5 lời gói gọn những
nét nổi bật của triều đại Giáo hoàng Phanxicô
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày Đức Giáo hoàng
Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng, 13/03/2013 -13/03/2018, báo Osservatore
Romano đã dùng 5 từ để diễn tả những nét nổi bật trong chương trình hành động
và giáo huấn của ngài.
1. Lòng Thương xót
Ngày 22/02/2016, sau buổi đọc Kinh Truyền
tin tại quảng trường thánh Phêrô, 40 ngàn hộp “Lòng thương xót” đã được phân
phát cho các tín hữu hiện diện tại quảng trường. Hộp nhỏ này giống như một hộp
thuốc tây nhưng bên trong có một tràng chuỗi Lòng thương xót có 59 hạt, một tấm
ảnh Lòng Chúa thương xót và một mẩu giấy nhỏ ghi liều lượng và lời hướng dẫn có
ghi “cuộc cách mạng của sự dịu dàng.” Đây là phương pháp chữa bệnh thiêng liêng
để chữa trị và chữa lành trái tim và tinh thần.
Lòng thương xót là phương pháp trị liệu
nhưng đồng thời cũng chẩn đoán căn bệnh của Giáo hội. Sứ điệp căn bản nhất,
lòng cảm thông và thương xót của Chúa Kitô, là sứ điệp cần được Giáo hội rao
truyền. Đấng Cứu Thế không từ chối ai, đặc biệt là những người tránh né Giáo
hội, những người ít đi xưng tội nhất, những người mà sự chua chát của lương tâm
con người phát triển, nó thuyết phục họ 2 điều: họ không bao giờ có thể thoát
ra khỏi khu ổ chuột của họ và Thiên Chúa không bao giờ tha thứ cho họ.
Dù cho sứ điệp của lòng thương xót đã có
từ lâu và vào thời thánh Faustina và thánh Giáo hoàng Gioan 23 đã nói nhiều đến
sứ điệp này nhưng công chúng vẫn nhìn Giáo hội như một người canh giữ đạo đức
nghiêm khắc. Nhấn mạnh đến việc xưng tội, cử hành Năm thánh đặc biệt về lòng
thương xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thành công trong việc gây chú ý với dân
chúng và rao truyền sứ điệp thiêng liêng của tình yêu vô điều kiện của Thiên
Chúa, đó là lòng thương xót. Những gì các vị tiền nhiệm của ngài gieo vãi, giờ
đây ngài thu hoạch với mùa gặt bội thu, dưới hình thức nuôi dưỡng tinh thần cho
tất cả.
2. “Đi ra”
Đây là từ bao gồm sự mới mẻ của triều đại
Giáo hoàng Phanxicô, tâm điểm của chương trình mục vụ được chính ngài trình bày
trong tông huấn “Niềm vui Phúc âm.” Trước nhân loại đau khổ trăm chiều, Đức
Giáo hoàng muốn giải thích rằng phải mang Tin mừng đến các vùng ngoại vi như
lời Chúa nói với các tông đồ: Anh em hãy ra các đường phố và ngã tư: mời gọi
tất cả những người anh em sẽ gặp, không loại trừ ai. Trên hết, anh em hãy đồng
hành với những người ở bên vệ đường, người què quặt, mù lòa, câm điếc. Không
xây các tường và biên giới, nhưng các quảng trường và bệnh viện từ các cánh
đồng. Đức Giáo hoàng nói với các Giám mục Ý về cách thức của Giáo hội “đi ra”,
có khả năng an ủi, trợ giúp, cứu chữa và trên hết là làm cho người ta nhìn thấy
lòng thương xót của Chúa.
Giáo hội đi ra là một Giáo hội đi tìm
những ai lạc bước và đón tiếp những ai xin Giáo hội trợ giúp. Do đó, Giáo hội
linh động trong việc “đi ra”, bởi vì được linh động bởi sức mạnh giải phóng và
canh tân của Lời Chúa. Nhưng đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, “đi ra cho thấy
một bước đi trước: của sự hoán cải, bởi vì người ta không sẵn sàng nếu trước đó
họ không đi ra khỏi chính mình, đến với Thiên Chúa và tha nhân.
