Kính thưa quý đọc giả,
Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam có những trường hợp kết hôn giả nhằm mục đích riêng tư nào đó, khiến cho vấn đề ngày càng trở nên cấp bách cần được phổ biến. Vì thế, trước hết, nhằm giải đáp một số thắc mắc của nhiều đọc giả về vấn đề này, trang web tinvuixuanloc.com xin gửi đến quý đọc giả bài viết với tựa đề “VẤN ĐỀ KẾT HÔN GIẢ” như một thông tin cần thiết, cũng như NHỮNG THẮC MẮC XIN GIẢI ĐÁP về luật hôn nhân trong Giáo Phận Xuân Lộc. Ước mong phần trình bày sau đây sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề này.
VẤN ĐỀ KẾT HÔN GIẢ
Luật Việt nam về hôn nhân gia đình , ban hành ngày 09 tháng 06 năm 2000, ở điều 4 triệt 2 nêu rõ: “Cấm kết hôn giả tạo”. Như vậy người Việt Nam Công giáo càng không được kết hôn giả (gỉa vờ kết hôn); và các thừa tác viên của Hội thánh cần lưu ý để khỏi tiếp tay cho những hôn nhân giả.
1.Ý niệm về kết hôn giả
Kết hôn giả là việc hai người nam nữ chỉ có hình thức bề ngoài ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng, hoặc chỉ nói ra sự ưng thuận cho có hình thức, do thủ tục đòi hỏi, nhằm che mắt thiên hạ. Trong kết hôn giả thiếu hẳn nội dung đúng đắn là sự hiệp thông vĩnh viễn , trọn cả cuộc sống giữa hai người nam nữ, và việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phạm vi phái tính (x. GL điều 1096, § 1; điều 1055, § 1). Chắc chắn, người kết hôn giả không chấp nhận những đặc tính chính yếu của hôn nhân hoàn toàn là vì mục đích ngoài lợi ích của đôi bạn và việc sinh sản, giáo dục con cái (x. đ. 1055, bài 1)
2. Những lý do thúc đẩy kết hôn giả
- Lấy người giàu để đổi đời
- Lấy Việt Kiều hoặc Ngoại Kiều để xuất cảnh
3. Những nét chung của hôn nhân giả
- Đến với nhau vì động cơ vụ lợi
- sẵn sàng chia tay khi không đạt được mục đích (ví dụ: Không làm được thủ tục giấy tờ xuất cảnh, hoặc phía bên kia không đáp ứng nhu cầu cấp dưỡng…)
- Không ngại chia tay, khi vừa đạt được mục đích.
4. Hai trường hợp thường thấy về kết hôn giả của người công giáo
a. Trường hợp 1:
Hai người công giáo đang là vợ chồng thực sự của nhau, bất ngờ đưa nhau ra ngoài tòa ly dị, rồi một trong hai người này đăng kí kết hôn phần đời với người thứ ba nhằm mục đích nào đó (ví dụ: lấy Việt kiều hoặc ngoại kiều để được đi ngoại quốc, rồi sang ngoại quốc sẽ chia tay, để tìm cách bảo lãnh người cũ của mình, hoặc lấy người giàu để chiếm đoạt tài sản hầu cung cấp cho người cũ của mình…)
b. Trường hợp 2:
Một người công giáo chưa kết hôn bao giờ, bây giờ chỉ đăng kí kết hôn phần đời với một ai đó, chứ không tiến hành hôn nhân theo giáo luật để khỏi bị ràng buộc, và làm như vậy vì có ý định chia tay, sau khi đạt được mục đích riêng tư của mình.
5. Có thể xảy ra trường hợp thừa tác viên Giáo hội tiếp tay với hôn nhân giả không?
Có thể! Đó là khi thừa tác viên Giáo Hội:
1-Ký nhận hoặc ban cấp giấy chứng chỉ bí tích hôn nhân cho 2 người nam nữ không phải là vợ chồng thực của nhau theo luật đạo.
