Trang Chủ > Suy Niệm

CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH

PHƯƠNG PHÁP LECTIO DIVINA

Thứ Bảy sau Chúa Nhật XX Thường niên B

Mt 23,1-12.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin hãy đến và ban cho con ân sủng của Ngài,

để con lắng nghe được tiếng Chúa nói,

để con hiểu được điều Chúa dạy cho chính con,,

để con biết cầu nguyện với Chúa bằng tất cả con người con.

Và cuối cùng,

Xin cho con biết ra đi và thực hiện những gì Chúa muốn nơi con. Amen.

Lectio ( Đọc) Mt 23,1-12

Đọc lần 1 : Đọc chậm – đọc thành tiếng, để Lời Chúa khắc ghi, thấm sâu vào tâm hồn. Đọc Lời Chúa với con tim khát khao muốn nghe Chúa nói.

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".

8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên."

Buông sách – nhắm mắt- nhẩm đi nhẩm lại Lời Chúa. Thinh lặng để Lời Chúa đi vào trong trí, trong tâm hồn, trong cảm xúc.  

Đọc lần 2 ( hoặc thêm nhiều lần khác) : Đọc lại bản văn, nghe Lời bằng cả con tim, bằng trọn trí tuệ, bằng cả con người.

Meditatio -  Suy niệm.

Đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần trong một chuỗi những phê bình, chỉ trích chống lại các kinh sư và người Pha-ri-sêu ( Mt 23,1-39). Trong Luca và Mat-cô chỉ có một số ít dòng chỉ trích chống đối lại những người lãnh đạo dân Do Thái thời đó. Chỉ có Tin Mừng của Mát-thêu mới có một chuỗi dài trình bày những lời chỉ trích chống đối này. Điều này sẽ làm cho chúng ta nhìn ra được cách tranh luận tôn giáo đã có trong cộng đồng của Mát-thêu với cộng đồng người Do Thái ở Ga-li-lê và Sy-ri-a vào thời đó.

Mt 23, 1-3 :  Đức Giê-su đã nói thẳng với đám đông và các môn đệ, và chỉ trích những kinh sư và người Pha-ri-sêu. Lý do khiến Đức Giê-su tấn công những kinh sư và người Pha-ri-sêu là do sự bất nhất giữa lời họ nói và việc họ làm. Họ nói nhưng lại không làm. Ngài biết sức mạnh của quyền lực và kiến thức của các kinh sư khi họ dựa vào truyền thống, vị trí tôn giáo mà họ có "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm"

Mt 23, 4-7: Đức Giê-su liệt kê ra các điểm thay đổi khác nhau cho thấy sự rời rạc, bất nhất này. Một số kinh sư và Pha-ri-sêu áp đặt luật nặng nề trên dân. Họ rất thông thạo luật, nhưng không thi hành luật, nhưng họ cũng chẳng dùng sự hiểu biết về luật để làm nhẹ bớt đi sức nặng của luật lệ trên vai của đồng loại. Họ chỉ quan tâm và chú ý đến bản thân và làm mọi chuyện để mọi người nhìn thấy và khen ngợi mình, “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi". Họ đại diện cho một nhóm được cộng đồng xã hội nuôi dưỡng, hợp pháp hóa , làm nên sự khác biệt của các tầng lớp xã hội. Nhóm này đã hợp thức hóa các đặc quyền của kẻ mạnh và vị trí thấp kém của những người bé mọn trong xã hội thời đó. Trong niềm tự hào tôn giáo, họ không chỉ đánh bóng hình ảnh của mình bằng những tua áo, những cái bên ngoài mà họ tưởng sẽ làm cho họ thành người công chính và người đứng đầu về luật lệ; họ chiếm ghế danh dự ở các nơi quan trọng và ưa thích danh hiệu “ ráp-bi” mà người khác gọi mình. Trong sự nhiệt tâm sai trái của họ đối với tôn giáo, các kinh sư và người Pha-ri-sêu tìm kiếm để được tôn trọng, được vinh dự cho mình hơn là dành cho Thiên Chúa.

Mt 23, 8-12: Lối tìm kiếm danh hiệu cao trọng “ ráp-bi” đã đẩy họ vượt ra xa vị trí thực của họ và đi lấn tới uy quyền của Thiên Chúa. Đức Giê-su phơi bày rõ cái cốt lõi của sự ngạo mạn quyền uy tôn giáo sâu xa và sự nguy hại của nó khi tự nâng mình lên và muốn người khác coi mình là thầy, là người lãnh đạo. Đó là một sự kiêu ngạo của con người, muốn lấn quyền Thiên Chúa.