Sự sẵng sàng lắng nghe trong động thái đi
ra là một trong những chìa khóa giải thích giúp hiểu tất cả hoạt động của Đức
Giáo hoàng Phanxicô, là cách thức ngài nhìn các dấu chỉ của bản chất truyền
giáo của Giáo hội. Ngài đã có trực giác về giáo hội và mục vụ để đi ra ngoài,
đi đến vùng ngoại ô và bắt đầu từ những nơi này, quay nhìn lại, ở đó, nơi mà
với việc cử hành Bí Tích Thánh Thể trong sự hiệp thông, ngài tìm thấy hình ảnh
của Giáo Hội mà ngài yêu thích: hình ảnh này được diễn tả trong Hiến chế Lumen
gentium – Ánh sáng muôn dân, Giáo hội của “dân tộc trung tín của Thiên Chúa.”
Giáo hội “đi ra” cũng có nghĩa là ra khỏi
sự tự quy chiếu đóng kín mình trong “một nhà nguyện nhỏ chỉ có thể chứa một
nhóm nhỏ người được lựa chọn.”Giáo hội truyền giáo hướng đến một thế giới nơi
thắng vượt sự “toàn cầu hóa dửng dưng”. Đó là sự dửng dưng tạo nên một nền văn
hóa loại bỏ, dựa trên sư nổi trội của lợi ích cá nhân mà Đức Giáo hoàng
Phanxicô cho là trái với Tin mừng của lòng thương xót.
3. Người nghèo
Khi các lá phiếu của các Hồng y trong mật
nghị Giáo hoàng được đếm xong và Hồng y Bergoglio được chọn, mọi sự không thể
thay đổi nữa, Đức Hồng y Hummes người Braxin ngồi bên cạnh vị tân Giáo hoàng
nói nhỏ vào tai ngài “Ngài đừng quên người nghèo nhé.” Lời gợi ý này như tiếng
Chúa thầm thì, là cơn gió mát của Chúa Thánh Thần vang lên trong tâm trí của vị
Giáo hoàng người Argentina, “người nghèo, người nghèo.” Ngay lập tức một lời
khác xuất hiện trong lòng ngài. Thánh Phanxicô. “Một người nghèo khác.” Những
người mà xã hội không kể đến, bị kết án phải sống cách vô danh, đã đặt tên cho
vị tân Giáo hoàng. Chương trình của ngài cho mọi tín hữu Công giáo: “Tôi mơ một
Giáo hội nghèo và vì ngừoi nghèo.” Mơ chứ không hoang tưởng.ù
Từ lúc đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đi đến
các vùng ngoại ô của thế giới, đến với người nghèo thuộc mọi hoàn cảnh, từ một
bé gái người Philippines đến những bà mẹ tù nhân ở Colombia. Ngài rửa chân cho
một người di cư Hồi giáo và đưa tay ra với những người Rohingya bị ngược đãi.
Ngài đón nhận sự nghèo khó như cách sống của ngài. Đối với ngài, sự nghèo khó
là Tin mừng, nơi có thể khám phá gương mặt của Chúa Giêsu. Đón nhận sự nghèo
khó, Đức Phanxicô cũng đồng thời lên án các nguyên nhân gây nên nghèo khó và
chống lại chúng. Người nghèo luôn ở hàng đầu trong quan tâm của ngài. Từ giây
phút ngài được chọn làm Giáo hoàng và cho đến hôm nay.
4. Các vùng ngoại biên
Ngay lập tức, Đức Phanxicô mang vùng ngoại
biên đến Vatican qua cách nhìn của ngài. Nhìn thế giới từ cái nhìn của vùng
ngoại biên đã soi chiếu các hành động và quyết định của triều đại Giáo hoàng
của ngài. Từ chuyến đi đầu tiên đến Lampedusa để gặp hàng ngàn người di cư, đến
những chuyến đi đến biên giới giữa Mêhicô và Hoa kỳ, những nơi ngài chứng kiến
các thảm kịch của người di dân, những vùng tuyệt vọng nhất trên trái đất. Đức
Phanxicô biết rằng từ các vùng ngoại biên sản sinh ra sự dữ và cũng có thể từ
đó phát sinh điều tốt cho thế giới.