2-Không hề có việc chứng hôn, nhưng vẫn đồng ý mặc lễ phục, chỉ để cho 2 người nam nữ trong tang phục cưới chụp hình với mình, để đôi nam nữ này có hình ảnh cưới ở nhà thờ, hầu dễ tiến hành thủ tục bảo lãnh hoặc xuất cảnh vợ chồng.
3- Tham dự đám tiệc được nhà đã xác định là tiệc đính hôn, nhưng thực chất là đám cưới giả (đám cưới giả nhưng nhà đám phải nói là tiệc đính hôn để đánh lừa thừa tác viên của Giáo hội tới dự; và sở dĩ nhà đám muốn có sự hiện diện của thừa tác viên Giáo hội là để hai người nam nữ nào đó trong trang phục cưới chụp hình với thừa tác viên Giáo hội, làm bằng chứng họ cưới xin đàng hoàng).
6. Những vấn đề đặt ra cho hôn nhân công giáo giả
Hôn nhân công giáo giả luôn đặt ra 2 vấn đề liên hệ đến luân lý và giáo luật cần giải quyết.
a.Về luân lý
Người công giáo kết hôn giả, dưới bất cứ hình thức nào và vì bất cứ lý do nào, đều là phạm tội gian dối (nói dối, làm dối…) và lừa gạt để trục lợi cho mình.
Khi kết hôn giả là người công giáo tỏ ra coi thường giá trị của hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa, cũng là gây cớ cho người khác có cái nhìn sai lạc về hôn nhân; vì thế kết hôn giả là có tội.
b.Về giáo luật
Người đang bị ràng buộc bởi dây hôn phối còn hiệu lực của một hôn nhân thật, thì dĩ nhiên, không vì kết hôn giả (do việc làm giấy ly dị chồng/ vợ ở tòa án đời) mà được tháo gỡ hôn nhân thật, vì “hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong” (GL đ. 1141)
Người nào chưa bao giờ kết hôn thật, và bây giờ chỉ kết hôn giả thôi, thì vẫn là tự đặt mình vào chuyện rối hôn nhân, nghĩa là hôn nhân giả vẫn được coi là một chứng cứ rõ ràng có hôn nhân, dù giả (đăng kí kết hôn với một người), khiến người kết hôn giả vẫn bị ràng buộc, nghĩa là: trên nguyên tắc, người đang vướng dây hôn nhân (dù giả) vẫn không thể dễ dàng kết lập hôn phối khác trong Giáo Hội, như giáo luật điều 1085 nói:
“§ 1. Người đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp, thì kết hôn cũng bất thành”.
“§ 2. Dù nhân trước bất thành hoặc được tháo gỡ vì bất cứ lý do nào, thì không vì đó mà được phép kết hôn lần nữa, trước khi thấy rõ cách hợp thức và chắc chắn rằng hôn nhân trước đã bị bất thành hoặc đã được tháo gỡ”
7. Kết luận thực hành
a- Thừa tác viên Giáo hội không tiếp tay với người kết hôn giả
Ít là để tránh rắc rối về nhiều phía, không thừa tác viên nào của Giáo hội có quyền chứng hôn lại được tùy tiện tiếp tay với những người kết hôn giả, dù với bất cứ lý do nào và dưới bất cứ hình thức nào (cụ thể: không vi phạm những gì nói ở số 5 trên đây)
b- Tháo gỡ dây hôn nhân ‘giả’
Những người bị vướng dây hôn nhân giả , theo nghĩa chỉ là vợ chồng trước mặt thế gian để nhắm mục đích riêng tư nào đó, nay không cần xét đến chuyện 2 người đã đạt đến mục đích hay chưa, chỉ biết rằng 2 người muốn chia tay nhau để tiến hành hôn nhân thật với những người khác, chứ không phải giữa hai người với nhau, thì hai người này vẫn cần phải được chứng nhận là thong dong trước khi kết lập hôn nhân mới.
