thúc chưa xong, nghĩa là kết thúc bằng cách mời gọi độc giả thực hiện một khởi đầu mới. Bài viết này sẽ bàn về ý nghĩa của từ “khởi đầu” (arkhê) và ba cấp độ “khởi đầu” trong Tin Mừng Mác-cô.

1. Nghĩa của từ “Khởi đầu” (arkhê)

Câu đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô viết: “Khởi đầu (arkhê) tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô [Con Thiên Chúa]...” (Mc 1,1). Danh từ Hy Lạp “arkhê” (khởi đầu) có hai nghĩa: (1) “Khởi đầu”  một sự việc trong thời gian. (2) “Khởi đầu” tuyệt đối, đặt nền tảng cho một điều gì đó.

Chẳng hạn, câu đầu tiên trong lời tựa Tin Mừng Gio-an viết: “Lời có lúc khởi đầu (en arkhê)” (Ga 1,1). Từ “arkhê” (khởi đầu) ở đây có nghĩa thứ hai: Khởi đầu tuyệt đối. Thực vậy, Ga 1,1 nói tới khởi đầu mọi sự, gợi lại khởi đầu của sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu (en arkhê), Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1).

Ở Mc 1,1, danh từ “arkhê” (khởi đầu) có nghĩa: “khởi đầu sách Tin Mừng Mác-cô” (nghĩa thứ nhất). Tuy nhiên, trong viễn cảnh đọc lại Tin Mừng (relecture), “arkhê” (khởi đầu) trong Mác-cô cũng được hiểu theo nghĩa thứ hai. Đối với độc giả, “khởi đầu tin mừng” (Mc 1,1) nối kết với phần “kết thúc mở” của Tin Mừng (Mc 16,7-8), làm cho biến cố Đức Giê-su (sứ vụ công khai và biến cố Thương Khó - Phục Sinh) trở thành “khởi đầu nền tảng”, “khởi đầu tuyệt đối” của tin mừng mà các môn đệ rao giảng. Nói cách khác, biến cố Đức Giê-su là “khởi đầu” (arkhê) của Ki-tô giáo.

2. “Kết thúc mở” mời gọi “khởi đầu mới”

Những câu cuối cùng của Tin Mừng Mác-cô (Mc 16,5-8) có thể được gọi là “kết thúc mở”, bởi vì thông điệp người thanh niên trao cho các phụ nữ ở Mc 16,6-7 chưa được thực hiện. Vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, một số phụ nữ ra mộ Đức Giê-su lúc mặt trời mọc và thấy tảng đá trước mộ đã được lăn ra (Mc 16,2-4). Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên đang ngồi bên phải, mặc áo chùng trắng, và các bà hoảng sợ (Mc 16,5). Người thanh niên nói với các bà: “6 Đừng hoảng sợ. Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét đã bị đóng đinh, Người đã được trỗi dậy, Người không ở đây nữa. Hãy xem chỗ người ta đã đặt Người. 7 Các bà hãy đi nói với các môn đệ của Người và với Phê-rô rằng: ‘Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.’”

Tin Mừng Mác-cô kết thúc ở 16,8 một cách lạ lùng như sau: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, các bà run lẩy bẩy và hết hồn hết vía. Họ chẳng nói gì với ai, vì họ sợ hãi” (16,8). Đoạn văn Mc 16,9-20 thuộc Quy Điển, nhưng được thêm vào sau, vì Mc 16,9-20 không có trong nhiều thủ bản Hy Lạp. Nhiều Giáo phụ không biết đến Mc 16,9-20. Có lẽ không phải Mác-cô soạn thảo 16,9-20, nhưng một người khác viết ra để bổ sung cho phần kết lạ lùng ở Mc 16,8.

Kết thúc này làm độc giả ngạc nhiên vì câu chuyện chưa thực sự kết thúc, thông điệp chưa được thực hiện. Kiểu kết thúc câu chuyện dở dang này, có ý nghĩa quan trọng: Kết thúc Tin Mừng Mác-cô trở thành lời mời gọi độc giả tiếp nối và thực hiện việc loan báo tin vui Phục Sinh, loan báo Tin Mừng. Nói cách khác, kết thúc Tin Mừng Mác-cô mở ra một khởi đầu mới, khởi đầu hành trình rao giảng Tin Mừng, nhờ quá trình đọc lại (relecture) liên lỷ sách Tin Mừng.

3. Hai cách “đọc lại” bản văn

Có hai cách đọc lại một sự kiện: (1) Lặp lại theo vòng tròn khép kín như kiểu sản xuất dây chuyền. (2) Lặp lại theo vòng tròn xoắn ốc, có tiến triển theo thời gian.

