Tin Mừng Gio-an chỉ có “DẤU LẠ”, không có “PHÉP LẠ”
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các trình thuật “phép lạ” Đức Giê-su thực hiện chiếm phần quan trọng và làm nên thể văn đặc thù của Tin Mừng Nhất Lãm. Đức Giê-su thực hiện phép lạ chữa lành, phép lạ trên thiên nhiên, phép lạ trừ quỷ, đặc biệt phép lạ làm cho người chết sống lại.
Đây là cách thức Đức Giê-su mặc khải quyền năng của người trên bệnh tật, trên thiên nhiên và trên sự chết. Tin Mừng Nhất Lãm dùng danh từ Hy Lạp “dunamis” (quyền năng) để chỉ các phép lạ. Thông thường các bản dịch dùng từ “phép lạ” để dịch danh từ “dunamis”. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Không ai làm phép lạ (dunamin) nhờ danh của Thầy và ngay sau đó có thể nói xấu Thầy” (Mc 9,39b). Người thuật chuyện cho biết cảm nhận của dân chúng về Đức Giê-su ở Mc 6,2: “Đến ngày sa-bát, Người [Đức Giê-su] bắt đầu giảng dạy trong hội đường, nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên nói rằng: “Bởi đâu Ông ta được như thế? Sự khôn ngoan được ban cho Ông ấy và những phép lạ (hai dunameis) như thế nhờ tay Ông ấy nghĩa là gì?”
Tin Mừng Gio-an thuật lại một số phép lạ có trong Tin Mừng Nhất Lãm và một số phép lạ không có trong Tin Mừng Nhất Lãm. Điều đáng chú ý là Tin Mừng Gio-an không dùng từ “phép lạ” (dunamis) mà dùng từ “dấu lạ” (sêmeion) để nói đến “các phép lạ” Đức Giê-su thực hiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thần học Tin Mừng Gio-an: Đức Giê-su là người thực hiện các dấu lạ, và chính Người cho biết ý nghĩa của dấu lạ. Chẳng hạn ý nghĩa của dấu lạ bánh hoá nhiều (Ga 6,1-15) sẽ được Đức Giê-su giải thích trong diễn từ bánh sự sống (Ga 6,25-59). Ở Ga 11, Đức Giê-su mặc khải Người là “sự sống lại và là sự sống” (11,25) trước khi gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,43).
Tin Mừng Gio-an thuật lại bao nhiêu dấu lạ? Người thuật chuyện sử dụng từ “dấu lạ” (sêmeion) như thế nào? Các nhân vật trong câu chuyện nhận định ra sao về “các dấu lạ” Đức Giê-su đã làm? Mời đọc bài viết:
“DẤU LẠ, dt. Sêmeion, trong Tin Mừng Gio-an.”
Về phương diện ý nghĩa thần học, có thể nói trong Tin Mừng Gio-an chỉ có “DẤU LẠ”, chứ không có “PHÉP LẠ”. Tác giả Tin Mừng Gio-an cố ý không dùng từ “phép lạ” (dunamis) mà chỉ dùng từ “dấu lạ” (sêmeion), vì thế nếu dùng từ “phép lạ” để nói về các “dấu lạ” trong Tin Mừng Gio-an là chưa cảm nhận được nét độc đáo liên quan đến ý nghĩa thần học của “dấu lạ” trong sách Tin Mừng này./.
Ngày 20 tháng 01 năm 2013
Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/01/tin-mung-gio-chi-co-dau-la-khong-co.html