Để được chứng nhận là thong dong, họ cần làm 2 việc căn bản : Một ở Tòa đời và một ở Tòa đạo.
Ở Tòa đời, họ phải tiến hành thủ tục ly dị dân sự để hủy bỏ hôn nhân giả giữa họ, vốn đã được Tòa đời công nhận khi họ đăng kí kết hôn trước đây ở Phường/Xã.
Ở Tòa đạo, vụ việc hai người có thể được giải quyết theo một trong 2 kiểu: hoặc tư pháp, hoặc hành chánh.
- Theo kiểu “tư pháp” (judicial), thì hai người, sau khi đã ly dị dân sự, phải nộp đơn cho Tòa án Giáo phận để xin công bố hôn nhân của mình là bất thành, vì “thiếu thể thức Giáo luật khi kết hôn” (do hôn nhân giả đã qua mặt thừa tác viên Giáo hội và hai nhân chứng, x. CL 1108, §1) do đại diện tư pháp quyết định. Ở Giáo Phận Xuân Lộc, Đức Cha chính Đaminh quyết định ủy cho các cha quản hạt áp dụng kiểu hành chánh để tháo gỡ dây hôn nhân giả như nói sau đây
- Theo kiểu “hành chánh” (administrative), thì văn phòng giáo luật Giáo phận hay linh mục chính xứ tự điều tra và quyết định cho hai người có thể tái hôn. Về lý thuyết, kiểu hành chánh này dựa trên giáo huấn truyền thống và lời dạy của chân phúc giáo hoàng Gioan- Phaolô II trong tông huấn về gia đình Familiaris Corsortio (số 82a) : “Trường hợp những người công giáo, vì những nguyên do ý thức hệ hay vì những lý do thực tiễn, muốn lập hôn phối dân sự mà từ chối việc cử hành hôn phối tôn giáo hoặc dời việc cử hành này lại sau, càng ngày càng trở nên nhiều. Không thể coi tình cảm của họ cũng y như tình cảm của những người chung sống mà không có một ràng buộc nào, vì ở đây ít ra cũng có một sự dấn thân nào đó vào một tình trạng sống nhất định và có lẽ cũng bền vững, cho dù viễn tượng li dị là một chuyện không xa lạ lắm với loại quyết định này . Khi muốn việc liên kết của mình được sự nhìn nhận công khai của Nhà Nước, các đôi bạn này đã cho thấy rằng họ sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ cũng như quyền lợi của sự liên kết ấy. Dù vậy, Hội thánh vẫn không thể chấp nhận tình trạng ấy”. Như vậy, hôn nhân thuần dân sự giữa hai người công giáo, là điều không được Giáo Hội chấp nhận, nghĩa là người công giáo có bổn phận kết hôn theo hình thức giáo luật. Khi hai người công giáo không làm nghi thức đạo, thì không thể đặt vấn đề hôn nhân của họ có bất thành công hay không, vì tự bản chất hôn nhân này không hề được Giáo hội công nhận là tồn tại.
Đến đây có một câu hỏi được nêu lên: Phải chăng sự bất công với người giữ luật, khi mà những ai “không giữ luật đạo” lại được thoải mái, vì họ chỉ cần ly dị dân sự là được tái hôn? Câu hỏi này được trả lời thế này: Những người “giữ luật đạo” khi chính thức cam kết một khế ước trọn đời trước sự chứng kiến của Giáo Hội, thì đương nhiên họ phải giữ lời cam kết, đó là chuyện công lý. Còn những người không “cam kết” trước sự chứng kiến của Giáo hội, thì làm sao Giáo Hội có thể bắt họ phải giữ điều họ không cam kết. Thật ra, người ta sẽ chẳng còn bận tâm tỵ nạnh với ai, nếu họ nhìn nhận rằng hôn nhân là do thiên luật tự nhiên, nên, dù không có nghi thức đạo, hôn nhân thuần cam kết dân sự vẫn có giá trị như trước khi Giáo Hội ra đời.
