Ðiều Răn Thứ Tám
TÔN TRỌNG SỰ THẬT
Các ngươi còn nghe luật dạy người xưa rằng: "Chớ bội
thề, nhưng hãy trọn lời thề đối với Chúa" (Mt 5, 33).
Sống trong một hoàn cảnh xã hội xô bồ, không biết
đâu là thật đâu là giả. Mọi thứ “thật”, người ta có thể biến ra giả một các dễ
dàng, và ngược lại! Chính vì thế chúng ta cần sáng suốt nhận ra sự thật này. Trong
tin mừng Chúa Giêsu đã khẳng định: “có thì nói có, không thì nói không; nói
thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5, 37). Ngoài ra, Chúa còn dạy: “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 23). Với Lời Chúa và giáo huấn
của Giáo Hội, chúng ta cùng tìm hiểu:
I. SỐNG TRONG SỰ THẬT VÀ LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT.
Xét về mặt tự nhiên, người ta không thể sống chung với nhau
được nếu không tín nhiệm nhau, và khi người sống chân thật sẽ biểu lộ ra sự
lương thiện và cẩn mật, nói điều phải nói và giữ kín điều phải giữ kín. Hơn nữa,
Chúa Giêsu muốn chúng ta đi vào đời sống siêu nhiên bằng cách Ngài dạy các môn đệ phải yêu mến chân lý vô điều kiện: Trong
lời ăn tiếng nói của anh em, "hễ có thì phải nói có",
"không thì phải nói không" (Mt 5, 37).
Mặt khác, người môn đệ Ðức Ki-tô chấp nhận "sống trong
chân lý", nghĩa là sống đơn sơ và thành thật theo gương mẫu của Chúa.
"Nếu chúng ta nói là chúng ta được hiệp thông với Người,
mà lại sống trong tối tăm,
thì chúng ta nói dối, và không hành động theo sự thật" (1Ga 1, 6). Và nhìn vào Chân Lý toàn vẹn để điều chỉnh đời sống
của ta. Chính vì thế, là người Ki-tô hữu, chúng ta còn được mời gọi sống làm
chứng cho chân lý bằng lời nói và hành động: không gian dối, giả vờ, đạo đức
giả. Dám tuyên xưng đức tin, can đảm lấy máu mình làm chứng cho chân lý đức tin
như các vị Thánh anh hùng tử đạo.
II. NHỮNG XÚC PHẠM ÐẾN SỰ THẬT
Thánh Phaolo khuyên chúng ta hãy: "mặc lấy
con người mới, là con người sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự
công chính và thánh thiện" (Ep 4, 24). Và loại trừ mọi hành vi làm tổn hại
đến sự thật:
1. Làm chứng dối, thề gian: Công khai nói
nghịch với sự thật là một lỗi nặng. Trước tòa án, lời nói như thế là chứng
dối (x. Pr 19, 9). Khi nói dối mà còn thề, thì đó là thề gian. Chứng
dối và thề gian sẽ dẫn đến một người vô tội bị kết án hoặc can phạm được gỡ tội
hoặc gia tăng hình phạt cho bị cáo (x. Pr 18, 5), làm cho các thẩm phán đi đến
những phán quyết lệch lạc.
2. Tôn trọng thanh danh của người khác:
·
Phán đoán hồ
đồ, nghĩa là khi không có đủ bằng chứng để kết tội người khác. Ðể tránh làm điều này, chúng ta phải cố
gắng cắt nghĩa tốt cho ý nghĩ, lời nói và việc làm của tha nhân.
·
Nói xấu nghĩa là
khi tiết lộ những tật xấu và những lỗi lầm của kẻ khác cho những người chưa
biết (x. Kn 21, 28).
·
Vu khống tức là
khi dùng những lời ngược với sự thật mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cớ
cho người ta phán đoán sai lầm về người ấy.
·
Phải loại
trừ mọi lời nói hoặc thái độ như nịnh hót, a dua, tâng bốc, khoe khoang, mỉa mai và châm biếm.
·
"Nói
dối là nói sai sự thật, với ý định đánh lừa kẻ khác" (T. Âu-tinh,
mend.4, 5). Khi nói dối người ta
trực tiếp xúc phạm đến chân lý. Tội nói dối nặng hay nhẹ tùy
theo mức độ làm sai lạc chân lý, tùy theo các hoàn cảnh và ý định của kẻ nói
dối, tùy theo những thiệt hại mà nạn nhân của nó phải hứng chịu. Ngay cả khi
nói dối chỉ là tội nhẹ, cũng trở thành tội trọng nếu vi phạm nặng nề
đến công bình và bác ái.
Ai lỗi
phạm đến công bình và chân lý, đều phải đền bù, dù đã được thứ tha. Khi
không thể đền bù cách công khai, thì phải làm kín đáo; nếu không thể đền bù
cách trực tiếp cho người bị hại, thì phải đền bù về tinh thần vì đức bác
ái. Ai lỗi phạm đến thanh danh kẻ khác, cũng phải đền bù như
thế. Phải đền bù tinh thần và đôi khi về mặt vật chất, tương xứng với
thiệt hại đã gây ra. Ðây là nghĩa vụ lương tâm.