“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” là điều mà Đức Giê-su giải thích cho mọi người hiểu về vị trí, danh dự thật của người phục vụ, mà ai muốn đi tìm một “chỗ đứng” hơn anh em mình. Với Thiên Chúa, người lớn nhất là người hạ mình thấp xuống trước tha nhân, trước đồng loại. Đó là người kính thờ Thiên Chúa qua lối sống biểu tỏ những đức tính căn bản, sự nhân từ và lòng tốt đối với đồng loại.

Tôn thờ Thiên Chúa và đi trên con đường của Ngài làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn hơn trong cách sống đạo, với sự đơn sơ của tâm hồn. Từ “ môn đệ” có nghĩa dành cho người biết lắng nghe để học hỏi. Đức Giê-su cho chúng ta biết con đường của Chúa Cha chính là con đường của bình an, niềm vui, sự công chính, thánh thiện và hạnh phúc thật. Đức Giê-su chỉ cho chúng ta biết con đường của sự tự hạ nơi chính Ngài, một sự tự hạ, khiêm tốn để đón nhận cái chết trên thập giá, để chúng ta được nâng lên và vui sướng ở trong bàn tay yêu thương của Chúa Cha trên trời ( x. Pl 2,1-11). Sự khiêm tốn thật sự là gì ? Khiêm tốn là nhận biết thật chính mình, nhìn mình với tất cả mình có như Thiên Chúa nhìn thấy mỗi người chúng ta. Khiêm tốn không cậy dựa vào bản thân., nhưng cậy dựa vào Thiên Chúa và vào sức mạnh tình yêu và ân sủng cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Khiêm tốn thật là một đức tính giống như người phục vụ, một đức tính mà nó có thể làm cho ai đó đặt cuộc sống họ chỉ vào mục đích là  phục vụ Thiên Chúa và tha nhân mà thôi.

 Phải chăng, lúc này, trong tôi cũng có hình ảnh của một kinh sư hay của một Pha-ri-sêu đang bị Đức Giê-su khiển trách? Bởi,

Tôi nệ luật ? Tôi sống đạo giả dối ? Tôi cũng bất nhất trong lời nói và hành động ?

Tôi cũng đánh bóng bản thân bằng những cái bên ngoài, bằng những hành động phô trương đạo đức ?

Tôi kể lể - trình chiếu mãi những thước phim các thành tích, các việc đã làm cho người khác, để mong được lời khen tặng, và để người khác nể phục ? 

Tôi tìm mình hơn là tìm vinh danh Chúa ?

Một cái tôi kiêu ngạo?...

 Oratio – Cầu nguyện với Thiên Chúa.

Lạy Chúa,

Có lẽ, con cũng chẳng hơn gì những người kinh sư và Pha-ri-sêu xưa. Con cũng đang cúi mặt để nghe Chúa trách mắng, để nhìn thấy cái tệ hại của chính mình.

Con ...bỗng thấy mình sao ngu dại, rỗng tuếch và giả dối. Còn cái gì tệ hơn nữa trong con, Chúa ơi ?

Con bỗng chợt nhận ra trong con có một kẻ tầm thường, xấu hổ và thật tội nghiệp khi kẻ ấy thích đi tìm danh vọng, thích được ca tụng, thích tìm chỗ nhất, thích được thiên hạ tâng bốc...

Và con chợt hiểu,

Con không sống, không làm mọi việc vì tình yêu,

Con chỉ đi  tìm chính mình,

chứ không phải tìm Chúa và anh em con!

Contemplatio - Chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

“ Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa...nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế...” ( x.Pl 2,6-11))

Actio – Thực hành.

Thi hành sứ vụ để làm Vinh Danh Chúa,

trong tình yêu và sự khiêm tốn.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Mồng Ba Tết - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Mồng Ba Tết - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Mùng Hai Tết - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Mùng Hai Tết - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Mồng Một Tết - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Mồng Một Tết - LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Mồng Một Tết - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa - LM ĐAN VINH-HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên_Lm.Phaolô NGUYỄN NGUYỆN
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XII Thường Niên: LÀM CHO NGƯỜI TA ĐIỀU MÌNH MUỐN _ Xuân Hạ, OMI

Các bài viết cũ hơn