Dù sao, cũng để tránh những thắc mắc dễ nảy sinh từ giáo dân, khi áp dụng thủ tục hành chánh để tháo gỡ dây hôn nhân giả, trong đó có các cha xứ tự điều tra và quyết định cho hai người có thể tái hôn, thì như đã nói, ở Giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Đaminh quyết định ủy thác cho các cha quản hạt áp dụng kiểu hành chánh để tháo gỡ dây hôn nhân giả , nghĩa là Tòa án hôn phối và các cha xứ trong Giáo phận được miễn cho nhiệm vụ tháo gỡ dây hôn nhân giả.
8. Một vài trường hợp cụ thể (Bài đọc thêm)
Cách nay khoảng 13 năm, anh chàng A (ở VN) quen với cô B (cũng ở VN, và hiện còn ở VN): Anh A định lấy cô B, nhưng gia đình anh muốn anh đi Úc nên đã làm giấy kết hôn giả cho anh lấy cô C (Việt Kiều Úc). Anh A tạm chia tay cô B. Năm 2002, anh A sang Úc theo diện hôn nhân ghép với cô C. Sang Úc, anh A trả tiền đầy đủ cho cô C, rồi chia tay luôn, không hề sống chung vợ chồng ngày nào.
Từ 2002 đến nay, anh A thường xuyên về VN thăm cô B, nghĩa là anh A không ở Úc 3 năm liên tục trở lên, nên anh A chưa đủ điều kiện để cấp quốc tịch Úc, nhưng mới đây anh A và cô C lại có giấy ly dị của chính quyền Úc… Và vì thường xuyên về Việt Nam thăm cô B, nên anh A đã lỡ có con với cô B.
Xin hỏi: Có cách nào để A kết hôn với B ở VN theo cả đạo lẫn đời, rồi sau đó bảo lãnh cho vợ con sang định cư bên Úc?
Trước tiên, cần phải tháo giải hôn nhân giả giữa anh A và cô C. Hôn nhân giả này cử hành ở VN nên một Tòa giáo phận nào đó tại Việt Nam có quyền xét xử hôn nhân bất thành (x. đ. 1673, §1). Tuy nhiên, nơi cư trú chính thức dân sự của cả anh A lẫn cô C đều ở Úc, nên tòa án nơi cô C cư ngụ bên Úc cũng có quyền xử (GL 1673,2). Dù sao, chứng cứ quan trọng nhất để xét hôn nhân bất thành là lời chứng của cô C và gia đình. Do đó, tòa án nơi cô C cư ngụ ở Úc là nơi thuận tiện nhất để quyết định. Như vậy tòa án hay một linh mục chính xứ nào tại Việt Nam không nên nhận xét xử vụ án này. Chỉ sau khi Giáo Hội tại Úc đã công nhận anh A có quyền tái hôn trong Giáo Hội, thì người ta mới có quyền bàn đến việc anh tái hôn đạo hay đời tại Việt Nam. Tóm lại, cần hết sức ngăn chặn hôn nhân giả diễn ra, vì hôn nhân giả vừa là một lỗi, vừa phức tạp khi tháo giải.
17-5-2011
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ
Đại diện tư pháp Gp. Xuân Lộc
VÀI THẮC MẮC XIN GIẢI ĐÁP
Ngày 17.05.2011
1. Khi một người lương muốn kết hôn theo giáo luật với một người công giáo, thì linh mục nào có bổn phận tiến hành điều tra và rao hôn phối?
Thưa : Người lương ở trên lãnh thổ giáo xứ nào thì cha xứ đó có bổn phận tiến hành điều tra và rao hôn phối cho người ấy. Giáo luật nói: “Các vị chủ chăn, nhất là các Giám Mục và linh mục chính xứ… phải lo liệu để sứ điệp Tin Mừng đến tận những người không tin ở trong địa hạt mình, vì họ cũng phải được coi sóc về phần linh hồn không kém các tín hữu” (x.GL điều 383, § 4; đ.528, § 2).