Hai hành động mạnh mẽ nhất ngài đã thực
hiện; thứ nhất là thông điệp Laudato Sì, trong đó ngài đảo lộn hoàn toàn quan
điểm thông thường về vẫn đề ô nhiễm. Thay vì những phàn nàn vì khói bụi, ngài
nói đến sự trả giá nặng nề và bất công mà những người sống ở các nước nghèo
phảit rả cho sự pjáy triển không quan tâm đến nhu cầu của con người và thiên
nhiên, nhưng chỉ để đạt được lợi nhuận. Hành động thứ hai là khai mạc Năm Thánh
Lòng Thương xót tại Bangui, Phi châu. Khi Đức Phanxicô mở cánh cửa nhà thờ
nghèo nàn, giữa một dân số bị chiến tranh tàn phá, cả thế giới hiểu rằng chính
Giáo hội khải hoàn đã tỏ cho thấy vẻ đẹp và sự sang trọng của nó đã vượt qua
đền thờ thánh Phêrô.
Nhưng còn một vùng ngoại biên khác mà Giáo
hội cần giúp đỡ, nó ở ngay trung tâm Giáo hội: đó là các người nữ, các nữ tu,
các nữ giáo dân, họ có nhiều điều cần nói, nhiều điều để trao ban và họ không
được lắng nghe.
5. Ma quỷ
Trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện
thánh Marta sáng 11/04/2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Trong thế kỷ 21
này có ma quỷ và chúng ta phải học từ Tin mừng cách chiến đấu chống lại nó.”
Ngài không chú tâm đến việc miêu tả ma quỷ, “tên gây chia rẽ” không ngừng chia cắt
chúng ta khỏi Thiên Chúa và làm chúng ta chống đối nhau. Đối với ngài, điều
quan trọng là Kitô hữu biết chiến đấu từng ngày chống ma quỷ bằng cách dùng khí
cụ Tin mừng. Các vũ khí Tin mừng là chính Chúa Giêsu Kitô, được tinh luyện với
sự phân định – các ý nghĩa, lời nói, hành động – đưa đến việc nhận ra những gì
đến từ Thiên Chúa và những điều đến từ sự ác. Sự phân định biết nhận ra cám dỗ
của ma quỷ xuất hiện trong chúng ta; nó có 3 đặc tính là lớn lên, lây lan và tự
biện minh.” Do đó phải chiến đấu với vũ khí Lời Chúa, là thứ thẩm thấu và vận
hành một sự phân rẽ trái ngược với sự chia rẽ của ma quỷ, soi sáng một tâm thức
đặt Kitô hữu trở lại vị trí đi theo Chúa, làm bằng phẳng lối đi, hướng dẫn Kitô
hữu hoán cải. Chính sự chuyên cần với Lời Chúa ngăn cản sự cám dỗ phát triển và
đâm rễ, ngăn chặn nó lây lan và tiêu diệt những lời biện minh của nó
Đồng thời Chúa Thánh Thần chiến đấu trong
chúng ta và cạnh chúng ta, an ủi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi thất vọng,
loan báo cho chúng ta tin mừng của Thiên Chúa, Đấng tha tội lỗi của chúng ta.
Khuôn mặt thương xót này của Chúa là thuốc giải độc mà Đức Phanxicô luôn nhắc
nhớ để củng cố các Kitô hữu trong cuộc đấu tranh chống ngẫu tượng của họ và để
an ủi những người bị cám dỗ để hiến thân cho ma quỷ. Đó là Chúa Giêsu -
được kể lại và rao giảng trong Tin Mừng, Đấng đã phá vỡ bức tường ngăn cách,
tạo nên sự hiệp nhất của hai dân tộc (xem Êphêsô 2, 14) và mỗi ngày đều tái tạo
sự hiệp thông giữa các môn đồ - Đấng duy nhất đánh bại tên chia rẽ và hiệp nhất
trái tim của chúng ta. Hơn nữa, Đức Giáo hoàng đã khẳng định điều này ngay sau
khi ngài được làm Giáo hoàng khi trích dẫn Léon Bloy: “Khi người ta không tuyên
xưng Chúa Giêsu Kitô thì người ta tuyên xưng thế giới của ma quỷ.”
(L'Osservatore Romano 13/03/2018)
Hồng Thủy
Nguồn: vi.radiovaticana.va