III. TÔN TRỌNG SỰ
THẬT
Con người
có quyền được thông truyền chân lý nhưng thông truyền phải phù hợp với luật
bác ái huynh đệ của Tin Mừng.
·
Bí mật toà giải tội là thánh
thiêng và không được tiết lộ vì bất kỳ lý do nào. "Bí mật toà giải tội là
bất khả vi phạm; do đó tuyệt đối cấm linh mục giải tội tiết lộ về hối nhân bất
cứ điều gì, bằng lời nói hoặc một cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì (x. CIC,
can 983, 1)".
·
Những bí mật nghề nghiệp, dù không
buộc phải giữ kín, nhưng cũng phải được tôn trọng và không được tiết lộ
những chuyện riêng tư có thể gây tổn hại cho tha nhân trừ khi có lý do
hệ trọng và cân xứng.
IV. PHỤC VỤ
SỰ THẬT
1. Những phương tiện truyền thông xã hội.
Trong xã hội
hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội giữ một vai trò quan trọng trong
lãnh vực thông tin, phát huy văn hóa và đào tạo con người. Vai trò này lớn dần
theo các tiến bộ kỹ thuật theo lượng thông tin phong phú và đa dạng cũng như
theo ảnh hưởng trên công luận.
Các phương tiện
truyền thông phải phục vụ công ích (x. IM 11). Để hiểu rõ điều này chúng
ta cùng xem sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày quốc tế Truyền
Thông lần thứ 51 (2017) như sau:
“Nhờ
sự tiến bộ của công nghệ mà việc truy cập các phương tiện truyền thông giúp
nhiều người có thể chia sẻ tin tức cho nhau ngay lập tức và làm cho tin tức lan
rộng. Những tin tức ấy có thể là tốt hay xấu, thật hay giả. Các Kitô hữu tiên
khởi đã so sánh tâm trí con người với những chiếc cối nghiền liên tục, nhưng
vấn đề là người chủ chọn nghiền thứ gì trong máy nghiền đó: lúa tốt hay cỏ dại.
Tâm trí chúng ta luôn “nghiền”, nhưng tuỳ chúng ta chọn bỏ thứ gì vào trong máy
nghiền (x. Thánh John Cassian, Epistle to Leontius).
Tôi
muốn gửi thông điệp này đến tất cả những ai, dù trong công việc chuyên môn hay
tương quan cá nhân, tựa như chiếc máy nghiền, hằng ngày “nghiền” thông tin với
mục đích cung cấp lương thực bổ dưỡng cho những ai họ muốn truyền đạt. Tôi muốn
khuyến khích mọi người dấn thân bằng các hình thức truyền thông mang tính xây
dựng, để loại trừ thành kiến đối với nhau, và cổ võ văn hóa gặp gỡ, giúp tất cả
chúng ta nhìn thế giới xung quanh bằng thực tiễn và sự tin tưởng”.
Ngày nay
việc thông tin rất dễ bị xuyên tạc sai sự thật. Do đó, cả người
truyền bá lẫn người đón nhận phải tạo cho mình một lương tâm sáng suốt
và ngay thẳng, để có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện.
Vì bổn phận nghề nghiệp, những người có trách
nhiệm thông tin, khi phổ biến tin tức phải phục vụ chân lý nhưng không được lỗi
phạm đức bác ái. Họ cũng phải để tâm vừa tôn trọng bản chất các sự kiện vừa tôn
trọng những giới hạn khi phê bình người khác. Không bao giờ được bôi nhọ người
khác.
2. Thẩm mỹ và
nghệ thuật thánh.
Lời
nói chân thật là cách diễn tả về Thiên Chúa. Con người diễn tả chân lý
bằng nhiều hình thức khác nhau, bổ túc cho nhau, nhất là khi phải nói lên điều
không thể diễn tả bằng lời; đó là những tác phẩm “nghệ thuật thánh” mà
Thiên Chúa ban cho con người dùng chúng mà phụng thờ và tôn vinh Chúa.
Trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum
Concilium) có ghi nhận giá trị như sau:
122.
Giá trị của nghệ thuật thánh. “Trong những
hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất
là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật
thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô
biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho
Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm
chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí
người ta về cùng Chúa”.
Như thế nghệ thuật thánh phải nhằm mục đích
ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa và những gì không thích hợp sẽ loại
trừ ra khỏi phụng vụ.
Nói tóm
lại, người Kitô hữu được mời gọi sống và làm chứng cho sự thật, tôn trọng và
phục vụ sự thật như ý Chúa muốn trong mọi lãnh vực và mọi khía cạnh của cuộc sống.
Sự thật còn đem lại sự giải thoát cho chúng ta. Vì thế, Giáo Hội tha thiết mong
con cái mình hãy sống tự do trong ơn nghĩa Chúa và can đảm làm chứng cho Chúa
Kitô là Sự Thật. Và cố gắng tránh mọi hành vi gian ác, bênh vực công lý, hầu
xứng đáng là trở thành người Kitô hữu đích thật.
Nt. Maria Nguyễn Thị Hường, OP.
x. Sách GLCG số 2464 – 2513.