2. Một người lương muốn học giáo lý dự tòng và xin nhận bí tích rửa tội thì học và rửa tội ở đâu?
Thưa : Người ấy có thể học giáo lý dự tòng và xin nhận bí tích rửa tội ở bất cứ nơi nào, nhưng vẫn thuộc về giáo xứ nơi người ấy cư ngụ. Tuy nhiên, người ấy đang ở trên lãnh thổ của giáo xứ nào, thì cha xứ của giáo xứ ấy có quyền ưu tiên và có bổn phận dạy giáo lý và rửa tội khi người ấy xin.
3. Trường hợp người lương muốn học giáo lý dự tòng và xin nhận bí tích rửa tội ở ngoài lãnh thổ của giáo xứ người ấy đang ở thì sao?
Thưa : bất cứ cha xứ nào cũng có thể nhận giúp người ấy nhưng không bó buộc phải nhận. Tuy nhiên, nếu ngài nhận rửa tội thì ngài có bổn phận thông báo cho cha xứ của người tân tòng để ghi vào sổ giáo xứ, chứ ngài không có quyền tự động tiến hành thủ tục và cử hành hôn phối mà không có ý kiến của cha xứ của người tân tòng, trừ trường hợp nguy tử.
4. Khi rửa tội cho người lương có dự định kết hôn, có phải tiến hành rao hôn phối ở những nơi người ấy cư ngụ trước kia không?
Thưa : Có
5. Khi rửa tội cho một đôi vợ chồng ngoài công giáo đã có hôn nhân dân sự, có phải rao hôn phối không?
Thưa : KHÔNG phải rao, nhưng linh mục cử hành rửa tội vẫn có trách nhiệm điều tra để biết chắc không có ngăn trở trước khi chứng hôn. Nếu có ngăn trở và là ngăn trở có thể miễn chuẩn (ngăn trở giáo luật), thì xin miễn chuẩn cho họ. Nếu là ngăn trở không thể miễn chuẩn (ngăn trở thiên luật) thì không thể rửa tội cho họ; vì rửa tội là đặt họ vào trường hợp rối hôn phối.
6. Khi rửa tội cho một đôi vợ chồng ngoài công giáo đã có hôn nhân dân sự, và không mắc ngăn trở nào, thì có phải chứng hôn lại không?
Thưa:
1/ Thông thường KHÔNG phải chứng hôn lại. Và hôn nhân tự nhiên đương nhiên trở thành hôn nhân bí tích.
2/ Có trường hợp phải chứng hôn lại, nếu hồ nghi một trong hai người đa thê hay đa phu. Tốt nhất nên chứng hôn lại, nếu một trong hai người đã từng có nhiều hôn nhân kế tiếp nhau.
3/ Nếu đôi vợ chồng tân tòng xin lặp lại lời cam kết hôn nhân, linh mục có thể chiều ý họ. Và nếu họ cũng xin, thì có thể đọc lời chúc hôn dành cho đôi hôn phối như trong thánh lễ hôn phối.
7. Khi rửa tội cho một người tân tòng đã kết hôn hợp pháp, nếu người bạn đời của họ không muốn trở lại, có cần phải chứng hôn lại không?
Thưa : Khi rửa tội cho một người tân tòng đã kết hôn hợp pháp, nếu người bạn đời của họ không muốn trở lại, thì không cần phải chứng hôn lại, cũng không cần xin miễn chuẩn khác đạo. Nhưng linh mục chánh xứ cần giải thích cho họ về những bổn phận của hôn nhân theo thiên luật, kể cả bổn phận trong hôn nhân khác đạo. Linh mục ghi chú về hôn phối tự nhiên vào sổ rửa tội. Sau khi rửa tội, người tân tòng này được hưởng mọi quyền lợi như người công giáo.
Lm. Gb Nguyễn Đăng Tuệ
Đại diện Tư pháp Gp.Xuân Lộc