Khởi đầu Tin Mừng Mác-cô (Mc 1,1) kèm theo trích dẫn được cho là của I-sai-a ở Mc 1,2b-3, cho thấy cách đọc Kinh Thánh theo vòng xoắn ốc. Đây là cách “đọc lại” (relecture) bản văn theo chiều sâu. Mỗi lần “đọc lại” ý nghĩa được đào sâu thêm nhờ thích nghi và áp dụng bản văn vào hoàn cảnh cụ thể. Lời trích trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 1,2b-3) là cách thức tác giả đọc lại các sách Xuất Hành (Xh 23,20), sách Ma-la-khi (Ml 3,1) và sách I-sai-a (Is 40,3) để áp dụng vào nhân vật Gio-an Tẩy Giả. Ông là người rao giảng và giới thiệu Đức Giê-su (Mc 1,7-8).

4. Ba cấp độ khởi đầu trong Tin Mừng Mác-cô

Sơ đồ đọc lại bản văn theo vòng xoắn ốc trên đây cho thấy nội dung sách Tin Mừng Mác-cô trình bày ba cấp độ khởi đầu:

1) Ở Mc 1,1 là “khởi đầu” tin mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (Mc 1,14).

2) Mc 16,8 cho thấy sách Tin Mừng kết thúc bỏ ngỏ. “Kết thúc mở” này mời gọi độc giả tiếp nối các phụ nữ ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Nói cách khác, Tin Mừng Mác-cô mời gọi độc giả “khởi đầu” sứ vụ loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh cụ thể.

3) Đặc biệt lời giáo huấn của Đức Giê-su ở Mc 13,10: “Tin Mừng phải được rao giảng trước tiên cho mọi dân tộc” cho thấy “tin mừng của Đức Giê-su” (Mc 1,1) là một thông điệp không ngừng được “khởi đầu”, nhờ lời rao giảng của các môn đệ qua mọi thời đại.

Tóm lại, độc giả mọi nơi mọi thời được người thuật chuyện mời gọi đọc Tin Mừng theo vòng xoắn ốc, càng đọc càng hiểu sâu hơn nội dung nhờ tích luỹ điều đã khám phá trong lần đọc trước. Với kinh nghiệm và hoàn cảnh sống hiện tại, độc giả được mời gọi không ngừng “khởi đầu” việc “đọc lại” sách Tin Mừng, và từ đó, không ngừng “khởi đầu” việc loan báo tin mừng cho mọi người./.

Ngày 10 tháng 03 năm 2013.

Giuse Lê Minh Thông, O.P.

Email: josleminhthong@gmail.com

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/03/khoi-au-va-ket-thuc-mo-trong-tin-mung.html

 


Các bài viết mới hơn
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: ĐÂU LÀ TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO CON NGƯỜI. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA VÀ VỀ TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI. Lm. Đan Vinh
     Đối Thoại Năm Đức Tin: TÔN GIÁO VÀ CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ. LM ĐAN VINH - HHTM
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VỀ GIÁO LÝ VÀ NHÂN ĐỨC CỦA TÔN GIÁO. LM ĐAN VINH - HHTM
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VẤN ĐỀ TÔN GIÁO VÀ ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     Danh từ “lời chứng” (marturia) và động từ “làm chứng” (martureô) trong Tin Mừng Gio-an. Lm. Giuse Minh Thông
     TRỞ LẠI VÀ THAY ĐỔI NẾP SỐNG(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
     ĐỐI THOẠI NĂM ĐÚC TIN VỀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN - Lm. Đan Vinh
     Đối thoại năm đức tin: THIÊN CHÚA CÔNG BẰNG NHÂN TỪ VÀ HÌNH PHẠT HỎA NGỤC. Lm. Đan Vinh

Các bài viết cũ hơn
     THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN: LỌAI TRỪ CÁI TÔI ÍCH KỶ TỰ MÃN. Lm. Đan Vinh
     Ga 4,5-15: “Khát nước hằng ngày” – “khát nước sự sống”. Ngôn ngữ biểu tượng, nghịch lý và kỹ thuật hành văn hiểu lầm trong Tin Mừng Gio-an. Giuse Lê Minh Thông, O.P.
     THỰC TẬP XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH: VỢ CHỒNG ĐỪNG THÁCH THỨC NHAU. LM ĐAN VINH
     THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN: HÃY TỰ TRỌNG NHƯNG ĐỪNG TỰ ÁI. Lm. Đan Vinh
     Tin Mừng Gio-an chỉ có “DẤU LẠ”, không có “PHÉP LẠ”. Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.
     Đặc điểm và đề tài trong Tin Mừng Mác-cô. Giuse Lê Minh Thông, O.P.
     XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC LÒNG QUẢNG ĐẠI CHO CON CÁI. LM ĐAN VINH
     PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Lm. Đan Vinh
     ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN :NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     THẾ GIAN LÀ GÌ? THẾ GIAN LÀ AI? Lm Giuse Lê Minh Thông